Tiết mùa lặng lẽ dần thay, đã có chút nóng bức của đầu Hạ. Ngày giỗ Phụ thân sắp đến rồi, mấy hôm nay, Long Tường và mẫu thân đang thương nghị vòng vo chuyện tế lễ tại quê nhà ở ngoại thành. Ngôi nhà Tổ của họ Lý tại vùng quê nơi ngoại ô thành phố cách hơn sáu mươi dặm về hướng Bắc. Mãi đến thế hệ này của Lý Vân Hải, mới dời đến trong thành thị. Phụ thân và Mẫu thân Phượng Tường đều được chôn cất nơi phần mộ tổ tiên trong ngôi nhà cũ. Thứ mẫu dự định đem Phượng Tường quay về thôn quê sống một thời gian, tiện thể tránh nắng hè, ngụ đến sau khi vào Thu mới trở lại thành nội. Chỉ để vợ chồng Long Tường lưu lại trong thành, bởi vì cần phải trông nom sự buôn bán nơi hiệu lương thực, chẳng thể đi lâu. Canh Dương đã một tháng rồi không đến tìm Phượng Tường. Khởi đầu, Phượng Tường như những ngày trước đó, cứ ngày ngày ngóng đợi trong sân; chờ mãi đến hết cả sự kiên nhẫn, chàng bèn đến khu lân cận nhà Canh Dương thăm dò, cũng từng đến trước cổng trường Đại học Y khoa Nam Mãn, đứng xa xa mà chờ đợi. Những địa phương này, không có Canh Dương bầu bạn, đã đủ khiến chàng run sợ lạnh người vì đây là vùng cấm địa bất an. Anh rốt cuộc bận rộn việc gì? Hay là mang bệnh rồi? Phượng Tường vốn là không có người nào để có thể thăm hỏi, cũng chẳng có cách nào lưu lại tin nhắn. Chàng không muốn nhớ lại khoảng cách từ lần gặp mặt trước ấy đến nay là bao lâu, song chữ số đó lại chẳng chịu buông tha chàng, một ngày rồi một ngày vẫn cứ rõ rõ ràng ràng cộng thêm lên. Chàng bắt đầu nghĩ: phải chăng là cứ như thế, rồi về sau bặt vô âm tín. Từ đây Canh Dương bước vào cuộc đời chàng, trở thành một người mãi mãi không biết trôi dạt về đâu. Sau đó chàng quyết định không đợi không chờ nữa. Sau khi quyết định, thay vào đó là chàng ngày ngày ra ngoài dạo chơi, không cho mình có cơ hội để mà rầu rĩ đến chết trong nhà. Chân bước khắp nơi trong thành thị: nào đường lớn, nào hẻm nhỏ, chỗ náo nhiệt, chỗ lặng yên; đi quanh tiệm sách, bước vào khu chợ, dạo xem thắng cảnh; một người đang ngồi ngắm nhìn du khách chen như mắc cửi trong thành, ngoài phố. Chàng nhận ra rằng cuộc sống yên bình của mình vốn dĩ như rêu sâu trong giếng cũ đã bắt đầu suy sụp như chiếc cầu nghiêng lệch. Nếu không tự cứu, ắt phải mang bệnh vô phương chữa trị, cuối cùng thành vách nát tường xiêu không cách vãn hồi. Sau khi Thứ mẫu quyết định đem chàng quay về thôn quê, chàng ngược lại giống như được uống một viên thuốc an thần, đột nhiên trấn tĩnh lại. Đã suy nghĩ xong rồi, đối với Canh Dương thì sự chờ đợi mơ hồ khó hiểu này, là vĩnh viễn không cách nào danh chính ngôn thuận, kết thúc như thế, cũng hay. Hôm nay về quê, Phượng Tường định chắc rằng lòng không gợn sóng, nhưng luôn cảm thấy tự mình đã chia thành hai người, âm dương cách biệt. Thể xác bên này thuộc dương gian thì vô ý thức đi theo trong cửa ngoài cửa, bận rộn với túi lớn túi nhỏ; phần bên kia thuộc Âm phủ thì thấy mình như kẻ bàng quan lạnh lùng. Long Tường trên đường theo đưa tiễn đến ngoại thành, nhiều lần vái nhờ Trương đại thúc hộ tống thêm nhiều lưu tâm săn sóc. Sau đó họ lên đường làm chuyến