Chương 4
TRĂNG SOI ĐƯỜNG MÒN

Chúng ta đã biết cuối thu 1947 Hiển và Tài ở mặt trận sông Cầu miền Nam Trung bộ về làng (Hạc Thủy) nghỉ mấy ngày, sau đó mỗi người một ngả: Tài lên dự mặt trận sông Lô rồi hoạt động vùng Đông Bắc, Hiển lên mặt trận Tây Bắc rồi sau cùng dự chiến dịch bao vây Nà Sản.
Mặt trận Tây Bắc thoạt đầu nhẹ mà về sau hóa ra nặng. Ngày Nhật đảo chính (mùng chín tháng ba 1945) bộ đội Pháp ở Hà Giang – Lai Châu lùi sang Tàu. Khi hay tin Nhật đầu hàng – mùng hai tháng tám 1945 – quân Pháp lại từ Tàu nhảy về Hà Giang Lai Châu với tư thế một kẻ háu ăn nhảy đại vào mâm, gắp đại vài miếng trước, “của ăn là của được”!
Dời làng Hạc Thủy, từ biệt cô em gái (Miên) – Hiển theo bộ đội lên Hà Giang quấy rối, đánh tỉa quân Pháp trong những trận đột kích, phục kích nhỏ. Mùa thu 1948 Hiển xung phong xin chỉ huy một đại đội – chừng một trăm người – đương sắp từ mặt trận Đông Tây côn lĩnh sang đột kích đồn Pháp bên mặt Tây núi này. Ban chỉ huy không chọn Hiển mà chọn một anh bạn khác hơn Hiển chừng ba bốn tuổi và tương đối thông thạo đường Tây côn lĩnh hơn.
Bộ đội xuất phát bên này rặng núi từ ba giờ sáng, ba giờ chiều hôm sau mới sang tới bên kia gặp đồn Tây ngay dưới chân núi. Quân ta bò qua ruộng mía. Chó sủa. Người Mán Cao lan tự trong bản ra trông thấy, tru tréo lên. Địch bắn tới tấp.
Biết cơ sự bại lộ, quân ta rút lui tức khắc, mang theo mấy người bị thương. Mooc-chi-ê địch bắn chặn đầu, quân chúng tự trong đồn kéo ra truy kích. Đồng đội đã có những người tử thương, đành bỏ xác lại. Mười hai giờ khuya mới rút lên đỉnh núi. Rét! Rét lắm. Áo vải trong, áo trấn thủ ngoài, tấm mền tung ra để quàng phủ kín đầu, tất cả đều như đan bằng sợi giá băng. Lạnh cắn ngập da, tràn vào thớ thịt, lan vào mạch máu, thấm sâu vào cơ thể.
Tây côn lĩnh cao 2431 thước sừng sững trên địa phận cao nguyên Păc-Kha, ở đúng vào miền ranh giới Lao Kay Hà Giang, ngay sát chí tuyến Cancer (sát ranh giới miền lạnh), ở sâu trong lục địa, rất xa biển. Trong miền đóng kín này các thung lũng thấp bên dưới (thung lũng sông Nhị Hà, thung lũng sông Cháy, thung lũng sông Lô) chỉ nhận được luồng gió lạnh duy nhất tự nội địa Vân Nam đổ về.
- Đi đi các anh, còn đi được thì sống! – anh chỉ huy nói lớn vừa để thúc giục, vừa để khuyến khích, đồng thời cũng là lời cảnh cáo.
Những người bị thương đã chết lạnh ở dọc đường hết cả.
- - Đi đi các anh, còn đi được thì sống! – lời anh chỉ huy luôn luôn vang lên nhắc nhở… nhắc nhở từ chính anh rồi đến mọi người.
Số người đi chậm lại, tụt về phía sau, gục chết đâu đó đã khá nhiều.
- Đi đi các anh, còn đi được thì sống! Chết rét là cái chết buồn ngủ, ngồi xuống ngủ gục là chết! – anh chỉ huy thêm vào lời căn dặn lời giải thích.
Cái lạnh là con quái vật khổng lồ gồm cả rừng núi Tây côn lĩnh, hình như gồm cả vòm trời bên trên nữa, tiếng gió gào ngàn là hơi thở của nó, bóng tối là miệng nó há ra nuốt chửng… nuốt chửng từng nạn nhân.
- Đi đi các anh, còn đi được thì sống! – tiếng anh chỉ huy xem ra cũng yếu lắm rồi.
