CHƯƠNG 11

     rong một căn phòng cũng chỉ chừng có lẽ thước vuông như căn phòng của vợ chồng Nam nhưng lại ở tầng bốn và đồ đạc trong nhà còn tềnh toàng hơn nhiều. Sự tềnh toàng và ẩu tả hiện ngay trên cái nền nhà trám xi măng bê bết đất cát, đống quần áo hôi mù quẳng mỗi nơi một cái, thỉnh thoảng lại có chú chuột màu xám tro nhởn nhơ chạy qua chạy lại suốt từ góc này tới góc kia và hiện ngay ở ngọn đèn tròn treo vắt vẻo trên trần nhà mà người kém mắt nhất cũng nhận thấy giữa đui và bóng rất ít có quan hệ với nhau...
 Vừa nhón mì tôm sống cho vào mồm, Trọng Bình vừa lia bút bạt mạng vào tập giấy năm hào hai đang viết dở. Dưới chân anh cũng có một đống những gói giấy đựng mì tôm khác, cái thì quăn queo, cái thì rách nữa. Tiếng nhai bột khô roong rooc và tiếng ngòi bút sắt cào vào giấy xoàn xoạt trong buổi trưa yên tĩnh tạo nên cái sự hôn phối chẳng mấy ngọt ngào của ý niệm sáng tạo không tách rời thực phẩm ngày nay.
 “... Phố nhà binh vẫn không ngớt nảy nở những vuông sáng đủ màu. Hầu như trong quốc gia này có bao thành phần kinh tế, có bao các cơ sở doanh nghiệp hay tư nghiệp, có bao nhiêu công ty hay tổng công ty, có bao nhiêu cách thức kiếm sống tạm bợ hay không tạm bợ thì đều biểu hiện cả ở đây. (Chi tiết này có thể dùng camera lia cận cảnh tất cả các bảng hiệu của hai bên hè phố, không loại trừ các bảng hiệu của những cơ quan quân đội đã có sẵn để tạo thành thế đối tỉ) Giờ đây, người ta không chỉ mua bán trực tiếp mà còn tiến hành những phi vụ giao dịch kín hở khó có thể biết được. Tiếng búa đục tường tạm ngưng thì tiếng đổ móng đổ tràn của những căn hộ hai tầng, ba tầng vang lên. Căn phố không chỉ nới rộng tầm nhìn ra mặt đường mà nó còn đang nhấc chiều cao lên không gian. Một bà vợ liệt sĩ nằm sâu trong ngõ hẻm lầy lội than phiền: “Tôi không sợ tiếng nhạc của tụi trẻ bằng tiếng đục tường. Nó như đục chính vào đầu óc mình...“
 ... Chợ dân dã bò vào đến giữa phố lính thâm nghiêm. Nếu trước đây các vị tá, tướng phải lén tháo đôi quân hàm trên ve áo sau giờ làm việc để tiện mặc cả mớ rau, lạng tép khi ra chợ thì nay chợ mọc ngay dưới chân tường, án ngữ gần ngay cổng thành, mặc sức mà mua, khỏi cần sang phố lạ. Cuộc sống múa nhảy chóng mặt đến nỗi có bà bị bệnh thần kinh, vợ một ông đại tá hưởng lương tướng, suốt những năm trước đây chỉ làm một động tác là mỗi ngày hai buổi xông ra mặt đường vừa múa vừa hát vang những bài ca tiền chiến hay những khúc quân hành thời kháng Pháp thì nay lại cũng biết mang một con gà hay con vịt luộc ra vỉa hè ngồi bán. Bán ai dám mua? Cho nên, không bao giờ bà thu về được một đồng cắc và cũng bởi vì, cứ đến chiều là chính bà đã bằng cách nào đó, tác lẻm hết nhẵn cả món hàng của mình rồi...“
 - Khổ chưa! Lại đến thế này nữa kia đấy?
