Dịch giả: Nguyễn Thanh An
- 2 -

4
Mãi tới lúc chạng vạng tối, Tống Kha mới được ràng chiều đỏ rực tiễn về thị trấn Đường. Khuôn mặt anh lúc này có đôi chút hồng hào, nếu so với khuôn mặt xanh xao lúc thường ngày thì giống như hai người hoàn toàn khác biệt vậy. Đôi mắt sau cặp kính của anh dường như còn lưu lại sự nóng ấm của đống tàn tro sau khi ngọn lửa rừng rực cháy. Khi Tống Kha đi trên đường, người ta lại nhìn anh bằng ánh mắt khác thường như thể anh là quái vật vậy. Những chỗ anh đi qua đều tỏe ra mùi tanh khó hiểu. Ai ngửi thấy cũng đều giơ tay bịt mũi.
Một mình Tống Kha đi trên con đường trống trải, anh chẳng hề quan tâm tới việc người ta ném về mình những ánh mắt kỳ quặc lẫn những tiếng xì xào bàn tán.
Lúc Tống Kha về tới cửa hiệu truyền thần, tay bảo vệ Trư Cốc đang chờ ở quán ăn liền đứng bật dậy chạy về phía anh ta. Mụ Hồ Nhị Tẩu vẫn nhìn Tống Kha bằng ánh mắt vô cùng phức tạp. Tống Kha không hề để ý tới việc Trư Cốc chạy về phía mình; vẫn như thường lệ, anh lấy khóa ra mở cửa. Trư Cốc ngửi thấy mùi tanh, hắn cố kìm nén rồi nói với Tống Kha: “Họa sĩ Tống, anh mau mang hết các dụng cụ vẽ truyền thần rồi đi với tôi”.
Tống Kha vừa mở cửa xong liền quay ra hỏi Trư Cốc: “Cậu muốn tôi đi đâu vậy?”
Trư Cốc lùi về sau hai bước đáp lại: “Đi với tôi tới thôn Du Ốc”.
Tống Kha vẫn bình thản hỏi tiếp; “Tới thôn Du Ốc làm gì cơ?”
Trư Cốc nói một mạch không ngừng: “Anh vẫn chưa biết gì à? Mẹ của Chủ tịch Du Trường Thủy chết rồi, ông ấy muốn tôi mời anh tới vẽ truyền thần. Anh có biết không hả, chúng tôi tìm anh mất cả buổi chiều, còn tưởng anh đã chết ở đâu rồi kia”.
Tống Kha không nói gì thêm, anh bước vào cửa hiệu, thu xếp đồ đạc xong liền đi cùng Trư Cốc. Trên đường, Trư Cốc đi như bay, hắn đi cách Tống Kha một đoạn dài, bởi hắn sợ ngửi thấy mùi tanh toát ra từ người anh. Tống Kha không theo kịp hắn, chỉ thấy chốc chốc Trư Cốc dừng lại vẫy tay, ý nói anh đi nhanh lên chút nữa để còn kịp.
Lúc họ tới căn nhà cũ của Du Trường Thủy ở thôn Du Ốc thì trời đã tối hẳn, bầu trời đã xuất hiện những vì sao. Từ xa, Tống Kha đã nghe thấy tiếng trống đám ma rất nhịp nhàng. Lúc đi tới cửa lớn nhà họ Du, Tống Kha nghe thấy tiếng khóc từ trong phòng lớn. Tống Kha bị Trư Cốc dẫn tới bên ngoài cửa lớn, anh quan sát người nhà họ Du đang ra ra vào vào, nhưng vẫn nghe được tiếng Trư Cốc nói: “Họa sĩ Tống à, anh đợi ở đây một lát, tôi vào trong báo với Chủ tịch một tiếng”.
Tống Kha gật gật đầu, Trư Cốc liền đi vào nhà.
Trư Cốc tìm thấy Chung Thất, liền nói nhỏ với hắn: “Đội trưởng Chung à, họa sĩ Tống đã tới rồi. Đúng là rất thối, cả đoạn đường em không dám lại gần hắn. Hay là đội trưởng nói với Chủ tịch để hắn đi đi”.
