-- XXXI --

     iáp sốt li bì trong bốn hôm. Hai người nâng giấc, săn sóc Giáp một cách rất chăm chút, nhưng vì không có thầy thuốc, nên cứ đành phải theo thuốc lá sì sằng của thầy Nùng.
Đã nhiều lúc nguy kịch, hai người ôm Giáp mà khóc nức nở. Nhưng đến hôm thứ tư, bệnh tình bỗng thuyên giảm. Đang lúc hai người khắc khoải ngồi cạnh Giáp thì Giáp mở mắt, rồi ngồi nhỏm dậy kêu đói.
Cả hai mừng rỡ ôm chầm lấy Giáp hôn lấy hôn để.
Khánh Ngọc vừa hôn, vừa xuýt xoa:
- May quá, tôi tưởng anh có bề nào thì đời tôi thật hối hận cho tới chết. Để tôi nấu cháo cho anh ăn nhé.
Giáp hổn hển:
- Nấu cháo thì lâu quá. Tôi đói lả.
- Thế anh ăn trứng “la-coóc” vậy. Thôi, nằm xuống để tôi đi đun nước.
- Tôi nằm mãi ê ẩm cả người rồi. Cho tôi ngồi một tý.
Trọng Khang đứng dậy:
- Thôi cô đỡ ông ấy. Để tôi đi đun nước, rồi tôi nấu cháo cho, chứ mấy quả trứng thì thấm tháp gì.
Khánh Ngọc nắm áo Trọng Khang lại:
- Để em.
- Ồ, cô lôi thôi lắm, ai làm chả thế.
Trọng Khang đặt nồi nước, rồi đi vo gạo. Nước sôi chàng rót một tí ra bát, thả mấy quả trứng vào, rồi đưa cho Khánh Ngọc. Ăn trứng xong, Giáp ngồi lặng lẽ nhìn Trọng Khang hì hụi nấu cháo, rửa bát và pha trà. Chàng thở dài rồi bảo Khánh Ngọc:
- Chúng ta không có ông Trọng Khang thì còn khổ sở chưa biết đến thế nào.
- Anh chưa biết, lúc anh mê man, ông ấy ngồi cạnh anh suốt đêm không ngủ. Anh mửa, nôn cả ra người, ông ấy trông nom anh chẳng nề hà một tí gì. Ông ấy thương anh như ruột thịt. Ông Vương Nhân cũng tốt lắm.
Giáp lặng im.
- Anh đã muốn nằm chưa?
- Chưa, ăn cháo xong nằm một thể.
Nồi cháo nấu xong, Giáp húp luôn hai bát. Ăn xong mồ hôi vã ra như tắm.
Trọng Khang vừa lấy khăn mặt lùa vào chăn lau khắp mình mẩy cho Giáp, vừa bảo:
- Thôi lần này thì thật là khỏi hẳn. Để tôi thay quần áo cho, rồi ông nằm ngủ một giấc đến sáng mai là ăn giả bữa đấy thôi.
- Tôi ngủ nhiều rồi.
- Bây giờ mới gọi là ngủ, trước kia là mê đấy thôi. Cô Khánh Ngọc, đưa bộ quần áo kia giùm tôi.
- Tôi ốm mấy ngày không tắm rửa, chắc hôi lắm đấy nhỉ.
- Tôi chẳng thấy hôi tí nào. Thôi để sáng mai, tôi sẽ đun nước cho ông lau mình mẩy rồi ba hôm nữa, tôi cho ông tắm. Bây giờ nằm xuống đi.
Giáp ngoan ngoãn nằm xuống.
- Bây giờ độ mấy giờ rồi nhỉ?
- Có lẽ quá nửa đêm. Bọn gác ở ngoài đã thôi đánh bạc. Ở trong cái hang này, sáng tối lúc nào cũng không hay, đồng hồ chẳng có, tôi chỉ nghe tiếng rì rầm của bọn giặc mà phỏng đoán đấy thôi.
- Ông ngủ đi chứ. Thôi tôi khỏi rồi, không cần phải ai canh nữa. Ông mệt nhọc vì tôi nhiều lắm rồi.
- Những lúc vui sướng như thế này ngủ làm sao được. Hễ chúng tôi nhìn thấy ông ngủ yên là chúng tôi ngủ rồi đấy. Thôi ông ngủ đi.
- Nhưng tôi không thể ngủ được. Chân tay đau như dần.
- Ê, cô Khánh Ngọc, cô bóp tay, tôi bóp chân. Và cấm không ai được nói gì nữa để cho người ốm ngủ.
Giáp vẫn chưa ngủ. Hai người ngồi bóp hai bên. Bỗng Giáp quay sang hỏi Trọng Khang:
- Tại làm sao ông đối với tôi tốt như thế?
