PHẦN 2
CHƯƠNG 10

     rán Nguyễn Vạn nhíu lại nhìn đôi câu đối trước cửa rồi thập thễnh bước tới ngắm từng chậu cây cảnh ông Khiên chăm chút hang ngày. Nguyễn Vạn mỉm cười nhìn những gốc si xù xì già khú đế như lão già râu tóc sồm soàm. Những khóm trúc vàng óng với những đốt cây chun vào nhau. Rõ vô tích sự, vạn nghĩ- nhữnh loài cây không hương sắc. Nguyễn Vạn lại thập thễnh bước đến bên bể cá vàng. Những chú cá vàng lượn lờ quanh quả núi, bố Nghĩa đã kỳ công đắp bằng xi măng. Trên sườn núi, hai chú hươu nhỏ đứnh chênh vênh khoe bộ sừng cong vút. Cả làng Đông ai cũng bảo tính ông Khiên giống hệt cụ Nghiên xưa. Dù có phải ăn mặc rách nhưng vẫn cứ ham chơi cây cảnh. Người ta kháo nhau ông Khiờn hang ngày còn múc cả nước cơm tưới cho cây cảnh, Nguyễn Vạn không hiểu bố ta say xưa gì ở những thứ này. Học đòi tư sản. Nguyễn Vạn bước vào cửa, ông Khiên nằm lặng trên giường nhìn Nguyễn Vạn với ánh mắt mệt mỏi.
- Tôi không hiểu bác cũn định nằm mãi đến bao giờ - Nguyễn Vạn nói - Dù sao sự cũng đã rồi. Thằng Nghĩa, con Hạnh, cũng đã thành vợ chồng, bác phải để chúng nó về đây ở. Cưới nhau hàng năm nay mà mỗi đứa một nơi, tối đến lại lang thang bờ sông bãi sú e thiên hạ họ cười cho.
- Đây là đất tổ, vợ chồng tôi không có quyền!- Ông Khiên nói giọng yếu ớt khẽ chớp mắt nhìn lên trần nhà.
- Bác lạc hậu bỏ mẹ - Vạn tức - Bác không thấy bác đang sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa sao. Đã là xã hội chủ nghĩa làm gì còn đất của tổ. Đất đai là của chung xã hội. Đã là xã hội chủ nghĩa làm gì còn hận thù? Ngày hôm nay bác phải xoá ngay câu đối trên tường kia. Xã hội chủ nghĩa làm gì còn sự bất công mà bác lại viết là "Vạn sự bất công oán hận trường". Bác còn oán hận ai? Bác oán hận chế độ à?
Nguyễn Vạn nhìn ông Khiên và hiểu rằng lời nói của mình chả lọt vào tai ông ta chút nào. Ông Khiên vẫn lặng thinh.
- Tôi nói cho bác biết, nếu bác không xoá câu đối đi tôi báo công an huyện về trói gô cổ bác lại. Bây giờ nhân dân đang lo đánh giặc, lo tăng gia sản xuất mà bác đi học đòi chơi bời theo lối tư sản.
Ông Khiên vẫn dửng dưng nằm trơ ra như khúc gỗ coi Vạn như kẻ xa lạ.
Nguyễn Vạn ngồi bịch xuống chiếc ghế giữa nhà và giận dữ nhìn ông Khiên:
- Hôm nay tôi đến báo cho bác một việc nữa. Thằng Nghĩa bác phải để nó đi bộ đội đợt này.
Ông Khiên chợt nhoài người ra cạnh giường hoảng hốt nhìn Vạn.
- Chú định trà thù tôi sao? Tôi lạy chú! Tôi còn mỗi mình thằng Nghĩa. Cả họ Nguyễn nhà ta còn có mỗi mình nó...
Nguyễn Vạn chợt cười phá lên. Chú mèo mướp đang nằm khoanh tròn trên chiếc chổi trong góc nhà giật mình chạy ra tới cửa mới quay lại giương mắt nhìn chú Vạn.
- Thế mới biết bác còn nhiều tham vọng gớm nhỉ! - Vạn mỉa mai - Tôi tưởng bác coi thằng Nghĩa là đồ bỏ đi, nếu bác còn thương yêu, hy vọng về nó, bác vui vẻ để cho nó đi bộ đội. Đánh Mỹ là thời cơ ngàn năm có một của tuổi trẻ. Bác thấy đấy, như tôi, nên người được là nhờ cái thời đánh Pháp. Bác thật là ích kỷ lạc hậu. Làm trai muốn nên người phải xông pha nơi chiến trận. Ru rú ở nhà bám váy vợ thì nhục.
