Trên đường lưu động tôi đã gặp nhiều anh chàng Vinh, song chưa phải là người mà tôi tìm kiếm. Lần này thì may ra... Nhưng thôi, cứ để các bạn theo dõi. Tôi cũng muốn kể quách đi cho gọn. Nhưng sự đời đâu có diễn ra theo y ngôn từ người kể, dù là đúng kiểu, dù là đúng điệu, dù chuẩn xác hay hoa mĩ. Bây giờ mời các bạn đến với một nhân vật mà các bạn vừa quen: Vinh B. Một căn phòng, một nửa là nơi làm việc, một nửa là nơi ở, chia cách nhau bởi một tấm màn. Trong phòng lúc này có Vinh B, bà mẹ vừa ở quê ra và Lan, một cô gái nông thôn có dáng dấp nữ sinh, khá xinh. Bà mẹ đang ngồi trên giường, hai cánh tay khoanh lại tựa trên đầu gối, nét mặt ủ ê, giọng rầu rầu: - Anh đã nhiều tuổi rồi đấy. Chẳng biết tôi có chờ được mà bế cháu hay không. Hồi còn chiến tranh anh ở tít trong Nam, hoặc hồi anh còn đi học thì đi một nhẽ. Vinh B đang sắp xếp gì đó cố nói vui: - Chỉ sợ đến lúc mẹ lại quá bận thôi. - Anh đừng nói lảng. Có người bà nào lại ngại nuôi cháu? – Vinh B lẳng lặng tiếp tục công việc – Anh cứ đi biệt, sao không nghĩ những lúc tôi vò võ một mình. Không có cái Lan bầu bạn thì tôi cũng đến chết héo rồi.- Bà ngừng lời, im lặng nhai trầu, chờ xem phản ứng của Vinh, nhưng Vinh cứ nín thít.- Mẹ muốn đến xem con ăn ở ra sao đã lâu, nhưng cứ nghĩ nỗi đường xa diệu vợi. Từ bé, mẹ đã ra khỏi huyện bao giờ đâu. Cái Lan ái ngại mới xin nghỉ việc ít hôm để đưa mẹ đi. Sao con cứ lì xì thế? Im lặng. Lan sực nhớ ra là có việc, xin phép ra ngoài. Bà mẹ nhìn theo, chép miệng: - Con bé tốt nết quá. Chỉ riêng mỗi việc nó đỡ mẹ những khi gánh nặng đường trơn cũng đủ ứa nước mắt quí nó. Tội nghiệp! Bao nhiêu đám bố mẹ nó muốn ép nó nhận lời mà chẳng được. Mà mẹ mới chỉ ướm với nó một câu xa xa thôi. Ngày anh ở nhà, mẹ thấy nó tuy còn bé nhưng đã tỏ ra quyến luyến anh. Chẳng chủ nhật nào anh ở trường huyện về mà nó không sang, khi thì hỏi bài, khi thì cho quả na, quả ổi. Anh định để nó đợi đến bao giờ? -Con có hẹn hò gì đâu? -Ăn nói bất nhân, bất nghĩa thế con! Chẳng lẽ nó lại hẹn con à? Hay là nó phải sắm giầu cau hỏi anh? Con người ta phải có cái tình, cái nghĩa con ạ. Huống chi đây còn là cái ơn. - Con cũng rất khổ tâm không biết nên tạ ơn cô ấy như thế nào. - Nếu con muốn thì chẳng khó gì. - Tạ ơn mà thành ban ơn đấy mẹ ạ. - Anh chẳng thương gì mẹ anh cả. Bà mẹ dỗi, xoay người quay mặt vào góc phòng. Lan trở vào. Mới nhìn thoáng qua, cô đã đoán ra phần nào sự tình. Cô đến bên bà mẹ nhỏ nhẹ: - Bác ạ, cháu xin phép về trước. Hôm nào bác về, bác điện cho cháu, cháu sẽ đưa xe đạp đón bác ở ga. Còn ở đây ra tàu đã có anh Vinh rồi. Bà mẹ đứng lên, nhả miếng trầu trong miệng ra tay: - Để bác cùng về với cháu. Cháu cứ ở đây, bác ra xem mấy thứ đã khô chưa. Vinh B lính quýnh: - Mẹ! mẹ về ngay sao được? Bà mẹ không trả lời, đi ra. Vinh quay lại Lan: - Lan ạ, Lan cũng ở chơi ít bữa nữa đã. Ở quê lúc này cũng không bận gì