Chương 1
Bạch Nam Hoa

Tầng thượng Pacific Hotel, Bạch Nam Hoa đứng bất động, mắt đăm đăm nhìn xuống dưới đường.
Buổi chiều, sau giờ làm việc, đường Phan Châu Trinh đông đặc người, xe.
Đà Nẵng nơi chàng sinh ra, lớn lên, qua mười sáu năm có nhiều thay đổi, nhưng sao với chàng quá đỗi thân thương.
Lúc Bạch Nam Hoa ra đi, mới là thằng bé con mười ba tuổi. Giờ trở lại đã hai mươi chín rồi, còn là một nhà kinh doanh trẻ tuổi, lỗi lạc. Nam Hoa nhớ lại cảm giác cách đây hai ngày, lúc mới đặt chân xuống phi trường, tim chàng đập loạn trong lồng ngực, tay run, mặt nhợt, người nữ thư ký và viên phó giám đốc kiêm luật sư của Chấn Hưng công ty kinh hãi, cô tiếp viên hàng không thì rối rít đòi gọi bác sĩ khiến chàng lắc đầu lia lịa và định tỉnh lại, nhã nhặn nói không sao.
Tuy vậy, Bạch Nam Hoa phải nằm một ngày, trước sự kiên quyết của cô thư ký và luật sư cố vấn kiêm phó giám đốc kinh tế, cả lời khuyên của hai người đại diện công ty Danamexco.
Công ty mà chàng liên kết đầu tư lần thứ nhất sau mười sáu năm trở lại Việt Nam.
Bây giờ, nỗi xúc động qua đi, duy trái tim chàng vẫn hồi hộp run rẩy, như cung đàn khi nhớ tới nỗi niềm riêng tư canh cánh bên lòng từ mười sáu năm rồi.
Còn một giờ nữa, chàng và hai người cộng sự sẽ dự buổi chiêu đãi do công ty Danamexco mời, tại nhà hàng đặc sản Quê Hương. Trong buổi tiệc thân mật này, người ta sẽ cùng chàng trên cơ bản, thỏa thuận một số hợp đồng cho việc thành lập nhà máy Liên hiệp vật tư sắt thép đầu tiên ở miềm Trung Việt Nam. Nếu không có gì trở ngại, hợp đồng sơ bộ sẽ được ký kết sau ba ngày, lúc mà cả chuyên gia kinh tế đôi bên nghiên cứu thấu đáo mọi vấn đề. Rồi sau đó...
- Thưa ông Bạch! Người của Danamxco công ty yêu cầu được nói chuyện với ông.
Bạch Nam Hoa từ từ ngẩng đầu nhìn lên cô thư ký của mình, đó là một cô gái rất đẹp, mang giòng máu Trung Hoa chính hiệu. Cô ta chẳng những đẹp, còn là người phụ nữ học thức, nhiều tài năng. Và với Chấn Hưng, công ty nói chung, Bạch gia nói riêng, cô là một nhân viên tận tụy, trung thành. Tên cô ta cũng đẹp như người: Âu Dương Diễm Quỳnh.
- Cô không thể thay tôi trả lời sao?
- Thưa ông Bạch! Họ yêu cầu được nói chuyện trực tiếp với ông.
Bạch Nam Hoa chẳng những trong máu bẩm sinh là người làm kinh tế, anh còn là một nhà ngoại giao, nên dù rất bực vì khoảng thời gian riêng tư của mình bị xâm phạm, chàng vẫn giữ vẻ mặt thản nhiên đi về phòng khách riêng, chàng không thấy cái mím môi và đôi mắt xếch tuyệt đẹp rợp buồn của cô thư ký.
Cầm máy trên tay, Bạch Nam Hoa nói bằng tiếng Việt chuẩn xác như một người Việt Nam hoàn toàn.
- Bạch Nam Hoa tôi nghe.
- Thưa ông Nam Hoa, xin chờ cho nửa phút, tôi trao máy lại cho giám đốc.
- Ông Bạch! Tôi Thành, giám đốc Danamexco,
Bạch Nam Hoa trở về với cung cách ngoại giao:
- Chào ông Thành! Rất vui được hầu chuyện cùng ông.
- Ông Bạch! Xin đừng khách sáo. Buổi chiêu đãi hôm nay bất ngờ có sự thay đổi, thứ trưởng bộ ngoại thương vừa từ Hà Nội vào sẽ là khách của Danamexco. Nếu buổi tiệc sớm hơn dự định nửa giờ với ông Bạch có gì trở ngại?
