Con cá bặt tăm

Trụ cầu bằng hai cây tràm buộc, bắt chéo nhịp, giữa thả một cây tre già, nhịp lên xuống cũng bằng thân tràm, chưa bóc vỏ.
Nước dớn rừng U Minh đổ ra màu thẫm như nước trà. Vài mảnh vỏ tràm còn lưu luyến thân cây thòng xuống vạch những nét ngoằn ngoèo trên dòng chảy.
Chọn nơi thả mồi câu cá, người ta ngồi bờ sông, bờ ruộng, mũi xuồng, bóng cây. Ai như cô gái này đứng lắt léo giữa cầu khỉ. Chân đặt lên thân tre, lưng tựa cây tràm, trời nắng chan chan, khăn rằn không che đầu mà quấn cổ, treo cái đục lên tay vịn, cầm cần câu, câu cá trê.
Khách qua cầu là anh bộ đội quần cụt đen, áo cổ vuông cũng đen. Cầu khỉ lắc lư, thân tre chỉ đủ cho một bàn chân bước, đâu có lối cho hai người. Người câu hững hờ như không hay biết, lặng lẽ chăm chú vào chiếc phao "Nam nữ thọ thọ", "tư thế quân nhân" dám nào đường đột chen qua. Được người dễ tính không nói, cầm bằng trách móc có mà chết chắc!
- Chị ơi! Làm ơn cho tôi bước qua.
Đôi môi che dưới chéo khăn rằn cất lên tiếng nói trống không:
- Kêu bằng chị không cho đi!
- Vậy phải kêu bằng gì? Cô ơi làm ơn cho tôi bước qua!
- Kêu bằng cô không cho đi!
- Gọi bằng Chế nghe! Chế ơi, làm ơn cho hia đi qua!
- Tôi có phải người Tiều Châu đâu mà kêu bằng Chế!
- Vậy! On ơi! Làm ơn cho tôi bước qua!
- Tôi không phải là người Miên.
Anh bộ đội mỉm cười, trinh sát được ít nhiều ý đồ của đối phương. Anh chàng khom xuống ghé sát bên tai hạ tần số âm thanh nói khẽ:
- Vậy kêu bằng em được không?
Cô gái kéo cao hơn chéo khăn rằn để che nụ cười môi, nhìn bằng một con mắt rưỡi, nửa con mắt khuất chéo khăn.
- Vậy thì được! Cho đi!
Nói xong cô nép mình vào cột cầu nhường lối cho khách.
Giờ thì khách không đi nữa, anh chàng thò tay mở nắp chiếc đục nhìn vào hỏi:
- Được mấy con rồi?
- Đứng từ sáng tới giờ chưa được con nào, mỏi cả chân!
- Em câu cá gì vậy?
- Câu cá trê.
- Cá "chê" hả? Đưa mượn câu đi. Bộ đội câu cho mà coi. Đây mát tay lắm, cá không chê tôi đâu!
Rồi anh đường đột ngồi lên thân tre, chân thả tong teng.
- Ôi, cái anh này, đi đi! Người ta nói chết!
- Nói ai chớ có nói đây đâu mà đây sợ. Đưa đây, câu được một con là tôi đi ngay, không thôi ngồi đến chiều luôn.
Anh đưa tay với sợi dây, lần đến lưỡi câu, sửa lại mồi, ung dung thả xuống nước.
Chiếc phao chưa được đứng yên, ngấn nước chưa kịp xóa là ngọn cần câu đã trĩu xuống, con cá ăn ngầm là con cá lớn, nó rê sợi dây nửa vòng rồi lệch ra xa. Tay cầm cần, chùng dây theo hướng rồi bất gờ giựt nhẹ xách bổng con cá trê vàng ươm trơn bóng.
Cô gái reo lên:
- Anh cẩn thận, ngạch nó chém nhức lắm đó!
- Yên bụng đi em, vào tay anh như vướng phải lưới tình, đố cựa quậy.
- Anh giỏi thiệt đó! Em câu cả buổi chưa được con nào, anh mới thả xuống đã được con bự.
- Em không dở đâu! Chỉ tại con cá này đó chớ! Nó kỵ...
- Kỵ là sao?
- Nó là con cá mái, không ăn mồi của em. Bây giờ em câu đi, thế nào cũng được con nữa. Còn con cá trống dưới đó!
Cô gái nén cười:
- Em quê mùa anh nói ý tứ em không hiểu đâu!
Cô nhìn cái phao chờ đợi.
Quả nhiên cần câu lại lay động. Con này lại to hơn một mười một bảy.
- Cái anh này! Nói như thầy bói.
- Vậy có chịu nghe lời thầy bói không?
- Lời gì?
- Lời thầy bói đoán về hậu vận của hai đứa mình đó. Ông bảo: hậu vận mình như hai con cá trong cái đục này. Một con trống một con mái thế nào cũng thành vợ thành chồng, chịu hôn?
- Anh nói kỳ quá! Mắc cỡ thấy mồ!
- ừ đại đi khỏi mắc cỡ.
- Em không nói được đâu.
- Không nói thì đưa cần câu đây, câu nữa, chừng nào trả lời cho anh biết anh mới chịu về.
- Không! Mắc cỡ lắm! Không nói đâu. Anh về đi, đến mai em nói cho mà nghe! Hi! Hi...
Anh chàng mở nắp đục, ngắm hai con cá sánh đôi rồi trao tận tay cô gái:
- Coi như cá này của chung hai đứa, chẵn hai con đủ vợ đủ chồng, cho anh gởi gắm để em đem về thả xuống ao nuôi giùm! Sau này sẽ có cá con lủ khủ.

