Chương 3
PHONG TRÀO TAM PHẢN KHÓA BẢY

 Hiển trở về Phụng Minh Thôn đúng hôm nơi này tràn ngập làn gió nhẹ từ Đông Nam thổi tới, làn gió như có mang lại những hương thơm của đất nước.  Trong khi chờ đợi quyết định của thiếu tướng chính ủy chỉ huy trường lục quân Hiển được mấy ngày rảnh để quan sát Phụng Minh Thôn.  Chàng đã băng qua khu rừng thông phía Tây, có những con sóc đuôi xòe như bông lau từ trên cao nhìn xuống với đôi mắt đen tò mò một cách ngộ nghĩnh.  Hiển theo đường mòn dưới rặng thông đưa xuống một dòng suối rộng, nước trong như pha lê và lạnh buốt.  Hai bên bờ suối là những bụi cây nhỏ hoa tím và những dây leo hoa vàng.  Con suối rộng này chảy theo hướng Đông Bắc tìm đường đổ ra Dương Tử Giang.  Khu rừng núi phía Đông và phía Nam âm u hơn với những cây cổ thụ mọc san sát và cao ngất, với các giống khỉ, hươu, nai, sài cứu (một giống chó rừng)... Phía Bắc là một cánh đồng lúa khá rộng trên đó tầm mắt được dịp phóng đi thoải mái.  Ven cánh đồng có con đường đất đỏ rộng, hai bên là cỏ xanh.  Dọc theo con đường là nhà dân chúng; nơi đây dân chúng tuy đã chịu vài sự đổi mới nhưng vẫn giữ được nếp sống thuần phác đặc biệt đáng mến.
Hiển trở về Phụng Minh Thôn được ba ngày thì tới ngày giỗ cha mẹ.  Tại phòng Hiển, trên đầu giường nằm của mỗi người có một chiếc kệ nhỏ bằng gỗ tạp làm nơi để các đồ dùng lặt vặt.  Các đồ lặt vặt được bỏ xuống, đĩa hoa quả được đặt lên, Hiển thắp hương tưởng niệm.  (Các thứ đó Hiển mua ở nhà dân chúng).  Lúc đó vào giờ ăn chiều, trong phòng chỉ có mình Hiển.  Chợt một số cán bộ trong ban Giám Đốc trường sịch vào, không hiểu do vô tình hay có người mật báo trước.  Một cán bộ, thoáng trông cũng biết là thuộc thành phần tam đại bần cố nông, tiến đến nói bằng một giọng khá hách dịch:
   - Đồng chí còn nặng tư tưởng phong kiến lạc hậu thế đấy!
   Đôi mắt Hiển chợt ngầu đỏ.  Tuy nhiên Hiển cũng sẵn sàng không chấp anh cán bộ bần cố nông đã bị Đảng mê muội hóa và cuồng tín hóa nếu anh ta không quá trớn hơn nữa.  Số là thấy mắt Hiển đỏ ngầu, anh cán bộ cho ngay đó là triệu chứng của "căn bệnh tự ái tiểu tư sản", anh bèn chỉ trích thêm giọng riễu cợt:
   - Chúng tôi chẳng biết đồng chí cúng ai và tưởng niệm cái gì ở khoảng trống này.
   Hiển nghiến răng trừng mắt:
   - Anh câm mồm, bàn thờ cha mẹ, bàn thờ các liệt vị anh hùng chính là bàn thờ giá trị dân tộc, giá trị chính mình! chỉ có những kẻ vô giá trị mới nhìn lên bàn thờ mà thấy đó là khoảng không.
Sự thực Hiển cũng khÔng có ý đặt vấn đề đến mức siêu hình như vậy, Hiển chỉ muốn gián tiếp trình bày với mấy cán bộ cao cấp đứng quanh đấy rằng chàng làm giỗ cha mẹ với một quan niệm vững chãi, không hề đi xa đường lối của Đảng.  Nhưng sau khi sừng sộ nói một hồi như vậy Hiển thấy trừ một khuôn mặt nhìn chàng với cảm tình đặc biệt còn tất cả giữ vẻ lạnh lùng.
