Mười Hai

Chương trình dạ nhạc mở đầu bằng độc tấu, song tấu và sau đó là thi ca phổ nhạc và nhạc sáng tác. Như đã tập dợt và sắp sẵn, ban nhạc chơi mấy bài thơ của Dạ-Kiều do Bobbi-Đôn phổ nhạc. Sau mỗi bài là tiếng vỗ tay vang dội và tiếng cụng ly tán thưởng, chúc mừng tác giả của bài thơ và nhạc phổ. Bobbi cảm thấy phấn khởi, hắn mượn máy vi tính, lên mạng tải xuống một lượt năm sáu bài mà hắn phổ nhạc cho Diệp-Lục-Tố, Hồ-Trầm và Yên-Yên rồi tự ôm ghi-ta trình diễn, ban nhạc chơi theo Bobbi khá tài tình. Bobbi-Đôn trình diễn phần của mình xong, hắn lui xuống ngồi chung bàn với một gã đàn ông nơi một góc phòng vì cái ghế salon của bốn nàng thơ không còn một chỗ nào để len vào. Gã đàn ông tự giới thiệu tên là Phạm-Âm-Giai, hắn có mái tóc bạc bồng bềnh nghệ sĩ, trang phục lập dị nhưng nhìn mặt thì còn trẻ chỉ trạc tuổi Bobbi-Đôn mà thôi. Bobbi-Đôn hỏi:
_Sao, bao giờ tới lượt huynh lên hát?
Phạm-Âm-Giai nhấp tí rượu, trả lời:
_Tôi chỉ ngồi đây nghe thôi. Vừa rồi mục của anh khá lắm. Anh soạn nhạc chắc đã nhiều năm?
_Mới thôi nhưng tôi thường phổ thơ chứ không chuyên sáng tác nhạc.
_Xin lỗi anh nghe! Nhạc của anh tách riêng thì hay hơn là phổ thơ đó!
_Cám ơn huynh quá lời...
_Chưa, tôi chưa nói hết....và nếu anh để yên cho thơ thì thơ không mất cái thi tính của nó.
Bobbi-Đôn nghe vậy liền ngập ngừng, lạc giong hỏi?
_Lời huynh nói tôi chưa hiểu rõ...ý của huynh là...
Phạm-Âm-Giai từ tốn rót rượu cho cả hai, nốc cạn ly rồi chậm rãi giãi bày:
_Nhạc của anh rất thích hợp cho các hộp đêm nhảy đầm, khiêu vũ chớ dùng nó mà đi giới thiệu thơ hay diễn đạt ý thơ thì chưa ổn lắm.
Bobbi-Đôn nâng ly lên chưa uống đã đặt lại xuống bàn, hắn nhìn sâu vào cặp mắt ngạo mạn của Phạm-Âm-Giai như đo lường mức độ thân tình hay đang ganh tài, đố kỵ với mình, hắn vừa xoay ly rượu vừa yêu cầu:
_Huynh dựa vào tiêu chuẩn, góc độ nào mà phê bình như thế, có thể nói cho đệ nghe không?
_Được nhưng ở đây ồn ào mà tôi lại bị lãng tai, anh có muốn ra mình ngoài nói chuyện không?
Hai người đứng lên bước ra vườn. Nền trời đen, lấp lánh muôn vì sao, mùi hưong hoa nở về đêm thơm thoang thoảng trong gió nhẹ hiu hiu. Bobbi-Đôn trông thấy thi sĩ Hồ-Trầm đang ngồi uống trà một mình sau vườn bên ngọn nến lung linh. Nàng ngồi tréo chân, quấn khăn quàng cổ lên đầu và vòng quanh qua vai, trông nàng tuy đã về già nhưng có nét đẹp dị kỳ, cao sang, đài các. Hồ-Trầm vẫn lặng yên như không thấy hai người. Bobbi-Đôn cùng Phạm-Âm-Giai chọn một chỗ yên lặng trong vườn và tiếp tục câu chuyện về thơ phổ nhạc. Bobbi-Đôn mời:
_Xin huynh nói tiếp!
