Dịch giả: Nhất Cư
Chương IV
THƠ T.T.KH (HẬU CHIẾN) HAY LÀ VÂN NƯƠNG QUA TƠ SƯƠNG

Trong số các nhà  nghiên cứu phê bình văn học Thanh Châu là phê bình gia đặc hạng của hiện tượng văn học có thật T.T.KH. Khi ông cho in lại truyện Hoa Ti-gôn ông chú thích về truyện này vào năm 1989:
“…Nhưng sức sống của T.T.KH cũng thật lạ. Từ năm 1937 thơ ra đời, đến năm nay 1989 vẫn được nhiều bạn yêu thơ T.T.KH nhắc đi nhắc lại trong nước cũng như kiều bào hải ngoại”…
Ông viết hai bài mới nhất để: “ Nói thêm về T.T.KH “ chưa đủ; ông chép lại mấy bài thơ cũ ấy; ông sưu tập cho riêng ông nghe một băng cassette ghi giọng ngâm thơ T.T.KH của một bà ở Hà Nội, nay là kiều bào ở Paris. Ông đánh giá sức sống của thơ T.T.KH là tiếng lòng cảm khái về: “…Chuyện tình duyên đôi lứa thời nào cũng gây được sự đồng cảm của người đồng loại…” (25)
Như trên đã dẫn nhập huyền thoại ĐÃ VÌ AI VÀ CHO AI (chữ Thanh Châu dùng) để nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên (26) bây giờ còn ai tin T.T.KH gắn liền tình và thơ với Thâm Tâm; càng không nữa với Nguyễn Bính.
Thanh Châu phê phán bài thơ Màu máu tigôn (gởi T.T.KH, tác giả bài Hai sắc hoa ti-gôn là một bài thơ dở NHẤT (Thanh Châu nhấn mạnh chữ NHẤT cho in nghiêng) thật không xứng với thơ Nguyễn Tuấn Trình. Có những câu:
“…K…hỡi người yêu của tôi ơi!
Nào ngờ em giết chết một đời”
Thanh Châu tự cho mình là người có quyền được nắm giữ bí mật thơ T.T.KH nên ông đặt câu hỏi với ông Mã Giang Lân tuyển in vào tập THƠ THÂM TÂM (27) mà không đề năm, tháng, xuất xứ. Thanh Châu phủ nhận một cách ẩn ý về bài này lẫn bài: Các anh mà ông cho là thơ dỏm của Thâm Tâm. Ông lại cất công tìm gặp ông Phạm Quang Hoà, chỉ vì ông này được:nghe nói ông này trước kia có làm thơ, và quen thân với Thâm Tâm còn giữ được nhiều thơ cũ. Ông Phạm Quang Hoà đã chép cho tôi một bài thơ giống như bài Các anh nói trên. Nhưng theo ông Phạm Quang Hoà thì đây là bài thơ Thâm Tâm trả lời T.T.Kh sau khi có Bài thơ cuối cùng  của T.T.KH đăng báo Tiểu thuyết thứ bảy? (28)
Dấu hỏi sau đoạn văn trích nói trên là do chính Thanh Châu nghi hoặc, tất nhiên ông không tin chắc lập luận của ông Phạm Quang Hoà nói là xác thực. Ý nghĩa thâm sâu của Thanh Châu tìm hiểu thật cặn kẽ về những thơ giây máu ăn phần với thơ T.T.KH không gì khác hơn; để làm vững định đề kia chỉ là huyền thoại.
Ông đã thành công rồi phải không các bạn?
Thanh Châu đã chẳng coi truyện Hoa ti-gôn của ông là đặc sắc đó sao! (với ông), dầu nếu có người hỏi ông về sự nghiệp văn, ông không ngại ngùng trả lời “…Tôi đã viết nên được truyện hoa ti-gôn.”. Bởi chính truyện Hoa ti-gôn in năm 1937 thì cũng năm ấy mới có ba bài thơ của T.T.KH, khiến bao con tim thổn thức qua nhiều thế hệ, vì thơ của T.T.KH tiếng riêng của “thiên thần” thì phải chiếm lòng người hơn chứ và tôn cao giá trị hơn bội lần Hoa ti-gôn của chính tác giả.