Bước đi đều đều, bóng người loi thoi, hơi thở nhẹ dần không thấm được vào hơi lạnh ở ngay cửa miệng, rồi hơi thở nhẹ bỗng cùng với tâm trí... Hơi thở ngừng, tâm trí tan biến! Ngủ!
Lâu rồi không nghe thấy tiếng anh chỉ huy cất tiếng nói “Đi đi các anh…” Không biết giấc ngủ đã tràn vào mênh mang và cưỡng đoạt mất lời thúc giục đó của anh tự lúc nào.
Khoảng hai, ba giờ sáng mấy người sống sót đã đến lưng chừng núi bên này địa phận của ta mà cũng không chống nổi buồn ngủ. Thế là cả đại đội – trừ mấy người bị thương ngay dưới chân núi bên kai – đều đã ngủ gục rải rác suốt dọc đường từ lừng chừng núi bên kia tới lưng chừng núi bên này. Duy chỉ còn một người sống sót; người đó không phải là bộ đội mà là một đồng bào thiểu số địa phương được cử đi theo để chỉ đường giúp.
Ta thảm bại vì quân báo kém, cán bộ báo cáo sai. Quân báo không nắm vững tình hình địch, không báo rõ vị trí địch cách chân núi bao xa, nên khi bộ đội vừa tới chân núi không ngờ là đã tới sát đồn địch. Cán bộ báo cáo dân tình hoàn toàn theo ta; sự thực người Mèo ở trên cao, người Mán Cao lan ở dưới thấp đều ở rất rải rác, cán bộ đi thăm ba gia đình ở ba bản khác nhau là vừa hết một ngày rồi, ấy là nói lúc cán bộ đã hoàn toàn thuộc đường, biết trước chặng đi chặng nghỉ. Như vậy làm sao mà nắm vững được dân tình?
Cần ghi thêm điều này nữa: bộ đội ta ăn đói nên sức chịu rét bị giảm nhiều.
Chừng ba tháng sau bộ đội Hiển vượt Tây côn lĩnh, lần này rút kinh nghiệm lần trước, chuẩn bị kỹ càng hơn, chính xác hơn, quân ta thành công tương đối dễ dàng. Lúc đi cũng như lúc về gặp xác đồng đội cũ bèn chôn cất ngay, xác chưa hề thối.
II
Khoảng 1949-1950 địch gây sóng gió tại mặt trận đồng bằng (Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên…) Hiển có dời Tây Bắc một lần xuống tiếp tay cho bộ đội chủ lực nơi đây. Hiển dự mấy trận công đồn tại Hưng Yên, nhưng rồi anh phải trở về ngay địa bàn hoạt động cũ của mình để chuẩn bị cho những chiến dịch lớn buộc địch phải phân tán lực lượng. Hiển cùng một số chỉ huy cao cấp phân công nhau làm những việc sau này:
- Nghiên cứu kỹ địa hình địa vật.
- Tăng cường quân báo để có đều đều những báo cáo chính xác về quân số, võ khí, nhịp di chuyển dịch.
- Tăng cường công tác dân vận.
- Định trước từng chặng di chuyển của quân ta: đơn vị số mấy nghỉ ở bản nào, chuẩn bị gạo ăn bao nhiêu bữa…
Công tác đòi hỏi nhiều trí thông minh, óc tổng hợp, lộ trình lại quá ư vất vả. Núi Tây Bắc ít nước, gặp được dòng suối nhỏ quý như gặp bạn hiền, ngày này qua ngày khác chỉ thấy một màu đá trắng đốm đen, nắng cháy cảnh vật và cháy cả cổ họng nữa. Một thời gian ngắn, Hiển phải lần vào điều tra vùng hậu địch theo “đường dây”, nghĩa là du kích từng địa phương tuần tự đưa chàng chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác.
Công tác chuẩn bị chiến trường hoàn tất, mọi người trở ra, tới Đan Hà (Yên báy), ôi chao, nhìn con sống Thao mừng như đi xa về gặp lại mẹ hiền, chị thảo: dòng sông đỏ hồng, hiển rộng, nước cuộn dạt dào, đôi bờ bát ngát màu xanh. Mọi người còn theo triền sông mà đi chừng nửa ngày nữa. Đồng bào Thổ ở vùng núi thấp này văn minh hơn ở vùng núi cao nhiều, nơi ăn chốn ở cũng như quần áo đều sạch sẽ, đồng hồ đeo tay, bút máy gài túi áo chàm… Lý do: vùng này tiền đường thủy, trước đây, thời Pháp thuộc chính là vùng đi lại của loại khách thwong chuyên buôn thuốc phiện lậu tự Nghĩa lộ ra, tự Bắc hà xuống. “Con voi” (đoàn người) của họ - nói đùa theo tiếng Pháp convoi - có khi gồm trên dưới trăm gánh. Kẻ gồng gánh thì được tiền công, kẻ chứa trọ thì được tiền lời, tiền thù lao họ nhận được rất là hậu hỹ (để hết lòng giúp đỡ khách thương và không báo đoan)
Cuộc chuẩn bị chiến trường này hoàn hảo đến nỗi sau đó bộ đội di chuyển chỉ mang súng thôi, khỏi phải đèo thêm bao gạo; ngày đầu đường ít dốc, có đơn vị hành quân năm mươi bước đi, năm mươi bước chạy đã đạt mức kỷ lục: mười một cây số một giờ.
