Hồi 43
Binh Quan Sách, đường dài gặp Thạch Tú
Cẩm Báo Tử, ngả tắt thấy Ðái Tôn

Lúc ấy anh em Châu Quí giựt đao mà nạt bọn dân làng:
-Các ngươi chớ chạy!
Dân làng cả kinh vở chạy tứ tán, có kẻ chậm chân chạy không kịp thì bị hai anh em Châu Quí giết.
Lý Quì hét lớn một tiếng lớn, chuyển gân mà bứt dây trói, nhảy lại giựt đao muốn giết Lý Vân.
Châu Phú lật đật cản trở mà rằng:
- Chẳng nên làm lếu, người ấy là thầy tôi, tánh ý rất tốt, ngươi hãy chạy trước về Lương Sơn Bạc, đừng có nóng nảy mà giết lầm người phải.
Lý Quì nói:
- Không giết Lý Vân cũng phải, còn Tào thái công tánh ở rất ác, tôi giết nó mới hết nư giận cho.
Nói rồi liền xốc tới đưa Tào thái công, vợ của Lý Quỉ, Lý Chánh, mấy người thợ săn và mấy người lính lệ đều về chín suối. Rồi lại còn muốn rượt theo mấy tên dân làng mà chém nữa.
Châu Quí nói rằng:
- Mấy đứa ấy can chi mà giết nó .
Lý Quì thấy nói như vậy mới chịu ngừng tay, đi với Châu Phú và Châu Quí mà lên đường.
Ði đặng một đổi xa xa, Châu Phú nhớ lại thì nói với Châu Quí rằng:
- Chắc là thầy tôi không dám về huyện, phải rượt theo chúng ta mà giựt Lý Quì lại. Ấy vậy, hãy chờ trong giây phút đặng năn nỉ với người, họa may ổng có xiêu lòng đi theo ta chăng?
Châu Quí nói:
- Em nói cũng phải. Vậy để qua đi trước, còn em với Lý Quì đứng lại đây mà chờ, nếu Lý Vân gây dữ thì có Lý Quì tiếp với, còn như chờ lâu mà va không rượt theo thì em cũng phải lên đường, đừng có châp nê chờ đợi lâu lẳn mà mang họa.
Châu Phú nói:
- Chờ chừng một hai giờ, nếu không có thầy tôi rượt theo thì tôi cũng phải theo anh.
Châu Quí ra đi, còn Châu Phú và Lý Quì thì ở lại mà chờ.
Giây lâu quả có Lý Vân xách đao rượt theo mà hét lớn rằng:
- Cường tặc chớ chạy!
Lý Quì thấy vậy huơi đao nhảy ra đánh với Lý Vân mới đặng năm bảy hiệp, Châu Phú xách đao đở hai lưỡi đao ấy dang ra mà rằng:
- Hai người khoan đánh đã để tôi nói chuyện cho nghe.
Hai người ngừng đao lại thì Châu Phú nói với Lý Vân rằng:
- Thưa thầy, tôi học với thầy một ngày thì cũng là đạo thầy trò, tôi không dám phụ, ngặt vì anh tôi là Châu Quí vưng lời Tống Công Minh theo giử Lý Quì, nếu để cho Lý Quì bị bắt thì anh tôi mặt mũi nào dám thấy Tống Công Minh nữa. Bởi vậy cho nên bất đắc dĩ phải làm chuyện nầy. Tuy vậy, lòng tôi thiệt thương thầy lắm, trong khi hãy còn mê man, Lý Quì đây ý muốn giết thầy, may có tôi cản trở không cho va giết, cho nên thầy mới còn sống đặng đây, đến chừng tôi đi một đổi đường thì còn lại lo cho thầy khó nổi thấy mặt Tri-huyện, cho nên phải đây đợi thầy mà phân trần lợi hại cho thầy nghe. Thầy ơi, bây giờ đã mất Lý Quì, lại chết hết bấy nhiêu quân lính đó, nếu thầy trở về với Tri huyện thì cũng như đem thịt mà nộp cho cọp. Thôi thôi, xin thầy theo anh em tôi thẳng lên Lương Sơn Bạc mà nhập lỏa thì hay hơn.
Lý Vân ngẫm nghĩ một hồi rồi mới than rằng:
- Thiệt qua cũng khó nổi về, song e lên đó không ai nói tới, thì cũng hỗ lắm.
Châu Phú cười rằng:
- Vậy chớ thầy chưa nghe danh Cập Thờ Võ ở Sơn Ðông hay sao? Người ấy thuở nay chiêu hiền đải sĩ, kết giao anh hùng trong thiên hạ, ai nấy đều mến phục, lẻ nào lại không ngó tới thầy sao?
