ái giá rét của ban đêm đã phải trốn biệt. Trời trở nên ấm áp đến mức những người ra đường sớm thấy nhức buốt cả chân. Bầy chim sẻ ríu rít cãi nhau. Ngay đến con gà mái từ trong bếp chạy ra sân khách sạn cũng cảm thấy dồi dào sức lực, thử gáy to hơn một chút. Vài đám mây mỏng manh trên trời. Thùng rác bốc lên mùi cây đông thảo và mùi súp peizan. Gió lùa qua khe cửa sổ, chú mèo nằm ườn trên mái nhà nheo nheo mắt nhìn xuống sân, e ngại cho anh chàng Alexsanđr trực lầu đang bưng giỏ quần áo và chạy dưới đó.Các hành lang của ô-ten “Sorbonna” nhộn nhịp hẳn lên. Từ các huyện, nhiều phái đoàn về đây dự lễ khánh thành đường xe điện. Cả một tốp đông được đổ xuống trước cửa ô-ten “Sorbonna”.Mặt trời tỏa ánh nắng gay gắt. Cửa sắt các nhà hàng được kéo lên rầm rầm. Cán bộ nhân viên đi làm, nếu mặc những chiếc áo bông, thì giờ đây nực người lên vì gánh nặng của mùa xuân.Ở phố Kooperativ, một chiếc xe vận tải chở quá nặng của công trường Melstroi bị gãy nhíp, và Viktor Mikhailovich Polesov kịp thời có mặt ở nơi xảy ra sự cố đang đưa ra những lời khuyên bảo.Trong phòng khách sạn được bày biện xa xỉ nhưng thực tế (hai chiếc giường và một cái táp-đơ-nuy), có tiếng thở và tiếng phun phì phì như ngựa: Ippolit Matveevich đang vui vẻ rửa mặt và thông mũi. Vua mánh thì nằm trên giường đang xem các vết vẹt đế giày. Hắn nói:– Này, yêu cầu ông thanh toán dứt điểm khoản nợ ngày hôm qua cho.Ippolit Matveevich ló mặt ra khỏi khăn tay và nhìn Ostap bằng cặp mắt lồi không mang kính.– Cái gì mà ông nhìn tôi như lính thấy rệp thế? Ông ngạc nhiên về cái gì? Về khoản nợ à? Phải rồi! Ông nợ tiền tôi. Hôm qua tôi quên nói ông biết rằng theo sự ủy nhiệm của ông, tôi đã trả bảy mươi rúp để mua năm tờ phiếu. Có giấy biên nhận kèm theo. Xin ông quẳng cho tôi ba mươi lăm rúp. Tôi hy vọng hai bên ký kết hợp đồng cùng tham gia trên cơ sở bình đẳng chứ?Ippolit đeo kính kẹp mũi, đọc tờ giấy biên nhận và nhăn nhó giao tiền. Nhưng thậm chí điều đó cũng không làm ông mất hứng. Tài sản đã nắm trong tay đây rồi. Hạt bụi ba mươi lăm rúp biến mất ngay trong ánh hào quang của quả núi kim cương.Ippolit mỉm cười rạng rỡ, bước ra đi dạo ngoài hành lang. Kế hoạch của một cuộc sống mới, được xây dựng trên nền đá quý, đã an ủi ông. “Còn lão cố đạo? – Ông chửi thầm – Thật ngu như chó. Nó sẽ không bao giờ nhìn thấy những cái ghế ấy”.Đến cuối hành lang, Ippolit quay lộn lại. Cái cửa trắng, nứt nẻ ở phòng No13 mở ra, và cha Fêđor mặc chiếc áo va-rơi xanh, có sợi dây màu đen rách tua tủa thắt ngang lưng, tiến thẳng về phía ông. Khuôn mặt đôn hậu của cha hân hoan sung sướng. Cha cũng ra hành lang để dạo mát. Hai đối thủ chạm mặt nhau mấy lần, đôi bên đắc thắng nhìn nhau rồi lại bước tiếp. Niềm hứng khởi dâng lên trong ngực Ippolit. Cha Fêđor cũng có cảm giác hệt như vậy. Cả hai đều thấy thương hại cho đối phương thất thế. Cuối cùng, ở lần chạm mặt thứ năm, Ippolit không dừng được nữa.