*

Hôm sau, bộ đội ra sân tập, mục nhắm bắn hồng tâm, có đông đủ mọi người.
Một em bé, nước da ngăm ngăm đen, mặc quần đùi hở rốn, mộc mạc dễ thương, thập thò một lúc sau gốc dừa, lấy can đảm chạy ù đến sau lưng anh bộ đội nói to:
- Anh gì ơi! Hai con cá trê chị Hai em thả xuống ao nuôi rồi. Còn chuyện anh biểu chị Hai em trả lời đó, chị hai em nói: Được.
Bé tên là Sơn, nói xong bẽn lẽn vừa đi vừa tủm tỉm cười. Cả tiểu đội hiểu ra cười ngất.
Kể từ đấy như cô Tấm "Bóng bóng bang bang" trong chuyện cổ tích, cô Hai vùng kinh nước dớn nuôi hai con trê, gửi gắm cả hy vọng của mối tình vừa nhen nhúm.
Mỗi sáng, mỗi chiều, khi xuống cầu ao, cô không quên rải vài nắm cám, cá trê hàng đàn nổi lên há mồm vớt cám, râu ve vẩy như chào mừng. Cô gái nhận biết hai con cá của mình để nhớ bạn lòng. Có thể cô nhận lầm vì có rất nhiều cá, nhưng trong tâm tưởng, cô tin ở mắt mình.
Tất nhên hàng năm gia đình tát ao thu hoạch cá! Chuyện này riêng cô biết, cô không quên âm thầm thả hai con trê to nhất trả lại ao sâu giữ kỷ niệm một mối tình.
Bộ đội đóng quân trong xã năm ba ngày rồi đi chiến đấu, mươi ngày một tháng lại trở về chốn cũ "Ai về nhà nấy" ý nói trước ở nhà nào giờ lại đóng quân ở nhà ấy, coi nhà dân như gia đình của mình.
Lần này là lần thứ ba kể từ khi cô gái thả cá xuống ao.
Một buổi tiểu đội ở thao trường, anh bộ đội ở nhà một mình viết báo cáo. Thằng Sơn xuất hiện, nó bơi tắt qua rạch, mình ướt mà đầu khô. Nó cũng biết làm theo mấy anh liên lạc viên trong chiến đấu. Nó nhét tờ giấy trên chiếc khăn rằn bịt đầu cho khỏi ướt.
Thơ viết ngắn như vầy:
Anh Sáu Viên.
Em cần gặp anh ngay. Gấp.
Ký tên
Mùi

*

Sáu Viên sang đến nơi, trước sau vắng vẻ, cả nhà đi làm rẫy. Lần ra sau bếp, cô Mùi ngồi trên góc bộ ván quay lưng, hai bờ vai giật giật theo tiếng nức nở:
- Tại sao em khóc?
- Biết á!
- Làm sao anh biết được?
- Em không chịu đâu! Các anh ấy cười anh!
- Các anh nào?
- Bên tiểu đội 2 bên kia kìa. Họ nói anh đánh đồn bị lửa đốt cháy đít, còn bị đứng nghiêm cho Ban Chỉ huy cạo. Họ nghe thấy nên họ cười. Em không chịu nổi anh bị bêu diếu đâu!... hít... hít...
Sáu Viên biết tỏng cái kiểu bông phèng, hoạt náo thích có chuyện để cười cho vui đời lính của anh em. Họ không cười anh đánh thua trận, mà thích thú khi chứng kiến cảnh đứa nào bị đứng nghiêm nghe chỉnh.
Trận đánh lô cốt Thầy Cai vừa đây, anh chỉ huy trung đội đánh, học kinh nghiệm của Khổng Minh dùng hỏa công để diệt đồn. Kế hoạch là: chặt nhiều tre ra từng đoạn buộc bùi nhùi vào xơ dừa đập tơi, nhúng dầu ném lửa vào để thiêu cháy đồn giặc. Trong xóm ấp, các tiệm chạp phô có bao nhiêu thùng dầu mua hết đưa ra mặt trận. Nửa đêm, sau khi áp sát hàng rào gai, vây đồn, lính ta nhúng dầu châm lửa, ra sức ném vào đồn giặc. Nhưng gậy ta đập lưng mình. Thùng dầu bốc hỏa cháy, cả khu vực bố phòng sáng rực lên.
Lính giữ đồn vừa thích thú reo hò. Buộc lòng bên tấn công phải rút lui. May nhờ học kỹ bò, lê, lăn, toài nên chỉ hai người bị rách mông. Đã thua trận còn bị kêu lên cạo. Thử hỏi người mình yêu lâm cảnh ngộ, làm sao cô Mùi chẳng mau nước mắt.
- Em đừng giận mà nên cám ơn các anh ấy.
- Cám ơn nỗi gì. Nói xấu anh, bếu diếu anh để cười cho thoả thích mà anh còn bảo cám ơn!
- Không! Chốc nữa anh sẽ sang bên ấy cám ơn, vì nếu không có họ làm sao anh đo được tấm lòng em yêu anh đến phát khóc.
- Nói vậy em không thèm khóc nữa.
- Phải! Như vậy chứng tỏ em biết vâng lời.
- Hứ! Cái lưỡi không xương, khóc nín gì cũng vơ về mình. Anh khôn lắm!
Vừa lúc ấy có tiếng quăng đánh phịch ở ngoài sân. Một người con trai địa phương vất một bao cà ròn đầy nhóc cá trê, mặt hầm hầm nói như bổ củi:
-Đấy! Có thèm ăn cá trê kho tộ hay mắm gừng gì mặc sức ăn đi, để khỏi phải ngày ngày thả cám cho hai con cá bá vơ đó ăn rồi mơ với tưởng.
- Anh điên rồi?
- Phải mà, cô chê tôi là "cà nhỏng chống xâm lăng" không dám đi bộ đội, cô đâu có thông cảm cho tôi, cha già, mẹ yếu.
Cô Mùi hứ một tiếng quay lưng bỏ vô "Thứ chết nhát mà còn bảo cha mẹ già yếu... Nước không biết thương, lấy gì để thương cha mẹ?!".
Anh chàng trơ như đá, bước sấn theo đến thềm nhà:
- Tôi thương em, chẳng lẽ đợi tôi phải moi gan móc ruột để hết ra ngoài em mới thấy? Tôi biết em lạnh lùng với tôi vì có hình bóng khác.
Nước ròng bỏ bãi xà cừ
Lại đây anh nói tận từ em nghe
Hai ba nơi đi nói em không màng
Để chờ nơi xứ lạ sẵn sàng quy mô
Cô Mùi quày quả bước ra, chống nạnh ngược bàn tay:
- Văn thơ hay quá, văn thơ o mèo! Có cần tôi mời bà con lối xóm đến nghe phụ không? Bớ...!!
- Thôi! Thôi! Tôi xin cô...
- Không xin xỏ gì hết! Chịu khó mang cái bao này đi, không tôi la lên là anh cưới xin tôi bằng một bao cá trê.
- Thôi, thôi! Để anh đi, anh đi...
Anh chàng xách bao cá lầm lũi bước qua cầu lẩm bẩm:
Khôn ngoan cũng thể đàn bà
Dẫu rằng vụng dại cũng là đàn ông!