_Những bản nhạc được phổ từ thơ...thường thì phần thiệt thòi thuộc về thi sĩ, bản nhạc được phổ biến rộng rãi thường ít khi nghe nhắc đến tên thi sĩ mà chỉ có người phổ nhạc hay nhạc sĩ là được nhắc tới thôi...cho nên việc phổ nhạc cần phải đưa người nghe đến gần bên thi sĩ, hiểu được ý thơ, cảm xúc với lời thơ và hít được hơi thở của bài thơ đó mới là niềm an ủi cho người thi sĩ yêu thơ, bất cần nổi danh tên tuổi hay không...
Bobbi-Đôn tuy đầu không phản đối nhưng bụng thấy bất bình, hắn chen ngang:
_Đó chỉ là theo riêng ý huynh thôi phải không?
Phạm-Âm-Giai lim dim mắt, nhìn nghiêng nói:
_Trong đời tôi, tôi ghét nhất là nói chữ "theo ý tôi...", "theo tôi nghĩ..." hoặc "tin tôi đi..." đã nói ra ngọt-bùi-chua-cay-đắng-chát gì mà người ta không thích thì mình tự nếm lấy, sợ gì mà phải nói "theo ý tôi...", "theo tôi rằng thì là..." Anh có muốn đổi đề tài hay không?
_Không, tôi vẫn muốn nghe huynh nói tiếp, huynh nói đi!
_Tôi nói mấy bài của anh là nhạc dành cho khiêu vũ, nên tự đặt lời là vì anh có ưu điểm về tiết tấu, nhịp điệu, tốc độ cũng như tính cách lả lướt, dổn dập, phấn khởi và du dương nhưng nếu anh gọi là dùng con thuyền nhạc để chở thơ đến bờ thính giả thì ví như con thuyền bập bềnh lướt sóng mà thơ như cờ cứ trơ trơ trước gió đứng rũ sầu trên thuyền nhạc...
Bobbi cảm thấy bắt đầu nhột nhạt trong người, hắn lại cắt ngang:
_Nhưng...bài thơ có hay gì chăng nữa mà không được phổ nhạc cũng sẽ lui vào dĩ vãng mà thôi! Nhạc phổ thơ hay hay dở gì thì cũng đã giúp mang thơ từ trong tối ra ngoài ánh sáng...
_Đúng! Anh nói không sai nhưng tôi đâu có đề cập tới chuyện đó! Tôi chỉ muốn người nghe nhạc ngửi được hơi hướm của thơ kìa! Anh đọc một bài thơ thấy thích nhưng anh có thấy những màu gì, mùi hương gì... trong bài thơ đó không? Nếu có thì anh diễn đạt bằng thanh âm như thế nào?
_Xin lỗi huynh trước.. những ý kiến của huynh sắc bén nhưng dường như huynh không có thiện cảm với loại nhạc phổ từ thơ phải không? Hay là huynh chưa chấp nhận những bài hát vượt thời gian như "Ngày Xưa Hoàng Thị", "Mộng Dưới Hoa", "Ngậm Ngùi"...v...v...là hợp tác thành công của thơ và nhạc?
_Anh mới nêu có ba bài, tôi thì tôi thấy có rất nhiều bài thành công và ngạc nhiên hơn nữa là gần đây có khá nhiều người chưa thành danh đã phổ nhạc còn trội hơn hơn cả các nhạc sĩ tên tuổi nữa kia... riêng nhạc của anh thì tôi chưa cảm nhận được thi tính cũng như cảm xúc từ những bài thơ được anh phổ nhạc.
_Hay là huynh chê những bài thơ tôi chọn để phổ nhạc không có gì đặc sắc?
_Anh lầm rồi! Tôi từng đọc và yêu thơ của Hồ Trầm là cái bà ngồi kia kìa, thơ của nhà giáo
Diệp-Lục-Tố và Yên-Yên được anh phổ nhạc là những bài thơ có cảm xúc rất hay lạ còn thơ của bà chủ nhà Dạ-Kiều thì mang tính cổ văn không có gì mới lạ không bàn tới!
_Huynh biết nhiều thi sĩ vậy có biết Dương-Thủy-Triều không?
_Tôi có đọc thơ nàng và nghe anh vừa hát lúc nãy, anh mà phổ nhạc kiểu nhảy đầm khiêu vũ cho thơ của nàng này thì chỉ có đắm thuyền mà thôi. Muốn phổ nhạc thơ của nàng anh phải dùng điệp ngữ hay nhiều nốt tròn kéo dài nhịp để người nghe kịp ngấm ý thơ.