Khi Du Trường Thủy phát hiện Trư Cốc, trong tay ông ta vẫn đang cầm chiếc điếu cày, ông ta bước tới hỏi: “Trư Cốc, đã mời họa sĩ Tống tới chưa vậy?”
Trư Cốc cúi đầu khom lưng đáp lại: “Chủ tịch à, đã tới rồi, đang chờ ở ngoài cửa”.
Du Trường Thủy thắc mắc: “Người ta đã tới trước cửa rồi, sao không cho vào hả?”
Mặt Trư Cốc biến sắc.
Chung Thất giải thích: “Chủ tịch à, không hiểu ngài đã nghe nói chưa, trên người Tống Kha…”
Du Trường Thủy rít một hơi thuốc dài, bình tĩnh nói tiếp: “Cậu nói là trên người cậu ta có mùi tanh thối chứ gì? Cái này thì có liên quan gì, chỉ là mùi trên cơ thể thôi mà, lẽ nào các cậu đều sạch sẽ cả? Trên người các cậu không có tí mùi nào ư?”
Chung Thất đáp: “Mùi trên người Tống Kha quả thật rất nặng. Ngài xem, có rất nhiều vị khách quý tới phủ ta, tôi chỉ sợ…”
Du Trường Thủy lại rít một hơi thuốc dài, thở ra một làn khói rồi nói: “Ừ, vậy thì thế này, trước tiên các cậu mời họa sĩ Tống tới dãy phòng phía tây, làm cho cậu ấy vài món ngon ngon vào, để cậu ấy nghỉ ngôi đôi chút. Chờ tới nửa đêm, người vãn vãng rồi mời cậu ấy ra linh đường vẽ truyền thần cho mẹ ta”.
Tới nửa đêm, Chung Thất vừa ngáp vừa đẩy cửa căn phòng phía tây.
Tống Kha bước ra khỏi bậc cửa cao cao của gian phòng phía tây, lòng nghĩ thầm sao bậc cửa nhà người giàu lại cao vậy nhỉ? Dưới sự dẫn đường của Chung Thất, anh đã tới linh đường. Lúc này, trong linh đường chỉ có ba chàng trai trẻ đang trông linh cữu. Họ ngồi với nhau, kẻ nói người cười, ba chàng thanh niên trẻ đó là hậu duệ nhà họ Du. Họ phải ở đây canh linh cữu tới sáng. Chung Thất nói xong bỏ đi luôn. Đối với hắn mà nói, việc nhanh chóng rời xa Tống Kha và linh đường là chuyện vô cùng tốt đẹp.
Linh đường hiện rõ vẻ âm u. Xác bà Dư Thất Liên được đặt dưới bàn thờ thần, hai đầu thắp hai ngọn đèn sáng. Phía trên đầu đặt một ngôi nhà giấy. Hai bên người bà bày hai hàng hình nhân, bên trái là hình nhân nam, bên phải là hình nhân nữ. Tường hai bên sảnh lớn trên đầy những hình hoa được xếp bằng vải, mỗi bông hoa là một mảnh vải đây dài màu trắng. Phía trên sảnh lớn treo mấy chiếc đèn lồng trắng, trên đèn lồng có chữ “Hỷ”.
Phần thân bà Dư Thất Liên được phủ một lớp vải đay trắng. Đầu bà lộ ra bên ngoài. Mái tóc bạc thưa thớt được chải mượt, dùng chiếc dây gai trắng cột chặt thành một búi, trên búi tóc, người ta dùng chiếc đũa xiên ngang qua. Khuôn mặt bà rất nhỏ, tựa hồ chẳng còn tí thịt nào, chỉ còn lại một nhúm da nhàu nhĩ, da mặt màu nâu sậm, đôi môi mỏng được bôi lên một lớp chu sa đỏ. Đôi mắt bà nhắm nghiền hõm sâu, tạo thành hai hố đen ngòm.