Thanh Châu không những được nghe băng cassette ghi âm giọng một bà kiều bào ở Paris – ông còn được nghe một băng khác lần này đặc biệt hơn: thơ T.T.KH chính T.T.KH ngâm! quả là một tâm hồn đồng điệu đồng cảm đồng tình không ai hơn được! Sám hối nửa đêm, tận lòng yêu Bóng người ngày xưa T.T.KH! (29)
Trong số những người đầu tiên biết T.T.KH hiện sống ở Pháp có Thanh Châu – là điều không còn nghi ngờ - ông còn biết T.T.Kh ngâm thơ bài Hai sắc hoa ti-gôn bắt đầu từ câu:
…Một mùa thu trước hoàng hôn
đến câu
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường thì lại bắt sang Bài thơ cuối cùng của T.T.KH mà tác giả bỏ hai đoạn đầu gồm 8 câu mà lại ngâm từ câu:
Từ đấy thu rồi thu lại thu
Cho đến
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng.  
Là hết bài. Người nghe nếu không nắm được thơ T.T.KH thì rất có thể nhầm đó là cùng một bài..” (30)
Sàigòn trước năm 75 người ta đọc, ngâm, khóc cùng Hai sắchoa ti-gôn chưa phải là đủ; người ta còn phổ nhạc hát thơ T.T.KH – Thanh Châu cũng không thể không biết chính ông còn biết rất rõ nhạc sĩ Trần Trịnh (31) phổ bài: Hai sắc hoa ti-gôn qua điệu tango - Cả nữ ca sĩ hát bài ấy tên là ca sĩ Thu Hương. Ông đi tìm tòi những gì liên hệ tới mối tình thơ kỹ đến chân tơ kẽ tóc. Đã đủ để cho đời nhận được hiện tượng  thơ T.T.KH Hai sắc hoa ti-gôn là một  với Hoa ti-gôn Thanh Châu.
Như vậy giá trị thơ T.T.KH đủ điều kiện để “ai đó nói thơ T.T.KH là “kiệt tác”cũng hơi quá”(32) không còn hà hơi quá mà đích thực giá trị liệt vào kiệt tác - được người đọc nhớ hơn bài thơ bất hủ của Arvers là khác!
Cũng vì lý do thơ T.T.KH chỉ có giá trị văn học được đánh giá vào thời kỳ văn học tiền chiến 1930 – 45; nên điều này khiến chúng tôi phân vân khi đối chiếu giá trị thơ  T.T.KH (tiền chiến) với T.T.KH (hậu chiến) qua Tơ sương, con đường lý tưởng hoặc những bài thơ khác đăng rải rác từ thời kỳ 1960 đến 1994
Thơ T.T.KH (hậu chiến) một lối nói về thơ Vân Nương thời sau tiền chiến nói về mùa thu (Bài thơ cuối thu) không bắt đầu như:
…Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn…
Nhưng:
…Nhớ những mùa thu trước
Êm cảnh thanh bình
Trăng ngà trải lụa thiên thanh
Khuôn hoa e ấp trên cành thắm tươi
Thế rồi
Bão táp mưa sa
Trăng tàn hoa tạ
Mông mênh sầu ngập biển đời
Trời thu lộng gió để người sầu thương…”
(1960)
Vân Nương khác với T.T.KH tiền chiến là những bài thơ thời hậu chiến viết theo thể tự do (Bài ca cuối thu) đường luật có, xướng hoạ liên hoàn có (sầu thu) lục bát có (Thất thế, Triền miên, Thu cao nguyên, Hoang vu, thơ xướng hoạ không thiếu (bài thơ vần UYÊN) (hoạ vận cùng thi sĩ B.K. Đ). (33)
