hố xá lóng rày tốc độ trổ tường nới mái có phần thuyên giảm đi. Cũng chỉ có từng ấy tường, từng ấy mái, trổ hết rồi thì cũng phải thôi chứ hơi sức đâu mà trổ mãi? Song thực chất mọi việc nó lại đi vào chiều sâu nội thất và chiều cao không gian. Các biển đề tên Tây, tên Nhật, tên Tàu... và các tòa nhà hai tầng, ba tàng thậm chí bốn tầng theo kiểu gô tích, kiểu hiện đại, kiểu bán hiện đại... tiếp tục ra đời. Các hàng cây xà cừ có tuổi thọ hàng trăm năm không còn chiếm địa vị độc tôn chiều cao và các biển hiệu doanh trại không còn chiếm ưu thế màu đỏ. Tất cả đan xen, láo nháo, nhòa nhập vào nhau. Cái sang trọng được đặt bên cạnh cái bình dân, cái hiện đại nằm chen với cái cổ điển. Hiệu tắm nóng lạnh, hiệu uốn sấy tóc có những cô gái ăn mặc hớ hênh đêm ngày lúng liếng mắt nhìn ra đường khiến cho khách vãng lai phải tự hỏi đằng sau cái nóng lạnh, cái uốn sấy đó liệu còn có cái gì khác nữa không và không thể không vội rảo chân đi qua. Rồi cây cảnh, rồi các gallery mỹ thuật, các gian hàng bán đồ hàng Bành, rồi thịt chó, rồi cháo lòng tiết canh... Mới chiều qua còn chưa thấy gì mà sáng nay đã mở ra ngan ngát như từ trên trời rơi xuống hay dưới đất mọc lên!... Phố nhà binh chưa hề mệt mỏi, vẫn không ngừng đánh những trận phục kích bất ngờ như vậy vào đói nghèo. ... Có lẽ cả căn phố dài hơn cây số này chỉ có hai nơi còn giữ được cái vẻ thâm nghiêm không thay đổi đó là tòa án binh cao cấp và khu vực cổng thành. Thây kệ cho cảnh đời đêm ngày biến đổi, những anh lính vệ binh vẫn đầy đủ cân đai đứng im phắc như cái hình tượng quân phong quân kỷ muôn đời của họ. Song, nhìn tinh, người ta vẫn nhận thấy có cái gì nới lỏng, cởi mở hơn trước, một khi có anh sĩ quan, cán bộ nào đó chót để tóc dài, chót để trang phục không chỉnh tề đi vào cổng. Thì ra, cái cơ chế thị trường nó chưa len lỏi được vào trong kia, cái nơi thấp thoáng toàn những mái nhà uy lực và những dáng đi uy quyền nhưng ít nhiều nó đã bắt đầu làm xôn xao anh nhìn người lính gác. (Đoạn này lia ống kính xa rồi từ từ rum lại, kết hợp lấy góc vát từ trên cao xuống. Chú ý: cắt tiếng động và cắt nhạc đệm để tăng vẻ thâm nghiêm cổ kính.) Ông đại tá nhà báo có bà vợ quê đang biến thành bà mệnh phụ phu nhân kiểu trọc phú lo ngại nói: “Nghe đâu tới đây, cũng với khách sạn bốn sao xây ở đầu phố, người ta có ý định cắt chéo một đường trong thành để xẻo bớt cái phần đất cấm cung, cho bà con dân sự tràn vào phải không? Chết! Thế thì còn gọi gì là Thăng Long thành ngàn năm nữa?” Nghe than thở vậy, một đại tá khác có gia đình ở quê, đá vào: “Chết gì! Mai mốt người ta còn mở rộng đường sang bên phải, tức bên phía mặt tiền nhà ông hai chục mét nữa kia. Chuẩn bị mà sơ tán trước đi. Hoa thơm ngửi mãi được à?“ Như mọi vùng đất khác, ở đây, số phận những con đường gắn liền với số phận những con người xiết bao! Tất cả đang còn là một ẩn số...“ Đó là phần tiếp theo của kịch bản phim của nhà đạo diễn trước khi anh tạm biệt mọi người trong khu phố để làm một chuyến đi xa mang tính chất hành hương trở về những vùng chiến địa cũ. Chỉ riêng chuyến đi tùy hứng này thôi cũng đủ biết cái kịch bản phim này nó trục trặc như thế nào. Trục trặc về cảm xúc, về vốn, về mạch phim hay cơ chế thông qua? Điều đó chưa rõ nhưng mọi người đều biết rằng, xưa nay anh vẫn có những chuyến bất chợt đi, bất chợt về như thế. Tất nhiên không loại trừ cả cái sự quyến rũ bất khả kháng trong nội dung lời mời của người đàn bà giàu có kia. Ta hãy cứ chờ xem, vì như anh nói, tất cả còn đang nằm trong ẩn số. Còn bây giờ ta cũng với Lãm trở lại miền biên cương một thời khói lửa đang huyên náo cái không khí mở cửa hôm nay.