Tiếng cười nói của ba người trông linh cữu khiến Tống Kha bớt sợ đi nhiều.
Tống Kha cảm thấy rất kỳ quặc bởi có người chết nhưng ba cậu trai trẻ này lại không tỏ ra đau buồn một chút nào, lại còn cười cười nói nói. Tống Kha cũng chẳng quan tâm nhiều nữa, việc truyền thần cho người chết lúc này mới là nhiệm vụ quan trọng nhất của anh.
Cả ngày nay, tâm trạng của Tống Kha luôn bị kích động, nhưng tới giờ anh đã bình tĩnh trở lại để đối mặt với di hài của bà Dư, vẽ một bức truyền thần khiến Chủ tịch Du Trường Thủy hài lòng. Lúc Tống Kha dùng bút than vẽ trên nền giấy, anh hoàn toàn quên rằng mình đang đối mặt với người chết, anh coi người chết là người đang ngủ say. Do vậy, anh cảm thấy bà vẫn đang thở, vẫn đang giao tiếp với anh bằng linh hồn, anh tưởng tượng ánh mắt của bà vừa bình thản vừa có thần, xem nhẹ mọi thứ trong cuộc sống, bao gồm cả cái chết. Tống Kha rơi vào trạng thái quên mất bản thân, trạng thái này khiến anh tìm được niềm vui mà không ai có thể hiểu được.
Ba chàng trai trẻ kia ban đầu không chú ý lắm tới Tống Kha, thế nhưng sau khi một người trong số họ phát hiện Tống Kha đang vẽ truyền thần cho người chết thí hai người còn lại liền bước tới chỗ anh. Cậu thanh niên nhìn một lúc thì ngửi thấy mùi rất lạ. Thường thì sau khi chết, xác chết sẽ bốc mùi thối, không những thế bây giờ lại là mùa hè, nên xác chết bốc mùi càng nhanh hơn. Mùi tanh trên người Tống Kha quyện với mùi thối của xác chết càng khiến cho người ta không chịu nổi.
Cậu thanh niên đó nhanh chóng rời khỏi chỗ Tống Kha, trốn ở rất xa, hai người còn lại cũng bắt đầu ngửi thấy mùi lạ, họ tới chỗ cậu thanh niên đang trốn kia. Họ bàn bạc với nhau một lúc rồi chạy xuống sảnh dưới tiếp tục nói chuyện. Trong đại sảnh lớn chỉ còn lại mỗi Tống Kha và xác của bà Dư Thất Liên.
Ba chàng trai trẻ ở sảnh dưới chẳng biết ngủ thiếp đi từ lúc nào, không còn nghe thấy tiếng nói cười của họ, linh đường im ắng tới mức có thể nghe thấy tiếng bấc lay động trong đèn, chưa nói tới tiếng vẽ soạt trên giấy của Tống Kha.
Một luồng gió lạnh ập vào.
Những chiếc hoa kết bằng vải bay pháp phới, giống như có hàng trăm hàng nghìn cánh tay đang lắc chúng vậy.
Tống Kha thấy lạnh cả người, anh cũng không biết giờ là canh mấy nữa. Bức vẽ gần như đã hoàn thành. Tống Kha cảm thấy có gì vẫn không ổn. Anh chăm chú nhìn vào bức truyền thần, sau đó lại nhìn vào khuôn mặt của bà Dư. Tống Kha đã vẽ khuôn mặt quắt queo của bà đầy đặn hơn một chút, vẽ như vậy sẽ cảm thấy khuôn mặt có hậu hơn. Và điều đó hoàn toàn phù hợp với thân phận của bà.
Đúng lúc Tống Kha đưa mắt một lần nữa nhìn vào khuôn mặt người chết, anh phát hiện một con mèo mướp kêu một tiếng trên đầu bà Dư, sau đó sợ hãi bỏ đi. Tống Kha vẫn chưa kịp hoàn hồn thì nhìn xác của bà Dư Thất Liên đã ngồi thẳng dậy.
