CHƯƠNG 20

     úng như lời chị hàng chè chén nói, Lãm đang đi buôn mía thật. Thuở nhỏ thường trốn học ra bờ sông bẻ trộm mía, ăn mía, nghiện mía để rồi phải lòng luôn cô chủ mía có thân hình ngọt lịm và kỳ quái. Phải chăng tất cả những thứ đó đã tạo ra một tiền định không tránh khỏi cho con đường buôn mía của gã hôm nay?
 Nguyên do là một lần đi bửa củi thuê về, khát cháy cổ, gã tạt vào một quán nước mía đá trên vỉa hè đường Nguyễn Thái Học gọi một cốc rõ to. Nhưng chưa được nửa ngụm, gã đã nhổ bẹt xuống hè, đứng dậy. Cô chủ quán hồng hào như búp bê, có bộ ngực vài cái mông cong tớn đi ra, nở một miệng cười ướt rượt:
 - Sao vậy em trai? Có con ruồi nó hỗn hào, nó sa vào cốc của em ư?
 - Ruồi nhặng gì? - Gã cẩm cảu - mía với miếc nhạt như nước ao bèo, uống vào chẳng bõ tháo tỏng!
 - Cậu em giai khó tính quá! - Cái miệng vẫn tớn lên, chín mọng tuy đã có phần giật giật nơi khóe mép - Mía cuối mùa mà, lấy đâu ra ngọt được?
 - Bà chị mua ở đâu? - Gã hỏi giật cục.
 - Đâu gì? Người ta mang đến. Nhà mẹ góa con côi, có ai đi mua được đâu mà đi. Này, nếu chê, cốc này tôi không tính tiền nhưng làn sau... đừng đến đây nữa, nhé!
 Mặt búp bê sát lại bất ngờ nhưng vẫn không mất được nét búp bê, thứ búp bê già, đã thành tinh. Gã cười khục một tiếng rồi móc tiền ra trả, toàn một thứ tiền lẻ nhàu nát, nhẫy nhụa mồ hôi.
 - Lần sau tôi vẫn cứ đến. Nhưng sẽ đến với những cây mía thật ngọt. Ngọt, nhưng tôi không lấy đát hơn người ta. Đảm bảo chỉ vài ngày là hàng của bà chị sẽ hút hết khách của cả Hà Nội. Khi đó bà chị thưởng cho tôi bao nhiêu thì tùy. Được không?
 Lần đầu tiên chị hàng mía chú mục nhìn kỹ vào vẻ mặt cũng thân hình gã. Cái nhìn trơn tuột lướt từ mái tóc cháy nắng bù xù xuống khuôn mặt gai góc có những đường nét sắc cạnh, sần sượng và cuối cùng là dừng lại ở hai bắp vế để tràn rắn lẳn, đen cháy. Cái miệng chín mọng lại nở ra rung rinh như sắp vào cơn hứng tình:
 - Được, thử một lần xem. Nhưng nói trước, nếu nhạt nếu xấu, tôi là không có thèm lấy một gióng, có khi còn... bát phạt trở lại. Nghe ra chửa?
 - Bà chị yên trí đi - Gã bất giác khép nhẹ hai đùi vào trước cái nhìn nóng nhẫy lại vừa trườn tới - Chỉ sợ ngon lành quá rồi lại chẳng xa được thằng em này thôi.
 - Phải gió cái nhà cậu này - Gái sồn sồn mà cái nguýt đến trẻ - Tôi là tôi không có đả đớt với cậu đâu nhé! Ngày mai nhớ quay lại.
 Gã cười khục một tiếng nữa rồi bỏ đi. Cái bả vai trai trẻ để trần của gã vẫn có cái cảm giác dinh dính của con mắt đằng sau kia dán vào...
 Thế là từ sau buổi trưa hôm đó, gã bỗng trở thành nhân viên cung ứng vật tư cần cù đáng tin cậy của chị hàng nước mía trên đường Nguyễn Thái Học mà suốt đêm ngày lưu lượng người qua lại chỉ có thể ví với một dòng lũ mùa hè.