Sau này – vào năm 1953 – tởm bộ mặt Cộng sản, một cán bộ cấp chỉ huy đơn vị này bỏ kháng chiến vào thành. Một tướng cao cấp Pháp gọi điện thoại cho Sở Mật thám Liên bang yêu cầu đưa anh tới cho y đích thân hỏi cung vài điều. Khi nghe anh nhắc lại kỷ lục đi chuyển mà bộ đội anh đã đạt được, y đập bàn nói lớn:
- Anh nói láo, người thường đi rảo cẳng chỉ có năm cây số một giờ, bộ đội còn vác nặng làm sao hành quân với tốc độ mười cây số giờ?
Anh cán bộ quy thuận điềm tĩnh đáp:
- Sự thực chuẩn bị chiến trường của chúng tôi chu đáo, bộ đôi không phải lo về vấn đề tiếp tế lương thực. Chúng tôi đi năm mươi bước, chạy năm mươi bước.
Tên tướng trợn mắt, nghiến răng nói khẽ nhưng giọng căm hờn hơn:
- Anh chính là bộ đội địch vận vào đây với nhiệm vụ đề cao thành tích của các anh dưới mắt chúng tôi.
Trở lại chuyện sau khi đã chuẩn bị chiến trường Tây Bắc xong, tháng mười năm đó vừa hết mùa mưa, ta đánh Nghĩa Lộ; địch bỏ Nghĩa lộ chạy về Sơn la; ta đánh Sơn la địch bỏ Sơn La rút về cố thủ tại Nà Sản, mở rộng đường bay, chuẩn bị rút về Hà Nội bằng không vận. Quân ta vây quanh, chặn đường ra vào, chưa tấn công vội vì địch tập trung tới sáu, bảy tiểu đoàn bên trong, đóng ở các cứ điểm phòng thủ, khó đánh lắm. Địch thừa hiểu chiến thuật của ta là đợi chúng rút vợi đi quá nửa, ta sẽ huy động một hai sư đoàn tấn công vào. Hiển có mặt trong suốt mấy tháng bao vây Nà Sản. Phi cơ địch vận chuyển như thường lệ, quân số địch lén rút theo gần hết, tới khi trong Nà sản chỉ còn chừng hơn một tiểu đoàn ta mới hay, không sao tập trung lực lượng kịp để đánh úp. Hai ngày sau địch rút hết! Xung quanh Nà sản chúng chôn hằng hà sa số mìn, đến nỗi hai năm sau ta vẫn chưa dò và đào được hết. bao nhiêu đường dốc treo (đường dốc một bên có vực) chúng cho nổ mình, đá đường chuội hết, xe không đi được đã đành, người cũng chịu nốt. Để địch cứu thoát toàn thể quân lực tại Nà sản, ta hoàn toàn thất bại trong chiến dịch bao vây này cũng chỉ vì quân báo kém.
Hiển được cử sang Tàu theo học lục quân khóa tám. Trước ngày đi anh xin phép về Hạc Thủy thăm em. Miên gặp anh chuyến này hẳn mừng lắm. Trên đường về chính anh cũng thấy bồn chồn và đôi khi muốn chảy nước mắt khi nghĩ tới đứa em gái mồ côi của mình
Nhưng trước khi gặp Hiển, Miên đã gặp Tài. Chúng ta cần đi người thời gian chút ít nhắc lại cuộc gặp gỡ này.
III
Ba tiếng kẻng vang từ nhà bếp báo cho toàn thể cơ quan biết đã đến giờ ăn. Miên cùng các bạn về giường mình lấy ca sắt và đôi đũa. Chiếc ca thoạt dùng làm bát, ăn xong ra suối rửa, ca lại dùng để uống nước. Phòng ăn gồm bốn chiếc bàn tre xếp thành hai hàng, chân bàn là cọc nứa chôn liền xuống đất. Không có ghế, mọi người ăn đứng.