Anh cán bộ bần cố nông chỉ vào mặt Hiển nói giọng lêN án cảnh cáo:
   - Đồng chí còn nặng đầu óc cá nhân, tiểu tư sản thoái hóa, tối nay giờ sinh hoạt, đồng chí sẽ tự kiểm thảo trước toàn thể anh em.
Quả nhiên tối hôm đó thái độ cùng lời nói của Hiển được đem ra mổ sẻ vào giờ sinh hoạt.  Hiển ngồi giữa, các lời phát biểu, phê bình, chất vấn, từ bốn phía thay phiên nhau đổ lại.  Buổi họp kéo dài đến mười hai giờ khuya, Hiển mệt nhừ.  Sau cùng Hiển đành thú nhận là còn nặng bệnh anh hùng cá nhân, còn quá nô lệ cho lòng tự ái, tự túc tự mãn.
Khi mọi người đã về giường ngủ, Hiển còn ra trước hiên làm mấy động tác hô hấp thật mạnh như muốn dùng hơi lạnh ban đêm thoa dịu những bực rọc trong lòng.  Cảnh nghèo đói, cảnh cha mẹ chết trong cực nhọc, làm sao mà một tâm hồn cương trực và dễ xúc động như Hiển quên nổi? Hiển luôn luôn thương quí những người dân quê nghèo, đó là lẽ dĩ nhiên.  Hiển vẫn thành kính nghĩ qua nỗi niềm chủ quan của chàng: họ chính là viện bảo tàng sống vừa gìn giữ thể hiện những năng lực bền bỉ cùng những đức tính tinh khiết nhất của dân tộc.  Cách mạng là bồi bổ những năng lực đó, những đức tính đó.  Người cán bộ nông dân kia đã để mất những thiên tính cao quí của người nông dân thuần hậu chất phác, hắn rơi vào cử chỉ kiêu hãnh tầm thường nhất, lầm lỗi nhất là lên mặt với một dúm trí thức hời hợt, hắn mới học mót được của người (ý nghĩ này của Hiển cũng gần giống như ý nghĩ của Tân về Mạnh, chủ tịch huyện Thanh Ba).  Cách mạng hầu như khuyến khích sự kiện đó.  Không được!  Hiển nghĩ nếu cán bộ thuần một giống bò sát như thế thì muôn kiếp dân tộc ở vào vị trí chầu rìa để làm cái công việc tung hô và ngưỡng mộ vô cùng đơn bạc hèn kém (Như mấy anh hùng quân đội trong chuyến sang thăm Liên Sô với chàng).  Hờn giận làm Hiển thấy nghẹn ngào nơi cổ.
Có bóng người tiến lại.  Hiển nhận ra anh cán bộ ban chiều đã nhìn mình với cảm tình đặc biệt.  Anh ta hỏi trước:
   - Quê anh ở đâu?
   - Ở Vĩnh Yên - Hiển đáp.
   - Anh có học ở Hà Nội?
   - Có.
   - Hình như anh đỗ tú tài toán học?
   - Đỗ năm 1944.
   - Tôi đỗ sau anh một năm, ban Triết học Văn Chương.
   Chợt anh ta hỏi thêm:
   - Bực lắm hả?
   Biết thổ lộ với người này cũng không sao, Hiển chặc lưỡi đáp:
   - Kể cũng hơi bực.  Ba bốn năm giời đi dự các chiến dịch, không năm nào tôi quên ngày giỗ cha mẹ và không ở đâu anh em phản đối điều đó.
   - Anh lầm, tình anh em đồng chí ngoài tiền tuyến lúc công đồn khác, ở đây khác.  (Ngừng mấy giây) Thằng đó cùng học với tôi khóa bẩy.
   Hiển biết hai chữ "thằng đó" dùng để chỉ ai, bèn hỏi lại:
   - Anh cùng làm việc ở hiệu bộ với hẳn?
   - Không, tôi chỉ phụ trách tờ nội san ở hiệu bộ và tôi sẽ học lại cùng các anh ở khóa tám.