- Ông Thành! Không có trở ngại gì.
- Cảm ơn ông. Tôi cho xe đón ông tại Hotel. Chào ông.
- Chào ông.
Đặt máy xuống, Nam Hoa hỏi Diễm Quỳnh:
- Ông Lưu đâu?
- Trong phòng, thưa ông Bạch!
- Họ sẽ đón chúng ta trước mười tám giờ, cô và ông Lưu chuẩn bị đi.
- Vâng, thưa ông.
Mười tám giờ thiếu mười lăm phút, Nam Hoa cùng hai cộng sự đã có mặt tại tiền sảnh Pacific Hotel. Diễm Quỳnh tuyệt đẹp trong bộ váy thời trang màu ngọc, chàng và Lưu Thiếu Kỳ rất trang trọng, trẻ trung trong bộ veston màu xám nhạt. Khách ở Pacific Hotel không ai là không nhìn họ một lần. Bởi biết cả ba người Hoa, nhưng lại nói tiếng Việt như người Việt và đang cùng công ty Danamexco thương thảo một hợp đồng liên kết kinh tế, điều để họ chú ý, cả ba điều đẹp và rất trẻ tuổi.
Một chiếc Renault T25 màu trắng bạc chạy chậm và dừng lại ngay trước Hotel.
Bạch Nam Hoa nhìn đồng hồ: 18 giờ thiếu 10 phút. Chàng nói với Lưu Thiếu Kỳ.
- Giám đốc Danamaxco là người biết quý trọng thời gian. Tôi nghĩ rằng bước đầu tốt đẹp.
oOo
Nghe lại một lần nữa những điều thiết yếu do Lưu Thiếu Kỳ tóm tắt lại, Bạch Nam Hoa thong thả châm thuốc đưa lên môi, anh rít một hơi rồi hỏi:
- Theo cậu, việc Danamexco yêu cầu lập thêm nhà máy thu gọn, sản xuất bù lon các loại, nếu ta đồng ý, có đem lại hiệu quả kinh tế không?
- Thưa ông Bạch, có. Số liệu dự trù đầu và lãi xuất tôi sẽ trình với ông vào trưa mai. Bây giờ tôi chỉ nói với ông một điều, trừ thành phố H.C.M. có các tư nhân dập bù lon, hãng Lidovít của Việt Kiều Đức mới về thành lập, Hà Nội có nhà máy Từ Sơn, tại miền Trung và cao nguyên Việt Nam chưa có nhà máy nào xản xuất bù lon, đó là không nói về chất lượng.
- Số tiền liên hiệp đầu tư sẽ lên cao gấp đôi?
- Tôi nghĩ chỉ khoảng một phần ba. Lãi xuất thì hơn gấp đôi, vì từ nguyên liệu thành sản phẩm giá cao gấp bốn lần, theo số liệu mới nhất về giá cả thị trường tại thành phố H.C.M., tôi vừa nhận được cách đây nửa giờ.
Bạch Nam Hoa tặng Thiếu Kỳ tia nhìn tán thưởng rồi nói với Âu Dương Diễm Quỳnh.
- Cô thấy đó, ngoại trừ khả năng nói Việt ngữ, tôi còn có vô số lý do để chọn Thiếu Kỳ làm người trợ lý với tôi trong chuyến liên kết kinh doanh với Việt Nam lần này.
Diễm Quỳnh duyên dáng nói:
- Thật ra trong danh sách hai mươi người được đề cử, ông phó giám đốc kiêm luật sư cố vấn pháp lý là đối tượng nặng cân nhất.
Mặt Lưu Thiếu Kỳ vẫn tỉnh bơ trước lời khen tặng khéo léo ấy. Anh nói:
- Lúc xưa anh từng khuyên tôi nên học tiếng Việt và lưu ý về đất nước này.
Bạch Nam Hoa cười nhẹ:
- Tôi khuyên cậu mà cậu không có chí thì đành chịu. Thiếu Kỳ! Trong ba ngày tới, cậu liên kết mọi đề án sau khi rà xét lại toàn bộ thị trường và vấn đề trượt giá, thảo một hợp đồng sơ bộ nhưng đừng có ngắc ngoéo nào, hãy trung thực với họ.