Trọng Khang tủm tỉm cười:
- Thật là người ốm. Ông sắp lẩn thẩn rồi nên mới hỏi tôi một cách vớ vẩn như thế. À cô, còn mấy điếu thuốc lá thơm đâu? Hôm nọ chúng ta đã hẹn khi nào ông Giáp khỏi thì hút một điếu ăn mừng cơ mà. Nhịn bao nhiêu hôm, cực quá. Ông có muốn hút vài hơi không?
- Tôi thấy chua mồm lắm.
- Thôi ông cứ yên tâm. Thế nào chúng tôi cũng để dành một điếu cho ông.
Khánh Ngọc châm lửa hút một hơi, rồi đưa cho Trọng Khang:
- Ông quen hút “pít”, hút thuốc này chả thấm thía.
- Ấy thế mà cũng đỡ nghiện đáo để. À ông, tôi ngâm Kiều ru cho ông ngủ nhé?
Giáp thò tay ra khỏi chăn, nắm tay Trọng Khang để lên mặt:
- Ông đừng gọi tôi bằng ông nữa. Tôi là em ông. Không có anh, tôi không còn được sống đến ngày nay.
Giáp nói xong bỗng khóc hu hu. Trọng Khang vuốt má Giáp, rồi nước mắt chảy vòng quanh:
- Sao anh lại nói thế? Không có tôi, thì anh không lên suối nước nóng; không lên đến suối nước nóng, thì không bao giờ anh bị bắt. Cô Khánh Ngọc cũng như anh, tin tưởng ở tài sức tôi mà đi. Ai ngờ tôi bất cẩn để cho anh phải ốm đau khổ sở đến thế này.
Khánh Ngọc ngả đầu xuống, úp mặt vào bàn tay Trọng Khang đang để ở trên mặt Giáp:
- Lỗi chỉ tại tôi, không phải ở ông. Tôi là con đàn bà thấp kém, chỉ biết có sở thích của mình mà không chịu nghe lời nói phải.
Giáp giơ tay vít đầu Trọng Khang xuống ngực mình, rồi ôm cả hai người vào trong cánh tay:
- Thôi Marie đừng khóc nữa. Cũng chẳng lỗi tại Marie. Chẳng qua cái số chúng ta nó thế. Có thế này chúng ta mới biết kính trọng nhau và thương yêu nhau.
Nửa phút im lặng.
Trọng Khang ngửng đầu lên trước rồi nhìn thấy mặt ai cũng giàn giụa nước mắt, chàng bỗng phá lên cười:
- Ồ, chúng mình trẻ con thật.
Giáp nói bừng một giọng sốt sắng:
- Tôi phải sướt qua hai lần chết, mới biết sống cái phút mà anh gọi là trẻ con này đấy. Thôi Marie lau mặt đi. Rồi Marie thử tưởng tượng nếu anh Trọng Khang mà không có một nhân cách trượng phu để cho Vương lão gia phải kính phục, thì những ngày chúng ta bị giam ở đây, sẽ khổ sở đến thế nào? Tôi thì chắc là phải chết.
- Thôi, những chuyện đã qua, anh và cô cũng đừng nhắc tới nữa. Đã cùng nhau chung hoạn nạn, chung đau đớn...
Giáp giơ tay lên trời:
- Thì tôi xin thề: còn sống ngày nào, tôi sẽ tận tâm với những người mà hoạn nạn và đau đớn đã khiến cho tôi thành anh em. Marie, Marie cũng đừng gọi bằng ông nữa. Anh Trọng Khang thật xứng đáng là một người anh của chúng ta.
Trọng Khang nhìn Khánh Ngọc hiểu cái nhìn ấy. Mặt nàng đang hồng hào vì xúc cảm, bỗng tái đi vì lo sợ.
- Tôi cũng xin thề tìm hết cách để bảo toàn hạnh phúc những người đã cùng sống bước hiểm nghèo với tôi.
- Thì anh đã bảo toàn mãi rồi. Nhưng bây giờ, tôi đã hiểu hạnh phúc chỉ có giá trị khi nào tự tay ta tìm và tạo nên nó. Hạnh phúc ở trong ta, chứ người ngoài không thể mang lại cho ta được. Nhưng... dù sao tôi cũng cám ơn anh.
