Dịch giả: Nhất Cư
Chương VII
PHỤ LỤC I (Phần tiếp theo)

NHỮNG CÁNH HOA TIM

Bảo rằng: Hoa dáng như tim vỡ
T.T.KH (Hai sắc hoa)
Hoa leo ti-gôn sắc đỏ, sắc hồng, sắc trắng, năm nào cũng vậy một mùa tàn lại một mùa nở. Nó chẳng giống lòng bất trắc của con người.
KHÁI HƯNG (Gánh hàng hoa)
Có ai để ý đến những cô hàng hoa ở các vườn làng Hữu Tiệp, Ngọc Hà, Yên Phụ v…v…trong buổi sáng tinh sương của mùa thu này, rủ nhau đi họp chợ bên Hồ Kiếm? Trong những rổ hoa tươi thắm rực rỡ màu xuân chất trên xe của các cô, có ai để ý đến một thứ hoa của cây leo, mỏng mảnh và nhẹ nhàng như giấy dáng hoa chum chúm như một thứ quả khi chưa xoè cánh?
Hơn một loài hoa đã “nở” rồi!
Trên bờ giậu sắt trước cửa những biệt thự lặng im của các phố tây, trêngiàn nứa trước mái hiên, bên cửa sổ của mọi nhà trong Hà Nội, những dây hoa ti-gôn đã điểm màu trắng, màu hồng, màu đỏ vào giữa đám lá xanh non. Vào sáng sáng có những thiếu nữ vui như bướm, với những bàn tay nhẹ, gỡdần những dây hoa ấy để thay cho những hoa hôm trước trong phòng khách đã tàn (Vì loài hoa ấy chóng tàn)
Báo trước mùa hè đã có hoa huệ tây trắng (hay loa kèn) làm trẻ thêm cho Hà Nội không già. Nhắc cho người ta nghĩ đến mùa thu, có lẽ là thứ hoa Ti-gôn không hiếm đó.
Một mùa thu cũ, tôi đã ngắt những bông hoa ấy trong tay và vò nát chúng nó đi trước một giàn hoa. Đó là thời kỳ tôi ốm dậy, buổi chiều thường đi thơ thẩn trong sân. Nhưng thực bấy giờ tôi chẳng có cái tâm địa của môt Baudelaire ốm yếu  khi thấy cánh khoẻ mạnh của hoa tươi lá tốt mà bực mình đến đập vào hoa cho tơi tả để báo thù Tạo Hoá, như trong những câu thơ đau đớn thực tình này:
Quelquefois dans un beau jardin
Òu je trainais mon agonie
J’ai senti comme une aronie
Le soleil déchirer mon sein
Et le printemps et la verdure
Ont tant humilíe mon coeur
Que j’ai puni sur une fleur
L’insolence de la nature
Sự tàn ác vô tình ấy đã đem lại cho nhà văn một tài liệu quý để viết nên vài trang tiểu thuyết.
Bỗng nhiên nhìn những cánh hoa đỏ trong tay tôi nghĩ đến một quả tim rớm máu. Tôi nghĩ đến những đoạn tình duyên đau khổ ở đời. Những tiếng nức nở dài như tiếng đề cầm não nuột trong bài thơ “thu” của thi sĩ Verlaine. Những tiếng thở dài kín đáo của những con gái xanh xao. Một cái “chau mày cắn môi” của kẻ đi quá trớn, buổi chiều lạnh chớm thu, đã thấy thoáng hiện ra trong đầu cái hình ảnh tưởng là mờ nhạt từ lâu của người quen cũ. Tôi nghĩ đến chia rẻ, đến phân ly, đến những bức thư cuối cùng viết vội vàng trong đêm vắng, dưới ánh nến chập chờn, trong đó người ta gói cả tấm lòng tuyệt vọng lẫn với những cánh hoa thường tặng. Tôi nghĩ đến những xác chết trong tim mệt mỏi vì yêu của những người đàn bà đã có chồng, đã yên vui đã nguôi quên,
Phút naỳ rất lợi cho sự viết văn. Vì tôi thấy tôi cảm thấu hết được những cái gì là tê tái trong tình ái. Tôi có tất cả tâm sự của một người đã từng chua xót vì yêu. Nhưng đương còn mệt, nên tôi chưa muốn làm việc vội.
