Chương 9

Đêm nay cũng lại là một đêm khó ngủ. Duy không sao đẩy hình ảnh mẹ con Thu Hà ra khỏi tâm trí mình được. Đôi mắt của người thiếu phụ cứ ám ảnh chàng, một đôi mắt rực sáng khi nói về tình yêu:
"Chỉ có thế. Một tình yêu, một trái tim, một cuộc đời con gái và một lòng tin ngây thơ Tôi vẫn tin chắc rằng chúng tôi sẽ không bao giờ xa nhau, sẽ gặp lại, cho dù tôi đã khóc khi đưa anh ra bến xe".
Duy đột nhiên thấy căm giận vô cùng con người đã từ cuộc đời nàng ra đi. hắn ta, con người ấy hẳn là không có trái tim. Làm sao hắn có thể đang tâm rũ bỏ một tình yêu tuyệt đối như thế, nếu thật sự hắn có một trái tim.
Mười năm. Đó là cả một thời gian dài để mà chịu đựng, đau xót. Hàn Thuyên nói đúng, không thể để mẹ con họ tiếp tục sống như thế. Nghĩ đến đây, Duy bỗng cảm thấy mình mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Lần này bé Ni kêu lên mừng rỡ khi nhìn thấy Duy Đôi mắt em sáng rực lên, đẩy lùi sự cô đơn buồn bã. Em khoe ngay với Duy:
- Em bé ngoan lắm chú ơi. Nó không khóc nhè, không làm nũng. Mẹ đặt tên cho nó là bé Mi, còn khen nó ngoan hơn là bé Ni nữa.
Duy cầm con búp bê lên:
- Thế cái nơ này...
- Mẹ làm đó. Mẹ nói con gái thì phải trang điểm một chút.
Duy kéo con bé ngồi xuống, ôm nó vào lòng. Trên bàn có một quyển vở cũ và một cây viết.
- Bé Ni viết gì thế?
- Mẹ dạy đó. Bé viết tên mẹ, tên bé, và cả tên ba nữa.
Duy cầm quyển vở lên, những dòng chữ nắn nót rất đẹp. Trần Hàn Ni Ngô thị Thu Hà. Và... tên một người nữa. Bé Ni được mang họ cha của nó. Em bỗng níu tay Duy, đôi mắt đen ướt dậy lên niềm khát khao:
- Mẹ nói chú Duy ở thành phố, thế chú có gặp ba Ni bao giờ không? Ba cháu cũng ở thành phố, làm việc trong một tòa nhà đẹp lắm. Cháu chờ mãi mà không thấy ba về.
Duy không chỉ nhìn thấy nỗi nhớ nhung khát khao trong mắt bé Ni mà còn thấy cả nỗi lòng gởi gấm của người mẹ trẻ. Một người vẫn tin, vẫn yêu và vẫn chờ đợi.
- Mai mốt về thành phố, chú sẽ đi tìm ba giúp bé Ni nhé.
- Thật không chú? - Đôi mắt Ni vụt sáng lên rồi lại cụp xuống, nhăn mặt vẻ giận hờn - Chừng nào gặp ba, chú nói mẹ và Ni nhớ ba lắm. Ni chờ ba, mẹ chờ ba đã lâu lắm rồi, nếu ba mà vẫn không về thì Ni không nhìn mặt ba nữa đâu.
- Chú sẽ nói y như thế.
Duy liếm môi, thật khó khăn khi phải nói dối, nhất là với một đứa trẻ ngây thợ Duy hỏi sang chuyện khác:
- Ngoài tên mẹ, tên ba. bé Ni còn biết viết gì nữa không?
- Ni còn biết làm toán nữa. Này nhé, một cộng một bằng hai, đúng không chú?
- Thế Ni có thích đi học không? Học viết, học làm toán và cả học chơi đàn nữa.
Cô bé nhìn lên, vẻ buồn bã:
- Mẹ nói không có ba thì không được đi học. mà tại sao vậy chú? Bé Ni đi học chứ có phải ba đi học đâu.
Duy tưởng chừng mình có thể khóc lên được vì câu hỏi ngây thơ ấy. Chàng muốn kêu gào lên rằng người đàn ông bội bạc có nghe được những lời lẽ tuổi thơ thiêng liêng ấy không? Có nghe tiếng gọi tha thiết của đứa con máu mủ của mình không?
