Chỉ cần nhìn đồ nghề mang theo là có thể biết khả năng đi rừng như thế nào. Ví như anh em Y-Ngây, Y-Ngung thì chỉ cần cái Xà-gạt, cái ná, thêm cái áo mưa nữa là có thể xuyên rừng hàng tháng rồi. Rừng chính là nhà của họ, bàn chân của Y-Ngây đạp trên đá nhọn, gai rừng nghe sạt sạt, lớp chai nó dày cả phân chứ không ít. Anh ta bình thường đóng khố, cổ đeo một cái kiềng to, lỗ tai xỏ hai miếng ngà voi to sụ, hôm nay ra Giai Nghĩa nhậu “nai nướng” mới bận thêm cái quần vải gai….Còn Y-Ngung cũng như Y-Ngây, nhưng nói được tiếng Kinh rất ít, anh ta gọi người Kinh là Ka-Yuan. Con gái Y-Ngung được hai tuổi bỗng nhiên bị chết, cả bản làm đám, thầy cúng Y-Krăk làm lễ đàng hoàng. Sau đó 3 ngày, Y-Ngung nốc hết ba ché rượu cần, bỗng dưng nhớ con……nửa đêm anh ta ra mộ, đào xác con lên, sau đó ôm cái xác lạnh ngắt, đã bốc mùi về nhà, chuyện làm kinh động cả bản….Y-Ngung sau chuyện đó trốn ra ngoài rừng….Lý Hòa thì không cần nhiều đến như vậy, chỉ cần một con dao găm là có thể xuyên rừng được rồi. Y nổi tiếng đánh mìn và bộc phá ở các bãi đào vàng, nên trong người luôn có thuốc nổ. Còn Lý Cắt dáng cao gầy, leo trèo cực nhanh, đặc biệt là leo cao chót vót trên tận ngọn cây, y phóng chuyền nhanh như khỉ, rất lợi hại trong chuyện đi tìm trầm hương, kỳ nam, nấm quý…. Tăng Xe đi rừng không bằng hai người kia nhưng có tài bắn súng kíp thiện xạ, có thể dùng hai tay không bắt rắn, áp tai xuống đất nghe được tiếng động xa hàng vài cây số…Đồ nghề đi rừng của dân chuyên nghiệp thường chỉ là một cái mác hoặc rựa, dao găm, một “cây chẹt” nhỏ để lấy lửa khi cần thiết, áo mưa, có thể thêm dây thừng, móc sắt, võng dù….Đồ ăn, nước uống không cần mang theo vì có mang cũng không đủ cho những chuyến đi dài ngày.Y-Ngây kể cả năm nay có khá nhiều nhóm người xuống đây tìm cái mâm đồng, cồng chiêng thì anh ta biết nhiều chứ cái mâm đồng có khắc hình như vậy thì trong đời chưa từng thấy qua, cũng chưa nghe già làng nói đến bao giờ. Như vậy cái “mâm đồng” này chắc không phải của những tộc người như Ba-na, Ê-đê, Gia Rai, Hơ-mông….ở đây, mà là thuộc về những dân tộc đã xây nên vương quốc cổ Phù Nam ngày nào, họ có một nền văn hóa đã từng phát triển rực rỡ với những đền đài, thành quách, các công trình điêu khắc vĩ đại mà nay đã bị diệt vong. Cái “mâm đồng” nếu là có thật, thì nó có thể còn ở trong lòng đất, vùi chôn cùng với một đền đài nào đó….hoặc lẫn trong các tộc người còn sống ở vùng Nam Cát Tiên như X-Tiêng, Châu Mạ, K-Ho….