Chương 4
44 là ai ?

     on đường phía trước gồm nhiều đoạn thẳng tắp, dọc theo đường sắt tới biên giới Trung cộng. Tuy nhiên, cứ cách một quãng, đường xe hơi lại cắt ngang thiết lộ.
Có lẽ vì trời sắp bão lớn nên sự lưu thông rất thưa thớt, du khách đều trở về lữ quán. Thường lệ, con đường này đông đảo xe cộ, phần lớn là người ngoại quốc nhân dịp viếng thăm Cảng Thơm đã tới Lo Wu để tìm cảm giác lạ bên cạnh bức màn tre.
Trước khi vượt qua cổng xe lửa Ma liu Shui, Văn Bình phóng hết tốc độ. Gió lạnh quạt rào rào vào khung cửa mở rộng. Chiếc GT-6 không ngốn đường nhanh bằng chiếc Lotus 49 mà chàng lái một cách say mê tại Macao, song nó cũng không đến nỗi hèn đụt. Mỗi lần đến khúc rẽ, Văn Bình đạp hết ga xăng rồi thắng lại. Bốn thắng đĩa kéo bánh xe dán sát vào mặt đường.
Kim tốc độ đã chỉ 140 cây số. Mọi xe hơi tầm thường khác đã run tay lái khi tới 120, nhưng càng chạy nhanh chiếc GT-6 càng cắn đường, và càng êm ái như gắn bánh xe trượt tuyết.
Ma Liu Shui đây rồi …
Văn Bình giảm bớt tốc độ.
Phong cảnh tứ phía vẫn là phong cảnh cũ, tuy nhiên lòng chàng lại rạt rào nhớ tiếc. Nhớ tiếc một cái gì vô giá đã mất.
7 năm trước, Văn Bình dùng chiếc Riley 4/72 kênh kiệu tại Ma Liu Shui. Người đàn bà Tàu có cặp mắt lạ lùng đột nhiên hỏi chàng :
-Anh sơi nước trà nhé ?
Dĩ nhiên chàng không ưa giải khát bằng nước trà, dầu trời nóng như thiêu đốt. Trời càng nóng, chàng càng thích uống rượu huýt ky. Tuy nhiên, chàng không thể khước từ. Vì người mời là phụ nữ. Vả lại, lâu lắm chàng chưa được thưởng thức trà tàu. Uống trà tàu chính cống trên đất Tàu là tuyệt thú, thoái thác là ngu xuẩn.
Nàng lấy trong túi da lớn ra cái bình thủy xinh xắn, rồi giải thích :
-Trà này ngon lắm, anh uống sẽ  thấy. Trước kia gia đình em trồng trà ở miệt Hoa Bắc, từ ngày tản cư qua Hồng kông, em phải nhờ người mua tận nơi mang tới.
Nàng mở nắp bình thủy. Mùi trà nóng thơm ngát khiến chàng ngây ngất.
Khi ấy, Văn Bình nhận thấy phụ thân nói ngày xưa là đúng. Những buổi sáng săn thú ở miền thượng du, thân phụ thường mang bộ đồ trà bằng đất quý ra bày trên bàn để uống một mình. Bộ độc ẩm xưa này luôn luôn theo sát ông như khẩu súng săn bá phát bá trúng. Tuy da dẻ nó sù sì, cái ấm lại sứt một tai, phụ thân vẫn nói với Văn Bình là ai trả một chục lượng vàng ông cũng không bán. Ông nói :
-Bộ độc ẩm này là của cụ cố để lại, chuyên dùng pha trà từ mấy trăm năm nên đã lên nước, uống ngon một cách lạ lùng.
Thấy chàng cầm chén trà đưa lên miệng uống một hơi cạn, phụ thân xua tay, mặt nghiêm nghị :
-Như vậy không phải là uống trà. Trà phải nhấm nháp từng ngụm nhỏ một. Phải uống từ từ để hương thơm thấm dần vào lục phủ ngũ tạng. Nhưng thôi, con còn nhỏ, chưa đến tuổi uống trà.
Cậu bé Văn Bình đáp :
-Xin lỗi cha, dầu uống chầm chậm con cũng chẳng ngửi thấy hương vị gì cả.
Phụ thân cười :
-Lớn lên rồi con biết.
Lớn lên, dấn thân vào giang hồ, đam mê rượu mạnh, Văn Bình vẫn khinh thú uống trà. Đến khi gặp người đàn bà lạ trên đường từ Kowloon tới biên giới, chàng mới hiểu được lời nói chí lý của phụ thân.
Mùi trà thơm lừng tỏa ra khiến người đàn bà lạ trở nên quyến rũ trong vẻ đẹp huyền bí. Nàng rót trà vào cái chén ni lông rồi trịnh trọng bưng lên. Song chàng chưa cầm lấy vội vì nàng đã bưng chém trà một cách khác thường. Nàng cặp chén trà bằng ba ngón tay : ngón cái và ngón trỏ giữ mép chén còn ngón giữa thì nâng cái đáy. Cầm chém bằng ba ngón tay như vậy rất khó khăn và lập dị.
Văn Bình đỡ chén trà, chưa kịp uống thì nàng phá lên cười ròn rã :
-Trời ơi, anh không phải …
Nàng im bặt.