Duy cúi xuống hôn khẽ lên mái tóc của em:
- Bé Ni nghe chú nói này. Chú sẽ đưa bé Ni đi học, chịu không?
- Nhưng chú đâu phải là ba Ni.
- Chú có cách. Bé Ni tin chú không nào?
- Đi, nếu được đi học thì thích quá. Nghe mẹ nói ở trường có nhiều bạn lắm, phải không chú? Các bạn đều lớn và giống như Ni vậy, biết cười, biết nói chứ không như bé Mi chỉ biết nhắm mắt mở mắt thôi.
- Đúng rồi, ở trường vui lắm, có bạn bè, thầy cộ Các thầy sẽ dạy Ni hát, dạy Ni làm toán, và biết viết chữ nhiều hơn.
- Chú hứa rồi nhé.
- Chú hứa.
Ngay lúc đó, Duy không biết mình làm được những gì, nhưng có một lời hứa mạnh mẽ trong Duy, thôi thúc anh phải làm được một điều gì đó cho bé Ni, bằng bất cứ giá nào.
Người mẹ giờ này vẫn còn đâu đó ở ngoài rẫy. Duy thơ thẩn đứng bên cửa sổ nhìn ra con đường lấp lóa nắng vàng, chạy dài đến tận bìa rừng:
- Mẹ gọi đó là "Mắt đợi".
Duy giật mình quay lại:
- Ni nói gì cơ?
- Cái cửa sổ, mẹ gọi là "Mắt đợi". Mẹ thường bế Ni nhìn ra con đường kia đợi bạ Mẹ nói chừng nào ba về, ba sẽ đi qua con đường đó.
Duy mỉm cười, chợt cảm phục cái lòng tin đến kỳ lạ ấy. "Mắt đợi". - Có lẽ không còn cái tên nào hay hơn thế nữa.
Bé Ni lại liến thoắng giới thiệu:
- Còn cây đàn kia mẹ cháu gọi là "Mối tình đầu". Mẹ nói cây đàn đó là của ba, ba mang đến từ thành phố. Mẹ nói ba đàn hay lắm, chính tiếng đàn của ba đã làm mẹ thương ba.
- Còn gì nữa không bé Ni?
- Còn chứ ạ. Mỗi vật trong nhà mẹ đều đặt cho cái tên.
Nói rồi Ni kéo tay Duy đi vào nhà trong. Đằng sau tấm vải hoa làm rèm là một thế giới thu nhỏ của hai mẹ con.
- Tấm nệm nàu là "Êm êm". Còn lọ hoa kia gọi là "thơ mộng".
- "Êm Êm... Thơ mộng"... Duy ngẩn ngơ giữa một khung cảnh vừa êm đềm, vừa thơ mộng ấy. Thoang thoảng trong không gian ngầy ngật một thứ hương thơm của da thịt, của mái tóc... Duy vội vàng kéo bé Ni ra. Thu Hà mà bắt gặp chàng ở trong phòng nàng thì có mà chết, mà ê cả mặt.
Ngoài sân nắng đã nhạt hơn, một ngày nắng kết thúc. Duy hỏi:
- Mẹ đi làm bao giờ về hả Ni?
Ni kéo chàng ra sân:
- Mẹ nói vệt nắng tới đây thì mẹ về nấu cơm cho Ni ăn.
Duy bỗng nảy ra một ý kiến:
- Thế có bao giờ Ni nấu cơm cho mẹ chưa?
- Mẹ nói Ni còn nhỏ, không cho Ni làm. Khi nào Ni lớn sẽ nấu cơm cho mẹ ăn, phụ mẹ làm rẫy để mẹ đỡ vất vả.
- Hôm nay chú cháu mình làm cho mẹ ngạc nhiên nhé. Nào, Ni chỉ cho chú xem gạo để đâu nào.
Nàng đứng sững ở cửa khi nhìn thấy Duy, có mùi gạo nấu thơm lừng, mùi cá kho quá lửa hăng hắc. Nàng bỏ nón xuống, gỡ tấm khăn che mặt, hai má nàng ửng hồng, vài giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt phơn phớt một niềm vui nho nhỏ, pha lẫn một chút ngạc nhiên thích thú.
Bé Ni reo lên:
- A, mẹ về! Mẹ Ơi! Con và chú Duy nấu cơm đó.
Nàng trách nhẹ nhàng:
- Sao anh lại làm thế?