Lý Vân thở ra mà rằng:
- Thảm thay cho qua, có nhà khó ở, có xứ khó về, may mà không có vợ con chi, cũng khỏi lo quan trên bắt bớ, bây giờ qua có đi cũng dễ lắm.
Lý Quì cười rằng:
- Sao ca ca không nói cho sớm. Ðể cho hai người đánh đặng năm bảy hiệp, lúc ấy nếu tôi lẹ tay thì tánh mạng Lý huynh còn gì .
Ba người bèn vầy đoàn chạy theo Châu Quí.
Châu Quí cả mừng, đều đi theo xe mà về Lương Sơn Bạc.
Ði đặng nữa đường, lại gấp Mã Lân và Trịnh Thiên Thọ, mầng rỡ nhau rồi thì Trịnh Thiên Thọ nói:
- Triệu đầu lảnh và Tống đầu lảnh sai hai đứa tôi xuống núi thám thính, nay đã gặp đây thì hai đứa tôi phải về trước đặng có báo cho nhị vị đầu lảnh hay.
Nói rồi liền giục ngựa trở về Lương Sơn Bạc.
Ngày thứ Châu Quí, Châu Phú và Lý Quì về đến đại trại, dắt Lý Vân ra mắt Triệu Cái và Tống Giang mà tõ thuật việc trước.
Lý Quì nhắc đến việc mẹ mình bị cọp ăn, thì lại rơi lụy ròng ròng.
Tống Giang cười rằng:
- Ngươi đã giết hết bốn con cọp nơi Nghi Lảnh, ngày nay trong trại lại thêm đặng hai con cọp sống nữa.
(Nguyên hiệu của Lý Vân là Thanh nhản hổ, hiệu của Châu Phú là Tiếu diện hổ, cho nên Tống Giang gọi là hai cọp sống.)
Rồi đó Triệu Cái truyền dọn một tiệc ăn mừng.
Ngô Dụng nói:
- Phải khiến Châu Quí ra nơi tiệm rượu mà thế cho Thạch Dỏng và Hầu Kiện về trại, lại dọn một căn nhà cho gia quyến của Châu Phú ở, bây giờ bề thế sơn trại càng ngày càng thạnh, thì phải lập thêm ba cái quán rượu, đặng thám thính các việc kiết hung. Ấy vậy nơi phía Tây núi này có một chổ rộng rải, phải khiến Ðồng Oai và Ðồng Mảnh đem mười tên lâu la ở đó mà lập quán.
Lại khiến Lý Lập đem mười tên lâu la lập quán nơi phía Bắc núi nầy ; mỗi chổ quán ấy đều cất một cái Thủy đình. khiến lâu la ở giử phía bên nầy sông đặng có lượm tên mà thông báo. y như quán của Châu Quí vậy. Còn trước núi phải làm ba cái ải, khiến Ðào Tôn Vượng đào kinh đắp đường nơi dưới chơn núi, đặng cho thông thương; lại khiến Tương Kỉnh giử việc thâu xuất trong kho, Tiêu Nhượng giử việc tờ giấy, Kim Ðại Kiên khắc các thứ ấn triện ; Hầu Kiện coi việc đóng giáp, may áo chiến bào và các thứ cờ xí, Lý Vân coi việc cất nhà ; Mã Lân coi việc đóng thuyền ; Tống Vạn và Bạch Thắng giử trại Kim sa na ; Vương Hoài Hổ, Trịnh Thiên Thọ giữ trại Áp chỉ na ; Mục Xuân, Châu Phú coi giữ lương tiền nơi sơn trại ; Lữ Phương và Quách Thạnh ở nhà Tụ nghĩa giử việc tiếp khách ; Tống Thanh giử việc diện yến.
Triệu Cái và Tống Giang đều khen phải.
Bèn khiến các đầu mục ấy làm y như lời Ngô Dụng.
Từ ấy bình yên vô sự, mỗi ngày thao luyện nhơn mã, giáo diễn võ nghệ nơi các trại.
Ngày kia Tống Giang nói với Triệu Cái và Ngô Dụng rằng:
- Công Tôn Thắng về quê đã lâu, không thấy trở lại, lòng tôi lo lắm. Vã chăng, từ đây về Kế châu cũng không bao xa. Công Tôn Thắng đi đã lâu rồi, sao chưa thấy trở lại, thế nầy phải sai Ðái Tôn chịu khổ một phen đi thám thính tin tức mới đặng.
Bèn kêu Ðái Tôn mà tỏ việc ấy, Ðái Tôn vưng chịu.
Tống Giang cả mầng mà rằng:
- Hiền đệ đi trong mười ngày thì phải có tin tức trở về.
Ðái Tôn vâng lệnh, từ giả các vị hảo hớn, mang bốn cái giáp mã, dùng phép thần hành đi thẳng qua Kế châu.