Văn Bình ngước nhìn nàng :
-Tôi không phải là gì, hở cô ?
Nàng thở dài :
-Em đinh ninh anh là người của môn phái.
-Môn phái ? Té ra cách cầm chén trà của cô là dấu hiệu của môn phái !
-Vâng, môn phái Bạch liên giáo. Nếu anh là người đồng phái, anh đã cầm chén trà bằng ba ngón tay như em. Mời rượu cũng vậy, người ta phải nâng ly bằng ba ngón tay. Như anh đã biết, Bạch Liên giáo là một trong nhiều hội kín ở  Trung Hoa từ thế kỷ thứ 19, cũng như Tam Điểm hội, Thiên Địa hội, Hồng Gia hội, Hồng Bang hội, Đại Đao hội, Tiểu Đao hội và Kỳ Lão hội … Nước Tàu bị chia làm hai, quốc gia và cộng sản, các hội kín cũng chia làm hai, nhiều phần tử Bạch Liên giáo theo phe Tưởng giới Thạch cũng như nhiều phần tử Kỳ Lão hội theo Mao trạch Đông.
-Lạ thật, theo chỗ tôi hiểu thì Bạch Liên giáo đã tan rã từ lâu, từ trước khi xảy ra nội chiến Quốc Cộng …
-Vâng, theo lịch sử thì Bạch Liên giáo là hội kín cổ xưa nhất, xuất hiện từ thế kỷ thứ 12, và giữ vai trò quan trọng trong việc kháng chiến chống xâm lăng Mông cổ trong thế kỷ thứ 13 và 14. Phần lớn vua quan triều Minh đều theo Bạch Liên giáo. Trong thế kỷ thứ 18 và 19, Bạch Liên giáo bị khủng bố mạnh mẽ nên phải rút vào bí mật, và sang thế kỷ thứ 20 thì phải núp dưới chiêu bài khác để hoạt động. Các nhân viên mật vụ ở Hoa lục và Hồng kông đều thuộc Bạch Liên giáo.
-Ngoài cách mời trà và mời rượu, đảng viên Bạch Liên giáo còn cách nào khác để nhận diện nữa không ?
-Thưa, còn rất nhiều. Nếu là đàn ông lớn tuổi hoặc đàn bà mời nhau ăn trầu, em sẽ đưa lá trầu cho anh, em cầm phía lá còn cuống chĩa về phía anh. Đảng viên Bạch Liên giáo sẽ lật ngược lá trầu lại, phết vôi vào cả hai mặt.
Còn khi ăn cơm thì gác đôi đũa trên ngón tay để mời khách. Kẻ cùng môn phái sẽ đẩy cái bát ra xa. Trước khi hai đối thủ đánh nhau cũng vậy, người ta phải nắm bàn tay, giơ lên, chĩa ngón tay cái lên không. Nếu đối thủ là bạn thì sẽ mỉm cười xin lỗi. Ngoài ra, sau khi giết người cần trốn pháp luật, đảng viên Bạch Liên giáo phải cắt một ít tóc cuộn vào cánh tay còn tay kia thì đưa lên mắt. Kẻ cùng môn phái có bổn phận mở cửa nhà, mời vào trú ngụ. Đối với đảng viên Bạch Liên giáo thì tìm nơi lẩn tránh một thời gian sau một vụ « rửa tai » là điều bắt buộc.
-Rửa tai ?
-Vâng, rửa tai là tiếng lóng có nghĩa là giết người. Bạch Liên giáo còn nhiều tiếng lóng khác, như công an cộng sản thì gọi là « ngọn gió », cướp ghe thuyền là « ăn món vịt hầm », tiến đánh một xã để bắt chuộc tiền gọi là « ngao du sơn thủy ».
Văn Bình lặng thinh giây lát, nhìn ra xa. Người đàn bà cũng lặng thinh.
Rồi chàng lên tiếng :
-Giá tôi là người đồng môn, cô sẽ nhờ tôi chuyện gì ?
Nàng chắt lưỡi đáp:
-Em là nhân viên điệp báo của Đài Loan. Anh là anh, em không biết nhưng chắc chắn là đồng minh của em. Nếu anh là đảng viên Bạch Liên giáo như em, em sẽ yêu cầu anh giúp một chuyện riêng.
-Cô đừng ngại. Nếu có thể làm được, tôi sẽ sẵn sàng.
Thiếu phụ thở dài :
-Cám ơn anh. Em không thể nào tiết lộ cho người ngoài môn phái biết được.
Văn Bình nắm tay nàng, giọng tha thiết :
-Cô ngờ vực tôi nữa ư ?
-Thưa anh, không. Em không bao giờ nghĩ đến chữ ngờ vực. Phải tin cậy tuyệt đối em mới cùng đi với anh tới biên giới hôm nay. Em không thể nói vì một lý do khác. Khi gia nhập Bạch Liên giáo, em đã thề trước trời đất.
-Cô thề ra sao?
-Cả thảy là 36 lời thề, đại để phải giữ bí mật triệt để đối với người ngoài hội.
Rồi đánh trống lãng, nàng rót trà vào chén:
-Anh uống hớp nữa nhé!
7 năm sau, qua Ma Lui Shui, Văn Bình  không đậu lại thưởng thức trà. Chàng đã lái thẳng một mạch. Người xưa đã trở về cát bụi song những thửa ruộng lúa hai bên đường vẫn được chia thành nhiều mảnh nhỏ vuông vắn, xen kẽ với những khoảnh vườn trồng rau xanh tươi.
