Chương 8

Câu chuyện của họ được tiếp nối trong phòng riêng của Vinh. Sau này ta sẽ được biết hoặc đoán biết. Còn bây giờ hãy theo dõi hai nhân vật khác. Hồng nghe được một cái tin từ chiều bèn tức tốc đi tìm Thao. Lúc này đi cạnh Thao, cô đang rất bực tức. Cô nói khá to như đang cãi nhau với ai đó.
- Vô lí! Hôm nọ ngỏ ý điều chị lên cục. Chị không thích. Bây giờ lại điều chị vào Tây Nguyên. Rất chi là vô lí.
Thao dè dặt:
- Cũng mới là dự định thôi.
- Dự định! -Hồng trề môi,- họ chuẩn bị dư luận đấy. Rồi chị xem!  Cô nhại lời cán bộ tổ chức, hơi kéo dài giọng “theo yêu cầu công tác và xét khả năng của cán bộ”.-Cô không nén được bực tức.- Hết người rồi à? Em biết tỏng ra rồi, họ muốn quyến chị cho tay Lượng nên gây sức ép đấy mà. Ông bộ trưởng làm ra vẻ vô tư, cao đạo, nhưng chính ông ta đạo diễn, chí ít cũng để lỏng cho chánh văn phòng và vụ trưởng tổ chức mặc sức dàn dựng.
- Hồng! biết thế nào mà nói vung lên thế em.
Thao khuyên can bạn, nhưng trong thâm tâm, cô thấy khó mà bác lại. Lượng là con trai đương kim bộ trưởng. Anh ta vừa học xong đại học ở Đông Đức về là được tuyển ngay vào làm đồng nghiệp của cha bấy giờ còn là cán bộ cấp vụ, dẫu rằng ở đó chẳng có chỗ nào sử dụng được vốn tri thức mà anh ta cóp nhặt được từ nước ngoài cả. Công phu đào tạo của bạn giúp ta chỉ có mỗi cái lợi duy nhất -đối với anh ta và những người thân của anh ta, tất nhiên,- là trong lí lịch anh ta có một dòng sáng giá: “được đào tạo tại một nước anh em”. Vốn là người Việt Nam ta "có đến năm gien thông minh"(!) trong khi người Nhật "chỉ có ba gien thông minh"(!) như lời một vị lãnh đạo cỡ bự nọ từng rao giảng tại một cuộc gặp mặt giới trí thức. (Nghe đâu có một ông trí thức cỡ bé tí sau khi được một ông trí thức chính thống nắc nỏm truyền đạt lại những lời vàng ngọc trên đã dại miệng thốt ra: "Vậy thì ông ta phải có đến sáu gien thông minh và những ai tán dương ông ta e có đến bảy gien thông minh!".) Anh chàng Lượng chẳng cần "chuyên môn đơn thuần", hầu như năm nào anh ta cũng đạt danh hiệu "lao động tiên tiến" và không ít năm đạt "chiến sĩ thi đua" ngay cả khi ông bố chưa ngồi lên cái ghế tột đỉnh của ngành dọc. Thế mới biết cán bộ ta nhờ "thông minh vốn sẵn gien nhà", lại nhờ được đảm bảo về lí lịch và chính trị, thật là "đa năng" làm gì cũng được, quẳng ra đâu cũng xoay xở được(!). Vụ Thao xô đổ ghế thủ trưởng được giữ kín nhẹm, nhưng dĩ nhiên ông bộ trưởng phải được biết. Ông đích thân đến tận nơi định bàn với cấp có thẩm quyền cách xử lí kẻ xúc phạm kỉ cương, xúc phạm lãnh đạo, sao cho có vẻ "hợp tình, hợp lí". Nhưng sau khi "gặp" Thao -một cách không trực tiếp- ông thay đổi ý định: ông chợt nhận ra rằng tay thư kí riêng của ông vốn gắn bó với ông từ thuở ông chưa là bộ trưởng quả là chậm chạp ít giúp được ông, nhất là trong giao tiếp và trong những chuyến đi công cán xa; và ông chua chát thừa nhận rằng lứa lãnh đạo hơi trẻ hơn ông, mà ông vẫn coi là bọn hãnh tiến, láu hơn ông -nhiều kẻ đã biết dùng thư kí riêng là nữ. Cũng may, chính vào thời điểm đó Thao đã lọt vào mắt xanh của Lượng, và ông bộ trưởng vẫn được tiếng là người cha khả kính. Thao được gợi ý "điều lên cục", song chẳng phải làm thư kí của bộ trưởng như đáng ra là thế mà để làm cán bộ gần chỗ Lượng. Và Thao đã từ khước, để rồi được chuyển về nơi này. Điều "gợi ý" ấy đã được nhắc lại cách đây chừng nửa tháng, và vẫn chưa có hiệu quả. Còn bây giờ…
- Vậy chị chịu đi à? - dáng vẻ Hồng như sắp gây gổ đến nơi.