Ngày kia đi đến đia phận Nghi Thũy huyện, dọc đàng nghe người ta đồn rằng:
- Hôm trước bắt đặng Hắc triền phong rồi, vì có bọn Lương Sơn Bạc dụng kế giải cứu làm liên lụy cho Lý đô đầu phải trốn mất.
Ðái Tôn nghe vậy thì cười thầm.
Ði đến một đổi xa xa, lại có một người cầm một cây giáo đứng giữa đường, thấy Ðái Tôn đi mau thì kêu lớn rằng:
- Bớ Thần hành thái bảo, dừng chơn lại cho tôi nói chuyện.
Ðái Tôn trở lại đứng nhìn người ấy, thấy người ấy mủi ngay miệng vuông, mày thanh, mắt sáng, lưng rộng, mình cao, thì hỏi lại rằng:
- Tráng sĩ là ai, sao lại biết tên tôi mà kêu?
Người ấy lật đật bỏ giáo mà quì lạy.
Ðái Tôn vội vã đáp lễ mà rằng:
- Tráng sĩ tên họ là chi, xin cho tôi biết?
Người ấy đáp rằng:
- Tôi là Dương Lâm, quê ở tại phũ Chương Ðức chuyên nghề ở chốn lục lâm, thiên hạ gọi là Cẩm Báo Tử, cách vài tháng nay, tôi gặp Công Tôn Thắng nơi tiệm rượu, thì va có nói: Nơi Lương Sơn Bạc có Triệu Cái, Tống Công Minh thiệt người nghĩa khí, chuyên việc chiêu hiền đải sĩ. Va có làm một phong thơ khiến tôi đến đó nhập lỏa, song vì hai vị ấy chưa từng quen mặt, cho nên lòng tôi dục dặc còn chưa muốn đi. Công Tôn Thắng lại có nói với tôi rằng: Gần nơi Lương Sơn Bạc có một tiệm rượu của Châu Quí, để tiếp rước anh hùng nhập lõa. Lại có một người kêu là Thần hành thái bảo, một ngày đi đặng tám trăm dặm đường, người ấy là người thám thính các việc kiết hung. Vì vậy cho nên tôi thấy trưởng huynh đi mau khác thường, thì lôi định chắc là Thần hành thái bảo, té ra cũng quả như lời Công Tôn Thắng, cũng thiệt là giải cấu tương phùng, vô tâm đắc ngộ.
Ðái Tôn nói:
- Cũng vì Công Tôn Thắng trở về Kế châu vắng bặt tin tức, cho nên Tống Công Minh mới sai tôi đi hỏi thăm rước va về sơn trại.
Dương Lâm nói:
- Tuy tôi là người ở phủ Chương Ðức, nhưng nội miệt Kế châu tôi đều thạo biết ; nếu trưởng huynh bằng lòng thì tôi cũng đi với cho có bạn.
Ðái Tôn nói:
- Nếu túc hạ chịu đi với tôi, thì cũng là may cho tôi lắm. Vậy anh em ta đến đó tìm kiếm cho đặng Công Tôn Thắng, rồi sẽ đồng đoàn trở về Lương Sơn Bạc.
Bèn kết bái với Ðái Tôn mà gọi Ðái Tôn là anh.
Ðái Tôn đi chậm chậm mà chờ Dương Lâm đi với mình, đến chiều vào quán trọ mà nghĩ.
Dương Lâm khiến đem rượu thịt mời Ðái Tôn ăn uống.
Ðái Tôn từ rằng:
- Trong lúc tôi đương dùng phép thần hành thì phải ăn chay cho đến khi về.
Dương Lâm thấy nói như vậy thì cũng ăn chay theo với Ðái Tôn.
Rạng ngày sắm sửa lên đường, Dương Lâm nói:
- Nếu huynh trưởng dùng phép thần hành thì tôi lại không kịp, còn như không dùng phép ấy, cứ đi thủng thỉnh mà chờ tôi như hôm qua, thì lại e nổi trể nải ngày giờ chăng?
Ðái Tôn cười rằng:
- Tôi có bốn cái giáp mã, hễ có người nào theo tôi, tôi sẽ chia cho người ấy hai cái, thì người ấy cũng đi mau như tôi vậy.
Dương Lâm nói:
- Tôi là phàm thai trược cốt, mang phép ấy e không kiến hiệu chăng?
Ðái Tôn nói:
- Phép nầy ai mang cũng đặng, song phải ăn chay mà thôi.
Bèn lấy giáp mã buộc vào vế Dương Lâm, buộc rồi niệm một câu chú thì hai chơn của Dương Lâm rất nhẹ, đi theo cũng kịp Ðái Tôn.
Hai người đi đến giờ tị, tới một hòn núi rất cao, chung quanh có suối bao phũ, chính giữa có đường đi ngang qua núi.
