ăm Canh Tuất (1070) vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu ở ngay thủ đô Thăng Long. Nho học bắt đầu có địa vị trên vũ đài chính trị và tư tưởng của nước nhà kể từ đó. Đến năm Ất Mão (1075), vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127) cho mở khoa thi nho học đầu tiên ở nước ta. Đó là khoa minh kinh bác học, người có vinh dự đỗ đầu kì thi này là Lê Văn Thịnh.Khởi đầu, Lê Văn Thịnh được vào giảng học cho vua, sau ông được giữ chức thị lang bộ binh rồi tháng dần lên đến chức thái sư của triều đình, quyền uy một thời lừng lẫy thiên hạ. Nhưng đến tháng 3 năm Bính Tý (1096), Lê Văn Thịnh phạm tội, bị bắt đi đày (có sách nói là ở Phú Thọ nhưng cũng có sách nói là ở Thanh Hóa ngày nay). Vụ án này thoạt nghe cứ như là chuyện đùa nhưng lại là một vụ án có thật, được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 4, tờ 1 và 2) ghi lại như sau:“Trước, Văn Thịnh có một tên gia nô người nước Đại Lý (vùng Vân Nam, Trung Quốc ngày nay - ND). Tên này có pháp thuật lạ, nhân đó, Văn Thịnh manh tâm mưu sự khác. Bấy giờ, Nhà vua chơi hồ Dâm Đàm (Hồ Tây, Hà Nội - ND), đi chiếc thuyền con xem đánh cá. Bỗng nhiên hồ nổi sương mù, rồi có chiếc thuyền từ trong đám sương mù ấy lao tới, sát đến thuyền ngự. Nhà vua cầm giáo phóng tới thì đám sương mù tan đi, trong thuyền hiện ra một con hổ. Mọi người sợ hãi. Ông chài Mục Thận quăng lưới chụp lấy thì té ra lại là thái sư Lê Văn Thịnh. Nhà vua cho rằng Văn Thịnh là bậc đại thần có công lao nên không nỡ giết, chỉ bắt đi an trí ở trại Thao Giang (vùng Phú Thọ - ND). Vua thưởng quan tước cho Mục Thận và ban cho đất Dâm Đàm để làm thái ấp”.