- Chị có vui lòng mời tôi bữa cơm không?
- Anh đến từ bao giờ?
- Tôi có nấu sẵn nồi nước, chị tắm rồi ra ăn cơm.
Nàng lắc đầu, mỉm cười rồi đi ra nhà sau. Bé Ni kéo tay Duy:
- Chú có thấy mẹ cười không? Ít khi mẹ cười vui như thế.
Duy cũng mỉm cười. Chàng vừa được nhìn thấy một gương mặt đằm thắm, một đôi mắt long lanh khác hẳn với những lần trước. Chiều xuống thật nhanh, hoàng hôn tắt lịm phía chân trời. Thu Hà đã tắm xong, mái tóc còn ướt nước chườm trong tấm khăn bông. Nàng mặc chiếc áo màu đen, sợi dây có hình thánh giá bạc lấp lánh trên cổ áo hình trái tim.
Nàng thắp lên hai ngọn nến, ánh nến làm cho căn phòng nhỏ lung linh, thơ mộng hơn. Ba người quây quần bên chiếc bàn con. Duy bỗng cảm thấy ấm cúng đến lạ lùng.
- Mời anh.
- Mời chú ăn cơm. Mời mẹ ăn cơm.
- Cơm này nấu cũng không tệ đấy chứ.
Nàng khẽ cười, ánh nến mờ ảo soi lên gương mặt nàng ửng hồng.
- Anh làm cho tôi ngạc nhiên.
- Vì cái gì? Vì tôi đã đến đây hay vì nồi cơm tôi nấu?
- Tất cả.
Bé Ni ngơ ngác nhìn hai người:
- Chú và mẹ nói chuyện gì mà con không hiểu.
Nàng trách yêu con:
- Bé con không nên nghe chuyện người lớn làm gì.
Bé Ni cắm cúi ăn cơm. Chợt nhớ ra, nó kêu lên:
- Mẹ Ơi! Chú Duy hứa sẽ dắt con đi học đấy.
Nàng đưa mắt nhìn Duy nhưng không nói gì. Nàng ít nói, nhưng thỉnh thoảng lại cười, vẫn là vẻ đẹp đằm thắm, giấu kín trong nỗi buồn cô đơn đến làm khắc khoải đôi mắt sâu nhưng đen.
Cơm xong, nàng bảo con đi ngủ sớm. Ngồi ở ngoài, Duy nhắm mắt nghe tiếng ca mềm mại của người mẹ trẻ ru con. Anh như nhìn thấy cảnh nàng ấp ủ con trên chiếc nệm có tên là "Êm êm".
- Sao anh lại hứa với cô bé như thế?
Duy mở choàng mắt ra. Nàng ngồi trước mặt Duy, mái tóc xõa dài. Duy hỏi lại:
- Chị nói gì cơ?
- Anh hứa với bé Ni dẫn nó đi học làm gì, đó là một điều không thể làm được.
- Ngay bây giờ tôi chưa biết mình sẽ làm gì. Nhưng tôi đã hứa thì nhất định tôi sẽ làm được. Tôi không chịu được khi nhìn thấy bé Ni ngày ngày thui thủi một mình trong góc rừng hiu quạnh này.
- Đó là tội lỗi của người làm mẹ như tôi. Dù sao cũng cám ơn anh đã thương bé Ni.
- Còn chị, không lẽ chị cam chịu suốt đời chôn vùi tuổi thanh xuân ở nơi đây?
Duy hỏi rồi nhìn thẳng vào mắt nàng, cố tìm kiếm được điều gì trong đó, nhưng chẳng có gì ngoài nỗi buồn sâu thẳm.
- Chứ con biết làm gì hơn nữa. Một người đàn bà hư hỏng như tôi thì có thể làm được gì?
- Có bao giờ chị nghĩ đến việc rời khỏi nơi đây, đi đến một nơi nào đó thật xa làm lại cuộc đời không?
- Tôi...
Nàng ngập ngừng, đờ đẫn như người mất hồn. Duy quyết định tấn công mạnh mẽ hơn:
- Có phải chị vẫn còn hy vọng? Chị muốn chờ đợi người ấy.
- Anh đừng nói nữa, tôi không muốn nghe những điều đau lòng ấy.
- Chị phải nhìn thẳng vào sự thật và tỉnh táo hơn. Đã mười năm rồi, con người ấy sẽ không bao giờ quay trở lại nữa.