 Một tiếng nói con gái vang lên lanh lảnh sau lưng. Anh giật mình quay lại và cặp mắt bỗng sáng ấm lên khi nhận ra Loan. Nhận ra nhưng anh không mấy bối rối vì gàn đây, kể từ ngày Thảo đi, thỉnh thoảng vào những lúc rảnh rỗi Loan cũng có sang chơi, trò chuyện với anh.
 Không phải chỉ có riêng với bố con Nam, ngay cả Loan, vắng chị, cô em gái cũng thấy vắng đi một người bạn tâm sự chân tình nhất nên tự dưng cung cách sống của cô có phần nào trầm hơn nhưng mồm miệng vẫn sắc lem lẻm. Thấy Bình đang trong hoàn cảnh ấy, cô tự động kéo ghế ngồi xuống trước mặt anh, lấy ngón tay có cái móng thật dài, quết nhũ khe khẽ vào những sợi mì tôm quăn queo như đám sán trùng màu vàng:
 - Anh lại tiếp tục hành xác đấy à? Tội quá! Nghệ sĩ mấy anh buồn cười thật! Tưởng cứ ăn uống linh tinh thế này mới đúng là nghệ sĩ à? Sống còn chả xong nữa là sáng tạo! Phải không ngài đại úy?
 - Thiếu tá - Bình cải chính lại - Vừa vinh thăng cách đây đúng nửa tuần cộng mười bốn giờ.
 - Chưa đủ. Cộng thêm chín năm chờ đợi nữa nhỉ?
 - ừ, chín năm. Chín năm không kỉ luật, không phản Đảng, không đấm một thằng nào. Lâu nhỉ? Chỉ tại cái cuống lưỡi của tôi nó hơi bị vẹo sang phải nên ngứa suốt.
 - Ngứa cũng phải ăn khao, ông thiếu tá định truội à? Cũng phải tỏ ra ga lăng một tí cho đúng với phẩm hàm chứ lị.
 - Ăn còn chả đủ, lấy lí tưởng ra mà ga lăng à? - Trời đất! Hơn bốn chục tuổi đầu mới được cái quân hàm thiếu tá, cũng giống như bà già bảy mươi tuổi mới lấy chồng thì hứng khoái nỗi gì mà ăn khao nữa?
 - Thương chưa? - Loan nói lúng búng như đang dỗ trẻ con - Thế mà con bé ngây dại này lại không biết, lại cứ nghĩ rằng nghiệp lính các anh đến kì hạn không va vấp gì thì cứ ra chợ mà mua quân hàm về đeo kia đấy.
 - Mỡ đấy mà húp - Bình phì cười vì chính câu nói bắt chước trẻ con của mình.
 - Nhưng mà thôi, đồ khao em có mang đến đây rồi. Người lính không có khả năng tự khao thì bạn của người lính sẽ chu toàn chứ sao.
 Loan thoăn thoắt lôi trong túi xách ra một đống những bia lon, bánh kẹo, thuốc lá, cà phê, rau ghém, chanh ớt... và cả một đùi thịt chó luộc vàng rộm bày tất cả lên mặt bàn.
 - Dành cho anh đấy. Dù sao cũng là một ngày vui trong muôn vàn những ngày buồn. Ăn không hết thì để đến ngày mai. Mai không hết thì gọi bạn bè vào xử lí giúp như cái tác phong bát ngát quen thuộc của anh.
 Nhà đạo diễn thực sự hoa mắt với đống đồ ăn này. Anh nhăn mặt lại vì đau khổ hơn là vì sung sướng:
 - Trời ơi, cái gì mà nhiều thế? Tôi có phải bà đẻ đâu!
 - Thì anh cũng đang thai nghén đó thôi. Thai nghén mà không đẻ được còn khổ gấp mười đàn bà đẻ - Cô bật lên tiếng cười khúc khích không hề có chút ác ý.
 - Nhưng... nhưng làm sao mà Loan lại biết được tôi...
 - Anh Nam nói. Em định rủ anh ấy sang luôn đây nhưng con bé Niên Thảo nó mệt nên ông bố không thể rời con.
 - Mệt thế nào? Có làm sao không? - Bình hốt hoảng hỏi.