Tôi mặc áo đi dạo chơi các phố. Sau cùng tôi gõ cửa nhà hoạ sĩ Lê mà tôi đoán giờ này đương bận vẽ trong phòng. Vì một chút tình riêng thân mật – cái cửa canh giữ cẩn thận nhất của người hoạ sĩ khó tính này trong gìơ làm việc – cho dẫu đối với những quan khách quyền thế, sang trọng nhất - lần nào cũng mở ra một cách dễ dàng với nụ cười niềm nở của người đầy tớ trẻ trung thành trước mặt tôi. Hoạ sĩ Lê đi vắng. Tôi được rõ rằng hoạ sĩ về quê chơi. Nhưng trong phòng khách tôi nhận thấy những dây hoa tigôn trắng ngâm mình trong một cái chậu thuỷ tinh xanh. Đã bao lần tôi ngồi đây với hoạ sĩ, trước một bức tranh bỏ dở hút một điếu thuốc chơi, và nghe hoạ sĩ kể lại những cuộc du lịch ở những xứ xa xôi mà tôi hằng mơ tưởng. Lần này hoạ sĩ Lê mới ở Vân Nam về. Tôi muốn được xem những bức tranh mới của hoạ sĩ và được nghe những câu chuyện mới. Hoạ sĩ đối với tôi là một người anh lớn tuổi. Tôi đã phục vì tài và kính trọng thêm vì “sự” được đi nhiều.
Một ý định nảy trong óc: Tôi sẽ về quê hoạ sĩ Lê chơi. Hoạ sĩ là con thứ một vị quan to – đã từng làm Khâm sai - xứ Bắc kỳ. trong làng Mọc – giữa  đoạn đường Hà Nội – Hà Đông – bên cạnh những dinh cơ cũ kỹ và đồ sộ của ông thân ngày trước, hoạ sĩ Lê có một ngôi nhà nhỏ mà ít khi hoạ sĩ trở về thăm. Cũng có lần hoạ sĩ rủ về ở đấy một người bạn thân để vẽ tranh cho tĩnh. Tôi đinh ninh sẽ tìm ra hoạ sĩ Lê ở đấy, nhưng cũng như trên Hà Nội tôi phải trở về không.
Buổi chiều xuống chầm chậm trong khi tôi bước trên những con đường nhỏ trong làng. Một vài nóc nhà mới lợp ngói đỏ nổi lên giữa những khoảnh vườn cây xanh tốt. Người Hà Nội đã bảo nhau về cái làng xinh đẹp này xây nhiều biệt thự nghỉ ngơi. Tôi đã ngửi thấy nhiều hương hoa quý quen quen lúc đi qua những thửa vườn đất rộng có bờ rào cây cao rậm.Thế rồi trong một cái vườn như vừa nói đó tôi đã trông thấy bóng một người con gái hái hoa. Đó là một thiếu nữ độ 17,18 tuổi. Nàng đứng trên một chiếc ghế gỗ, với tay lên giàn nứa đương bận gỡ những dây hoa ti-gôn đỏ. Tôi không trông rõ mặt nàng, nhưng chỉ để ý đến hai cánh tay trắng để trần trên đám lá xanh và suối tóc như đêm chảy sau lưng.
Tối hôm đó tôi viết trong cơn sốt rét. Và hai tuần sau cái truyện ngắn “Hoa ti-gôn” của tôi đã in trên mặt báo này. Truyện có gì đâu:” Một hoạ sĩ đi vẽ về, qua làng Mọc gặp một thiếu nữ hái hoa như tôi đã gặp trên kia…Hoạ sĩ dừng lại ngắm, nhận ra những vẻ đẹp khác thường trên mặt người thiếu nữ, ghi vài nét vào cuốn sổ tay rồi trở ra về với tấm lòng yêu viễn vông của tuổi hai mươi. Nhưng một lần sau nữa đến chỗ cũ hoạ sĩ thấy mất bóng người hôm trước, cửa nhà vắng vẻ, hình như không có ai ở nữa, trong vườn chỉ có một ông già cuốc cỏ lom khom…
Hoạ sĩ quên đi. Rồi tám chín năm sau., lúc hoạ sĩ nổi danh, mới lại gặp người ngày trước, ở một nơi xa, đã có chồng. Nhắc lại chuyện xưa, người ta nhận ra nhau., thấy mến nhau mà sau cùng thấy yêu nhau. Làm thế nào khác dược? (người viết truyện cho là định mệnh!) Hoạ sĩ bảo người yêu trốn đi với chàng, làm lại cuộc đời. Nhưng thiếu phụ là một người đàn bà yếu đuối. Phút cuối cùng nàng sợ, chẳng dám liều bước vào con đường mới mà nàng đoán rằng nguy hiểm. Nàng bị đau đớn giày vò vì đã yếu đuối và từ trần xa người yêu một buổi kia. Hoạ sĩ được tin đem những dây hoa “ti-gôn” - thứ hoa giống hình quả tim vỡ mà trước kia nàng hái ở vườn nhà - đặt trên mộ người yêu. Hoạ sĩ đã già mà cũng không lấy vợ. Nhưng mỗi mùa thu mùa  hoa ti-gôn nở nhiều nhất, hoạ sĩ thường mua thứ hoa kia về để trong phòng vẽ của mình”
