Dịch giả: Lê Khánh Trường
Chương 7
DẤU VẾT THUỐC NHUỘM TITANIK

     ppolit Matveevich thức dậy, theo thói quen, lúc bảy giờ rưỡi, nói to thành tiếng “gút móc-ghen” rồi đi ra chỗ lavabo. Ông rửa mặt, súc miệng một cách thích thú rồi lắc lắc đầu để nước chảy ra khỏi lỗ tai. Lúc lau mặt mới dễ chịu làm sao, nhưng khi đưa cái khăn ra khỏi mặt, thì ôi thôi, ông thấy nó loang lổ đúng cái màu đen rưng rức mà tối hôm kia ông đã dùng nó để nhuộm bộ ria nằm ngang của mình. Tim Ippolit như lịm đi. Ông chạy bổ đi lấy chiếc gương bỏ túi. Trong gương hiện ra cái mũi to và hàng ria bên trái xanh như cỏ non. Ông vội xê dịch chiếc gương sang bên phải. Hàng ria bên phải cũng một màu gớm ghiếc như thế. Cúi gục đầu xuống, như muốn vập vào gương, con người bất hạnh thấy cái màu đen rưng rức chỉ còn ngự trị ở đỉnh đầu, chứ hai bên và đằng trước chỉ thấy một lớp cỏ non mơn mởn.
Toàn thân Ippolit Matveevich phát ra tiếng rên rỉ đến nỗi Ostap mở choàng mắt ra.
– Ông điên rồi hả? – Ostap càu nhàu rồi lại nhắm tít mắt vào.
– Đồng chí Ostap ơi! – nạn nhân của “Titanik” van vỉ gọi.
Ostap tỉnh ngủ hẳn sau nhiều thao tác lay gọi. Hắn chăm chú nhìn Ippolit và cười ha hả. Sau khi trở mình tránh ông giám đốc – sáng lập viên của hợp đồng, gã giám đốc kỹ thuật kiêm chỉ đạo viên thực hành cười rung người, tay níu lấy thành giường nói to “Tôi chịu” rồi thả sức cười hô hố.
– Như thế là không tốt đâu, đồng chí Ostap ạ – Ippolit nói mếu máo với hai hàng ria xanh run rẩy.
Câu nói ấy truyền thêm sức lực cho Ostap. Tiếng cười chân tình của hắn còn kéo dài chừng mười phút nữa. Nghỉ một lát, hắn trở nên nghiêm trang.
– Sao ông cứ hầm hầm nhìn tôi như lính thấy rệp ấy thế. Ông thử ngắm ông xem nào.
– Thì thằng cha dược sĩ nó bảo tôi rằng đây là thuốc nhuộm màu đen rưng rức, mà nước lạnh hay nước nóng, bọt xà phòng hay dầu hỏa cũng không gột rửa được kia mà... Hàng nhập lậu kia mà...
– Hàng nhập lậu ư? Tất cả các thứ hàng nhập lậu đều làm ra ở Odecxa, tại thành phố Malaia Arnautskaia. Đưa tôi xem cái lọ nào... ông đã xem chỉ dẫn ở đây chưa?
– Xem rồi.
– Đây, những chữ nhỏ li ti kia mà? Ở đây nói rõ rằng sau khi gội đầu bằng nước lạnh, nước nóng, xà phòng hay dầu lửa, thì nhất thiết không được lau tóc, mà phải ra phơi nắng hoặc hong lên bếp dầu... Tại sao ông không làm đúng như thế? Bây giờ thì ông đi đâu được với cái thứ râu tóc ngớ ngẩn kia?
Ippolit Matveevich bần thần cả người. Lão Tikhôn bước vào. Thấy ông chủ ria xanh, lão làm dấu thánh giá và xin vài hào uống cho tỉnh rượu.