 Hà Nội dạo này tự nhiên sinh ra lắm cái tên kép cho những con đường. Phố Nước Mía thay cho tên họ người liệt sĩ anh hùng thời Việt Nam Quốc Dân Đảng; phố Đầu Vào thay cho đường Cẩm Chỉ ngan ngát những cửa hàng ăn uống lại có phố Đầu Ra kề sân Hàng Đẩy, chuyên bán những vật dụng trắng lóa dành cho cái việc... tiêu hóa; phố Ngồi, tức phố cắt tóc thay cho tên một vị anh hùng dân tộc xứ Bình Định; phố Đứng thay cho tên Trần Nhân Tông, chỉ bởi sáng nào người ta cũng đổ đến xếp hàng để ăn một bát phở còn giữ lại cái hương vị phở Hà Nội cổ xưa; rồi phố Xe máy, phố Nóng lạnh, phố Chị em, phố Cơm bụi... đủ cả. Tất nhiên trong đó không thể không có phố Nhà Binh đè lên tên họ một vị hoàng đế thời lập nước. Hà Thành như rộng ra, phong phú hơn, sâu hơn bởi những cái tên kép này. Những cái tên chác chắn chẳng thể nào có được trong thời kì bao cấp nghiêm ngắn và ảm đạm. Cái duyên, cái hóm của người Hà thành cũng ấn náu sau những cái tên gọi mang thuần tính ngẫu hứng nôm na đó.
 Một cây mía loại I chở từ Phùng, từ Nhổn về, gã được 200 đồng. Quá ít! Nhưng cả xe 200 cây, gã đã có trong túi 40 ngàn đồng rồi. 40 ngàn thu của một cửa hàng. Các loại nước mía khác muốn cạnh tranh ắt cần đến gã. Vậy với chiếc xe đạp thuê tháng khung tốt, bánh tốt, gã có thể còng lưng làm gọn hai chuyến, tức là khi trở về với vợ con vào lúc gàn hết giờ ti vi, gã đã có 80 ngàn đồng trong tay mà không mất một đồng vốn nào. Ăn uống, bơm vá xe cứ cho là hết chục ngàn đi thì mỗi ngày bỏ rẻ gã cũng còn có được sáu, bảy chục ngàn, cả tháng ba mươi ngày, bất kể ngày mưa hay ngày nắng, gã cũng có một lưng vốn kha khá trên dưới hai triệu bạc! Chỉ cần những cây mía gã chở vào nội thành phải đúng là mía, khi ép ra chảy tràn xuống cốc cho khách, nó phải ngát lên hương vị đất đai đồng nội chứ không thể là cái mùi nhằng nhặng của đường hóa học. Mà cái này thì gã lại quá rành, chẳng ông hay bà chủ vườn mía ma mãnh nào có thể qua mặt được. Không cần nếm, chỉ cần thoáng nhìn sơ qua cái vỏ ngoài, cái dáng lá, cái đốt ở giữa thân là gã có thể biết ngay mía đó như thế nào. Các chủ mía tức gã, chán gã, phục gã, chửi sau lưng gã nhưng lại cần đến gã. Làm ăn với cái thằng cha đen đúa như từ bùn đất trồi lên này, thôi thì có hơi khó chịu một tí, hơi thiệt một tí thật nhưng lại được cái là nhanh gọn, sòng phẳng, đàng hoàng chẳng lèm bèm bớt một thêm hai. vả lại, nói cho đúng ra, gã cũng là một chủ hàng, một nguồn ra đáng kể, không ồ ạt lắm nhưng lại sớm chiều đều đặn.
 Còn những quán nước mía ở đoạn đường trung tâm Thủ Đô ấy mỗi ngày lại mỗi cần gã. Có quán chèo kéo trả tăng tiền cho giá trị một cây mía lên 250 đồng công lãi để được độc quyền gã, để được gã ưu tiên đổ hàng vào đúng thời điểm, đổ trước các quán khác. Nhưng gã, như lời cam kết không thành văn bản ban đầu, bao giờ cũng dành những cây mía ngọt nhất, gióng dài nhất cho chị hàng búp bê. Để tri ân gã và cũng là để tỏ một chút tình cảm mến đặc biệt, chị hàng đã bán rẻ cho gã cái xe Phượng Hoàng đời cũ của người chồng đã quá cố để lại. Gọi là rẻ nhưng thực ra cũng chỉ ngang giá thị trường, chỉ có điều máy móc còn nghiêm, không bị thay đổi, không bị mông má những phụ tùng cơ bản. Với chiếc xe màu đen nhưng nhức, có sức cơ động nhanh, sức bền vật liệu tối đa, với chiếc mũ nan trên đầu, cái áo bộ đội và cái quận sooc bò bạc phếch dưới thân; gã có mặt ở khắp nơi, cứ chỗ nào có mía ngon, mía rẻ là băm tới, bất kể khoảng cách xa gần, đường xấu hay đường tốt. Người gã dạo này đã đen lại càng đen, gầy rộc ra nhưng do hoạt động nhiều, đầu óc lại thơ thoáng, đến bữa ăn cũng có món này món nọ vợ gã chắt chiu bồi dưỡng cho nên tuy gầy đấy nhưng là cái thứ gầy se sát của một vận động viên thể thao chuyên chạy ma ra tông đường dài. Gã làm việc không có ngày nghỉ, về đến lều, chỉ kịp hôn hai đứa con một cái, đưa hết tiền cho vợ là lăn ra ngủ ngay. Sáng hôm sau, chưa đến nhạc thể dục trên đài, gã đã vùng dậy rồi. Lại cũng chỉ kịp ăn quấy quả bát mì tôm, tô cơm rang hay ổ bánh mì vợ chuẩn bị sẵn là lại phốc lên chiếc xe đầy dây chằng dây buộc.