 - Thật ra anh đáng yêu được ở mỗi điểm đó. Con người khác mà cứ làm như con mình - Cô lắc đầu cười buồn, một cái buồn dường như ít thấy ở cô lâu nay - Bình thường, nhức đầu xổ mũi thôi nhưng mà... nhìn cái cảnh hai bố con chăm nom nhau nó... chán lắm! Thế nào ấy? Đúng là một người chồng mẫu mực, một người cha nhu nhược đến không chịu được.
 - Nếu tất cả bọn đàn ông trên đời này đều không chịu được như nó thì chắc rằng mọi thứ sẽ dễ chịu hơn nhiều.
 - Bênh nhau thế? Đàn bà con gái tụi em thèm cái cách các vị đàn ông nghĩ về nhau, đối xử với nhau như thế lắm mà chịu, không học được. Nhưng nói đùa, nếu học được thì cuộc đời này chán mớ! Em thích mọi thứ cứ phải xáo tung lên rồi sau đó từ từ xếp lại mới vui.
 - Thích thế thì tại sao không vào trong kia mà sống? Tha hồ mà tung tóe nhé, tung tóe cả trong lẫn ngoài.
 - Thì em cũng mới nhận làm đại diện cho một tay tổng giám đốc Sài Gòn đây thây. Một tay có thể nói trẻ tuổi, đẹp trai, chịu chơi, có cái đầu làm kinh tế biến hoạt và... lúc nào cũng thơm phức mùi nước hoa ngoại nhé! Được không?
 Thơm phức?
 Thậm chí trên cả... thơm phức - Nói xong, Loan rũ ra cười.
 - Yêu cầu các đòng chí cười cũng phải cười trong khuôn khổ tổ chức, mơ cũng phải mơ trong tính kỉ luật hả? Văn của ông tướng nào mà điếm thế? Rõ là... Cô gái lại rũ ra cười một chập nữa rồi cố nén lại - Tôi còn được vài người như ông già đau khổ đang ngồi trước mặt tôi đây. Báo cáo thiếu tá, rõ, tôi đã nghiêm túc!
 - Vui nhỉ? - Bình cười nhạt thếch - Làm đâu thì làm kệ cô, nhưng cẩn thận kẻo không lại bị chính cái vẻ thơm phức ấy nó dìm đầu xuống bùn đấy. Hơn cô trên một giáp, lại là chiến hữu của anh chị cô, tôi xin khuyên thật.
 - Cám ơn! - Loan cũng nghiêm mặt lại - Nhưng em cần tiền, bằng mọi cách phải có thật nhiều tiền. Không có tiền cơ cực lắm! Em không muốn như bố, cả đời trận mạc, nay về già con phải đi bưng bê cho người ta, và em cũng không thể như chị Thảo, trên ba mươi tuổi còn phải bỏ chồng bỏ con đi làm thuê làm mướn. Và...
 - Ấy... thì cứ từ từ, làm gì căng thẳng thế? Là tôi cũng chỉ muốn...
 - Còn cái chuyện thơm phức mà anh vừa có nhã ý cảnh cáo em kia? Cũng có thể, miễn là đạt được mục đích của mình, anh nghe sợ không?... Nhưng chưa đâu - Mắt cô hát ra một ánh đăm chiêu - Con gái Hà Nội mình nghèo thì nghèo nhưng có phải ai cũng sẵn sàng bán linh hồn cho vật chất như vậy. Trừ phi tay ấy là một người đàn ông dễ thương, có chiều sâu nội tâm, không tham lam và không hoạnh tiền. Khốn nỗi, thời buổi này có mấy người là được như thế? Cho nên chưa, và cũng có thể là không, đồng chí đạo diễn ạ!
 - Điều ấy anh có thể tạm tin được.
 Hơi hẫng vì ý muốn được tiếp tục được tranh luận bị đột ngột cắt đứt, Loan nhướng mát lên một cách bướng bỉnh đượm vẻ trẻ con:
 - Tại sao cơ?
 - Đơn giản: vì đến ngay như anh mà em cũng không thèm rung động mảy may mặc dầu tâm hồn anh cũng... sâu đấy chứ?