Ngừng một lát để thở, Giáp lại nói tiếp:
- Tôi xuất thân ở một cái trường hẹp hòi nên tôi chậm hiểu. Nhưng bây giờ, tôi cũng đã hiểu rồi: tôi có dư những điều kiện để làm kỹ sư cầu cống, nhưng tôi thiếu rất nhiều những điều kiện để làm người với cái nghĩa hoàn toàn của chữ ấy. Vì thế, tôi không xứng đáng với cái hạnh phúc... của thằng người, mà tôi chỉ có thể có được những lợi lộc đem lại bởi ông kỹ sư. Rồi đây, tôi có công noi theo con đường của anh, họa chăng sau đây, tôi mới có thể tìm thấy chân hạnh phúc. Những cái mà trước kia tôi cho là hạnh phúc, thì ra bây giờ tôi mới hiểu: chỉ là những thỏa mãn của thị dục. Là cái bóng của thằng người, tôi chỉ đi tìm cái bóng của hạnh phúc. Tôi đã không được huấn luyện ngay ở trong trường đời như anh. Tôi dò theo con đường lầm lạc mà cái xã hội lầm lạc đã vạch ra. Tôi nhìn, tôi nói, tôi nghĩ, tôi cảm toàn bằng sách vở và những tập quán của xã hội. Tôi chẳng có cái gì là của riêng tôi. Anh bảo như thế thì còn thứ hạnh phúc nào đến cho tôi được.
Giáp nói xong, thở hổn hển; Trọng Khang vội vàng ngăn:
- Thôi anh đừng nói nữa mệt.
- Xác thịt tôi mệt, nhưng tinh thần thì thấy khỏe khoắn lắm. Tôi không ngủ được đâu. Nếu quả thực anh vui vì tôi khỏi bệnh, anh không buồn ngủ thì xin anh ngâm mấy câu Kiều cho tôi nghe. Cái giọng anh trong lúc này, giữa hầm đá này là một điệu đàn khoái trá cho tâm hồn tôi.
Khánh Ngọc chộp ngay lấy cơ hội ấy để dùng ngay cách xưng hô mà nàng ao ước:
- Và luôn thể, anh dạy em nữa. François ốm thành ra chưa có lúc nào rỗi để dạy em cả.
- Ấy thế thì phải để tôi uống chén nước nóng để lấy giọng đã. Đã lâu lắm, chưa ngân nga đấy nhé. Giọng có rè như vại vỡ thì anh và cô cũng nghe vậy nhé. Ê, nhưng cấm cô không đưọc nhìn vào mặt tôi. Thế thì còn làm sao mà ngâm được.
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Trọng Khang ngâm vang gian hầm. Hầm đá kín thành ra tiếng âm lại càng to. Bọn giặc đang ngủ ở ngoài, nghe thấy tiếng người không hiểu chuyện gì, choàng dậy chạy vào.
Thấy ba người vẫn ngồi nghiễm nhiên trên chiếu, Séo Súng liền hỏi:
- Các tiên sinh làm gì thế?
- Bạn tôi khỏi, chúng tôi hát ăn mừng đấy. Chắc các ông mất giấc ngủ phải không? Thôi, xin lỗi nhé. À, có nước chè nóng, ông nào muốn uống thì vào đây.
- Chúng tôi không thể vào được, vì lão gia ra lệnh cấm. Chỉ có ai bưng cơm mới được vào thôi.
- Bây giờ lão gia có đây đâu, vào nói chuyện cho vui.
- Nhưng nếu lão gia tôi biết thì chết.
- Các ông không dám vào thì thôi. Tôi không có thuốc lá hút mấy ngày nay, thèm quá, các ông có cái “dín-thừng” đấy cho mượn và cho mấy điếu thuốc lào thì hay quá.
- Thế ông ra đây mà lấy.
Trọng Khang hút coi bộ ngon lành, Khánh Ngọc cũng đòi hút. Nàng không biết hút, nước sặc cả lên mồm.
Thấy nàng nhổ phì phì, bọn giặc ở ngoài cười khúc khích.
- Họ chế cô đấy. Giọng cô, chịu khó học ngâm nga ít lâu thì hay biết mấy. Thật là có cái vẻ du dương và đài các của Đông phương; thế mà đi hát “gie đơ-da-múa” thì khổ lỗ tai con người ta biết mấy!
- Nhưng tôi đi sang Tây du học từ năm mười sáu thì còn ai dạy ngâm Kiều.
Giáp tủm tỉm cười:
- Giá có dạy thì cũng chẳng học. Lúc ấy, còn cho thế là hủ, là nhà quê....
........
- Hay là những con vẹt thì cũng thế. Nhưng thôi không nói đến nữa, nghĩ xấu hổ lắm. Ông dạy tôi đi.
Trọng Khang ngâm đến chỗ Kiều gặp Kim Trọng thì Giáp đã thiếp đi.
- Thôi, bây giờ chúng ta phải đi ngủ, khỏi rồi không phải canh nữa.
Rồi sực nhìn đến chăn, chỉ còn một chiếc, Trọng Khang lại chữa ngay:
- Hay cô ngủ để tôi gác.
- Không, anh cũng phải ngủ thì em mới ngủ được cơ.
- Thế để tôi nằm ghé vào chăn với Giáp.
- Anh ấy quấn một nửa rồi, bây giờ anh kéo thì sợ anh ấy dậy.
- Không sao, tôi rất nhẹ tay.