Những người tới phòng ăn trước có giọng nói hoan hỉ:
- A, hoan hô đồng chí cấp dưỡng hôm nay có thêm món “trường kỳ”
Mọi hôm, mỗi bàn ăn chỉ có giá cơm với tảng cháy lớn úp lên trên và chiếc chậu sành canh cải hoặc canh rau muống nấu với muối. Những người còn dư tiền sinh hoạt phí thì mua sẵn ít cá mắm, mỗi bữa nướng một con gọi là “tẩm bổ lẻ”. Hôm nay bên chậu sành còn một bát sành muối vừng giã với lạc. Không hiểu danh từ “món trường kỳ” do ai đặt ra để chỉ muối vừng, chỉ biết tiếng này đã phổ biến khắp cơ quan kháng chiến Việt Bắc. Lý do: có muối vừng, người ăn chậm nhất cũng được đậm miệng đến miếng cuối cùng.
Miên nghĩ đến những đĩa bánh nhân thịt, những lồng chật ních gà, những con gà quay mỡ béo vàng… bên “dinh” cố vấn. Trước đây Miên không hề thắc mắc về sự sai biệt giữa hai lề lỗi cấp dưỡng một trời một vực đó; nhưng từ sau lần chứng kiến viên cố vấn đại tá quân y về thủ thuật mổ vết thương đùi thì nàng thắc mắc, thắc mắc nhiều.
Miên từ quân y chiến dịch trở về cơ quan ở ấp họ Đỗ đã được mười ngày cho đến nay điều làm Miên ngạc nhiên không hẳn là ở điểm tên cố vấn thất bại trong công việc tầm thường nhất: tìm buộc mạch máu lại, nàng thật sự ngạc nhiên chính ở chỗ tên cố vấn không hề lấy điều đó làm xấu hổ và đặc biệt cứ mỗi lần chứng kiến một thương bình lên bàn mổ y lại “tái bản” câu hỏi ngớ ngẩn với bác sĩ T.:
- Ông xem có cần phải mổ không?
Miên thấy danh từ “cố vấn” thật là mỉa mai khôi hài cho bữa ăn của họ sao mà thô bỉ. Miên thẳng thắn nghĩ: ở họ chẳng có gì là hy sinh cho chủ nghĩa, họ chỉ hy sinh cho miếng ăn của họ, cho địa vị được ưu đãi của họ
Chiến dịch cầm chân ở Vĩnh Phúc đạt được kết quả mỹ mãn: quân đội Pháp trước đây đã phải bỏ Nghĩa lộ, giờ đây hoàn toàn tan vỡ ở Sơn La. Nhân đà chiến thắng này, trung ương đảng bộ quyết định rập theo khuôn mẫu của Đảng cộng sản Trung quốc áp dụng chính sách “phóng tay phát động quần chúng nông dân đấu tranh chống lại địa chủ”. Tuy đó mới chỉ là học tập trên lý thuyết mà khuôn mặt các đảng viên đã có sự dung hợp khăng khít giữa thái độ nghiêm lạnh với tình trạng mê muội. Từ ngày gặp Tân, Miên có ý thức về thái độ mình và thường tìm cách phân tích một cách hài hước nhứng cử chỉ, những lời nói của các đảng viên nhưng có một lần nàng đã không hài hước nổi đó là lần nghe lời đối thoại của hai cha con ông tá điền tại ấp họ Đỗ.
Nguyên ông chủ gia đình họ Đỗ hoạt động cho một đảng phái quốc gia hoàn toàn đối lập với Việt Minh. Khi Việt Minh thắng thé nắm chính quyền ông đưa cả gia đình vào Sài Gòn, các tá điền cũ bỗng nhiên trở thành các chủ nhân ông thực sự, phần ruộng cấy chia trước. Gần kho thuốc quân y nơi Miên làm việc là căn nhà lá của một gia đình tá điền. Nói là gia đình, kỳ thực thường ngày chỉ có một người cha chạc năm mươi tuổi. Ông góa vợ từ năm đầu kháng chiến, đứa con trai độc nhất của ông đã trên hai mươi, thoạt là du kích hàng ấp, sau là du kích hàng huyện, nay gia nhập quân đội chính quy và ở cấp cán bộ trung đội. Miên từ chiến dịch Vĩnh Phúc về được ba hôm thì người con trai kia từ cơ quan quân báo về thăm cha; trên khuôn mặt y, Miên có nhận thấy sự dung hợp khăng khít giữa thái độ nghiêm lạnh với tình trạng mệ muội; y lại đương ở tuổi thanh niên cường tráng nên thái độ đó, tình trạng đó cũng lồ lộ vẻ.. “cường tráng” bất khuất.