Nguyễn Vạn thập thễnh ra về. Ông Khiên gượng dậy, mặt tối sầm lại. Thằng Nghĩa cố tình lấy con Hạnh đã làm ông muối mặt với cả họ. Tuy sự đã rồi, bụng ông thấy thương vợ chồng Nghĩa nhưng ông không dám bảo con Hạnh về đây, sợ họ mạc lại cho đó là điều ô nhục dòng họ Nguyễn. Từ ngày thằng Nghĩa cưới con Hạnh, ngay cả việc ông chăm chút những chậu cảnh hay ngắm những chú cá vàng trong bể, ông cũng phải lén lút không muốn để ai nhìn thấy. Ông nuôi một niềm tin sắt đá vào thằng Nghĩa, kèm cặp nó từ bé, hy vọng nó sẽ trở thành người trưởng nam dòng họ Nguyễn tài hoa đức độ. Chẳng gì làng Đông này, ông là người hay chữ nhất. Nhiều bà nhiều chị có chồng con đi đâu xa đều phải mang giấy đến nhờ ông viết thư giúp. Hồi thằng Nghĩa học cấp ba trường huyện, ông đã làm thơ đứng lên đọc trước toàn thể phụ huynh, giáo viên toàn trường. Ông tự hào về thằng Nghĩa là học sinh giỏi, năm nào cũng được trường khen. Thằng Nghĩa học xong ông không muốn để nó đi bất cứ ngành nghề gì khác. Nó phải ở chính mảnh đất này. Tối tối ông nghe tiếng đàn tiếng sáo của nó mà nở mặt nở mày. Giờ đây bỗng lộn nhào tất cả. Ngay cả đôi câu đối ông khắc ghi lên kia là để chứng tỏ cho dân làng, cho họ tộc hiểu rõ ông đã căm thù kẻ nào đang tâm đốt từ đường họ. Đối với dân với nước, ông một mực trung thành, cũng giống như ông trung thành với họ tộc. Vậy mà họ lại bảo ông chống đối lại đường lối chính sách của Đảng.
Ông Khiên lại thở dài nằm xuống giường. Mọi cảnh vật trong nhà cứ quay cuồng trước mặt ông.

 

Có lẽ buổi sáng nay là một buổi sáng đã xảy ra sự kiện lớn lao nhất trong đời bà Khiên. Suốt đêm qua bà không sao chợp mắt. Từ ngày về làm dâu họ Nguyễn đây là lần duy nhất bà phải nói dối chồng. Bà thấy mình có tội với ông Khiên đang ốm yếu nằm kia. Từ nãy đến giờ bà luôn lén nhìn trộm vào mắt ông Khiên - Ánh mắt luôn ánh lên niềm trung thực mà có lẽ trên đời này chỉ mỗi mình bà hiểu. Chính vì bà hiểu tính chồng con nên bà phải làm thế - Phải giấu ông Khiên chuyện thằng Nghĩa sáng nay đi nhập ngũ. Thôi thì bà mạn phép trời chịu tội trước chồng để cho thằng Nghĩa vui vẻ lên đường. Bữa cơm sáng dọn ra, bà cố tỏ ra bình tĩnh im lặng để không phải thốt lên những lời dối trá trước mặt chồng. Thằng Nghĩa có vẻ vững vàng hơn. Bà nơm nớp nhìn nó chủ động xơi cơm lấy thức ăn tự tay bê đến mời bố. Chỉ có bà mới nhận ra sự khác thường ở nó. Nó có nghĩ lúc nó đi rồi còn lại một mình bà với ông Khiên, bà biết nói thế nào đây. Bữa cơm vừa xong vợ chồng chị cả đến:
- Chúng con đến thăm xem bố đã đỡ chưa? Chị cả nói - Vợ chồng chúng con chả có gì, chỉ có nải chuối chín biếu bố! - Chị cả đặt nải chuối lên bàn rồi quay sang dúi vào tay Nghĩa mấy chục - Cậu Nghĩa hôm nay không đi tiễn tân binh à?
- Có chứ! - Nghĩa cười, nem nép nhìn trộm bố.