Nàng bỗng quắc mắt nhìn Duy thật dữ dội:
- Anh không được quyền nói như thế.
Nhưng Duy vẫn không hề nao núng:
- Cho dù chị không thích nghe, tôi vẫn nói. Chị Thu Hà! Tôi muốn nói với chị là con người ấy không xứng đáng để chị yêu và hy sinh nhiều như thế này. Hắn đã phản bội chị, không xứng đáng với tình yêu của chị.
- Anh im đi - Nàng thét lên - Anh biết gì về tình yêu của chúng tôi? Mười năm qua rồi, tôi không lúc nào tin rằng anh ấy phản bội tôi. Thế mà anh..anh lại dám sỉ nhục tình yêu của chúng tôi.
Duy thất vọng nhìn nàng, nhưng không dám nói thêm gì nữa. Đôi mắt dữ dội của nàng cho biết rằng nàng sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bảo vệ tình yêu của mình. Rồi Duy thở dài:
- Tôi xin lỗi. Chỉ vì.. tôi không thể chịu được khi nhìn thấy hai mẹ con chi... nói thế nào nhỉ.
Đôi mắt nàng nhìn Duy dịu lại:
- Thôi, đừng nói chuyện ấy nữa. Anh có biết không. Chiều nay đi làm về, ngửi thấy mùi cơm chín trong bếp, tôi thật sự rất xúc động. Chưa bao giờ tôi cảm thấy ngôi nhà mình ấm cúng như hôm naỵ Tôi thật sự cảm ơn anh vì điều đó.
Duy cười, cảm thấy vui vui. Nàng nói tiếp:
- Lúc tôi mang thai bé Ni, bị người ta đuổi ra khỏi làng, trong lòng tôi chỉ toàn oán hận. Rồi Kha đến với mẹ con tôi, tấm lòng của Kha không gì so sánh được. Bây giờ lại gặp anh, rồi cả Hàn Thuyên nữa, tôi mới hiểu rằng trên đời này vẫn còn nhiều người tốt lắm.
Nói rồi nàng cười thật tươi, thật rạng rỡ. Vẻ mặt ấy của nàng dưới ánh nến lập lòe huyền ảo bất giác làm trái tim Duy run lên. Chàng phải vội vàng quay đi để che giấu xúc động. Người thiếu phụ này, không biết bằng cách nào đã len lỏi vào trong trái tim Duy.
Nàng tiễn Duy ra cửa, ánh trăng non vàng vọt đậu trên tóc nàng. Duy ngập ngừng như muốn nói điều gì đó rồi lại thôi. Nàng bỗng hỏi:
- Đêm tối thế này, anh đi trong rừng không sợ sao?
- Tôi đang tự hỏi không hiểu sao một người phụ nữ như chị lại dám sống giữa rừng thế này?
- Có gì đâu, lâu dần thành thói quen thôi, hồi đầu sợ lắm, đêm nào cũng khóc.
- Bây giờ tôi tự hỏi, thật ra chị là một người phụ nữ mềm yếu hay có một nghị lực phi thường? Có lúc tôi thấy chị yếu đuối lắm, nhưng nghĩ lại những gì mà chị trải qua, nếu không có một nghị lực mạnh mẽ thì không thể chịu đựng được.
- Anh đừng nghĩ gì về tôi thì tốt hơn.
- Nhưng từ khi gặp chị, nghe câu chuyện gần như là huyền thoại của chị thì tôi không thể nghĩ đến điều gì khác được nữa.
Nàng lắc đầu, vẻ khiển trách:
- Người thành phố các anh nói chuyện cứ như là có mật trong lưỡi. Thế đã có cô thôn nữ nào si tình vì anh chưa?
- Tôi hy vọng sẽ tìm được một tình yêu nồng nàn, một tình yêu bất diệt, vượt qua thời gian và mọi thử thách như mối tình của chị.
- Có đấy. Con gái quê chúng tôi khi đã yêu thì hết mình, yêu bằng cả con tim và cả cuộc đời.
Bất giác Duy nghĩ đến Thụy Miên. Thật lạ, từ ngày gặp người thiếu phụ cô đơn này, dường như Thụy Miên chỉ còn là một ký ức mờ nhạt trong trái tim Duy.
Thu Hà nói:
- Để tôi lấy cho anh cây đèn pin, trăng hôm nay còn hơi non, đường rừng tối lắm.
