CHƯƠNG 4

     êm đã về khuya. Đêm mùa đông Hà Nội sâu hun hút khiến cho những kẻ mang tâm hồn sôi động nhất cũng bất giác tĩnh lặng lại mà hướng mọi suy nghĩ trôi ngược vào trong mình.
 Thấy vợ vẫn đứng ở mái hiên tần ngần nhìn sang căn hộ đóng trái cửa bên cạnh, anh buông cây bút vẽ, hỏi nhỏ:
 - Nhà anh Thành đi đâu hết mà im lìm vậy em?
 - Trong bệnh viện - Tiếng chị thoảng nhẹ.
 - Sao, anh Thành ốm à? Hay chị ấy? Hồi tối anh vẫn còn nghe thấy tiếng kèn bọng sang cơ mà?
 - Đấy là người cháu sang trông nhà hộ, nó thổi. Thằng bé con anh ấy bị ốm. Khổ thân! hai vợ chồng sống nghèo quá, còn nghèo hơn cả nhà mình, cả hai đều mong mỏi thằng bé học thật giỏi, nhất là môn sinh ngữ và vi tính để hy vọng sau này sẽ có một cái nghề sang trọng, nhiều tiền, sửa chữa lại sai lầm cùng những bất hạnh của cha mẹ nó. Nhưng thằng bé lại mải chơi, tháng nào cũng đội sổ. Mấy tháng trước em thấy anh ấy đi công tác về có vẻ buồn lắm, gọi con ra bàn nói như khóc rằng, nếu ông nội nó cả đời theo cách mạng, đến nay đã hơn tám chục tuổi còn lận đận, được cái thâm niên sáu mươi tuổi Đảng còn có hơn ba chục ngàn đã hớn hở đi khoe khắp xóm; nếu bố nó gàn năm chục tuổi đầu mà muốn mua một gói thuốc lá cũng phải cân nhắc cả đêm thì đến đời nó, tới năm ba mươi tuổi làm sao đó phải được bước khoan thai trong cuộc đời này/ - Rồi sao? Anh thấy thằng bé mặt mày sáng sủa, đầu óc cũng đâu có đến nỗi?
 - Thế mới nên chuyện. Thấy bố khóc, mẹ cũng khóc, lần này thằng bé chợt tỉnh ngộ hẳn. Nó bắt đầu lao vào học, học như cái đứa mộng du, nửa đêm thức giấc mà em thấy đèn bên ấy còn sáng. Mẹ nó bảo thằng bé học trội hẳn lên. Nhưng lấy gì mà ăn ngoài hai bữa cơm rau mỗi ngày nên nó dần dần kiệt sức. Đến kỳ thi chuyển cấp, đã yếu lắm nhưng nó vẫn không chịu nghỉ và... gục xuống ngất ngay trong lóp... Thương quá! Chiều qua em vào thăm, thấy nó còn đang truyền huyết thanh mà đôi môi nứt nẻ vẫn cố thều thào: “Bố ơi! Bố về đi... Sang năm con sẽ thi lại, thi thật giỏi, sẽ đi học nước ngoài, sẽ vào những cơ quan kinh tế quan trọng, sẽ kiếm thật nhiều tiền để khỏi khổ như bố mẹ...” Anh ấy chỉ im lặng gật đầu, đưa cây kèn acsmonica lên miệng theo yêu cầu của con mà nước mắt trào ra...
 Anh biết anh Thành thổi bài gì không? vẫn cái bài tối tối vọng sang nhà mình, bố thổi con hát ...Việt Nam trên đường chúng ta đi... Nghe gió thổi đòng xanh xa tận phía chân trời... Nghe ấm lòng mỗi khi...
 - Em khóc đấy à?
 Chị khẽ rùng mình trong tay anh và vội nói như nếu không nói bây giờ thì không còn dịp nào đủ can đảm để nói nữa:
 - Anh... Sáng nay em đã quyết định ghi tên xin đi... lao động sang Đức.
 Vòng tay ôm của anh sững lại. Thế là điều linh cảm đã xảy ra! Như bị một cú hích hiểm vào mạng mỡ, anh gừ một tiếng trong cổ rồi lảng mắt ra ngoài bóng đêm, lặng lẽ không nói gì.
 - Cho em đi nhé! - Tiếng chị cồn cào, nóng hổi - Chỉ ba năm thôi. Khi trở về, cuộc sống của chúng mình chắc chắn sẽ khá hơn. Em sẽ dành dụm, sẽ học thêm, sẽ giữ mình... Tin em đi! Em không thể ngày ngày nhìn con sống mãi trong cảnh này. Nhé! Cho em đi nhé!...
 Anh gừ một tiếng nữa trong cổ như con thú bị thương rồi lẳng lặng trở vào nhà mặc quần áo đi ra cửa. Anh cần được một mình.
 Trời càng về đêm càng chuyển lạnh. Trên mặt đường, người người đi lại đã vắng lắm! Khúc đ...ơ...i... Bánh khúc đơ...i... Tiếng rao trộn vào gió nghe cô quạnh quá! Nam thoắt rùng mình... Cũng một đêm gió lạnh se se như thế này, trong một cánh rừng khộp trụi lá, cách đây vừa tròn mười bảy năm, anh đã gặp chị...