Truyện có gì đâu? Nhưng tôi đã viết với tất cả cảm giác trong trẻo chân thành tươi tốt đã có trong buổi chiều thu ấy, sau buổi đi chơi trong làng Mọc
Có lẽ vì thế mà cách đây ít hôm, một buổi trưa, có hai người đàn bà đến thăm tôi trong lúc tôi đi vắng và để lại trên bàn những cành hoa trong truyện. Những người đó tôi đoán đã lấy làm bằng lòng câu chuyện tình ảm đạm kia mà những cành hoa để lại không ngoài cái ý nghĩa thưởng công cho người đã viết (dẫu sao tôi cũng đã có lời cám ơn hai người không trở lại ấy trên mặt báo này rồi).
Nhưng điều mà tôi lấy làm sung sướng nhất là cùng dạo ấy, ở toà soạn nhận được một bài thơ đầu của bà T.T.KH kèm với một bức thư xin chữ ký của tôi. Bức thư giảng rõ vì sao nảy ra thi hững viết nên thơ. Và bài thơ tả cái tâm sự não nùng thầm kín của một người đàn bà đã có chồng nhớ lại tình duyên cũ. Bài thơ đó cũng là một cái truyện ngắn: “ Một thiếu nữ thường đợi người yêu đến trong buổi chiều thu, dưới một giàn hoa “ti-gôn”. Người đàn ông –chừng  là một kẻ đã đứng tuổi và từng trải thường vuốt tóc nàng, và thở dài lo sợ cho cái tương lai đen tối của hai người, trong khi vít những dây hoa ấy xuống:
“Bảo rằng: “ Hoa dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”.
Nhưng thiếu nữ nào đã hiểu gì trong cái tuổi ngây thơ, sung sướng của nàng? Thế rồi giữa một ngày pháo cưới nổ ran lên, nàng mới thấy đã có một cái gì đổ vỡ mà không sao cứu được Người nàng yêu đã bỏ đi rồi. Từ đó:
…Từ đó thu rồi thu lại thu,
Lòng tôi còn giá đến bao giờ?
Chồng tôi vẫn bíêt tôi thương nhớ,
Người ấy cho nên vẫn hững hờ!
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi;
Mà từng thu chết từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim một bóng người”.
Bây giờ nhớ lại lời nói “gở” của người yêu trước,nàng nhìn lại những “cánh hoa tan tác của sinh ly”, nhưng:
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!
Nàng đâm sợ những buổi chiều thu nó làm thức dậy cả nỗi niềm thương nhớ cũ:
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò
Rồi nàng lo ngại:
…Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ đến loài hoa…vỡ
Tựa trái tim phai tựa máu hồng…?
Tôi đọc bài thơ đầu của T.T.KH với một sự cảm động thực thà. Tôi cho là những lời thơ xuất tự tâm hồn giản dị nhẹ nhàng và chân thật ấy còn đẹp hơn cả những lời thơ đẹp nhất của các Desbordes Valmores hay Rosemonde Gérard của Pháp nữa. Và tôi thấy chán cả cái nghề viết tiểu thuyết. Bởi tôi nghĩ: cùng một mốt cảm mà T.T.KH có thể viết nên những vần réo rắt mãi trong tâm can người như vậy được, còn câu truyện của tôi có khéo kể lắm thì người đọc qua một lần cũng sẽ quên đi. Tôi chỉ có thể diễn bày tâm trạng người đời bằng cái tiếng nói của người thường còn thi sĩ họ có cái thứ tiếng riêng của “thiên thần” thì phải “chiếm lòng” người hơn chứ.
