Chương 10


Chương 9
Mũi tên độc và tiếng nấc nghẹn

Bốn chúng tôi thở phào, ngồi xuống tảng đá bên đường nghỉ lấy hơi. Thu võ mồm, hai tay len lén giữ lấy mép quần bị khỉ đầu đàn xé rách, ngồi nép ra phía sau Hương.
Bỗng Cúc cười ré lên. Nàng nói:
- Buồn cười! Hai chàng giành nhau một nàng. Thu thế mà có duyên, đến độ khỉ cũng phải mê.
Tôi vờ nghiêm giọng:
- Còn nói chọc à? Biết vậy, xô Cúc vô cho hắn!
Thu nhăn mũi, bảo:
- Kinh tởm, hắn hôi ơi là hôi. Mà chàng định bắt Hương, nhưng bắt nhầm phải Thu đó chớ.
Cả bọn cười vang. Hương hỏi:
- Giả thử hắn thơm tho thì răng? Thu chịu ở lại làm con tin không?
Nhưng tôi đã đứng lên, cắt ngang câu chuyện:
- Về thôi, kẻo hắn trở lại thì lôi thôi lắm... A, mà đợi Sơn tìm dép nghe!

*

Cây sung cổ thụ sát bờ vực quả đơm chi chít từ thân cành cho ra tới ngọn. Mùa sung chín đã đến. Quả xanh chen quả chín trĩu cành. Đàn khỉ khố đỏ đã có thêm những khỉ choai và khỉ con.
Cai Khố Đỏ cũng đã có đôi và có một con chừng ba tháng tuổi, đang theo mẹ.
Cũng như những cặp vợ chồng khỉ khố đỏ khác, vợ chồng khỉ đầu đàn cũng bận bịu, quấn quýt với khỉ con.
Ngày ngày Cai Khố Đỏ dẫn đàn ra ngọn cây sung tìm ăn những quả chín. Bây giờ thì Cai Khố Đỏ coi bộ chững chạc hơn và cũng bận rộn hơn trước.
Có lẽ vì đầu lĩnh đã có vợ con. Như những khỉ đực khác, khỉ đầu đàn cũng cùng nuôi và chăm sóc con với khỉ cái.
Cai Khố Đỏ lại không thể bỏ quên nhiệm vụ khỉ đầu đàn: trông nom cả đàn, nhất là những cô chú khỉ nhóc trong đàn.
Hằng ngày tôi nhận thấy đàn khỉ cha quăng này có đôi chút thay đổi thói quen thông thường. Bây giờ mỗi lần di chuyển từ vách đá trên núi xuống cây sung, hay ngược lại, trong đàn khỉ cha quăng chia ra hai nhóm khác nhau.
Trước đây từ vách đá muốn xuống cây sung, cả đàn chỉ việc lần lượt quăng mình một cái là xong. Và khi muốn trở về lèn, chúng leo tít lên ngọn chót vót của cây sung, rồi từng con một, nhẹ nhàng quăng mình xuống những tán cây trên chân núi đá.
Nhưng bây giờ thì khác. Chỉ nhóm khỉ đàn không có con mọn mới quăng mình khi di chuyển. Còn nhóm những gia đình có con mọn thì chuyền từ quãng ngắn. Rồi xuống đất chạy bộ ra cây sung. Đến ni chúng mới hối hả leo lên ngọn cây.
Khi từ cây sung trở về, khỉ đầu đàn ngồi trông chừng, rồi từng gia đình có con mọn tụt xuống đất, cõng con chạy bộ vào núi đá. Khỉ đầu đàn cùng vợ con rời cây sung sau cùng.
Bọn khỉ khố đỏ thường rời cây sung vào buổi chiều, khi mặt trời gác núi. Tôi bàn với thằng Khôi và mấy đứa vừa là bạn học vừa là bạn chăn trâu bò. Bọn chúng rất tán thành mưu kế của tôi.
Chiều hôm ấy chúng tôi cho trâu bò ra bãi cỏ chạy dọc theo bờ sông và lèn đá. Doi bãi cỏ này rộng chỉ hn ngọn sào, nhưng lại kéo dài theo bờ sông. Một bề thì lèn đá, bề kia là vực sông, hai đầu là xóm nhà với lũy tre bao bọc nên trâu bò không thoát đi đâu được.
Chúng tôi cử một đứa trông coi trâu bò, còn lại nấp vào chân lèn đá, chờ bọn khố đỏ ra cây sung kiếm ăn như mọi ngày. Tất nhiên nhóm khỉ độc thân thì chúng tôi chẳng làm gì được.
Chúng tôi chờ là chờ bọn khỉ có con mọn bồng bế con, chạy bộ qua bãi hoang. Bây giờ chúng tôi sẽ tỏa ra, ép chúng xuống nước, thế nào cũng bắt sống được một, hai con không phải là khỉ lớn thì cũng là khỉ con.
Nhưng bọn khố đỏ hôm nay làm sao ấy. Chúng chỉ kiếm ăn trên lèn, chứ không quăng mình xuống cây sung như mọi bữa. Tôi đang mải nhìn Cai Khố Đỏ âu yếm khỉ cái và khỉ con. Còn khỉ cái thì đang vừa cho con bú vừa bắt chấy rận cho con.
Bỗng phựt một tiếng. Tôi nhận ra ngay là tiếng bật dây nỏ ngay bên cạnh. Tôi liếc ngang sang thì thấy anh Sâm người miền thượng, cán bộ bình dân học vụ của Ty giáo dục đóng ngay trong xóm tôi, tay đang cầm nỏ.