 - Nghỉ một ngày cho lại sức đi mình - Một lần vợ gã nói - Em thấy mình dạo này sức khỏe có phần xuống đêm ngủ toàn nói mơ những cái gì đến mía mía cả...
 - Nghỉ là nghỉ thế nào? - Gã gắt - Đang vụ hè, nước mía đang được khách, nghỉ để mà người ta cắt hợp đồng à? Vớ vấn! Mùa đông đến đít rồi.
 Có một lần gã về sớm hơn mọi ngày. Sau khi cơm nước xong, mà những dịp được ngồi cùng ăn cơm với vợ con thế này là rất hiếm đối với gã, vợ gã len lén lấy ở đầu giường ra một bộ quần áo ôt pho còn thơm nức mùi vải đặt xuống trước mặt gã.
 - Cái gì đấy? - Gã trừng mát hỏi.
 - Em may cho mình... Quần áo mình rách quá... Gã gặt phắt bộ quần áo xuống đất:
 - Vẽ chuyện! Ai bảo cô may mà may? Đã giàu lắm rồi đấy?
 - Nhưng mà em... - Giọng cô vợ đã sung sũng nước mắt.
 - Thôi được rồi - Gã dịu giọng - Chót may rồi thì cất đi, tôi không mặc, thời gian đâu mà mặc? May cho chúng nó kia kìa, cứ may vải đẹp để không tủi với con cái nhà người ta.
 Lần khác chị vợ lại len lén đặt xuống trước mặt gã một vò rượu thuốc ngũ xà có cả mấy chú tắc kè nằm tráo trở đầu đuôi trong sắc rượu ánh vàng.
 - Lại cái gì nữa thế? - Gã vẫn trừng mắt hỏi.
 - Để mình bồi dưỡng... Tại vì có người bán rắn đi qua, em nghĩ mình đạp xe nhiều gân cốt chắc...
 - Phí tiền! Chỉ được cái phí tiền!
 Gã gắt nhưng vẫn cầm lấy chén rượu vợ gã rót đưa cho bằng cả hai tay. Ngọt giọng gã mỉm cười bảo rót chén nữa. Rồi chén nữa... Cơ mặt gã dãn ra, ánh mắt càu cạu của gã dịu lại, nước da gã hồng dần lên. Nhìn vợ con đang ôm nhau ở góc giường, sáu con mắt đăm đăm nhìn vào gã, bất giác nước mắt gã lặng lẽ trào ra. Gã cúi đầu xuống giả vờ đập con muỗi đang vo ve đâu đây để giấu đi cái giây phút yếu đuối ngọt ngào đó... Trong những ngày tháng rong ruổi ra ngoại thành vừa rồi, trong cái đầu giản đơn của gã chỉ một điều nghĩ đến con. Vất vả thế này cũng là vì con, cực nhục thậm chí có thể kiệt sức lăn xuống vệ đê không bao giờ dậy nữa thế này cũng là vì con. Tất cả là vì chúng nó, những đứa bé mà gã đã trót sinh ra. Vì chúng thôi chứ còn vợ thì. Nghĩ đến đó, gã bật cười một mình. Vợ thì coi như vứt! Nói phải tội, thời gian đầu về tá túc ở đây, nhiều phen khổ sở quá, gã đã muốn vất đi thật cho rồi nhưng chả làm sao táng tận được! Càng ăn ở với nhau, càng nghèo túng, càng cực nhục, gã lại càng hiểu vợ, thương vợ, thương đến nỗi phải giả vờ quát máng để giấu bớt cái tình cảm ấy đi. Một người vợ có nhan sắc, có tiền của, thích phóng túng chơi bời nhưng chỉ vì gã mà lẽo đẽo về đây để ngày ngày trườn mặt ra cho thiên hạ nó khinh thường. Lạ thế! Đã vậy mà suốt ngày vạ vật không ra cái giống người, gã chẳng hề nghe nửa câu vợ phần nàn, cấm cảu, thậm chí ngay cả