Được ít lâu T.T.KH lại gửi đến một bài thơ nữa. (Tuy là bài thứ hai nhưng lại thấy đề là:" Bài thơ thứ nhất”). Người đàn bà đau khổ trên kia cho chúng ta biết thêm rằng chồng nàng là một người khắc nghiệt và “luống tuổi rồi”, nàng viết những vần thơ này trong lo sợ:
Tôi run sợ viết, lặng im nghe
Tiếng lá thu khô xiết mặt hè
Như tiếng chân người len lén đến
_Song đời nào dám gặp ai về!
Tuy thế tôi tin vẫn có người
Thiết tha theo đuổi nữa than ôi!
Biết đâu, tôi một tâm hồn héo
Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi!
Bài thơ này nhắc lại ý ở bài thơ trước nhưng thiếu những lời tha thiết, mỉa mai số phận:
Và một ngày kia tôi phải yêu
Cả chồng tôi nữa lúc đi theo
Những cô áo đỏ sang nhà khác!
_Gió hỡi làm sao lạnh rất nhiều?
Nhưng buồn nhất là những câu này:
Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên
Bỗng ai mang lại cánh hoa tim
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Rỏ xuống thành thơ khóc chút duyên
Tôi thấy một cái gì thắc mắc như là một hối hận vì đã vô tình nhắc đến một thứ hoa cũ làm rớm máu quả tim một gười đã tạm yên. Người ta bảo có một thứ hoa gọi là Kim châm tiếng chữ là Liệu sầu hoa, ăn hoa ấy thì vơi được lòng đau khổ. Lúc này tôi muốn tìm ra hoa ấy đem tặng tất cả những người đàn bà đáng thương ở trong cảnh éo le này: “Có chồng rồi mà vẫn không quên được tình xưa”
Thế nhưng tôi không khỏi có chút tự kiêu vì đã “tạo”ra được một người đàn bà thi sĩ, do một mối cảm gây ra trong một chiều thu, vì đã làm nổi tiếng trong một dạo cái loài hoa tầm thường ấy. Mà rồi đây tất cả những ai sắp đi qua hay đã đi qua canh đoạn trường kia, ngẫm ngợi những vần thơ của T.T.KH nếu có vơi được lòng buồn thì khác gì như là tôi đã tìm ra được liệu sầu hoa?
Trong đời văn tự của tôi, nếu có ai hỏi tôi đã làm điều được gì thú vị: Tôi xin nói ngay rằng:
_Tôi đã viết nên được truyện “Hoa ti-gôn”
Tôi đã nghe bàn tán nhiều về T.T.KH. Người ta tò mò muốn biết rõ đời riêng của người đàn bà có cái tâm sự bi thương kia. Người ta thêu dệt nên nhiều chuyện buồn cười. Có kẻ bảo rằng nàng đẹp, và buồn lắm, mắt mơ màng, người hơi mảnh…Còn gì nữa? Tôi thì tôi chưa được biết mặt biết tên thực của T.T.KH. Tôi chỉ biết rằng đó là một người đàn bà đã viết nên được những vần thơ đẹp, trong lúc thực thà cảm xúc. Còn muốn gì hơn nữa? Sao người ta lại cứ muốn làm nhơ bẩn tất cả những cái gì gọi là trong sạch ở trong cõi đời này?
Tôi cầu chẳng bao giờ gặp mặt T.T.KH để được yêu thơ hơn. Và tôi lại có ý muốn lạ lùng này:
Đừng bao giờ người đàn bà ấy viết thêm một bài thơ nào nữa. Tôi chỉ sợ những bài thơ sau sẽ làm bớt giá trị cuả bà đi. Arvers chỉ làm một bài thôi, nhưng tất cả những kẻ tuyệt vong trong ái tình trên thế giới đều nhớ như chôn sâu vào ruột bài thơ Tình tuyệt vọng. Tại sao T.T.KH sẽ không nổi tiếng với đời là” thi sĩ của những người đàn bà đã có chồng” với chỉ hai bài thơ tôi đã kể?
Tôi mong đừng ai nên tách bạch thơ T.T.KH làm gì (vì bài thơ bất hủ của Arvers cũng còn khuyết điểm nữa là), chỉ nên coi đó là những lời thơ tả đúng ruột gan của những thiếu phụ sống bên cạnh cuộc đời của người chồng với nỗi ái ân lạt lẽo
Mùa thu 1939
THANH CHÂU
(đăng Tiểu thuyết  thứ bảy, 1939)