Tống Kha sợ đến nỗi hà hốc mồm ra, chiếc bút than trong tay rơi bộp xuống đất.
Bà Dư mở mắt, dường như có hai ngọn lửa phóng ra từ hai hố đen đó. Đôi môi được tô chu sa của bà run lên, Tống Kha lại nghe thấy giọng nói lạnh lẽo: “Tôi chết không nhắm mắt, tôi không biết thằng cháu nội tôi – Du Vũ Cường – đang sống hay đã chết?”
Toàn thân Tống Kha run bắn, anh định đứng dậy rồi bỏ chạy nhưng dường như mông anh đã mọc rễ, nó cắm chặt vào chiếc ghế.
Bà Dư nói xong liền nhìn chằm chằm vào Tống Kha, nét mặt vô cùng đáng sợ.
Tống Kha đành phải giả bộ cứng rắn đáp lại: “Cháu nội bà – Du Vũ Cường – không sao đâu, anh ấy đã rời khỏi thị trấn rồi. Anh ấy chưa chết, anh ấy sẽ sống rất sung sướng, bà yên tâm đi”.
Miệng của bà Dư rung lên, rồi ngã xuống, nằm như cũ.
Tống Kha thở hắt một hơi dài, anh cất tiếng gọi to ba cậu bé ở sảnh dưới: “Quỷ nhập tràng!”
Ba chàng trai trẻ nghe thấy tiếng anh, đều đã tỉnh lại. Một cậu có vẻ can đảm nhất đi tới sảnh lớn. Sau khi nhìn xác bà Dư Thất Liên liền hỏi: “Họa sĩ Tống à, anh nói linh tinh cái gì thế? Quỷ nhập tràng ở đâu hả?”
Tống Kha không để ý tới cậu ta, anh nhặt chiếc bút than từ dưới đất lên rồi tiếp tục đưa bút vẽ mấy đường ở phần mắt. Khóe miệng anh hơi nhoẻn cười.
Cậu thanh niên đó đưa mắt nhìn bức truyền thần, sợ hãi hét lên: “Ôi chao, giống quá, đúng lả vẽ giống hệt bà cụ”.
Nói xong, nó lại đưa tay lên bịt mũi, mùi kỳ lạ đó lại tràn ngập trong linh đường.

5
Con trai của Du Trường Thủy ôm bức truyền thần của bà Dư Thất Liên được lồng trong khung kính đi sau quan tài, đội đưa tang xếp thành hàng dài, tiếng thanh la, tiếng khóc rộ lên… Những người tới xem đám tang nô nức trầm trồ về sự sắp xếp đâu ra đấy, còn bàn tán về chuyện Tống Kha đã vẽ bà Dư Thất Liên giống y xì. Nhìn bức truyền thần của bà, người ta có cảm giác như bà đang sống. Lúc đó, Tống Kha đang ngủ mê mệt trên gác xép trong cửa hiệu. Sự phô trương thanh thế của nhà họ Dư dường như chẳng liên quan gì tới anh.
Vào buổi sáng khi Tống Kha vẽ xong bức truyền thần cho bà Dư Thất Liên, Du Trường Thủy nhìn thấy bức truyền thần liền khóc. Tống Kha cho rằng ông ta quá đau buồn vì cái chết của người mẹ, không ngờ ông ta nói với anh:
“Tới ngày tôi chết, nếu có thể mời được cậu vẽ truyền thần, thì đó sẽ là chuyện hạnh phúc nhất trong đời”.
Nói xong, Du Trường Thủy đưa cho Tống Kha ba đồng đại dương, sau đó đưa Tống Kha về nhà bằng chiếc xe con đã đi tới đây. Theo quy định của người dân trong thị trấn, khi ông họa sĩ già vẽ truyền thần cho người chết, cho dù là nhà giàu cỡ nào thì nhiều nhất cũng chỉ trả công một đồng đại dương. Du Trường Thủy trả công hậu hĩnh như vậy cho Tống Kha khiến những người có mặt ở đó cảm thấy không tưởng tượng nổi. Về cửa hiệu xong, Tống Kha ngủ vùi, sau khi ngủ lịm đi, anh lại mơ thấy người con gái tên Tô Tĩnh kia.
