ười hai chiếc ghế” của hai nhà văn Liên Xô I.Ilf và E.Petrov là một kiệt tác của nền văn học Liên Xô thuộc thể loại tiểu thuyết trào phúng, được xếp vào hàng các tác phẩm kinh điển khi các tác giả còn sống.Ra mắt bạn đọc Liên Xô từ trước chiến tranh thế giới lần thứ 2, đến nay “Mười hai chiếc ghế” đã được in đi in lại hàng chục lần, được dựng thành phim 3 lần (lần thứ 3 vào năm 1982), được tất cả các tầng lớp nhân dân yêu mến, có nhiều người đọc thuộc lòng cả tác phẩm (!) và tên sách được lấy làm tiêu đề cho trang 16 (trang cuối cùng) trên tuần báo “Văn Nghệ” cơ quan ngôn luận của mọi nhà văn Liên Xô. Một hiện tượng văn học độc đáo.“Mười hai chiếc ghế” tập trung phê phán các thói xấu của con người và nhiều hiện tượng tiêu cực hoặc bất hợp lý trong xã hội.Sự việc trong tác phẩm diễn ra vào năm 1927 ở Liên Xô, thời kỳ Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới vừa trải qua muôn vàn gian khổ của những ngày đầu sau cách mạng tháng Mười, của cuộc nội chiến khốc liệt, của sự can thiệp do bọn đế quốc bên ngoài gây nên, vừa trải qua chế độ cộng sản chủ nghĩa thời chiến và chính sách kinh tế mới. Trong cái giai đoạn trứng nước, còn nhiều ấu trĩ ấy của cách mạng, khi xã hội đầy ắp những biến động dồn dập, có nơi có lúc rối loạn, thì bên cạnh những cố gắng vượt bậc của nhân dân lao động cùng chính quyền Xô viết thiết lập một trật tự xã hội mới, xây dựng một cuộc sống mới theo những tiêu chuẩn chính trị, đạo đức tiến bộ, vẫn còn rơi rớt nhiều tàn dư của quá khứ, vẫn còn một bộ phận nhỏ những người lạc lõng, phần thì do bản chất giai cấp đối kháng với nhân dân lao động, phần thì do ngây thơ, ấu trĩ, trình độ nhận thức non kém, phần thì do không khắc phục nổi những thói hư tật xấu có tính chất phổ biến của xã hội loài người – cái bộ phận nhỏ ấy lại tiến hành những hoạt động tội lỗi hoặc phi đạo đức, cản trở tiến bộ xã hội. Trong bộ phận ấy, có bọn chủ mưu, cố ý (thuộc giai cấp bóc lột), nhưng cũng có người vô ý thức, hoặc chỉ là nạn nhân đáng thương và bị lợi dụng làm phương tiện cho kẻ xấu.Bằng ngôn ngữ trào lộng, sinh động, dí dỏm, tinh tế, ngòi bút sắc sảo của hai tác giả đã chĩa mũi nhọn vào hàng loạt thói xấu tệ hại và hiện tượng tiêu cực của xã hội. Nào là ước mong làm giàu một cách bất chính, chạy theo ảo ảnh giàu sang, phú quý, hưởng lạc lỗi thời, sằn sàng dùng mọi thủ đoạn tội lỗi, từ nhỏ đến lớn, kể cả giết người để đạt tới mục đích của mình (Ippolit, Ostap, cố đạo Fêđor). Nào là tệ ăn cắp, bòn rút của công, lợi dụng chức quyền (chủ nhiệm nhà dưỡng lão – Alkhen, phụ trách phòng lưu trữ hồ sơ – Varfolomei). Nào là hoạt động kinh doanh trái phép, gian dối, buôn lậu, làm hàng “dỏm” (chủ nhiệm hợp tác xã Kisliarski, dược sĩ Leopold). Nào là thói đam mê bói toán (Êlêna, Gritsasueva). Nào là bệnh chạy theo mốt, đua đòi rởm (Elloshka), định cạnh tranh về cách ăn mặc và giải trí với con gái nhà tỉ phú Mỹ. Nào là sự ngây thơ đến ngu ngốc về chính trị của một số thương gia và các phần tử bất mãn với chế độ mới, tin vào tổ chức giả danh giải phóng, để đến nỗi bị móc túi một cách công khai (liên minh “Lưỡi kiếm và lưỡi cày”). Nào là thủ đoạn giả đò ăn mày. Nào là bệnh hình thức và ấu trĩ trong công tác tuyên truyền, báo chí, phim ảnh (tại lễ khánh thành đường tàu điện mà có tới sáu diễn giả nói về tình hình thế giới, kể cả “tình hình thế giới của nước ta” (!!!), diễn kịch cổ điển của Gôgôn mà xen vào những câu chuyện đả kích quốc hội Anh và Sămbéclanh; tật nói dai, nói dài, không đi vào thực chất vấn đề, cái lối nêu khẩu hiệu tùy tiện, ngớ ngẩn “Ăn thịt có hại cho sức khỏe”). Nào là vô số những sự bất hợp lý trong cách tổ chức sinh hoạt công cộng (các rạp hát và chiếu bóng, sân vận động chỉ mở một cửa nhỏ để dân chúng phải chen chúc khổ sở khi ra vào, dựng các thứ chướng ngại vật ngăn cách người tới liên hệ công tác...)Nhân vật trung tâm là Ippolit và Ostap. Ngài cựu đô thống quý tộc dưới thời Sa hoàng ở thành phố Stargorot, sau cách mạng đã trốn đến thị trấn N làm nhân viên phòng hộ tịch, rồi theo lời trối trăn của bà mẹ vợ về những viên kim cương giấu trong ruột một trong 12 chiếc ghế; đã bỏ công tác để đi tìm kho báu ấy. Ngày đầu tiên săn tìm kim cương, Ippolit đã gặp Ostap, một tay đại bợm, một ông vua mánh. Ostap là con trai một nữ công tước thời trước (kết quả tằng tịu giữa bà ta với một gã công dân Thổ Nhĩ Kỳ), một thanh niên thông minh, đầy sức sống. Nhưng toàn bộ óc thông minh và sức sống mãnh liệt của hắn bị hướng vào hoạt động lừa đảo, bịp bợm. Điều thú vị là Ostap biết chớp lấy thời cơ, chỉ nhằm vào chỗ yếu, chỉ lợi dụng mọi sơ hở, mọi thói hư tật xấu và sự cả tin đáng yêu của những người khác. Thành thử, nên trong hai nhân chính này (hai kẻ lúc nào cũng ở bên nhau), Ippolit, vị đại diện của giới quý tộc nước Nga cũ, tỏ ra lỗi thời, xấu xa, ngu xuẩn, hèn hạ, bần tiện đến thảm hại, gây nên cảm giác khinh bỉ, ghê tởm ở bạn đọc đối với hắn; thì Ostap vẫn còn giành được phần nào thiện cảm của người đọc, luôn luôn gợi tiếng cười thoải mái, tiếng cười châm biếm qua những hành động quay quắt, lối ngụy biện giàu tính hài hước, thái độ tự tin, lạc quan của hắn.Ở phần kết, Ippolit giết Ostap để định độc chiếm kho báu. Không phải ngẫu nhiên mà bạn đọc đã viết thư đề nghị hai tác giả cho Ostap được sống lại. Và thể theo nguyện vọng ấy, hai nhà văn đã cho Ostap hồi sinh, trở thành nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết thứ hai cũng nổi tiếng không kém “CON BÊ VÀNG”.Toàn bộ cuốn truyện toát ra sự phê phán rất thâm thúy, sắc bén, nhưng rất nhẹ nhàng, thú vị, đối với các thói hư tật xấu của con người.Xã hội Xô viết ngày nay đã trở thành một xã hội tốt đẹp nhất thế giới, nhân dân Liên Xô đang xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển. Đương nhiên, cái thời kỳ được miêu tả trong tác phẩm “MƯỜI HAI CHIẾC GHẾ” đã là quá khứ gần sáu mươi năm về trước ở Liên Xô. Nhiều điều bây giờ đọc lại, ta chỉ còn lắc đầu nhè nhẹ và mỉm cười tủm tỉm. Thế nhưng, điều đáng buồn là một số thói hư tật xấu lại mang tính chất phổ biến đối với loài người. Cho nên cuộc đấu tranh khắc phục chúng ta đã, đang và sẽ còn diễn ra lâu dài, ở mọi lúc, mọi nơi, và trong cuộc đấu tranh ấy, tiếng cười châm biếm, phê phán là một vũ khí hiệu nghiệm của chúng ta.LÊ KHÁNH TRƯỜNG