ý LỘC và Lý Tử Khắc đều là thân vương của triều Lý, nhưng sau đến triều Trần, do triều đình có lệ bắt những người họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn, nên đôi khi, hai người này cũng được sử cũ chép là Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc.Thời Lý, cả hai cùng sinh ra trên nhung lụa, cùng làm quan dưới triều Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông, cùng có cuộc đời quý tộc rất trường giả và cùng có cơ may được thăng tước trong năm Kỉ Dậu (1129), là năm thứ hai trong đời trị vì của vua Lý Thần Tông (1128 -1138). Lý Lộc gặp may vào tháng 2 còn Lý Tử Khắc gặp may vào tháng 3. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3, tờ 33 a - b và tờ 34 a) đã chép về sự may mắn của họ, kèm theo lời bình của sử gia đời Trần là Lê Văn Hưu như sau:‘Thân vương Lý Lộc tâu rằng, ở núi Tản Viên có hươu trắng. Vua sai thái úy Dương Anh Nhĩ đi bắt được, bèn cho Lộc tước đại liêu ban”.‘Tháng 3, Lý Tử Khắc dâng lời tâu rằng, rừng ở Giang Để (có lẽ là vùng Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ngày nay ND) có hươu trắng. Vua sai thái uý Lưu Khánh Đàm đi bắt được, bèn thăng Tử Khắc làm khu mật sứ, xếp vào hàng tước minh tự, được đội mũ bảy cầu”.Lê Văn Hưu nói: Phàm người xưa gọi là điềm lành là nói việc được người hiền và được mùa, ngoài ra không có gì đáng gọi là điềm lành cả. Còn như chim quý thú lạ thì không nên nuôi ở kinh đô, ấy cũng là lời răn của tiên vương để lại. Thần Tông nhân Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc dâng hươu trắng, cho vật ấy là điềm lành, tặng Lộc tước đại liêu ban và Tử Khắc tước minh tự, thì cả người tặng thưởng và người nhận thưởng đều là sai cả. Vì sao? Thần Tông vì dâng thú mà cho quan tước thế là lạm thưởng, Lộc và Khắc không có công lao mà dám nhận thưởng, thế là dối vua”.