Giống như ở bên nhà, nông gia Trung hoa vẫn cặm cụi trên ruộng, bất chấp thời tiết thay đổi phũ phàng. Cũng như những con trâu lông đen, sừng chúi xuống … Cũng những người dân nhẫn nại và thầm lặng … Nếu khác thì chỉ khác ở đôi ủng lên đến gần háng của nông gia biên giới, trong khi tá điền Việt lội bì bõm chân không trong bùn … Đàn bà cũng đội nón sùm sụp trên ruộng lúa, nhưng nón của người Tàu rộng hơn, với những miếng vải đen ảm đạm rủ xuống bên mép.
Dường như đã quen với cảnh du khách phóng xe hơi thục mạng -hoặc không quan tâm đến mọi việc xảy ra chung quanh- họ không ngẩng đầu lên trước tiếng kèn pin pin liên tiếp.
Bên trái, Văn Bình thấy một bãi dài trắng xóa. Thoạt đầu, ai cũng tưởng là tuyết phủ. Lần thứ nhất qua đấy, Văn Bình đã lầm. Giờ đây chàng biết bãi dài trắng xóa này là một nghĩa trang cũ. Có lẽ người đàn bà vô danh có chân trong Bạch Liên giáo, ngồi bên chàng trên xe Riley bảy năm trước đã được chôn cất tại đây.
Văn Bình thở dài nhè nhẹ.
Về phía trái, một ngọn đồi cao hơn nghĩa trang cũ màu trắng nhô lên, như muốn án ngữ không cho chàng nhìn rõ cảnh vật trước khi tới sát biên giới.
Trên đỉnh đồi, một làn khói xám trắng bay phơ phất thành vòng tròn.
Đó là Đồi Mây, Cloudy Hill.
Từ Đồi Mây đến làng Fan Ling, trạm cuối cùng trước khi tới Lo Wu, chỉ còn hai cây số phù du nữa.
Văn Bình lái vèo qua Fan Ling.
Con đường còn 5 cây số nữa. Tuy hạ tốc độ xuống mức tối thiểu, chàng chỉ mất 3 phút để  ngốn chặng đường còn lại. Đến nơi, chàng thắng lại, quay đầu xe về phía Kowloon, rồi chậm rãi bước xuống.
Chàng nhìn đồng hồ tay.
4 giờ 45 phút.
Mãi 5 giờ mới có hẹn. Còn 15 phút nữa. Lẽ ra chàng phải đến đúng 5 giờ. Chàng đã nghĩ tới điều ấy -một đòi hỏi cơ bản của nghề nghiệp- song chàng không thể thực hiện vì chàng sợ bất trắc ở dọc đường. Chàng cần dành thêm 15 phút phòng hờ.
Văn Bình bước về phía cây cầu sắt xe lửa cách đó một quãng ngắn.
Một chuyền tàu hỏa vừa tới Lo Wu. Cây cầu biên giới bị đóng cửa, tàu hỏa không qua được nên hành khách có giấy phép vượt biên giới phải xuống tàu, đi bộ qua cầu.
Vào giờ xế chiều này, hành khách gồm toàn người Tàu sinh sống dọc biên giới. Điệp viên 44 của Quốc tế Tình báo Sở đã chọn 5 giờ là giờ gặp gỡ không phải là chuyện ngẫu nhiên.
Văn Bình xốc chiếc máy ảnh Yashica trên vai rồi trà trộn vào đoàn hành khách vừa xuống tàu. Chàng cố tình dùng hai giây da khác màu, giây màu đen để đeo máy ảnh, và giây màu nâu để đeo ống kính phụ dài ngoằng.
Bên kia cầu, lá cờ đỏ 4 sao vàng của Trung cộng bay phất phới dưới ngọn gió loạn xạ từ xa thổi lại. Tuy ở xa, Văn Bình cũng nghe tiếng kêu phần phật như thể vải cờ sắp rách. Gần lá cờ là một ngôi sao đỏ kếch xù bằng kim khí và vọng gác của binh sĩ tuần biên Trung cộng.
Hành khách của xe hỏa chậm chạp tiến qua cầu, vượt qua 3 cảnh sát viên Anh đứng thẳng như phỗng đá.
Ngay cạnh vọng gác Hoa lục, một số người cũng đang chờ đợi. Cách phục sức tiều tụy và đồng loạt của họ chứng tỏ họ là người Tàu.
Văn Bình quan sát từng người. Tuy nhiên, chàng không thể đoán biết người chàng sắp gặp là ai.
44 là ai?
Đó là một điều bí mật mà Văn Bình mong được phăng ra ngay. Trong mẩu thư giấu trong lược vàng mà Yên Hà đưa cho chàng trên xe hơi, đảng viên 44 đã ghi rõ thể thức tiếp xúc, song không biết chi tiết về tướng mạo của mình.
Điệp viên 44 phải là người giàu kinh nghiệm nghề nghiệp vì bức thư giấu trong cái lược vàng được viết bằng mật mã. Loại mật mã mà điệp viên 44 đã giải thích một lần trong những cuộc chuyển giao tài liệu đầu tiên cho phái viên Pháp tấn xã. Dùng mật mã này, 44 không sợ đối phương khám phá được ý nghĩa.