 Hồi ấy anh là một đại đội trưởng công binh vừa ra trường, tuổi đời chưa đến hai mươi nhăm, thân thể cao to như một cầu thủ bóng rổ, lông mày rậm, mát xếch sáng, đầu cắt bốc, chân râu xanh rì khắp mặt. Đồng đội gọi anh anh là con cá kình trên mọi khúc sông trọng điểm. Bộ tư lệnh ghi nhận anh là một sĩ quan đa năng, có kỷ luật, bất cứ tình huống hiểm nghèo nào cũng biết cách hoàn tất công việc một cách trọn vẹn tươi tắn. Dường như tố chất con người anh sinh ra là để dành cho những hành động bạo liệt. Chị là bác sĩ trên bộ tư lệnh xuống thị sát hiện trường, vốn được cánh lính chiến rỉ tai nhau đấy là thầy thuốc đẹp nhất, duyên dáng nhất, có giá nhất và trẻ nhất trong toàn binh chủng. Điều đó có đúng thật không, chẳng ai cần biết và cũng chẳng ai làm trò đi chứng minh. Trong bom đạn mù trời, trong những thân thể trai trẻ không ngày nào không bị đốn ngã xuống thành những nấm mồ côi cút mọc giữa rừng, một thoáng bóng hình con gái đã là đẹp, đã là gợi lên trong lòng người lính biết bao điều xốn xang sâu thẳm rồi, huống hồ đây lại là một cô gái mảnh mai, một cô gái Hà Nội đàng hoàng. Cô có mặt ở đâu là ở đấy, hệt một phép màu dịu ngọt, mọi cái ác liệt bỗng mềm đi. Mềm đi cả những thân khộp khẳng khiu, nham nhở, chiều chiều chọc thẳng lên bầu trời như một quần thể những tượng đài tím bầm. Ngọn lửa bom và làn ánh sáng lãng mạn từ cô tỏa ra ngào trộn, xung đột nhưng lại đồng nhất không phân biệt được. Người ta săn đón cô, đua nhau làm đẹp lòng cô và tự làm đẹp cả cái dáng bụi bặm, thô rám của mình. Cô bỗng hóa thành cảm hứng chiến đấu của nhiều người, trong nhiều khoảnh khắc. Có người lính trước lúc nhắm mắt đã dặn lại: “Các cậu đừng để cho cô ấy chết. Cô ấy không được chết!”, người lính khác nằm võng cáng trên đường trở về trạm xá: “Bảo cô ấy đến đây, đến đây cho mình nhìn một tí thôi là khỏi ngay, chẳng cần phải cáng đi đâu rắc rối”. Và ngay cả nhà quay phim Nguyễn Trọng Bình lúc đó đang nằm tại đơn vị, nổi tiếng là một người xông xáo, chuyên cười khẩy vào trái tim phụ nữ cũng phải thốt lên: “Ả đẹp thật! Ráo trọi những cái gì có được ở ả đều dồn tụ vào đôi mắt nai tơ và cái miệng cười có những chiếc răng trắng muốt như những hạt nếp non, cứ muốn dứt ra, chẩm vào muối ớt... nhậu chơi.“
 Chỉ có anh, vâng, chỉ có anh vẫn hồn nhiên như cây cỏ, vẫn ồn ã nắng gió như không hề hay biết có cô ở đây. Nói năng bặm trợn, vui chửi tục, cáu cũng chửi tục, hồi sáng vừa thét lác om xòm, thậm chí dứ dứ cả nám đất to tướng vào mũi lính nhưng chiều xuống đã ngồi hóa đá, nước mắt nước mũi chảy tràn xuống tận cầm bên nấm mồ đồng đội mới đắp. Con người ấy, tính cách ấy, tính cách dữ dội và khoáng đạt ấy đã đập mạnh vào cảm nhận của cô, một cô gái rụt rè, ưa suy tưởng, thích dấm dứt trong âm thầm hơn là bộc lộ ra ngoài và còn lưu giữ không ít những điều mơ mộng trong đầu.
 Hai con người, hai sắc thái đối lập nhau, đòi hỏi bổ sung cho nhau ấy dứt khoát sẽ hòa nhập nhưng có thể lại xa nhau giống như trăm ngàn sự gặp rồi lại xa tất yếu trong tao loạn nếu không có cái buổi tối mưa rừng xem ra có vẻ chứa đầy yếu tố ngẫu nhiên đó...
 Kiểm tra và điều trị xong một căn lán bệnh binh bị sốt rét ác tính nằm sâu trong rừng thuộc đại đội anh, cô đã mệt rũ. Ngoài trời tiếng đôi chim từ qui gọi nhau thảm thiết báo đã sắp nửa đêm. Anh gợi ý cô nên nghỉ lại. Cô bảo phải về để ngày mai con theo xe ra bộ tư lệnh sớm, trễ hẹn một tuần rồi. Đường lên trung đoàn bộ phải mất hai tiếng cắt rừng, anh ngỏ ý được đích thân đưa cô đi cho đảm bảo. Cô chỉ nhìn xuống tấm dù pháo sáng anh mới tặng cô hồi chiều, không nói gì...
 Đi được nửa đường, trời bỗng đổ mưa to. Mưa rừng tăm tối như trận mưa cuối cùng của ngày tận thế. Có mỗi tấm vải nhựa, anh dứt khoát nhường cho cô, cô lại đấy cho anh và rút cuộc, cả hai đều ướt sũng, đi mà nghe được cả tiếng quần áo sột soạt trên thân thể nhau. Lo cô cảm lạnh và nhất định cái vóc dáng tiểu thư mỏng manh kia sẽ bị cảm lạnh, anh buộc lòng phải kéo cô vào một căn lán trống tuềnh trống toàng vốn là cái kho gạo bỏ hoang lâu ngày của một đường dây hậu cần nào đó...