tiếng thở dài cũng cố nén xuống không phát lộ trước mặt chồng. Rồi cái giọng ru con của cô ấy những đêm trời trở lạnh nữa?... Trời ơi! Nghe sao cứ như tiếng gió thổi buồn tê tái trong nương mía bên kia? Đến con người tưởng như chẳng còn biết rung cảm một tí gì như gã, lắm lúc nghe mà cũng muốn tan chảy ra. Nói đùa, đôi khi gã nghĩ lẩn mẩn, biết đâu chỉ vì cái tiếng ru ma quái ngọt như mía lùi thế kia mà gã có thể vượt qua, vượt lên hết thảy để được chung sống với thị? Nói đùa gã lại lẩn mẩn, mỗi lần giằng ngửa thị ra chiếu là mỗi lần gã lại có cảm giác kì lạ là mình giống như một kẻ đang khát bỏng cổ mà bỗng dưng được lạc vào một vườn mía óng nước toàn những gióng to đần đẫn...
 Gã vẫn ngồi và không biết mình đã uống đến ly rượu thứ bao nhiêu nữa? Và cô vợ cất tiếng ru như bắt được mạch nhĩ chảy trong đầu gã mà ru. Tiếng ru thật nhẹ, vuốt mỏng vào đêm, quẩn quanh trong lều không bay ra ngoài được và vón thành từng giọt như giọt mật rót thẳng vào ngực gã. Gã nhìn lên, mắt mờ mịt:
 - Con ngủ chưa?... Xuống đây với tôi...
 Đến tháng thứ sáu của mùa hè năm ấy thì gã lăn ra ốm. ốm rất nặng.
 Dường như toàn bộ cái thể tạng dẻo dai của gã đã bị vắt kiệt trong gần hai trăm ngày vừa qua để bây giờ, khi sắp chuyển qua mùa đông, cái mùa cây mía không còn thật cần thiết với người đời nữa, gã đã gục xuống như một chiến sĩ vừa hoàn thành xong trận đánh. Gần hai trăm ngày, ngày nào gã cũng vượt qua gàn trăm cây số, từng ấy ngày là hai mươi ngàn cây, gấp trên mười làn lần đoạn đường từ đây vào Sài Gòn, sáu làn thay săm lốp, ba lần thay đùi đĩa; thử hỏi da thịt gã có cấu tạo bằng thép đi nữa thì cái sự đổ gục kia cũng là điều hiểu được. Nhưng gã gục không lâu chỉ một tuần sau là gã đã nhúc nhắc ngồi dậy được. Hom hem, phờ phạc như một tử tù vừa thoát ngục, riêng đôi mắt vẫn cứ cháy sáng lên. Một tuần ấy, cô vợ không lúc nào rời gã. Cô bón cho gã từng thìa cháo, nài nỉ gã ăn đủ những thứ mà cái bụng của gã có thể tiếp nhận được. Cô không tiếc tiền tìm mua những loại thuốc tân dược đắt tiền nhất, kể cả gửi con cho chị hàng nước, nhảy tàu lên mạn ngược gặp ông lang người Dao nổi tiếng mà thị có biết sơ sơ để cắt thuốc mang về. Những ngày này, chị hàng nước và anh công an đường phố có dáng đi thập thõm đã giúp đỡ được vợ chồng chị được nhiều việc lắm. Chị hàng nước đã hỏi đâu đó mua rẻ được một miếng vải bạt dùng để quây đám cưới rộng thênh thang mang về cho thị quây kín mái lều để tránh gió cho chồng. Anh công an không ngày nào không ghé qua, có ngày còn dẫn đến một người bạn là bác sỹ đã thất nghiệp vừa bắt mạch, vừa kê thuốc, vừa tự tay tiêm chích cho gã mà nhất định không chịu lấy một đồng bạc công.
