Người dịch: Nhất Như
LỜI GIỚI THIỆU
TUYỂN TẬP NHỮNG TRUYỆN TIÊU BIỂU CỦA CÁC TÁC GIẢ NỔI DANH TRONG DÒNG VĂN HỌC KIẾM HIỆP NHẬT BẢN

 Ở Nhật Bản có một thể loại tiểu thuyết là tiểu thuyết thời đại (Jidai shousetsu) thuộc dòng văn học đại chúng. Tiểu thuyết thời đại, hay nói nôm na là tiểu thuyết võ hiệp, kiếm hiệp có liên quan mật thiết và thường bị nhầm lẫn với tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết dã sử. Trong một phạm vi nhất định thì có thể xem tiểu thuyết thời đại là tiểu thuyết dã sử. Bối cảnh của tiểu thuyết thời đại thường tập trung vào xã hội Nhật Bản thời phong kiến mà điển hình là thời Kamakura và thời Edo, thời đại thịnh trị của tầng lớp võ sĩ. Nhân vật của tiểu thuyết thời đại thường tập trung vào những võ sĩ Samurai, những Ninja ẩn mật thời phong kiến và nội dung thường xoanh quanh sinh hoạt của võ gia, mô tả thế giới quan của giai cấp Samurai thông qua những chuyện báo thù, chuyện hành hiệp giang hồ của giai cấp này. Tuy nhiên đề tài của tiểu thuyết thời đại không chỉ giới hạn ở tầng lớp võ sĩ mà còn mở rộng tới sinh hoạt của tầng lớp thị dân thời phong kiến. Hai tác gia Yamamoto Shugorou và Fujuzawa Shuhei nổi tiếng với loạt tiểu thuyết thời đại miêu tả sinh hoạt của tầng lớp thị dân. 
Có thể nói khởi điểm của thể loại tiểu thuyết này là sự ra đời của bộ trường thiên “Daibosatsu Touge” (Đèo Đại Bồ Tát) của Nakazato Kaizan đăng liên tục trên báo Miyako Shimbun từ năm Taishou 2 (1913). Daibosatsu Touge là một kiệt tác của Nakazato Kaizan thể hiện thế giới quan của Phật giáo Đại thừa thông qua nhân vật Tsukue Ryunosuke, một võ sĩ vô chủ theo chủ nghĩa hư vô. Các tác phẩm khác của Nakazato cũng nặng về tư tưởng Phật giáo. Một vài tác gia trước Đệ nhị Thế chiến nữa là Osaragi Jirou với “Akou Roushi” (47 võ sĩ thành Akou), Kikuchi Kan, Kaionji Chougorou, Hasegawa Shin,…. 
Một bậc thầy trong làng tiểu thuyết thời đại trước chiến tranh là Yoshikawa Eiji với tác phẩm để đời “Miyamoto Musashi”. Thông qua hình tượng kiếm khách bất bại Miyamoto Musashi sống đầu thời Edo, Yoshikawa Eiji đã tóm gọn cái được gọi là “tinh thần Nhật Bản” (Yamato Damashii) tiêu biểu vào trong bộ tiểu thuyết này. Cho đến nay “Miyamoto Musashi” vẫn là một trong hai bộ sách được nhiều người Nhật đọc nhất. Có thể nói không một người Nhật nào không biết đến Miyamoto Musashi, âu một phần công lao thuộc về Yoshikawa. Bộ tiểu thuyết này mang giá trị giáo dục tích cực, đề cao tinh thần cầu đạo tinh tấn dũng mãnh và luôn được giới cầm quyền xem trọng. Thời kỳ sau chiến tranh cũng chứng kiến nhiều tác gia tài năng với sự ra đời của hàng loạt tác phẩm tầm cỡ như Hasegawa Shin với “kiếm sĩ mù” Zatouichi, Yamada Futarou với loạt tiểu thuyết Ninja gây sóng gió trong văn đàn và trở thành đề tài cho điện ảnh khai thác, Gomi Yasusuke với bộ tiểu thuyết về gia tộc võ sĩ Yagyu, Ikenami Shou Tarou với loạt tiểu thuyết kiếm khách, Shibaryou Tarou với bộ “Ryouma ga Yuku” kể về nhân sinh quan của chí sĩ Sakamoto Ryouma thời Bakumatsu,….. 
Khác với tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa, tiểu thuyết thời đại Nhật Bản thường lấy sự kiện, nhân vật có thực trong lịch sử và thông qua đó thể hiện cách nhìn nhận của tác giả đối với một vấn đề nào đó. Chính vì là nhân vật và sự kiện lịch sử nên kết quả không thể thay đổi nhưng cách nhìn nhận của tác giả về sự kiện, nhân vật lịch sử đó thường rất phóng khoáng và đa chiều, không bị phiến diện. Một nhân vật bị xem là phản loạn thì lại được tác giả nhìn nhận ở góc độ khác, lý giải vì sao lại dẫn đến những hành động phản loạn và ở một góc độ nào đó thì lại là nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết. Đó là một điểm thú vị của tiểu thuyết thời đại. 
Tiểu thuyết thời đại còn được gọi là tiểu thuyết Chambara, bắt nguồn từ “chanchan barabara” trong tiếng Nhật mô phỏng âm thanh khi giao đấu kiếm. Tiểu thuyết thời đại trở thành mảnh đất màu mỡ cho điện ảnh khai thác (phim truyện dựng từ loại tiểu thuyết này gọi là Jidaigeki). Rất nhiều Jidaigeki đoạt giải thưởng lớn tại các liên hoan phim quốc tế, mà điển hình là “Shichinin no Samurai” (bảy võ sĩ Samurai), Kakushiken Oninotsume, Tasogare no Seibei, Bushi no Ichibun,…. 
“Kiếm khách liệt truyện” là tập sách gồm tám truyện ngắn (đoản thiên) của một số tác gia tiểu thuyết thời đại tiêu biểu như Ikenami Shou Tarou, Shibaryou Tarou và Ryu Keichirou. Trước phần truyện của mỗi tác giả, người dịch xin được tóm tắt một số nét chính về tác giả đó.
Biên dịch là một công tác không hề đơn giản, hơn nữa thể loại tiểu thuyết thời đại này lại có quan hệ mật thiết với lịch sử Nhật Bản nên công tác truyền đạt đến bạn đọc Việt Nam lại càng khó khăn hơn. Cái khó là để có thể hoàn toàn cảm thụ và lý giải một tác phẩm “văn chương kiếm hiệp” Nhật Bản là phải có một nền tảng kiến thức cơ bản về văn hóa, lịch sử của đất nước này. Không hiểu về văn hóa có thể khiến người đọc không lý giải được vì sao nhân vật lại hành động như vầy, không hiểu về lịch sử có thể khiến họ cảm thấy lạc lõng giữa những niên hiệu, giữa các sự kiện lịch sử. Do đó người dịch mạo muội xin được đưa vào những nét khái quát nhất về lịch sử Nhật Bản mà bối cảnh những câu chuyện này dựa vào để giúp bạn đọc phần nào hình dung dễ dàng hơn.
Người Tây phương thường bảo “dịch tức là phản”. Nếu trong bản dịch có chỗ nào bạn đọc thấy đắc ý thì đó là tinh hoa của tác giả, còn nhược bằng ngược lại thì đó là sự non kém của người dịch.