-- I --

     háng Tám, năm 1935, một chàng tuổi trẻ bước chân vào sòng bạc Pakha.
Lúc ấy vào khoảng tám giờ đêm. Những chiếc “tai-cong-tắng” [1] ném cái ánh lửa trắng tinh, chiếu một quang cảnh hỗn độn trong một bầu không khí làm mửa ra... dạ dày.
Chàng tuổi trẻ vừa giẫm chân lên cái giường cửa đã in dấu bụi của bao con người máu mê thì liền bị cái mùi hôi hám bắt ngừng ngay lại. Thốt nhiên, chàng đưa tay lên che mũi và miệng, rồi lẩm bẩm:
- Chà chà! Thế này thì sống làm sao cho được?
Chàng không sống được, nhưng những con người ở trong vẫn sống được, sống say mê, sống sôi nổi, chung đúc tất cả bao nhiêu nguồn sống lên cái diện tích nhỏ xíu của mấy đồng tiền sấp ngửa, dồn dập tất cả cảm giác vào cái khắc - cái khắc ngắn ngủi nhưng dài bằng cả một thời gian vô tận - của chiếc bát đồng lúc bật ra.
Hôm ấy là ngày phiên chợ. Tất cả tài nguyên của các thung lũng đã biến thành những tờ giấy bạc mỏng mẻo bay đến các bàn bạc. Nhẹ ở sức mang, nhưng nặng những mồ hôi của sức làm, những tờ giấy bạc ấy càng nhiều bao nhiêu lại càng tăng nhiệt độ của sự sống ở sòng bạc bấy nhiêu.
“Canh bạc hôm ấy to quá!” Đó là một miếng ngon mà người máu mê nhớ mãi cũng như “bữa phiện nay ấy khoái quá” là một thứ kỷ niệm mà những con người hút xách không bao giờ quên.
Đời người thường phần nhiều bị đánh dấu bằng những cái mốc vui, buồn, những bản sinh, tử, giá thú, nhưng người đánh bạc nhớ lại đời mình toàn bằng những con số, chỉ bằng những con số thôi: “canh ấy cháy năm trăm, canh nọ sát một nghìn”. Những vui, buồn, sống, chết, đối với họ chỉ là những mũi kim bằng trước cái đùi được, thua.
Sòng bạc ở Thượng du là chỗ hẹn hò những dục vọng của người các giống: Mèo, Mán, Mường, La Chí, Xạ Phang, Nùng, Xá, khách Quảng Đông, người Nam, thích cánh nhau, xô đẩy nhau, chen chúc chung quanh chiếu bạc; và bóc lột nhau bằng những cái nhìn đỏ ngầu như thèm khát.
Khi người trẻ tuổi bước vào, những con bạc đang bị thôi miên bởi phép mầu của thần đổ bác, chẳng một ai quay cổ lại. Nhưng, bọn hồ lỳ như những con quạ đánh hơi thấy xác chết, đã đổ dồn vào người trẻ tuổi những cái nhìn nó cân nhắc một cái túi. Rồi hình như sự cân nhắc ấy làm cho họ được vừa ý, họ vội vàng du mấy người chầu rìa ra để lấy chỗ cho người trẻ tuổi ngồi.
Bạc lúc ấy đang rền, đã đi một hơi sáu cái lẻ. Mà làng thì chẳng một ai khát nước. Nhà cái nhìn chiếu bạc, lắc đầu:
- Về bớt đi. Bố ai dám ăn!
Hồ ly vừa toan kẻm thì chàng trẻ tuổi đã giơ tay ngăn:
- Thế thì để tôi. Ông thừa bao nhiêu?
- Lẻ thừa, lẻ thừa... trăm tám.
- Đắt.
Chàng trẻ tuổi vừa đưa tay về phía cái bát thì tên hồ lỳ vội ngăn lại:
- Ngài hẵng cược ra đã.
Chàng trẻ tuổi ngước mắt nhìn tên hồ lỳ bằng một cái nhìn nó đè chết một người dưới sự khinh bỉ, rồi quay sang anh xóc cái:
- Ông xướng lên.