 Một tuần sau gã gượng dậy được. Song không một ai biết rằng cái gượng dậy đó chẳng mấy phụ thuộc vào thuốc men, vào sự chăm sóc tận tụy đến đám chìm của vợ, vào ánh mắt sợ hãi của hai đứa con, vào dáng nằm tội nghiệp không chịu ăn chịu uống gì của con chó ức trắng bên cạnh chủ mà giờ đây khi thấy chủ ngồi dậy, nó bỗng vươn mình sủa vang lên một hồi chói gắt như loan báo tin vui cho cả phố... Cái khiến gã gượng dậy được lại chính là nỗi ám ảnh về cây mía, những vườn mía. Một tuần nằm bất động đủ để cho đầu óc gã nghĩ được khối điều. Cũng như gàn đây, khi chui sâu vào những vườn mía, lòng dạ gã lại nóng cháy lên. Mặc cho chủ vườn chặt bó, nâng giá dìm giá chê bai chủ này chủ nọ. Gã càng ngày càng hay tha thẩn đi sâu vào những luống mía đang không ngừng xôn xao cọ lá vào nhau mà ngửa cổ nghĩ ngợi như dáng dấp một thi sĩ đồng quê đang vào cơn cảm hứng. Đây là những khoảng khắc thăng hoa gã lãng máng nghĩ đến những cây mía, những vườn mía của chính mình. Vườn mía ấy nhỏ thôi nhưng phải thật xanh thật đẹp, suốt bốn mùa xuân hạ thu đông, nó cũng xôn xao với gió thế này. Và... Gã bỗng rợn sống lưng khi chợt lóe lên cho mình cái hình hài một lò nấu đường ngày đêm nghi ngút khói và ngào ngạt mùi mật tươi, cái lò na ná như cái lò đường của ông bố vợ gã. Từ cái lò ấy, gã sẽ có nhà, có cửa, có cuộc sống gia đình ấm cúng và vững chắc như người ta, hai đứa con gã sẽ lớn phổng lên, thông minh, xinh đẹp; sẽ ríu rít đến trường này trường nọ với khăn quàng đỏ tung bay trên cổ áo và ngày nghỉ, ngày lễ, tất cả vợ chồng con cái gã sẽ ngồi lên chiếc xe máy thật tốt đi chơi ngoại thành, đi thăm lò mía, đi thăm những vườn mía của thiên hạ nơi đầu sông cuối bãi, nếu cần đi tới luôn vạt mía của ông bố vợ khó tính. Tình hình khá hơn chút nữa, tuần tuần gã sẽ chở vợ con về ông nội chơi, ông nội... Tự nhiên trong chiều sâu tâm thức, gã biết bố còn rất yêu mình, yêu đến khắc kỉ, đến mong mỏi gã phải làm nên một cái gì đó trước khi ông nhắm mắt. Hơn hai năm sống vật vạ trên vỉa hè, lắm khi bi cực quá, gã đã lại định đánh liều về gõ cửa bố nhưng bản năng giàu tự ái của gã đã lại níu chân gã lại. Gã không muốn trở về trong cái thân tàn ma dại, cái bầu đoàn thê tử bốn miệng ăn nhem nhuốc như thế này. Nhưng nhất định gã sẽ trở về. Khi đó... Gã chờ. Phải chờ. Cán răng lại mà chờ.
 Và cây mía cũng những vườn mía căng mọng kia đã nằm lọt thỏm trong vùng chờ đợi của gã, trong trận ốm thập tử nhất sinh tưởng chừng không dậy nổi của gã trai chưa tròn hai mươi nhăm tuổi. Gượng dậy được rồi gã lại chìm trong một cơn sốt khác. Cơn sốt tiền vốn. Phải có vốn. Một vườn mía, một cái lò đường dù là rất đỗi thủ công bây giờ chí ít cũng phải có vài chục lạng vàng. Vài chục lạng? Trời ơi! Cứ ngày ngày đạp xe thế này, bao giờ gã mới có được vài chục? Mùa đông, mùa không cần đến cây mía sắp đến rồi. Làm sao đây? Con chó dường như đã đoán ra nỗi lo toan của chủ, nó nghển đầu liếm liếm vào cái cằm lởm chởm râu ria của gã với cách chia sẻ rất giống loài của nó. Chính lúc đó, cùng với tiếng điếu cày rít lên roong rooc bên doanh trại bộ đội, trong đầu gã bỗng chớp nổ một lằn sáng rất mạnh. Gã ngồi hẳn dậy...
 - Mình còn cả thảy được bao nhiêu tiền? - Gã hỏi giọng khê nồng.