Đám săn lùng đồ cổ tìm không ra cái “mâm đồng”, quay sang chôm chỉa Cồng Chiêng, Chum hũ, Cột nhà, Tượng thờ, Quần áo, Vật thờ cúng, Tượng nhà mồ… của người dân tộc để vớt vát lỗ lã. Bọn nào đàng hoàng thì còn trả tiền hoặc trao đổi bằng hiện vật, gặp bọn gian tà thì trộm cắp, lừa đảo….nhiều khi dẫn đến hiềm khích. Có khi xui xẻo trúng phải bùa ngải, thư ếm…. mang được báu vật về đến nhà thì lăn ra chết hoặc điên điên khùng khùng.Bọn Lý Hòa ngồi đến hơn hai giờ sáng thì rút đi, nghe nói trưa mai là sẽ khởi hành xuyên rừng xuống Nam Cát Tiên, trong lúc đi sẽ tìm kiếm thêm Trầm hương, Kỳ nam hay sừng Tê. Xem ra có quá nhiều băng nhóm tham gia vào cái vụ tìm “mâm đồng” này….Cái mâm chưa thấy đâu mà đã thấy có mùi kim tiền, mùi máu tanh sặc sụa rồi. Nếu có tìm được mà giữ được nó mang về cũng không phải chuyện dễ. Tìm được nó rồi mà cái mạng không còn thì cũng như không.Hôm ấy trăng sáng vằng vặc, từ trên con đường quốc lộ nhìn ra xa có thể thấy dãy Trường sơn mờ mờ. Đi trên cao cảm giác như có một biển mây chìm dưới chân bồng bềnh, bồng bềnh…..Trời đã gần sáng rồi, chim rừng đã bắt đầu thức dậy, hơi sương lạnh ngắt phủ từng lớp mờ mờ ảo ảo, gió cao nguyên đã bắt đầu thổi về từng đợt…Hồi đó ở trên Đăknông có một cái vườn mít bỏ hoang cực lớn, trải dài cả vài chục cây số. Mít ở đây ngon cực kỳ, có nhiều trái mít ướt to đến mức bốn năm người khiêng mới nổi. Từ cầu Đăktít cho đến tận Giai Nghĩa quạnh hiu không một bóng người, những bản dân tộc thì ban ngày họ cũng đi vào rừng hết cả, họ phá rừng, đốt rừng làm rẫy, xa hàng cây số cũng nghe tiếng tre nứa nổ lách tách. Chờ cho bọn Lý Hòa đi trước khoảng vài ngày, ĐHC cùng với anh em Y-Ngây, Y-Ngung, NT cũng trực chỉ lên đường. Bắt buộc phải đi xuyên rừng vì đây là con đường duy nhất mà các cánh khác chưa đi qua, may ra có khi tìm được những báu vật khác, biết đâu nó còn quý hơn cả cái “mâm đồng”. Khó có thể còn tồn tại cái mâm thứ hai, có được một cái cũng là một đại kỳ tích rồi…Trước khi đi, ĐHC có mua được một chai dầu xả tinh luyện của LLTNXP ở Đăknông, loại dầu này chỉ cần bôi lên người là các lọai côn trùng, rắn rít, bò cạp, kiến vàng, vắt tránh xa…mùi của nó có tác dụng làm tỉnh táo rất công hiệu. Anh em Y-Ngây, Y-Ngung thuộc đường rừng như lòng bàn tay….Có chỗ cần đi nhanh thì phải chạy hết tốc lực, có chỗ cần phải đi thật chậm để tránh hố sâu hay bẫy cài. Có lần tới một trảng cỏ, nhìn xa xa thấy cả một đàn bò rừng đen sì, lúc đó phải đổi hướng đi ngay….Có khi đi lẫn trong những trảng cỏ nắng như thiêu như đốt, nhìn ra xung quanh thấy lung linh mờ mờ ảo ảo, bất ngờ trảng cỏ phừng cháy làm cả bọn bốn người chạy như điên mới thoát khỏi. Nguy hiểm nhất là những lúc từ trên dốc núi dựng cả 60 độ lao xuống, nếu không cẩn thận có thể té lăn xuống gãy chân tay như bỡn. Khi vượt qua thác, cả bọn bốn người phải lấy mấy cái cây dài, vừa để chống, vừa để nương vào nhau mới đi qua thác được. Y-Ngây lâu lâu lại trổ tài săn mồi, có hôm anh ta săn được một con mển to tổ chảng, trước khi xả thịt anh ta quì