 Ngược chiều với câu nói hài hước hàm ý nửa thật nửa đùa ấy, nét mặt thanh thoát hơi kiêu sa của cô gái bỗng già hẳn đi. Cô nói nhỏ:
 - Vâng, nếu người bình thường ngoài nhìn vào thì chắc hẳn họ sẽ cho rằng quan hệ giữa hai anh em mình, một nghệ sĩ trong sạch u buồn và một cô gái táo tợn, nói năng như con trai phải nảy sinh một mối tình hay cái gì đó đại loại như một mối tình nhưng... Cho em nói thật nhé! Anh có thể là một người bạn tâm giao tuyệt vời nhưng để làm một người tình hay cái gì hơn thế, khó lắm! Sống với anh thì vui, yên tĩnh nhưng rất khổ. Anh thuộc người của thế kỉ trước, chỉ thích nhấm nháp nỗi đau riêng, bực thì chửi lên một tiếng nhưng thật ra anh rất nhát, rất không thích hành động. Cái kịch bản phố nhà binh bỏ dở mãi kia là ví dụ. Xin lỗi... nếu em nói có điều gì không phải.
 - Thậm chí... trên cả sự phải!
 Anh nói mà cái miệng đày râu méo xệch đi đến tội. vẫn nhìn vào mắt cô gái đấy nhưng cái nhìn héo hon như nhìn vào điểm cuối cùng của đời mình.
 - Đừng buồn em, anh Bình nhé! Từ bé, em đã giống bố em là nói trần trụi ra mọi sự thật mất rồi. Còn cái kiểu người hoàn toàn ngược lại với anh như cái tay tổng giám đốc JVC sang trọng kia thì em cũng không thể nào chấp nhận được.
 - JVC nào? - Rõ ràng là câu hỏi này chỉ nhằm xí xóa đi cái bầu không khí chẳng mấy thoáng đãng đang đè lơ lửng - Có phải cái tay tên Hùng đã có lần theo ông tổng giám ngục vĩ đại vào quán ông cụ nhà ta?
 - ở ông ta cái gì cũng thực dụng và lạnh lẽo - Loan chỉ khẽ gật đầu rồi mới nói tiếp ý mình - Trí thông minh và ngay cả mùi thơm phức kia cũng lạnh lẽo nốt.
 - Thôi nâng li! - Bình mở lon bia cái bốp như một dấu chấm hết cho câu chuyện -Nâng li chúc cho gái hiện đại vừa cổ điển đốt đuốc tìm cho được một thằng đàn ông ở giữa hai thằng lãng mạn bao cấp và hào quang thị trường nhưng, chắc chẳng bao giờ có nổi.
 - Có đấy thiếu tá ạ, hay ít ra cũng gần được như thế - Giọng nói của cô bỗng trở nên xa xôi, bí hiểm - Cái khoảng giữa ấy là sự vị tha, nhân hậu trong tận cùng suy nghĩ, nhân hậu lắm lúc đến như trẻ thơ. Thôi, em về đây. À, hồi chiều bố em bảo có một người đàn bà sang trọng ngồi xích lô đi khắp Hà Nội để tìm một nhà quay phim quân giải phóng nào đó không nhớ tên, bà ta có đi qua quán bố em nhưng không vào. Coi chừng không đó lại là anh đấy.
 - Thiếu gì, nhiều như tôm tươi, đang ngồi chơi sơi nước cả đống.
 - Bai! Anh cố ăn hết các thứ đi nhé! Ăn cho sạch, sau đó ngủ một giấc cho đẫy, thế là sáng mai tỉnh dậy thấy cuộc đời dễ thương đáo để, nhé!
 - Thậm chí... trên cả dễ thương.
 Họ cười với nhau và chia tay nhau thoải mái như một đôi bạn cùng giới. Tuy nhiên cái cười của nhà đạo diễn dù cố làm tớ, ra thật sảng khoái song vẫn chẳng thể giấu được một chút bần thần, tiếc nuối bên trong.