Chương 6

Chúng ta hãy trở lại nơi mà cách đây chưa lâu lần đầu tiên chúng ta biết Thao, Hồng và những người khác.
Hồng đang chầm chậm bước loanh quanh, chú tâm vào bản nhạc cầm trên tay. Cô vẫn hồn nhiên, xinh tươi, nhưng lúc này cái phơi phới tuổi xuân nơi cô toát ra rõ hơn. Cô đang tập hát. Chỗ luyến  tại một nốt rất trầm trong câu: “Xuân thoáng qua mà ánh mắt đọng lâu” làm cái giọng nữ cao của cô khá vất vả. Bây giờ cô đã vượt qua được và cô dượt lại mấy lần để “củng cố thắng lợi”.
- Trời ơi! cứ ngỡ là danh ca nào - tiếng kêu vui vang lên ngay sau khi tiếng ngân câu hát của Hồng vừa dứt khiến cô giật nẩy mình ngoái lại. Cô cũng reo to:
- Chị Thao! hôm nay nom chị vui hẳn lên.
Nhận xét đó chẳng ngoa. Thoa đã cất bộ mặt trầm tư; má cô như có ánh phớt hồng. Cô tươi tỉnh nói với bạn:
- Một đồng đội cũ của mình mới chuyển ngành vừa cho mình biết là sau ngày giải phóng Sài Gòn ít lâu có trông thấy anh Vinh, nhưng vì lúc ấy hai xe đi ngược chiều nhau nên không kịp hỏi chuyện. Vậy là anh ấy còn sống. Ủa! sao Hồng có vẻ ngơ ngác thế? Anh ấy tên là Vinh, mình nói với Hồng chưa nhỉ?
Hồng ôm chầm lấy Thao:
- Hoan hô chị! Hoan hô anh Vinh của chị! Anh ấy họ gì hở chị?
- Họ Nguyễn, Nguyễn Vinh.
- Thế là trùng tên, trùng họ với anh Vinh đây – ta gọi là Vinh A. Phải rồi! của chị là Vinh B. “Sáng kiến” chưa chị? Chị phải thưởng em mới xong. (Thú thật, chính là do “sáng kiến” này của cô Hồng mà tôi mới có cái đề nghị “tạm gọi” trên kia). Nhưng mà em phải mừng chị cái gì đã. À, bước đầu em hãy hát mừng chị bài “Ánh mắt”. Bài này hợp với chị. Em đọc lời chị nghe thử nhé. – Không chờ Thao gật, Hồng đọc luôn:
Em hỏi anh rằng xuân ở đâu?
Xuân trong ánh mắt thuở ban đầu.
Ơ! xuân bất chợt nơi hò hẹn
Ai chứng niềm vui với nỗi đau?
 Thuở ban đầu
Xuân thoáng qua mà ánh mắt đọng lâu
Ánh mắt đọng lâu và xuân lẩn trong ánh mắt
Mùa xuân có mưa phùn gió bấc
Còn không ánh mắt người ơi!
Hồng đọc một cách say sưa, giọng ngân nga như hát. Thao tủm tỉm:
- Em đọc vậy thì chẳng cần phổ nhạc nữa. Có đủ mùi nhạc “vàng” rồi.
Hồng cười chống chế:
- Lời có hơi mềm hơn ca khúc cách mạng. Nhưng vàng hay không còn tuỳ cách hát nữa chứ. Bài này anh Vinh, anh Vinh A ấy mà, phổ nhạc bài thơ của ai đó để hát riêng, em chộp được, em mới đòi anh ấy tập. Nào! chị ngồi nghiêm chỉnh vào! Coi như em biểu diển chính thức lần đầu, ưu tiên dành cho một khán thính giả duy nhất.
Hồng sửa soạn tư thế biểu diễn y như trên sàn diễn thật. Ban đầu, Thao còn cười cười theo dõi Hồng xăng xái một cách tò mò. Về sau, bị cái nhiệt tình của cô bạn chinh phục, cô ngồi im lặng chờ với cái tâm trạng của người ngồi trong rạp hát chờ lúc mở màn. Hồng đang dọn giọng thì Vinh A đi đến.