Vậy mà dưới ánh trăng non ấy, Thụy Miên đã đứng chờ Duy Anh giật mình đứng sững lại khi nhìn thấy nàng. Đôi mắt buồn bã và đầy trách móc của nàng hướng về phía Duy.
- Anh Duy đi đâu về thế? Chiều nay, cả nhà chờ cơm anh rất lâu.
- Cho anh xin lỗi vì đã không báo trước. Sao Miên còn chưa ngủ?
Nàng cúi đầu nhìn xuống, có cảm giác như đôi vai run lên. Rồi giọng nàng nghèn nghẹn:
- Sao mấy ngày qua anh Duy cứ tránh Miên.
- Anh đâu có thế.
Duy tìm cách chống chế nhưng không thành công lắm. Thụy Miên vẫn không buông tha:
- Anh Duy đừng giấu Miên nữa. Có phải anh Duy đã bắt đầu thấy sợ Miên không?
Chàng giật mình. Sao Miên lại có thể nghĩ đến điều đó được nhỉ?
- Anh làm gì phải sợ Miên kia chứ?
Nàng thở ra, vụng về đan đôi tay vào nhau. Trong đôi mắt xa xôi của nàng rân rấn nước, rồi nàng thổn thức:
- Miên không hiểu sao mình lại như thế này. Hồi đó Miên sống vui vẻ, hồn nhiên lắm, đêm nào ngủ cũng ngon, không giật mình thức giấc, không mơ mộng viễn vông. Còn bây giờ Miên hư hỏng mất rồi. Lúc nào Miên cũng nghĩ đến anh. Miên giật mình lo sợ khi thấy anh chau mày. Miên vui khi anh vui vẻ và buồn lúc anh buồn. Anh Duy ơi! Thụy Miên hư hỏng lắm phải không anh?
Duy bàng hoàng đến lặng cả người. Trong một lúc không sao nói được một điều gì. Bất giác chàng liên tưởng đến hình ảnh Thu Hà mười năm trước. Cũng tuổi trẻ như thế này, và cũng chắc là một trái tim đầy tình yêu thương. Một tình yêu mạnh mẽ và dữ dội không kém gì thác Hơ-Lam cuồn cuộn đổ.
Trái tim ấy của Thụy Miên, đúng như nàng nói, đã làm cho Duy sợ hãi, lo sợ mình không đủ mạnh mẽ và lòng nhiệt thành đáp lại mối tình nồng nàn của Thụy Miên.
Chàng bỗng quay mặt đi, tựa vào gốc điều trước sân như muốn tìm một cử chỉ bám víu. Duy phân vân một lúc rồi hỏi:
- Thụy Miên có nghĩ đến một ngày nào đó anh sẽ đi khỏi đây rồi không bao giờ trở lại nữa không?
Nàng lại nhìn vào Duy:
- Anh Duy không phải là người như thế đâu. Miên tin mà. Người có trái tim nhân hậu như anh sẽ không làm điều đó.
- Làm sao biết trước được, Miên? Có thể anh không muốn, nhưng vì một hoàn cảnh nào đó... anh phải đi. Anh sợ lắm, làm sao anh chịu được khi nghĩ đến Miên thui thủi một mình ở miền quê hẻo lánh này.
- Nếu quả thật có ngày đó, Miên sẽ chờ anh - Giọng nàng bỗng mạnh mẽ như thường - Nếu được sống để mà chờ đợi, mà thương yêu, hy vọng thì cũng đâu có gì phải ân hận, đúng không anh? Còn hơn phải sống những chuỗi ngày dài vô vị, không có tình yêu, không có gì để mà hy vọng, chờ đợi...
Duy thật sự bàng hoàng khi nghe những lời lẽ đầy nhiệt huyết xuất phát từ một trái tim trẻ trung như Miên. Có phải mười năm trước Thu Hà đã yêu như thế này? Cũng sẵn sàng chấp nhận như Miên? Và bây giờ... phải chăng trong nỗi đớn đau của cô đơn và tuyệt vọng, Thu Hà cũng tìm được nguồn hạnh phúc giống như Miên nói, được yêu, được thương, được hy vọng và chờ đợi?
Nàng nhìn thẳng vào mắt Duy, mạnh mẽ và hoang dại vô cùng:
- Anh Duy có tin Miên không?
- Anh...
- Có một câu chuyện Miên muốn kể với anh.