*

Tính cả ghen của anh chàng hóa ra được việc. Sáu Viên ngồi trong bếp nghe chuyện anh chàng si tình, bắt cá trê, bèn liền nghĩ đến chuyện đánh giặc. Tập tính của cá trê về mùa khô dưới nước kém phải tìm chỗ trú ẩn, chờ đến mùa mưa, cá trê chọn chỗ hẩm hai bên bờ, moi hang vào lòng đất, bên ngoài hẹp bên trong rộng dẫn ra, chứa đầy bùn nhão. Dưới lớp bùn hàng trăm con chen nhau, nương hơi ấm của bùn đất mà sống. Người ta lần theo ven bờ, theo dấu tìm phát hiện được "nồi gọ", bít miệng hang tha hồ vớ được mẻ to, cả bao là ít.
Nhớ lại hai trận liền thất trận, cô Mùi tức mà phát khóc, một trận xung phong đã đời chiếm đồn chỉ được con heo, và dùng hỏa công bị cháy mất đũng quần, chạy toé nước Sáu Viên tự hỏi: Tại sao không học miếng "bịt nồi gọ" của anh chàng si tình để hạ đồn giặc. Binh lính rút vào lô cốt khác nào cá trê rút vào nồi gọ???

*

Tin bộ đội Sáu Viên hạ đồn Thầy Cai làm cả xóm kinh Dớn Choai dậy lên niềm vui rộn ràng và phấn khích.
Thằng Sơn mau chân đi xem tù binh áp giải về tới địa phương, bèn về nhà kể lại:
-Anh Sáu Viên thật là giỏi, anh dùng chiến thuật "bịt nồi gọ" rồi dùng hỏa công bắt hết, không sót một thằng.
- Thằng này không được nói năng bừa bãi, quân sự hệ trọng chứ có phải bắt cá đâu mà bịt nồi gọ.
- Con nói thiệt mà ba! Ai cũng nói như vậy hết, mấy anh dân quân đi phục vụ chiến trường về kể lại rõ ràng.
Thằng Sơn thuật lại những gì nó đã nghe như một phóng viên mặt trận.
- Lần trước anh Sáu Viên đánh đồn Thầy Cai, xung phong vô cái đồn bỏ trống chỉ thu được con heo chúng nó đi ruồng bắt của đồng bào. Còn binh lính thì theo đường hầm bí mật trốn mất.
Một lần khác đánh đồn bằng hỏa công anh bị cháy thùng dầu phải rút lui.
Bị cấp trên rầy, anh ấy tức nên đi trinh sát tìm cho được cái ngách đường hầm xông khói vô đồn cho chúng nó ngộp mà rút lui không được, anh còn kết hợp đánh hỏa công rút kinh nghiệm lần trước không châm lửa rồi mới ném, mà nhúng dầu ném bùi nhùi vào trước cho thật nhiều, sau đó mới bắn đạn lửa vào. Vừa ngộp khói vừa nóng chúng nó trương cờ trắng đầu hàng.
Lúc ấy Sáu Viên đến thăm, ông già hỏi:
- Làm sao cháu nghĩ ra cái chuyện bịt nồi gọ vậy Sáu?
- Dạ cũng nhờ kinh nghiệm của bà con ở đây, bắt cá trê mùa khô rút vào nồi gọ, nằm mà...
Cô Mùi nghe qua không nhịn được, bèn bước ra sau bếp để cười một mình. Cô đoán biết rằng cái bao cá trê của anh chàng si tình đã gợi ý cho Sáu Viên nghĩ ra chiến thuật chặn nghách lấy đồn giặc. Nhưng cô không cho ai biết để đến lúc nào chỉ có hai người cô sẽ hỏi.

*

Đời chiến sĩ, thời gian do trận mạc chi phối. Thương nhau chưa kịp làm lễ cưới, đột ngột nghe tin hòa ước Genève đình chiến, anh theo đội ngũ tập kết ra miền Bắc.
Đôi bạn trẻ xót đau vì cảnh chia ly. Lời hẹn biển thề non để lại, còn người phải ra đi nghìn trùng xa cách.
Trên thao trường ở vùng trung du miền Bắc, lúc nào tập luyện thì thôi, lúc ngồi một mình nghỉ ngơi, Sáu Viên tựa má vào nòng súng ca bài ca của Lục Vân Tiên:
Nhưng tăm cá bấy lâu vẫn bặt
Biết bao giờ mới được đoàn viên
Thu Mùi em ơi!... (trong vở Lục Vân Tiên)
Có một bà lão nhà đóng quân ở Thanh Hóa, trưa hè phe phẩy quạt, buột miệng hỏi một câu:
- Các anh ra ngoày này được mấy năm rồi nhỉ?
Anh bộ đội đáp:
- Thưa cụ đã chín mùa táo rụng.
Bà lão gật gù: "ừ nhỉ"
Rồi lại trở về Nam chiến đấu, mười một năm sau mới được mừng ngày giải phóng.
Anh Sáu Viên đáp xe về Cà Mau chờ đò về Kênh Dớn Choại mong tìm gặp người yêu sau bao năm xa cách.
Một người đứng trên ghe dứa vàng ươm cứ chăm chú nhìn anh. Cuối cùng họ nhận ra nhau.
Anh chàng chận ngách cá trê năm xưa, giờ tóc muối tiêu, dáng người khắc khổ, bà vợ chèo lái ghe dứa, đã là người vợ thứ hai.
Gặp người quen, Viên hỏi:
- Cô Mùi vẫn còn ở chỗ cũ không anh?
Anh ta ngần ngừ một lúc rồi bảo:
- Gia đình cô Mùi là người ở Bến Tre tản cư qua. Khi chính quyền mới tiếp quản, họ đã về xứ rồi.
Sáu Viên cả tin. Đành lên xe lặn lội về Bến Tre tìm kiếm. Nhưng Mỏ Cày hàng chục xã tìm đâu thấy nên đành...
Than ôi tăm cá bây lâu vẫn bặt
Biết bao giờ trở lại đoàn viên.
Chiến tranh Tây Nam lại đưa chân người lính lên đất bạn. Xong nhiệm vụ trở về những bốn năm sau!
Cho đến ngày Hội cựu chiến binh tổ chức về thăm lại chiến trường xưa. Một cán bộ xã ngày trước nay đã lên nhận nhiệm vụ ở huyện nói:
- Các anh có ai là Sáu Viên. Lê Văn Viên không?
- Có tôi đây!
- Mèn ơi! Sao mà ông tệ vậy ông? Cô Mùi vẫn chờ ông ở trong ấy!!

