Dịch giả: Lê Khánh Trường
Chương 5
VUA MÁNH

     ào lúc mười một giờ rưỡi, từ phía tây bắc, từ trong làng Chmarovka, có một gã trẻ tuổi trạc hăm bảy hăm tám đi vào thành phố Stargorot. Một chú bé ăn mày chạy theo hắn.
– Chú ơi! – Thằng bé gọi to, – cho cháu ít hào đi chú!
Gã trẻ tuổi lấy quả táo ấm từ trong túi ra cho thằng bé, nhưng nó vẫn cứ bám lấy hắn. Hắn bèn dừng lại, nhìn thằng bé bằng con mắt giễu cợt và nói nhỏ:
– Có lẽ phải đưa thêm cho mày chìa khóa căn phòng để tiền chắc?
Chú bé ăn mày hiểu ra toàn bộ tính vô căn cứ của yêu sách nó đưa ra, nên đành lui bước.
Gã trẻ tuổi nói dối: Hắn không có tiền, cũng chẳng có căn phòng nào để ngã lưng, cũng chẳng có chìa khóa mở cửa phòng. Đến áo bành tô hắn cũng không có nốt. Hắn vào thành phố trong bộ com-plê tã màu xanh. Cái cổ lực lưỡng của hắn quàng mấy vòng khăn len, chân xỏ giày cao cổ bằng da nai màu vàng. Trong giày không có bít tất. Một tay hắn cầm cái thước đo góc.
– ”Ô-ti-ri-rim, Ô-ti-ri-a!” – hắn khẽ hát khi tới gần chợ trời.
Ở đây hắn sẽ tìm được nhiều việc làm. Hắn chen lấn vào đám đông con buôn đang trì néo khách, hắn chìa cái thước đo góc ra và bắt đầu gào to bằng giọng nghiêm chỉnh:
– Ai mua thước đo góc khô-ông? Bán thước đo góc giá hời đây! Giảm giá cho cơ quan và phụ nữ đây!
Cung mãi vẫn không đẻ ra cầu. Các phái đoàn phụ nữ, các bà nội trợ quan tâm nhiều hơn đến những mặt hàng khan hiếm, nên tụ tập ở các quầy thủ công nghiệp. Một trinh sát của ban hình sự Stargorot đã hai lần lướt qua chỗ gã bán thước đo góc. Nhưng vì cái thước đo góc chẳng giống chút nào cái máy đánh chữ của văn phòng Trung tâm ép dầu bị mất cắp hôm qua, cho nên tay trinh sát kia thôi phóng tầm mắt về phía gã trẻ tuổi.
Đến trưa, cái thước đo góc được bán cho một anh thợ nguội với giá ba rúp.
– Thước đo tự động đấy – gã trẻ tuổi nói lúc trao hàng cho chủ mới – tha hồ mà đo cái chỗ ấy...
Được giải thoát khỏi cái thứ dụng cụ đo lường tinh khôn, gã trẻ tuổi vui vẻ ăn trưa ở tiệm ăn “Ngon hết ý” rồi đi tham quan thành phố. Hắn đi hết phố Xô viết, ra quảng trường Hồng Quân (trước gọi là quảng trường đại Puskin), tắt qua phố Kooperativ và lại có mặt ở phố Xô viết. Nhưng đây không phải là cái phố Xô viết mà hắn đi lúc nãy; ở thành phố này có những hai đường phố mang tên Xô viết. Ngạc nhiên về chuyện đó, gã trẻ tuổi bước sang phố Sự kiện Lenxki (trước gọi là phố Denisov). Cạnh biệt thự hai tầng No28 có tấm biển đề:

C C C P

CỘNG HÒA LIÊN BANG NGA

PHÒNG BẢO ĐẢM XÃ HỘI SỐ 2

CÔNG TY BẢO HIỂM TỈNH STARGOROT

Gã trẻ tuổi dừng chân để xin lửa châm thuốc của một ông già lao công đang ngồi trên chiếc ghế kê cạnh cổng.
