ida lấy khăn mùi xoa lau miệng và phủi những vụn bánh dính ở áo. Cô thấy vui lên. Cô đang đứng trước tấm biển.
BẢO TÀNG NGHỆ THUẬT ĐỒ GỖ.
Về nhà bây giờ không tiện. Cũng chẳng có ma nào để đến chơi. Trong túi chỉ còn hai mươi cô-pếch. Lida bèn quyết định mở đầu cuộc sống tự lập của mình bằng việc vào xem bảo tàng. Sau khi kiểm lại số tiền đang có, Lida bước vào tiền sảnh,
Ở đây cô vấp ngay phải một người rậm râu. Ông ta hầm hầm nhìn cái cột đá khổng tước, miệng lẩm bẩm qua bộ râu:
– Ngày xưa họ sống giàu sang ghê!
Lida trân trọng nhìn chiếc cột và đi lên lầu.
Ở những phòng nhỏ hình vuông, trần thấp, đến mức mỗi người bước vào đó đều trở nên người khổng lồ, Lida đi lang thang chừng mười phút.
Đấy là những phòng trang trí theo kiểu cổ đại, bọc gỗ hồng sắc và bạch dương, Karel – đồ gỗ ở đây trang nghiêm, đầy tính thượng võ. Hai cái tủ vuông mà cửa kính của chúng có hai ngọn lao đặt chéo nhau, được kê đối diện với bàn viết. Cái bàn to ơi là to. Ngồi bên chiếc bàn ấy chẳng khác gì ngồi bên quảng trường Teatral, và Nhà Hát Lớn với dãy cột và bốn con ngựa bằng đồng chở Apôlông đến xem buổi biển diễn đầu tiên vở “Hoa mào gà đỏ” sẽ chỉ nhỏ như cái lọ mực trên chiếc bàn ấy. Ít ra thì đó cũng là cảm tưởng của Lida, một người được nuôi dưỡng bằng cà rốt như một chú thỏ con. Góc phòng có những chiếc ghế bành cao, đầu ghế uốn lại kiểu sừng cừu. Ánh nắng đang rọi vào lớp vải hồng bọc ghế.
Cô muốn ngồi ngay xuống chiếc ghế bành như thế, nhưng không được phép ngồi.
Lida tưởng tượng khung cảnh sẽ ra sao, nếu đặt chiếc ghế kiểu cổ đại của vua Pavel cạnh tấm đệm giường sọc đỏ của cô. Thấy cũng bình thường. Cô đọc tấm biển nhỏ gắn trên tường có lời thuyết minh về căn cứ khoa học và tư tưởng của phong cách vua Pavel, rồi bực dọc về chuyện vợ chồng cô không có một phòng ở lâu đài này, cô bước ra một cái hành lang vừa bất ngờ gặp phải.
Phía tay trái, ngay sát nền nhà, có một dãy cửa sổ hình bán nguyệt. Nhìn qua đó, Lida thấy phía dưới một phòng lớn màu trắng có hàng cột. Ở đấy cũng có đồ gỗ và khách tham quan đi lại. Chưa bao giờ cô nhìn thấy một căn phòng dưới chân mình.
Ngạc nhiên và thán phục, cô cứ đứng nhìn mãi xuống bên dưới. Bỗng cô thấy ở dưới đó, hai người quen sáng nay của cô là Benđer và ông bạn đồng hành đầu trọc đang đi từ chỗ kê ghế bành đến chỗ kê chiếc bàn to.
– Hay lắm! – Lida nói, – đỡ buồn rồi.
Cô mừng rỡ chạy xuống phía dưới và bị lạc đường ngay lập tức. Cô lạc vào một phòng khách màu hồng trưng bày tới bốn mươi hiện vật. Đấy là loại ghế gỗ hồ đào chân cong. Từ phòng khách không có lối ra. Đành chạy ngược lại căn phòng tròn có ánh sáng trên trần hắt xuống, là nơi hình như chỉ có mấy chiếc gối hoa.