Dương Lâm nói với Ðái Tôn rằng:
- Chổ nầy kêu là Ẩm mã xuyên. Ngày trước có một bọn cường nhơn rất đông, bây giờ không biết thể nào.
Ðái Tôn hỏi:
- Chổ nầy không có sông, sao lại kêu là Ẩm mã xuyên
Dương Lâm nói:
- Chổ nầy sơn thế rất tốt, nước suối chảy bao xung quanh, cho nên mới gọi là Ẩm mã xuyên.
Ði một đổi nữa thì nghe có tiếng chiêng trống, lại thấy đôi ba trăm lâu la chạy ra đón đường, có hai người hảo hớn đi đầu, một người cầm đao nạt lớn rằng:
- Ai đi đường đó, phải dùng chơn lại nạp tiền mải lộ, nếu không thì ắt hồn xuống suối vàng.
Dương Lâm cười rằng:
- Trưởng huynh có thấy chăng. Ðể tôi thoát sanh cho lũ nầy, đặng nó đầu thai kiếp khác.
Bèn hươi thương xốc tới đánh hai người ấy.
Hai người ấy có một người thấy Dương Lâm chạy lại thì kêu rằng:
- Khoan đã, ca ca có phải là Dương Lâm chăng ?
Dương Lâm nhìn lại, té ra người ấy là anh em, bèn kêu Ðái Tôn nói rằng:
- Huynh trưởng hãy lại đây, người nầy cũng là anh em với tôi.
Ðái Tôn bước lại hỏi rằng:
- Tráng sĩ ấy là ai?
Dương Lâm nói:
- Người thứ nhứt đây là Ðặng Phi vì hai con mắt đều đỏ, cho nên thiên hạ gọi là Hỏa nhản tuấn nghê. Khi trước cũng là một bọn với tôi. Cách nhau đã năm năm nay, bây giờ mới đặng gặp nhau.
Ðặng Phi hỏi Dương Lâm rằng:
- Người ấy là ai ?
Dương Lâm nói:
- Người nầy là Thần hành thái bảo, hảo hớn nơi Lương Sơn Bạc đó.
Ðặng Phi nói:
- Có phải là Ðái viện trưởng ở tại Giang châu chăng?
Ðái Tôn nói:
- Phải.
Hai người ấy nghe nói lật đật bước lại thi lễ mà rằng:
- Bình nhựt tôi cũng thường nghe đại danh của Viện trưởng, lòng tôi lấy làm kính mến, muốn đặng gặp mặt, hôm nay tình cờ lại gặp nhau đây, thiệt cũng là điều may lắm.
Ðái Tôn hỏi Ðặng Phi rằng:
- Còn vị hão hớn nầy tên họ là chi?
Ðặng Phi nói:
- Người nầy tên là Ðặng Phương, thiên hạ hay gọi là Ngọc phan công.
Ðái Tôn cả mừng, bốn người và lại đàm đạo cùng nhau.
Dương Lâm hỏi Ðặng Phi rằng:
- Vậy chớ hiền đệ tụ nghĩa tại đây đã đặng bao lâu ?
Ðặng Phi nói:
- Tôi ở đây đặng một năm, song nữa năm trước thì tôi ở nơi phía Tây bắc, có gặp một người tên là Bùi Tuyên làm chức Khổng mục tại phủ nầy, thạo nghề đao bút, có tánh thông minh, lại ngay thẳng, một mảy không chịu lạm thực của người, cho nên ai nấy đều gọi là Thiết diện khổng mục. Va lại thao lược gồm tài, côn quờn hơn sức, người trong phủ này thảy đều kính phục, đến sau triều đình sai tới một vị Tri phủ, có tánh tham lạm của dân, đến nhậm phủ ấy, đối đầu với va ; lập kế hãm hại, đày va ra Sa môn đảo. Trong khi bị đày, đi ngang qua đây, anh em tôi thấy vậy, giết Công sai mà cứu va, va cũng ở đây tụ nghĩa ; anh em tôi thấy va lớn tuổi thì nhường cho va làm chủ trại. Nay gặp nhị vị ca ca, tôi xin mời lên sơn trại, rồi sẽ đàm đạo cùng nhau.
Ðái Tôn và Dương Lâm nghe theo, đi thẳng lên sơn trại.
Bùi Tuyên nghe lâu la lên báo thì lật đật ra cửa trại nghinh tiếp.
Ðái Tôn thấy Bùi Tuyên mình mập, mặt trắng, diện mạo đường đường, oai phuông lẩm lẩm, thì có ý khen thầm.
Vào tới nhà Tụ nghĩa, Bùi Tuyên hối lâu la dọn tiệc thết đải Ðái Tôn và Dương Lâm.
em iép lập .
Trong khi ăn tiệc, Ðái Tôn tõ thuật các việc Tống Công Minh chiêu hiền nạp sĩ, trượng nghĩa khinh tài cho ba người ấy nghe.