Tới trưa, Tam Lại Tử bước vào quán ăn.
Mụ Hồ Nhị Tẩu đang ngồi đó, lười biếng phe phẩy quạt nan. Lúc này không phải ngày chợ phiên, nên cũng chẳng có ai tới quán mụ ăn cơm. Mụ Hồ Nhị Tẩu chẳng hứng thú lắm với sự xuất hiện của Tam Lại Tử. Hắn đi vào trong quán ngồi xuống, gác chân lên, điệu bộ rất hống hách. Hắn nói với mụ: “Cho bát canh gan lợn, nửa cân bánh bao chiên”.
Hồ Nhị Tẩu hỏi: “Trả ngay hay nợ đấy hả?”
Tam Lại Tử liếc nhìn mụ rồi hỏi lại: “Bà chị nói thế có ý gì?”
Mụ liền đáp: “Nếu trả ngay, tao sẽ làm cho mày, còn nếu nợ thì đừng hòng”.
Tam Lại Tử bỗng rút từ trong túi ra một đồng đại dương, rồi vỗ lên bàn: “Bà chị đừng có nhìn người bằng mắt chó vậy nhé, xem đi, đây là cái gì hả?”
Mụ chủ quán nhìn thấy đồng đại dương sáng loáng, mắt cũng sáng theo: “Được, được, nhà anh có tiền, tôi coi nhà anh là quý ông, tôi đi nấu canh gan lợn, đi chiên bánh bao đây ạ”.
Tam Lại Tử dương dương tự đắc nói: “Thế mới được chứ. Đúng rồi, lát nữa cho thêm một bình rượu gạo. Đã lâu lắm rồi tôi chưa được uống rượu gạo, đến quên cả mùi rượu rồi”.
Hồ Nhị Tẩu mau mồm đáp lại: “Có ngay”.
Tam Lại Tử lại nói tiếp: “Thực ra, tôi có được mời ăn cơm hậu tạ sau tang lễ của nhà Chủ tịch Du, cũng chẳng thấy hay ho gì. Khách họ mời đều là diện có máu mặt trong thị trấn, những người đó coi thường tôi, thậm chí họ hàng nghèo khổ của ông ta cũng coi thường tôi. Ngồi ăn ở dó không bằng ngồi uống rượu gạo ở quán của bà chị”.
Mụ cười tí tởn.
Bổng Tam Lại Tử ra vẻ nghiêm túc nói: “Bà chị chưa nghe nói gì à? Chiều hôm qua, khi tôi đào mộ cho mẹ Chủ tịch Du đã xảy ra một chuyện rất kỳ quái”.
Hồ Nhị Tẩu nghe thấy Tam Lại Tử nói vậy liền nổi trí tì mò: “Chyện gì mà kỳ quái hả? Mau nói cho tôi nghe với”.
Tam Lại Tử vỗ vào miệng mình tự trách: “Bà chị thấy cái mồm thối của tôi chưa, tôi sao đã dặn đi dặn lại rồi mà lại trót nói ra thế này chứ. Chủ tịch Du đã dặn dò kỹ rồi mà, bảo tôi không được nói chuyện này ra. Nếu như ông ấy biết, chắc chắn sẽ sai Chung Thất tới bắn tôi mất”.
Hồ Nhị Tẩu càng tò mò hơn, mắt mụ phát ra ánh sáng màu xanh lục. Mụ chủ quán cô đơn ấy đã coi việc đồn thổi những tin tức vớ vẩn là cách tốt nhất để thoát khỏi nỗi cô đơn. Mụ ta nói tiếp: “Cậu nói đi, tôi nhất định sẽ không nói cho người khác đâu. Cậu tin tôi đi”.
Tam Lại Tử đáp lại: “Nếu tin được bà chị thì lợn cũng biết leo cây mất”.