Cô chạy ngang qua những chiếc ghế bọc gấm vóc từ thời phục hưng Italia, những chiếc tủ Hà Lan, ngang qua chiếc giường lớn kiểu gô-tích, có diềm, bốn chân hình xoắn, màu đen. Người nằm trên chiếc giường này trông sẽ chỉ bằng hạt đậu là cùng.
Cuối cùng Lida nghe thấy tiếng ồn ào của một tốp người tham quan lơ đãng nghe ông trưởng đoàn vạch trần tham vọng đế quốc chủ nghĩa của Ekatêria đệ nhị qua việc bà nữ hoàng quá cố say mê đồ gỗ kiểu Loui Sez.
Đây chính là cái phòng lớn có hàng cột lúc nãy Lida muốn xuống. Cô đi sang góc phòng đối diện, nơi đồng chí Benđer quen thuộc với cô đang hăng hái đối thoại với ông bạn đồng hành đầu trọc của mình.
Tới gần, Lida nghe rõ giọng âm vang:
– Đồ gỗ theo kiểu siêu Mô-đéc. Nhưng hình như không phải là thứ ta cần.
– Đúng, nhưng rõ ràng ở đây còn có các phòng khác. Ta phải đi xem tất cả một cách có hệ thống.
– Xin chào, – Lida nói.
Hai gã đàn ông quay lại và cùng nhăn mặt.
– Chào đồng chí Benđer. May quá, tôi gặp được anh ở đây, chứ một mình thì buồn chết. Nào, ta cùng đi xem với nhau cho vui nhé.
Hai gã đàn ông nhìn nhau. Ippolit lấy lại tư thế cho chững chạc, mặc dù ông ta khó chịu về chuyện Lida có thể gây trở ngại cho công việc quan trọng là tìm chiếc ghế chứa kim cương.
– Chúng tôi là dân tỉnh lẻ vớ vẩn, – Ostap nóng ruột nói, – mới vào đây. Còn cô hẳn là dân Mátxcơva chính cống cũng chịu vào xem chỗ này à?
– Hoàn toàn tình cờ thôi. Tôi mới cãi nhau với Kôlia.
– Thế nào? – Ippolit hỏi.
– Thôi, ta rời khỏi phòng này thôi. – Ostap nói.
– Nhưng tôi chưa xem! Mà phòng này đẹp ghê.
– Bắt đầu đấy! – Ostap nói nhỏ vào tai Ippolit. Đoạn hắn quay sang phía Lida, nói tiếp – ở đây hoàn toàn chẳng có gì đáng xem. Phong cách suy đồi. Thời kỳ Kêrenki.
– Người ta bảo tôi ở đâu gần đây có trưng bày đồ gỗ kiểu Hambx, – Ippolit nói, – có lẽ ta sang phòng khác xem.
Lida đồng ý, cô khoác tay Ippolit (cô cảm thấy ông ta là một học giả hết sức đáng yêu) đi ra cửa. Mặc dù toàn bộ tính chất nghiêm trọng của tình hình và giờ phút quyết định trong việc tìm kiếm kho báu đã điểm, song Ostap đi sau cặp trai gái ấy vẫn không nhịn được cười. Hắn thấy tức cười trước cảnh vị đô thống sắm vai tình lang.