Bùi Tuyên nói:
- Sơn trại của tôi đâu có đặng ba trăm con ngựa, lương thảo dùng đặng mười năm, lâu la có đặng năm trăm, nếu nhị vị nhơn huynh có lòng đoái tưởng, xin hãy tiến cử cho tôi lên đó đặng nhập lỏa.
Ðái Tôn cả mừng mà rằng:
- Nếu đặng như vậy thì như gấm thêm hoa, vậy xin tam vị hãy sắm sửa cho sẳn, chờ hai anh em tôi qua Kế châu, kiếm được Công Tôn Thắng, rồi sẽ trở lại đi với nhau.
Ba người ấy đều mầng.
Rượu vừa xoàng xoàng lại dời tiệc ra nơi Ðơn kim đình, xem phong cãnh Ẩm mả xuyên và uống rượu.
Ðái Tôn khen rằng:
- Núi nầy đã cao lại có nước bao xung quanh, quả là một chổ rất tốt, liệt vị chiếm đặng thiệt cũng tài lắm.
Ðặng Phi nói:
- Khi trước có hai đứa chiếm cứ làm chủ trại, song võ nghệ của nó dở lắm, bị tôi giết hết mà chiếm đoạt.
Ðái Tôn và Dương Lâm đều cười.
Ăn uống đã say thì Bùi Tuyên đứng dậy múa gươm.
Ðái Tôn thấy múa hay thì khen lắm.
Ðêm ấy mản tiệc, Ðái Tôn và Dương Lâm đều ngủ tại sơn trại.
Rạng ngày Ðái Tôn và Dương Lâm từ giã xuống núi.
Ba vị hảo hớn ấy cầm cọng hết sức cũng không chịu ở, túng phải đưa xuống chơn núi.
Hai anh em Ðái Tôn từ giả lên đàng, còn ba anh em Bùi Tuyên thì trở lại sơn trại sắm sửa hành lý sẳn sàng đặng có lên Lương Sơn Bạc.
Ðái Tôn và Dương Lâm đi khỏi Ẩm mã xuyên rồi, vài ngày thì tới Kế châu, bèn tìm khách điếm nơi ngoài thànhmà an nghĩ.
Lúc ấy Dương Lâm bàn luận với Ðái Tôn rằng:
- Công Tôn Thắng là người tu hành, chắc là va ở trong chốn sơn lâm chớ không phải nơi thành thị đâu.
Ðái Tôn khen phải.
Rạng ngày Ðái Tôn và Dương Lâm đi ra khỏi thành một đổi xa xa, hỏi thăm nhà Công Tôn Thắng.
Hỏi thôi đã khắp làng khắp xóm nhưng cũng không ai biết, bèn trở về khách điếm mà nghĩ.
Rạng ngày đi phía khác hỏi thăm nữa thì cũng không đặng tin tức chi hết.
Qua đến ngày thứ ba, Ðái Tôn bàn với Dương Lâm rằng:
- Ngày nay ta phải vào thành hỏi thăm, họa may có người biết chổ va ở mà chỉ cho ta không.
Bèn đi với Dương Lâm vào thành Kế châu kiếm người tuổi tác hỏi thăm, song cũng không ai biết.
Ðái Tôn lại bàn rằng:
- Thế khi mấy cái chùa lớn cũng có người biết va.
Bèn đi kiếm chùa lớn mà hỏi.
Khi đương đi, thấy xa xa có một tốp người lầu kia đi lại, hai anh em Ðái Tôn dừng chơn bên đàng mà xem, thấy một người diện mạo khôi ngô, mày dài mắt phụng, da mặt vàng vàng, râu mọc le the, lại có năm bảy người tùy tùng bưng những lễ vật và lụa hàng rất nhiều. Ði tới ngã ba lại có một tốp bảy tám tên quân và một người cao lớn đi đầu, bước tới đón đường chào hỏi người mặt vàng.
Người mặt vàng nói:
- May dữ a! Nay gặp đại ca đây, xin mời đại ca đi uống rượu với tôi một bửa.
Người cao lớn nói:
- Ý tôi không muốn uống rượu. muốn mượn Viện trưởng chừng một ngàn quan tiền mà thôi.
Người mặt vàng nói:
- Ủa tôi với đại ca tuy là biết mặt, nhưng không phải tiền tài tương giao, sao đại ca lại hỏi mượn tiền tôi, tôi có tiền đâu cho đại ca mượn?
Người cao lớn nói:
- Viện trương mới gạt bá tánh lấy của rất nhiều, sao lại không cho tôi mượn?
Người mặt vàng nói:
- Ấy là của người ta cho tôi, chớ tôi có gạt ai để lấy của đâu. Tôi với anh đều có ty thuộc, việc ai nấy giử, chẳng phãi anh cai quản tôi đặng đâu.