*

Một chiếc tắc phóng như bay về Kinh Dớn Choai.
Cây cầu khỉ chỗ ngồi câu cá trên năm xưa nay đã là một cây cầu xi măng. Tắc rán nhả ga, tiếng máy xình xịch thưa dần trong khi trái tim người lính dồn dập. Từ trong nhà một người trung niên chạy ra. Mọi người trên ghe không nói gì để xem họ có nhận ra nhau không.
Chú khách chìa tay ra như không bắt chờ cho dĩ vãng tái hiện lên.
- Em Sơn phải không?
- Ôi anh Viên!
Họ ôm chầm lấy nhau. Sơn là cậu bé năm xưa, ra nơi thao trường nhắn tin rằng "Chị em nói "được"... ấy". Nay anh đã là một người đàn ông đứng tuổi, cha một gia đình lủ khủ đàn con. Khi chủ khách vào nhà, Sơn hỏi:
- Cô của con đâu?
Các cháu nói:
- Tự nhiên cô đứng lên bỏ chạy ra ngoài sau.
Mọi người đẩy vai anh bộ đội:
- Mau lên, theo đi ông nội! Lần này không được để vuột mất đấy.
Sáu Viên bước ra sau bếp, đẩy cánh cửa hậu ra vườn tìm khắp nơi. Tăm cá dưới ao nở lên đây đó trên mặt nước, nhưng người đâu không thấy.
Một chú bé con của Sơn ra hiệu chỉ về phía góc nhà. Một chiếc áo bà ba quay lưng lại, kéo khăn lau nước mắt.
Sáu Viên nhẹ chân bước đến. Kỷ niệm xưa tái hiện lại sau ba mươi năm mở lối cho phút giây gặp gỡ bằng câu nói cũ:
- "Chị ơi! Làm ơn cho tôi đi qua!"
Cô Mùi nén thổn thức quay lại, tay em nắm tay anh và... với một lời trách móc:
- Sao không đợi đến cúp bình thiếc rồi về một thể.
Họ nhìn nhau thấy tóc trên đầu điểm nhiều sợi bạc, thời gian đã gậm nhấm tuổi xuân của họ đã nhiều rồi.
Cô Mùi dắt tay người xưa ra cầu ao, làm cái việc mà cô vẫn làm dạo ấy: rắc cám tìm tăm cá.
Cá nổi lên bơi lội vớt mồi, múa râu trông vui mắt. Cô vẫn đinh ninh rằng hai con cá hàng năm cô thả trở lại ao vẫn là đôi ấy. Ta không thể vì lý do gì để chẳng tin như cô.
Còn anh chàng bịt nồi gọ để bắt cả bao cá thuở trước đã đánh lạc hướng không cho tình cũ gặp nhau đã phụ họa với thời gian cướp thêm của họ hơn dăm năm nữa, đáng lý đã bị em cô Mùi nện cho một trận nên thân, nếu không có người can gián. Chẳng qua là hắn quá si mê, có vợ hai đời rồi mà vẫn tơ tưởng cô gái đã làm héo hắt trái tim hắn tự thuở ban đầu. Sau ngày vui tái ngộ, trên sông Trèm Trẹm lộng gió một chiếc xuồng cắm lá dừa nước làm buồm rẽ nước băng băng. Cô Mùi lái xuồng, người yêu chèo trước mũi, đưa bạn cũ trở về thành phố hẹn thời gian trở lại, thu xếp cuộc đời.