lắm kia mà. - Em còn cuộc họp thường vụ đoàn xã. Vinh ngần ngừ rồi ấp úng: -Lan… Lan tha lỗi cho tôi. -Anh có lỗi gì đâu? -Tôi biết Lan rất tốt với tôi, nhưng…- Vinh nuốt khan nước bọt – Lan hiểu cho tôi. Tôi, tôi…- Anh đưa tay nắn cổ, không dám nhìn thẳng vào Lan. Lan cúi đầu, cắn môi, rồi ngửng lên, giọng rành rẽ: - Anh Vinh ạ, em rất quí bác. Từ hồi em còn bé, bác đã rất thương em. Ngày anh còn ở chiến trường, em năng đến với bác không chỉ vì nhiệm vụ đội viên, đoàn viên đối với gia đình bộ đội neo đơn. Bây giờ em vẫn kính trọng và quí mến bác như trước kia. Còn với anh thì… - giọng cô hơi trầm xuống - trước kia Lan đã mến anh, dẫu rằng…-một hồi ức chợt đến khiến cô bật cười, và do vậy, giọng cô trở nên điềm tĩnh- dẫu rằng anh hay bắt nạt Lan. Nhưng Lan không định làm một Nguyệt Nga chưa biết tình ý Vân Tiên ra sao vẫn cứ ôm bức tượng chờ đợi đâu. Chị Nguyệt Nga thời phong kiến kiên tâm đợi chờ trước hết vì nghĩa sau mới vì tình, và dựa vào một niềm tin có tính chất định mệnh và giáo lí. Dù vậy, chắc hẳn chẳng bao giờ chị ấy chấp nhận một sự hạ cố. Cụ đồ Chiểu đã để cho Vân Tiên tự đến rước Nguyệt Nga về. Lan hiểu anh, anh yên tâm! Lan chưa… là vì chưa gặp… đấy thôi. Trong những người đến với Lan, có người Lan rất quí, nhưng cũng chỉ mới đến thế. Lan biết ý định của bác và Lan vẫn mến anh. Song, cho phép Lan được như một người em gái của anh. Lan chỉ sợ làm bác buồn. Nhưng có lẽ đã đến lúc… Thôi, để em ra đỡ bác một tay. Lan đi ra. Vinh định bước theo, nhưng lại đứng sững đặt một tay lên má: - Như bị một cái tát, đáng đời chưa! Lan lớn hơn là mình tưởng. Mà sao Lan có những nét giống Thao thế nhỉ? Bà mẹ và Lan vào. Tay Lan khoác mấy chiếc quần áo đã phơi khô. Bà mẹ lấy ra một cái túi du lịch, hai bác cháu hí húi gấp áo quần cho vào đó cùng một số vật dụng tuỳ thân. Vinh đứng như trời trồng, hai bàn tay bện vào nhau trước ngực, giọng khổ sở: - Mẹ ạ, mẹ và Lan chưa về được đâu. Bà mẹ lầm lũi xếp đồ, lạnh tanh: - Anh để bác cháu tôi về. Anh giờ có chức vị rồi. Dây với những người nhà quê nó kém thế đi. Bà giành cầm lấy túi du lịch từ tay Lan đi ra cửa. Vinh nhăn nhó: - Khổ con lắm, mẹ ơi!- Anh bất lực đi theo mẹ. Lan ái ngại: - Hay là … bác cứ ở chơi ít bữa nữa đã bác ạ. - Thôi! Ở đây chật lắm cháu ạ. Ta đi thôi. -Bà sực nhớ- Cũng phải đi chào qua các người ở đây một tí. Vừa lúc mấy thanh niên gái và trai ùa vào. Họ hơi sửng sốt, tranh nhau nói: - Bác và chị lên chơi ít ngày thế ạ? - Chúng cháu chưa kịp đến chào bác mà bác đã về ư? - Cháu tưởng…… Bà mẹ trao chiếc túi cho Lan, chắp tay trước bụng xởi lởi: - Chúng tôi xin giã ơn các bác, các anh, các chị. Ở nhà còn con lợn, con gà, mảnh vườn, đám ruộng nó chờ tay người. Rứt ra mà đi như thế này cũng là nóng ruột lắm. Thôi bác cháu tôi xin phép. Chúc các bác, các chị, các anh mọi sự tiến bộ. Bà mẹ và Lan đi ra trong tiếng chào, tiếng chúc chen