Dưới mắt du khách

     ohn S., người Mỹ, sang thăm Việt Nam một tháng và trong thời gian này thường viết thư về cho vợ kể lại những điều mắt thấy tai nghe. Một vài nhận xét có thể hấp tấp hay sai lầm nhưng cũng cho biết thêm về hình ảnh của chúng ta dưới mắt một du khách ngoại quốc.
Saigon, ngày............
Dora,
Nếu ở Nữu ước người ta phải vặn gập cổ về đằng sau để ngắm một thành phố cao tắp thì ở Saigon tầm mắt được nghỉ ngơi trên những rặng cây xanh làm cho đường phố thân mật hơn.
Đường không rộng nhưng đủ các loại xe. Ở Mỹ ta chỉ thấy xe hơi, ở Hòa Lan hay Đan Mạch nhiều xe đạp, ở Ý nhiều sì-cút-tơ nhưng ở đây xe gì cũng nhiều, mỗi loại xe lại có vài biến thể. Xích-lô có thứ lững lờ do một người êm đềm ngồi đạp ở đằng sau, có thứ chạy bằng máy hung hăng như một cơn gió lốc và phun khói như những tầu thủy em thường thấy trên sông East River. Xe bò lạch cạch nghênh ngang không buồn để ý đến nhịp thời gian. Xe hơi có những kiểu ra đời cách đây đã đến hơn nửa thế kỷ sánh vai với những kiểu tối tân lộng lẫy, trông cặp kè như đôi vợ chồng quá lệch tuổi.
Sức chứa của các xe thật ngoài sức tưởng tượng. Anh đã gặp một xe mô-tô, người chồng cầm lái, hai đứa con ngồi trên bình xăng đằng trước, và người vợ bế đứa con thứ ba ngồi đằng sau. Sì-cút-tơ được lắp thêm một thùng xe, chở được từ sáu đến tám người với một số hàng hóa.
Nhưng ngoạn mục nhất có lẽ là xe ngựa. Ngựa có một nắm lông ở trên đầu, cổ đeo nhạc, và khi xe chạy, vó ngựa lốp bốp như chân một cặp tài tử nhảy thiết hài trên sân khấu Broadway.
Tất cả các xe đó len lách, chèn, vượt, chẳng theo gì hàng lối đã vạch trên mặt đường mà không thấy vướng nhau. Nhưng rủi có hai xe đụng nhau là cả một con đường nghẹt lại. Anh đã thấy một xe đạp chạm nhẹ vào một xe gắn máy, chẳng xe nào hư hao chi cả. Tưởng hai người sẽ cười với nhau rồi lên xe đi cho khỏi mất thì giờ nhưng không, họ để hai chiếc xe nằm ềnh giữa đường rồi đứng đấy chẳng nhìn nhau mà cũng chẳng nói với nhau. Anh vội đi nên không ở lại xem đến hết, không biết rồi về sau câu chuyện kết cục ra sao?
Lạ nhất là giữa cảnh xe cộ hỗn độn đó, khách bộ hành đi đứng thản nhiên chẳng khác gì đang dạo chơi vườn cảnh.
Tuy là một hải cảng, Saigon không có cái không khí đặc biệt của một bến tầu như khu Manhattan của Nữu Ước. Bờ sông ở đây trông trang nhã như một vườn cảnh, có sân golf tí hon, có vườn chơi cho trẻ nhỏ. Những đêm nóng nực một vài gia đình mang chiếu ra trải trên cỏ cho mấy đứa con nằm ngủ trong khi người cha và người mẹ ngồi vừa hóng gió vừa ăn những khẩu mía cắm vào một chùm tăm tre vót tỏa ra như một bó hoa.
Các cửa tiệm bày biện hơi tham lam, nên kiếm chọn hàng rất khó. Mình là người ngoại quốc muốn đi tìm những hàng đặc biệt Việt Nam thì chủ tiệm lại chỉ khoe với mình hàng Mỹ và tỏ vẻ ngạc nhiên trước sự dửng dưng của mình. Chen vào giữa các tiệm buôn thỉnh thoảng lại hiện ra những tấm biển đạo mạo ghi tên một trường học Anh ngữ. Mua bán còn phải mà cả thành ra sắm cái gì đó có ai hỏi giá, mình cứ nơm nớp sợ họ chê đắt. Nhưng ai nấy đều khen rẻ, như không nỡ đem việc mình mua hớ ra chế giễu. Các nhà buôn lại tin rằng người khách đầu tiên vào buổi sáng có ảnh hưởng cho trọn ngày nên tốt hơn hết là mình tránh làm người khách đó kẻo đã vào mà không mua cứ thấy như mình mắc lỗi với chủ hàng.
(Những đoạn sau trong thư chỉ có tính cách gia đình nên không trích đăng).
J.S.
Saigon, ngày......................