Bạch Nam Hoa đứng lên:
- Tôi nghĩ, cả hai đã mệt rồi. Hẹn nhau tại buổi điểm tâm sáng mai. Chúc ngủ ngon.
Nhưng không như Thiếu Kỳ và Diễm Quỳnh, Nam Hoa chỉ về phòng thay bộ veston bằng bộ sơ mi thường phục rồi đi thang máy xuống tiền sảnh. Chàng nói với cô gái ngồi tiếp tân:
- Cô có thể giúp tôi tìm một chiếc xe?
Cô gái tặng chàng nụ cười xinh nhất, nhã nhặn nói:
- Thưa ông Hoa! Chiếc Toyota của công ty Danamexco thuộc quyền xử dụng của ông đã đúng hai giờ rồi.
- Ý tôi muốn nói đến một phương tiện di chuyển bình thường cô ạ.
Cô gái buột miệng:
- Cúp 81 được không ạ?
Bạch Nam Hoa cả mừng:
- Vậy thì tốt quá!
Cô gái không nén nổi tò mò:
- Tôi rất vui lòng cho mượn nếu ông có thể nói nơi ông đến, để ai có hỏi, tôi trả lời thay ông.
- Tôi mong không ai hỏi tới. Còn việc tôi đi đâu thì dễ thôi, chẳng có gì dấu cô, tôi muốn thăm lại ngôi nhà cũ của mình mười sáu năm trước.
Cô gái long lanh mắt quyến rũ nhìn Nam Hoa:
- Giờ Thủy Tiên mơi hiểu được vì sao anh nói tiếng Việt hay đến vậy.
Cô gái chuyển cách xưng hô khiến Nam Hoa dấu vội nụ cười:
- Cô vui lòng chớ?
- Vâng, anh chờ Thủy Tiên một lát.
Nam Hoa nhận chiếc cúp 81 còn mới tinh và giấy xe từ tay Thủy Tiên, nói lời cảm ơn rồi đi ngay. Anh cho xe chạy dọc Phan Châu Trinh, vòng qua Hùng Vương đến chợ trung tâm, chạy thẳng Ông Ích Khiêm về Thanh Bình đi sâu vài đường Thanh Hải, dừng lại trước một cánh cửa sắt kiên cố to lớn. Đây là kho số 1 ngày xưa của tiệm buôn Chấn Hưng do ông Bạch Chấn Hưng cha chàng làm chủ, bây giờ thuộc quyền quản lý của nhà nước.
Bạch Nam Hoa ngồi trên xe bất động, nhìn mãi cánh cửa đóng im lìm mà nghĩ đến một bóng dáng bé nhỏ gầy gò Nam Hoa đã gặp...
Nó co ro ngồi trong góc phòng của Tài, người bảo vệ kho số 1, thấy mọi người bước vào, môi nó mím lại, mắt long lên, đứng bật dậy gào:
- Tôi không về chỗ đó, nhất định không về.
Trong lúc mọi người sửng sốt, Bạch Nam Hoa lúc ấy mới mười một tuổi chạy tới hỏi:
- Không về nhà à? Tại sao? Ba má mày đánh đau hả?
Con bé đột nhiên nức nở:
- Tui không có nhà, không có ba má, không có ai hết, nhưng tui không thích ở chỗ đó.
Bạch Nam Hoa chẳng hiểu sao muốn khóc theo con bé, cậu rụt rè nắm tay nó, nói:
- Vậy mi về ở với tao.
Nam Hoa nói như chuyện đương nhiên, khiến người lớn càng sửng sốt. Ông Chấn Hưng hỏi Tài, người bảo vệ kho số 1.
- Lầu lui da sao anh nói tui nghe (đầu đuôi ra sao anh nói tui nghe).
Tài là một người đàn ông bốn mươi tuổi, một võ sư về chiều, sau một trận đấu võ đài ở Bình Định bị đá dập phổi, đã bỏ nghề về làm với ông Chấn Hưng hơn mười năm nay. Tính ông trung hậu, ít nói.
- Thưa ông! Sáng nay lúc mở cửa kho, thấy nó nằm ngay trước, gần đám cỏ, mặt thâm tím. Tui tội quá, bồng vô, nó đói lả, ăn hoài vẫn la đói, mà hỏi gì cũng không nói, thì vừa lúc ông tới.