– Cho anh hùng lao động ấy một rúp đi – Ostap nói – và nhớ ghi vào tài khoản của tôi. Đấy là việc riêng giữa ông với đầy tớ cũ của ông. À mà hượm đã, bố già ơi, đừng đi vội, có một việc này đã.
Ostap hỏi han lão già quét vườn, về món đồ gỗ và năm phút sau hai thành viên hợp đồng tô nhượng đã biết mọi chuyện. Toàn bộ đồ gỗ đã bị chở về phòng nhà đất năm 1919, trừ một chiếc ghế ở phòng khách. Chiếc này lúc đầu thuộc quyền sở hữu của Tikhôn, sau đó nó bị ông chủ nhiệm Nhà bảo đảm xã hội số 2 lấy mất.
– Nghĩa là nó vẫn ở trong nhà này?
– Vâng.
– Này anh bạn Tikhôn, – Ippolit hồi hộp hỏi, – hồi anh giữ chiếc ghế, anh có... có sửa ghế lần nào không?
– Sửa nó làm sao được ạ. Hồi xưa người ta đóng ghế tài lắm. Một cái ghế dùng mấy chục năm vẫn tốt.
– Thôi được, đi đi, đây, cho anh bạn thân một rúp nữa và chớ có bép xép với ai rằng ta về đấy nhé.
– Thưa ngài, tôi xin câm như cá ạ.
Sau khi đẩy lão quét vườn ra và nói to “Băng bắt đầu trôi”, Ostap Benđer lại quay lại chuyện râu tóc của Ippolit.
– Đành phải nhuộm lại thôi. Ông hãy đưa tiền để tôi ra hiệu thuốc. Cái thuốc “Titanik” của ông chỉ nhuộm lông chó được thôi. Ngày xưa, ôi cái thời hoàng kim!... Một vị giáo sư về môn đua ngựa có kể cho tôi nghe câu chuyện xúc động thế này. Ông có quan tâm đến môn đua ngựa không? Không à? Tiếc quá! Xúc động lắm kia!... Vậy là có một ông vua mánh tên là bá tước Drutski. Drutski đánh cá thua năm trăm ngàn. Triệu phú thua cuộc! Khi ông ta chẳng còn gì ngoài các khoản nợ nần, và đang tính chuyện tự tử, thì một tay đại bịp nhận của ông ta năm chục rúp để cho một lời khuyên. Drutski ra đi, một năm sau trở về đem theo một con ngựa nòi ba tuổi, giống Or-lốp. Sau đó ông bá tước chẳng những trả hết nợ, thu lại số tiền đã mất, mà còn thắng cuộc ba trăm ngàn nữa. Con ngựa nòi Or-lốp của ông ấy tên là Makler bao giờ cũng về nhất. Trong các cuộc đua ngựa, ông ta vượt trước Mak-magon cả một thân ngựa. Sấm sét chưa!... Nhưng Kutochkin (ông có nghe tên vị này chưa?) để ý rằng mọi con ngựa giống Or-lốp đều thay đổi màu lông. Chỉ riêng con Makler vẫn y nguyên như cũ. Câu chuyện om xòm cả lên! Ông bá tước xơi ba năm tù. Thì ra Makler chẳng phải giống Or-lốp, mà chỉ là ngựa lai được nhuộm lông, mà giống ngựa lai thì tỉnh táo hơn Or-lốp nhiều? Giống Or-lốp đừng hòng đuổi được chúng. Đấy, ông thấy tuyệt chưa? Thế mới là thuốc nhuộm chứ.
– Nhưng đây là loại thuốc nhuộm chính cống, có nhãn hiệu hẳn hoi.
– Thì cái nhãn hiệu của nó cũng là đồ dỏm như nhãn thuốc “Titanik” của ông thôi. Nào đưa tiền đây!
Ostap quay về với lọ thuốc nước trong tay.
– ”Naiada” có lẽ khá hơn loại “Titanik” của ông. Hãy cởi vét-tông ra!