Lida gây rắc rối cho hai thành viên hợp đồng này quá thể. Khi họ chỉ nhìn thoáng qua đã biết trong phòng không có thứ đồ gỗ cần thiết, muốn đi tuốt sang phòng khác, thì Lida lại thong thả xem kỹ từng hiện vật. Cô đọc thành tiếng toàn bộ lời giới thiệu dán trên hiện vật, cô đưa ra những lời bình phẩm gay gắt về khách tham quan. Bất giác cô tưởng tượng mỗi thứ đồ gỗ ở đây nếu đem về kê ở phòng “hộp bút” của mình thì sẽ ra sao. Cô hoàn toàn không thích chiếc giường kiểu gô-tích. Nó quá to. Ví thử có phép màu nào đó khiến Kôlia được phân phối một căn phòng rộng ba sagien
(1) vuông chăng nữa, thì các hiện vật thời trung cổ ấy cũng không kê vừa trong phòng. Tuy vậy, Lida vẫn đi vòng quanh chiếc giường mấy lần, dùng bước chân để đo diện tích thật sự của nó. Lida rất vui. Cô không để ý đến bộ mặt nhăn như bị của hai ông bạn đường, mà tính cách hiệp sĩ của hai vị đó không cho phép họ cắm đầu đi thẳng sang phòng trưng bày đồ gỗ của nghệ dân lừng danh Hambx.
– Chịu đựng chút nữa vậy, – Ostap nói nhỏ với Ippolit, – mấy chiếc ghế không chạy đâu mất mà sợ. Còn ngài đô thống này, xin ngài ôm eo cô ả vừa vừa thôi, tôi ghen đấy.
Ippolit mỉm cười, vẽ tự mãn.
Nhiều phòng trưng bày quá, tưởng chừng đi mãi vẫn không hết. Đồ gỗ thời đại Aleksanđr có bao nhiêu bộ mà kể. Kích thước tương đối nhỏ của chúng khiến Lida vô cùng thích thú.
– Ô, xem này, xem này! – cô reo lên và kéo áo Ippolit, – ông có thấy cái bàn buy-rô này không? Cái bàn này mà kê ở phòng của tôi thì hết ý. Đúng thế không ông?
– Tuyệt diệu! – Ostap giận dữ nói – Chỉ tội nó được làm ra vào thời đại suy đồi.
– Tôi đã xem phòng này rồi, – Lida nói khi bước vào phòng khách trưng bày gỗ hồng sắc, – theo tôi, chả nên dừng ở đây.
Lạ thay, cô thấy hai ông bạn đường này giờ đứng sững ở cửa như hai người lính gác.
– Sao vậy? Ta đi tiếp chứ. Tôi mỏi chân rồi.
– Hượm đã, – Ippolit gỡ tay Lida ra, – cô em chờ một chút nhé.
Căn phòng lớn trưng bày toàn đồ gỗ. Những chiếc ghế kiểu Hambx kê dọc bức tường và xung quanh chiếc bàn. Chiếc đi-văng ở góc phòng cũng có một hàng ghế bao quanh. Những cái chân cong và những cái lưng ghế tiện lợi mới quen thuộc với Ippolit làm sao. Ostap nhìn ông ta dò xét, Ippolit đỏ mặt lên.
– Tiểu thư mỏi chân rồi, – ông ta bảo Lida – tiểu thư hãy ngồi nghỉ ở đây một chút, để tôi và anh bạn xem phòng này đã. Có vẻ lý thú đây.
Hai thành viên hợp đồng ấn Lida ngồi xuống và lách ra phía cửa sổ.
– Chúng đấy hả? – Ostap hỏi.
– Hình như là thế. Phải xem kỹ hơn.
– Đủ cả mười chiếc chứ?
– Để tôi đếm đã. Xin hãy chờ một phút...
Ippolit bắt đầu đưa mắt từ chiếc ghế nọ đến chiếc ghế kia. Cuối cùng ông ta nói:
– Xin lỗi, những hai chục cái. Không thể như vậy được. Mười cái thôi mới đúng.
– Thì ông cứ nhìn cho kỹ. Có thể đây không phải là loại ghế ấy chăng.
Hai người bắt đầu đi xem từng chiếc ghế.
– Thế nào? – Ostap giục.
– Hình như lưng ghế khác với loại của tôi.
– Nghĩa là loại khác?
– Vâng.
– Có lẽ tôi ký hợp đồng với ông chỉ uổng công vô ích. Ostap hoàn toàn cụt hứng.