xuống cúng Yàng, sau đó mới dùng dao lột da con thú, lóc thịt ra phơi đầy hết cả một cái áo mưa. Riêng cái đầu thì Y-Ngây đặt lên một tảng đá để cúng “con Ma rừng”. Nhiều khi đi qua những khu rừng lồ-ồ cao vời vợi, qua những khu rừng này cần phải cẩn thận với rắn và bò cạp. Bò cạp có con dài cả hơn gang tay, không để ý mà bị nó chích thì sốt nóng lạnh cả vài ba ngày. Nhưng bù lại là có rất nhiều măng non hay vô tình kiếm được cả một tổ ong ruồi. Mật ong rừng ăn một hồi là say ngà ngà như say rượu vậy, ăn vào rồi tự nhiên khỏe mạnh vô cùng, có thể nhịn ăn cả hai ba ngày được. Vừa đi vừa thăm dò, tìm kiếm, một hôm trong lúc vuợt qua một thác nước cao sừng sững, nhìn thấy một cái hang bị che khuất bởi những luồng nước, bèn chui vào xem thử. Cái hang này chắc chưa từng có người, bên trong thật là đẹp, nước chảy róc rách len theo các tảng đá. Cái hang sâu thăm thẳm, có những kẻ đá ánh sáng xuyên xuống, phản chiếu những tảng đá thạch anh trắng lung linh như kim cương. Tìm kiếm một hồi cũng không thấy có gì lạ…..Sau hơn một tháng đi liên tục thì đã gần tới đích, bất ngờ một hôm phát hiện một cái đồi trọc giữa rừng già, phía trên thấy một tảng đá cực lớn, phía dưới cơ man nào là gạch đá đổ nát… ĐHC và NT mừng quá, quên cả mệt nhọc leo một mạch lên đến đỉnh đồi…Đây chắc là một cái đền thờ cổ, còn nguyên mấy cái bậc đá, riêng phiến đá trên cùng mỗi bề phải đến sáu mét, nặng phải đến cả chục tấn. Phía trên còn một phiến đá nhỏ hơn giống hình cái Joni ….. không thấy cái Linga đâu, chắc nó đã bị gãy rơi đâu đó. Nếu cái Joni này to như vậy thì ước chừng cái Linga cũng phải cao tới ba bốn mét chứ không ít. Cái đền thờ này vô cùng vĩ đại…Đúng như vậy thì phiến đá này trấn lên trên cái hố thờ. Cũng vì nó to và nặng như vậy nên qua hàng ngàn năm nay có thể hố thờ vẫn còn nguyên vẹn…..Tối hôm đó, cả bọn nghỉ luôn ở trên đỉnh đồi. Trời đêm giữa rừng lạnh buốt, phải đốt lửa để sưởi, nhưng phải lấy áo mưa che khuất bớt để tránh tai mắt của những nhóm khác. Đêm nằm thao thức không ngủ được, có thể có nhiều nhóm đã phát hiện ra tảng đá này nhưng không biết có cái hố thờ bên trong hoặc do tảng đá quá nặng nên không dịch chuyển được. Nhiều khi trong đống gạch đá đổ nát cũng có thể còn che dấu những pho tượng nhỏ, những phù điêu..v.v….Sáng hôm sau, để hai anh em Y-Ngây và NT ở lại canh quả đồi, ĐHC tiếp tục đi….vài ngày nữa là tới huyện Cát Tiên rồi….Trên đường đi bắt đầu gặp khá nhiều người Kinh lẫn người Mạ. Ra tới con đường đất đỏ, ghé vào một cái quán tạm nghỉ uống nước, bất ngờ nhìn thấy nguyên một bộ Joni-Linga vứt lăn lóc trong xó nhà, bèn hỏi thì chủ quán nói đi làm rẫy ngoài rừng đào được rất nhiều. Sau đó ĐHC về trú tại nhà anh H, trong đầu luôn suy nghĩ cách nào để có thể dịch chuyển tảng đá khổng lồ kia ra được.