*

Chưa quá một tuần điện khẩn từ Cà Mau gởi về, người gởi là cậu Sơn:
- "Anh về gấp bệnh viện thị xã Cà Mau, chị ấy nguy cấp".
Giường bệnh trắng tinh, trên đầu giường treo một chai nước biển nhỏ từng giọt sống theo ống nhựa trong suốt. Một bình oxy nút đồng truyền hơi thở vào chiếc mặt nạ úp lên mặt bệnh nhân.
Anh bộ đội ấp hai bàn tay rám nắng lên bàn tay khẳng khiu. Bác sĩ không cho ai vào, nhưng trong trường hợp này được chiếu cố.
Chứng suy tim tái phát, nỗi khắc khoải ba mươi năm lớn quá, thêm vào nỗi lo hạnh phúc thấy đó có nắm được không? Hay lại là như tăm cá! Aỏp lực ấy ngày càng đè nặng lên trái tim đơn côi, bộc phát cơn bạo bệnh... Hôm sau, bác sĩ từ trong phòng bệnh bước ra, sắc thái tươi cười. Hai ngày sau ông ký lệnh cho bệnh nhân xuất viện.
Nàng đi đứng bình thường bên cạnh người yêu. Anh lính bắt tay bác sĩ:
- Cám ơn! Cám ơn bác sĩ.
Bác sĩ nở nụ cười đồng cảm có chút hoạt náo, sau khi vỗ vai anh lính: lúc mê man chị ấy chỉ gọi tên anh. Người đáng được cám ơn chính là anh đấy! Ông tướng ạ! Nếu không xuống kịp, chậm một buổi nữa thôi thuốc men sẽ bất lực. Cho nên tôi kê đại cái toa "thất tình sâm" (nghĩa là điện gọi anh xuống), đâu ngờ lại trúng.
ừ ĐI! ừ!
Về mặt tuổi nghề, cái vòng bắt chó có thâm niên rất cao. Anh ta ra đời từ thủơ thực dân Pháp còn sinh tiền, qua thời Mỹ ngụy và đến nay anh ta vẫn giữ vững lương tâm chức nghiệp là ngăn ngừa nạn chó dại để cứu người. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, trong khi mọi công cụ sản xuất và chiến đấu khác theo đà tiến bộ khoa học điện tử hóa, tự động hóa, người máy hóa... cái vòng bắt chó vẫn là cái vòng bằng sắt, buộc trên cán tre dài hai thước nguyên mẫu từ thuở sơ khai đến giờ. Có khác chăng là cái cán tre đã lên nước láng lẫy trong bàn tay thiện nghệ và cái vòng sắt sáng bóng lên vì không đếm xuể đã bao nhiêu lần siết vào cổ những chú cẩu ngoài vòng pháp luật.
Trong khu phố tôi có một cụ bà lãng tai. Nhà cụ đã một lần để chó chạy rong, bị cái vòng sắt xiết cổ mất một con. Bây giờ mỗi khi có khách đến gõ cửa hỏi: "Cụ ông có nhà không?". Cụ bà xem miệng đoán ý là: "Xích rồi".
Nói như trên không có nghĩa là cái vòng sắt ỷ lại tay nghề cao mà phú-la-căng các phương tiện của nền văn minh đem lại. Hồi mới đặt bộ máy cai trị ở nước ta, nhà chức trách Pháp ngon lắm, cỡ chủ tỉnh mới được đi chiếc xe "Hốc Kích", làm gì có nhiều xe hơi như bây giờ. Cái cũi bắt chó hồi ấy phải để trên chiếc xe kéo, cái vòng phải treo lộ thiên trên gọng xe, đi chưa đến thiên hạ đã biết. Bây giờ cái vòng được đi xe hơi, loại vận tải trung hiệu Peugeot sơn giống hệt màu xe du lịch, thùng xe thấp đỡ sức lao động khi phải nâng chú chó từ mặt đường bỏ vào cũi sắt.
Buổi sáng xảy ra câu chuyện dưới đây, đường phố đông vui, xe cộ qua lại tấp nập, anh kẹo kéo, anh sửa xe, thằng nhỏ thổi bong bóng, chị hàng xôi, cô bán cà phê, các cửa hàng dịch vụ, quầy tân trang bàn ghế... ai lo việc nấy. Sinh hoạt đang tấp nập bỗng cùng lúc dừng lại vì tiếng kêu ăng ẳng. Cái vòng sắt đã tròng vào đầu con chó vàng. Sát bờ tường ba bốn chú khác đang tìm cách thoát thân. Tháo lui thì bị chặn hậu, chạy tới bị chặn đầu, ra mặt đường thì chiếc xe đậu đó đã rải quân dài theo thế trận người nào cũng một cây gậy có vòng. Ba chú chó bị kéo lê theo đầu gậy, cưỡng lại bị nghẹt thở, muốn đi lên chân không làm sao chạm đất. Chúng rú theo bản năng. Bên kia đường, lũ chó ngoài vòng pháp luật sủa nhặng lên. Người trên xe mở nắp cũi sắt khi xe từ tư chuyển bánh. Cái cây vòng xách bỗng mấy chú chàng bỏ gọn vào cũi. Tưởng tấm kịch đến lúc hạ màn, bất ngờ từ trong một ngôi nhà mới xây, mặt tiền lót đá ốp lát, một chú becgiê to tướng xót tình đồng loại, nổi máu anh hùng sủa mấy tiếng "cum cum" tuôn cánh cửa sắt tung ra đuổi theo xe, nhe hàm răng nhọn hoắt. Ai cũng tưởng anh chàng áo xanh đang nhấc con chó thứ ba lên khó tránh khỏi đòn phản kích: Nào ngờ cái vòng tuột khỏi cổ con chó trong cũi, tiện tay xớt một cái, con becgiê thè lưỡi ra bị xách bổng lên ngon lành. Con chó to quá, một người đã lên xe phải nhảy xuống nắm đuôi đẩy phụ và cũi.
Chiếc Peugeot nâng dần tốc độ. Từ trong xóm lều bụi đời, ông già mặc quần đùi lưng trần đen đúa đuổi theo chiếc xe. Tuổi cao nên hai cái đầu gối không thẳng chạy lóm khóm - Xe vút đi mất - Ông đứng giữa đường gào theo: "Mẹ mày! Cái con mẹ mày...". Ông Thông chửi đổng vì tiếc thương con chó Quít của ông. Xe trên đường phải ùn lại. Một cô con gái buông chiếc xe chở rác chạy ra gọi: "Ba! Ba!" lôi ông vào lề đường.
Dưới bóng cây bã đậu, ba bốn anh chàng ngồi trên thành xe ba gác đậu chờ hàng kháo nhau:
- Tội nghiệp con becgiê. Anh hùng lâm nạn.
- Cứu người đeo họa vào thân.
- Nó mà ngoặm một cái là mất luôn một miếng thịt. Thằng đó nhanh thật, xớt một cái tuyệt chiêu. Xách bổng lên.
- Tiền chuộc con becgiê chắc phải gấp đôi.
- Khéo lo, ông Năm Ngọc thiếu gì tiền.
Ông Năm Ngọc mặc bộ soóc áo cá sấu, lái chiếc cúp, trên guidon treo cái túi da, hai cái cán vợt ten-nis thò ra ngoài, lao thẳng xe vào nhà, ông thét ầm ĩ:
- Đã dặn mỗi một việc trông coi con chó mà làm không nên thân, con Fedor có làm sao, bà biết tay tôi.
- Tôi vẫn buộc vào chân bàn, có lơ đễnh đâu.
-Không lơ đễnh! Chẳng lẽ họ xông vào nhà xích cổ nó mang đi.
- Cứ tưởng như mọi khi, quấn vài vòng vào chân bàn là đủ. Nào ngỡ lũ chó mắc ôn ngoài đường làm nó lồng lên giật tuột xích, ông ở nhà cũng chẳng giữ được nó.
- Đồ ngu ơi là ngu! Trói gà không chắc. Bà chết đi! Chết đi cái đồ của nợ.
Ông quay mặt ra đường gào lên:
- Trời ơi là trời, thấy vợ người ta chết mà ham, còn vợ mình rủa mãi mà sao nó không chết giùm nè trời.
Cái tư tưởng sâu kín của ông bấy lâu nay phải nén lòng chờ, đột nhiên bị cơn nóng giận đẩy ra đằng khẩu làm cho các tay ba gác dưới bóng cây bã đậu nói với nhau:
- Hà hà! Ông muốn đưa con bồ nhí về, nên mong cho bà ấy chết.
Khi ông Năm Ngọc đến ngã năm chuồng Chó, tình cảnh của con Fedor còn thảm hại hơn cảnh Tây bị Nhật Bổn đảo chánh bắt nhốt hồi năm bốn mươi. Chó tứ xứ bị nhồi nhét chung vào một chuồng choảng nhau kịch liệt, máu chảy, thịt rơi. Giờ hết xí quách rồi mới thấy là vô nghĩa vì đã quá ư ê chề, mệt mỏi. Chúng ư ử than thở với nhau, còn liếm láp nhau những mong an ủi kẻ cùng cảnh ngộ. Hóa ra muôn loài trong giới động vật cũng như loài người đâu đến nỗi hoàn toàn hung ác, chẳng qua có lúc nào đó chúng chẳng hiểu nhau mà thôi.