đi xa. Ngôi nhà cũ tại hương thôn thật to lớn, tứ phía toàn là ruộng đồng bao la vô tận, láng giềng gần nhất cũng cách ngoài hai ba mươi trượng, hầu hết là tá điền của Lý gia. Lúc gia đình họ Lý cư ngụ nơi thành nội, gian nhà cũ này được giao cho người quản gia chăm sóc. Gia nhân ở nơi đây còn nhiều hơn so với nơi thành nội, bởi vì nuôi dưỡng nhiều người, vài ba tráng đinh còn là tay bắn súng. Chung quanh bức tường đất bên ngoài nhà, cách vài xích-thước liền có lỗ khoét cho khẩu súng, dùng để kê súng. Bởi vì chung quy là tại ngoại thành, phép vua nào có hiệu lực cõi biên thùy, thói quen tự lực cánh sinh tự bao đời trước cứ mãi truyền xuống như thế. Chẳng qua vài năm trở lại đây thế cuộc bình yên, có lẽ do vì người Nhật Bản nghiêm hình trọng phạt, giặc cỏ cướp đường gần như giấu che tung tích, họ về đồng ruộng giả trang làm việc canh nông đồng thời tạo dựng một nghề chánh đáng. Sinh hoạt tại hương thôn rất nhanh được sắp đặt an bài ổn thỏa. Ban ngày, Phượng Tường thường cưỡi ngựa, đi dọc theo con đường làng đất đá không tên, dường như dài vô tận. Từ nơi phương xa, đôi lúc có xe lửa lên bắc xuống nam gầm gừ chạy vội qua, khói ám đen ngòm liên lục như mây như mù nơi giữa trời xanh lan tỏa, che lấp chân trời. Phượng Tường thường hay dừng cương ngựa, lặng lẽ ngắm nhìn, để lòng theo chiếc hỏa xa trên đường đi về chốn vô định xa xăm, xa tít mù khơi. Người quản gia là Tôn lão đầu tuổi chừng độ sáu mươi, người cao to khỏe mạnh, nước da đen đúa; trên mặt lỗ chỗ vết thẹo, có lẽ ngày trước từng bị bệnh đậu mùa, trông như hung thần ác quỷ; nhưng lại là một ông lão xấu mặt mà lòng dạ thiện lương, tất cả người trong làng đều gọi ông là Tôn mặt rỗ. Người con dâu của ông, năm ngoái đã sinh cho ông một đứa cháu nội, tiểu niếp niếp (bé tí tẹo) sinh ra lại trắng nõn nà, tròn trịa giống như người tuyết nhỏ được dựng thành trong mùa đông. Tôn lão đầu ban ngày thường ôm cháu ngồi trong sân hong nắng, cười meo meo rút ra tẩu thuốc, ngậm rồi lấy tay chơi đùa với cháu. Phượng Tường thật không thích tiểu hài tử cho lắm, nhưng Niếp niếp và chàng lại rất có duyên, nhìn thấy chàng là nó sẽ từ trong lòng tổ phụ quơ tay quơ chân mỉm cười, muốn Phượng Tường bế, chiếc miệng nhỏ vừa mọc răng nanh “cục cục” kêu lên, cũng không rõ là rốt cuộc nó kêu lên ca ca hay thúc thúc. Có lúc, Phượng Tường ôm Niếp niếp tản bộ ra giữa cánh đồng, lúa mạch trong ruộng được trồng vào lúc đầu xuân, hạt gieo xuống phá vỡ lớp đất đông cứng. Hiện giờ đã cao cao xanh ngắt một vùng lớn rộng, gió lướt qua, liền trở thành lớp sóng vi vu trên biển cả. Ôm Niếp niếp đi trên mảnh đất mềm nhão, Phượng Tường luôn cảm thấy mình giống như một người cha nhỏ: đa sầu mà lặng lẽ. Chàng nghĩ, sau cùng có một ngày, chàng sẽ kết hôn, sẽ có con của chính chàng, vài năm sau, chàng sẽ giống như đang ôm niếp niếp của chính mình như thế, đến xem lúa mạch như thế. Đời người dài được mấy mươi năm, xét cho cùng chẳng qua chỉ là một cơn mộng bình thường đơn điệu nhàm chán. Quá khứ, ngoại trừ Canh Dương, chàng chưa từng có gì mong mỏi, từ giờ về sau, cũng sẽ không có nữa.