– Thôi được, – Ostap nói, – phiên họp tiếp tục. Cái ghế không phải là cây kim. Sẽ tìm ra. Ông hãy đưa mấy tấm phiếu cho tôi. Đành phải tiếp xúc bất đắc dĩ với ban phụ trách viện bảo tàng. Ông hãy ra ngồi với con bé kia, để tôi đi một lát lo chuyện đó.
– Sao ông buồn thế? – Lida hỏi. – Ông mệt rồi hả?
Ippolit im lặng.
– Ông có nhức đầu không?
– Có, hơi hơi thôi. Lo nghĩ mà. Không có phụ nữ săn sóc nên lắm lúc sống rất cực.
Lida đầu tiên hơi ngạc nhiên, sau đó nhìn kỹ ông bạn trọc đầu và cảm thấy ông ta đáng thương thật. Cặp mắt ông ta đầy vẻ đau khổ. Chiếc kính kẹp mũi không che được hai quầng mắt thâm sâu. Việc đột ngột chuyển từ cái lối sinh hoạt an nhàn của một nhân viên phòng hộ tịch thị trấn sang lối sinh hoạt bất tiện, bận rộn của một gã thợ săn kim cương, một gã phiêu lưu, có cái giá của nó. Dưới sự giám sát nghiêm ngặt của Ostap, Ippolit mất hết cả thể diện và nhanh chóng bị hòa tan vào cái trí tuệ ghê gớm của gã con trai vị công dân mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ. Giờ đây, ông muốn được ngồi riêng với nữ công dân kiều diễm Lida Kalachôva, ông muốn thổ lộ với nàng tất cả những đau khổ và xúc động của mình, nhưng ông không dám làm như vậy.
– Vâng – ông nói và đắm đuối nhìn người đối thoại, – công việc nó thế đấy. Còn cô em sống thế nào, Lida?
– Này, tên ông là gì nhỉ?
Đôi bên nói rõ họ tên nhau cho biết.
“Chuyện cổ tích tình yêu” – Ippolit vừa nhìn khuôn mặt giản dị của Lida, vừa nghĩ thầm. Lão đô thống quý tộc già bỗng khao khát thèm muốn sự vuốt ve của phụ nữ mà sự thiếu vắng của nó đã khiến ông sống rất cực. Ông bèn nắm chặt bàn tay của Lida trong bàn tay nhăn nheo của mình và bắt đầu say sưa kể chuyện Paris. Ông muốn trở nên giàu sang, muốn tiêu xài hoang phí. Ông muốn uống rượu sâm banh với một mỹ nhân ở một buồng riêng trong tiếng nhạc êm dịu do dàn nhạc nữ phát ra. Ông nói điều đó với cô bé Lida, một cô bé dĩ nhiên không biết gì về những khoản đó và do bản chất của mình, cô cũng không thể nhận thức được toàn bộ vẻ huyền diệu của lối ăn chơi đó. Mà Ippolit thì muốn hấp dẫn cô gái làm sao! Thành thử ông cứ kể hoài về chuyện Paris.
– Ông là nhà khoa học phải không? – Lida hỏi.
– Vâng, cũng gần như thế, – Ippolit trả lời và cảm thấy từ hồi quen Ostap, ông mới có thêm cái tính liều lĩnh trái hẳn với thói quen thận trọng của mười năm qua.
– Thế ông bao nhiêu tuổi rồi, xin lỗi nếu câu hỏi thiếu tế nhị.
– Đối với nền khoa học mà hiện giờ tôi đang đại diện, điều đó không có quan hệ gì.
Câu trả lời nhanh chóng và chính xác ấy đã chinh phục được Lida.
– Nhưng dẫu sao... Ba mươi? Bốn mươi? Năm mươi?
– Gần gần! Ba mươi tám.
– Ô hô! Trông ông trẻ hơn cái tuổi ấy nhiều.
Ippolit cảm thấy hạnh phúc quá.
– Bao giờ cô em cho tôi cái vinh hạnh được gặp lại cô em? – Ippolit nói giọng mũi.