Hai người vẫn đứng dưới gốc cây điều lấp loé ánh trăng bạc. Trăng rải không đủ sáng làm cảnh vật như hư như thật, mờ ảo và huyền hoặc. Và rồi Miên kể câu chuyện ấy. Chính câu chuyện của Thu Hà. Lần đầu tiên Duy được nghe nói về Thu Hà từ một người... có thể nói là ở khác phẹ Tuy nhiên, những gì Miên nói phải làm cho Duy kinh ngạc.
- Em không biết chị ấy bây giờ thế nào, nhưng em nghĩ chỉ từng có một tình yêu rất lớn, một tình yêu say mê đắm đuối. Chị đã được yêu, được hy vọng và chờ đợi, cho dù kết quả cuối cùng đã không được tốt đẹp.
- Làm sao em có những ý nghĩ như thế hở Miên? - Mãi, Duy mới nói được - Em không cảm thấy đánh đổi cuộc đời con gái vì một tình yêu vô vọng như Thu Hà là không xứng đáng hay sao?
- Cuộc đời con gái như bọn em ở đây chả có ý nghĩa gì cả, còn nhỏ thì đi học dăm ba chữ, thời gian còn lại phụ ba mẹ làm rẫy. Lớn lên mười tám, mười chín tuổi lấy chồng, cũng không biết người ấy thế nào, có hợp không, có cùng chung những ước mơ và ý nguyện không và... tất nhiên cũng không có tình yêu. Thế rồi sanh con, đẻ cái... thế là chấm dứt cuộc đời con gái. Em sợ lắm. Em không muốn mình như thế đâu.
Bây giờ Duy có thể khẳng định Thụy Miên không phải là người con gái bình thường, nàng mạnh mẽ khác thường, trong đôi mắt rừng rực hoang dại của nàng là sự khao khát cháy bỏng, muốn được vùng vẫy nổi loạn để vượt qua những khuôn phép nhàm chán.
Duy quyết định nói:
- Miên này! Em có biết không, anh đã gặp Thu Hà.
Nàng tròn mắt nhìn Duy:
- Anh nói sao cơ?
- Anh đã nghe câu chuyện đó và nhìn thấy người thiếu phụ ấy.
- Hôm nay anh đã...
Duy gật:
- Anh vừa ở chỗ Thu Hà về. Thật lạ, dường như em và Thu Hà cùng chung ý nghĩ, cũng một ý chí mạnh mẽ và lòng nhịêt thành hừng hực trong tim. Nhưng cái giá mà Thu Hà phải trả cho tình yêu, cho sự phá vỡ khuôn phép là quá lớn. Anh không chịu nổi khi nhìn thấy hình ảnh của hai mẹ con họ.
- Thế chị ấy.. chị ấy có ân hận không anh?
Nàng hỏi rồi mở to mắt nhìn Duy chờ đợi:
- Có..mà cũng không.
- Em không hiểu.
- Những lúc nói về đứa con gái, Thu Hà không sao kềm được nước mắt, làm sao có thể không ân hận, không đau đớn được cơ chứ. Nhưng...
Duy không nói hết, nhưng Thụy Miên cũng thầm hiểu. Với bản thân mình, Thu Hà không có gì phải ân hận cả. Cả hai bỗng rơi vào im lặng, thật lâu sau đó Duy lên tiếng:
- Miên này! Anh có một chuyện muốn nhờ em đây.
- Bác Mộc ơi! Cháu có điều này muốn xin với bác.
Duy nói, rồi anh, Thụy Miên và Hàn Thuyên đưa mắt nhìn nhau, không khỏi lo lắng. Họ đã cùng bàn bạc, cuối cùng đưa chuyện này ra nói với ông chủ tịch xã, người mà họ nghĩ có thể giúp được họ.
- Cháu có điều gì lo lắng phải không? Mấy ngày qua, bác nhìn cháu lạ lắm.
Duy cũng không ngờ mình để nỗi lo trào lên mặt dễ nhận ra như thế. Rồi anh nói:
- Dạ vâng. Cháu nghĩ mãi mà không biết làm thế nào.
- Cháu cứ mạnh dạn nói đi.
- Vâng, về chuyện của Thu Hà - Duy liếm môi, hơi căng thẳng - Cháu không hiểu sao mọi người đối xử với mẹ con cô ấy như thế.