_Huynh này! mời huynh cụng thêm một ly và cho tôi hỏi... là...là... tôi có đụng chạm gì với huynh trước đây hay có dính dáng gì tới những người đàn bà mà huynh thích không?
Phạm-Âm-Giai trầm tỉnh:
_Không, không đụng chạm gì cả chỉ vì anh vừa hên, vừa xui nên mới tìm tới ngồi chỗ ngồi tịnh yên của tôi mà thôi! Tôi hay phang bậy trúng ai đau ráng chịu.
_Chắc chắn huynh là một nhà thơ có tên tuổi, bút hiệu huynh là gì?
_Trời! Anh lại lầm to rồi! Tôi chưa từng làm một bài thơ nào cả, tôi cũng là người phổ nhạc như anh.
_Ủa, vậy mà tôi cứ tưởng anh bênh vực thơ thì hẳn là thi sĩ chớ!
_Thôi cụng ly đi! Chúng mình xem như chưa từng đề cập tới chuyện thơ nhạc vừa qua.
Sương đêm rơi ướt mặt bàn và da thịt Bobbi bắt đầu thấu hiểu cái lạnh của phố núi, cao nguyên.
Khi Bobbi-Đôn vào nhà thì chương trình thơ nhạc vẫn còn dài, có người không thuộc bài, cầm sớ đứng ca, có người liếc mắt mãi vào lời nhạc trữ sẵn trong điện thoại di động và cũng có người ôm luôn máy vi tính mà gào la theo tiếng kèn, đàn không chịu... se duyên với nhau... Chuyện đời là thế, nhạc mình sáng chế ít khi thuộc bài...
Quá nửa khuya, tiệc tàn. khách khứa lần lượt chào nhau ra về. Bobbi-Đôn là Việt kiều, được chủ nhà cầm giữ lại ngủ qua đêm. Hắn chia tay xong, rót cho mình ly rượu rồi mở cửa phòng trên lầu cao đứng nhìn xuống đường khuya. Không xa, thoáng hiện hai bóng người dưới đèn đường mờ hơi sương đang dìu nhau đì đó là tóc-bạc Phạm-Âm-Giai và Áo-Dài Diệp-Lục-Tố.
Bobbi-Đôn trở vào trong, xuống lầu. Chủ nhà, thi sĩ Dạ-Kiều vợ của đại gia Hà-Bộ-Cương và thi sĩ Yên-Yên, cả hai cùng mặc áo ngủ đang ngồi thì thầm bên nhau trong bếp. Một người đang lau sàn nhà né sang một bên nhường lối đi cho Bobbi-Đôn rồi hỏi:
_Thưa ông cần gì ạ?
_Không, tôi chỉ đi cất ly rượu thôi.
Nghe tiếng Bobbi-Đôn, hai nàng thi sĩ cùng quay đầu lại nhìn. Dạ-Kiều cất tiếng:
_Anh Đôn chưa buồn ngủ à! Anh hát xong thì biến đâu mất cả buổi vậy, gặp ai rồi phải không?
_Tôi trò chuyện với một nhạc sĩ tên là Phạm-Âm-Giai.
Yên-Yên bật cười nói:
_À cái lão-ngoan-đồng vừa chim được nàng thơ Diệp-Lục-Tố ấy à?
Dạ-Kiều quay sang Yên-Yên thắc mắc:
_Ủa, lâu rồi hay chỉ mới ngày hôm nay? Sao tui không biết cà?
_Mới đây thôi, ông ta phổ cho chị Diệp-Lục-Tố một bài nghe chẳng ra gì, còn thua anh Vũ-Bình-Đôn này xa lắc...vậy mà chị ấy lại "đừng xa em đim nay, má em đang ngủ say..." mới chết chứ...!
Bobbi không nín được cười hắn định chêm vào một câu tiếu lâm nhưng mắt vừa chín rụng xuống khe đời đê mê và cái vòng eo như nũng nịu chờ bàn tay...nuông... qua làn áo mỏng trên người yêu nữ tóc dài Yên-Yên... Đêm liêu trai lại vụt về khơi ngọn lửa đang bừng cháy trong lòng chàng nhạc sĩ đói tình kể từ ngày xa vợ.