- Đi cũng được chứ sao. - Thao đáp, không tỏ ra nhẫn nhục.
- Chị chọn "lên cục" hay "vào Tây Nguyên"?
- Vào Tây Nguyên.
- Để được yên thân chứ gì?
Thao nín lặng một lát rồi nói, giọng xa xăm:
- Hồi còn ở Trường Sơn, anh Vinh và mình đã từng ao ước có ngày được góp phần khai phá Tây Nguyên.
- Nhưng lúc này thế là trốn lánh.
- Mình không trốn lánh những thử thách đâu.
- Ngộ nhỡ anh Vinh của chị đi tìm chị ngoài này?
- Khi đã cố tìm thì ở đâu mà chẳng tìm được. - Hồng nghe như Thao nói chẳng mấy tự tin, có thể do cảm nghĩ chủ quan của cô lúc này đang lo lắng cho Thao.
- Không ổn. -Hồng bặm môi- À! Hay là… anh Vinh A có ông bố làm to lắm, ta nhờ can thiệp. Em bảo anh Vinh A nhé, chị nhé!
- Đừng! - Thao vội ngăn.
Lúc ấy, có một người đi qua chìa ra một phong thư: "Của chị Thao đây này!". Thao hơi giật mình, đang định thần thì Hồng đứng gần hơn đã nhanh nhảu chạy đến cầm lấy. Cô đọc liếc trên bì rồi nhìn Thao:
- Đố chị biết thư ai gửi? Chị chịu nhé! Để em mách thêm cho: "Ở Sài Gòn". Nếu chị đoán đúng thì chắc có tin mừng.
Thao nhăn trán một tí:
- Của Thanh Vi phải không?
- Đúng rồi! - Hồng lộ vẻ mừng trao thư cho Thao - Có khi chị phải khao em đấy.
Mặt Thao rạng lên. Cô vội bóc thư, cắm cúi đọc. Nhưng rồi mặt cô ỉu dần. Cô đến ngồi vào một chiếc ghế đá, trấn tĩnh, giở thư ra đọc lại. Cô thở dài, tay cầm thư thõng bên mình. Này giờ, Hồng như nín thở theo dõi bạn, vội hỏi:
- Sao chị?
Thao im lặng chìa thư cho Hồng. Lá thư không dài lắm. Đoạn sau đây là quan trọng nhất đối với Thao, cũng là đối với Hồng:
"Chị thân yêu! Em đọc được trong một tờ báo hàng ngày ra tại Sài Gòn dòng nhắn tin như sau: Anh Nguyễn Vinh, bộ đội, đi B lần thứ hai năm 1974, hãy cho vợ là Tô Thị Nguyệt, hiện đã trở về công tác ờ Sài Gòn, nhà số…, đường…, biết tin. Em đã đắn đo mãi khi quyết định báo cho chị chuyện này".
Hồng phất mạnh tờ giấy trong tay như muốn quẳng đi, mặt bừng bừng:
- Hừ! Tệ thật! Hứa hẹn với thề bồi như thế đó.
Thao như tự nói với mình:
- Lẽ nào lại là anh? Không! Không thể là anh được.
Hồng vẫn chưa dứt cơn tức bực:
- Thì ra anh ta cũng chỉ là một thứ của giả. Lòng tin không đủ chứa tình yêu.
Thao kêu lên:
- Hồng! Không phải đâu!
- Anh ta chẳng đáng để cho chị nghĩ đến nữa. - Giọng Hồng vẫn căng.
- Em đừng nói thế. - Thao dịu dàng bảo bạn - Chị biết rõ anh ấy. Thiếu gì người trùng tên.
Hồng ngước nhìn Thao:
- Chị ơi! Em lo cho chị quá.
Thao bỗng hơi nghiêm giọng:
- Thôi! Đừng nói nữa, em! - Cô lại dịu lời - Em hát bài "Ánh mắt" cho chị nghe đi.