Ông Chấn Hưng suy nghĩ, rồi đến bên con bé từ tốn hỏi:
- Thế lầy cháu pé! Cháu lói thiệt, bác cho ở lại lây, phải cháu chốn diện mồ côi da lây không (Thế này cháu bé, cháu nói thiệt, bác cho ở lại đây, phải cháu trốn viện mồ côi ra đây không?)
Con bé co rúm người, tay run bấu chặt tay Nam Hoa.
- Mi nói cho tao ở phải không?
Thằng bé không do dự gật đầu, chẳng hiểu sao ở tuổi mười một trong lúc đó, nó thấy mình quan trọng ghê gớm, cái nắm tay của con bé gầy gò nhem nhuốc ấy khiến nó có cảm giác như mình là người che chở, bảo vệ con bé suốt đời. Nam Hoa định nói thêm lời hứa, thì Nam Sơn, anh trai đầu của nó đã mười tám tuổi quát:
- Nam Hoa! Không được nói càn, để ba quyết định.
Nam Hoa là con nít, rất được cưng chìu, bị quát trước mặt con bé nó muốn che chở nên đổ quạu:
- Mắc gì tới anh. Em ƯNG nó. Ba! Cho con nuôi nó đi.
Những điều mấy cha con ông Bạch Chấn Hưng nói, mọi người điều nghe. Bởi ông là người có học, dạy con không được nói tiếng Hoa khi có mặt mọi người để tỏ lòng tôn trọng. Chỉ nói khi ở nhà. Họ im lặng chờ ông chủ xử trí. Ông Chấn Hưng rối bời trước hai thằng con trai, Nam Sơn đã nghỉ học, tính chăm chỉ, phải tội kém thông minh lại hay cộc cằn. Nam Hoa thông minh, nhanh nhẹn, nhưng rất cứng đầu ưa gì làm nấy không ai cãi được.
Ông Chấn Hưng quát cả hai:
- Hai thằng mắc dịch, không được cãi dau, lể pa tính cho (hai thằng mắc dịch, không được cãi nhau, để ba tính cho ).
Ông quay sang nói với Tài:
- Anh Tài, con pé ngó pộ thông minh lẹp gái, anh lui ló đi, lể nó dào diện mồ côi tội nghiệp. Mai lầy có chỗ tựa lương.
(Con bé ngó bộ thông minh, đẹp gái, anh nuôi nó đi. Mai này có chỗ tựa nương).
Thấy Tài có vẻ vui mừng lẫn lo âu, ông Chấn Hưng hiểu ý:
- Anh cho ló li học, lúc dzề dzà quét dọn kho trong ngoài sạch sẽ, tui cho nó một tháng hai chục ngàn.
Mọi người và Tài điều hiểu đó là cách làm phước khôn khéo của ông chủ. Tài mừng rỡ xá dài.
- Tôi thân một mình, sợ tuổi già cô quạnh, nay ông chủ ban đứa con, lại cho tiền nuôi nấng. Tôi đội ơn ông.
Ông Chấn Hưng xua tay lắc đầu.
Thằng Nam Hoa buồn một tí, nhưng rồi lại hớn hở. Bàn tay con bé còn trong tay nó, nó cứ day mãi.
- Mày đừng buồn lo, chú Tài hiền lắm, mày kêu ổng bằng ba là sướng, chú tài giỏi võ lắm, không để ai ăn hiếp mày đâu.
Con bé ráo khô nước mắt, hỏi Nam Hoa:
- Mi nói ƯNG tao, vậy có ở với tao không?
Nói nói chữ ƯNG của Nam Hoa nói lúc nãy khiến thằng bé khoái, bạn bè trong lớp đứa nào cũng ƯNG nó, giờ có thêm con bé gầy nhom mà nó rất thích này. Thằng bé liếc cha, mặt nghệch ra, ấp úng:
- Tao phải đi học, chừng nào rảnh... tới... ở với mày.
Nam Sơn trợn mắt nhìn em. Ông Chấn Hưng lắc đầu cười. Đúng là con nít. Ông ra dấu cho Tài và những người làm với ông ra ngoài, rồi nói với Nam Sơn:
- Lấy mẫu hàng dzề giới thiệu khách mới. Anh Tài! Cuối tháng dzồi, lói cô kế toán, chuẩn pị kiểm kê hàng tồn kho.