– Chào cha – ông nói giọng ngọt ơi là ngọt.Cha Fêđor tập trung toàn bộ sự châm biếm cay độc mà chúng cho phép cha sử dụng, đáp lời:– Chào ông Ippolit.Hai đối thủ lại xa nhau. Lần gặp sau, Ippolit buông một câu:– Bữa trước tôi có làm cho cha bị chấn thương không đấy?– Không, có sao đâu, tôi rất vui lòng gặp mặt ông hôm ấy.Rồi cả hai lại đi về hai bên đầu hành lang khác nhau. Bộ mặt của cha Fêđor bắt đầu làm cho Ippolit khó chịu.– Cha không ở nhà làm lễ thánh nữa ư? – Ông hỏi khi đôi bên gặp lại.– Làm lễ thánh sao được, khi mà con chiên bỏ đi lung tung sang các thành phố khác để tìm báu vật.– Xin cha lưu ý: báu vật của họ! Của họ!– Báu vật của ai không biết, chỉ biết là họ bỏ đi tìm.Ippolit muốn nói một câu gớm ghiếc nào đó và đã há miệng ra, nhưng không nghĩ được câu gì, đành bực bội trở về phòng của mình. Một phút sau, từ đó bước ra gã con trai của vị công dân mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, tức Ostap Benđer, mình mặc gi-lê xanh, dây giày lòng thòng dưới chân nên cứ bị chân giẫm phải. Ostap tiến về phía cha Fêđor. Những bông hồng trên má cha Fêđor héo hẳn đi và biến thành màu tro.– Ông mua đồ cũ phải không? – Ostap hỏi, giọng dọa nạt – Ghế cũ? Súc vật chết? Hay xi đánh giày?– Anh muốn gì? – cha Fêđor hỏi nhỏ.– Tôi muốn bán chiếc quần thủng đít cho ông.Vị cố đạo lạnh xương sống lùi dần.– Sao ông cứ câm lặng như đức giáo chủ trong bữa tiệc chiêu đãi thế?Cha Fêđor lui dần về phòng ở của mình.– Mua lại đồ cũ, ăn cắp đồ mới đa-đa-ây! – Ostap dài giọng với theo.Cha Fêđor rụt đầu rụt cổ dừng chân ở cửa phòng mình. Ostap tiếp tục công kích:– Thưa đức chăn chiên chí kính, ngài mua chiếc quần thủng đít của tôi chứ ạ? Tôi còn có đôi tay áo gi-lê và đôi tai của con lừa chết nữa kia. Bán luôn cả bộ thì lấy giá rẻ hơn. Mà lại có ngay chứ không cất giấu ở trong vỏ ruột ghế, khỏi tốn công đi tìm! Xong chưa nào?!Cha Fêđor tót vào phòng và đóng cửa lại.Ostap hài lòng đi về phòng mình, chân này giẫm lên dây giày chân kia. Khi cái thân xác vạm vỡ của hắn đã ở khoảng cách khá xa, cha Fêđor thò đầu rất nhanh ra ngoài cửa và rít lên vì cơn giận bị kềm chế quá lâu:– Mày là đồ khốn nạn thì có!– Cái gì? – Ostap chạy bổ trở lại, nhưng cửa đã đóng sập và ổ khóa kêu tách một cái.Ostap cúi xuống ổ khóa, cong bàn tay đưa lên miệng làm loa và nói rõ từng tiếng:– Thuốc phiện đối với nhân dân. (1)Không thấy bên trong trả lời.