Con Fedor mệt mỏi, bốn cái chân nó run rẩy. Nó nằm khụy xuống đè lên một con chó bản xứ vú mõm trễ dài ra teo ngắt, tội nghiệp cho đàn con bé nhỏ ở nhà có lẽ giờ này đang gào sữa mẹ. Con Fedor ướt như chuột từ đầu đến chân, không hiểu nó tự làm ướt hay đồng loại làm cho nó ướt. Cái không gian quá ư chật hẹp, số bị giam giữ quá đông chen nhau như gài mắm. Chúng để khu lên đầu con Fedor không kiêng nể, không còn sức đâu xô đẩy. Con Fedor đành gác mõm lên lưng con Quít của ông Thông. Giá có cục xương gặm đỡ lòng, dám đâu mơ tưởng hai trăm gam thịt bò mỗi buổi.
Sau khi trình giấy đã tiêm chủng, nộp phạt năm nghìn đồng, ông Ngọc rước con Fedor ra. Cái vòng thít vào cổ đã nhổ của nó cả mảng lông. Mùi chua thối xông lên nồng nặc. Không đành lòng, ông Ngọc cởi cái áo lót trắng phau làm giẻ lau chùi cho cậu quý tử. Lên xích lô có một thằng nhỏ ngồi ôm, con Fedor vẫn nơm nớp lo người ta đem giết thịt. Mỗi khi có một chiếc xe hơi chạy qua, nó lồng lên vì ám ảnh cái xe đã bắt nó.
Con Fedor về đến nhà, các phố bên sang thăm như vừa rước con bệnh từ nhà thương về. Ông Thông cũng đến để hỏi thăm con Quít.
- Ông đừng lo, nộp phạt năm nghìn lĩnh nó ra thôi. Nhưng ông phải đi lĩnh sớm sớm, quá hạn người ta sẽ bán cho hàng thịt.
Ông Thông xoay lưng, không phải đi mà chạy lúp xúp. Ông chạy thẳng đến bà tiền góp.
- Thôi đi cụ! Đưa tiền cho cụ lấy gì cụ trả tôi. Có bao nhiêu không đủ cho cụ nhậu, không lẽ tôi siết cái quần đùi của cụ.
Quả thật, tài sản của cụ Thông độc có cái quần đùi cụ đang mặc. Vác mướn, bơm xe đạp cũng cái quần đùi ấy, bửa củi, kéo xe ba gác cũng cái quần đùi ấy, cái quần đùi trắng nhục nhục thành màu mỡ gà, lúc còn thức, khi ngả lưng ngoài vỉa hè cũng cái quần đùi ấy. Thiên nhiên xứ Sài Gòn ưu đãi cho dân bụi đời diễm phúc chỉ với chiếc quần đùi thừa sức chống đỡ với mưa nắng gió sương. Có lạnh đâu mà sợ chết rét, nếu nước máy bị cắt có bến Bạch Đằng ùm xuống tắm tha hồ lãng phí nước. Đối với nước da đen đúa như dân Biển Hồ của ông Thông, cái quần đùi quá bằng thừa nếu nó không có cái vai trò bảo vệ mỹ quan thành phố.
Con dâu ông, con Hội đẩy xe rác từ trong hẻm ra, cô làm nghề gom rác cho các gia đình ở các hẻm sâu, tháng tháng được mỗi nhà cho vài ba trăm, tiền lẻ cô cuộn lại đút vào thanh sắt tròn làm tay đẩy xe. Cụ Thông lấy cây xom rác thuôn vào ống đùn ra, tiền rơi lả tả xuống đất, nhưng chỉ có mười tấm giấy hai mươi đồng, còn xơi mới đủ năm nghìn đem chuộc con Quít.
Bốn ngày trôi qua, ông nhớ con Quít, ngồi đứng không yên, ông ra gốc cây bã đậu ngồi lên vỉa hè chờ đợi. Bên kia đường, một đôi vợ chồng trẻ đèo nhau trên chiếc xe Dream rẽ vào hiệu bày bán bàn ghế. Bọn trẻ nhanh mắt bất kể xe cộ lao qua giành mối. thông lệ ở khu ba gác này, ai lên tiếng hoặc sờ cài yên xe trước là mối của người ấy.
Ông Thông đến sau, nhưng mặc, ông cả quyết khách này là của ông. Người đến trước cãi lại, ầm ĩ cả lên, sắp xô xát đến nơi:
"Mẹ mày! Con mẹ mày! Tao ngồi chờ ba ngày nay, tụi bây giành hết. Không tiền chuộc con Quít bể đầu mày!".
Mấy anh em lớn tuổi trong đám bốc vác can gián:
- Thôi mầy! tội nghiệp ổng! Ôớng thương con chó nên ổng nóng nẩy, có mối khác tụi tao sẽ nhường cho mày.
Họ lập tức khiêng một tủ áo ba buồng dán pho-mi-ca màu trắng, bên trên xếp thêm một tủ phấn. Thằng Nhành con trai không hợp tính ông nên cô con dâu phải theo xe đẩy phụ. Ông Thông đưa hai tay ra sau nắm thành xe ba gác còm lưng xuống kéo. Có lẽ nhân ngày vui duyên mới, vợ chồng anh khách hàng "boa" thêm cho một nghìn, vị chi được sáu nghìn.
- Quít ơi! Quít! Chiều nay thôi, cục cưng thoát khỏi vòng lao lý. Sáu nghìn! Hừ nộp phạt năm nghìn, dành một nghìn mướn xích lô chở con Quít từ ngã năm Chuồng Chó đến Phú Nhuận, sau đó sẽ đi bộ. Lượt đi ông lội bộ. Tấm thân trần, cái quần đùi trên đôi chân, bộ tóc muối tiêu chải ngược còn chút dấu vết hoa lá thời trai trẻ, ông lầm lũi đi. Qua Tao Đàn đến ngã tư Hai Bà Trưng - Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông cứ hướng về Phú Nhuận. Cặp giò đã thấy mỏi, cổ khát đắng gợi nhớ mùi vị thân quen. Qua chợ Tân Định, đi một lúc đến dốc cầu, ông ngẩng lên, một tấm gỗ có đóng khung sơn màu xanh kẻ to hai chữ "ĐÂY RồI" thấp hơn tầm mắt, nóc một ngôi nhà gỗ e ấp bên mang cá cầu, mùi dồi nướng xông lên.
- Hừ! Đến lượt về sẽ đi bộ luôn. Ta vào làm một ly lấy lại sức.
Đôi chân đưa ông vào quán. Chủ quán không mau mắn tiếp đón cho lắm, nhưng thấy ông có nắm tiền trong tay, họ đặt trước ông nửa xị.
- Ông làm đĩa lòng chứ! Chó Mực ông à!
Giá họ mời sớm hơn ắt ông từ chối. Nhưng một ly đã lên hương trong cổ ông rồi. Trời đất như sáng rỡ hơn. Cái đầu chó luộc lóc xương, cuộn dồi vàng ươm như biết nhảy múa chào mời. ông gật đầu.
- Làm thêm đĩa tiết canh cho mát ruột ông à!
Lại gật đầu. Ông không nhớ đã bao lần ông gật đầu. Rượu bắt đầu để lại hậu vị ngọt. Còn tâm trí đâu để nhớ, để thương con Quít.
Họ đưa ông ra đường, ông đã vững chân vượt qua cầu Kiệu xuống hết dốc, ông tựa lưng vào bờ tường, chuyển từ thế đứng sang thế ngồi, người đi đường qua lại bước tránh một chút, họ không muốn phá giấc ngủ của ông già.
Sáng sớm hôm sau, một ông xích lô cùng xóm đi chở mối trên Phú Nhuận về nhặt được ông. Ông nằm nghẻo đầu trên thành xe. Lật lưng quần tìm thấy còn hai tờ năm chục.
Hết rồi Quýt ơi! Đau đớn lắm!
Ông thương con Quít không giống ông Năm Ngọc thương con becgiê. Ông Ngọc thương con becgiê vì con becgiê đem đến cho ông sự vẻ vang, sự hợp thời trang khi ông ngồi trên ban-công. Fedor ngồi dưới chân ông, khi xe hơi trong nhà ra. Con Fedor hùng vĩ nhô đầu ra cửa kính và nhất là khi ra sân Tao Đàn luyện chó, ông quấn vải to bằng cái gối vào cánh tay. Ông nhử cho nó phóng tới há mồm ngoặm để ông phô diễn sự linh hoạt, nhanh nhẹn, tính mã thượng và cả tinh thần dũng cảm trận mạc.
Còn ông Thông thương con Quít vì cái duyên kỳ ngộ. Con Quít là con chó lạc loài không rõ từ đâu đến vào lúc ông đang "Pour la santé" với mấy chú bụi đời, ông cho chó ăn chè, mà chè của ông thì con Quít ăn, ăn ngon lành nên mến hơi người nó ở luôn với ông. Đói nó ra nhặt xương ở hiệu ăn, hiệu phở mà lớn. Đêm đêm bất cứ chỗ ngủ bất định của ông ở đâu, nó cũng tìm đến nằm bên.