Lida ngượng ngùng. Cô cựa quậy người trên ghế và thấy buồn buồn.
– Đồng chí Ostap đi đâu lâu thế nhỉ? – Cô hỏi, giọng trong trẻo.
– Bao giờ, bao giờ và ở đâu chúng ta sẽ gặp lại nhau, cô em? – Ippolit nôn nóng hỏi lại.
– Ồ, em chả biết đâu. Lúc nào cũng được.
– Hôm nay nhé?
– Hôm nay?
– Tôi van cô em.
– Cũng được thôi. Ông hãy đến chỗ vợ chồng em.
– Không, ta gặp nhau ngoài đường hay hơn. Thời tiết dạo này tuyệt lắm. Cô em biết câu thơ này không: “Kìa tháng năm vui tươi. Kìa tháng năm hấp dẫn. Ôi không khí trong lành.”
– Thơ của Zharov phải không ạ?
– H... M... Hình như thế. Vậy là hôm nay nhé? Ở đâu nào?
– Ông lạ thật! Ở đâu cũng được nếu ông muốn thì ở ngay chỗ cái két sắt ấy. Ông biết chỗ đó chứ? Bao giờ trời tối...
Ippolit vừa kịp hôn bàn tay Lida (ông làm động tác này rất trịnh trọng), thì Ostap trở lại với vẻ mặt rất nghiêm trang.
– Xin lỗi mămden, – hắn nói nhanh, – nhưng tôi và ông bạn tôi không thể tiễn cô được. Có một việc nhỏ nhưng vô cùng hệ trọng. Chúng tôi phải đi ngay tới một địa điểm hẹn trước.
Ippolit nghẹt thở.
– Tạm biệt Lida, – ông nói, – xin lỗi, xin lỗi, nhưng chúng tôi vội thật đấy.
Đoạn hai thành viên chạy đi luôn, để cô Lida đứng lại ngạc nhiên trong căn phòng bày la liệt các thứ đồ gỗ kiểu Hambx.
– Nếu không có tôi thì sẽ chẳng đạt được kết quả gì, – Ostap nói khi hai người đi xuống cầu thang – Ông hãy cầu phúc cho tôi đi, cầu phúc đi, đừng sợ mỏi cổ! Ông hãy nghe đây! Đồ gỗ của ông không hề có giá trị bảo tàng. Nó chỉ đáng quẳng cho trại “lao công đào binh” mà thôi! Ông đã vừa lòng với tình huống ấy chưa?
– Giễu cợt kiểu gì lạ vậy! – Ippolit nói vì đã bắt đầu tự giải phóng khỏi ách kìm kẹp của cái trí tuệ ghê gớm con trai gã công dân quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ.
– Im nào, – Ostap lạnh lùng nói, – ông chưa biết điều gì xảy ra đâu. Nếu bây giờ chúng ta không lấy món đồ gỗ của chúng ta thì đi đứt. Sẽ chẳng bao giờ còn nhìn thấy chúng nữa. Tôi vừa có một cuộc trao đổi ý kiến nặng nề với tay chủ nhiệm cái bãi rác lịch sử này.
– Kết quả ra sao?– Ippolit lớn tiếng,– Thằng cha chủ nhiệm bảo anh thế nào?
– Bảo tôi tất cả những gì cần thiết. Ông đừng lo. “Xin ông cho biết,” – tôi hỏi hắn, – “ông giải thích thế nào cái việc bộ ghế ở Stargorot gửi lên chỗ ông mà lại không thấy trưng bày?”. Dĩ nhiên tôi dùng giọng lịch sự, thân mật với hắn. “Bộ ghế nào vậy?” – hắn hỏi – “ở viện bảo tàng chúng tôi không thể có chuyện như thế”. Tôi bèn chìa ra mấy tấm phiếu. Hắn đi lục sổ sách, tìm kiếm, hàng nửa giờ sau mới quay lại. Ông thử tưởng tượng xem, bộ ghế ấy bây giờ ở đâu?