 Lạnh quá! Gió thổi thông thốc đem theo những hạt mưa buốt nhói đập vào những kẽ phên tre, phên nứa đã mủn vụn. Toàn thân cô run lên. Hai hàm răng va vào nhau từng chập. Những hạt bắp nếp non đang va nhau... đến nát ra mất! Anh xót xa nghĩ thế và vội vàng đi quơ lấy quơ để một ít cành khô, củi mục còn sót lại, vun đống. Tiếng bật lửa vang lên ấm ướt và èo uộc. Rồi ngọn lửa cũng yếu ớt hực lên, ngọn lửa mầu hồng. Hai gò má tái nhợt của cô cũng ánh hồng theo những lần vải quần áo dính sát vào thân thể mãi không chịu bong ra. Lửa nổ thơm nồng. Đôi mắt to đựng lửa sáng lúng liếng. Đẹp thế? Lần đầu tiên anh chú mục nhìn kỹ cô để trong cái đầu vô tư khoáng đạt của anh cũng làn đầu tiên nảy nở một điều băn khoăn: không hiểu cô đẹp thật hay mưa gió, đêm rừng, lửa táp làm cho cô ấy đẹp nhỉ? Lạ nhỉ? Viền sáng trên má, trên tóc, trên cổ, trên bờ vai mảnh nhỏ như vai thiếu nơi cô cứ ánh xanh lên, biến ảo như có chớp lửa bom lân tinh dồn tụ vào. Và khuôn ngực nhu nhú, căng tròn trong làn vải áo đang khô dần kia nữa... Anh chợt nhớ đến câu chuyện một nữ thần rừng ma quái và đa tình ngày xưa nghe bà nội kể... Và bất giác ngồi nhích trở lại... Anh sợ.
 Nữ thần rừng khẽ ngước nhìn anh. Viền lông mi cháy sáng, xôn xao, bối rồi và... chớp nhẹ. Cô nhìn thấy lửa táp vào bộ ngực vuông vức có một vết sẹo to tướng của anh. vết sẹo bóng lên, phập phồng như đang ứa máu. Khuôn mặt anh trong suốt như khuôn mặt một đứa trẻ nhưng lại rằng đanh như thớ gỗ trên những bức tượng dựng giữa rừng của người Tây Nguyên. Cái thớ gỗ quánh đặc có linh hồn ấy đang hiện diện rất gần cô, gần lắm... Nhịp thở của cô bỗng dồn lên. Hay tiếng động rạo rực bung mở của cái cơ thể cường tráng kia truyền sang? Kìa! Ngồi gần vào cho ấm đi anh! Cô nói nhột nhạt. Cậu bé to xác vẫn bất động, thậm chí còn nhích xa hơn tí nữa. Nếu thế, em cũng không thèm sưởi đâu, cho cả hai cùng chết rét, biến thành hai con ma rừng luôn. Anh nhích lại. Bắp thịt ngực, ở đùi rung lên. Cô cong môi lác. Thì nhích chút nữa. vẫn lắc đầu. Anh buộc nhích sát đến lửa, nhích sát đến cô. Lửa cười hay em cười? Tí tách, rung rinh, nhảy nhót. Những mảng vải ướt đã bong ra ở vai, ngực, ở... Chắc ẩm lắm. Pháo nổ cây bong. Căn lán nở hoa cà hoa cải. Toàn thân anh cứng đờ. Ngưng đọng, nóng nhức. Đứa bé sắp bị vất xuống biển... Ngừng thở. Váng vất. Khổ quá. Lạ quá!... Mái tóc thả dài có viền lân tinh ngả nhẹ vào vai anh. Tê dại, Tựa như có một chiếc chảo nóng, như có một hàm răng cá nhám áp vào, lún sâu... Những chiếc răng bắp nếp xinh xinh đang cán vào vai anh lúc này để mãi về sau, mỗi lần được chung đụng, người con trai lại vòi vĩnh thèm nhớ đòi được cán nữa. Anh... Sao thế? Hơi thở thơm mùi lửa. Tiếng nói có gió rừng lẩn bên trong. Anh ghét em, anh không thèm nói chuyện với em, anh... chết rồi à?... Thế, Nam ơi! Tay anh sao lạnh thế? Để em sưởi ấm cho. Đừng... cứ để nguyên, em cho mà... Nam, đã có ai đem lòng yêu thương anh chưa? Môi anh khô se lại. Bàn tay đặt trên bộ ngực cô như rơi rụng đi đâu rồi? Chân tóc nổ rôm rốp. Bàn chân để chìm vào lửa mà vẫn lạnh, vẫn run. Tiếng cười khúc khích hay tiếng gió lùa qua vách nứa? Cái anh chàng ngố khổng lồ của tôi! Sao anh cứ nhìn em trừng trừng như nhìn yêu ma quỷ quái đang dụ chàng vào đây để ăn thịt thế? Nhát, ghét ghê!... Thế là sức kìm nén trong trái tạc đạn sắp được rút chốt. Anh gừ một tiếng trong cuống họng giống như con thú bị chẹt cổ rồi cố gắng ấn chốt tạc đạn trở lại bằng cách lôi cô đứng phụt dậy. Có lẽ ta nên đi thôi, ngớt mưa rồi, đồng chí bác sĩ! Anh không nhận ra chính cái tiếng nói ồn ào hàng ngày của mình. Cô gái ranh mãnh nhận ra điều ấy, cái môi trên lại cong lên: Không! Em không đi. Đang mưa ầm ầm thế kia mà lại bảo người ta ngớt? Em thích ở đây hơn, nếu muốn, đồng chí đại đội trưởng cứ tự nhiên đi một mình. Nhưng mà sáng mai đồng chí đã... Không nhưng gì cả. Tôi nói là tôi thích, thế thôi. Khuôn cầm cô hơi nhếch lên, óng hồng, mịn. Đôi mắt ngập tràn tàn lửa nhìn thẳng, nhìn lâu, thách thức và hãi sợ, bướng bỉnh và yếu đuối đòi hỏi được nương tựa, chở che... Trái bom tọa độ ở đâu nháng lửa nổ dội trong đầu. Khoen chốt cái tạc đạn đã văng bật khỏi cán. Chết mất thôi!... Một suy nghĩ hấp hối cũng với bản năng tự vệ ngọt ngào đã khiến gã trai ngoại thành lần đầu tiên tiếp xúc với phụ nữ chấp chới vươn tay ra, chụp vội cái vầng sáng ấy để mong đừng tan xác...
