Dịch giả: Nhất Cư
Chương VI
PHỤ LỤC I

T.T.KH - VỚI CÁC NHÀ VĂN – NHÀ THƠ ĐƯƠNG THỜI
 
 
+ Bài Thơ đan áo
+ Các anh của THÂM TÂM
+ Màu máu Ti-gôn – THÂM TÂM
+ Cô gái Vườn Thanh -NGUYỄN BÍNH
+ Những cánh hoa tim
 
BÀI THƠ ĐAN ÁO (1)
 
Chị ơi nếu chị đã yêu
Đã từng lỡ hái ít nhiều đau thương
Đã xa hẳn quãng đời hương
Đã đem lòng gửi gió sương mịt mùng
Hay chăng chị mỗi chiều đông
Đáng thương những kẻ có chồng như em
Vẫn còn giá lạnh trong tim
Đan đi đan lại áo len cho chồng
Con chim ai nhốt trong lồng
Hạt mưa nó rụng bên sông bơ thờ
Lưng trời nổi tiếng tiêu sơ
Hay đâu gió đã sang bờ ly tan
Tháng ngày  miễn cưỡng em đan
Kéo dài một chiếc áo lam cho chồng
Như con chim nhốt trong lồng
Tháng ngaỳ than tiếc ánh hồng nơi nao
Ngoài trời hoa nắng xôn xao
Ai đem khoá chết chim vào lồng nghiêm
Ai đem lễ giáo giam em
Sống hờ hết kiếp  trong duyên trái đời
Lòng em khổ lắm chị ơi
Trong bao ngờ vực với lời mỉa mai
Quang cảnh lạ, tháng năm dài
Đêm đêm nằm tưởng ngày mai giật mình
1938 
(1) Bài thơ này chúng tôi đồng ý kiến với ông Thanh châu là không phải của T.T.KH
 
CÁC ANH
 
Thâm Tâm (? ) lên tiếng sau “Bài thơ cuối cùng” của T.T.KH. 
 
Các anh hãy chuốc thực say
Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im
Giờ hình như quá nửa đêm
Lòng đau đau lại cái tin cuối mùa
Hơi đàn buồn như trời mưa
Các anh trút nốt âm thừa đi thôi
Giờ hình như ở ngòai trời
Tiếng xe đã nghiến đường rời rã di
Hồn tôi lờ mờ sương khuya
Lặng im tôi viết bài thơ trả lời
Vâng, tôi biết có một người
Một đêm cố tưởng rằng tôi là chồng
Để hôm sau khóc trong lòng
Vâng, tôi biết lắm cánh đồng thời gian
Hôm qua gặt hết lúa vàng
Vì tôi lỡ chuyến, chiều tàn về không
Vết xe trong vệt bụi hồng
Tôi đi rồi lại nhúng trong khói mờ
Vết xe trong xác pháo xưa
Nàng đi có bốn bài thơ trở về
Tiếng xe mở lối vu quy
Hay là tiếng cắt nàng chia cuộc đời
Miệng chồng Khánh gắn trên môi
Hình anh mắt Khánh sáng ngời còn mơ
Đàn xưa từng chia đường tơ
Sao tôi không biết hững hờ nàng đan
Kéo dài một chiếc áo lam
Vì dây đã đứt và càng nối dây
Nàng càng cởi mãi trên tay
Vì tơ duyên mới đã thay đổi màu
Góp hai thứ tóc trên đầu
Bao giờ đan nổi những câu tâm tình?
KHÁNH ơi! Còn hỏi gì anh
Lá rơi đã hết màu xanh mùa vàng
Chỉ kêu những tiếng thu tàn
Tình ta đã hết anh càng muốn xa
Chiều tàn chiều tắt chiều tà
Ngày mai ngày mốt đều là ngày nay
Em quên mất lối chim bay
Rồi em sẽ ngán trông mây trông mù
Đoàn viên từng phút  từng giờ
Đời yên lặng thế em chờ gì hơn
Từng năm từng đứa con son
Mĩm cười vá kín vết thương lại lành
KHÁNH ơi! Còn đợi gì anh
Xưa tình đã lỡ nay tình lại nguyên
Em về đan nốt tơ duyên
Vào tà áo mới đừng tìm mối xưa
Bao nhiêu hạt lệ còn thừa
Hãy dành mà khóc cho giờ vị vong
Bao nhiêu hương cánh hoa lòng
Hãy dâng cho trọn nghĩa chồng hồn cha
Nhắc làm gì chuyện đời ta
Bản thân anh đã phong ba dập vùi
Hãy im đi, các anh ơi
Tiếng mùa lá chết đã xê dịch chiều
Gìơ hình như gió thổi nhiều
Những loài hoa máu vội gieo nốt đời
Bao nhiêu nghệ sĩ nổi trôi
Sá chi cái đẹp dưới trời mong manh
Sá chi những chuyện tâm tình
Lòng đau đem chữa trong bình rượu cay (2)
1938
(2) Chúng tôi cũng đồng ý với ông Thanh Châu rằng: đây không chắc đã phải bài thơ của Thâm Tâm?
 