"Rõ khổ chưa! Chúng nó đến chia tay thằng Nghĩa" Bà Khiên thở phào. Thì ra chúng nó đã âm mưu bàn bạc với nhau trước. Mọi tội vạ cuối cùng chỉ mỗi mình bà chịu. Bà thấy đầu óc cứ căng ra. Nếu ông Khiên bất chợt hỏi bà câu gì đó bà sẽ ngất xỉu. Bà thương Nghĩa cưới vợ đã phải long đong, bây giờ đi bộ đội cũng phải vụng trộm. Vợ chồng chị cả về, bà Khiên ngồi bên giếng nước rửa bát, nhìn thằng Nghĩa cứ đi ra đi vào lẩn quẩn mãi. Phút cuối cùng dứt áo ra đi nó mới thấy bối rối. Cha bố mày, không khéo rồi lại khóc hu hu. Thằng Nghĩa đứng tần ngần ở cửa nhìn vào giường bố một lúc rồi cúi xuống véo con mèo một cái. Con mèo kêu "meo"  lên một tiếng chạy vụt đi. Nghĩa chạy nhanh ra giếng ôm lấy cổ mẹ. Bà Khiên thấy những ngón tay nó bấu vào vai bà đau điếng. Bà tí ngất xỉu khi nó thì thầm vào tai bà: "Con đi".
Bà lạnh cả người nhìn theo bóng thằng Nghĩa chạy vụt ra ngõ. Bà vội đứng dậy chạy vào bếp đứng lặng cho nước mắt chảy xuống đôi gò má khô gầy của bà. Bà cố kìm lòng để không bật khóc thành tiếng.

 

Nghĩa vừa bước vào ngõ nhà Hạnh đã thấy chú Vạn cũng ở đấy. Chú nhìn Nghĩa hài lòng:
- Tao cứ lo mày làm lộ chuyện là hỏng hết - Chú Vạn vỗ bốp lên vai Nghĩa - Thôi đến giờ rồi đi ngay. Chị Nhân ở nhà để con Hạnh nó đi tiễn chân thằng Nghĩa.
Chú Vạn chưa nói, Hạnh đã ôm gói quần áo của Nghĩa mang sang từ tối qua. Chị Nhân xúc động cầm tay Nghĩa:
- Con đi nhớ năng biên thư về động viên ông bà bên ấy.
- Ôi dào! - Chú Vạn nói - Chuyện ấy thằng Nghĩa khỏi lo. Đã có tao.
- Nghĩa đi nhé! - Anh Hiệp đến bắt tay Nghĩa - Nghĩa đi đợt này đợt sau mình cũng tếch. Lớ ngớ biết đâu cánh mình lại gặp nhau trên chiến trường.
Chú Vạn và vợ chồng Hạnh ra tới sân uỷ ban, người đi người tiễn nhốn nháo như ngày hội. Qua mấy lời căn dặn của ông bí thư, Nguyễn Vạn dẫn đoàn quân lên huyện. Hạnh nhìn những phụ nữ cùng cảnh ngộ như Hạnh có nhiều cô khóc sướt mướt. Đứng trước Nghĩa, không hiểu sao Hạnh không thể khóc. Hạnh nhìn Nghĩa mặc bộ quân phục mới, trông già dặn hẳn. Nghĩa đưa cho Hạnh bọc quần áo cũ mà cả hai đứa không sao nói với nhau được lời nào.
- Nghĩa! Vào xếp hàng lên xe mau - Chú Vạn giục - Đi nhé! Hãy noi gương trai làng Đông, chiến đấu giỏi, mày cứ nhìn chú mày đây mà sống.
- Anh đi đây! - Nghĩa nói và chạy biến vào hàng quân. Mắt Hạnh hoa lên nhìn những cánh tay vẫy vẫy từ cửa xe. Đoàn xe đi khỏi, không gian chợt lắng đi. Hạnh cứ đứng lặng tới khi bọn con gái làng Đông xô đến kéo Hạnh vào cửa hàng giải khát.
- Anh Hiệp không đi tiễn Nghĩa à? - Dâu cầm tay tay Hạnh kéo vào tận trong góc cửa hàng có chiếc bàn chưa có khách ngồi.
- Mày ngồi đây để tao đi mua phở ăn. Sáng ngày chắc là mày ăn uống chẳng ra sao- Dâu ấn vai Hạnh ngồi xuống ghế, nhanh nhẹn đi mua phở. Trong số bạn bè có lẽ chỉ có Dâu là hiểu Hạnh hơn cả. Dâu sôi nổi, mạnh mẽ, nhiều đam mê. Dâu và Hạnh thân nhau từ thời học sinh. Dâu học trung bình, ham đọc truyện, xem phim. Trong ánh mắt tinh nhanh của Dâu không ai giấu nổi Dâu điều gì. Dâu có tài cảm nhận được tâm trạng người khác. Dâu thẳng thắn trung thực tới mức nhiều người ngại quan hệ với Dâu. Hạnh thích cả cái tính đáo để của Dâu. Hạnh hiểu trong tiếng cười hơ hớ, với những hành động bề ngoài trái với tính cách phụ nữ, Dâu muốn quên đi nỗi trống trải cô đơn. Vừa mới cười nổ trời, vật nhau uỳnh uỵch với cánh con trai xong, Dâu lại ôm lấy Hạnh khóc ngay được. Hôm nghe Hạnh và Nghĩa không được cấp đất làm nhà, Dâu là người đầu tiên ôm lấy Hạnh khóc "Khổ thân mày Hạnh ơi". Dâu khóc nức nở. Hạnh hiểu chỉ có người cảm nhận thực sự nỗi đau của người khác mới khóc được như thế. Dâu bê hai bát phở thịt nạc đầy tú ụ đặt xuống bàn. Hạnh cảm nhận ngay, từ nay Dâu là niềm an ủi duy nhất trong những ngày tháng Hạnh phải xa chồng.