Dora,
Người Việt nhỏ nhắn, tính nết kín đáo và hiếu khách. Anh trông họ, người nọ cứ hao hao giống người kia và) khó lòng mà đoán được tuổi họ. Có lần một người kia còn trẻ lắm hỏi anh: “Ông đoán tôi bao nhiêu tuổi?” Anh ngắm nghía thật kỹ thấy da chưa nhăn, má còn đầy nên đã trả lời “Từ 36 đến 38”. Khi nói vậy, mình đã nghĩ tăng lên vài tuổi thế mà người kia phá lên cười: “52 rồi ông ơi, con trai lớn của tôi năm nay đã 33”.
Đàn bà Việt càng có tuổi hình như càng đẹp ra nên hỏi tuổi họ, không phải là một điều vô phép.
Các bà trang điểm nhiều hơn các cô, và ai đi qua Việt Nam cũng phải chịu áo dài phụ nữ là đẹp. Thật là uyển chuyển, thật là mềm mại. Mỗi bước đi tà áo lả lướt chẳng khác gì những cánh hoa phong lan.
Họ mặc quần chùng áo dài nên họ không lo sợ những cơn gió tinh nghịch như đàn bà Âu Mỹ, trái lại gió càng làm tôn vẻ người họ lên.
Thời trang không thay đổi nhiều từ năm này qua năm khác - (Người đàn ông Việt Nam may mắn hơn chúng ta ở điểm này chăng). Gần đầy các bà Việt Nam cũng đã nghĩ canh cải áo dài của họ nhưng không phải sự thay đổi nào cũng hợp với thẩm mỹ - Có những cổ áo cao quá làm đầu họ cứng nhắc, có những eo chật quá trông như buộc một sợi dây ngang lưng.
Ngắm một đôi vợ chồng người Việt ở ngoài đường ta thấy cả một sự tương tranh giữa ảnh hưởng Tây phương và những quan niệm cổ truyền Á Đông - Người chồng, khi nào nhớ ra thì nhường vợ đi trước, mở cửa cho vợ lên xe, lúc quên thì lại mặc vợ lẽo đẽo đằng sau, hay để vợ tay xách nách mang không đỡ đần chi cả. Có khi ở tiệm ăn ra mà người chồng thản nhiên để vợ móc ví trả tiền. Thực ra trong vài trường hợp người chồng cũng không làm gì hơn được vì có bao nhiêu tiền đã đưa vợ giữ hết.
Ở Nữu Ước, có lần em chỉ ra mua đồ ở tiệm Macy’s, anh ngồi uống ly cà phê với người bạn ở xóm Greenwich mà chúng ta cũng thấy cần gọi điện thoại cho nhau. Vợ chồng người Việt yêu nhau một cách lặng lẽ hơn, thầm kín hơn và tránh cả những cử chỉ thân mật trước công chúng.
Các gia đình không thấy tổ chức những buổi họp mặt cho con trai, con gái mới lớn lên có dịp gặp gỡ làm quen. Anh không rõ họ làm thế nào để hai bên hiểu biết tính tình trước khi lấy nhau. Anh có hỏi một thanh niên về chuyện đó và được anh này trả lời: “Ồ đã có mẹ tôi lo” - Không biết anh ta nói đùa hay nói thật.
Nhà nào cũng đông con - Có bà 30 tuổi mà đã 9 con rồi nghĩa là một mình bà ta đẻ bằng cả 5 gia đình Bob, Richard, Henry, Arthur, David cộng lại. Thế mà hỏi có định đẻ nữa không, bà ta vẫn mỉm cười một cách nhiều ý nghĩa.
Trẻ con chơi rất ít, học rất nhiều. Người ta đã kể cho anh nghe một em 13 tuổi mỗi ngày phải làm mười bài toán, người cha ngồi bên cạnh gào thét, thúc giục. Học sinh gần như không nghỉ hè. Bãi trường chừng mười ngày chúng đã cầp sách đi học lớp hè và chỉ còn năm ngày trước khi tựu trường chúng mới lại được nghỉ. Khi chúng chơi, cha mẹ cũng không muốn cho chúng hò la inh ỏi, chỉ muốn chúng chơi ngoan. Cho nên trò chơi mà anh thường gặp nhiều nhất là thấy hai đứa trẻ cúi đầu trên một mảnh giấy kẻ ô vuông, đứa gạch chữ thập, đứa vẽ vòng tròn, đứa nào kéo dài được năm ô liền không bị đứa kia cắt ngang thì được cuộc.
Trong khi đó, ở bên ta trẻ con suốt ngày nhai kẹo gôm, xem vô tuyến truyền hình hay chơi baseball.
Phải công nhận về điểm này trẻ con Mỹ chúng ta hư hỏng quá và chúng được nuông chiều quá đáng.
J.S
Saigon, ngày.....................
Dora,
Hồn thơ của người Việt thật là phong phú - Bất cứ cái gì cũng gợi hứng cho họ làm thơ được, không những chỉ có chuyện tình cảm mà các vấn đề hành chánh, kinh tế, kỹ thuật họ cũng ngâm vịnh được. Các báo chí, ngay các báo hàng ngày và một số báo chuyên môn, số nào cũng có cột đăng thơ.