 ... Khoảnh khác bồng bềnh đó, hai con người trẻ trung chỉ còn kịp trải vội miếng dù pháo sáng xuống nền đất ấm ướt rồi vội tan biến, không hay không biết gì nữa... Để rồi vào lúc tiếng đôi chim từ qui nấc đến gọi nhau vô vọng lần chót cùng, họ trở dậy ngỡ ngàng, hiểu hết thảy nhưng cũng thật sự không hiểu gì. Trên bả vai anh chi chít những hình răng rớm máu. Trên tấm dù cũng thoáng vương một vệt màu đỏ tươi... Cô khóc. Nhìn đăm đăm vào đấy mà khóc ngon lành để trở ngược lại thành một cô bé con đang tủi thân tủi phận. Còn anh, cậu bé ngố hồi nãy lại thoắt trở thành một chàng dũng sĩ đứng như trời trồng, mặt mày nhăn nhó khổ sở với cái vẻ của một người vừa làm nên một tội lỗi tày đình. Trời chạng vạng sáng. Mưa ngớt. Lửa tàn. Rừng xanh biếc cái mầu xanh rùng rợn. Sáp đến giờ chúng nó thả bom. Lát nữa có thể chết, chiều nay có thể chết, ngày mai có thể chết. Nước mắt anh bỗng tràn ra... Trời ơi! Lúc này đây, anh sẵn sàng nhả đạn giết ngàn quân để bảo vệ cái sinh mệnh nhỏ bé đang thổn thức kia. Anh Nam!... Cô gái nói qua nước mắt, anh đừng bỏ em nhé! Dù thế nào anh cũng đừng bỏ em. Em chỉ có một mình anh... Sẽ yêu anh đến chết...
 Và rồi sáng hôm sau tại cửa rừng hoang tàn, một chiếc com măng ca xanh ngát lá ngụy trang xịch đến và đưa biến cô đi, đi luôn, đi mãi như cái đêm lửa rừng hôm qua chỉ là một ảo ảnh...
 - Bác giỏi thật đấy! Em cứ xin thua bác một cái đầu. Sống thế mà bác vẫn viết được mà viết cái nào cũng ra tấm ra món cả mới khiếp chứ!
 Tiếng Bình bỗng vang lên vống vít ở đâu đây? Nam hơi giật mình dừng lại. Phía trước anh, bên kia đường, dưới ánh đèn dầu leo lét của hàng chè chén bán khuya, Bình đang khoa chân múa tay với một ai đó. Người này dường như không mấy để ý đến câu nói của Bình, vẫn tiếp tục gõ những ngón tay một cách say sưa xuống mặt bàn để đệm nhịp cho một làn điệu chèo do chính ông đang hát bằng một chất giọng khàn khàn nhưng thật đúng nhạc... ở đời cốt ở chữ nhân... Khuyên ai ràng ở đời cốt ở chữ nhân... Ràng một đời đã chót làm hề thì xin ai chớ làm ơ... quan. ơi... a... cũng khuyên ai một đời đã chót làm quan thì xin chớ làm ơ... Kê. Quan hề i hi... hề quan i hi... kiếp người ơi... a... ràng khuyên ai ở đời...
 Nam ngồi xuống thân cây cột điện đổ ở gàn đấy, móc thuốc ra hút. Lâu nay tự dưng anh không thích chỗ đông người và lúc này đây, anh càng không thể chịu nổi sự ồn ào. Anh khác với Bình. Không vợ không con, không nấu nướng, một nửa thời gian là Bình lang thang ngoài phố và ngồi uống rượu tráng nhám với mấy củ lạc ở đây. Và nếu có bóng dáng Bình ở đâu thì thường có bóng dáng ông nhà thơ kiêm soạn giả chèo một thời tên tuổi ở đó. Gần đây anh có nghe nói ông mục kỉnh, bày giấy má ra trước cửa cơ quan viết chữ Hán thuê cho người qua kẻ lại. Chữ ông đẹp như chính những làn điệu chèo của ông nhưng người ta vẫn thường gọi ông là nhà thơ bất đắc chí, cái gì ông viết ra cũng đều là tâm huyết song người đời không mấy ai hiểu lại cho ông là kẻ ương gàn. Bình có lần bảo ông đang bị mắc chứng bệnh hiểm nghèo, ông đề chữ Hán cho thiên hạ để khuây nguôi đi căn bệnh ấy hay để giễu đời, để kiếm sống? Kiếm sống! Nam giụi đầu mấu thuốc xuống hè đường. Sao đi đâu, làm gì cũng va đập phải cái gam màu kiếm sống ảm đạm như thế này? Khát vọng sáng tạo, khát vọng hướng thiện? Giờ đây chỉ còn lại những tham vọng suồng sã cốt làm thỏa mãn cho được cái tiếng gào trống rỗng của dạ dày thôi ư? Thế thì buồn quá! Hay là vui? Là sự chuyển dịch đi lên tất yếu của cuộc đời?