– Bố ơi – gã trẻ tuổi rít một hơi thuốc, hỏi, – thành phố của bố có lắm con gái không hở bố?
Ông già không chút ngạc nhiên.
– Trai nào có gái ấy – ông già sẳn sàng bắt chuyện.
– Cháu không dám hỏi gì nữa – gã trẻ tuổi nói nhanh.
Rồi ngay lập tức một câu hỏi mới được tung ra:
– Một biệt thự sang trọng thế này mà lại không có gái ư?
– Người ta đang đốt đuốc đi tìm bọn con gái ở thế giới bên kia cơ. Còn ở đây là nhà làm phúc, là trại dưỡng lão của các cụ bà về hưu.
– Cháu hiểu rồi. Nghĩa là những cô gái ra đời từ trước chủ nghĩa duy vật lịch sử phải không ạ?
– Đúng thế, đẻ hồi nào tức là ra đời hồi ấy.
– Thế cái nhà này là gì trước khi có chủ nghĩa duy vật hở bố?
– Trước khi nào?
– Nghĩa là ở chế độ cũ ấy mà?
– À, hồi còn chế độ cũ thì ông chủ của lão sống ở đây.
– Một tay tư sản à?
– Cậu là tư sản thì có. Đã bảo là của một ngài đô thống quý tộc.
– Nghĩa là một dân vô sản?
– Cậu là vô sản thì có! Đã bảo đó là một vị đô thống.
Câu chuyện với ông già lao động kém hiểu biết về cơ cấu giai cấp của xã hội có lẽ sẽ kéo dài không biết đến bao giờ nếu như gã trẻ tuổi không quả quyết ra tay.
– Bố ơi, bây giờ mà bố con ta làm vài chén rượu thì tuyệt.
– Cậu thết lão đi.
Cả hai kéo nhau đi chừng một giờ, lúc quay về ông già lao công đã trở thành người bạn chí cốt của gã trẻ tuổi.
– Bố cho con ngủ nhờ một đêm ở đây nhé – người bạn mới ngỏ lời.
– Cậu cứ sống ở đây suốt đời cũng được, nếu cậu là một người tốt.
Sau khi nhanh chóng đạt được mục đích chính của mình, vị khách lanh lẹ đi xuống căn hầm của ông già lao công, cởi đôi giày màu vàng và ngả mình xuống chiếc ghế dài nằm suy tính kế hoạch hành động cho ngày mai.
Gã trẻ tuổi tên là Ostap Benđer. Về tiểu sử của mình, gả chỉ cho biết một chi tiết: “Cha tôi – hắn nói – quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ”. Con trai của vị quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ đã từng thay đổi nhiều ngành nghề. Cái tính cách sôi nổi cản trở hắn hiến trọn cuộc đời cho một công việc gì đó, đã luôn ném hắn đến những vùng khác nhau trong nước và hôm nay đưa hắn tới thành phố Stargorot, không bít tất, không chìa khóa, không nhà và không xu dính túi.
Nằm trong căn phòng ấm áp đến hôi hám của ông già lao công, Ostap Benđer suy đi tính lại hai phương án tiến thân.
Có thể lấy nhiều vợ và thanh thản di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác, mỗi lần cuỗm đi một chiếc vali mới đựng đầy những đồ quý giá của cô vợ thường trực.
Cũng có thể ngay sáng mai đến ủy ban thiếu niên nhi đồng thành phố Stargorot đề nghị họ bán giúp bức tranh chưa vẽ nhưng đã hình dung rõ trong đầu nhờ một tư tưởng thiên tài – bức tranh nhan đề “Những người bonsevich viết thư cho Sambetlen” dựa theo bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Repin “ Những người Zaporohe viết thư cho vua Thổ”. Nếu thành công, phương án ấy có thể đem lại cho hắn bốn trăm rúp.