Nghi lễ nhuộm tóc lại bắt đầu. Nhưng cái “màu hạt dẻ kỳ diệu” làm cho tóc “mượt mà và thơm tho” khi trộn với màu xanh lá cây của “Titanik” đột nhiên làm cho râu tóc của Ippolit Matveevich có màu quang phổ mặt trời.
Từ sáng đến giờ chưa được miếng gì vào bụng, Ippolit nổi xung chửi tất cả các xí nghiệp mỹ phẩm của quốc doanh cũng như của tư nhân (nằm ở phố Malai Arnautskaia tại Odecxa).
– Râu tóc như thế này thì ngay Aristid Brian cũng không có – Ostap vui vẻ nhận xét – Nhưng sống ở nước Nga Xô viết với món râu tóc màu cực tím này không ổn. Phải cạo đi thôi.
– Tôi chịu thôi – Ippolit cay đắng nói – Ai lại làm thế.
– Ông quý râu tóc lắm hả?
– Tôi chịu thôi – Ippolit cúi đầu nhắc lại.
– Vậy thì ông cứ ngồi suốt đời ở căn hầm này, còn một mình tôi sẽ đi tìm kim cương. À, mà chiếc ghế thứ nhất đang ở trên đầu chúng ta đấy.
– Thôi, anh cạo giùm tôi vậy.
Tìm được chiếc kéo, Ostap thộp lấy râu tóc Ippolit xén luôn. Râu tóc rơi lả tả từng lọn một. Cắt xong, vị giám đốc kỹ thuật rút trong túi ra chiếc bàn cạo “Jilet” màu vàng xỉn, lấy lưỡi dao dự trữ trong ví lắp vào và bắt đầu cạo cho Ippolit lúc ấy đang mếu máo.
– Còn lưỡi dao cạo cuối cùng đem cạo cho ông. Đừng quên ghi vào tài khoản “có” hai rúp tiền công và tiền dao cạo đấy nhé.
Đang quằn quại đau khổ, Ippolit vẫn hỏi:
– Sao đắt thế? Hiệu cắt tóc nào cũng chỉ lấy giá bốn chục cô-pếch thôi!
– Thưa đồng chí thống chế, hiệu cắt tóc bí mật phải khác chứ, – Ostap đập luôn.
Nỗi đau đớn của một người bị cạo đầu bằng manh-xà-lam thật là vô cùng. Ippolit nhận ra điều này ngay từ lúc lưỡi dao chạm vào đầu.
Nhưng rồi cái gì cũng đi đến chỗ kết thúc của nó.
– Xong. Phiên họp tiếp tục! Xin đừng nhìn những kẻ mau nước mắt! Bây giờ ông giống hệt thi sĩ Boborykin nổi tiếng!
Ippolit phủi những túm tóc gớm ghiếc cách đây mấy ngày còn là những sợi bạc đáng kính, rửa lại mặt mũi, cảm thấy ngứa ngáy buồn buồn trên đầu và lại soi gương, có lẽ đến lần thứ một trăm kể từ sáng đến giờ. Cái mà ông nhìn thấy bỗng khiến ông vui thích. Trong gương là một khuôn mặt tuy méo sệch vì đau khổ, nhưng trông khá trẻ trung của một diễn viên nghiệp dư.
– Thôi, lên đường! Một, hai! Kèn trận đang thúc giục! – Ostap nói to – Tôi đến phòng nhà đất, nói đúng hơn, đến cái nơi trước kia là phòng nhà đất. Còn ông hãy lên gặp các cụ bà!
– Chịu thôi – Ippolit nói – Tôi sẽ rất khổ tâm nếu bước vào ngôi nhà cũ của mình.
– Ái chà chà!... Cảm động chưa! Nhà quý tộc thượng lưu bị xua đuổi! Được rồi, Ông đến phòng nhà đất, để tôi hoạt động ở đây vậy. Nơi hội quân, căn phòng của lão quét vườn. A-lê-hấp!