Hiển lặng lẽ đưa mắt quan sát kín đáo anh cán bộ một lần nữa.  Anh ta có khuôn mặt thật dễ thương, dáng người anh cao thẳng, đôi mắt nhìn thẳng, đôi môi mím nhưng hơi rung động.  Ngừng một phút anh ta tiếp:
   - Đã trải qua một bi hài kịch như vậy mà chúng vẫn không biết ngượng.
   - Bi hài kịch nào? - Hiển hỏi.
   - Chuyện còn dài! - Anh cán bộ đáp gọn, lời đáp như có ý nói: "Rồi tôi sẽ kể cho anh nghe!"
   - Anh không buồn ngủ? - Hiển hỏi.
   - Giờ này là phiên tôi đi tuần - Anh cán bộ đáp.
   Lại ngừng một phút.  Anh cán bộ ngừng nhìn trời, mấy vì sao khuya lấp lánh hiu quạnh.  Khoảng rừng núi phía Đông và phía Nam hiện thành một khối lớn đen đặc nửa như bí hiểm nửa như ngu đần.  Tiếng lá rung khe khẽ theo từng đợt gió đêm của những rặng cây gần đấy nghe buồn thật buồn, một nỗi buồn dằng dặc mà vô tư, tựa như một nỗI buồn đã dĩ nhiên có tự thời nào và sẽ còn có mãi như bóng theo hình người.  Một nỗi buồn vô tư!
   - Hiển tự nhủ - có thể như thế được lắm!
   Tiếng anh cán bộ hỏi:
   - Anh có biết trung đoàn pháo binh Lê K?
   - Trung đoàn của con bà Cát Hanh Long chứ gì?
   - Chính hắn ở trung đoàn đó, trung đoàn có nhiều người tự tử nhất trong khóa bảy.
   - Sao lại tự tử?
   - Chuyện còn dài; thôi anh đi ngủ đi.
   Hai người chia tay lặng lẽ, Hiển vào giường nằm, nhưng nào chàng có ngủ được.
   Hôm sau, Hiển được biết tên anh đã học khóa bảy đó là Kha.
   Buổi chiều Hiển thấy Kha chợt reo mừng chạy ra cổng trại đón một tốp mới chín người.  Đôi bên nói nói cười cười ra vẻ quen thuộc nhau lắm.
   Sau buổi sinh hoạt tối, Hiển lại gặp Kha ngoài hiền.
   Kha nói:
   - Có thêm chín anh học khóa bảy đã về tới biên giới, phải quay lại đây để theo lớp chỉnh huấn mới.
   - Sao vậy? - Hiển hỏi.
   Kha lại hỏi Hiển:
   - Khi anh đến đây có qua cầu Thanh Thủy không?
   - Có cầu Thanh Thủy cách chừng mười lăm cây số về phía Bắc Hà Giang.
   Kha gật đầu:
   - Vì các "tướng" này về đến cầu biên giới đó, ném cả tài liệu hồ sơ sổ sách xuống cầu nên phải quay lại đây học thêm ba tháng để đả thông tư tưởng.
   - Sao vậy?
   - Câu chuyện còn dài, thôi đi ngủ đi!
II
   Câu chuyện còn dài, thôi ngủ đi!
   Tưởng rằng hôm sau Hiển sẽ được Kha cho biết đầu đuôi "câu chuyện còn dài" đó.  Nhưng không, lục quân khóa tám bắt đầu khai giảng, Kha và Hiển được biên chế vào cùng đại đội nhưng ở hai trung đội khác nhau.  Vì là cựu học viên của khóa bảy nên Kha ở thế "dé chân chèo", nửa là học viên khóa tám, nửa là cán bộ phụ trách ban văn nghệ của hiệu bộ (văn phòng ban giám đốc trường).  Những buổi đầu khai giảng, cả cán bộ lẫn học viên đều bận túi bụi, một tháng sau mới điều hòa xong mọi hoạt động trong trường.  Và cũng cho tới lúc đó, Hiển mới bắt đầu được Kha kể cho nghe "câu chuyện còn dài" trên, kể làm nhiều lần vào những giờ đi tuần trong đêm khuya hoặc những giờ cùng nhau vào rừng kiếm củi.