- Trông mày gầy rộc đi đấy! Ăn đi mà lấy sức chiến đấu. Các tướng đi chiến đấu ngoài mặt trần, cánh mình chiến đấu trên đồng ruộng, hí, hí.,
Dâu cười thật vô tư, Hạnh hiểu Dâu vừa trích dẫn lời chú Vạn.
- Hôm nọ mày nói với anh Hiệp những gì về tao hả? - Dâu xúc ớt đổ vào bát phở của mình, mắt đăm đăm nhìn Hạnh - Mày phải biết tao ăn cay cực giỏi mà mày lại cho ông anh mày uống nước đường về tao là hỏng đấy.
- Tao có nói gì đâu! - Hạnh cãi.
- Đừng có chối. Lạ gì cái cánh con trai. Hôm nọ tao gặp anh Hiệp, tao thấy anh ấy nhìn tao khác mọi khi là tao hiểu mày đã nói gì rồi. Thôi dẹp chuyện anh Hiệp mày. Tình yêu là cứ phải tự tìm đến nhau, tự nó bốc cháy mới khoái hiểu chưa? Còn cái chuyện của mày, Nghĩa đi rồi, mày phải về ông bà Khiên mà ở. Không sợ ai hết. Ai nói gì cứ đốp luôn vào mặt. Chẳng gì bây giờ mày cũng là vợ bộ đội. Ngôi nhà ông bà Khiên đang ở là do công sức của ông bà ấy và Nghĩa dựng lên! Mày là vợ Nghĩa, là con dâu gia đình ấy mày có quyền ở. Dù họ tộc có kiện đến trung ương mày vẫn thắng.
- Tao cũng nghĩ tới chuyện này rồi - Hạnh nói - Nhưng về đấy ở phải được sự đồng ý của bố mẹ anh ấy. Ai lại tự dưng đùng cắp gói về nhà người ta coi sao được.
Dâu và Hạnh ăn phở, cánh trai gái làng Đông ngồi bàn ngoài đã về hết từ lúc nào. Dâu rủ Hạnh đi lối đê Diêm, tắt qua cánh đồng để về làng gần hơn. Từ đê Diêm nhìn hút tầm mắt, làng Đông xanh mờ phía trời xa. Hai đứa hối hả đi dọc theo bờ mương chạy giữa cánh đồng lúa xanh non. Giữa trưa nắng cánh đồng Diêm không một bóng người. Một đàn cuốc đen chũi cẳng cao kều, thơ thẩn bên bờ mương, thấy bóng người chúng chạy chúi xuống đám ruộng làm mấy con cun cút giật mình lao vút lên trời kêu "chéo chéo". Hạnh chợt nghĩ có lẽ mọi loài vật đều phát hiện ra con người có gì đó làm chúng sợ. Đến cả mấy con rắn nước đang bơi loằng ngoằng, thoáng thấy bóng người nó cũng vội vàng lảng xa. Nắng như dội lửa loang loáng, những chú cua đồng ngoi lên đánh đu trên những thân lúa thổi bong bóng.
- Chà, nhiều cua quá - Hạnh reo lên - Mình tranh thủ bắt ít cua rồi hãy về.
- Mày tham lam vừa vừa thôi. Nắng này ốm đấy. Hạnh vừa đi vừa nhìn chú cua tiếc rẻ, trên bờ mương chợt xuất hiện ba bóng người trần trùng trục từ gò đất đi ra. Chúng vừa đi vừa móc bùn trát lên mặt, vẽ lên bụng đủ hình thù quái dị.
- Lại mấy thằng dưới Diêm đi bắt rắn - Dâu nói - Mày đừng tỏ ra sợ hãi chúng bắt nạt.
Mấy thằng ma cô nhe răng cười hơ hớ đứng dạng háng trên bờ mương chờ Hạnh và Dâu tới gần, chúng nằm ngửa ra bờ mương chắn lối.