- Nhưng mà… - Hồng bối rối.
- Em hát đi! - Thao nài, không nhìn Hồng.
Hồng e dè nhìn Thao, nói khẽ: - Vâng. - Cô dọn giọng rồi hát, ban đầu rõ ràng là miễn cưỡng, nhưng rồi lời hát cuốn cô đi.
Tân từ chỗ Vinh đang đi ra cổng, chợt vẳng nghe tiếng hát, bèn tìm đến. Anh náu mình nghe một chốc rồi đi vào, vừa đi vừa vỗ tay:
- Hoan hô! Nhưng tôi chỉ hoan hô giọng hát, chứ không vỗ tay khen bài hát đâu nhé.
Hồng hơi ngỡ ngàng:
- Sao vậy?
- Vì bài hát không hợp mốt.
- Mốt gì?
- Mốt "ba lợi ích" như trong kế hoạch của các xí nghiệp nhà nước ấy mà thực sự chỉ có một lợi ích duy nhất là đáng kể thôi.  
Thao không đừng được:
- Anh Tân nói cứ như đánh đố ấy.
Tân tặc lưỡi:
- Thôi được! Để tôi kể một câu chuyện vậy. Có một chàng yêu một nàng say đắm. Chắc hẳn có ánh mắt, có mùa xuân đủ cả, như trong bài hát vừa rồi ấy. Lại có lời thề thốt rất chi là trứ danh: "Anh có phản lí tưởng của Đảng thì anh mới phản em". Đùng một cái, nàng bị tai nạn lao động vào mắt, phải nằm viện mắt chữa mấy tháng chưa khỏi. Lâu không thấy chàng đến thăm, nàng những lo cho chàng có chuyện gì bất trắc. Thì ra cám cảnh nàng, chàng buồn tình bèn "quất ngựa Honda" rẽ lối vào nhà một cô bé có cha lãnh đạo một cơ quan kinh tế và mẹ đi buôn lậu bằng vốn và phương tiện của nhà nước, nghĩa là một con phe cao cấp, một con điếm kinh tế quí phái. Và đến chủ nhật vừa rồi, chàng đã được hân hạnh gọi cô ta là vợ.
Hồng chau mày:
- Anh buồn cười thật. Chẳng ăn nhập gì chuyện không hợp mốt với "ba lợi ích" cả.
- Sao lại không? - Tân nghênh mặt - Nhịp ca nhạc phải theo kịp nhịp sống bon chen chứ! Bởi vì những ai nhẵn mặt ở các tiệm nhậu suốt ngày xập xình tiếng nhạc nào? Những ai sẵn sàng quẳng ra hàng trăm bạc, giá của mấy chục bát phở, để tầm một cặp vé chui một tối ca nhạc nhẹ nào? Những ai xài những máy nghe nhạc tối tân nào? Có khi họ mù nhạc nhưng vẫn là những kẻ cầm trịch đấy.
Thao cười buồn:
- Anh nhìn đời hơi u ám đấy.
Tân cười khẩy:
- Tôi bị phê là "nhìn u ám", còn thiên hạ thì cứ việc "làm u ám".
Hồng: - Anh chẳng nên nghe bài hát vừa rồi.
Tân: - Bọn đàn ông đều không đáng nghe. Rặt một lũ xa mặt là cách lòng liền. Thời "Chinh phụ ngâm" chỉ mới "lời sao mười hẹn, chín thường đơn sai". Còn thời nay ấy à! Mười hẹn thì đơn sai cả mười một. Đáng đem chém tuốt tuồn tuột.
Hồng nhặt một cái que cầm chặt trong tay như cầm một con dao dứ dứ:
- Anh chìa cổ ra đây!
Tân còn chưa hiểu, nghếch mặt như muốn hỏi lại thì Hồng đã quát bằng một giọng thanh thanh:
- Kìa! Mau lên! Anh vừa đòi chém tuốt.
Tân khom người vươn cổ ra:
- Chúa Giê-su còn chịu đóng đinh trên cây thập tự để chuộc tội cho loài người được thì tôi há không chịu bị chém đầu thay cho cánh "đực rựa" đầy tội lỗi được hay sao?
Hồng ướm cái que vào cổ Tân:
- Anh có chịu thay mọi kiếp được không? - Cô bỗng quẳng cái que đi, đột ngột trầm giọng nói - Chị Thao sắp bị điều lên cục đấy.