MÀU MÁU TI-GÔN
Gửi T.T.KH
Tác giả bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn”
 
Người ta trả lại cánh hoa tàn
Thôi thế duyên tình cũng dở dang
Màu máu ti-gôn đà biến sắc
Tim người yêu cũ phủ màu tang
 
K…hỡi! Người yêu của tôi ơi!
Nào ngờ em giết chết một đời
Dưới mồ đau khổ anh ghi nhớ
Hình ảnh em hoài mãi thế thôi.
 
Quên làm sao được thuở ban đầu
Một cánh ti-gôn dạ khắc sâu
Một cánh hoa xưa màu hy vọng
Nay còn dư ảnh trái tim đau
 
Anh biết làm sao được hỡi trời
Dứt tình bao nỡ, nhớ không thôi
Thôi em hãy giữ cành hoa úa
Kỷ niệm ngàn năm một cuộc đời
THÂM TÂM
 
CÔ GÁI VƯỜN THANH
Tặng T.T.KH
“Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
rỏ xuống thành thơ khóc chút duyên…”
(Thơ T.T.KH)
 
Gió đưa xác lá về đường
Thu sang nhuộm cả sầu thương một trời
Sầu thương quyện lấy hồn tôi
Đêm qua ngồi đọc thơ người xa xăm
Một ngàn năm, một vạn năm
Con tằm vẫn kiếp con tằm vương tơ
Tặng người gọi một dòng thơ
Hay là dòng nước mắt thừa đêm qua
Đường về Thanh Hoá bao xa
Bao giờ về, nhớ rủ ta với nàng
Bảo rằng quan chẳng cho sang
Ai đời quan cấm đò ngang bao giờ
Vườn Thanh qua đấy năm xưa
Trọ nhờ đêm ấy giời mưa tối giời
Quanh lò sưởi ấm bên tôi
Bên người lão bộc nàng ngồi quay tơ
Tuổi nàng năm ấy còn thơ
Còn bao hứa hẹn đợi chờ một mai
Rồi đây bao gió bụi đời
Tôi quên sao được con người vườn Thanh
Lạnh lùng canh lại sang canh
Lòng tôi thao thức với tình bâng qươ
Bởi sinh làm kiếp giang hồ
Dám đâu toan tính xe tơ giữa đường
Thu sang rồi lại thu sang
Cúc bao lần nở lá vàng bao rơi
Bao nhiêu vật đổi sao dời
Đường bao dặm thẳng hỡi người bốn phương
Trọ bao nhiêu quán bên đường
Nhưng không lần nữa tới vườn Thanh xưa
Có nàng năm ấy quay tơ
Tôi quên sao được? Hẳn chưa lấy chồng
Một hôm lòng lại nhủ lòng
Nơi đây giáp với cánh đồng vườn Thanh
Rồi tôi len lén một mình
Ra đi với một tấm hình hay hay
Đường mòn tràn ngập bông may
Gió heo báo trước một ngaỳ thu sang
Dừng chân trước cửa nhà nàng
Thấy hoa vàng với bướm vàng hôn nhau
Tìm nàng chẳng thấy nàng đâu
Lá rơi lả tả trên đầu như mưa
Chợt người lão bộc năm xưa
Từ đâu mang mảnh guồng tơ lại nhà
Một hai xin phép ông già
Trọ nhờ đêm ấy nữa là hai đêm
Ông già nể khách người quen
Ngậm ngùi kể lại một thiên hận tình
Rồi ông kết, giọng bất bình:
“Trời cay nghiệt thế cho đành thưa ông
Cô tôi nhạt cả môi hồng
Cô tôi chết cả tấm lòng ngây thơ
Đâu còn sống lại trong mơ
Đâu còn sống lại bên bờ sông yêu
Buồng the sầu sớm thương chiều
Khóc thầm biết có bao nhiêu lệ rồi
Tơ duyên đến thế là thôi
Thế là uổng cả một đời tài hoa
Đêm đêm bên cạnh chồng già
Và bên cạnh bóng người xa hiện về…”
Rùng mình tôi vội gạt đi
Già ơi, thảm lắm kể chi dài dòng
Cháu từ mắc số long đong
Yêu đương chìm tự đáy lòng đã lâu
Đau thương qua mấy nhịp cầu
Cạn dòng nước mắt còn đâu khóc người
Dối già một chút mà thôi
Nghe lời già kể cháu mười đêm luôn
Chợt thương, chợt khóc, chợt buồn
Cháu như một kẻ mất hồn già ơi!
 
Truyện xưa hồ lãng quê rồi
Bỗng đâu xem được thơ người vườn Thanh
Bao nhiêu gian khổ vì tình
Cớ sao giống hệt chuyện mình gặp xưa
Phải chăng mình có nên ngờ
Rằng người năm ấy bao giờ là đây?
1940
NGUYỄN BÍNH