   Sau chiến thắng Cao Bắc Lạng, trường lục quân Trần Quốc Tuấn dời khỏi Thái Nguyên chuyển sang Côn Minh (Vân Nam) để tránh nạn phi cơ oanh tạc, địa điểm ở Phụng Minh Thôn.  Hết khóa sáu, sang tới khóa bảy, thì cơ sở cho các ngành bộ binh, công binh, pháo binh đã được thiết lập quy củ đâu vào đấy.
   Khóa bẩy học yên lành được nữa chương trình thì viên sư đoàn trưởng cố vấn bèn khuyên thiếu tướng chính ủy Trần B. nên đem kinh nghiệm Trung Hoa áp dụng vào trường lục quân Việt Nam.  Đó là kinh nghiệm phát động phong trào "tam phản".  Theo sư đoàn trưởng cố vấn thì trước đây nhờ có phương pháp tam phản mà đảng Cộng sản Trung Hoa đã khám phá ra biết bao thành phần phản động từng trực tiếp hoặc gián tiếp làm gián điệp để phá hoại Đảng.  Lịch trình cuộc học tập đó như sau:
   - Thoạt tiên đương sự tự bộc lộ mình đã nghĩ điều gì, làm điều gì qua từng biến cố.
   - Các đồng chí trong tổ tâm giao, trong tiểu đội, trong trung đội sẽ căn cứ vào những lời đương sự tự tố cáo đó mà nêu nghi vấn rồi chất vấn để soi tỏ đường đi mà tìm ra căn bệnh.  Có mấy căn bệnh chính là:  cầu an, hưởng lạc, giao động, hủ hóa...
   - Cấp lãnh đạo sẽ căn cứ vào kết quả trên, dùng "ánh sáng lý luận Mác Lê" mà quyết định thành phần đương sự.
   Việc kiểm thảo nhân sinh quan theo ba đợt như trên áp dụng sang trường hợp Việt Nam sẽ lấy năm 1945 làm mốc phân chia hai giai đoạn: từ 1945 trở về trước là xã hội cũ, từ 1945 trở lại đây là xã hội mới.  Các đảng viên cốt cán được chỉ định vào ban nghiên cứu học tập.  Việc làm đầu tiên của ban này là lập một bản "danh sách đen" ghi sẵn những người thuộc thành phần nặng tội lỗi nhất (là theo ý kiến của ban đó) để chuẩn bị đưa họ lên "bàn mổ" (nghĩa là đưa họ ra kiểm thảo).  Ban nghiên cứu học tập còn bố trí sẵn những câu hỏi "phản phúc" (hỏi đi hỏi lại), học tập trước thái độ nên phản ứng ra sao để đối phó với tùy từng đương sự.  Ban nghiên cứu học tập lại khôn ngoan chỉ định một số đảng viên xung phong lên "bàn mổ" trước làm "người điển hình", có tác dụng chuẩn bị tinh thần học tập cho những người sau.
   Phong trào tam phản bắt đầu!
   Khẩu hiệu căng khắp nơi nhắc nhở sự quan trọng của phong trào tam phản.  Tất cả mọi phương tiện đều phục vụ cho phong trào tam phản! Mỗi tiểu đội học tập ở một nhà riêng, tuyệt đối không ai được nói chuyện với người ngoài tiểu đội mình.
   "Người điển hình" vào ngồi căn phòng nhỏ xung quanh quay vải đen, ôn lại quãng đời dĩ vãng hồi tiền cách mạng để bắt đầu viết bản phản tỉnh thư dưới ánh đèn dầu loe loét.  "Người điển hình" đi chân không, mặc áo không cài khuy, mặc quần không giải rút, ăn cơm lạt, vẻ mặt giáng người đau đớn, sầu khổ, thiểu não vì hối hận cho những tội lỗi xưa của mình.
   Có người điển hình tự tố cáo đã ba lần rắp tâm đầu hàng địch: kháng chiến gian khổ quá, thà làm tù binh địch một thời gian, rồi được trở về quê quán ở vùng tề còn hơn.
   Có người điển hình tự tố cáo đã từng làm chỉ điểm cho địch bằng cách treo ngửa gương trên ngọn cây để phi cơ địch biết mà oanh tạc.