Tân hỏi lại nhưng không ra vẻ ngạc nhiên lắm:
- Thật không?
Thao vội lên tiếng:
- Hồng! Nói chuyện ấy làm gì!
Hồng: - Người ta định tạo điều kiện cho chị ấy học trên đại học.
Tân: - Thế à? Tốt chứ sao!
- Khốn nhưng con trai ông bộ trưởng đang bám chị ấy.
- Thằng Lượng phải không? Đám ấy khá đấy. Phó tiến sĩ, bảnh trai, con nhà, chưa lấy vợ chính thức lần nào, đáng mặt công tử hiện đại. Chà! Dịp may hiếm có. Xung quanh người ta sống khôn cả. Tội gì đeo đuổi một cái bóng hạnh phúc nhỉ?
Thao đứng lên, vừa bước đi vừa nói, không nhìn ai:
- Hồng ạ, chị về đây.
Hồng nhìn Tân, giận dữ:
- Anh tồi lắm.
Tân cố ý nói to khi Thao còn chưa đi khuất:
- Hồng nghĩ mà xem: còn đòi gì hơn nữa nào? Lắm kẻ muốn được đi học, muốn leo lên ghế cao, mà có dễ đâu. Nịnh nọt, luồn cúi, đút lót mà không biết cách và không đúng cửa thì có khi bẽ mặt hoặc vỡ mặt. Đằng này họ phải cầu cạnh mình. Để họ "vỡ kế hoạch", họ trù cho thì khốn nạn. Tôi phát ngôn thời đại đấy.
- Phát ngôn bừa bãi thì có. Thế mà tôi tưởng anh là người khá.
- Khá chứ. Không khá mà tốt nghiệp đại học này, trèo lên được ghế phó phòng nghiên cứu này, có mô-tô này, có máy ảnh này,…
- Anh hợm mình vừa chứ! Những thứ ấy chẳng đáng giá một xu. Những người như anh thì "xã hội tiêu cực muôn năm!"
Tân làm bộ gẩy ghi-ta tưởng tượng và nghêu ngao:
- Đời đục mà mình ta trong thì ta chỉ như cọng rác trôi lều bều giữa dòng đời. Chi bằng ta cũng đục luôn thì chẳng còn khái niệm đục trong, trong đục.
- Nghe anh nói mà lợm.
Hồng định bỏ đi, Tân bỗng cười rũ ra. Hồng trừng mắt:
- Anh còn cười được à?
Tân lấy tay vỗ vỗ bụng, thôi cười:
- Tôi cười tay trưởng đoàn kịch. Một hôm, tôi đến xin đóng thử một tiểu phẩm. Xem xong, anh ta bảo: "Anh tưởng đóng kịch là giả ngô, giả giọng à?" Thế mà tôi vừa đóng đạt một cách thiên tài.
Hồng bất giác: - Ơ! -Cô chợt hiểu- Nhưng sao anh lại chọc chị Thao?
Tân chép miệng: - Thao cố chấp quá. Đời vui được lúc nào thì cứ vui chứ. - Anh chợt nhỏ giọng - Nhưng cái chính là một lần thấy Hồng giận nom rất đẹp nên tôi muốn được ngắm lại.
Hồng mắc cỡ:
- Anh thật đáng…
- Đáng giá nửa xu phải không?
- Chị Thao giận lắm đấy.
- Hồng xin lỗi hộ.
Hồng cúi đầu, mân mê vạt áo:
- Em chịu. Em bị lỡm, có ai xin lỗi đâu.
Vẻ mặt đang đắc ý của Tân chợt sững lại, thoáng chút bối rối. Anh ngập ngừng:
- Anh… xin lỗi Hồng.
Hồng đột nhiên bỏ chạy. Tân thần mặt nhìn theo, khóe miệng dần hiện ra một nét cười mơ hồ. Tân đang tính ra về thì bất đồ Vinh vào. Vinh hất hàm:
- Vừa vồ hụt à?
Tân ôm Vinh hôn chụt vào má. Vinh đẩy Tân ra, nheo một bên mắt:
- Coi chừng! Hươu cái nhưng có sừng đấy. Nhưng cưỡi hươu hay hơn cưỡi hổ. Và cưỡi hươu muốn xuống lúc nào thì xuống không như cưỡi hổ. 
Nét cười vụt tắt trên gương mặt Tân. Anh nhìn Vinh như lạ lẫm rồi lặng lẽ đi ra.