Dịch giả: Trường Vĩnh Hoa
Chương 3

Hôm ấy sau bữa cơm tối, Lý gia bốn người rảnh rỗi ngồi nói chuyện bên chiếc bàn tròn. Long Tường tươi cười hướng về mẹ mà rằng:
 
- Triệu lão nhị hôm kia vừa mới từ phương Nam trở lại, bữa nay đến cửa hàng tặng hai bánh trà Phổ-Nhĩ, nói là sản vật tỉnh Vân-Nam, con dặn họ pha một bình mang lên, mẹ nếm thử xem.
 
Người hầu bước lại dọn dẹp chén đĩa thức ăn còn thừa, rồi cẩn thận bưng lên trà mới hơi nóng bay nghi ngút. Long Tường trước tiên cầm một cốc trà dâng lên cho mẹ, rồi cẩn trọng nâng tách trà nhẹ nhàng hớp một ngụm, cười nói:
 
- Trà Vân-Nam mùi vị quá nồng!
 
Phượng Tường cúi đầu nhìn vào mầu trà sẫm đậm như mực, mờ mờ để lộ một chút mầu xanh lam, chàng uống một ngụm, vị cay chát ngọt thơm lại bốc lên trong hơi nóng nồng nàn như thường lệ, phương Nam hiếm có mùi vị nào mạnh mẽ hào sảng thế này. Thứ mẫu chàng nói:
 
- Phổ-Nhĩ phải là hoa cúc nấu chung với ít vị thuốc rồi phơi nắng mùa thu chế thành, làm mát tỳ hạ hỏa.
 
Uống xong tách trà, Phượng Tường bảo muốn về phòng đọc sách, rồi bỏ đi trước. Long Tường nhìn theo bóng lưng em trai, rồi hỏi mẹ:
 
- Phượng Tường gần đây sao xem có vẻ rầu rĩ quá đỗi?
 
- Mẹ cũng đang bối rối, - mẫu thân Long Tường nói, - hài tử Phượng Tường này từ bé đã luôn luôn lặng lẽ trầm tĩnh, nhìn cũng chẳng biết được trong lòng nó đang nghĩ ngợi suy tính cái gì. Có nhiều hôm không hề thấy nó ra khỏi cửa, nếu chẳng ở một mình trong phòng, thì ắt nó tại thư phòng của cha con để đọc sách và luyện chữ viết. Nhiều lần kêu nó ra ngoài vận động mà cũng chẳng chịu, thằng bé tuổi còn trẻ lại cứ sầu muộn thế này, mẹ cũng thật lo lắng là nó có thể buồn rầu đến sinh bệnh.
 
- Sao mà Quý Trụ Nhi dạo này cũng chẳng đến tìm nó ra ngoài tiêu khiển dạo chơi? – Long Tường hỏi.
 
- Con cũng thật là, - mẹ chàng cười – tự con sai Trương đại thúc điều động những tá điền về chốn quê nhà, Quý Trụ Nhi đang theo Trương đại thúc chạy việc trong thành ngoài thành, nào còn được rãnh rỗi mà đến tìm Phượng Tường đùa giỡn?
 
- Cái này thì thật, xem trí nhớ của con. – Long Tường cũng cười lên.
 
Sau khi về phòng, người vợ giúp Long Tường thay y phục, nàng nói với Long Tường rằng:
 
- Thật ra theo em nghĩ, đâu có gì hại trong việc để tiểu thúc đi theo chàng học sự bán buôn, giúp chàng trông nom quán xuyến cửa hàng, như thế cũng không để cho chú nhỏ suốt ngày chán nản, ở trong nhà buồn bực, mà chàng cũng được thoải mái một chút.
 
Long Tường đến bên giường ngồi xuống, trầm ngâm nghĩ ngợi, rồi thở dài một hơi:
 
- Phượng Tường là người mà cha thương yêu nhất từ khi còn bé. Mấy năm nay thế cuộc bên ngoài hỗn loạn như vậy, sau khi người Nhật đến, ngay cả trường học mà cha cũng không cho nó bước tới; nói khác đi, chỉ là hy vọng Phượng Tường có thể tránh khỏi giọt nước nhiễm ô ấy. Gia đình ta truyền đến thế hệ này, kẻ bằng tuổi làm bạn với nó vốn dĩ không nhiều; cha dạy dỗ nghiêm nghặt, bản tính nó lại thích yên tĩnh không ưa động loạn, hiện giờ khó tránh được có chút lẽ loi, nương tựa. Kêu nó theo ta ra ngoài học làm thương mại, học xã giao, nó chưa hẳn vui thích, cũng vị tất làm nên việc. Dù sao chăng nữa, hiện giờ ta đang còn trẻ trung cường tráng, chuyện bên ngoài tự vai ta gánh vác cũng được rồi.
 
Người vợ dịu lời khuyên bảo:
 
- Đây là sự khổ tâm của người làm anh cả, chúng ta ai cũng đều hiểu được. Nhưng Phượng Tường dẫu sao cũng là một chàng trai, đến một ngày nào rồi cũng tách ra để thành gia lập nghiệp, chẳng lẽ chàng muốn chú nhỏ nương dựa chàng suốt cả đời? Hãy để chú ấy theo chàng học chút kinh nghiệm, cũng là điều tốt.
 