Vân Nương nhắc đến mùa thu hậu chiến không còn bối cảnh gắn liền với mối tình ngang trái đời mình đời chàng – nên thơ thu của tác giả tả cảnh thu nhẹ nhàng của thiên nhiên:
…Lá vàng gió cuốn bay vèo
Giật mình chợt nhớ: ơ chiều vào thu
Xa xa sương phủ mịt mù
Ạt ào thác đổ âm u núi rừng…
(Thu cao nguyên 1960)
Tả cảnh hoang vu có nước chảy lưng ghềnh đá (thác) có nàng len lỏi vào vách đá rừng sâu sau khi đã vật lộn mệt mỏi với đời cạnh tranh:
…Lững lờ nước chảy lưng ghềnh
Nắng len lỏi – đá núi chênh vênh trời
Hoang vu nào thấy bóng người
Nơi đây hẳn cũng vắng mồi lợi danh
(Hoang vu 1961)
…Mênh mông sầu ngập biển trời
Đường muôn vạn nẻo kiếp người bơ vơ
Nương dâu bãi cát vật vờ
Bao la vũ trụ phủ mờ phong sương
(Triền miên)
Không thấy Vân Nương nhắc đến tình thơ tiền chiến của mình, là trải rộng đắng cay khi nói về hoa ti-gôn  hoặc từng dáng như tan vỡ đẹp nhưng buồn như chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu…vì bà giấu nỗi lòng thu sầu muôn năm  trước bằng Sầu thu (34)
…sầu thu ghi lại mấy dòng đây
Thắm nhạt càng phai cảnh sắc này
Mái tóc sương pha cay đắng đủ
Tương giang một giải mênh mông nước
Ô thứơc đôi bờ vướng vít mây
Phảng phất mưa vương hồn Chức Nữ
Buồn dâng nghèn nghẹn ý chua cay…
(Trong bài sầu thu liên hoàn 10 bài)
Tâm sự Vân Nương được nhắc đến rất ý nhị bóng bẩy ẩn chìm; nếu không biết tình ý cuộc chơi chữ, đọc phớt qua chỉ cảm được  một ảo mờ. như phảng phất mưa vương hồn Chức Nữ để rồi Buồn dâng nghèn ngẹn ý chua cay nhớ đến một mùa thu trước mỗi hoàng hôn để nay mưa vương hồn Chức Nữnghèn nghẹn ý chua cay nói về cuộc tình dang dở. Tôi gọi đó là một hình thức thơ Quốc âm ba lối, ai hiểu sao cũng được; hiểu và cảm sâu xa tận cùng cũng được hiểu và cảm lờ mờ phơn phớt hoa đào cũng chẳng hại ai? -bởi trái tim hồng từng bị xẻ dọc đôi đường đôi ngả!
Trở lại mối tình của T.T.KH tiền chiến là vào mùa thu tập thơ sau 1945 đa số bài thơ Thu trong Tơ sương mùa thu đối với Vân Nương (T.T.KH hậu chiến) rất đặc biệt, như Sầu thu ghi lại mấy dòng đây, dài dằng dặc 10 bài liên hoàn, phảng phất tâm sự thời tiền chiến, như tựa cửa ngóng trông người trở lại; lại rõ hơn Mộng vẫn bâng khuâng hình bóng cũ/ ngoài song lành lạnh gió heo may (gió heo may cũng là gió thu rồi); hoặc Men rượu ân tình ai nhớ nhỉ?/ nửa như muốn tỉnh nửa còn say; chưa hết Gió chuyển thu về sầu vạn nẻo/ mà người xa vắng vẫn không hay - sầu thu dằng dặc hơn qua bốn câu khác.