 - Hồi chiều chị có nghe mấy ông cựu chiến binh già đỏ vang mặt mày cãi nhau kịch liệt về tình hình Đông Âu không? - Khi đám cốc chén chai lọ trên mặt bàn thôi không rung lên lạch xạch dưới những ngón tay nhà soạn giả nữa thì vị đạo diễn lên tiếng:
 - Có, sao cơ chú? - Tiếng chị hàng nước hồn hậu.
 - Cụ thì chửi Gioocbachốp là tên phản Đảng, cụ lại cho rằng chính Enxin mới dáng đem ra bắn, nhìn mặt cụ nào cũng buồn cả. Nhưng cái buồn nhất là làm sao sáng mai kiếm được vài trăm ngàn để đấu thầu được một chỗ trông xe đạp ngoài chợ tạm để tăng thu nhập thêm thì chẳng cụ nào nói tới, hay không muốn nói. Chuyện vặt, nói làm gì.
 - Gớm, cái chú này! Mồm miệng gì mà sắc thế? - Chị hàng cười nhẹ, rót thêm cho nhà thơ một ly rượu lúc ấy đang lơ đãng nhìn lên bầu trời.
 - Chị có biết cái tòa nhà ba tàng cao chất ngất ở đầu phố xây sắp xong kia là nhà của ai không?
 - Của ai? Chắc lại của một ông tướng có con làm giám đốc nào đó chứ gì?
 - Sai. Của một tay đi tù 9 năm mới về. Nhà có 3 anh em, hắn là thứ. Người anh là viện phó một viện khoa học, cô út là kỹ sư tốt nghiệp ở nước ngoài nhưng ngày ngày vẫn để cha mẹ về hưu cắp bàn ôm ghế ra đầu đường bán xổ số. về một cái, hắn mở ngay tuyến đường buôn biên giới, hàng Nga đi, hàng Tàu về, chưa đầy 2 năm đã bắt bố mẹ ngồi nhà và ùn ùn kéo thợ tới xây ngôi nhà này. Tuyệt vời chưa? Thậm chí...
 Phúc đức quá nhỉ? - Chị hàng nước hít hà và lại rót thêm cho ông nhà thơ ly rượu nữa.
 - Chưa hết - Tiếng Bình đã dấp dính - Chỗ ngã ba kia, nếu một lần các vị đi qua sẽ thấy một dáng ngồi chống cầm rất ư là tư lự kiểu mệnh phụ phu nhân của vợ một ông đại tá hậu cần vốn gốc gác lam lũ nông dân bỗng một ngày được lôi về triều đô đứng làm chủ một mặt tiền bán đủ thứ mỹ phẩm, tạp phẩm linh tinh. Dưới đó một chút là cửa hàng bán thuốc Tây của một chàng văn sĩ loại hai, mới tháng trước còn gặp ai cũng chìa tay xin thuốc hút thế mà nay, nhờ có đứa con gái đi làm thuê ở Ba Lan về quẳng ra một cục tiền phá tường bay mái, mà bây giờ chiều nào cũng thấy ngài ăn mặc đỏm dáng, để râu như Đông Ki Sốt, hết la cà ở quán bia này lại sang quán bia khác, trong túi hồi nào cũng thập thò gói ba số vàng rộm.
 - Thôi! Chị hàng nói như tiếng thở dài - Chuyện đời để ý làm gì nhiều cho rối ruột, chú Bình. Chú uống hết đi rồi về. Khuya rồi, tôi cũng chuẩn bị dọn hàng đây. Mà này, quần áo đâu mà chú mặc phong phanh thế? Tứ thời cứ một bộ quân phục mỏng manh. Cũng phải sắm một bộ sơ vin mà mặc chứ.
 Bình cất tiếng cười to. Tiếng cười cũng lảnh lót nửa nam nửa nữ:
 - Hết chiến tranh, thằng lính mất giá nhưng bộ đồ lính vẫn có giá lắm đấy chị ạ! Từ ông lão cày ruộng đến cậu sinh viên, từ kẻ trấn lột trên tàu đến đứa đi ăn trộm phân đêm, từ thằng buôn xe máy đến con bé phe phẩy... Tất cả đều mặc tuốt, như một thứ bảo hành nhân phẩm bên trong.
 Nam nhăn mặt đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi. Phải như lúc khác, anh sẵn sàng thầm chấp nhận câu nói ấy của bạn có lý một phần nào, song giờ đây cái thanh âm chói lói kia làm anh bỗng dưng thấy khó chịu, cám điều thuốc khác lên miệng, anh lững thững đi dọc phố. Đi dọc phố nhưng đầu óc anh hoàn toàn trôi ngược về những cánh rừng...