- Thắng Toán – người cha hỏi – vẫn ở cùng cơ quan mày? (Toán là bạn đồng niên cùng hàng ấp với con ông)
- Thằng ấy luôn có thái độ bất mãn! – người con đáp – Bất mãn cái gì mới được chứ! Đảng là tất cả, đường lối của Đảng do tất cả quyết định, có điều gì không đồng ý thì cơ quan ngôn luận của Đảng là báo Cứu quốc đó, cứ việc bộc lộ…
Người cha ngắt lời:
- Tao biết Toán nó lo nhiều về gia đình, mẹ thì già, vợ thì ốm đau luôn, con cái lại chẳng có.
Người con tặc lưỡi:
- Lấy vợ là để giải quyết vấn đề sinh lý, nếu không thể có con thì bỏ! Lấy người khác! Có gì mà phải quan trọng hóa vấn đề?!
Người cha công phẫn:
- Nói như mày, chó nó cũng không ngửi được.
Người con cười khẩy một tiếng rồi dư biết cha không thể có tư tưởng “cấp tiến” để hiểu nổi mình y bèn đứng dậy đi ra sân. Ngay chiều hôm đó y trở lại cơ quan quân báo liên khu, hai cha con chia tay thản nhiên. Và cũng kể từ đấy Miên thấy người cha có vử ưng kiếp cô độc của mình.
Buổi tối hôm ấy kiểm thảo toàn thể cơ quan, Tang cô bạn trong tổ tâm giao với Miên, giơ tay xin phát biểu ý kiến.
- Tôi có ý kiến – Tang nói – phê bình đồng chí Miên. Chiều hôm qua khi đồng chí Miên cùng tôi đi qua cơ quan thông tin thoáng nghe tiếng bài “Thiên Thai” của đài Hà Nội, đồng chí Miên có nói: “ở trong rừng lâu ngày, nghe radio bài đó như thấy ánh sáng của Hà Nội”. Tư tưởng đồng chí Miên như vậy e có hại tới lời dạy của Hồ chủ tịch: “Phải trường kỳ gian khổ để kháng chiến đến cùng!”
Miên thành thật nhận lỗi. Phản ứng đầu tiên của Miên trước bất cứ lợi chỉ trích nào vẫn là kiềm chế hẳn lòng tự ái, xóa nhòa hẳn cá nhân mình.
Khi bế mạc, Tang chạy lại gặp Miên giải thích:
- Tôi đem lời tâm sự của đồng chí ra phê bình chính là để giúp đồng chí tiến.
Miên cười đáp lại:
- Tôi biết chứ!
Nhưng cũng kể từ đó Miên thực sự cảm thấy chua chát tận đáy lòng. Tuy là nữ giới ở cơ quan quân ý nhưng Miên cũng hiểu là quan niệm về danh dự đã đổi thay, chia rẽ đã len đến từng gia đình; cha con anh em ruột thịt còn chống nhau vì chính kiến thì lòng phản trắc giữa bạn có gì là lạ, chỉ có điều mỉa mai (hay khôi hài?) là những đổi thay, phản trắc đó được phủ hoa bằng lý do: “muốn cho nhau tiến!”
Bản tính dịu hiền, Miên còn thâm trầm nữa, nàng tự nguyện từ nay đối phó với tổ tâm giao bằng nụ cười, một nụ cười bất biến, tự động như máy, nhưng đằng sau nụ cười đó là những kẻ phản trắc mê muội kia đừng hòng tiến thêm một bước nào nữa vào thế giới tâm tư cao quý của nàng.
Vừa hay Miên được bác Hỷ tới cho hay tin Tài về.
Bác Hỷ như trên đã nói là người đàn bà góa hàng xóm trước đây có chịu hàm ơn bà Quản. Bác góa chồng được mười năm nay chỉ có một đứa con gái đầu lòng: cái Hỷ. Vụ đói năm 1945 mẹ con bác thoát chết nhờ sự cưu mang của bà Quản. Từ ngày đó bác vẫn trông nom ruộng nương cho bà Quản như một gia nhân thân tín, kể từ ngày có cuộc cách mạng tháng tám, bà lại được bà Quản cấp vốn ngày ngày đi chợ quanh huyện Lập Thạch buôn đi bán lại mùa nào thức nấy. Mỗi khi cần báo tin cho Miên điều gì bà Quản vẫn nhớ đến bác Hỷ. Lần này bà Quản nhờ bác đến báo tin cho Miên hay là Tài về.