 
“…Cho lòng dìu dặt chút men cay
Sống với chờ mong tự bấy chầy
Cứ tưởng xuân về hồng thắm má
Nào hay thu tới ủ ê mày …”
Nhưng kết luận chính vẫn là: Mà người xa vắng vẫn không hay/ có thấy chàng Ngưu mắt lệ đầy Cái tâm sự ai oán này của T.T.KH (hậu chiến) không dễ một sớm một chiều một năm nhiều năm  - mà gần 30 năm còn nhớ (tính từ ngày bài thơ đầu đăng năm 1937) – bài Sầu thu liên hoàn 10 bài sáng tác vào năm 1962. Đúng là:Mái tóc sương pha cay đắng đủ/ làn da nắng sạm nhớ thương đầy/ Tương giang một giải mênh mông nước / ô thước đôi bờ vướng vít mây…Và ở một câu trong bài thơ thu khác có nhan đề Thu hôm nay, sáng tác 1964 có một câu đọc lên, mủi lòng cho tâm sự tình thơ T.T.KH (vẫn giấu trong tim một bóng người)
Để khách tha hương mỏi mắt chờ…)
và làm chúng tôi cũng bùi ngùi với tình thơ T.T.KH và nhớ hai câu thơ thật hay của Thế Lữ để kết thúc một mối tình T.T.KH –THANH CHÂU:
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên
Thế Lữ
Hình ảnh người tình xưa, như bạn đã biết không sao phai nhạt? Bây giờ tôi tìm trong Vân Nương có hình ảnh người chồng hay không? Có, song hình ảnh này cũng mờ ảo lắm, ẩn chìm một cách lạt lẽo mặc dầu thơ Vân Nương nói về chồng được khoác qua lối  thơ xưng tụng chàng là anh hùng đấu tranh cho lý tưởng (bài Nguồn sống). Người chồng thơ Lê Ngọc Chấn bất đồng chính kiến với chế độ Ngô Đình (Ngô Đình Diệm) nên bị lưu đầy ra Côn Đảo ba năm, cho đến năm 1964 có cuộc đảo chính, ông mới được thả đưa về đất liền trên tàu Tiền Giang. Thơ luận bàn chí hướng của Vân Nương khó tạo được sự đồng cảm như thơ máu hoa tim của T.T.KH (tiền chiến). Người đọc dễ quên nhanh thơ tranh đấu của T.T.KH (hậu chiến) làm ra. Nói như thế thơ tranh đấu, xưng tụng anh hùng ca của Vân Nương (nói riêng) thuộc vào loại thơ tồi. Vân Nương chưa thể có sự can đảm thật cần thiết để tự đánh giá về loại thơ nào mà bà sở trường, loại nào là sở đoản, chưa đánh giá được thế nào là thơ hay với thơ gọi là tranh đấu, xưng tụng anh hùng ca, không nên cho ra mắt người đọc, vì thơ còn ấu trĩ về tư tưởng, non nớt về nghệ thuật, chẳng dễ làm rung động được ai?
…Các anh những con đường đầy chí hướng
Khinh gian lao và coi rẻ ngục tù
Chí ngang tàng giam hãm trọn ba thu
Đành ấp ủ mối căm thù Bạo chúa
Tàu cập bến các anh từ Côn Đảo
Trở về đây xây đắp lại tương lai
Những con người từng nếm mật nằm gai
Vì tổ quốc miệt mài gương chiến đấu…
Lối làm thơ gọi là thi cảnh (poème tableautin) giống như những bài tả văn rất khó cấu tạo, nó chỉ thành công đối với tác giả có bút pháp tân kỳ lồng trong ý tưởng cao siêu sâu sắc - mượn sự diễn tả thi cảnh để lồng tâm tư; nếu non tay; đọc lên rồi không làm rung cảm được ai, đó là thi cảnh chết. Cuộc chơi trong thơ được dùng những từ: đầy chí hướng, khinh gian lao, coi rẻ ngục tù, chí ngang tàng, mối căm thù Bạo chúa, xây đắp tương lai, miệt mài gương chiến đấu…chỉ là danh từ sáo rỗng vô nghĩa - một lẽ rất dễ cảm dễ thấy vì nó không có hồn, không có hình tượng cụ thể quan trọng hơn hết là phía sâu thẳm không có ý tưởng sống của hồn thơ được diễn tả; để có khả năng đánh động rung cảm người đọc cao độ.
Bàn về giá trị thơ Vân Nương, hoặc gọi đi  một cách khác, thơ T.T.KH hậu chiến, điều này cũng chẳng tôn giá trị thi ca của bà lên cao hơn. Đành khép lại ở đây và hết lòng tạ lỗi để nói lên cảm tưởng của chúng tôi: người mổ xẻ, phân tích thơ thi cảnh tả về sự xưng tụng anh hùng như bài thơ Nguồn sống trích dẫn trên kia lần đầu cũng là cuối, chấm dứt cùng một lần.