Một sự lạ xưa nay chưa từng có: tên hồ lỳ không nèo tiền cược nữa, một điều kiện mà dù bố đẻ ra y có thò tay mở bát, y cũng bắt phải tuân theo. Không biết y bị ảnh hưởng bởi sự ăn mặc lành lặn hay khẩu súng lục của chàng trẻ tuổi ở lưng. Hay bởi cái nhìn ngay thẳng ở trên cái khuôn mặt khôi ngô kia nó thầm bảo y: người này không phải là người mở chạc.
- Lẻ thừa trăm tám!
Hai cô vợ tây ngồi cạnh người xóc cái, áng chừng bị cám dỗ bởi cái mặt giỏi trai và cái thân hình rắn rỏi, bỗng khấn thầm cho chàng trẻ tuổi được, mặc dầu các cô đã đánh mỗi người hai đồng bạc. Các cô lẩm bẩm:
- Cái này không khéo ông chủ gỗ được.
- Lẻ thừa trăm tám!
Người xóc cái xướng dứt, nhấc tay khỏi cái bát; chàng trẻ tuổi quờ tay vào. Những tiếng reo nó chứng tỏ những mảnh lòng bị cháy:
- Lại mắt vịt! Lại mắt vịt!
Lúc ấy, anh hồ lỳ mới vụt nhận thấy rằng mình đã dại, không bắt được tiền trước khi mở. Anh nhìn chàng trẻ tuổi bằng một cái nhìn băn khoăn. Chàng trẻ tuổi mặt thoáng tái đi, song cử chỉ vẫn ung dung. Chàng khẽ đặt cái bát xuống chiếu, rồi đưa tay ra móc túi quần sau. Anh hồ lỳ thở một cái thở dài của người mới trút được gánh nặng. Hai cô me tây thì xuýt xoa:
- Thế mà lại còn lẻ nữa!
Anh xóc cái nhìn hai cô một cách bợm bãi:
- Lẻ thi hai cô được chơi chứ sao.
- Nhưng ông kia thua nhiều quá!
- Thì ông ấy gỡ tiếng sau.
Trái với lời người xóc cái, chàng trẻ tuổi không có cơ hội để gỡ tiếng sau, vì chàng đã hết tiền rồi. Chàng móc ví ném ra hai tờ giấy một trăm, lấy lại hai chục bạc lẻ, rồi đứng dậy đi ra, cũng chẳng thèm theo cái lối thường của những kẻ thua bạc là lắng nghe một cách an ủi những tiếng xuýt xoa của kẻ đã được, tự coi là một bổn phận phải than thở cho người thua.
Ngoài đường tối om, lại lác đác mưa. Người trẻ tuổi, đã ra khỏi cửa sòng, còn đang ngập ngừng chưa biết có nên đi hay không thì bỗng người mặc quần áo vàng, tay cầm một chiếc ô, ở phía chợ chạy lại:
- Thưa cậu, áo mưa đây. Con đi tìm mãi cậu về xơi cơm, đâu cũng chẳng thấy. Sau có người bảo cậu vào sòng. Cậu cũng vào sòng à? Cậu có đánh không? Được hay thua?
Vừa nói, người lão bộc vừa khoác áo mưa lên lưng cho chủ.
Chàng trẻ tuổi lẳng lặng đi. Người lão bộc theo sau che ô và bấm đèn soi đường. Qua cửa chợ, đường chỗ ấy gồ ghề và trơn, người lão bộc trượt chân suýt ngã.
- Thôi, không phải che cho tôi nữa. Đi cẩn thận khéo ngã. Ngã bây giờ, có làm sao thì thật là khốn đốn.
- Nhưng ướt đầu cậu.
- Ướt cũng chẳng sao.
- Cậu cứ không gìn giữ, nhỡ cảm một cái thì làm thế nào?
- Cảm một tí mà cảm được thì có họa là người giấy.
Mặc dù chủ đã bảo, người lão bộc vẫn cứ đi theo che. Chàng trẻ tuổi đứng lại, nắm hai cánh tay người lão bộc du lên trước.
- Cái thân ông già, ông không lo, ông lại cứ đi lo cho tôi. Ai đời lại dở hơi như thế, bảo mãi mà không nghe!
Người lão bộc buộc lòng phải đi trước một mình, nhưng vẫn còn ngoái cổ lại, nói một cách cầu khẩn:
- Thế cậu lôi cái che đầu ở cổ áo mưa lên vậy.