*

Con Hội, vợ thằnh Nhành gom rác xong vào xóm nhờ nhà quen tắm rửa sạch sẽ bằng xà bông Ca May.
Nó vận một bộ màu hột gà quần Sác-tô, áo cổ bẻ. Nó tìm ông già chồng dắt đến quán ăn cơm đĩa. Dù sao, phố xá nhìn ra có người thầm khen ông Thông bụi đời có con dâu được quá.
Con Hội gặp thằng Nhành tại nhà bà Sáu Lý sâu trong con hẻm trên. Thằng Nhành móc tiền trả nó không lấy. Nó bảo nó cần cánh tay người trượng phu cho nó nương tựa chứ nó không cần tiền, nếu thằng Nhành thương, nó sẽ theo thằng Nhành bỏ cái nghề bội bạc.
Chúng nó thành vợ thành chồng. Ông Thông chạy lo cho con Hội cái chân gom rác trong hẻm. Được đồng nào nó dẫn ông đi ăn cơm, có dư nó mua ông một xị.
Đi gần tới quán cơm bình dân, bỗng nhiên ông Thông bốc chạy. Ông đuổi theo một chiếc xe thồ. Bốn con chó trói tréo cánh khỉ bị treo hai bên ba ga. Bên trên còn cái lồng đan bằng kẽm nhốt ba con nữa. Ông vừa đuổi theo vừa ới gọi. Tên xe thồ đâm hoảng phóng nhanh, khoảng cách xa dần, cuối cùng đành bất lực, ông đứng giữa đường chửi với theo. Con Quít ở trong cái lồng, chính nó đã ăng ẳng đánh tiếng gọi ông. Thế là họ đã bán con Quít đi cho người ta đem giết thịt. Hết phương cứu rồi!
Con Hội nhanh trí, nó tách vào đứa bạn bán thuốc lá bên đường mượn chiếc xe đạp. Nó ném cho ông già một nghìn đi ăn cơm đĩa, còn nó phóng theo con Quít.
Vượt qua bùng binh Ngã Sáu, đến gần bến xe Pétrus Ký, con Hội níu được cái lồng sắt.
- Anh ơi dừng lại nói này nghe...
Anh chàng xe thồ định sừng sộ nhưng kịp nghĩ lại khi trông thấy cái quần Sác-lô màu trứng gà.
- Anh ghé quán uống nước đi! Em muốn hỏi một việc.
- Việc gì nói đi! Tôi phải đi giao hàng.
- Anh thông cảm, em muốn chuộc lại con chó này, đấy tội nghiệp nó đã nhận ra em, ông già em kêu khổ mấy ngày nay vì mất nó.
- Hai mươi lăm ngàn, lấy vốn thôi...
Bàn tay của anh ta suốt theo ghi đông vờ vô tình chạm vào tay con Hội. Con Hội nhúc nhích đầu móng tay quẹt nhẹ đáp lại:
- Em làm gì có đủ tiền. Trả bằng cái ấy được không?
Con Hội đá lông nheo, mỉm cười nên cái đồng tiền lún sâu xuống. Hai chiếc xe đạp cùng lên đường. Anh lái đưa chó đến quán Cờ Tây, giao hàng. Riêng bản án của con Quít được tạm hoãn. Anh lái thu một nắm tiền chia ra một phần nhét vào túi sau, hai phần vào hai bên túi hông. Hắn mời con Hội đi ăn cơm tiệm, uống bia Vạn Lực. Con Hội đưa hắn về con hẻm nhà bà Sáu Lý, chỗ quen biết dù sao cũng dễ.
Nó đưa hắn lên cái gác ọp ẹp của bà Sáu để thanh toán giao kèo lấy lại con Quít.
Bà Sáu Lý ngồi cạnh cửa. Khi cánh cửa kéo trên đầu cầu thang đóng lại, bà theo lời dặn của con Hội mở lồng thả con Quít. Cách một con hẻm nó khắc biết đường về.
Cánh cửa sàn gác lại mở. Bà Sáu Lý nghe tiếng con Hội bảo:
- Anh nằm nghỉ, chốc nữa sẽ xuống. ra cùng lúc người ta để ý.
Hắn nhô đầu ra gọi theo:
- Sau này muốn gặp em, tìm ở đâu.
- Sau này con Quít không còn bị bắt nữa đâu. "Bái bay".