– Đức cha ơi, người là quân đốn mạt! – Ostap gào to.Ngay lúc ấy từ trong ổ khóa, một cây bút chì phóng ra nhưng bị mắc kẹt ở đó; cha Fêđor định dùng đầu nhọn của cây bút để hạ thủ đối phương. Ostap tránh kịp và túm lấy một đầu cây bút. Hai kẻ thù bị cánh cửa ngăn cách, cố kéo cây bút chì về phía mình. Thắng lợi thuộc về tuổi trẻ, và cây bút từ từ chui ra bên ngoài như một cái dằm miễn cưỡng bứt khỏi da thịt. Ostap trở về phòng với món chiến lợi phẩm đó. Hai thành viên hợp đồng được mẻ cười thích thú.– Kẻ thù đã phải rút lui, rút lui, rút lui!... Ostap nói như hát.Hắn dùng dao nhíp, khắc một chữ tục lên thân cây bút, chạy ra hành lang nhét cây bút vào phòng qua lỗ khóa, rồi quay luôn về phòng mình.Hai ông bạn mang năm tờ phiếu ra chỗ sáng và bắt đầu nghiên cứu thật kỹ, Ippolit nói.– Tôi mua tấm thảm treo “Nàng chăn cừu” này tại một hiệu đồ cổ ở Mátxcơva đây.– Vứt mẹ nó đi! – Ostap xé vụn tờ phiếu.– Còn cái bàn tròn thì hình như...– Đưa tờ phiếu cái bàn tròn cho tôi. Vứt cha nó đi cho khỏi bận mắt!Còn hai tờ phiếu phân phối, một tờ ghi 10 chiếc ghế chuyển lên bảo tàng nghệ thuật đồ gỗ ở Mátxcơva, tờ kia ghi cấp một chiếc ghế cho đồng chí Gritsasuev ở Stargorot, phố Plekhanov, số nhà 15.– Chuẩn bị tiền đi – Ostap nói – có lẽ phải đi Mátxcơva.– Nhưng ở thành phố này cũng có một chiếc cơ mà.– Xác xuất một trên mười. Toán học thuần túy. Biết đâu công dân Gritsasuev lại chẳng đem cái ghế đi nhóm bếp rồi.– Anh đừng đùa kiểu ấy.– Không sao, không sao, đồng chí thủ lĩnh công đoàn tự do Konđrat Karlovich Mikhelson ạ, chúng ta sẽ tìm thấy thôi! Sự nghiệp này thiêng liêng lắm! Chúng ta sẽ có tất len để đi và kem Margo để chén.– Không hiểu sao tôi có cảm giác rằng kho báu phải để trong chính chiếc ghế ấy, – Ippolit nhận định.– Ái chà chà! Ông có cảm giác à? Ông còn có cảm giác gì nữa nào? Không ư? Thôi được. Ta sẽ làm việc theo kiểu mác-xít, thực tế hơn. Hãy trả bầu trời cho loài chim, còn ta thì quay về với những chiếc ghế. Tôi đang nóng lòng muốn gặp đồng chí thương binh của cuộc chiến tranh đế quốc, công dân Gritsasuev, phố Plekhanov, nhà số 15. Ta đi ngay thôi, ông Mikhelson! Kế hoạch cụ thể sẽ vừa đi vừa bàn.Ngang qua cửa phòng cha Fêđor, đứa con trai để bụng thù vặt của vị công dân mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ còn đá vào cửa một cái thật mạnh. Từ bên trong vọng ra tiếng lẩm bẩm yếu ớt của đối thủ bị đầu độc.– Chỉ ngại nó theo gót chúng mình! – Ippolit nói.– Sau cuộc gặp gỡ giữa các ngài bộ trưởng trên thuyền buồm vừa rồi thì khó có sự tiếp xúc nào nữa. Nó sợ vãi đái ra rồi.– Gần tối chúng mới quay về. Ippolit đăm chiêu. Ostap thì mặt mày rạng rỡ. Hắn diện đôi giày mới lắp đế cao su, đi đôi tất kẻ sọc kiểu bàn cờ, ô xanh cạnh ô đen, đầu đội chiếc mũ cát-két màu kem sữa, cổ quàng một chiếc khăn Rumani.Ippolit phân vân khi nhớ lại lúc đến nhà góa phụ Gritsasueva:– Ghế thì đúng nó rồi đấy. Nhưng làm cách nào bây giờ? Phải mua à?