Người cao lớn không trả lời, cứ khiến hai tên quân sĩ giựt lễ vật ấy.
Hai tên quân sĩ áp lại giựt các đồ vật và lụa hàng mà chạy tuốt.
Người mặt vàng nỗi giận nói lớn rằng:
- Trương Bảo, mi đừng làm ngang lắm vậy, ta không chịu nhịn mi đâu.
Bèn xốc tới đánh Trương Bảo.
Trương Bảo cười rằng:
- Cha cha thằng Dương Hùng nầy bây giờ muốn đánh với ta sao kìa!
Bèn đạp Dương Hùng một đạp ngang hông té lăn giữa đường.
Quân sĩ áp lại đè Dương Hùng xuống.
Dương Hùng cựa quậy không nổi. Còn mấy người tùy tùng của Dương Hùng thấy vậy cả kinh bõ chạy hết.
Lúc ấy có một chú bán củi, gánh củi đi ngang qua đó, thấy mấy người ấy đè đánh Dương Hùng như vậy, thì đem dạ bất bình, để gánh cũi xuống, bước lại xô mấy người ấy dang ra mà khuyên rằng:
- Quấy phải gì cũng là một vị Viện truởng trong phủ, sao các ngươi lại hiếp đáp thái quá như vậy?
Trương Bảo trợn mắt nạt rằng:
- Thằng ăn mày nầy lại còn làm mặt lanh, muốn gánh bàn độc mướn nữa sao?
Chú bán củi nổ giận đá Trương Bảo một đá, văng ra xa lắc.
Mấy tên quân sĩ áp lại bắt chú bán củi, bị chú bán củi tay đánh chơn đá thảy đều lăn cù.
Dương Hùng nhờ có chú bán củi ấy mới dậy đặng. Bèn đánh bọn quân sĩ ấy đặng trả thù.
Còn Trương Bảo dậy đặng, giựt gói lụa hàng vừa muốn thoát thân.
Dương Hùng rượt theo giựt lại chạy tuốt.
Trương Bảo ý muốn rượt theo giựt lại, song thấy chú bán củi rượt theo mình nữa, cho nên phải bỏ chạy.
Chú bán củi rượt theo đánh bọn quân sĩ.
Ðái Tôn và Dương Lâm xem đã rõ ràng thì khen rằng:
- Chú bán củi đó thiệt là đáng mặt anh hùng, hễ thấy bất bình thì ra công giúp đỡ, không biết sợ ai hết.
Bèn chạy tới cãn trở chú bán củi lại mà rằng:
- Xin tráng sĩ tình diện hai đứa tôi, đừng đánh bọn ấy nữa.
Nói rồi Ðái Tôn mắm tay chú bán củi dắt đi, còn Dương Lâm thì gánh giùm gánh củi theo sau.
Ðái Tôn dắt chú bán củi vào tiệm rượu mời ngồi.
Dương Lâm để gánh củi trước tiệm rồi cũng vào tiệm rượu ấy.
Lúc ấy chú bán củi đứng dậy vòng tay nói với Ðái Tôn và Dương Lâm rằng:
- Nhờ ơn nhị vị đại ca can gián, nếu không thì tôi giết thác bọn ấy rồi.
Ðái Tôn nói:
- Hai đứa tôi là người phương xa, thấy tráng sĩ trượng nghĩa như vậy thiệt cũng có lòng khen. Song e tráng sĩ đánh quá tay thì mang họa, cho nên phải mời lại đây đặng phân giải.
Bèn khiến tửu bảo đem rượu thịt ra mời chú bán củi ăn uống.
Chú bán củi nói:
- Nhị vị ca ca là người chưa quen, đã giải họa cho tôi, lại còn thết đải như vậy, ơn ấy tôi đâu dám lảnh .
Dương Lâm nói:
- Tứ hải chi nội giai huynh đệ, không hề gì đâu mà phòng ngại. Xin tráng sĩ ăn uống với anh em tôi một bửa.
Chú bán củi thấy nói đã cạn lời, thì cũng ăn uống với anh em Ðái Tôn.
Trong khi ăn uống, Ðái Tôn hỏi chú bán củi rằng:
- Tráng tên họ là chi, quê quán ở đâu, xin nói cho tôi rỏ?
Chú bán củi nói:
- Tôi là Thạch Tú, quê ở Kim Lăng, từ bé học tập võ nghệ cũng khá, thấy chuyện bất bình thì ra gánh, nên người trong xứ tôi gọi là Nhương mang tam lang. Năm trước tôi theo chú tôi đến đây buôn ngựa, rủi chú tôi mang bệnh thác dọc đàng, tôi lo việc thuốc thang và chôn cất nên hết vốn, không tiền trở về cho nên mới phải ở đây hái củi đổi gạo đặng nuôi miệng.