Và suốt buổi sáng chúa nhật ấy. Nam Hoa ở chơi với con bé có cái tên kỳ cục - Dế Mèn. Nó rất người lớn, dắt con bé đi rửa mặt, chải đầu, cột tóc cho con bé bằng đôi tay non dại, lóng cóng vụng về của mình. Lúc nó phải theo cha ra về, con bé đã gọi nó rất trìu mến - anh Nam Hoa.
...
Nam Hoa giật mình khi nghe tiếng cửa sắt kêu ken két. Rời dòng suy nghĩ, anh nhìn qua, một người đàn ông đẩy cửa bước ra, hỏi anh vẻ cảnh giác:
- Đó là cổng kho hàng nhà nước. Anh đứng đó hoài làm gì?
Ngọn đèn đường hắt ra ánh sáng vàng nhợt, soi rõ mặt người đàn ông, Nam Hoa nhớ ra, anh cả mừng nói:
- Chú! Chú có nhớ cháu không? Cháu là Nam Hoa, con út của ông Bạch Chấn Hưng cũ kho hàng này đây.
Ông ta nhíu mày, nheo mắt nhìn sững chàng rồi à lên:
- Tôi nhớ rồi, anh là thằng bé nghịch ngợm hay đi với con bé trong kho hàng ra đây phá giàn bông giấy nhà tôi.
Nam Hoa nghẹn thở, hỏi mà run:
- Chú ơi! Chú biết ông Tài và con bé đó giờ ở đâu không?
Người đàn ông mở rộng cửa:
- Vào đây đã, cha! Mười sáu năm rồi, biết bao chuyện đổi đời. Tôi sẽ kể cho anh nghe.
Phòng khách nhỏ, ấm cúng, người đàn ông vừa pha trà vừa hỏi chuyện:
- Năm đó, tôi nghe gia đình anh về Hồng Kông, sao giờ ở đây?
- Chấn Hưng công ty cử cháu qua Việt Nam ký hợp đồng liên kết xây dựng, thành lập nhà máy Vật tư - Sắt thép.
Người đàn ông gật gù:
- Té ra vầy. Nhìn anh, tôi biết, anh đã thành công trên đường sự nghiệp như cha anh.
- Dạ! Ở Hồng Kông, việc kinh doanh thường rất mới cạnh tranh được với các công ty nước ngoài. Thưa chú...
- Cậu muốn biết tông tích của con bé Dế Mèn và ông Tài phải không? Ổng bị thương, rồi bất lực đau ốm hoài, con nhỏ dắt ổng đi đâu mất dạng.
Nam Hoa như bị cú đấm mạnh vào ngực:
- Chú ấy bị thương vào lúc nào?
- Hồi năm 1978 bị giàn sắt đè khi leo lên kiểm kê hàng, may cho ổng có võ nên không chết, nhưng dập phổi, gãy mất ba sườn, nằm bệnh viện cả nửa năm. Tội nghiệp con nhỏ, mới mười bốn, mười lăm, nó cứ như người câm, đi làm thuê mướn đủ cả về nuôi ổng. Hồi ổng xuất viện, cha con đưa nhau đi mất.
Thấy Nam Hoa buồn rũ, người chủ nhà nói:
- Tôi nhớ hồi đó, con nhỏ thương anh lắm, trưa nào chiều nào cũng ra đầu đường đón anh. Nó từng bị cướp đâm vì anh, mà sao hồi đó gia đình anh đi không đem nó theo?
Nam Hoa nói khó nhọc:
- Chú Tài không chịu đi, cha cháu định thuyết phục, ai ngờ tối đó, có máy bay về Sài Gòn. Mẹ cháu sợ cháu không chịu, cho cháu uống thuốc ngủ. Cháu cũng không nghĩ đi là khó có thể quay về.
Người chủ nhà nhìn anh con trai người Trung Hoa ngồi trước mặt. Anh ta rất đau khổ, điều ấy hiện rõ lên đôi mắt. Nhà họ Bạch ai cũng tốt bụng. Anh ta không quên chuyện ngày xưa có con bé đã từng dám chịu chết thay mình.
Ông ta nói với anh điều cuối cùng được biết.
- Hôm hai cha con đi, tôi có gặp, hỏi đi đâu, cả hai nói chưa biết đi đâu, nhưng cần ra đi tìm phương sinh sống. Tội nghiệp, con bé đi, đầu cứ ngoái lại, không khóc mà sao tôi thấy như nó chết cả cõi lòng.
