Phi Lộ

Tháng tư, mùa hạ.
Năm thứ bốn mươi bốn đời Thần Tông nhà Đại Minh.
Bát Kỳ Hộ Trận của Mãn Châu chia binh làm bốn đạo, sanh kỳ bát ngát, rần rần kéo vào biên giới Trung Nguyên, họ nêu bảy điều vấn tội, để công bố lý do thúc đẩy dấy binh.
Biên cảnh Trung Hoa, Mãn Châu bụi cuốn mịt mù, máu đỏ nhuộm cả vùng sa mạc mênh mông, dẫn đến biên thùy Trung quốc.
Ngay lúc dầu sôi lửa bỏng ở biên cương, nội địa Trung hoa phat sinh nhiều chuyện lạ.
……………………….
Chuyện thứ nhất.
Xế về hướng Bắc, dựa lưng bởi một dãi núi trùng trùng điệp điệp, có một thôn trang.
Bên cạnh dòng suối vắt ngang bởi nhịp cầu tre có gian nhà tranh cửa trúc sơ sài.
Bóng chiều chưa sậm hẳn màu, từ dưới triều xa, một gã nông phu vai vác cuốc xăm xăm đi thẳng về hướng gian nhà trúc.
Hắn không nhận rõ mặt, vì chiếc nón là sùm sụp, chỉ thấy chót mũi, hắn là một thanh niên khỏe mạnh nhờ vào bắp chân bắp tay rắn chắc, xạm nắng hun hun của hắn.
Hắn đưa tay định xô cánh cửa nhà tranh, nhưng hắn bỗng nhiên dừng lại.
Hắn quay mặt về con đường đất xuyên qua cầu nhỏ, hắn đứng yên nhìn về hướng đó.
Chưa mút tầm mắt, con đường cụt hẳn vì một khúc quanh.
Từ gian nhà tranh đến khúc quanh của con đường đất trống lồng vắng tênh.
Nhưng nếu thính giác bén nhạy, sẽ nghe có tiếng động phảng phất như tiếng chân người.
Qua một lúc khá lâu chỗ khúc quanh quả nhiên có người xuất hiện.
Sáu người và một chiếc kiệu xanh.
Hai người khiêng kiệu và bốn người đi kèm hai bên đều vận sắc phục Cấm Quân Thị Vệ.
Cấm Quân Thị Vệ của đại nội hộ tống một chiếc kiệu nhất định không phải là nhân vật tầm thường.
Là thôn dân, đáng lý tên nông phu phải cấp tốc lách mình vào nhà và khép cửa, đó là chuyện phải làm bất cứ người dân nào, thế nhưng hắn vẫn đứng yên nhìn về hướng đó.
Chiếc kiệu qua cầu và thẳng tới túp nhà tranh.
Tên nông phu vẫn đứng yên.
Chiếc kiệu và sáu tên Thị Vệ đi ngay vào cửa.
Thông thường, nếu không kịp vào nhà, người dân phải lập tức quỳ xuống cúi đầu thật sát, vì bất cứ ai trong đại nội hoàng cung đi qua, người dân không có quyền ngẩng mặt.
Thế nhưng tên nông phu này thì không, hắn vẫn ngẩng mặt nhìn thẳng.
Chiếc kiệu đến sân.
Một tên Thị Vệ bước tới trước.
Tên nông phu vẫn đứng chắn ngang.
Cảnh trang bắt đầu ngột ngạt nhưng cũng may lúc đó trong gian nhà tranh chợt có tiếng vọng ra:
- Hắc nhi, đừng làm mất quy cũ, hãy tránh cho họ vào.
Gịong nói của một người đàn ông, của một người lớn tuổi.
Tên nông phu bước tránh ra hai bước, hắn vẫn lạnh lùng.
Hai tên Thị Vệ đặt chiếc kiệu xuống vén rèm.
Từ trong kiệu bước ra một viên Thái Giám.
Tên nông phu đưa tay xô nhẹ cánh cửa, viên Thái Giám bước vào.
Sáu tên Thị Vệ xốc đao bước tới.
Tên nông phu khép cửa lại và đứng chận ngang.
Sáu tên Thị Vệ hơi tái mặt không hẹn mà bàn tay của họ đều đặt nhẹ lên cán đao.
Gã nông phu nói hơi nhỏ. Nhưng giọng hắn thật rõ ràng:
- Nhà hẹp không tiện mời nhiều khách.
Sáu tên Thị Vệ, mười hai con mắt long lên… Thật là đúng lúc viên Thái Giám lên tiếng:
- Các ngươi hãy đợi ở ngoài.