Cả hai phương án đều đã được Ostap nghĩ đến trong thời gian hắn có mặt lần cuối ở Mátxcơva. Phương án kiếm nhiều vợ nảy sinh dưới ảnh hưởng câu chuyện về một vụ án đăng trên báo buổi chiều, kể rằng một gã đa thê chỉ bị ngồi tù có hai năm. Phương án No2 nảy ra trong óc Ostap Benđer, khi hắn đi xem triển lãm của “Hội họa sĩ cách mạng Nga”, không phải mua vé vào cửa.
Nhưng cả hai phương án đều có thiếu sót. Muốn kiếm nhiều vợ mà không sắm được bộ cánh đẹp màu lông chuột thì khó thắng lợi. Hơn nữa cần có ít ra mươi rúp để làm quen và nịnh đầm. Dĩ nhiên, cũng có thể cưới vợ trong bộ com-plê dã ngoại màu xanh lá cây, bởi lẽ sức lực và vẻ đẹp nam giới của Ostap Benđer đã là tuyệt hảo đối với cô Tuyết, cô Nhung tỉnh lẻ. Nhưng theo cách nói của Ostap, đấy là “hạ sách thiếu tầm cỡ”. Chuyện vẽ tranh cũng có thể gặp trục trặc về mặt kỹ thuật thuần túy. Liệu có tiện không nếu vẽ đồng chí Kalinin mặc áo thụng và đội mũ trắng, còn đồng chí Chichenrin thì cởi trần? Kể ra cũng có thể vẽ tất cả nhân vật đều mặc quần áo thông thường, nhưng thế thì không đúng với dụng ý ban đầu.
– Sẽ không thật ép-phê! – Ostap nói thành tiếng. Chợt hắn nhận ra rằng ông già lao công đang hăng hái nói điều gì đấy từ lúc nãy. Thì ra ông ta đang tưởng nhớ đến ông chủ cũ của mình.
– Ngài cảnh sát trưởng phải chào trước ông chủ của lão. Giả sử ngày đầu năm mới, lão chúc mừng ông chủ, ông ấy sẽ cho lão ba rúp... Ngày lễ phục sinh, giả sử lão chúc mừng ông chủ, ông ấy cũng cho ba rúp. Ngày lễ thánh nào của họ; ông ấy cũng cho tiền... Riêng cái khoản chúc mừng chủ lấy tiền, mỗi năm lão cũng đã kiếm được mười lăm rúp. Ông chủ còn hứa sẽ xin mề-đay cho lão. Ông bảo: “Ta muốn kẻ quét vườn nhà ta cũng được thưởng mề-đay”. Rồi ông chủ bảo lão: “Này Tikhôn, cứ coi rằng ngươi đã có mề-đay...”.
– Sau đó bố có được thưởng thật không?
– Cậu cứ chờ đã nào... Ông chủ bảo: “Ta cần một kẻ quét vườn có mề-đay...”. Rồi ông chủ đi Xanh Pê-téch-pua lo việc đó. Lần thứ nhất chưa được. Các ngài quan lớn chưa muốn thế. “Sa hoàng đi công cán ngoại bang, ông chủ bảo lần này chưa xong”. Bảo lão cứ chờ. “Này Tikhôn, ngươi chịu khó đợi ít lâu, nhất định ngươi phải có mề-đay”.
– Thế ông chủ của bố “đi tiêu” rồi phải không? – Ostap đột nhiên hỏi.
– Chả ai giết hay bắt ông ấy cả. Ông ấy tự bỏ đi đấy chứ. Ông ấy ở lại đấy làm quái gì với bọn lính quèn... Mà thời nay người ta có tặng mề-đay cho những người quét vườn không hả cậu?
– Có chứ! Con sẽ lo khoản đó cho bố.
Ông già lao công kính cẩn nhìn Ostap.
– Lão phải có mề-đay mới ổn. Cái nghề của lão nó như vậy.
– Ông chủ của bố bỏ đi đâu thế?
– Làm sao lão biết được. Người ta bảo ông ấy đi Pari.
– À! Bạch vệ dân di tản... Vậy ông ấy là Nga kiều phải không bố?
– Cậu là Nga kiều thì có... Người ta bảo ông ấy sang Pari. Biệt thự này được lấy cho các mụ già dưỡng lão... Dù ngày nào cũng chúc mừng các mụ ấy đi nữa, cũng không được một xu bố thí!... Ôi, giá còn ông chủ...