Người ngoại quốc tới đây khó mà phân biệt được ai là người Bắc, ai là người Nam. Những sự thử thách dân tộc Việt phải chịu đựng đã mài giũa dần các dị biệt địa phương. Tuy nhiên vài người Bắc thỉnh thoảng vẫn xuýt xoa nhắc cho ta chỉ có gạo vùng họ mới thơm, cam nhãn đất họ mới ngọt, lợn gà quê họ mới ngon. Tâm lý này dễ hiểu - Ai chẳng thấy quê hương mình là đẹp: bên Mỹ cũng vậy, người California thì hãnh diện về trái cây xứ mình, còn người New Orleans lại tự hào về khách sạn của họ. Nhưng tại sao chúng ta lại không tỏ lòng yêu nơi chôn rau cắt rốn mình một cách khác hơn là cứ so sánh các sản vật vùng mình với sản vật vùng khác.
Tuần trước, anh được mời dùng một bữa cơm Việt Nam. Trông thấy đĩa bầy trên bàn mà hoa cả mắt. Tất cả các món đều đưa lên một lúc chứ không có món trước món sau. Khách còn đang phân vân chưa biết dùng món nào thì bà chủ đã gắp cho đầy bát. Tay mình cầm đôi đũa dài, lêu đêu nhặt từng hạt cơm, chẳng khác gì một con chim mỏ dài đang mổ vào trong bát. Bà chủ không nói tiếng Anh, suốt mấy tiếng đồng hồ chỉ khẽ gật đầu, khẽ mỉm cười mà cũng đủ để cho mình thấy cách tiếp khách của bà thật là ý nhị. Các món ăn đều thái nhỏ và thường thường là nhạt nên phải chấm vào một thứ nước mặn, mùi rất nặng nhưng dùng quen lại thấy vị thật đậm đà.
Cơm xong ông bà chủ cho đi coi hát. Một số khá đông khán giả mang con cái đi theo. Phải chịu những đứa nhỏ này tài thức khuya. Trong khi ở bên Mỹ các bạn chúng đã lên giường từ lầu thì ở đây chúng còn ngồi mắt thao láo theo dõi từ đầu đến cuối thật chăm chú và không lúc nào tỏ ra buồn ngủ.
Người phương Tây xem ca kịch Á Đông không thể tránh khỏi một vài bỡ ngỡ. Xem tuồng cổ chẳng hạn chúng ta quá chú trọng về sự diễn tả lại sự thực lịch sử nên chúng ta khắt khe với những điểm nào sai lầm về thời đại. Nhưng bữa đó, anh đã thấy giữa một triều đình cổ, ban vũ biểu diễn một điệu nhảy mới thịnh hành ở Mỹ cách đây vài năm.
Có một bản ca gì rất được nhiều người hoan nghênh, tài tử vừa mới hát xong câu thứ nhất còn đang hạ giọng xuống thật trầm, cả rạp đã vỗ tay vang như sấm.
Chúng ta có thói quen vỗ tay sau khi màn buông xuống và hết màn cuối cùng chúng ta vỗ tay nhiều lần cho tài tử ra chào khán giả, càng ra chào nhiều lần là càng được hoan nghênh. Xem hết vở tuồng ấy anh cũng làm như vậy, nhưng quay đi quay lại chẳng thấy ai hưởng ứng cả chỉ riêng có mình vỗ tay, nghe mới vô duyên lạc lõng làm sao!
Ảnh hưởng Đông, Tây còn hòa trộn trong những lãnh vực thật bất ngờ. Anh đã gặp một đám ma, đối trướng chữ Hán đi giữa các vòng hoa cườm, phường bát âm mở đường cho xe ngựa phủ đen, theo sau là thân nhân mặc mầu tang trắng, bạn bè phì phèo thuốc lá, kể lể hàn huyên.
Người Trung Hoa ở Saigon còn dùng cả những nhạc cụ Tầy Phương, kèn đồng, trống lớn, đi cạnh một xe tang chạm trổ trang hoàng như một cung điện nhỏ. Trong lúc đám ma từ từ kéo dài trên đường phố thì kèn kia vang lên một bản nhạc, có trống nọ đệm nhịp, làm những anh gánh heo quay dẫn đầu cũng lắc lư theo tiết điệu. Có người còn nói với anh đã từng thấy nhạc cử bài “Si tu reviens” (nếu anh trở lại), không biết người chết mà còn nghe được thế sẽ nghĩ sao?
Thấm thoắt đã gần đến ngày về và anh đã giữ chỗ máy bay thứ tư tuần tới. Một bạn người Việt có hỏi cảm tưởng của anh sau một tháng lưu lại Saigon. Anh nghĩ rằng thành thực nhất là nhắc lại những đoạn thư đã viết cho em - Có thể đúng, có thể sai, nhưng điều anh mong mỏi nhất là những nhận xét của anh sẽ không để cho người bạn Việt phiền lòng vì không gì buồn hơn là làm buồn một người bạn.
J.S