Bức thư  như sau :
« Yêu cầu bạn có mặt tại cầu biên giới giữa Hồng kông và Hoa lục đúng 5 giờ chiều ngày … Bạn sẽ mang trên vai chiếc máy ảnh Yashica cỡ 24x36, kèm theo một ống kính têlê 135 li, giây đeo máy ảnh màu đen, giây đeo ống kính têlê màu nâu. Bắt đầu từ 5 giờ chiều, khi thấy người từ Hoa lục qua cầu sang Kowloon, bạn hãy đổi máy ảnh từ vai này sang vai kia nhiều lần.
Bạn lên xe chờ tôi.
Trân trọng. »
Bức thư không có chữ ký, và đánh máy bằng Anh ngữ trên một cái máy còn mới.
Trong quá khứ, mỗi lần đi tiếp xúc với nhân viên nhị trùng hoặc chọn tự do, Văn Bình đều biết trước mọi chi tiết. Lần tiếp xúc với một nhị trùng ở đường phân ranh Đông Tây Đức, khi bức tường ô nhục chưa ngăn cách hai miền quốc cộng, Văn Bình còn biết cả những chi tiết cần thiết những kẻ sắp gặp chàng đeo kính trắng gọng đồi mồi vàng lấm chấm đen, dận giày đế cao su đỏ, và mang trong túi quần sau bên phải một tấm ảnh đứa trẻ lên 3 đang mút ngón tay nữa. Nhưng cũng có lần Văn Bình chỉ biết lờ mờ. Lần ở Havana, thủ đô Cuba, hoạt động theo lời yêu cầu của tình báo CIA, suýt nữa chàng sa lưới công an thân Cộng của Castro vì người mà chàng tiếp xúc chì cầm một trái cam trong tay làm mật hiệu nhận diện. Người này bị công an bắt giữ trước khi tới chỗ hẹn, và một nhân viên của Castro cầm quả cam tới gặp Văn Bình. Nhờ lanh trí, chàng thoát chết. Đứng trên bao lơn, chàng dùng ống kính quan sát người lạ từ đầu đường tới. Chàng không xuất hiện vì thấy người lạ đi đứng với vẻ bình tĩnh gần như kiêu ngạo, và trái cam Sunkist trong tay bị dập gần hết. Chàng suy luận là điệp viên mới vào nghề -đó là điệp viên người Cuba mới gia nhập CIA – khó thể thản nhiên một cách bất cẩn ở một nơi nhan nhản mật vụ khét tiếng giết người như ngóe, mặt khác, trái cam bị dập chứng tỏ có sự té ngã hoặc vật lộn kịch liệt.
Trừ những cuộc tiếp xúc nghẹt thở như ở Havana, Văn Bình từng sống một đêm thấn tiên –và sau đó là hàng chục đêm thần tiên khác- với một phụ nữ xinh đẹp giữ nhiệm vụ « hộp thư » tại kinh đô ánh sáng Paris dưới thời Đức quốc xã chiếm đóng.
Người đàn bà mỹ miều này mật danh là Bình Minh.
Bình Minh là nhân tình của một đại tá Phản gián quốc xã. Nàng ngụ trong một tòa nhà chia làm nhiều phòng, dành riêng cho nhân viên cao cấp. Theo kế hoạch, cứ 8 tuần lễ là có một lần gặp gỡ. Bình Minh để cửa mở hé, ban đêm nhân viên đồng minh lên đến, xô vào và nhận tài liệu.
Lần nào điệp báo đồng minh cũng phái nữ nhân viên tới, theo lời yêu cầu của Bình Minh.
Hôm ấy, lần đầu tiên, nữ nhân viên của đồng minh bị tai nạn xe hơi. Thật là tai hại vì tai nạn này xảy ra đúng một giờ đồng hồ trước giờ nhân viên đồng minh có thể lợi dụng quân cảnh quốc xã đổi phiên gác trước cao ốc -một sự sơ hở kéo dài 2 phút- để lọt vào bên trong.
Đồng minh không thể đình hoãn tới đêm khác vì Bình Minh sắp cùng tình nhân về Bá linh, và cũng không có cách nào liên lạc với nàng để thông báo sự thay đổi đột ngột. Văn Bình được cử ra làm tròn nhiệm vụ bạc bẽo ấy.
Khi chàng đấy cửa phòng bước vào thì bên trong tối om. Mở cánh cửa thứ hai, chàng mới nhìn thấy ánh sáng le lói.
Thì ra Bình Minh đang ở trong phòng tắm.
Nghe tiếng động, nàng đi ra. Đinh ninh nhiệm vụ đồng minh là bạn gái, Bình Minh không cần giữ gìn. Nàng tiếp đón Văn Bình toàn bộ y phục chỉ gồm đôi dép mỏng. Từ chân lên tới đầu, nàng chẳng có gì hết. Nếu nàng xấu thì cũng không sao, đằng này nàng lại đẹp, chao ôi là đẹp, đẹp có thể làm chàng đứt hơi được …
Nàng muốn che dấu song chung quanh chẳng có gì cả. Nàng định kêu lên, Văn Bình phải xua tay ra hiệu. Đến khi chàng nói mật ngữ, nàng mới hoàn hồn. Tuy nhiên, mặt nàng lại đỏ hơn trước vì thẹn thùng.