*

Vật về với chủ, đại phúc.
Ông Thông đang ngủ, nghe lành lạnh trên má bừng tỉnh. Con Quít vẫy đuôi ư ử liếm vào má ông. Ông ôm con vật vào lòng:
- Mẹ mày! Con mẹ mày! Làm sao mày xổng về được hả Quít. Và ông chợt hiểu ra.
- Con Hội? Con Hội phải không? Tội nghiệp! Tội nghiệp nó!... Mày làm khổ nó rồi Quít ơi!
Con Hội bị một trận đòn nên thân. ầm ĩ cả lên. Trẻ con chạy trước, người lớn theo sau, xe cộ tò mò cũng dừng lại. Sau bao nhiêu cái tát, thằng Nhành quơ cây chổi quét rác đập túi bụi. Không vừa, con Hội nắm chắc một đầu chổi, hai đứa giằng co nhau. Thằng Nhành một tay gữi chổi, một tay quơ cái ghế gỗ của bà cà phê. Người ta xúm lại tước cái ghế can gián. Ông Thông tức tối chạy quanh quanh quát mắng.
Chuyện đổ bể do bà Sáu Lý. Khi tên lái ra về, hắn trao cho bà Sáu năm nghìn trả tiền phòng. Bà không chịu.
- Chuyện đổi chó đổi mèo gì anh với nó bàn với nhau tôi hổng biết. Chốc nữa con nhỏ đến đòi tiền tôi cười trừ với nó được à? Hai mươi lăm ngàn nữa đưa đây tu suýt. Không tiền thì để xe đạp lại đây về không. Muốn quỵt phỏng?
Xót như hoạn, hắn đành thò ra thêm hai mươi lăm ngàn.
Bà đon đả đến tìm con Hội lúc nó đang ngồi quán cà phê với thằng Nhành.
- Đây chị bắt nó thò ra thêm hai mươi lăm nghìn chị đưa cho em mười lăm nghìn, sòng phẳng nhé! - Bà Sáu Lý vô tình không biết lời thề của hai đứa với nhau: Giã từ thế giới ngầm, bước sang cuộc đời làm ăn lương thiện.
Thằng Nhành nghe qua tức giận con đàn bà phản trắc, ngựa quen đường cũ, nuốt lời bội bạc nên khùng lên, thượng cẳng tay hạ cẳng chân.
Thấy cần phải ra tay xoay chuyển tình thế để bọn em út coi bà chẳng ra sao, bà Sáu Lý chống nạnh bước tới chắn trước mặt.
- Này! Tao bảo cho mà biết. Nó coi cái tấm thân của nó chẳng ra làm sao để nó chuộc con chó của nhà mày. Nó được cái gì? Tàn nhẫn với nó, tao bắt nó lại đem về nuôi coi nó có làm một ngày đôi ba chục ngàn bạc để cái thân nó không phải đi hốt từng hốt rác để nuôi cha con mày. Cái quân không biết điều.
Rồi bà quay sang phân bua với mọi người.
- Mẹ nó! Cái bọn người này phải chờ đến lúc rã xương ra chúng nó mới chịu hiểu nhau.
Thằng Nhành ấm ức, nó đạp xích lô bỏ đi. Sài Gòn về chiều, không khí ngoài đường mát mẻ, dễ chịu làm cho mọi người tạm quên mọi khổ ải, nhọc nhằn hòa nhập với dòng người, xe cộ đón đèn đường đang lên hoà nhịp với "rịch rinh rinh" tiếng nhạc từ các máy âm thanh đủ cỡ.
°

*

Quá mười hai giờ đêm.
- Quít! Chị Hai mầy ngủ ở đâu?
Con Quít lúp xúp chạy trước. Thằng Nhành theo sau đi đến vỉa hè trước nhà ông Năm Ngọc. Con Hội thích ngủ ở chỗ này vì bên trên có cái ban-công nhô ra có thể che mưa, nhất là bên dưới có cái bậc thạch trát đá gra-ni-tô nhẵn bóng. Trong khi chờ chồng về, nó gác chân ôm cái bậc thạch man mát lành lạnh thích lắm. Thằng Nhành không lên tiếng, nằm xuống thẳng đơ bên cạnh, gối đầu lên bàn tay nhìn thẳng lên đêm tối. Làm như giữa nó và tấm lưng con Hội có một đường ranh giới vô hình. Con Quít nằm dưới chân đang lim dim bỗng nghe tiếng.
- Aỏi! Nhột! Hú hí! Rách áo bây giờ.
Con Hội buông cái bậc thạch, xoay hướng gác chân lên mình thằng Nhành.
- Hồi đánh người ta, coi cái mặt này tức cười lắm!
- La bài hải mà dám cười.
- La thì la! Cười cứ cười. Cười trong bụng ai mà biết! Ôi nhột!
- Mà cười cái mí gì?
- Cười cái mặt ghen ấy. Cái mặt đàn ông ghen coi ngộ lắm!
- Thích nhìn lắm à!
- Sao không? Có ghen mới biết lòng dạ thương nhau.
- Ai thèm thương.
- Thương mới ghen, không thương ghen mần chi
Con Hội bật cười lên, cười to bất kể thiên hạ trong phố hai bên đường phải thức giấc vì tiếng cười tâm đắc của nó. Nó giữ chặt hai bàn tay thằng Nhành.
- Khoan đã! Mà ừ đi! ừ đi nói cho mà nghe.
- Biết cái gì mà ừ!
- ừ đi! ừ mới nói! Không ừ không nói.
Thằng Nhành gỡ tay ra. Con Hội úp mặt vào ôm chặt cái bậc đá. Thằng Nhành lê theo phều phào. Nó nghe hơi thở phả vào gáy.
- Thở nóng quá! ừ đi rồi khỏi thở.
- Nói đi sẽ ừ.
- Thật không? Kề lỗ tai lại đây! Nghe nghe! Từ rầy không được đánh người ta giữa ban ngày ban mặt. Ôi nhột! Đợi đến tối bằng giờ này có đánh thì đánh! Chịu hôn? ừ đi! ừ đi!
- ừ!