Đến lúc đó, cái chuông gỉ treo ngoài cửa kêu rẹt rẹt. Ông già quét vườn khặc khừ lê bước ra mở cửa và lùi lại trong tư thế cực kỳ bối rối.
Trên bục cửa hiện ra Ippolit Matveevich Vorobjaninov râu đen, tóc đen. Cặp mắt long lanh sáng gấp đôi dưới chiếc kính kẹp mũi.
– Trời ơi, ông chủ đây rồi – Tikhôn reo lên sung sướng – Ngài từ Pari về.
Ippolit Matveevich lúng túng vì trong căn hầm có mặt người lạ, mà hai bàn chân không tất tím ngắt của người ấy mãi bây giờ ông mới nhìn thấy vì lấp mép bàn, đã định bỏ chạy, nhưng Ostap Benđer nhanh nhẹn đứng bật dậy và rạp mình chào Ippolit.
– Đây không phải là Pari hoa lệ, nhưng cũng xin kính mời đại nhân quá bộ vào túp lều tranh của bố con tôi.
– Chào Tikhôn – Ippolit buộc phải lên tiếng – Ta về đây hoàn toàn không phải từ Pari đâu, sao tự dưng lão lại nói như vậy?
Nhưng Ostap, với cái mũi dài cao quý đã đánh hơi thấy mùi thịt rán thơm phức, không để cho lão quét vườn kịp mở miệng.
– Hay lắm – hắn liếc mắt, nói – ông không phải từ Pari về. Dĩ nhiên, ông từ Kologri về thăm bà già quá cố của mình đấy thôi.
Vừa nói, hắn vừa kéo lão quét vườn ngơ ngác ra ngoài cửa trước khi lão hiểu rõ chuyện gì. Đến lúc tỉnh trí lại, lão chỉ có thể nghĩ ông chủ vừa từ Pari về, rằng lão, Tikhôn, bị đẩy ra khỏi căn hầm và bàn tay trái của lão đang nắm chặt tờ bạc 1 rúp.
Sau khi đóng chặt cửa lại, Ostap quay về phía Ippolit Matveevich lúc ấy vẫn đang đứng giữa nhà và nói:
– Bình tĩnh, đâu vào đấy. Tôi là Ostap Benđer! Chắc ông có nghe tên tôi chứ?
– Chưa bao giờ – Ippolit khó chịu trả lời.
– Làm sao ở Pari có thể biết tên Ostap Benđer được kia chứ? Ở Pari bây giờ có ấm không? Một thành phố hoa lệ. Bà chị họ của tôi lấy chồng bên ấy. Mới rồi chị ấy có gởi cho tôi một chiếc khăn lụa trong bức thư đảm bảo...
– Anh nói lung tung gì vậy? – Ippolit thốt lên – Khăn với khố nào? Tôi trở về đây không phải từ Pari, mà từ...
– Hay, hay! Từ Morshanask chứ gì.
Ippolit chưa bao giờ gặp người trẻ tuổi hung hăng như Ostap thành thử ông cảm thấy sờ sợ.
– Thôi, tôi đi đây – ông nói.
– Ông đi đâu? Chẳng làm gì phải vội vàng. Cơ quan an ninh sẽ tự tìm đến ông.
Ippolit chưa biết trả lời ra sao. Ông cởi khuy áo choàng và ngồi xuống chiếc ghế dài, nhìn Ostap không mấy thân thiện.
– Tôi chưa hiểu ý anh – giọng Ippolit chùng hẳn xuống.
– Điều đó không đáng sợ. Ông sẽ hiểu ngay bây giờ. Một phút thôi.