Chàng nói :
-Tôi thành thật xin lỗi Bình Minh.
Hôm ấy, nhờ phúc ấm tổ tiên, chàng lại được giọng nói và diện mạo thật truyền cảm và tha thiết nên người đẹp không giận, đòi tống khứ chàng ra ngoài. Vả lại, dầu giận nữa, nàng vẫn phải lưu chàng ở lại trong phòng vì đến rạng đông quân cảnh mới đổi gác phiên nữa, và chàng mới có thể rời bỏ tòa nhà quốc xã.
Văn Bình lấy áo ngủ khoác cho nàng, và như người nhà, lại tủ buýp phê pha rượu cho nàng uống. Chàng rót huýt ky thì nàng lắc đầu chỉ chai cô nhắc. Cô nhắc là món rượu mạnh quốc gia của người Pháp nên chàng không ngạc nhiên. Bên ngoài trời rét cắt ruột, tuyết bắt đầu rơi lả tả trên những cành cây khẳng khiu trụi lá, nàng mới tắm xong, cần uống rượu cô nhắc để lấy hơi ấm.
Nhưng đến khi chàng đổ cô nhắc vào cái ly nhỏ, Bình Minh lại lắc đầu lần nữa, và chỉ chai Curaçao. Chàng hiểu liền : nàng muốn uống cốc tay Bosom Caresser, một món uống có cái tên thi vị đối với trai gái trong phòng vắng. Vì trong Anh ngữ, bosom là ngực, caresser là sự vuốt ve …
Văn Bình đưa một ngón tay lên vì Bosom caresser có hai cách pha. Cách số 1 và cách số 2. Nàng lại lắc đầu lần nữa và giơ hai ngón tay, nghĩa là uống số 2. Cách pha số 2 dùng nhiều rượu cô nhắc hơn cách pha số 1 (1) chứng tỏ nàng là tay khoái rượu.
Chàng mỉm cười. Nàng cười theo. Tiếng cười của nàng mỗi lúc một ròn rã. Thì ra nàng đã có thiện cảm với chàng.
Trên thực tế, chàng đã ở lại với Bình Minh. Không phải ngồi thu mình một góc mà là trên tấm nệm mút có lò so êm ái. Chàng khôn ngoan mời nàng dùng ly thứ hai, cũng với cô nhắc, curaçao, song thêm rượu rom và mấy giọt nước chanh. Cầm ly cốc tay, nàng uống một hơi và nằm xuống giường.
Nàng đã hiểu hàm ý của chàng. Ly cốc tay này mang tên Between the Sheets, nghĩa là “giữa chăn nệm” (2). Nàng đã thỏa thuận cho chàng dùng chăn nệm chung với nàng để quên cảnh đêm đông giá buốt.
Và không riêng đêm ấy, nhiều đêm kế tiếp, Văn Bình đã đến với Bình Minh. Có lẽ cũng vì được tình yêu thúc đẩy nên Bình Minh hoạt động rất đắc lực.
Cho đến khi nàng bị Phản gián bắt giam. Nàng ra pháp trường, dựa lưng vào một bức tường xiêu đổ, rêu mốc, mắt bịt vải đen, một buổi chiều gió thổi mạnh báo hiệu cơn giông.
Bâng khuâng, Văn Bình ném điếu Salem xuống đường. Không biết chiều nay dọc biên giới Hoa lục, chàng sẽ gặp ai. Không biết cuộc tiếp xúc sẽ lành hay dữ.
44 là ai?
Là đàn ông hay đàn bà? Văn Bình cố đoán mà không được. Chàng chắt lưỡi, đổi máy ảnh từ phải sang trái. Đeo máy ảnh nặng du khách đổi vai là thường. Lính gác cũng như dân chúng đã gặp nhiều du khách có cử chỉ như vậy. Trà trộn trong đám đông, 44 sẽ có thể nhận ra Văn Bình.
Bỗng chàng giật mình. Nếu ngoài chàng ra, còn có người khác bị giây máy ảnh cứa da thịt mà đổi vai thì nguy to. Chàng nhìn chung quanh. Cũng may chỉ có chàng là du khách. Vừa đổi vai, chàng bước lên phía trước. Ba cảnh sát viên Anh không nhìn thấy chàng. Cho dẫu nhìn thấy, họ cũng không hỏi. Dân tộc Anh vốn hà tiện lời nói. Họ đứng xoạc chân, tay chắp sau lưng, súng lục đeo trễ xuống thắt lưng, mặc sơ mi kaki và quần sọt, mắt nhìn thẳng.
Đoàn hành khách vừa xuống tàu Kowloon từ từ tiến qua toán cảnh binh Anh. Trong khi ấy, trên lãnh thổ Trung cộng, một người lính đội mũ sắt, mang súng tiểu liên, đi đi lại lại, ra vẻ sốt ruột, phía sau hàng rào chắn sơn trắng.
Văn Bình trịnh trọng nâng cái máy ảnh Yashica lên, thay ống kính têlê 135 li vào, rồi nhắm qua hàng rào chắn. Qua kiếng nhắm, chàng thấy rõ bộ mặt lì lợm và dữ dằn của tên lính. Hắn trợn đôi mắt ốc nhồi về hướng Văn Bình đứng, rồi nhún vai, cười gằn, quay mặt sang chỗ khác. Văn Bình lên phim rồi bấm máy.