Nam Hoa cố hỏi:
- Từ đó đến giờ, không gặp Dế Mèn hả chú?
- Nó tên Dế Mèn thật à? Từng ấy tuổi đầu không có tên gọi sao? Vậy mà tôi cứ tưởng đó là tên gọi đùa trong nhà.
Nam Hoa cố ghìm một tiếng hét. Đó là nỗi đau khổ dày vò của anh. Bao năm rồi, anh chỉ gọi Dế Mèn, cả trong những giấc mơ. Cô bé gầy gò lem luốc này xưa ấy... một cái tên cũng chưa từng có. Chưa từng có.
oOo
Lúc Nam Hoa về đến Hotel, đã thấy Diễm Quỳnh và Thiếu Kỳ ở tiền sảnh, cô mừng rỡ lao vào anh:
- Trời ơi! Ông đi dâu? Suýt nữa tôi gọi công an...
Nam Hoa nhợt nhạt, mệt mỏi, đi lên thang máy.
- Tôi đã nói với cô tiếp tân, tôi về thăm nhà cũ.
- Nhưng Thiếu Kỳ đi với tôi đến đó tìm, chủ nhà nói không thấy ông.
Nam Hoa vỗ trán, chợt nhớ ra hỏi:
- Sao cô biết nhà cũ của tôi mà tìm?
- Hôm đi, tổng giám đốc có nói với tôi. Tôi chỉ cần chở theo anh bảo vệ, nhờ chỉ đường.
Thang máy dừng lại, cả ba bước ra, Nam Hoa nói:
- Tôi làm phiền hai người. Xin lỗi. Chúc ngủ ngon.
Chàng vào phòng đóng cửa, Thiếu Kỳ nhún vai nói với Diễm Quỳnh:
- Cô phải kiêm luôn việc chăm sóc sức khỏe Nam Hoa. Trừ lúc làm việc, anh ta tinh thần không được tập trung. Chẳng lẽ về Việt Nam làm anh ta xúc động đến vậy?
Diễm Quỳnh nhìn sao đêm, có những vì sao rất mờ và cô độc, cô nói âm thầm:
- Không phải! Chỉ vì một con bé mà anh ấy chưa gặp lại đã mười sáu năm.
Thiếu Kỳ nhìn Diễm Quỳnh tia nhìn soi mói dò hỏi:
- Nghĩa là hồi còn nhỏ xíu, cô bé đó là ai?
- Dế Mèn! Theo lời ông Tổng giám đốc nói với tôi.
oOo
Thằng bé ôm Dế Mèn trong tay, gào khóc cuống cuồng.
- Dế mèn! Đừng chết! Đừng bỏ anh. Dế Mèn!
Cô bé người mềm nhũn, máu từ ngực chảy loang đẫm áo hoa, vẫn gượng nói:
- Nam Hoa! Anh... đừng khóc.... Dế Mèn không chết được.
Người ta khiêng con bé đi, Nam Hoa giẫy giụa kêu gào:
- Dế Mèn! Dế Mèn!
..........
- Thưa ông Bạch, thưa ông Bạch!
Có ai đó gọi, lay anh rất mạnh. Nam Hoa bừng tỉnh. Diễm Quỳnh áo quần tề chỉnh, đang cúi xuống lo lắng nhìn anh.
- Thưa ông Bạch! Ông sẽ ốm mất, tôi đã cho mời bác sĩ.
Nam Hoa vùng dậy, tỉnh táo hẳn, chàng thao thức cả đêm, gần sáng mới chớp mắt, quên cả cởi giầy lẫn quần áo. Xoa trán, Nam Hoa nói:
- Không cần đâu. Tôi vẫn thường bị ám ảnh về giấc mơ này, các giáo sư bác sĩ nói chẳng việc gì. Cô nói bác sĩ về và nhớ trả thù lao cho ông ta. Tôi sẽ cùng ăn điểm tâm với quý vị sau mười lăm phút.
- Thưa ông Bạch!
Nam Hoa đi thẳng qua buồng tắm.
- Tắm nước lạnh sẽ khỏe ngay thôi.
Quả thật, chàng xuống restaurant với gương mặt tươi tỉnh. Với bộ âu phục mùa thu, đẹp không chê vào đâu được, chàng ngồi ngay vào bàn, vui vẻ nói:
- Chắc quý vị chờ tôi hẳn đói bụng rồi.