Sáu tên Thị Vệ vội cúi đầu tuân lệnh.
Gã nông phu khẽ nói:
- Xin lỗi.
Gã bước vào trong và đóng cửa gài then.
Bên trong chủ khách đã ngồi.
Tên nông phu bước vào đứng sát bên lão già. Hắn không chào khách cũng không lên tiếng.
Chủ nhân bên trong là một lão già áo xám, ông ta khoảng trên dưới sáu mươi, mặt cũng đã trở màu xam xám, vóc người tầm thước, gương mặt xương xương… Ông đang ngồi đọc một lá thư.
Viên Thái Giám ngồi yên lặng.
Đọc thơ, lão già áo xám mỉm cười:
- Tôi biết rồi, xin Công Công hãy trở về.
Viên Thái Giám sững sờ:
- Dạ thưa… Lão già áo xám cười chúm chiếm:
- Tuổi đã xế chiều, tôi còn làm gì được chứ? Xin Công công trở về. Hắc nhi, hãy thay ta mà tiễn khách.
Viên Thái giám lúng túng:
- Dám thưa… Lão già áo xám đứng lên dang hai tay?
- Xin mời.
Ông ta ra hiệu cho tên nông phu và quay mình bước thẳng vào trong gian phòng kế cận.
Viên Thái giám đứng lên dợm bước theo, nhưng cánh tay rắn chắc của gã nông phu đã đưa ra chận lại.
Viên Thái giám mím miệng thở dài và chầm chậm quay.
Đưa xong khách và gài then cẩn thận, tên nông phu quay trở vào, hắn gặp ngay lão già áo xám đứng nơi phòng khách.
Ôâng ta xoè ngửa bàn tay, nơi đó có một chiếc thẻ bài bằng bạc sáng chói.
Trên tấm thẻ bài có chạm một con rồng, nét khắc tinh vi sống động.
Tên nông phu không đón lấy, hắn đứng nhìn sững… - Lý Đức Uy, con hãy thay cho nghĩa phụ mà lãnh chức “Bố Y Hầu” …………………………
Chuyện thứ hai.
Trường An Thành.
Ngoài Bắc Kinh, Trường An là một thành thị cổ nhất và hùng vĩ nhất.
Chuyện xảy ra vào khoảng giờ ngọ, một cỗ xe ngựa từ triền núi ngoại ô chầm chậm tiến vào thành.
Cỗ xe bốn mặt rèm buông cực kỳ sang trọng.
Gã đánh xe ăn vận cũng vô cùng sang trọng, hắn là một trung niên đại hán, nếu hắn không cầm cương giục ngựa, không ai dám nói hắn là một gã phu xe.
Hai bên, mỗi bên bốn ngựa, thứ ngựa ngoại mông lông trắng như tuyết, cao lớn dị thường.
Trên yên là tám gã đại hán, võ phục, lưng họ giắt thanh đao sang chói, trước yên một túi da đựng cung tên.
Bằng vào dáng sắc, họ thuộc về hạng võ quan hộ vệ và tự nhiên, võ công không phải tầm thường.
Tám người kỵ sĩ hộ tống một cỗ xe hoa quý, người ngụ trong xe nhất định cũng không thể tầm thường.
Một cỗ xe, tám người kỵ sĩ hiên ngang thẳng vào Trường An Thành như không hề ngó thấy một ai.
Họ thẳng lên Trường Lạc Phường và ngừng lại trước cổng một toà nhà tráng lệ.
Hai cánh cổng lớn đỏ chói, hình như hãy còn nghe thấy mùi sơn.
Hai tên nộ bộc như đang gác cửa, vừa thấy cỗ xe là chúng lật đật chạy ra mở hoác hai cánh cửa.
Bên trong, một lão già áo gấm bước ra.
Trước hết, ông ta khẽ gật đầu chào tám tên kỵ sĩ và gã đánh xe.
- Đường xa mệt nhọc, chư vị thỉnh an.
Những tên kỵ sĩ không trả lời, mặt họ lạnh băng, như đều tập trung cả tinh thần vào chuyện họ hộ tống cỗ xe.
Gã đánh xe nhảy xuống, hai tay trịnh trọng dỡ rèm:
- Bẩm… Hắn vụt nín ngang và tám tên kỵ sĩ cùng đều tái mặt.
Trong đó trống rỗng.
Tám tên kỵ sĩ giật mạnh dây cương, tám con tuấn mã lồng lên phi nước đại quay trở lại.
Lão già áo gấm ngơ ngơ nhìn cỗ xe “vô chủ” tay chân run bắn…