Miên xin phép ban chỉ huy cơ quan về thăm nhà ngay chiều hôm đó. Nàng muốn gặp Tài để chia vui với bà Quản, nàng còn muốn gặp Tài để… gặp Tài nữa. Theo tiếng gọi của trí tò mò? Hay của tấm lòng cô đơn chờ đợi?
Vừa về đến nơi, không biết có phải vì ảo vọng, Miên tưởng có thoáng nhận thấy ở tia mắt Tài một ánh vui gặp gỡ nhưng ánh vui đó vụt tắt ngay để khuôn mặt Tài giữ được vẻ điềm đạm lạnh lùng như các khuôn mặt đảng viên khác mà nàng thường gặp hàng ngày.
Thì ra ở bất cứ đâu – Mien nghĩ thầm – các đảng viên cũng đều được huấn luyện cho đúng khuôn khổ như những viên gạch cùng một lò.
Tài già hơn trước nhiều, nước da xạm nắng, đuôi mắt có những vết nhăn sâu, tóc hớt ngắn. Tài thoạt trao đổi cùng Miên vài câu chuyện xã giao thường. Giọng Tài cũng già dặn như người.
Bà Quản vui lắm, bà hấp tấp chạy xuống bếp, bà hấp tấp lên nhà, bà soăn soe đến bên Tài hỏi điều này điều nọ, bà hỏi như để nghe tiếng mình hỏi và để chắc chắn là niềm mong ước được chăm nom Tài nay thành sự thật, có thế thôi, bà không để ý, không quan tâm đến vẻ điềm đạm – có thể nói là lãnh đạm – của Tài.
Tài không biết gì về tin tức của Hiển. Thấy Miên thắc mắc quá nhiều về Hiển, Tài nói:
- Cô nên gắng học tập nhân dân. Việc học tập này cực kỳ công phu bởi mình phải thường xuyên cảnh giác để chiến đấu với tinh thần cá nhân vị kỷ của chính mình…
- Thấy Miên không nói gì Tài tiếp:
- Đảng chú ý xây đắp hạnh phúc cho nhân loại, trong nhân loại có cha mẹ mình, anh em mình… Để bảo tồn quyền lợi của nhân loại, người sáng suốt phải biết nhìn xa mà hy sinh mọi tình cảm nhỏ hẹp…
Tuyệt nhiên trong câu chuyện, Tài không nhắc đến chuyện khu rừng lau trên núi Sáng dù – Miên biết lắm – chỉ là nhắc đùa thôi.
Miên trở về cơ quan. Nàng ân cần chào bà Quản nhưng cũng chẳng buồn nhìn về phía Tài. Với Miên cuộc chia tay này cũng lạnh nhạt như cuộc chia tay hai cha con ông tá điền ngày nào, lạnh nhạt vì hai bên tự biết đã ly biệt trên hai ngả tâm hồn với những niềm ấp ủ khác nhau. Miên chưa hề có ý yêu Tài, nhưng cũng thấy mình vừa bị thất vọng cay đắng. Cũng từ đấy nàng không còn kỳ vọng ở một chàng trai đảng viên nào một tình yêu êm dịu, một tình yêu kỳ thú như nước với non trong mấy câu thơ của một thi sĩ thủa tiền cách mạng:
Giấc thẳm tình duyên non gối nước
Màn sương để lọt ánh sao băng
Hồn hoa chợp mộng thơm hồn gió
Tóc liễu rừng thơ đón tóc trăng.
Tự nhiên nàng thấy ngao ngán, cõi lòng bỗng thênh thang vắng lạnh như căn nhà vừa bị mất trộm một phần lớn gia bảo.
Trong những cuộc sinh hoạt kiểm thảo về buổi tối Miên thường vừa được đề cao vừa được phê bình:
- “Đồng chí Miên có ưu điểm thường xuyên tích cực trong công tác, nhưng đồng chí Miên còn thái độ xa nhân dân, ít chịu nói chuyện, ai hỏi câu nào đáp câu ấy.”
Sự thực Miên có nói chuyện thân mật với mấy chị em cùng cơ quan, nhưng họ đều là những “quần chúng” (không phải đảng viên) như nàng. Như vậy thì phải nói rằng nàng có thiện cảm với nhân dân mới đúng; còn với nữ đảng viên thì đúng là câu hỏi nào nàng đáp câu ấy. Họ còn quên mất điểm này: đáp lại với nụ cười rất hiền lành, rất nhẫn nại, nụ cười tuyệt đối không tấn công ai nhưng cũng là lợi khí nhiệm mầu khiến không ai tấn công nổi nàng. Tấn công một nụ cười đó có khác gì đánh ào không khí hoặc giận một chiếc thuyền không người?