 ... Sáng hôm sau chiếc xe đưa cô ấy đi luôn, đi mãi như câu chuyện đêm qua chỉ là một trò đùa. Nhưng nỗi nhưng nhức trong anh lại là có thật. Chịu chẳng thấu những thắt bóp khổ sở của con tim trong lồng ngực vạm vỡ, anh kéo nhà quay phim lọc lõi tình trường ra tận hố bom đìa, trút một lần cho ráo bầu tâm sự. Nghe xong, Bình cười, vẫn cái cười có hàm răng vổ ám khói và ráo hoảnh. Yêu hả? ừ, yêu, yêu lạ lắm! Thế đã... ngủ chưa? ờ... rồi. Nhưng chỉ riêng cậu biết thôi đấy, nhé! Yên tâm đi! Cái con mắt vần lên nửa người nửa thú của cậu kia chứng tỏ cậu dám làm điều đó thật. Này! Chắc là nhân cơ hội rừng vắng cậu dằn ngửa nó ra mà cưỡng hả? Bố láo! Chỉ được cái nói bậy. Tôi cấm cậu đấy. Cô ấy... thực ra cô ấy... Cô ấy làm sao? Tự nguyện? Gợi ý hả? Không! Nhưng con mắt lạ lắm, tớ không biết mình đã làm cái gì nữa? Đau... cả hai đều đau. Hô! Ha! Thế thì đời con đi doong rồi con ơi! Cậu nói cái gì, sao lại đi? Được, hỏi nhé: Thế cậu có biết cô ta là con gái nhà ai không?... Không chứ gì? Chết là chỗ ấy. Vành tai cho to ra mà nghe này: Ả là con gái rượu của một vị tướng danh tiếng đang là tư lệnh một mặt trận trọng điểm nhất miền Trung đấy. Vậy thì đã sao? Ngố ạ! Một ái nữ của tướng lĩnh lại đẹp nữa, có bằng cấp hẳn hoi, tiền đồ hậu vận sáng ngời ngời, vậy mày tưởng đàn ông các loại trên đời nó dại, nó không nhao vào như thiêu thân chắc? Một rổ, phải, không dưới một rổ những thứ của quí của những thằng tiến sĩ, phó tiến sĩ, những thằng sĩ quan sang trọng đã từng sooc-ti ở Tây về đâm đơn, gạ gẫm là cái chắc. Ấy vậy mà ả lại đi nói nhăng cuội là yêu mày, dễ dãi ngủ với mày, lại còn thề thốt cải lương thì chỉ có thể là... là một con ranh hư hỏng không hơn không kém, bước vào chiến tranh để thỏa thú rửng mỡ, tìm ở mỗi thằng đàn ông một mảnh đàn ông để chơi bời. Ấy, đừng tái dại mặt đi vội thế, anh bạn!... Hoặc có thể tệ hại hơn, trong một khoảnh khác đặc biệt, ả đã nảy sinh một chút tình thương hại trước hình ảnh hoang dại, ngây ngô là mày, nghe rõ chửa? Không... Có máu mà, máu rây đỏ cả tấm dù thật mà. Hố! Há!... Mày lại quên ả là ai rồi. Ả là bác sĩ, là bác sĩ chú mình rõ chưa? Máu... chết mất thôi. Nhưng không sao. Trước sau thì cậu cũng lãi to rồi. Quá lãi. Thú thật tôi ghen với cậu đấy, thèm đấy. Im đi! Cậu nói cái gì lãi? Ai lãi? Ấy kìa... làm cái gì thế? Đừng làm thế, người ta...
 Lúc ấy, anh không hiểu mình đã làm cái gì nữa, chỉ thấy oạch một cái rồi tiếng Bình kêu lên eo éo ở đáy hố bom nhão nhoẹt bùn lầy... Khi ngậm ngùi lôi được bạn lên rồi, anh mới chợt cay đắng nghĩ rằng, biết đâu cái thằng cha quay phim cả đời lăn lóc trên những hè đường phố xá này đã nói đúng? Và sau một đêm nốc rượu đến cháy khét gan ruột, anh đầm mình vào các trọng điểm bom đạn ác nghiệt nhất để cố quên đi tất cả, quên đi cái vết thương thật giả chưa biết nhưng lần đầu nếm trải.
 Rồi chiến cuộc ngày càng dữ dội đấy anh đi xa hơn vào những khúc sông lở lói mạn trong. Anh không còn thời gian nhớ đến cô, nhớ đến cả mình và ở cô, cũng không có một mẩu tin, một dòng chữ gọi là bay đến anh. Thế là xong, vết thương được kéo da non nhanh chóng cũng như một trò đùa. Và hòa bình! Anh hao đi đến năm kg, nhận thêm vài gram thép Mĩ vào thân thể nhưng vẫn săn rắn, khoáng đạt tuy có phong trần điềm đạm đi tí chút.
 Một ngày nắng đẹp, người ta triệu anh ra Hà Nội để báo cáo chiến tích trong một hội nghị mừng công toàn binh chủng. Đã có người cấp trên chân thành rỉ tai anh: “Nếu cậu chín chắn hơn một tý, biết điều hơn một tý, thì lần này cậu ra không phải với tư cách một chiến sĩ thi đua mà rất có thể với tư cách một anh hùng” Thế à? Tiếc nhỉ? Anh hơi tiếc một tý tẹo thật nhưng rồi lại cười khà khà ngay. Chín chắn à? Biết điều à? Cũng muốn lắm nhưng cha mẹ sinh ra như thế, thành cái tật rồi, chả sửa được đâu. vả lại, thủ trưởng ạ, nói thật, nếu những ngày vừa qua lúc nào cũng lo đến chín chắn, biết điều thì, xin lỗi, ngã gục trước bom đạn từ lâu rồi. Khà...
 Bất ngờ, ngay giữa đại hội tràn ngập cờ hoa và tiếng vỗ tay, vị đạo diễn phim tài liệu nhỏ con, dáng cóc cáy cầm cổ áo anh lôi xềnh xệch qua mặt các vị chủ tịch đoàn đáng kính ra cửa... Trong nắng sớm và gió nhẹ cô đã đứng đợi anh ở đó, quân hàm thượng úy, đẹp huy hoàng! Rồi bất chấp hàng trăm những cặp mắt tò mò nhìn ra, cô gục đầu vào ngực anh khóc nấc...