Rồi quay sang nói với cô phục vụ:
- Một cacao nóng, một ốp la bí tết. Không cần người phục vụ.
Tặng Diễm Quỳnh nụ cười xin lỗi, Nam Hoa chưa kịp nhấc ly cacao đã thấy Thủy Tiên đứng trước mặt.
- Nam Hoa! Anh thật xấu. Không mời Thủy Tiên điểm tâm để trả nợ sao?
Thuộc giai cấp thượng lưu xã hội, lại được giáo dục nghiêm ngặt để trở thành một giám đốc tuổi trẻ tài cao nên hào hoa phong nhã với Nam Hoa đã thành nếp. Anh đứng lên, kéo ghế, tươi cười:
- Rất hân hạnh được cô hạ cố dùng điểm tâm, mời cô ngồi. Giới thiệu với cô đây là...
Thủy Tiên nhí nhảnh:
- Thủy Tiên biết rồi, đây là cô Âu Dương Diễm Quỳnh, đây là ông Lưu Thiếu Kỳ, cả hai làm việc cho anh. Cô thư ký Diễm Quỳnh rất xinh và luật sư cố vấn kiêm trợ lý giám đốc Lưu Thiếu Kỳ lại tài hoa chưa vợ. Còn tôi tên là Lê Thủy Tiên, rất hân hạnh làm quen với quý vị.
Nàng rất lịch duyệt bắt tay Diễm Quỳnh. Thiếu Kỳ vốn dĩ là người đàn ông của công việc, cũng phải hôn tay nàng theo đúng phép lịch sự. Nam Hoa hỏi:
- Cô Thủy Tiên dùng gì?
- Giống anh vậy. - Cô nhoẻn miệng cười.
Diễm Quỳnh tức tối về lối gán ghép cố ý giữa nàng và Thiếu Kỳ của cô gái Việt Nam này, nên châm chọc:
- Cô Thủy Tiên có định đợi ai không mà dùng điểm tâm trễ vậy? Dường như quá giờ làm việc rồi mà.
Thủy Tiên có nụ cười xinh đẹp nên cố ý khoe:
- Cô Diễm Quỳnh để ý thật. Sáng nay tôi nghỉ bù vì tối qua trực tiếp tân. Còn điểm tâm trễ vì cố ý chờ anh Nam Hoa đãi trả nợ đã làm cho tôi lo thắt ruột.
Diễm Quỳnh ngạc nhiên nhướng mắt:
- Ủa! Ông Bạch là khách của Pacific Hotel mới hai hôm thôi mà. Tại sao có sự quan tâm đặc biệt đó?
Câu hỏi ấy khiến tay Nam Hoa cắt miếng bít tết ở dĩa Thủy Tiên khựng lại. Còn cô gái Việt Nam có nụ cười làm xiêu lòng người cứ thản nhiên:
- Có gì lạ, nếu chỉ một giây đối diện, người ta đã mến nhau. Anh Nam Hoa! Anh có vui lòng nhận Thủy Tiên làm bạn gái không?
- Rất hân hạnh. - Nam Hoa thảy khăn lau miệng xuống bàn, giản dị trả lời.
Diễm Quỳnh đẩy đĩa bít tết đang ăn dở đứng lên:
- Bít tết dai quá. Thưa ông Bạch, tôi chờ ông làm việc vào lúc mấy giờ ạ?
- Mười lăm phút nữa. Gọi cà phê đem lên luôn.
Đợi Thủy Tiên ăn xong, Nam Hoa đứng lên:
- Cô Thủy Tiên! Tôi phải làm việc với các cộng sự, luôn tiện cảm ơn cô và hẹn gặp lại.
Chàng nghiêng mình, Thủy Tiên lại nói:
- Anh không thích đi xe hơi sao Nam Hoa?
- Trong công việc thì được. Còn việc riêng cá nhân tôi chỉ thích đi xe đua hai bánh. Ở nhà tôi có chiếc môtô.
- Vậy anh cứ lấy xe Thủy Tiên đi, chừng nào trả cũng được.
- Cảm ơn cô. Lúc nào cần sẽ làm phiền.
- Chào anh Nam Hoa, chào ông Thiếu Kỳ, hẹn gặp lại.