– Mất rồi ư? – Ippolit thốt lên.
– Không đâu, thế mới hay chứ. Ông thử tưởng tượng xem, ở cái xó chợ này mà nó vẫn nguyên vẹn cơ chứ. Như tôi đã nói với ông, nó không hề có giá trị bảo tàng bảo tiếc gì cả. Người ta đã vứt nó vào kho, và xin ông lưu ý cho, sau bảy năm (nó nằm chết dí trong kho những bảy năm đằng đẵng!) ngày hôm qua nó bị đem đi bán đấu giá. Trạm bán đấu giá của vụ quản lý khoa học. Và nếu như ngày hôm qua hoặc sáng hôm nay người ta chưa bán đến nó, thì nó sẽ là của ta! Ông thỏa mãn chưa?
– Đi nhanh lên! – Ippolit hét to.
– Xà ích! – Ostap lớn tiếng gọi xe ngựa.
Hai nhân vật bước lên xe không cần mặc cả.
– Ông hãy cầu chúa cho tôi đi, cầu chúa đi! Đừng sợ, thưa ngài thống chế “không quân”. Gì chứ rượu, gái và cờ bạc thì ta sắp được ăn chơi thỏa sức. Tôi sẽ thanh toán với ông cả tiền mua chiếc áo gi-lê xanh này.
Phòng bán đấu giá nằm ở phố Pêtrovka. Hai thành viên hợp đồng xuống xe và chạy bổ vào trong đó như hai con ngựa đua.
Ở ngay phòng đấu giá đầu tiên, họ đã nhìn thấy cái mà họ bao lâu tìm kiếm. Cả mười chiếc ghế chân cong của Ippolit Matveevich đều kê dọc bức tường. Thậm chí cả lớp vải bọc của nó cũng không hề bị bám bẩn hoặc sờn rách. Chúng tươi mát và sạch sẽ tưởng chừng vừa mới tách ra khỏi sự giám sát của bà Petukhova căn cơ.
– Phải những cái ghế đó không? – Ostap hỏi.
– Trời ơi, trời ơi, chính chúng đấy, – Ippolit khẳng định – Chính những cái ghế ấy đấy. Lần này thì chắc như đinh đóng cột.
– Dầu sao cũng phải kiểm tra cho kỹ, – Ostap cố thản nhiên nói.
Hắn bước lại chỗ người bán hàng.
– Ông ơi, mấy chiếc ghế kia hình như của viện bảo tàng thanh lý phải không?
– Mấy chiếc ghế ấy à? Vâng.
– Vậy ông có bán không?
– Có.
– Giá bao nhiêu?
– Chưa có giá. Chúng tôi bán theo kiểu đấu giá.
– Ra thế, tí nữa sẽ bán chứ?
– Không, hôm nay hết giờ rồi. Mai sẽ bán từ năm giờ sáng.
– Bây giờ không bán thật ư?
– Thật, ngày mai, từ năm giờ sáng.
Phải bỏ mấy chiếc ghế ở đây mà đi ngay thì quả là không thể được.
– Xin phép cho bọn tôi xem một chút, được chứ ạ? – Ippolit lúng búng nói.
Hai thành viên hợp đồng xem xét bộ ghế hồi lâu. Họ ngồi thử và còn xem cả vài đồ vật khác cho đỡ bất tiện. Ippolit cứ xuýt xuýt xoa xoa và chốc chốc lại huých khuỷu tay vào người Ostap.
– Ông hãy cầu nguyện cho tôi đi! – Ostap thì thầm – cầu nguyện đi, ông đô thống.
Ippolit sẳn sàng không chỉ cầu nguyện cho Ostap, mà còn hôn hít cả cái gót giày màu đỏ của ông vua mánh.
– Ngày mai, – Ippolit lẩm bẩm, – ngày mai, ngày mai, ngày mai.
Ông ta muốn hét to lên.
Chú thích:(1) 1 Sagen bằng 2,134m. Đơn vị đo lường cũ của Nga.