Chàng không có ý định chụp hình. Chẳng qua chàng muốn 44 ở bên kia cầu nhận thấy.
Sợ 44 chưa nhìn rõ, Văn Bình lại thay vai lần nữa. Và để 44 khỏi lầm với người khác, chàng tháo ống kính têlê 135 ra, lắp ống kính thường vào, đưa máy lên ngang mắt giả vờ chụp loạn xạ rồi hạ xuống. Rồi chàng đưa máy ảnh từ phải sang trái.
Nhóm hành khách từ Kowloon tới đã qua cầu gần hết. Sắp sửa đến lượt nhóm người từ Hoa lục sang Kowloon. Tuy đứng xa 40 thước, Văn Bình vẫn có thể quan sát rõ ràng. Đàn ông và đàn bà phục sức gần như nhau, một màu xanh thẫm bạc thếch, lấm nhiều vết bùn, cái nón tròn và rộng đội sùm sụp trên đầu. Mặt người nào cũng tái mét. Tái mét chắc vì gió lạnh. Gió lạnh từ Kowloon thổi tới ào ào. Văn Bình thấy mấy người run rẩy. Trong khi ấy, ba cảnh sát viên Anh lại mặc quần áo ngắn …
Phần khác, họ tái mét vì sợ. Người dân Hoa lục đã mắc bệnh sợ trầm trọng. Họ sợ tất cả, sợ bất cứ cái gì, sợ nhất lính tráng và súng đạn … Họ sợ khẩu tiểu liên đen ngòm cứ chĩa vào người họ, như sắp sửa khạc thần Chết.
Văn Bình đã thay vai đeo máy ảnh từ phải sang trái, và từ trái sang phải 4 lần. Đành rằng thay vai là thường, chàng cũng không thể tiếp tục như vậy mãi. Ở những địa điểm yết hầu dọc biên giới như Lo Wu, chắc chắn nhà cầm quyền Bắc Kinh đã đặt ngầm nhân viên đặc biệt, và bọn lão luyện trong nghề không thể không để ý. Tuy nhiên, Văn Bình vẫn phải tiếp tục phô bày mật hiệu vì có thể là 44 chưa nhìn thấy.
Chàng quan sát trạm kiểm soát lần nữa. Toàn thể  hành khách từ Hoa lục tới đã bắt đầu trình giấy. Chàng có cảm tưởng là họ không quan tâm tới sự hiện diện của chàng. Những bộ mặt rám nắng đầy vẻ sợ sệt dưới cái nón tròn rộng chỉ hướng vào tên lính gác đang xét giấy phép. Không ai dám nhìn về phía đường sắt Kowloon mặc dầu họ sẽ tới đấy, có lẽ vì sợ tên lính gác ngờ vực.
Đột nhiên tên lính gác chăm chú ngó Văn Bình. Hắn bắt đầu hoài nghi chàng chăng? Hoài nghi vốn là nếp sống sau bức màn tre. Binh sĩ tuần biên ngày đêm bắt giữ hoặc bắn giết những người dân Hoa lục trốn sang Hồng kông, càng mắc bệnh hoài nghi hơn ai hết. Lần này, tên lính gác hoài nghi rất đúng. Quốc tế Tình báo Sở cần gắn huân chương hạng nhất cho hắn vì người du khách đeo máy ảnh Yashica đứng cách hắn một quãng ngắn đang tìm cách đưa một điệp viên quan trọng ra khỏi lãnh thổ cộng sản ngay trước họng súng tiểu liên nhạy cảm của hắn.
Qua kính nhắm, Văn Bình thấy rõ cái miệng mím lại của tên lính gác đội mũ sắt. Nếu chàng là một trong những người nhập cảnh, chắc chắn hắn sẽ tác oai tác quái với chàng. Văn Bình cười lại một cách khinh miệt.
Một giọng nói gắt gỏng cất lên. Giọng nói của tên lính gác … Hắn ra lệnh cho toán người đang đợi lần lượt tiến lên, giấy phép cầm sẵn nơi tay.
Văn Bình đau nhói ở cuống tim. 44 là ai? 44 là đàn ông hay đàn bà? Dưới cái nón xòe ra lụp xụp, đàn ông và đàn bà đều giống nhau. 44 có mặt trong đám người sửa soạn vượt biên giới sang Kowloon không? Hay là 44 đã bị bắt? Số phận 44 bây giờ ra sao?
Nếu 44 đang ở trước mặt chàng, tại sao không ngẩng đầu lên để  tìm người du khách đổi vai chiếc máy hình Yashica? Là nhân viên điệp báo cao cấp, 44 phải hiểu rõ rằng vượt biên là việc rất khó khăn. Giấy thông quan giả mạo, dầu giả mạo khéo léo đến đâu cũng bị bại lộ. Chắc hẳn 44 đã có thông quan chính hiệu trăm phần trăm. 44 không ngu dại gì để tìm cách đánh lừa tên lính tuần cảnh với giấy tờ giả mạo …
Trong 5 phút nữa.