nhau lao nhao: - Bác về ạ! Chị về nhé! – Chúc đi đường bình an. -… Vinh bị lọt thỏm vào giữa tốp người đi tiễn ra khỏi phòng. Rớt lại hai người, một cô, một cậu. Có vẻ như họ cố ý nán lại. - Em chàng Vinh hả? -Thế cũng đòi nói! Dáng không tự nhiên thế kia thì chẳng vợ chưa cưới, cũng người yêu. Vinh ta vớ được của ấy thì bằng lên thiên đường rồi. Anh chàng tẩm ngẩm, cấm có hở ra tí gì. - Nhưng sao ra về vội thế? - Ừ! Có vẻ như Vinh muốn giấu chuyện gì ấy. - Nghe nói Vinh còn vướng với một cô nào hồi đang chống Mĩ kia. Hai người vừa đi ra vừa tiếp tục “phán”. Khi An, bí thư đoàn cơ quan, dẫn tôi đến thì gian buồng trống không, cửa vẫn mở. An bảo tôi: - Vinh ở đây. Ơ, cậu này đi đâu nhỉ? Chắc hắn ta chỉ chạy đâu đó thôi. Ta chờ một chốc đồng chí ạ? Sao đồng chí biết đây mà tìm? - Tình cờ thôi, Tôi đến đây công tác, may lại trúng người đang tìm. - Mời đồng chí ngồi. Tay Vinh tệ quá, chẳng báo cáo gì với tổ chức cả. Tôi là bí thư đoàn ở đây mà cũng chỉ biết mơ hồ rằng cậu ta trước đây đã từng gắn bó và cô kia đã hi sinh hoặc mất tích. Vừa đây, mẹ cậu ta đến cùng với một cô gái. Có người nghĩ là vợ chưa cưới của cậu ta. Không lẽ có chuyện tung hoả mù. Tôi nói lên suy nghĩ của mình: - Nhìn qua nơi ở và nơi làm việc thì thấy cũng là người bình dị. An nhìn quanh phòng với ánh mắt xét nét: - Cũng chưa biết thế nào. Cậu này không thuần tính lắm. Chẳng coi ai ra gì cả. Lúc đầu, các đồng chí phụ trách rất quí cậu ta. Có năng lực, có tinh thần trách nhiệm, hay làm mà ít nói. Nhưng rồi cậu ta cứ thò gai ngạnh ra. Mới đây vừa cho thủ trưởng một cú điếng người. Ai đời cấp trên về kiểm tra, thủ trưởng đọc một bản báo cáo dài, số liệu đầy đủ, luận cứ hùng hồn. Ai nấy đều tán thưởng. Mọi người sắp đứng dậy vào liên hoan – mà liên hoan mặn hẳn hoi cơ, thì hắn ta đứng lên nói: “ Bản báo cáo này nếu đọc để liên hoan thì chẳng nói làm gì. Còn nếu để rút ra những bài học cần thiết thì phải xem xét lại.” Đồng chí bảo thế có ngang không? - Chắc anh ta cũng có cái lí của mình. - Tất nhiên, quét nhà thì ra rác. Hắn ta chỉ chuyên môn đơn thuần, nhận thức chính trị non, phương pháp tư tưởng có vấn đề. - Có thể anh ta có tâm tư riêng chăng? - Tôi cũng nghĩ vậy. Thủ trưởng tôi bảo: những anh muộn vợ là một, tự thị là hai, là chúa gàn. Để rồi cột mụ vợ vào, kéo theo đàn con, xem có tỉnh người ra không. Vinh vào, vẻ mặt âm thầm, chào qua hai chúng tôi rồi đến ngồi vào bàn làm việc của mình. – Chàng trai khôi ngô này già trước tuổi, - tôi ngầm đánh giá - kiểu người sống nhiều về nội tâm đây. Anh ta cũng chẳng thèm ngạc nhiên sao có người lạ trong phòng mình nữa. An cau mày hắng giọng gọi: - Vinh này! có đồng chí đây đến tìm cậu đó. Vinh hơi ngửng lên. Tôi lặp lại động tác đã thi thố một lần,- vừa mở cặp, vừa nói: - Có một người đã nhiều năm chờ đợi... – Vinh đứng bật dậy, mặt tái đi rồi đỏ lên. Tôi rút phong thư ra và chìa cho