Như vậy chỉ còn T.T.KH tiền chiến là có giá trị đích thực về thơ tình với Hai sắc hoa ti-gôn, Bài thơ thứ nhất, Bài thơ cuối cùng…những bài thơ có sự sống một thời được liệt vào loại kiệt tác cũng không ngoa - của một người đàn bà từng làm rung động trái tim của nhiều thế hệ, đủ sức chịu đựng với thời gian dài, rất dài: năm mươi năm và còn dài và bền lâu hơn nữa. Tác giả lúc ấy mới mười bảy tuổi, tuổi mơ mộng yêu đương  - bị khựng lại trước cuộc tình ngang trái, giúp cho T.T.KH vượt nổi giấc mộng tình rõ ràng là đau khổ của thực tại khó quên, nhưng nhờ giấc mộng lành và đẹp, đáp lại sự hy vọng mà tồn tại được.Nhà văn Pháp Guy De Maupassant (1850 – 1893) nổi tiếng của Pháp ở thế kỷ trước; nhà văn giản dị chính xác, hiện thực sâu sắc (35) nhưng lại rất giàu mộng tưởng, nhờ thế ông kinh qua được nhiều hệ luỵ cuộc đời.T.T.KH cũng có khổ luỵ cuộc tình, thoát ra được nhờ vào mộng tưởng để sáng tác những bài thơ tình hay vào loại hay nhất  với tác giả khi ấy chỉ có mộng tưởng là êm ái, bài thơ kia giải thoát cuộc tình khổ luỵ, khiến cho tác giả sung sướng, bi rằng trong những người thóc mách xem có người yêu, hơn một lần cho bà bất trắc, bội phản nếu không tất sẽ đưa đến sự tự huỷ mình. Cơn mộng của bà khi ấy đáp lại lòng mong ước là chàng sẽ hiểu (37) chồng bà cũng sẽ  hiểu, người đời cũng sẽ hiểu..tất cả sẽ hiểu được thì tình yêu ngang trái đau thương được vơi đi, được vỗ về trong giấc mộng lành và đẹp, đáp ứng cho bà lòng mong ước ấy, và bà tồn tại trong cuộc sống cho đến hôm nay (36). và thơ bà cũng sống cho đến hôm nay sẽ còn dài lâu hơn nữa…vì T.T.KH: Bà đã có một  chỗ đứng xứng đáng trong văn học Việt nam vào giai đoạn phấn hưng thơ mới 1930-45 về thể loại thơ lãng mạn khổ đau.(Romantisme tourmenté)
(còn tiếp)
Chú Thích:
(25) Văn Xuôi lãng mạn 1930 – 1945 (tập 8) in truyện của Thanh Châu, Nguyễn Tuân, Huy Cận, Thanh Tịnh, Lãng Tử, Đỗ Tốn, Chế Lan Viên, Ngọc Giao – Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1989
(26) Thanh Châu, bđd, xem chú thích 2
(27) (28) Thanh Châu bđd xem chú thích 2
(29) Sám hối nửa đêm và Bóng người  ngày xưa, tên hai tác phẩm của Thanh Châu xuất bản vào những năm 1940 và1941 (T.N)
(30) Theo Thanh Châu, bđd, xem chú thích trên 35
(31) Trần Trịnh có một thời là chồng ca sĩ Mai Lệ Huyền, nổi tiếng với nhạc phẩm Lệ đá (chú thích 1994 –T.N)
(32) Hoài Thanh – Hoài Chân, sđd
(33) Tức Bùi Khánh Đản, thi sĩ này từng xướng hoạ thơ với Nhất Linh đăng trên Văn hoá ngày nay (N.L chủ trương những năm 1958-59 ở Sàigòn. (Chú thích 1994 –T.N)
(34) Có trích toàn bài ở cuối chương
(35) Écrivain sobre, précis, profondément réaliste (Petit Larousse)
(36)”Tôi chỉ còn yêu giấc mộng chỉ có mộng  mà thôi, cơn mộng lành và đẹp. Thực tế không làm tôi chịu nổi, nó sẽ dẫn tôi tới sự tự huỷ mình - nếu giấc mộng không đáp lại  được lòng mong ước ấy…” ( je n’aime que le rêve, lui seul est bon lui seul est doux…La réaliste est impacable me conduirait au suicide si le rêve ne permettait d’attendre..” (Câu văn bằng tiếng Pháp của Guy De Maupassant, được trích dẫn lại theo Thanh vân - Nguyễn Duy Nhường – (T.N)
(37) Những cánh hoa tim sđd, trang 118 – có dẫn câu trên đầu truyện ở Hoa tigôn sắc đỏ, sắc hồng, sắc trắng năm nào cũng vậy, một mùa tàn lại một mùa nở. Nó chẳng giống lòng bất trắc của con người. (Khái Hưng, Gánh hàng hoa)