Sau ngày gặp Tài qua đi chưa đầy một tháng thì một buổi chiều bác Hỷ đến báo tin cho Miên hay Hiển đã về. Tin vui đến đúng vào lúc nàng chìm nghỉm trong tuyệt vọng. Nàng thoạt không dám ngờ đó là tin thực. Hiển đã về! Người anh mà nàng quý mến như cha, nhớ mong như mẹ đã về sau bốn năm vắng mặt! Suốt buổi chiều đó nàng bận lắm, nàng cố tình làm cho xong công việc rồi sau khi đã xin được phép nghỉ mấy ngày nàng đi như bay về làng. Nàng đi đêm dưới ánh trăng, nàng bay dưới đêm trăng…
Hiển cũng như Tài già trước tuổi rất nhiều nhưng còn nguyên đôi mắt với tinh thần sáng suốt, miệng cười tươi thành thật, đó là những điểm làm Miên yên lòng. Nàng tíu tít hỏi anh. Ít khi nàng hỏi nhiều, nói nhiều để được nghe trả lời nhiều như thế.
Gương mặt bộc lộ nhiều cảm tình Hiển bỗng rắn lại khi anh kể những trận công phá đồn địch vào sinh ra tử.
Miên hỏi:
- Trong lúc đó có khi nào anh nghĩ đến đứa em gái mồ côi của anh không?
Hiển lắc đầu:
- Trong những giây phút quyết liệt đó ai cũng chỉ nghĩ nếu mình ngã xuống còn những kẻ khác tiến lên, phần thắng nhất quyết phải về mình.
Sự thực lời Hiển nói chỉ đúng có một nửa. Đúng là trong những phút quyết liệt công đồn, Hiển chỉ nghĩ sao chiếm được cho bằng được đồn và nếu mình ngã xuống còn những kẻ khác tiến lên. Nhưng sau phút chiến thắng hoặc có lần phải rút lui, Hiển có nghĩ đến đứa em gái mồ côi nhỏ dại của mình. Không hiểu sao Hiển tin là Miên nhỏ dại như thế còn lâu lắm nữa. Và đặc biệt sau bốn năm xa em gái, bốn lần ngày giỗ cha mẹ đều đúng dịp công đồn quyết liệt, Hiển có kín đáy bày lễ và thắp hương giữa trời khấn cho cha mẹ. Hiển không hề tự kiểm soát mình có tin rằng có linh hồn cha mẹ về hưởng. Hiển chỉ biết lòng tưởng nhớ cha mẹ là hợp đạo làm người và sau khi thắp hương khấn khứa như vậy Hiển ra đi công đồn vững dạ không bị ám ảnh bởi cái chết.
Được về thăm Miên lần này, Hiển cho em biết ngay là anh chỉ ở lại nhà có hai ngày, sau đó lên đường sang Tàu theo học lục quân khóa tám.
Miên lo lắng hỏi:
- Anh đã được kết nạp vào Đảng chưa?
- Phải có tín nhiệm lắm anh mới được cử đi chuyến này – Hiển đáp – việc kết nạp chắc chỉ nay mai thôi. Chiến dịch Tây Bắc vừa rồi, trong khi chiến đấu anh dũng bên các đồng chí, anh đã tích cực học tập để hoàn toàn gạt bỏ đầu óc anh hùng cá nhân.
Miên quay nhìn nơi khác dấu niềm lo âu. Nàng sợ lắm! Chưa được kết nạp, tình cảm của anh còn được tưng bừng thế kia, mai đây sang đến đất Tàu, được kết nạp rồi sau một thời gian huấn luyện vào khuôn vào phép chắc chắn anh lại có vẻ mặt lạnh lùng của bất cứ đảng viên thực thụ nào. Tất cả những người thân trong gia đình, Miên chỉ còn có anh. Mẫn ở miền Nam với ông chú biết rằng bây giờ ra sao, còn sống hay chết trong những ngày kháng chiến đầu tiên tại Nam Bộ? Hy vọng vì có ngày gặp mặt!
Tiếng Hiển cười an ủi:
- Kìa làm sao cô khóc? Được sang Tàu theo học anh thích lắm và cô đừng lo, chỉ hai năm sau là cùng, anh về mà. Kháng chiến khi đó chắc cũng đến ngày thành công rồi.