   Có người điển hình tự tố cáo, ôi ghê tởm, đã có ý tưởng ngủ với em gái.  Trong buổi kiểm thảo này người đó nói một hồi rồi lại ngất đi... nói một hồi rồi lại ngất đi... ngất thật sự!  Sau cùng đương sự đứng lên kết tội xã hội cũ đã làm con người sa đọa đến cùng cực, ca ngợi xã hội mới với "ánh sáng Mác-Lê" đã dìu nhân loại từ vực thẳm tội lỗi lên đến đỉnh non cao của đạo đức.
Xin mở một ngoặc đơn để ghi chú ngay đây là chỉ sáu tháng sau, vào dịp học tập lại những sai lầm của phong trào tam phản, chính những người điển hình lại thú nhận ra những tội lỗi trên hoàn toàn chỉ có trong tưởng tượng; họ cho rằng càng tưởng tượng ra được những lỗi tầy trời càng chứng thực được kỳ công khắc phục lòng tự ái, tự giải phóng khỏi cá nhân chủ nghĩa, chỉ còn biết trung kiên phục vụ Đảng.  Có thể là tội lỗi tưởng tượng, nhưng họ đã hối hận thật, bởi họ tin tưởng rằng xã hội cũ đầy rẫY nhưng tội lỗi như thế mới phải, mới đúng.  Không nhìn thấy những tội lỗi do xã hội cũ gây nên ở chính bản thân là chưa giác ngộ, chưa thấm nhuần tư tưởng Đảng.  Lẽ nào một cán bộ được Đảng tín nhiệm đến đề cử ra làm người điển hình, mở đầu phong trào tam phản mà lại chưa thấm nhuần tư tưởng Đảng?
Các người điển hình đã thi đua tưởng tượng để tự tố cáo một cách hùng hồn những tội lỗi nặng nhất chính là vì thế.
Sau những người điển hình đến những người có tên ghi trong sổ đen.  Đây mới là nạn nhân chính, những đích chính của phong trào tam phản.
Có những cán bộ trước là du kích nằm trong vùng địch, có những cán bộ đã từng bị phòng nhì của địch bắt được và tra tấn đến chết đi sống lại, có những cán bộ từng vào sinh ra tử trong bao nhiêu chiến dịch đã được tặng huân chương chiến sĩ hạng nhất ( trong số đó phần lớn đã là cán bộ chi ủy viên của Đảng) vậy mà trước những câu hỏi lục vấn lăng líu ngu xuẩn: "Tại sao thế này, vì sao thế nọ" họ cũng bị đưa dần đến thái độ lúng túng, thái độ của "kẻ phản cách mạng đã bị lột trần mưu mô".  Mặc dầu đương mùa đông tuyết phủ, có những anh bị lột hết quần áo ngâm nửa giờ xuống nước lạnh rồi cứ trần truồng như vậy cổ đeo bảng "phản cách mạng" đi diễu trước đám đông đủ các học viên và nhân viên hiệu bộ, trai có, gái có (trong số những nhân viên hiệu bộ có một số phụ nữ Trung Hoa).  Điểm kỳ dị nhất chính là ở chỗ ban lãnh đạo học tập đã khéo giữ được hai bề mặt hoàn toàn mâu thuẫn ở cùng một buổi học tập.  Đương sự làm bản phản tỉnh thư, các anh em đồng đội thông cảm phản tỉnh thư rồi nêu nghi vấn, chất vấn, sỉ vả hành hạ cho điêu đứng ê chề... Sau buổi kiểm thảo đương sự được vỗ về nhắc nhở cho biết là có tự bộc lô như vậy, có bị anh em đồng đội hành ha như vậy mới tẩy rửa được tàn tích nô lệ cũ mà phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.
Đã được giải thích như vậy, nếu buổi kiểm thảo xong nạn nhân cười nhạt tức là trong lòng còn tàng trữ một tư tưởng phản động nào chư bộc lộ.  Tiếp tục tam phản tìm căn nguyên mới!
Nạn nhân mà tức uất đến phát khóc ấy là hèn hạ và còn tư tưởng oán Đảng để có thể phản Đảng sau này.  Tiếp tục tam phản để tẩy não!