 Sau này vào một đêm trước khi cưới, trong mùi hương cỏ mật ướt đẫm sương đêm tại một bờ đê ngoại thành cô đã nói với giọng ngậm ngùi: “Anh đúng là ngốc nghếch thật đấy. Lần đầu gặp đàn ông đã hiến dâng thì không có nghĩa là gặp bất cứ ai em cũng có thể chiều lòng cả. Nếu anh biết, hồi ấy em còn là một con bé lãng mạn, giữa bao vẻ hào hoa bóng bấy, anh nổi bật lên như một cái gì... lạ lắm! Nói thế nào nhỉ?... Nói chung là chẳng giống ai. Em sợ, em tò mò... Mà đàn bà con gái chúng em một khi đã sợ, đã tò mò tức là đã chuẩn bị... phải lòng rồi đó”. Cô vừa nói vừa cười, vừa nói vừa khóc; anh nghe mà chóng mặt, câu được câu chăng, đầu óc lùng bùng chẳng hiểu gì hết. Duy chỉ có câu cuối cùng là anh nghe thẩm tận đáy ruột. Cô nói, sau làn ấy đã tìm anh khắp nơi, thăm dò tin anh ở mọi mặt trận nhưng không ai biết gì hết. Người bảo anh đã ra Bắc, người nói anh đã đi tu nghiệp ở nước ngoài, có người quả quyết đã gặp anh ở ven Sài Gòn, bị thương kín đầu kín cổ... Chờ mãi vẫn biệt âm vô tín, nghĩ rằng anh đã chết, cô âm thầm làm một mâm giỗ cúng anh giữa rừng. Thế rồi giải phóng, thế rồi gặp anh Bình đi ra, thế rồi... Chao ôi! Sao lắm cái thế rồi thế? Cái thế rồi nào cũng có thể khiến anh vỡ tan lồng ngực ra được. Thế rồi căn phòng thiếu nữ ngan ngát hương hoa sữa, cô đưa cho anh miếng dù pháo sáng còn in nhờ những cái vết đỏ như một cánh hoa niêm phong: “Thử hỏi làm sao có thể quên được anh sau cái đêm hôm ấy. Em nói này, đừng cười cơ, không phải là anh nữa mà là cả rừng, cả mưa gió, cả chết chóc đổ ập xuống, đi... sâu vào trong em. Em thèm nhớ cái mùi nồng nồng khen khét từ anh toát ra...“
 Họ thèm nhớ nhau cho đến tận bây giờ.
 Để rồi chị vừa thông báo đột ngột với anh cái quyết định đi xuất khẩu lao động sang Tây! Đi xuất khẩu, đi lao động, đi làm mướn, đi cu ly... Thảo ơi! Đi ngược gió lạnh, đầu anh rền nên những tiếng bom nổ gần như vậy. Sao lại phải đi? Đi để làm gì? Thực chất nó là sao? Đang từ một dân tộc tỏa hào quang chói ngời bằng vào sự đánh đổi hàng chục vạn thanh niên đã ngã xuống trong chiến tranh, nay bỗng bừng tỉnh tự hạ mình xuống cho con dân đi làm thuê nơi nước ngoài; từ một cô bác sĩ đã làm dịu mềm đi cả những cánh rừng bom đạn, nay phải tự quên đi quá khứ để hy vọng kiếm được đồng tiền nơi đất khách?!!! Nó là cái gì? Là sự bừng tỉnh hay sự nhục nhã? Là thức thời hay là sự cam chịu? Không! Như Bình nó đã có lần nói, thà rau cháo đói khát, thà buôn lậu trấn lột để sống còn hơn là để vợ đi cu li cho người ta, nhất lại là một người vợ như... cô ấy! Làm thằng chồng, thằng đàn ông như vậy còn dám ngẩng mặt nhìn ai? Khổ sở lắm! Nhưng... trời ơi! Thì cũng chính nó chả vừa nói, để cho trẻ con đói khổ là một cái tội không thể tha thứ được của các bậc làm cha làm mẹ đó sao? Đến điên cái đầu lên mất. Chao! Giá như vợ chồng anh cũng có một cái mặt tiền cơi nới như người ta? Cũng có đồng tiền tài trợ đâu đó nơi nước ngoài, dù rất ít ỏi, dù chỉ để không phải ăn bữa nay lo bữa mai thôi. Nước ngoài!... Mảnh đất mờ mịt vô hình và hữu hình, mảnh đất phồn hoa và đầy cạm bẫy, lãnh phận của địa ngục và có thể của thiên đường... Không! Anh tin ở em. Rất tin. Hơn mười năm ăn ở với nhau đủ để lòng tin nơi anh vào vợ không gì có thể làm suy suyển. Một người đàn bà chỉ biết có chồng có con, tất cả cho chồng con đến mụ mị như cô ấy mà đã quyết định thì anh hiểu, cái quyết định đó đã được nghiễn ngẫm cẩn thận như thế nào. Hãy tin em... Thảo ơi! Sao anh lại không tin mặc dù miệng lưỡi thế gian độc địa trăm người như một đều bảo rằng...
 - Các người tính sống mãi cảnh màn trời chiếu đất này ư?
 Trước mặt anh, dưới vòm tam cấp tòa soạn báo, anh công an đường phố có thân hình dặt dẹo và dáng đi thập thõm đang càu nhau với đám cư dân chùm chăn, chùm chiếu ngủ vạ vật với cả vợ con đó.
 Sáng mai bảo nhau về quên quán mà làm ăn, đừng để tôi cứ dẹp chỗ này lại lăn lóc ra chỗ khác, mệt lắm! Đây là khu phố bộ đội, là tòa soạn báo, là toàn những cơ quan quan trọng cả, cứ nằm lù lù như thế đâu có được. Nhớ đấy! Bây giờ dậy, dậy cả đi!