Được ít hôm anh H cùng với ĐHC đi thăm già làng người Châu-Mạ. Đó là một ông già quắc thước, rất đẹp lão. Ông ta nói tiếng Kinh rất sõi, ĐHC đến đúng lúc ông đang ngồi cùng với một mục sư của nhà thờ Tin Lành….người Mạ bây giờ theo đạo Tin Lành rất nhiều, họ không còn tin vào con ma rừng nữa. Già làng người Mạ không hề nghe nhắc đến chuyện cái “mâm đồng” bao giờ…nhưng ông ta nói có thể những thầy cúng người Xtiêng sống trong rừng già sâu thẳm có thể biết những chuyện này. Già làng giới thiệu một người tên K-krok có thể dẫn ĐHC đi được.K-krork to cao, trên ngực đeo ba cái nanh heo rừng rất to, anh ta mắt đen, tóc quăn, môi dầy, da đen như lọ….. Thầy cúng Điêu-krắk nhìn cứ như con khỉ, không biết phải gọi là con khỉ dạng người hay con người dạng khỉ…?Người Xtiêng nói chung khá cao to, nhưng ông ta lại nhỏ choắt như đứa trẻ 12 – 13 tuổi, trên người bận mỗi cái khố phô bày một làn da đen nhẻm, lông lá xồm xoàm. Hai tay dài lòng khòng vung vẩy, nhảy thoăn thoắt từ tảng đá này qua tảng đá khác làm ông ta giống con khỉ hơn cả. Ông ta lại “cà răng, căng tai”, Cổ đeo nguyên một chuỗi nanh heo rừng, tay chân đều đeo vòng, trên mặt và thân mình xăm vằn vện nom càng dễ sợ.Để gặp được ông, K-krok phải dẫn ĐHC đi cả ngày trời, xuyên trong rừng già rậm rạp từ sáng sớm mà tới gần tối mới tới. Trên đường đi phải chèo xuồng qua vùng Bàu Sấu….Nơi này là một cái đầm lầy đầy cỏ lác, lau sậy rậm rạp, mênh mông và trù phú, trên thì đủ loại chim như vịt trời, cà kheo, hồng hòang, gà nước…….dưới thì đầy cá, rắn, rùa, kỳ đà, cá sấu…Có nguồn lương thực dồi dào như vậy nên lúc bấy giờ mấy bộ tộc người Châu Mạ, Xtiêng, Cơ Ho….. ở đây tranh giành lãnh địa đánh nhau loạn xạ. Người Kinh lúc bấy giờ trừ du kích ít ai dám bén mảng đến. Có K-krok dẫn đường nên khi gặp vài người dân tộc họ đều chào hỏi hoặc tránh xa vì anh ta là đệ tử của Điêu-krắk. Khi K-krok ngẫu hứng còn bắt một con nưa to đùng choàng qua người mà con vật không hề dám cắn. Anh ta kể từ nhiều năm nay chỉ ăn một thứ duy nhất là lá và rễ của một lọai cây ngải rừng nên trong người có mùi ngải độc, rắn, rít, côn trùng không bao giờ cắn. Thầy cúng Điêu-krắk cũng vậy, hàng chục năm nay ông ta cũng chỉ ăn có lá và rễ cây ngải rừng.Điêu-krắk rất dị ứng với “cán bộ người Kinh” nhưng vì có lới giới thiệu của già làng người Châu-Mạ và K-krok dẫn đường nên ông tỏ ra khá thân thiện. Từ khi có người Kinh, ông ta đã từ bỏ “nhà dài” mà trốn về ở trong một hang đá sâu hun hút, bên ngoài là những tảng đá ong được chất thành những hình thù kỳ dị, phía bên trong khá nhiều vật dụng với những hình vẽ kỳ quái. Có khách nên ông ta mới đốt một cây đuốc nhỏ, trong ánh lửa chập chờn nom càng ma quái. Theo Điêu-krắk không