 - Còn gần tám triệu mình ạ! - Cô vợ mau mắn trả lời. - Em định gửi tiết kiệm nhưng lãi suất ít quá. Hay là cho vay nóng hả mình?
 - Nóng lạnh gì!
 - Em đã nghĩ đến mua vàng vì có thể tới đây vàng sẽ lên...
 - Vàng bạc gì!
 - Hay là em góp vốn đi buôn. Tuần trước có chị bạn...
 - Buôn bán gì!
 - Có người mách ở gần đây có căn hộ mười hai thước vuông giá hoa hồng...
 - Không hộ hiếc gì hết, để đấy! Hết tháng này, hết mía, tôi sẽ dùng nó làm vốn đi buôn thuốc lào.
 - Thuốc lào? - Cô vợ tròn mắt - Sao lại buôn thuốc lào? Em chưa từng nghe ai nói buôn thuốc lào mà lại có...
 Biết gì nói? Chưa từng thì tôi sẽ từng cho cô xem.
 Chị vợ lại ngồi im thít. Sống với nhau đã lâu, thị hiểu rằng trong những câu chuyện như thế này, tốt nhất là mình không nên bàn cãi, tham gia gì cả. Tốt nhất mình chỉ nên im lặng mà làm theo. Còn anh chồng thấy vợ lại làm cái động tác quen thuộc là nhìn xuống cam chịu, tự dưng bỗng thấy thương, thương như gần đây cái sự thương ấy đã được hé mở ra ngoài chứ không nằm vón cục trong lòng. Lời ăn tiếng nói của gã đối với vợ đã có phần dịu nhẹ hơn, nếu cáu lắm cũng chỉ quát hô vài câu chứ không đánh đập, chửi mắng thậm tệ như trước. Đặc biệt, người ta không còn phải nghe thấy những tiếng xưng hô mày tao, con đĩ, câm mồm đi... từ cửa miệng của gã phát ra. Thậm chí bữa nào kiếm được kha khá, gã còn lảng ra phố vải Trần Nhân Tôn mua về cho vợ khi thì cái áo, khi thì cái quần. Vì nguyên cớ đó hay cả vì lý do hơn sáu tháng nay cuộc sống ra đình đã tạm ổn mà nước da, mái tóc, cái nhìn, miệng cười của thị có chiều tươi mởn trở lại. Hàng sáng, sau khi lo ăn uống cho chồng xong, vào lúc đường phố thức dậy thì cô vợ cũng lặng lẽ đẩy cái tủ kính con con ra ngoài lề đường, vừa trông con vừa tranh thủ bán cái thứ thuốc lá, thuốc lào, kem đánh răng, xà phòng, dao cạo râu, vài hộp đường, mấy bịch sữa Trung Quốc, thậm chí bán kèm thêm cả thuốc dán, thuốc chuột, thuốc chữa ghẻ chó. Hàng của thị nghiêm ngán, giá lại lấy phải chăng nên khách khứa qua lại ghé vào mua cũng nhiều, đại khái đủ tiền cơm canh cho ba mẹ con trong ngày. Trông con, bán thuốc, nấu cơm chờ chồng về... Bây giờ là toàn bộ nội dung hoạt động trong ngày của thị. Cùng với hai đứa con suốt buổi nhởn nhơ nghịch vật nhau chí chóe, cái miệng mới đây còn tiều tụy của thị bắt đầu hay nói hay cười hơn và đôi mắt lá dăm kia khi nhìn ai, người ta đã thấy có cả một chút nắng hanh vàng trong đó. Những đêm thiếu gạo, thiếu sữa cho con, phải lén chồng đi vật vờ ra ga, ra vườn hoa để kiếm khách bình dân dường như đã qua rồi, có thể vĩnh viễn qua rồi.
 Nhưng sao trong đôi mắt có chút nắng hanh vàng kia vẫn thỉnh thoảng có những đám mây màu xám bay ngang? Thị chưa thật tin vào cuộc đời mình từ nay đang dần dần đổi khác? Hay tại do chuyến đi buôn thuốc lào mạn ngược sáp tới của người chồng thân yêu vừa ốm dậy kia đã làm thị lo sợ? Hay tại chính cái tiết tấu đổi thay từng ngày của căn phố này đã khiến thị chóng mặt? Thị không biết nhưng thị vẫn thảng thốt lo sợ như trái tim đàn bà thường vẫn hay vẩn vơ lo sợ như thế trước cảnh đời ngổn ngang.