Hồ Nhị Tẩu bị lời nói của Tam Lại Tử làm cho tò mò hơn. Mụ ta nói tiếp: “Tam Lại Tử à, cậu tin tôi lần này đi, nếu tôi đồn lời của cậu ra ngoài, tôi sẽ không được chết tử tế. Thôi thế này đi, cậu kể cho tôi chuyện này, tôi tặng cậu hai lạng rưỡi bánh bao chiên”.
Tam Lại Tử không hề dao động bởi câu thề độc của mụ Hồ Nhị Tẩu, thế nhưng lại bị dao động bởi hai lạng rưỡi bánh bao chiên, hắn trầm ngâm một hồi rồi nói: “Vậy tôi sẽ kể cho bà chị, bà chị đừng có nói cho ai đấy nhé”.
Mụ ta gật đầu, sắc mặt sinh động hẳn lên: “Mau, mau nói đi Tam Lại Tử! Vừa may lúc này quán không có ai, cậu cũng không phải lo có ai nghe thấy”.
Tam Lại Tử đứng dậy, tới chỗ mụ Hồ Nhị Tẩu đang chiên bánh bao trong chiếc nồi đáy bằng rồi ghé vào tai mụ ta nói:
“Chiều hôm qua, khi tôi đào huyệt cho mẹ Chủ tịch Du trên khu một họ Du trên núi, thì đào phải một tổ rắn. Có tới mười mấy con liền, khiến tôi sợ hết hồn vội trèo lên cây. Những con rắn đó đều là rắn hổ. Nếu tôi trèo không nhanh chắc đã bị bọn rắn đó cắn chết rồi. Bà chị nói xem có sợ không chứ? Tôi đã đào không biết bao nhiêu huyệt mộ, từ trước tới giờ chưa từng gặp chuyện gì đáng sợ như vậy”.
Mụ Hồ Nhị Tẩu nghe xong sợ hãi hỏi lại: “Có chuyện này thật à?”
Tam Lại Tử tiếp lời: “Hồ Nhị Tẩu, bà chị nói xem, nếu chỉ đào phải tổ rắn cũng chẳng sao. Tôi chạy như bay về báo với Chủ tịch Du, ngay sau đó Chủ tịch Du và thầy phong thủy cùng tôi đi tới chỗ đào huyệt. Ông thầy phong thủy nhìn thấy lũ rắn liền phán: ‘Hay quá, một mảnh đất tốt’. Tôi sớm đã biết đây là mảnh đất long huyệt nên mới chọn chỗ này. Trưởng trấn mừng ra mặt, ông thầy phong thủy lại nói tiếp: ‘Việc này, những người có mặt tại đây biết thì thôi, cấm không thể để nhiều người biết, nếu không sẽ phá thế phong thủy tốt của mảnh đất này’. Chính lý do này, mà Chủ tịch Du hào phóng cho tôi một đồng đại dương. Nhưng trong huyệt mộ có nhiều rắn như vậy, tôi sao mà dám xuống đó đào chứ, thấy phong thủy dường như hiểu được nỗi lo của tôi liền cười rồi nói: ‘Tam Lại Tử à, cậu không phải lo lắng gì đâu’. Bà nói xem, tôi có thể không lo lắng được ư?”
Hồ Nhị Tẩu sợ chết khiếp: “Mau nói đi Tam Lại Tử! Sau đó thì thế nào?”
Tam Lại Tử nói tiếp: “Cái ông thầy phong thủy đó cũng cao tay thật, tôi chỉ thấy ông ta rút ra một cái bùa màu vàng vẽ chữ loằng ngoằng, sau đó mồm lẩm nhẩm gì đó rồi đốt tờ bùa ở trước huyệt. Sau đó ông ta thắp một nén hương, cắm vào phía nam ngôi mộ, ông ta quỳ xuống, không hiểu lầm bầm cái gì trong miệng nữa, rồi ông ta đập đầu ba cái… Mẹ nó, đúng là linh thật đấy! Chỉ loáng một cái lũ rắn đang bò lổm ngổm kia bỗng biến mất tăm”.