anh. Vinh trân trân nhìn phong thư trên tay tôi giây lâu rồi mới giơ tay cầm lấy. Anh đọc nhanh trên phong bì, nhìn tôi: - Không phải nét chữ. - Tôi đề hộ đấy mà. – Tôi vội lên tiếng. Vinh lí nhí cảm ơn rồi cầm phong thư lẳng lặng đi ra. An đứng nhìn nghé qua cửa sổ có ý dõi bóng Vinh. Lát sau, anh ta quay lại tôi: - Sao hắn ta lại phải lẩn đi nhỉ? - Hẳn là vì hạnh phúc đến bất chợt. – Tôi nói đưa đẩy, song thực sự vui trong lòng, một cái vui khá là vu vơ. Thường khi người ta mong muốn được vui mà chẳng đòi hỏi chi nhiều. Nhưng... Ngoài kia, Vinh B đang đi giữa mấy rặng cây vắng vẻ, tay nắm chặt phong thư như sợ tuột mất. Có lúc cười một mình. Có lúc bần thần. Dừng lại dưới một góc cây áp thư vào ngực trái. Ngồi lên cỏ, mân mê thư, lại giơ lên soi. Mãi rồi mới quyết định bóc thư. Bóc một cách thận trọng chứ không xé. Giật mình. Chau mày. Lật giở trang thư nhìn lướt nhanh xuống cuối thư. Buông thõng tay, ngả người dựa lưng vào gốc cây. Mặt lộ vẻ chán chường, buồn nản. Một lúc. Cầm lá thư lên vuốt chỗ bị nhàu, rồi cẩn thận cho vào phong bì. Mệt nhọc đứng dậy. Chậm rãi đi về phòng. Vinh trở vào, mặt lạnh, lấy hồ dán lại phong bì rồi đặt lên bàn trước mặt tôi, nói nhanh: - Không phải của tôi. Anh chẳng nhìn tôi, chẳng nhìn An, với tay lấy cái cặp giấy nơi góc bàn phía trong và lặng lẽ đi ra. An bước lại chộp phong thư lật qua lật lại săm soi tuồng như muốn qua đó tra gạn về thái độ lạ lùng của Vinh. Nhưng thật ra chẳng để làm gì cả. Anh ta dằn mạnh phong thư lên mặt bàn buông một câu: - Có chuyện đây. Anh ta cắn môi day day rồi chợt hỏi tôi: - Ở cơ quan cô ấy không có chỉ dẫn gì thêm à? Tôi ngần ngừ có dễ đến mươi giây trước khi rút ra phong thư thứ hai, phong thư mà các bạn đã nghe nói đến một lần rồi. Tôi vắn tắt bảo An: - Đây là thư thủ trưởng cô ấy. An hăm hở xé bì thư, chăm chú đọc. Anh đọc thành tiếng, cao giọng, có lúc như tự nhủ: - “Bộ đội, đi B. Tháng 5 năm 1969 chuyển qua bộ phận tuyên huấn”. Đúng rồi! “Được ra Bắc đi học tiếp năm 1970”. Đúng rồi! rất khớp với lí lịch. – An ngừng đọc ngửng nhìn tôi, giọng bất bình – Đúng là có chuyện không bình thường. Hoàn cảnh mới làm tha hoá con người – Anh ta lại cúi đọc – “Nhẹ nhàng, khéo léo tác thành cho họ”. Khó đấy! khó đấy! Đây là vấn đề tư tưởng, không chỉ là vấn đề nhân cách. Tôi dè dặt góp ý: -Có lẽ chưa nên vội kết luận. -Nên với chả nên gì nữa. – An hùng hồn và hùng hổ nói như cãi nhau với tôi - Người ta chờ đợi đến mỏi mòn. Ngọt bùi quên lúc đắng cay. Chó má thật! Đã thế lại ngang như cua, coi thường lãnh đạo. Giờ mà có cô kia ở đây thì xem hắn ta có biết độn thổ không? - Cái ấy thì dễ thôi. Cơ quan bên ấy sẵn sàng cho một xe con đưa cô ta đi. Nhưng phải cân nhắc đã đồng chí ạ. - Cân nhắc chứ, anh yên tâm! Không thì mang tiếng cả. – An nói một cách trịnh trọng và với một sắc thái khiến tôi nghe như anh ta bảo: “ Anh không phải dạy tôi!”