Long Tường khẽ gật đầu:
 
- Lời nàng nói cũng chẳng phải là không hợp lý, để ta với mẹ thương lượng bàn tính xem mẹ nói thế nào nhé!
 
Sáng sớm trước khi Long Tường ra khỏi cổng, liền vòng quanh đến chỗ phòng em trai, sai em ra ngoài tiệm bánh ngọt thay mẹ mua hai hộp bánh “Bắc Kinh Tiểu Điểm Nhi” đem về. Việc kiểu này vốn là sai khiến bất cứ người làm nào trong nhà đi mua là được rồi, nhưng Long Tường cố tình mượn chút khuân vác cho người em nhỏ ra khỏi cửa vận động một lúc, đừng như cô gái lớn suốt ngày làm tổ ở trong nhà.
 
Sau bữa cơm trưa, Phượng Tường bồi tiếp Thứ mẫu trò chuyện một lúc, chờ sau khi bà vào phòng nghỉ trưa, bèn thay y phục bước ra ngoài cửa, đi chưa được vài bước, đằng trước có một chàng trai cỡi chiếc xe đạp kót ka kót két chạy lại, bóng người quá quen mắt, chạy đến gần bèn nhìn kỹ, ngờ đâu là Canh Dương.
 
Phượng Tường hỏi:
 
- Sao mà lại đến bên này?
 
Canh Dương nói:
 
- Đạp xe ra ngoài vận động, nhớ lại vùng này bên nhà em rất yên rất đẹp, tiện thể đến đây nhìn xem.
 
Canh Dương hỏi Phượng Tường muốn đi về phía nào, rồi mạnh miệng nói rằng muốn đưa chàng đi một đoạn đường; Phượng Tường đỏ mặt bảo là không cần đâu, đi bộ được rồi. Canh Dương nói dù sao cũng không bận bịu, chẳng qua là tùy tiện dạo chơi, bấy giờ Phượng Tường mới bước lên chỗ ngồi đằng sau. Trước giờ chàng chưa hề ngồi trên xe đạp, nhất thời không biết chân tay phải đặt để thế nào cho ổn. Canh Dương tay chân khéo léo chống lên mặt đất khi bắt đầu đạp, lúc đầu còn có hơi đong đưa lắc lắc, sau rồi cũng vững vàng. Tay cầm tay lái thấp thấp, Canh Dương ắt phải cúi gập người xuống. Anh không quay đầu lại, chỉ nói vọng về phía sau một câu:
 
- Em ít khi bước ra ngoài cửa hả?
 
Phượng Tường có phần khó hiểu:
 
- Anh làm sao biết được?
 
Canh Dương chỉ mĩm cười, không trả lời, dáng tươi cười ấy, ngay cả Phượng Tường cũng chẳng nhìn thấy. Canh Dương không nói cho chàng biết, anh đã từng đến mấy lần rồi, thường đạp xe vòng tới vòng lui trên con đường trước cửa nhà chàng. Có lúc anh dừng xe chờ đợi dưới tàng cây nơi góc chéo bên đường, mãi đến lúc có người hàng xóm gần đó tò mò ngó nhìn qua, anh mới bỏ đi.
 
Mua bánh rồi, Phượng Tường chẳng nói đi về đâu, Canh Dương cũng không hỏi, cứ đạp xe đưa chàng hướng về con đê trắng mà lần trước tản bộ, Phượng Tường cũng chẳng tỏ bày ý khác. Lần này, Canh Dương cũng không nêu ra đề tài gì khiến người ta thương cảm, hai người kể nhau nghe về ít chuyện gần đây trong sinh hoạt của riêng mỗi người. Canh Dương nơi học viện, Phượng Tường ở trong nhà, hai người có cuộc sống tẻ nhạt chán ngắt như nhau; chỉ tình cờ gặp nhau trò chuyện mà dường như quen biết đã lâu rồi, cho dù đang trong lúc đối thoại có những khi lặng lẽ, cũng thấy dễ chịu. Mỗi người đang nghĩ đến tâm sự của riêng mình. Phượng Tường đưa tay vạch lên khoảng không những đường thư pháp luyện tập gần đây, điểm-chấm, hoành-ngang, trực-dọc, phiết-phẩy, nại-nhấn.
 
Khi bóng chiều đà xế, Canh Dương đạp xe đưa Phượng Tường về nhà, chạy đến con đường gần đấy, Phượng Tường bảo:
 
- Ngừng đây được rồi! - Không đợi cho xe ngưng hẳn, chàng liền nhẹ nhàng phóng xuống xe, dường như đang biểu diễn tài nghệ. Canh Dương cười:
 
- Lần tới anh đến tìm em nữa. - Anh vẫy vẫy tay rồi đi, không quay đầu lại, khiến người ta có ảo giác anh đang cưỡi xe trên đường vào trong ‘ráng chiều rơi lạc khắp trời’.