một tộc người nào ở đây có giữ cái “mâm đồng” như mô tả….Chỉ có những bộ cồng chiêng gọi là H'num, R'tuik…từ bốn đến sáu cái. Nếu muốn biết thật rõ thì phải hỏi “Thần Rừng”. Muốn hỏi “Thần Rừng” thì ngày mai phải làm lễ cúng….Hôm sau, Điêu-krắk dẫn ĐHC đi vào sâu trong hang hơn nữa, tới cuối hang lại thấy sáng rực, té ra là một cái thung lũng, có một dòng suối chảy róc rách, khung cảnh thật khác xa bên ngoài. Trên các vách đá có một loại cây lá màu tía rất lạ, thầy cúng Điêu-krắk gọi nó là cây ngải đá, nó sống ở trên vách đá cứng, hút tinh chất từ đá nên có linh khí của núi rừng, Điêu-krắk quanh năm suốt tháng ăn ngải chính là ăn cây ngải này. Ông nói “muốn được Thần rừng che chở, muốn tiếp xúc được với những người chủ thực sự của vùng đất thánh linh này thì phải ăn cây ngải đá để thanh lọc cơ thể….thể xác và linh hồn thật sạch sẽ thì mới có cơ may được gặp họ”. Lễ cúng “Thần Rừng” của thầy cúng Điêu-krắk thật khác thường, không hề có một lễ vật gì cả, bởi vì “Thần Rừng” của Điêu-krắk không cần lễ lộc gì cả mà chỉ cần linh hồn …. ĐHC phải quì trên một tảng đá, lót một chiếc khăn thổ cẩm cũ xì, mà phải quì suốt ba ngày, đói thì ăn ngải đá, khát thì uống thứ nước cũng được ngâm từ cây ngải đá….thứ nước này nó đắng kinh khủng, nhưng uống vào thì người giống như bị mất cảm giác, không cảm thấy mệt mỏi, lúc nào cũng say say tỉnh tỉnh. Sau đó Điêu-krắk đọc những câu thần chú bằng tiếng gì đó giống tiếng khme rất lạ để khấn “Thần Rừng”. Như thế cũng chưa đủ, sau ba ngày, Điêu-krắk lại dẫn ĐHC vào sâu hơn nữa trong thung, đến một cái cây cực kỳ to lớn mọc sát bên vách đá dựng đứng, ông ta và ĐHC quỳ xuống làm lễ, gọi đó là cây Ngải thần. Cây Ngải thần này đã hàng ngàn năm tuổi, rễ của nó to và dài hàng chục mét, bám sâu vào vách đá, có rễ vươn lên trời cao như những chiếc vòi rồng vậy. Theo Điêu-krắk, cây Ngải thần ghi nhớ hết mọi chuyện đã qua của núi rừng, muốn biết điều gì thì cứ ngồi bên gốc cây, khấn Thần Rừng, Thần Cây Ngải Thiêng về….Trước đó, Ông ta cắt một mẩu rễ của cây ngải thần bắt ĐHC phải nhai và nuốt vào bụng, chưa bao giờ phải nhai thứ gì mà đắng khủng khiếp như vậy…..Nuốt vào bụng rồi một lúc sau người như mê đi không còn biết gì nữa. Trong cơn mê không biết bao lâu, ĐHC thấy mình nhẹ bỗng, bay lơ lửng trong đại ngàn, đến bên một thác nước cao sừng sững, dòng nước trắng xóa như sữa trút ào ào từ trên trời xuống…..phía dưới là dòng suối xanh trong vắt, hai bên là bãi cát trắng ngần, mịn màng, óng ánh đẹp tuyệt vời. Trong lúc đang mơ màng thì thấy một bầy tiên nữ hiện ra mờ mờ ảo ảo, họ mặc trang phục màu trắng phủ kín khắp người, nhưng gương mặt thì vô cùng xinh đẹp. Những tiên nữ mảnh mai, mờ ảo lướt đi nhẹ nhàng trên cát, bay phất phơ trên mặt nước……