 Những đống chăn đống chiếu chỉ ụ ợ cựa quậy rồi đâu lại vào đấy, bất di bất dịch như cát như đá, như vốn từ khai sinh lập địa đến giờ, nó đã có sẵn tại đó. Nam tần ngàn dừng lại. Anh thực lòng không muốn đi tiếp qua đấy để phải nhìn tận mắt cái cảnh trớ trêu này. Chắc rằng anh công an có tiếng là tận tụy và tỉ mẩn nhưng hơi hách này sẽ còn lên giọng nữa, thậm chí có thể dùng cả đến những biện pháo nghiệp vụ rắn rỏi hơn nếu như lúc ấy, ở các quán nước chênh chếch bên kia đường, Bình không đứng dây, uốn éo đi sang.
 - Này đồng chí cảnh sát thân mến ơi! - Tiếng nói của Bình đã nhừa nhựa lắm song vẫn rành rẽ đến sắc lạnh -Cứ để họ ngủ đó tạm đêm nay cái đã, có chết chóc gì đâu.
 - Không được! Thần phong mĩ tục và an ninh đường phố không cho phép. Đặc biệt là cái phố có nhiều các đồng chí sỹ quan cao cấp như phố này, buộc tôi phải làm đúng lệnh trên.
 Bị can thiệp bất ngờ, anh hộ tịch sững lại một chút rồi phân bua như đang đọc xã luận. Thế là sập cầu dao. Bình nâng bổng cái giọng như đang thuyết minh phim tình cảm của mình lên một gam nữa:
 - Thôi mà đồng chí! Tình hình đâu đã đến nỗi căng thẳng như thế. Có căn hộ mở cửa cho thuê kiếm 2, 3 triệu một tháng thì cũng nên để người khác có một khoảng tối võng vãnh muỗi bay chứ. Ai lại nỡ chặn hết đường sống của nhau vậy. Mà này, buổi sáng theo tôi các anh cũng nên dẹp hàng dẹp họ vừa vừa thôi. Buồn cười! ông nhà nước tự dưng giảm biên chế xuống như nước giật, người ra bung ra buôn bán kiếm miếng độ nhật chứ chả nhẽ ôm nhau chết đói? Hay chui lủi ở trong nhà để ủ giấm những mầm mống lưu manh đĩ điếm? Đuổi cái gì cơ chứ? Đuổi cả Hà Nội, đuổi cả nước! Tôi đố đồng chí cảnh sát nhân dân đuổi được cái đói nghèo của nhân dân đấy.
 - Này, này! - Anh công an hơi ưỡn người ra - Đồng chí là bộ đội, là sĩ quan, đồng chí nói năng cẩn thận một tí nhé!
 - Tôi đang nói hết sức cẩn thận đấy chứ - Giọng Bình lướt đi - Kia kìa! ông có biết cái nhà mái ngói kia không? Nhà của một ông đại tá tư lệnh sư đoàn bị thương sọ não về nghỉ mất sức, con cái đi tìm đường sinh nhai cả, còn độc một bà vợ già, ngày ngày phải mang mấy can xăng ra trước cửa ngồi bán để lấy vài ngàn thuốc thang, cơm cháo cho chồng, cả đời trận mạc, cuối đời chỉ trông vào mấy chai xăng mà các anh cũng đuổi?
 Anh công an bị dồn ghê quá, lại có vẻ cũng biết và cũng nể cái anh chàng đạo diễn nức tiếng mồm mép này nên đành ậm ờ mấy câu chiếu lệ cho đỡ bẽ mặt rồi càu nhàu bỏ đi.
 Nam cũng rời chỗ đứng của mình. Khi đi qua điểm đối diện với hàng nước, anh vô tình nghe được thêm câu nói của chị hàng:
 - Cái nhà cảnh sát này cũng tội. Suốt đêm ngày lủi thủi đi lo an ninh cho mọi người nhưng về nhà, cuộc sống của mình thật cũng chẳng ra đâu và đâu! Con trai bỏ học đi bụi đời, có mỗi đứa con gái khá khá một chút lại theo bạn theo bè đi buôn chuyến vào Sài Gòn rồi phải hơi trai lại luôn trong đó.
 Nam lặng đi... Kiếm sống! Sao ở đâu cũng vang lên cái từ nghiệt ngã kiếm sống thế này? Việt Nam trên đường chúng ta đi... Nghe gió thổi đồng xanh... Đói nghèo và tràn ngập điều phi lý. Phi lý như hương hoa sữa mỏng manh dường kia lại cứ ngát thơm trên vòm cao của cái căn phố đang không cần đến nó một chút nào này. Nghe gió thổi đồng xanh vang tận phía chân trời.. Mà vui sao ta chảng nói lên lời... Tự dưng cảnh bố con nhà Thành và điệu kèn quen thuộc ấy lại văng vẳng trong đầu anh. Thằng bé liệu có qua khỏi không?... Câu hỏi và nét nhạc da diết ấy đã đưa chân anh về đến tận nhà.
 Thảo đứng chờ sẵn anh ở bậc cửa, mắt mở to, hai vai so lại trước những con gió lạnh không ngớt lùa về.
 - Thảo! - Anh nói và kéo vợ anh vào mình - Anh đồng ý.
 - Anh... Tiếng chị nghẹn ngào - Em cảm ơn anh... Em yêu anh.
 - Sáng mai chủ nhật, cho con đến ông ngoại chơi, nhân tiện nói chuyện này với ông luôn.
 Chị không nói gì. Gió lạnh. Những tán lá xà cừ trên cao vẫn xào xạc vô tình... Sao giống cái đêm rừng năm nào đến thế? Cũng gió ấy, màn trời xám đục ấy, cũng hình dáng ấy và cũng những giọt nuớc mát khổ đau xen lẫn ngọt bùi đọng nơi khóe mắt chị thế kia...
 Chỉ khác, đêm nay có lẽ là đêm hiếm hoi, sau hơn chục năm chung sống, họ bỗng dung đánh mất sự khao khát nhau vào trong những toan tính bộn bề.