Suốt hai ngày đó Miên ôn mãi trong trí nhớ lời nói của Tài:
“Đảng chú ý xây đắp hạnh phúc cho nhân loại, trong nhân loại có cha mẹ mình, anh em mình… Để bảo tồn quyền lợi của nhân loại, người sáng suốt phải biết nhìn xa mà hy sinh mọi tình cảm nhỏ hẹp”
Miên biết “tình cảm nhỏ hẹp” đây ý Tài muốn ám chỉ tình cha con, vợ chồng, anh em – dù là anh em mồ côi – như nàng và Hiển.
Buổi chiều hôm sau, Miên cương quyết trở lại cơ quan. Hiển hỏi sao không ở lại chờ tiễn anh thì Miên im lặng không biết đáp sao.
- Cô không tiễn anh – Hiển vừa cười vừa nói – thì anh tiễn cô vậy.
Tiễn Miên gần tới cơ quan, Hiển chú ý mấy bước chân Miên ngần ngại dần, bỗng nàng quay ngoắt lại, rảo bước đi trước anh trên đường trở về, nàng bước nhanh như chạy trốn. Mà quả thực nàng đang chạy trốn những hình ảnh, những khuôn mặt ở cơ quan. Hiển không hiểu gì, anh bỡ ngỡ nhìn theo Miên rồi cũng rảo cẳng bước theo sau.
Ngày Hiển lên đường, Miên tiễn anh ra tận bờ sông Đáy. Hiển sẽ vượt qua ngọn Tam đảo sang bên kia Thái Nguyên. Mối sầu nặng chĩu, Miên tiến thêm mấy bước, lội hẳn xuống nước nhìn còn đò ngang đưa anh sang bờ bên kia.
Từ đò ngang nhảy lên bờ rồi leo lên đê và trước khi xuống đê, Hiển quay lại vẫy em một lần cuối.
Miên chua xót nghĩ thầm: Bây giờ nah còn là anh của em, hai năm nữa anh là cán bộ của Đảng, anh đâu còn thế này nữa. Nghĩ đến cảnh cha mẹ mất sớm, nghĩ rằng đã mấy năm qua, rồi còn bao nhiêu năm qua nữa, mỗi năm tới ngày giỗ cha mẹ hai anh em mồ côi vẫn mỗi người một phương trời, Miên không sao cầm được nước mắt. Tiến thêm mấy bước nữa gặp khoảng trũng của một lòng sông nước sâu ngập đầu gối, Miên muốn rằng thà mình cứ từ từ chìm xuống một cái giếng sâu không đáy…
Có tiếng người lao xao xuống bến đợi đò, Miên vội cúi xuống sông vờ vục nước rửa mặt. Nàng cứ phải vục nước lên rửa mặt hoài; thương cha mẹ, thương thân, lo cho anh… ruột nàng thắt lại, cổ nghẹn ngào và nước mắt trào ra… trào ra… như hai dòng suối nhỏ muốn góp phần nước mặn vào dòng sông Đáy.
Buổi chiều hôm đó Miên chưa về cơ quan, nàng leo lên đỉnh núi đầu làng nhìn sang khu rừng lau. Khoảng xanh cẩm thạch đó vẫn lay chuyển trong nắng chiều như cười riểu ý nghĩ của Miên: “Sao không là rừng mía lại là rừng lau?”
Hoàng hôn tắt dần…
Miên gục mặt trên đầu gối. Nàng chợt thấy mình như kẻ bộ hành bơ vơ đói khát, trước mặt là con đường dài phải vượt, hai bên đường là những khu rừng lau… những khu rừng lau… Nàng thèm khát một cây mía, một đẵn mía với hương vị ngọt ngào để lấy lại sinh lực mà tiếp tục nốt quãng đường đời.
Khi Miên rùng mình ra khỏi giấc mơ, ánh trăng thượng tuần non yếu – non yếu như tâm hồn nàng - toả xuống ngỡ ngàng cùng cảnh vật. Muôn đời - phải chăng đến muôn đời – nàng chỉ là nàng tiên đi dưới trăng, cô độc? Ánh trăng hiu quạnh soi con đường mòn bơ vơ!
Miên đã đứng dậy. Nàng uể oải lần theo đường mòn xuống núi, chưa quyết định sẽ về nhà bà Quản hay đi thẳng về cơ quan cách một giờ đưòng nữa. Cỏ cây đẫm sương nên cảnh vật càng lạnh lẽo và đượm vẻ hoang tàn. Miên có cảm tưởng cõi đời chỉ còn một mình nàng biết yêu cảnh. Cảnh rộng lớn quá, tình cảm của một nàng làm sao sưởi ấm cho tất cả?