– Chứ sao, đấy là chưa nói đến khoản chi phí hoàn toàn phi sản xuất đó, – Ostap trả lời – làm không khéo, dễ gây lời ong tiếng ve lắm.– Vậy anh bảo phải làm thế nào?Ostap sung sướng ngắm cái đế giày mới.– Siêu mô-đéc đấy, – hắn nói – làm thế nào à? Khỏi lo, ông chủ tịch ơi, tôi nhận làm vụ này cho. Không một chiếc ghế nào có thể đứng vững trước đôi giày siêu mô-đéc này.– Anh biết không, – Ippolit sôi nổi hẳn lên, – lúc anh nói chuyện với bà Gritsasueva về nạn lụt lội, tôi ngồi thử xuống cái ghế của chúng ta và, thú thật, tôi cảm thấy có cái gì cưng cứng ở dưới. Lạy chúa, đúng nó rồi... lạy chúa, tôi cảm thấy rõ ràng mà...– Chớ có xúc động quá, ông Mikhelson.– Đêm nay ta phải đánh cắp nó! Phải đánh cắp nó!– Một vị đô thống quý tộc mà hành động nhỏ mọn quá. Vả lại ông nắm được kỹ thuật đánh cắp chưa nào? Trong va li của ông có chùm móc sắt mở các loại ổ khóa chứ? Xin ông vứt bỏ cái ý nghĩ ấy đi cho tôi nhờ! Lấy cắp đồ của một góa phụ nghèo! Sang trọng chưa?!Ippolit Matveevich sực tỉnh.– Thì tôi chỉ muốn công việc mau hoàn tất, – ông nói như van vỉ.– Chỉ có lũ mèo mới đẻ nhanh thôi! – Ostap lên giọng dạy đời. – Tôi sẽ cưới mụ ta.– Mụ nào?– Mađam Gritsasueva.– Để làm gì?– Để khai phá chiếc ghế mà không gây chuyện om sòm.– Nhưng như thế là anh gắn bó suốt đời với mụ ta hay sao?– Vì lợi ích của bản hợp đồng này, phỏng còn tiếc nuối cái gì!– Trời ơi, gắn bó suốt đời! – Ippolit rên rỉ.Ippolit vung tay cực kỳ kinh ngạc. Cái miệng trên bộ mặt không râu ria của ông há ra, để lộ những chiếc răng màu xanh không được chải kể từ hôm rời thị trấn N.– Gắn bó suốt đời! – Ippolit thì thầm! – Đây là một sự hy sinh lớn.– Cuộc đời! Hy sinh! – Ostap nói. – Ông thì biết gì về cuộc đời và sự hy sinh? Ông tưởng rằng, nếu ông bị đuổi ra khỏi biệt thự, thì ông biết rõ cuộc đời ư? Và nếu người ta đưa về bảo tàng những cái lọ Tàu giả, thì đó là sự hy sinh chăng? Cuộc đời, thưa các vị bồi thẩm đáng kính, là một mớ phức tạp, nhưng thưa các vị bồi thẩm đáng kính, cái món phức tạp ấy lại dễ mở toang ra như ta mở tủ. Chỉ cần biết cách mở thôi. Kẻ nào không mở được, thì kẻ đó chết. Ông đã nghe chuyện ngài kỵ sĩ quý tộc đi làm thầy tu khổ hạnh chưa?Ippolit chưa nghe chuyện ấy bao giờ.– Ông chưa nghe tên Bulasov bao giờ sao? Người anh hùng của Pê-ter-burg quý tộc ấy mà? Vậy để tôi kể cho mà nghe.Đoạn Ostap Benđer kể cho Ippolit Matveevich nghe câu chuyện mà đoạn mở đầu kỳ lạ của nó làm cả thành phố Pê-ter-burg xúc động, còn đoạn kết còn kỳ thú hơn của nó thì bị lẫn đi, không được ai để ý trong thời gian mấy năm vừa qua.