Vinh – Vinh A - hầu như chẳng bao giờ muốn nhớ lại những cảm nghĩ đầu tiên của đời du học sinh. Có cái hãnh diện của người được “chọn đi”; có cái náo nức được đến thành trì của cách mạng thế giới, niềm mơ ước của bao nhiêu người cùng lứa; có cái rụt rè lẫn cái xốn xang mừng vui trước một khung cảnh văn minh, khác lạ. Tuy nhiên, tất cả những cái đó vẫn còn dành chỗ cho nỗi xao xuyến phải giã biệt xứ sở đang trong cơn khói lửa, nhất là nỗi canh cánh về người yêu xa cách. Sung sướng và may mắn cho những ai vẫn giữ được lâu cái ngây thơ trong sáng trên bước đường đời! Vinh háo hức học và hào hứng xâm nhập cái “thế giới” còn quá mới mẻ đối với mình. Cái duyên trong giao tiếp bẩm sinh đã giúp anh dễ làm quen. Và chỉ sau mấy tháng, anh đã có những cô bạn da trắng “trong tầm tay” như anh vẫn nói sau này mỗi khi vui chuyện tự diễu mình “ngây ngô”. Ngây ngô? Có thể. Nhưng cái chính có lẽ là sợ kỉ luật. Chuyện “ướt át” mà bị lộ ra thì chỉ có xách vali về nước sớm. Phải đâu như sau này khi đã có con cái các vị đầu đàn xé rào mở “đột phá khẩu” giúp tháo khoán cho các lớp sau. Vinh không là cậu con trai quá nề nếp, cũng không là kẻ nhát gái. Vậy mà trong một lần đi dạo ngày nghỉ tại một khu rừng ven Mạc-tư-khoa... Cô gái Ba Lan học cùng lớp, người nhỏ nhắn xinh xẻo, ngồi dựa lưng vào một gốc cây bạch dương cổ thụ phô bộ ngực trần căng đầy trắng trẻo ngước nhìn anh đang đứng chếch trước mặt như gọi, như hỏi, như đợi chờ, như ngạc nhiên. Sau buổi đó, cậu bạn trai người Nga cùng phòng ở bảo Vinh: “Người Việt Nam chúng mày có gan đánh Mĩ mà hoá ra lại là thỏ trước bọn con gái, đến cả sờ cũng không dám”. Nhận xét đó chạm tự ái Vinh ghê gớm. Nhưng chẳng phải đó là lí do đã khiến anh ta dám “vượt cấm” không chỉ một lần – mà may sao anh ta vẫn rất trong sạch dưới con mắt các cán bộ tổ chức, cán bộ đoàn, vẫn rất gương mẫu trong hồ sơ của ban quản lí lưu học sinh. Vinh chẳng hề tự hào về lần “đứng đắn, đúng mực, nghiêm túc” ấy, tất nhiên; nhưng cũng chẳng hề hối tiếc “đã để lỡ dịp”. Chỉ vì đối với anh ta, đời là đi tới hoài, ngoái lại làm gì cho mệt. Nói như Tân, cái số và cái tướng của Vinh là cái số và cái tướng nhàn. Ông bố của Vinh chỉ chịu cho con trai vào bộ đội sau khi đã có những phản ứng trong nhân dân về các “đặc chế” của các cậu ấm cô chiêu, vào cái năm mà việc một lãnh đạo cao cấp của nhà nước cho đứa con trai độc nhất nhập ngũ trở thành một hiện tượng – nêu gương hoặc xoa dịu (?). Song Vinh ở quân ngũ không lâu. Ở đâu Vinh cũng có cái phong thái nhởn nhơ, trừ những khi bốc lên, sống chơi chơi, học chơi chơi, làm cũng chơi chơi, cái mã của anh “nhàn trời phú”. Sống, làm việc với tâm thức phiêu du khi còn dịp. Tân có đôi điểm gặp Vinh. Tuy nhiên, Tân năng nổ trong đời thực hơn, thực dụng hơn. Chính là điểm kết Vinh vào với Tân nhiều hơn cả. Nhưng, ngẫm kĩ ra thì đó có vẻ chỉ là bề ngoài: Vinh chẳng phải là loại người sống trên mây.