Cô gái đi những bước uyển chuyển khoe cặp đùi đẹp rời Restaurant. Thiếu Kỳ ngó Nam Hoa, nói:
- Làm việc với anh ở bất cứ nơi đâu, tôi cũng thích, chỉ bực một nỗi, con gái quấn quýt bên anh quá nhiều.
Người của Chấn Hưng công ty có quy luật, khi chơi với nhau xưng hô tùy thích. Nhưng khi làm việc phải gọi nhau theo đúng chức phận. Ông Chấn Hưng nói rằng như vậy sẽ không lẫn lộn được chuyện công và tư. Nên lúc này Thiếu Kỳ hoàn toàn thoải mái, quàng tay qua vai Nam Hoa, người bạn quen thuở còn đi học của mình, sải những bước dài về lại tiền sảnh Hotel.
- Tôi nói có đúng không? Sao anh không trả lời?
Cả hai đi về hướng cầu thang, Nam Hoa cười:
- Đó chẳng phải lỗi của tôi, nếu mẹ tôi trót sinh ra thằng con đẹp trai lại giàu có. Nhưng cậu hẳn đã biết, tôi không muốn lập gia đình, chuyện trai gái qua đường tôi cũng không. Trừ phi...
- Gặp lại Dế Mèn. - Thiếu Kỳ buột miệng.
Nam Hoa dừng lại ở cầu thang ngó sững Thiếu Kỳ:
- Cô ấy nói với cậu? Sao cô ấy biết?
- Anh gọi Dế Mèn to và thảm thiết đến độ tôi lo sợ, suýt tông cửa chạy vào, nhưng cô ấy cản lại.
- Nhưng tại sao cô ấy biết nhỉ? - Nam Hoa ngẩn ngơ lẩm bẩm.
- Là mẹ anh nói với cô ta. Anh không biết bà muốn Diễm Quỳnh làm dâu út Bạch gia ư?
Họ vượt lên tầng hai, những bước chân chậm lại, giọng nói Nam Hoa trở nên lạnh lùng:
- Tôi cần biết gì tới điều đó? Khi tôi không một chút gì yêu cô ấy. Tôi chỉ coi cô ấy là một người thư ký có năng lực rất trung thành.
- Diễm Quỳnh với anh môn đăng hộ đối, cô ấy xinh đẹp, tài giỏi.
- Hoàn toàn không phải yếu tố quyết định cho trái tim tôi.
Cả hai không nói gì với nhau nữa. Đến tầng ba, Thiếu Kỳ chuyển qua thang máy.
Diễm Quỳnh đã ngồi đợi ở bàn, bên những phin cà phê, tư thế sẵn sàng làm việc. Suốt sáng, cả ba làm việc không nghỉ. Gần đến giờ ăn trưa, Nam Hoa xếp tập hồ sơ:
- Chiều làm tiếp, Thiếu Kỳ! Cậu dự liệu từ ký hợp đồng chính thức, đến xây dựng nhà máy xong, ngốn hết bao nhiêu thời gian?
- Nếu ở Hồng Kông thì sớm nhất phải hơn nửa năm. Đợi ký kết xong hợp đồng sơ bộ, ta gọi về Tổng công ty, Tổng giám đốc đã chọn xong ê kíp, kỹ sư thiết kế, xây dựng sẽ cho qua Việt Nam thiết lập đồ ăn, kiểm tra thực địa. Thưa ông Bạch! Xong chưa?
Nam Hoa vươn vai đứng lên:
- Rồi! Chiều nay làm sớm, xong, tôi đưa hai người đi quanh một vòng thành phố này, nơi tôi được sinh ra và lớn lên.
- Chiều nay lúc 14 giờ, giám đốc công ty Danamexco sẽ đưa chúng ta đi thăm địa điểm định xây dựng nhà máy. Ông cần có cái nhìn khái quát. - Diễm Quỳnh lạnh lùng nhắc nhở.
- À! Nếu vậy, buổi tham quan dời lại ngày mai. Tôi nhớ rồi, Nam Ô là mảnh đất lý tưởng cho bất cứ nhà máy nào. Nó cách đây khoảng mười cây số.
- Thưa ông Bạch, tôi cần nhắc thêm. Bà tổng giám đốc yêu cầu ông, ít nhất hai ngày một lần gọi về cho bà lúc mười sáu giờ mỗi ngày. Còn ông Tổng giám đốc bảo tôi lưu ý với ông, có thể gọi về bất cứ lúc nào khi cần.
- Cảm ơn cô, tôi nhớ.