- Xin phép các vị thần đồng cho chị về kẻo cháu nó ở nhà đói sữa - Dâu nói.
- Có giỏi thì bước qua bụng đây này.
Nhanh như chớp, Dâu cúi xuống bế thốc một thằng định quẳng xuống mương. Thằng bị bế vội túm được tóc Dâu, thế là cả hai đều ngã nhào xuống mương. Một thằng trên bờ nhảy xuống ôm ghì lấy Dâu. Dâu vật lộn lục ục với hai thằng dưới mương. Còn lại một thằng trên bờ nó lao vào Hạnh như con thiêu thân. Hai cánh tay trát đầy bùn đen nhẻm trơn nhẫy ôm ghì lấy Hạnh. Hắn quật ngửa Hạnh xuống mép ruộng. Hạnh lấy hết sức giẫy đạp. Bọc quần áo của Nghĩa văng ra bờ mương. Hạnh thở dốc khi hai bàn tay đầy bùn đất lùa vào ngực mình. Trong lúc phẫn nộ Hạnh chợt chộp được nắm bùn đáp vào giữa mắt thằng khốn nạn, rồi lấy hết sức vùng dậy ôm bọc quần áo chạy. Cắm đầu chạy một đoạn, Hạnh quay lại đã thấy Dâu đang hối hả chạy trên bờ mương bên kia.
- Hạnh! - Dâu gọi giật - Đợi tao với. Bây giờ bố chúng nó cũng không dám đuổi mình nữa đâu. Hạnh đứng lại chờ Dâu. Dâu nhào xuống mương bơi sang với Hạnh cười rũ. Áo Dâu bị xé rách mảng ngực trắng lốp dưới nắng.
- Làm sao mà mày thoát được hai thằng ấy? - Hạnh hỏi.
- Tao chỉ lo cho mày thôi - Hai thằng nhãi tao coi chẳng mùi mẽ gì - Dâu tủm tỉm cười. Mày có biết tao trị chúng bằng cách nào không? Hai thằng tưởng bở cứ hăm hở giương cái của nợ ấy ra. Tao liền giờ miếng võ hí, hí...miếng võ bắt chim. Tao xoắn rõ đau, hai thằng đều ngã vật ra thế là tao vội chạy thục mạng.
- Ôi! Mày đánh mất nón rồi kìa.
Mãi lúc này Hạnh mới thấy chiếc nón trên đầu không biết rơi từ bao giờ.
Đi hết con mương ra tới bờ sông Đình, hai đứa nhào xuống sông tắm. Về tới đất làng thì chẳng còn sợ gì nữa.
- Cũng may mà còn ôm được hai bộ quần áo của anh Nghĩa chứ không thì rõ đẹp mặt. Mày trông quần áo tao rách hết cả.
Đã lâu lắm Hạnh với Dâu mới lại được tắm với nhau. Buổi trưa, cánh đồng vắng ngắt không một bóng người. Hai đứa cởi hết quần áo ra giặt. Thấy Dâu nhìn đau đáu vào ngực mình, Hạnh vội quay nghiêng người không dám nhìn thẳng vào mắt Dâu. Hạnh thú nhận ngực mình lâu nay cứ căng đầy, nở hơn ngực Dâu, Dâu nhoài người quăng bộ quần áo đánh "bốp" lên bờ, nhào tới ôm chầm lấy tấm thân đẫy đà của Hạnh.
- Ôi! Hôm nay tao mới tận mắt nhìn ngực mày, đẹp thật đấy. Nghĩa nó mê mày tít thò lò cũng phải. Mà sao vú mày chóng to thế?
- Bao giờ mày lấy chồng thì mày thấy.
- Các cụ nói cấm sai. Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó, hí hí...
  Dâu cười rinh rích luồn hai tay vào sườn Hạnh.
- Dâu! Đừng đùa nữa. Tắm nhanh không sắp đến giờ đi làm đồng rồi đấy. Ai mà nhìn thấy cảnh mình đú đởn thế này họ bảo mình rửng mỡ.
Hai đứa mặc hai bộ quần áo của Nghĩa rộng thùng thình trông buồn cười chết đi được. Về tới đầu làng, gặp tụi trẻ đi bắt ngoé làm mồi đơm rạm, chúng ngơ ngac nhìn Hạnh và Dâu.
-Ô! Chị Dâu, chị Hạnh mặc quần áo con trai.
Hai đứa chạy chúi mũi. Vừa chạy vừa níu áo, đấm thùm thụp vào lưng nhau cười rũ rượi. Nắng vẫn rực nên trên các ngọn cây.