Bài thơ mà Hồng nói vốn là do Tân nhặt được ở đâu đó đem phô với Vinh. Khi đó, Vinh cười khẩy: “Những thứ ướt át kiểu này chẳng đi đến đâu. Hoạ chăng bẫy được mấy ả gà choai ham học đòi và chuộng lạ”. Sau lần tôi chuyển thư hụt cho anh ta, Vinh A khật khừ mất mấy hôm. Một tối, buồn tình táy máy lục ngăn kéo, anh vớ được bài thơ nọ mà anh đã không thèm để ý. Cũng là vì buồn tình anh tần mần đọc chơi. Bỗng mắt anh sáng lên, vội lấy giấy bút ngồi hầu như suốt đêm phổ nhạc bài thơ đó. Rồi anh ta đem “hát riêng” nhưng không hề có ý định giấu giếm. Ý tứ lời ca dễ có cơ tác dụng như con dao hai lưỡi. Nhưng như một phù thuỷ cao tay ấn tin ở các ngón của mình, Vinh tự tin tài “chơi dao”.Vả chăng, đơn thuốc hay chẳng bao giờ chỉ dùng độc một vị.
Hồng thấy Vinh vào thì vỗ tay:
- A, anh Vinh! Em đang sắp biểu diễn bài “Ánh mắt” của anh. - Chợt nhận ra Vinh tay không, niềm hào hứng của cô hơi xẹp bớt – Anh không mang đàn theo, tiếc nhỉ! Thôi thì anh làm nhạc trưởng dàn ca một người vậy. Ta bắt đầu nhé!
- Chớ! -Vinh lắc đầu, vẻ phật ý – Bài ấy không biểu diễn được đâu.
- Sao vậy anh? - Hồng ngạc nhiên, không hiểu.
- Không hợp. Hồng đưa bản nhạc cho anh.
Hồng nhìn Vinh nghi hoặc, nhưng vẫn trao bản nhạc. Vinh cầm tờ giấy gấp lại xé đôi rồi đút túi. Hồng trố mắt; còn Thao thì hơi mím môi, song chỉ một thoáng, cô nói nhẹ nhàng:
- Sao anh Vinh lại làm thế?
Vinh phác một cử chỉ mơ hồ:
- Thời nay người ta không cần loại bài hát này. Chuyện giữ gìn ánh mắt chỉ là chuyện nhố nhăng, và cả tin là khờ dại.
- Anh nói gì lạ vậy? - Hồng như bị bất ngờ.
- Tôi nói thời nay người ta không thích chờ đợi. – Vinh thản nhiên.
Hồng giận dữ nói nhanh:
- Anh có biết anh đang phỉ báng bao nhiêu chị ở cả hai miền Nam Bắc đã từng chịu đựng, và có người hiện vẫn còn phải chịu đựng như chị Thao đây không?
Thao kéo tay Hồng:
- Hồng! bình tĩnh, em!
Mặt Vinh vẫn lạnh, duy mép trái hơi nhếch:
- Xin lỗi hai cô. Nhưng tôi chỉ nói một sự thật.
- Một sự thật đẻ ra từ những suy nghĩ không lành mạnh. - Hồng gay gắt nói.
- Tôi thèm được tin ngây thơ như Hồng.
- Tôi không muốn nghe anh nữa.- Hồng quay ngoắt người đi.
Vinh bỗng cởi bộ mặt lạnh lùng, công phẫn tuôn lời:
- Cô muốn biện hộ cho những ai nào? Cô đã buộc tôi phải nói ra điều mà tôi đã nguyện sống để dạ, chết mang đi. – Anh ho khan hai tiếng trước khi nói tiếp – Đêm hôm trước ngày tôi lên đường đi xa, người ta gục mặt vào ngực tôi khóc như mưa, như gió: “Em làm sao sống được trong nhiều năm đằng đẵng thiếu nụ cười, tiếng nói của anh”. Rồi ngày tôi trở về, người ta cũng lại gục mặt lên ngực tôi:  “Anh hãy đền cho em những tháng năm chờ đợi”. Tôi nao nao cả lòng. Sau mới vỡ lẽ ra rằng trước đó ít lâu người ta vừa huỷ một đám cưới chỉ vì chú rể không chịu chạy vạy để khỏi bị điều lên miền núi. Đấy! cô có muốn nghe những chuyện như thế không? -Anh thở dốc rồi dịu lời- Xin lỗi. Lẽ ra tôi không nên kể lại. Chẳng để làm gì cả.