Phải, chỉ trong vòng 5 phút ngắn ngủi nữa, cực hình kiểm soát sẽ hoàn tất. Trời, mỗi khi ở trong phòng kín với người đẹp, chàng chưa kịp ho một tiếng thì  5 phút đã reôi qua. Nhưng ở đây, 5 phút lại dài kinh khủng, dài tưởng như không bao giờ hết.
Văn Bình nhìn đồng hồ. Quái lạ, hồi nãy đồng hồ chỉ 5 giờ, bây giờ vẫn ở con số 5, không chịu xê dịch.
Văn Bình vội lắc đầu nhiều lần để xua đuổi những ấn tượng sai lầm. Chàng nhìn thấy nội tâm xúc động mạnh mẽ, giống như điệp viên mới tốt nghiệp khóa huấn luyện sơ cấp, bắt tay vào công tác đầu tiên, ngoài sự dẫn dắt trực tiếp của huấn luyện viên.
Ít khi -hoặc không bao giờ - Văn Bình lại rung cảm dễ dàng và ngốc nghếch như vậy. Trừ phi … Chàng hừm một tiếng … Trừ phi 44 là đàn bà. Không phải loại đàn bà có đủ tai, mũi, miệng như hàng triệu đàn bà trên trái đất, mà là đàn bà siêu đẳng, đàn bà mang trên người khối nam châm lớn nhất thế giới, quy tụ tất cả thiên thai, bát cảnh. Nát bàn và thiên đường của huyền thoại …
Trừ phi 44 là đàn bà.
Và là đàn bà tuyệt đẹp.
Văn Bình nắm chặt bàn tay trái như sợ giây đeo máy ảnh nhảy ra ngoài. 44 khó thể là đàn bà. Trong đám người đứng ngoan ngoãn bên kia rào chắn, chàng không nhận thấy một bóng dáng bồ liễu thon đẹp nào. Người nào cũng mập mạp hoặc gầy đét. Người nào cũng ủ dột và xấu xí. Người nào cũng rụt rè và sợ hãi. Người nào cũng đen sạm và bẩn thỉu.
Giả sử 44 là đàn bà thì thật bất hạnh cho chàng. Và khi ấy 44 sẽ là loại đàn bà xấu hơn Chung vô Diệm. Trở về Sàigòn với « nàng », chàng sẽ không dám lò dò đến tổng hành doanh của ông Hoàng nữa. Thiên hạ sẽ rủ nhau cười một trận, hàng tháng chưa dứt. Nhất là Nguyên Hương, cô thư ký thích hại ngầm. Nhất là Quỳnh Loan, nữ điệp viên Biệt vụ đã có con riêng với chàng, và theo chàng như hình với bóng với lời đe  dọa …
Nam nữ nhân viên trong Sở sẽ chỉ trỏ khi chàng đặt chân tới trụ sở Công ty Điện tử ở đại lộ Nguyễn Huệ :
-Z.28 đấy ! Có thấy vẻ mặt buồn như đưa đám của hắn không ? Rõ đáng kiếp … Hắn quấn quít đàn bà thì lần này được quấn quít một mụ đàn bà già khằn, da dẻ răn reo, mặt mũi kinh tởm, hơi thở hôi hám, quấn quít từ Hồng kông về đến Sàigòn … Bị một vố đau quá, hắn sẽ nhất định sẽ cạch đến già…
Nghĩ đến đó, Văn Bình mặt đỏ bừng. Đúng thật rồi, các đóa hoa biết nói hờn giận của Sở lại liên minh với nhau lần nữa để cho chàng một bài học đau buốt xương tủy.
Chàng hy vọng … hy vọng 44 là đực rựa. Chàng thở dài chẳng buồn đổi máy ảnh trên vai nữa. Chàng cầu mong cho 5 phút qua thật nhanh, hầu 44 xuất hiện, leo lên xe, và chàng lái bán sống bán chết về trung tâm Kowloon …
Sống lâu trên lục địa, chắc 44 sẽ giam hãm bao tử. Chàng sẽ dẫn hắn về phòng, mua gà ở Tiên hồng Lâu hoặc vịt Bắc Kinh ở Princess Garden cho hắn thưởng thức. Chàng sẽ giới thiệu với hắn thực đơn Tế Xuyên ngon tuyệt vời tại Ivy, và món heo sữa quay độc nhất vô nhị tại phạn điếm Đại Tống…
À, nếu hắn đòi hỏi, vì món này rất khan hiếm trên lục địa, chàng sẽ đưa hắn tới những hẻm cụt ở Kowloon, hoặc thả đò trên vịnh Causeway, những con đò khang trang, có bức riềm che kín khoang, tha hồ bù khú với giai nhân, eo nhỏ xíu bằng trét tay. Một đêm trăng gió trên mặt nước chỉ mất 10 đô la Hồng kông, trong khi 44 đã có sẵn trương mục bên Thụy Sĩ nửa triệu đô la Mỹ.
Trong khi Văn Bình mường tượng đến thú ăn chơi Hồng kông thì người vượt biên giới đầu tiên trình xong giấy tờ. Ngoài tên lính cầm tiểu liên còn tên thứ hai, mắt dán vào những người đứng đợi. Hắn trả tờ thông quan lại cho người đàn ông gày gò, rồi gật đầu ngụ ý cho phép.
Người đàn ông gày gò cúi đầu chào rồi rảo bước về phía ba cảnh sát viên Anh. Y rảo bước dường như sợ tên gác thay đổi ý kiến.