Ðái Tôn nói:
- Tài cán như tráng sĩ mà làm nghề bán củi thì cũng mai một anh hùng, chi bằng thả theo giang hồ hưởng cuộc sung sướng thì hay hơn.
Thạch Tú nói:
- Tôi có tài cán chi mà dám trông đến việc sung sướng?
Ðái Tôn nói:
- Tống Công Minh ở trên Lương Sơn Bạc có lòng chiêu hiền, nạp sĩ, trượng nghĩa khinh tài, chớ chi tráng sĩ lên đó nhập lỏa, ắt đặng trọng dụng. Vả lại mai sau triều đình chiêu an thì tráng sĩ cũng đặng vinh phong chớ chẳng không.
Thạch Tú nói:
- Ý tôi cũng muốn, song không người tiến cử thì cũng không đường đi.
Ðái Tôn nói:
- Nếu tráng sĩ muốn lên đó, thì có tôi tiến cử cho.
Thạch Tú:
- Nhị vị có lòng như vậy, ơn ấy trọng biết bao nhiêu, dám hỏi nhị vị tên họ là chi?
Ðái Tôn nói:
- Tên tôi là Ðái Tôn, còn người nầy là Dương Lâm, đều ở Lương Sơn Bạc.
Thạch Tú hỏi:
- Ðái Tôn nào, hay là Ðái Tôn ở Giang châu, hiệu là Thần hành thái bảo đó chăng?
Ðái Tôn nói:
- Phải.
Dương Lâm mở gói lấy mười lượng bạc cho Thạch Tú.
Thạch Tú từ chối không dám lảnh.
Ðái Tôn và Dương Lâm nài nỉ hết sức, Thạch Tú mới chịu lảnh bạc ấy.
Kế Dương Hùng dắt hai mươi người phăng phăng vào tiệm ấy.
Ðái Tôn và Dương Lâm thấy có đông người vào đó thì bỏ đi xa.
Thạch Tú đứng dậy hỏi Dương Hùng rằng:
- Viện trưởng đi đâu đây?
Dương Hùng nói:
- Tôi kiếm túc hạ hết sức. Té ra túc hạ ở đây uống rượu mà tôi không thấy. Khi nảy tôi mắc rượt theo Trương Bão đặng giựt gói hàng lại, cho nên mới quên ngó tới túc hạ. Giây lâu trở lại lại kiếm, hỏi thăm mấy nhà ở gần đó thì ai nấy đều nói: Túc hạ đi với hai người viễn khách lại tiệm uống rượu rồi. Tôi kiếm khắp hết mấy tiệm không đặng, bây giờ mới kiếm đặng đây.
Thạch Tú nói:
- Mắc có nhị vị viễn khách mời tôi uống rượu, cho nên thất công Viện trưởng tìm kiếm, xin miễn chấp. Bây giờ Viện trưởng đã đến đây, xin mời ngồi lại uống rượu và đàm đạo chơi cho vui.
Dương Hùng ngồi lại rồi hỏi Thạch Tú rằng:
- Vậy chớ túc hạ tên họ là chi, quê quán ở đâu, xin cho tôi rõ?
Thạch Tú nói:
- Tôi là Thạch Tú quê ở Kim Lăng, có tánh nóng nảy, thấy việc bất bình liều mình gánh vác cho nên ai nấy đều gọi là Nhương mạng tam lang.
Dương hùng hỏi rằng:
- Hai người viễn khách uống rượu với túc hạ khi nảy, bây giờ đã đi đâu rồi?
Thạch Tú nói:
- Hai người ấy thấy Viện trưởng dắt rất đông người lại , ngở là quyết lòng tranh đấu, cho nên phải bỏ đi.
Dương Hùng nói:
- Hai người ấy có can chi đến tôi, mà tôi phòng quyết chuyện tranh đấu.
Bèn kêu tửu bảo đem rượu thịt lại thếch đãi Thạch Tú.
Trong khi ăn uống, Dương Hùng nói với Thạch Tú rằng:
- Túc hạ quê ở Kim Lăng chắc là không có thân quyến chi ở lối nầy rồi, ý tôi muốn kết làm anh em với túc hạ, không biết túc hạ, bắng lòng chăng?
Thạch Tú cả mừng nói rằng:
- Viện trưởng có lòng cố cập lẻ nào tôi lại chối từ. Vậy chớ niên canh của Viện trưởng bao nhiêu, xin cho tôi biết. Thạch Tú nói:
- Viện trưởng lớn hơn tôi một tuổi, vậy tôi xin kiến làm anh .
Bèn lạy Dương Hùng bốn lạy kêu là ca ca.
Rồi đó, ngồi lại ăn uống với nhau.