Ông Mộc nhìn sững Duy, cả bà Mộc cũng ngạc nhiên. Chợt ông khó chịu:
- Đó không phải là chuyện của cháu.
- Kìa ba!
Thụy Miên lo lắng nhìn Duy rồi nhìn cha như muốn van xin ông. Duy nói:
- Cháu biết, nhưng cháu lại không thể làm ngơ được. Thu Hà... về mặt nào đó đúng là đáng trách, nhưng chúng ta cũng không thể đối xử quá nhẫn tâm với người ta như thế được.
- Này cháu - Bà Mộc có vẻ bất bình - Thế nào là nhẫn tâm? Mọi việc làm như thế có thể tha thứ được sao? Chẳng hóa ra làm một điều gì xấu để đám con gái noi theo hay sao?
- Kìa anh - Hàn Thuyên nhắc Duy - Chẳng phải chúng ta đã thỏa thuận chỉ nói chuyện của bé Ni thôi sao?
Câu nói của Thuyên như đánh thức Duy, làm anh chợt giật mình. Hóa ra từ lúc nào anh chỉ biết nghĩ đến Thu Hà mà thôi. Hàn Thuyên quyết định nói thay Duy:
- Về chuyện của chị Thu Hà thì cháu không dám có ý kiến, nhưng còn đứa con của chị ấy. Theo cháu, bé Ni không có lỗi gì cả, chúng ta không thể bắt đứa con nít ngây thơ không biết gì gánh chịu sai lầm của mẹ nó.
Ông Mộc đã có vẻ hòa nhã hơn:
- Cháu nói rõ hơn xem nào.
- Có lẽ bác chưa nhìn thấy bé Ni con bé thật sự rất đáng thương. Ở tuổi nó, tất cả trẻ con đều có bạn bè, có quyền được đến trường, được chúng ta thương yêu và bảo vệ. Chúng ta, những người lớn, không thể vì lỗi lầm của mẹ nó mà hủy hoại cả tương lai nó.
Thụy Miên nói thêm vào:
- Chị Thuyên nói đúng đó ba, mình phải làm một cái gì đó cho bé Ni tội nghiệp ấy. Không thể để nó suốt đời sống cô quạnh ở góc rừng ấy, như thế thì có vẻ nhẫn tâm quá.
Tới lượt Duy góp vào:
- Chúng cháu muốn xin bác tìm cách vận động cho bé Ni được đến trường. Trước tiên hãy giúp con bé được thế đã.
Ông Mộc im lặng một lúc, rồi nói:
- Đây không phải vấn đề mà bác giải quyết được.
- Bác có lẽ là người hiểu hơn ai hết việc làm ấy đi ngược với tinh thần của pháp luật.
- Pháp luật thì đương nhiên là phải được tôn trọng, nhưng điều quan trọng không kém đó là nguyện vọng của quần chúng, của tập thể.
- Chúng ta hãy tìm cách giải thích cho bà con hiểu ra vấn đề.
- Bác cảm thấy mình không đủ khả năng làm việc đó.
- Ba đừng như thế ba ơi - Thụy Miên năn nỉ - Con xin ba hãy mở lòng nhân ái với đứa bé đáng thương và vô tội ấy.
Bà Mộc gắt con gái:
- Con im đi. Đến con mà không hiểu được sao?
- Con không sợ. Con thì nghĩ chúng ta đã đi ngược lại với tinh thần nhân ái và tha thứ của tôn giáo. Chẳng phải Chúa đã dạy chúng ta phải biết tin tưởng và tha thứ cho nhau đó sao mẹ?
- Lòng nhân ái không phải là sẵn sàng tha thứ cho bất cứ sai lầm nào.
Duy bấm tay ra hiệu cho Thụy Miên đừng tranh luận với mẹ nữa. Rồi chàng hướng vào ông chủ tịch:
- Dù sao trẻ con cũng không có tội. Thưa bác, chúng ta hãy mở rộng tấm lòng mà đón nhận bé Ni.
- Thôi được - Ông Mộc suy nghĩ một lúc rồi nói - Bác sẽ mở cuộc họp đân, hai cháu hãy đứng ra mà giải thích, có chịu nhận bé Ni không là quyền của tập thể.
Thụy Miên nhất quyết đòi đi theo nên mới nghĩ ra một cách nói dối bà Mộc. Họ gặp nhau ở chỗ con suối, như đã hẹn trước, thế rồi bốn người cùng lên đường.