Y vượt qua người cảnh sát bên hữu, mặt ngẩng lên. Văn Bình vội đổi máy ảnh sang vai trái, mắt nhìn thẳng vào mắt y. Đó là một nông dân Trung hoa đứng tuổi, râu ria lởm chởm có lẽ hàng tuần chưa cạo. Dáng đi tất tưởi, luồng nhỡn tuyến lờ đờ của y chứng tỏ y khó có thể là nhân viên đặc biệt cao cấp, trừ phi y là tay đóng kịch thật giỏi.
Y tiến tới gần Văn Bình. Chàng gần chạm y trên con đường đất nhỏ. Chàng nghe rõ tiếng thở hổn hển của y. Chàng chờ y lên tiếng, song y chỉ thở hổn hển, bộc lộ sự mệt nhọc. Y liếc mắt nhìn chàng một cách thản nhiên, sự thản nhiên lạnh lùng của kẻ qua đường, không quen biết.
Văn Bình chép miệng, quay đầu về đám người còn lại. Người đầu tiên đã qua và không phải là đIệp viên 44. Đây là người thứ hai. Người này cao lêu nghêu như con cò hương, trên vai đeo tay nải, loại tay nải bằng vải xám của người Tàu. Hừ, đeo tay nải cũng giống như đeo máy ảnh… Văn Bình thấy y đổi tay nải từ vai này qua vai khác. Lạ thật, điệp viên 44 đã ghi rõ ràng chỉ có chàng là đổi máy ảnh sang vai, còn y thì không … Hay là 44 hàm ý là y cũng có cử chỉ tương tự ?
Y cúi gằm đầu xuống đất, cái tay nải chĩu nặng một bên. Tên lính Trung cộng trả thông quan cho y và khoát tay cho phép vượt biên giới.
Y qua mặt ba cảnh sát viên Anh. Y qua mặt Văn Bình. Như hồi nãy, Văn Bình đổi máy ảnh từ trái sang phải. Chàng hy vọng gã Tàu mảnh mai kia gật đầu kín đáo rồi theo chàng lại xe hơi. Nhưng y lụi cụi đi thẳng.
Vậy là hai người đã qua. Hai người không dính dáng đến Quốc tế Tình báo Sở và Sở mật vụ của ông Hoàng.
Chỉ còn lại ba người nữa. Hai đàn ông, một đàn bà. Nhìn thoáng qua, thiên hạ dễ lầm là cả ba đều là đàn ông. Một người tiến lên trình giấy. Tia hy vọng cuối cùng le lói trong lòng, Văn Bình nín thở theo dõi quang cảnh. Trên cầu sắt, không còn ai ngoại trừ ba cảnh sát viên Anh vẫn đứng xoạc chân, thẳng đơ như khúc gỗ, vẫn quay lưng về phía Văn Bình.
Sự việc xảy ra nhanh như làn chớp xẹt. Tuy vậy, Văn Bình đã mục kích rõ ràng, từng chi tiết một, tưởng như trong cuốn phim quay chậm. Tên lính xét giấy dí mắt vào tờ thông quan rồi ngẩng đầu lên, quát một tiếng chát chúa. Người đàn ông trình giấy luống cuống trong một phần trăm giây đồng hồ rồi bất thần gạt tên lính sang bên, chạy một mạch lên cầu. Như bị điện giật, ba cảnh sát viên Anh đều chìa tay, thân ngả ra đằng trước tưởng chừng để đón lấy.
Dọc biên giới Hồng kông, người dân Hoa lục chọn tự do là thường. Nhưng trốn thoát được không phải dễ dàng.
Có tiếng người thét. Văn Bình không nhận ra tiếng ai, tiếng của bọn lính cộng sản hay là tiếng của người đàn ông vượt biên giới vô vọng kia nữa. Y lạng sang bên, và lao vội vào hàng rào cản sơn trắng. Nửa thước nữa, y sẽ bước sang miền đất tự do. Song tên lính gác đã phản ứng lẹ làng, nâng khẩu tiểu liên.
Chóc … chóc … chóc …
Tiếng đạn phóng ra khỏi nòng nghe ngắn ngủi nhưng rùng rợn, xé nát bầu không khí xế chiều thầm lặng và u uất ở ven biên. Loạt đạn trúng thân trên của nạn nhân khiến đầu và vai ngã sấp xuống. Một chân vừa co lên đã duỗi thẳng ra. Khối thịt ốm yếu mềm nhũn của y gục vào rào cản, nửa trên về phía Kowloon, nửa dưới kẹt lại trong vùng Hoa lục.
Văn Bình nhận thấy ba cảnh sát viên Anh cùng bước tréo sang bên, khẩu súng lục đập lách cách ở sau lưng chứng tỏ họ đang ở trong tình trạng thần kinh căng thẳng. Song họ không làm gì hết. Như thường lệ, họ chỉ có thể chứng kiến cảnh giết chóc với sự bất lực. Vì nạn nhân chưa rời khỏi lãnh thổ Trung cộng. Dầu nạn nhân đã đặt chân xuống phần đất Kowloon, nhà đương cuộc Anh cũng không muốn gây phiền phức với chánh quyền Bắc Kinh vì một trường hợp riêng rẻ và vô vọng.