Hồng bối rối. Cô không ngờ sự thể lại có thể như thế. Cô nói nhỏ:
- Hồng xin lỗi anh. Hồng không ngờ. Hồng không biết.- Cô e dè nhìn Vinh, nhưng anh ta đang chú tâm, có lẽ là hơi quá mức, vào việc châm một điếu thuốc lá.  Hồng đến gần, rụt rè:
- Chị ấy bây giờ ở đâu anh? Có thể chị ấy có hoàn cảnh riêng.
- Người ta thì thiếu gì hoàn cảnh, thiếu gì lí do. – Vinh vừa nói vừa nhả khói từ từ. Một vành khói trắng đùn ra chậm lan toả dần, khuôn mặt chàng trai như bị che bởi một làn sương mỏng đậm nhạt không đều. - Dự trữ sẵn cả tập trong túi ấy. Mình chưa kịp định thần; nước mắt trên ngực áo mình chưa kịp khô thì đã nhận được thiếp mời dự cưới, kèm theo một mẩu thư: “Em đã hoài công đợi chờ. Thôi thì em trả lại tự do cho anh”. Ha, ha! Thành ra mình là người có lỗi.- Tiếng cười khan nghe chờn chợn. Anh bỗng đổi giọng –Thôi! cho qua! Ta hát bài gì nào? Bài “Hãy sống cho hết mình” nhé!
- Thế mà anh Tân chẳng nói gì cả. - Hồng vẫn giọng ân hận.
- Chúng tôi trân trọng nỗi đau riêng của nhau.- Vinh khụt khịt mũi, rồi bỗng cao giọng – Mà việc quái gì phải đau nhỉ! Thời đại đổi thay, lòng người đổi thay thì ta cũng phải thay đổi cho ngang tầm thời đại. Can chi mà hối tiếc một lần cả tin. Nào! hát cho dui nào! - Chẳng cần biết Hồng và Thao phản ứng ra sao, anh không dọn giọng, hát to – “ Bạn ơi, Thời gian không đợi chờ. Sống sao cho hết mình”. - Hồng và Thao đưa mắt nhìn nhau. Vinh dừng hát, cau mày hỏi – Sao không hát? – Anh chặc lưỡi – Không hát thì nhảy vậy. Hồng lại đây! Anh dạy một điệu tân kì đang thịnh hành ở các nước bạn. Điệu nhảy hôm trước ở câu lạc bộ chỉ múa tay, đưa chân lề rề, chẳng phải là nhịp điệu thời đại. Thế này! – Anh ta chìa tay cho Hồng, nhưng Hồng đang thần mặt ra nhìn ngỡ ngàng. Anh ta bèn nhảy với một bạn nhảy tưởng tượng. Điệu nhảy này Thao không biết đã đành, mà Hồng cũng chưa biết, chỉ thấy vặn vẹo, lắc và xoay lạ kiểu. Hai cô lại đưa mắt nhìn nhau. Vinh ngừng, hất hàm – Sao? Ngại à? Các cô này “quê” hết chịu nổi.- Anh ta ra bộ chán ngán bỏ đi.
Hồng ngó Thao, nói như người có lỗi:
- Em bộp chộp quá phải không chị? Chưa bao giờ anh Vinh bị kích động như vậy cả.
- Em đừng lo. Anh ấy có vẻ là người có bản lĩnh. – Thao muốn trấn an bạn.
Hồng vẫn bị ám ảnh:
- Thảo nào mà có lần anh Tân triết lí: “Ở đời, hoặc là đem lại bất hạnh cho người, hoặc là bị người làm cho bất hạnh.” Anh Tân kể rằng có một anh chàng cũng học ở nước ngoài cùng anh Vinh A. Trước khi ra đi, anh ta thề non hẹn biển với một chị thanh niên xung phong. Đến khi về nước, anh ta lại cưới ngay con gái một ông bự. Bây giờ nghe đâu đang sống vung vinh ở trong Nam.
- Đừng nói những chuyện ấy nữa, Hồng ạ.
- Chẳng hiểu chị kia bây giờ sống ra sao.- Hồng đang đà nói. Cô chợt nhận ra Thao không muốn nghe - Chết! em cứ lải nhải như con điên ấy chị nhỉ. Em hát cho chị nghe nhé. Bài “Ánh mắt” ấy em thuộc rồi.
Thao đã đứng lên:
- Đừng hát nữa. Mình phải đi đây.
Hồng nhìn theo Thao có vẻ lạ lùng.