in động trời ấy nổ ra như một quả bom cỡ nhỏ, cơ hồ muốn làm sụp đổ mái trường học hiệu Chấn Hưng.Lúc ấy, trời gần sụp tối và ông Tám Tàng nóng lòng không thấy cô con gái nuôi thứ hai mươi mốt của mình trở về, bèn hấp tấp đến trường tìm, sau khi đã mời một vị cảnh sát cùng đến phụ lực. Đúng vào giờ này, thỉnh thoảng ông vẫn còn thấy ông hiệu trưởng Tài ngồi cúi gầm xuống mặt bàn nghiên cứu một số công văn, phê góp một vài ý kiến dưới vừng ánh sáng xanh xao của một ngọn đèn nê-ông bệnh hoạn. Còn trong lúc ấy, ông Xu lảng vảng gần đó để sự hiện diện của ông hiệu trưởng bớt phần cô độc.Nhưng hôm nay thì có việc gì khác thường đây. Cảnh trường vắng ngắt. Ông bước vội vào, nghe ở sân sau có tiếng la hét thất thanh. Khi ông chạy đến thì một cảnh tượng não nùng xảy ra, mà sự xấu hổ và lòng tôn trọng độc giả bắt buộc chúng ta không được nói nhiều chi tiết. Cô Thu Mộng đang níu kéo ông Xu và ông hiệu trưởng, cả hai người này có sự ăn mặc thật là đáng ngại, đặc biệt ông Xu thì cái phần vải bên dưới được ghi là đã khiếm diện hoàn toàn. Về phần cô gái thì sự hở hang đã được che đậy một cách vụng về, đến nỗi vị cảnh sát trẻ phải quay mặt đi mà vẫn đỏ bừng mặt mũi.Ông Tám Tàng bứt tóc, dậm chân, kêu gào:- Con ơi là con ơi! Sao mà con đến nỗi này!Cô Thu Mộng chỉ vào ông Xu, rồi lại chỉ vào ông Tài, và ôm mặt khóc hu hu. Một lát, cô mới nấc lên thành tiếng:- Bọn khốn nạn này phá hoại đời con, ba ơi là ba ơi!Ông Tám Tàng xông đến, chỉ thẳng vào mặt ông Tài:- Đồ chó đẻ!Đoạn gào to:- Lương tâm của bây ở đâu? Ở đâu?Ông chụp lấy cổ ông Xu với tất cả nỗi căm hờn của một người cha bị nhục, rồi lắc từng hồi, cố làm cho lòi cái món lương tâm mà ông Xu đang cất giấu. Rồi ông Tám Tàng nức nở:- Bà con làng xóm thử coi... Ai có ngờ đâu... Tôi tưởng bọn chúng là tay mô phạm. Thế này thì còn gì là danh giá nhà tôi... trời ơi là trời!Ông trời, nếu quả có thật, chắc sẽ đỏ mặt, luống cuống khi được kêu gọi chứng kiến những loại vụ việc thế này, còn ông Tài thì vẫn giữ vẻ mặt yên lặng của người ngơ ngác tột độ. Mọi việc xảy ra quá vội, quá đỗi mơ hồ, đến ông không kịp rõ hết căn do. Ông thoáng nhớ lại ban nãy, vẫn như thường lệ, ông vào cắm cúi xem xét giấy má nhà trường thì ông chợt nghe có tiếng cười nói ở phía sân sau. Hình như là tiếng cười nói cố bật to lên rồi bị chặn lại, và lại bật to, chặn lại cứ liền tù tì như thế khá lâu. Ông chợt để ý không thấy ông Xu đâu cả từ lúc vào trường và nhớ vợ con ông ấy đã đi về quê cách đây vài hôm để lo cúng kiến bên nội hay là bên ngoại gì đó. Cố tập trung vào đống giấy, một lát, ông lại nghe có tiếng cười bật lên một cách quái đản, và ông nghĩ rằng ông Xu đang tập diễn xuất một mình để chuyển sang nghề ca kịch hay là điện ảnh cho đỡ thiếu hụt. Đi xem một người đóng trò một mình ở chỗ vắng vẻ không phải là không thú vị, và ông hiệu trưởng từ lâu chỉ biết có việc giáo dục, cũng muốn nhìn qua cho biết kiểu cách diễn xuất của các tài tử ra sao. Ông bỏ viết, sửa gương, rón rén đi xuống với tất cả sự nhẹ nhàng có thể có được và nghe tim mình đập mạnh một cách lạ thường. Càng đến gần cửa phòng cuối, tim ông càng đập mạnh hơn, đến nỗi nhiều lần ông phải dừng lại lấy tay véo mạnh vào ngực, rủa thầm: “Đồ quỷ, hãy bớt rạo rực một tí xem nào!”Lúc ông đến gần thì ông giật chổm mình lên vì một tiếng kêu thất thanh: “Trời ơi! Nó giết tôi! Cứu tôi với!”. Vốn là con người hào hiệp, ông Tài không đợi một phút do dự, nhảy đại vào trong phòng tối, nhắm vào chỗ có tiếng kêu để mà cứu cấp. Lập tức, ông bị một cái bàn tay có đủ năm ngón chuốt nhọn theo lối móng vuốt diều hâu cào ngay giữa mặt và cái sơ mi của ông cũng bị một bàn tay khác sắc nhọn không kém xé nát tan tành. Trong bóng lờ mờ ông kịp nhìn thấy ông Huỳnh văn Xu chỗi dậy trên ba, bốn chiếc ghế dài kê lại như loại giường ngủ dã chiến, và một cô gái đầu tóc bờm xờm vung đánh loạn đả vào ông và người thư ký, miệng không ngừng tiếng la hét thất thanh. Vốn quen với sự nghiên cứu sách vở hơn là thực tế, ông Tài không sao phán đoán được ngay việc gì xảy ra và ông cứ đứng chịu trận như thế cho đến khi đèn bật sáng đột ngột, và ông Tám Tàng cùng viên cảnh sát xuất hiện...