Trong khi ăn uống, Dương Hùng ngó ra thấy cha vợ mình là Phan công đi với năm bảy người vào tiệm rượu ấy.
Dương Hùng lật đật đứng dậy hỏi rằng:
- Nhạc phụ đến đây có chuyện chi chăng?
Phan công nói:
- Cha nghe con đánh lộn với Trương Bảo, cho nên cha phải đến đây kiếm.
Dương Hùng thuật rõ các việc Thạch Tú cứu viện cho Phan công nghe.
Phan công cả mừng, rồi cũng kêu mấy người theo mình vào tiệc ngồi lại ăn uống.
Lúc ấy Phan công nói với Thạch Tú rằng:
- Tài cán của chú em như vậy thiệt cũng ít ai dám bì. Vậy chớ thuở nay chú em có biết nghề chi làm ăn, hay là chuyên có một nghề hái củi đó thôi .
Thạch Tú thưa rằng:
- Cha tôi xưa kia làm nghề cạo heo, cho nên tôi cũng thạo nghề ấy,
Phan công nói:
- Thuở tôi còn trai, tôi cũng làm nghề cạo heo, bây giờ già yếu làm nữa không nỗi, cho nên phải thôi.
Ăn uống no say, mấy người đi theo Phan công từ giả ra về. Còn Phan công và Dương Hùng thì dắt Thạch Tú về.
Thạch Tú muốn gánh củi đi ; song Phan công và Dương Hùng không cho gánh.
Thạch Tú phải bỏ gánh củi ấy đi theo .
Vào đến nhà rồi, Dương Hùng kêu vợ bảo rằng:
- Hiền thê ra đây chào hỏi thúc thúc.
Kêu vừa dứt lời thì nghe trong màn có người đáp:
- Lang quân có em hay sao mà khiến tôi chào hỏi thúc thúc?
Dương Hùng nòi:
- Ðừng có hỏi làm chi, hãy ra đây chào hỏi.
(Nguyên người đàn bà ấy sanh ngày mồng bảy tháng bảy, tên là Phan Xảo Vân, khi trước có lấy một người Lại viên ở phủ ấy tên là Vương áp ti, mới đặng hai năm thì vương áp ti chết, đến sau Phan xảo Vân lại gá nghĩa với Dương Hùng đây chưa đặng một năm.)
Lúc Phan Xảo Vân khoát màn bước ra.
Thạch Tú lật đật thi lễ mà rằng:
- Mời tẩu tẩu ngồi, đặng em làm lễ ra mắt.
Phan Xão Vân ngồi xuống.
Thạch Tú vừa muốn quì lạy.
Phan Xảo Vân nói:
- Tuổi tôi còn nhỏ, lẻ nào dám chịu lễ ấy .
Dương Hùng nói:
- Người nầy là anh em mới kết nghĩa hôm nay, vậy hiền thê phải chịu cho nó làm lễ ra mắt.
Nói vừa dứt lời thì Thạch Tú đã quì xuống lạy Phan Xảo Vân bốn lạy.
Phan Xảo Vân đáp lễ rồi trở vào lo việc cơm nước và dọn một căn phòng trống cho Thạch Tú ở.
Ngày thứ Dương Hùng vào khám thì dặn dò Phan Xảo Vân khiến may quần áo cho Thạch Tú mặc.
Nói về Ðái Tôn và Dương Lâm, từ lúc ở nơi tiệm rượu thấy một tốp đông người vào kiếm Thạch Tú, thì e sanh chuyện rầy rà, cho nên trở lại khách điếm.
Ngày thứ Ðái Tôn và Dương Lâm lại đi tìm kiếm Công Tôn Thắng, song hỏi thăm cũng không đặng, đi đã mỏi mê rồi cũng trở về khách điếm.
Rạng ngày lại đi kiếm nữa, kiếm đã bốn ngày không đặng tin tức, túng phải trở lại Ẩm mã xuyên rủ ba anh em Bùi Tuyên đều về Lương Sơn Bạc.
Nói về cha vợ của Dương Hùng là Phan công, ngày kia Phan công ý muốn nổi lò cạo heo, bèn thương nghị với Thạch Tú rằng:
- Nơi phía sau nhà nầy có một cái đường hẻm, đường ấy có một căn phố trống, phía sau căn phố sẳn có một cái giếng, nếu làm lò heo tại đó thì cũng tiện lắm, ý tôi muốn tính hiệp với thúc thúc đặng làm việc ấy.
Thạch Tú cả mừng, Phan công lại kiếm mấy người làm công củ ngày trước mà mướn, rồi khiến ở đó với Thạch Tú, các việc thâu xuất thì để cho thạch Tú coi hết.
Từ ấy Thạch Tú ban ngày thì ở tại lò, tối thì về nhà Dương Hùng mà ngủ.