Bấy giờ, gió rét căm căm và mưa bay xiên càng nặng hạt, nhưng chàng trẻ tuổi vì trong lòng đang dồn dập những cảm giác, vẫn thấy như phát sốt ở trong chiếc áo mưa.
Chàng dằn lòng kéo cái “ca-puít-sông” (capuchon) lên đầu.
Tay kéo, miệng nói một cách bực tức và gay gắt:
- Đây, kéo rồi, đi trước đi.
Người lão bộc như hả lòng, lúc ấy mới lùi lũi đi, không dám nói một câu nào nữa. Qua cửa nhà dây thép, chàng trẻ tuổi chừng như chợt hối về chỗ đã tàn nhẫn với người chỉ vì yêu thương mình mà lo lắng - dù sự lo lắng ấy nhiều khi làm bực dọc - liền đổi giọng:
- À thế nào, ông Phó, cơm có gì ăn không? Tôi đói lắm.
Người lão bộc hớn hở, quay ngay lại:
- Thưa cậu có. Con lùng mãi mới mua được một con vịt. Con đánh tiết canh, tốt lắm. Con đã mua chai vang. Hôm nay, cậu nên uống vài cốc. Đã lâu lắm, cậu chưa uống vang.
- Tiền đâu mà mua đủ thứ thế?
Câu hỏi rất thường ấy làm cho người lão bộc bối rối. Y ấp úng mãi, mới thốt ra được một câu để không trả lời:
- Thì cậu... cứ xơi đi. Cậu cứ hỏi tiền đâu, tiền đâu làm gì!
Chàng trẻ tuổi nhìn ông Phó, thở dài, rồi lặng im. Ông Phó thấy chủ không căn vặn nữa thì có vẻ sung sướng, nói tiếp:
- Con vịt béo quá, lúc tần, phải bớt ra bao nhiêu là mỡ. Rượu vang ở đây không có hạng tốt, thành ra con không mua được thứ Médoc mà cậu vẫn thích. Ấy gần đến nhà rồi, cậu bước khéo, không lại vấp phải những bực đá như hôm qua.
Ông Phó vừa nói, vừa lùi lại, bấm đèn soi đường cho chủ đi.
Hai người bước vào đến hiên: hai con ngựa buộc ở đấy, mừng hí lên. Chàng trẻ tuổi ngừng lại, vuốt ve con ngựa đen, cao và mập:
- Ông Phó, tôi trông hình như nó gầy đi có phải không? Áng chừng mấy hôm nay không có ngô cho nó ăn.
- Thưa cậu, vẫn có đấy chứ. Nhưng ít thôi.
Chàng trẻ tuổi lại thở dài, vỗ vỗ vào cổ con ngựa, rồi đẩy cửa vào. Chàng gieo mình xuống chiếc giường vải đi rừng. Ông Phó lại vặn to ngọn đèn búp-măng rồi tiến lại trước mặt chủ:
- Cậu để con cởi áo mưa.
- Ừ nhỉ, tôi quên.
Cất chiếc áo mưa lên mắc, ông Phó ngồi xuống tháo đôi ủng trong khi người thiếu niên cởi bì súng lục ném vào đầu giường.
- Cậu thay quần áo, rồi rửa mặt xơi cơm không nguội.
Chàng trẻ tuổi lẳng lặng cởi áo blouson và quần ngựa. Khi chàng đã mặc xong bộ quần áo ngủ, thì ông Phó đã từ dưới bếp bưng lên một chậu nước nóng để cạnh bàn. Rửa mặt xong chàng trẻ tuổi nằm kềnh ra giường. Ông Phó mở ngăn kéo lấy một quyển sách đặt ở cạnh giường, rồi quay ra bưng chậu nước xuống bếp. Trên tay chàng thiếu niên, quyển sách đã mở ra rồi lại bị gập lại sau những tiếng thở dài. Rồi sau nó bị để hẳn xuống dưới chân. Chàng ngồi nhỏm dậy, nhìn quanh nhà một lượt, rồi lại nằm xuống. Tâm hồn chàng lúc ấy dường như bị căng xé bởi nhiều ý nghĩ đen tối, cũng đen tối như gian nhà trọ.
Chú thích:
[1] Những chiếc đèn manchon lớn thường hay dùng ở các sòng bạc.