Nạn nhân mà im lặng là ngoan cố.  Tiếp tục tam phản để khai thác thêm căn bệnh!
Thường khi buổi kiểm thảo dứt, nạn nhân muốn gục xuống tại chỗ vì cảm thấy cả thân thể lẫn tâm hồn bị nhão đừ, gương mặt chĩu nặng u sầu như người vừa hay tin cả nhà bị tử nạn.
Chưa thoát! Tinh thần sau buổi kiểm thảo chưa được phóng thích buông xuôi.  Nếu sau buổi kiểm thảo mà ăn ngủ như thường ấy là có thái độ nhơn nhơn với tội lỗi, ăn ít hay bỏ ăn là kém thành thật, còn tiềm ẩn tư tưởng oán hận.  Phải làm sao vẫn đau khổ thấm thía, đau khổ vì hối hận, vẫn niềm nở chào hỏi anh em, có thể xuống sân vui vẻ gia nhập một sét "vô lây".  Sau đó lại lập tức đi vào căn phòng căng vải đen, ngồi dưới ánh đèn dầu leo lét; tiếp tục ôm đầu suy nghĩ, tìm thêm hành động tội lỗi để chứng minh cho tư tưởng tội lỗi ngõ hầu giải đáp được một số nghi vấn chính đáng của anh em đồng đội đã giúp mình đối chiếu bệnh trạng trong những ngày qua; rồi thành khẩn hý hoáy viết thêm những trang mới để bổ khuyết cho bản phản tỉnh thư cũ.
Tất cả những công việc đó kể cả khi phải tạm ngừng để đi sau, đi tiểu đều đặt dưới sự canh chừng gắt gao của tổ tâm giao.
   Tới một giai đoạn kia, nhiều người bị dồn vào thế cùng và nhân một lúc giây thần kinh bị căng thẳng đến cực độ bèn cho bùng nổ công phẫn, như quả mìn bùng nổ dưới sức nặng của chiến xa và thét lêN:
   - Ừ tao phản cách mạng!
   - Ừ tao là bí thư của Vũ Hồng K.!
   - Ừ tao là phản gián cho phòng nhì Pháp!
   - Ừ tao chiến đấu vì cá nhân chủ nghĩa, vì anh hùng chủ nghĩa!
   Lê K, con bà Cát Hanh Long, khi đó còn đương là phó chính ủy lãnh đạo học tập.
Sau cái chết thương tâm của Đồng (sẽ được thuật lại sau đây) phong trào tự sát bắt đầu và trung đoàn Lê K. nổi tiếng là trung đoàn có nhiều người tự sát nhất.  Đã có kẻ dùng giây thừng tự tử; đã có kẻ bẻ vụn những lưỡi dao cạo râu mõng hòa với nước uống, rồi ra sân chơi bóng rổ, được nửa cuộc thì gục xuống chết...
   Để ngăn phong trào tự sát, chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Q. bèn chỉ vào xác một nạn nhân cuối cùng thét mắng:
   - Quân phản bội! Quân trốn nợ nhân dân! Các đồng chí hãy quẳng xác nó lên đồi!
Xác nạn nhân được quẳng lên đồi.  Qua đi một đêm, sớm hôm sau, khi được phép chôn, anh em đồng đội lên tới nơi thì chỉ còn thấy những mảnh áo rách tơi tả kéo lê dưới mặt đất, vướng một ít vào bụi cây thấp ven thung lũng: sài cứu - một giống chó rừng - đã tha xác chàng thanh niên Việt xấu số đó xuống tận đấy thung lũng sâu và xa dưới kia!
U uất, căm hờn chất thành núi thành non mà phải ngậm miệng! Kể cả giữa đôi bạn tâm trí nhất cũng không ai dám hé miệng thổ lổ với ai một lời, bởi ai nấy sợ nhỡ sẩy miệng đến tai Đảng, Đảng căn cứ vào đấy đặt lên bàn mỗ tam phản thì thực là tàn cả một đời.
Trong cảnh "tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây" đó có hai chuyện đáng được thuật lại, một vào lúc mở màn cực kỳ thương tâm, một vào lúc gần hạ màn nhiễm tính chất bi hài.