Ostap xỏ đôi chân không bít tất vào giày, đi đi lại lại và nói:
– Ông vượt biên giới ngã nào? Qua Ba Lan? Qua Phần Lan? Qua Rumani? Chắc thú vị lắm. Tôi có một người quen mới vượt biên. Anh ta sống ở Slavut, phía nước ta, còn cha mẹ vợ anh ta ở bên kia biên giới. Vợ chồng anh ta cãi nhau vì chuyện gia đình. Chả là cô ả hơi lẳng lơ. Ả bèn nhổ vào mặt chồng và bỏ trốn sang biên giới với cha mẹ. Anh chàng người quen của tôi ngồi nghĩ mấy ngày, thấy không ổn: “Chả ai nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa cả”. Anh ta quyết định làm lành với vợ. Đêm ấy anh ta vượt qua biên giới sang gặp bà nhạc. Ai ngờ bị công an biên phòng tóm được, bị kết án sáu tháng tù, bị đuổi ra khỏi công đoàn. Bây giờ người ta bảo vợ anh ta chạy từ bên kia về, con mụ ngốc ơi là ngốc, trong lúc anh chồng đang ngồi tù. Mụ ấy tiếp tế cho chồng... thế ông cũng vượt biên từ Ba Lan về à?
– Thú thật – Ippolit ấp úng vì cảm thấy bất ngờ lệ thuộc vào gã trẻ tuổi mau mồm mau miệng, tự nhiên cản đường tìm kiếm kim cương của ông – thú thật tôi là công dân nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga. Tôi có thể đưa anh xem thẻ căn cước.
– Với trình độ in ấn của phương tây, làm một cái thẻ căn cước Liên Xô là trò con nít, giơ thẻ căn cước ra chỉ làm trò cười... Một tay người quen của tôi thậm chí còn in được cả đô la kia. Ông có biết làm giả đô la ở Mỹ khó như thế nào không? Giấy của nó, ông biết không, có những sợi lông đủ màu cơ. Phải rất rành kỹ thuật. Vậy mà người quen của tôi làm được đấy. Sau mới biết ông nội anh ta, một tay buôn ngoại tệ nổi tiếng, mua số đô la ấy ở Kiev và bị phá sản hoàn toàn, bởi vì dầu sao nó cũng chỉ là tiền giả. Vậy thì cái thẻ căn cước của ông cũng có thể làm hại ông đấy.
Ippolit bực mình: thay vì khẩn trương tìm kiếm kim cương, ông lại ngồi trong căn hầm hôi hám của lão quét vườn và nghe thằng cha xấc xược này xoen xoét những chuyện mờ ám của đám bạn thân hữu của hắn. Song ông vẫn không dám bỏ đi. Ông cảm thấy ngại ngùng tột độ khi nghĩ rằng gã trẻ tuổi này sẽ kể toang toang khắp thành phố rằng vị đô thống quý tộc đã trở về. Lúc ấy thì đi đứt, có thể bị tóm cổ như chơi.
– Dầu sao xin anh cũng chớ nói với ai rằng đã gặp tôi nhé – Ippolit van vỉ – Người ta có thể tưởng rằng tôi là Nga kiều thật.
– Thấy chưa! Gần với ý tôi rồi đấy! Trước hết là cái phần tích cực: có một Nga kiều về thăm quê hương. Phần tiêu cực: Ông ta sợ bị điệu lên sở công an.
– Nhưng tôi đã bảo anh hàng ngàn lần rằng tôi không phải ở nước ngoài về.
– Thế ông là ai? Ông tới đây làm gì?
– Tôi từ thị trấn N về đây có chút việc.
– Việc gì?
– Việc riêng.
– Vậy mà sau đó ông vẫn cứ khăng khăng ông không phải Nga kiều ư?... Một người quen của tôi cũng...
Tuyệt vọng vì những chuyện người quen của Ostap Benđer, thấy rằng không thể ngắt lời gã trẻ tuổi này được nữa, đến nước này thì Ippolit đành khuất phục.
– Thôi được, – ông nói – tôi sẽ kể hết cho anh nghe.
“Suy cho cùng, không có trợ thủ cũng gay – Ippolit nghĩ bụng. – xem chừng, về khoản mánh mung, thằng cha này thuộc hạng tay tổ đây. Một kẻ như hắn chắc sẽ có ích cho mình.”