Chương 15
Bạch Hoài - Đức

Bạch Hoài mở mắt, cô trải qua trạng thái nửa mê nửa tỉnh, suốt hai hôm, giờ đã hoàn toàn nhận biết mình đang ở đâu. Đập vào mắt cô là Đức, áo choàng trắng bệnh viện, mũi miệng bịt kín khẩu trang, đang ngồi ở chân giường trên một cái ghế nhỏ.
Thấy cô mở mắt, Đức mừng rỡ đứng lên:
- Hoài! Em ngủ được giấc dài.
- Anh Đức! - Cô không biết tiếng mình nhỏ xíu, Đức phải ghé sát vào để nghe.
- Ba em...
Đức trấn an ngay:
- Bác không sao hết, anh đã lo đầy đủ, mấy dì ở hàng xóm qua trông chừng, bác yếu nên anh không đưa vào thăm em, vả lại đường khá xa.
Hoài gật đầu tỏ thái độ đồng ý với lời nói của Đức, khó nhọc lắm cô mới hỏi tiếp:
- Anh ở đây mãi ư?
- Hôm nay mới là ngày thứ ba, anh nghỉ phép thường niên để chăm sóc em, mọi người trong tổ ai cũng thương em, có điều họ còn gia đình phải lo. Hôm rồi mấy dì, anh chị trong tổ có vào thăm em.
Hoài muốn ứa nước mắt.
- Hoài làm phiền anh và mọi người, mẹ anh...
Đức cướp lời:
- Mẹ anh biết anh phải lo cho em, bà rất vui lòng.
Đức nói vậy bởi các bác sĩ đã dặn dò anh không được để Hoài lo nghĩ buồn phiền.
Hoài không nói nữa, cô rất mệt, nghe đau nhức ở ngực, ở vai lưng, cô bật tiếng ho. Đức lật đật đưa bồn hạt đậu vào sát để cô nhổ, lẫn trong nước miếng là đàm và máu. Hoài rã rời, cô nằm xuống không thốt nổi tiếng nào, cô lại lả đi, hơi thở phát ra tiếng khò khè. Đức hoảng hốt gọi bác sĩ, cô bác sĩ trẻ tuổi đi vào khám rồi nói:
- Không sao, chị mệt quá, cơ thể lại suy nhược, sẽ chuyền dịch Ascarbic Acid thêm.
Đức quá sức lo lắng:
- Cô ấy có sao không bác sĩ? Hãy ráng giúp cô ấy.
Cô bác sĩ ôn tồn:
- Bệnh này ai cũng vậy, diện có thể chữa lành, anh yên tâm, dù thân nhân có hay không, chúng tôi vẫn hết lòng giúp chị bình phục, có điều...
- Điều gì hở bác sĩ?
- Hãy giúp chị ấy thoải mái tâm hồn, nếu bi quan bịnh rất khó lành, còn hiện tại chị đã qua cơn nguy hiểm.
Cô bác sĩ trẻ gọi y tá, chỉ một lát sau, Hoài đã được tiêm thuốc, truyền sérum. Cô bác sĩ ra dấu gọi Đức ra ngoài, cả hai đi dọc hành lang vừa đi vừa nói chuyện.
- Anh không nên ngồi mãi trong phòng bệnh trừ khi nào chị cần được giúp đỡ, khẩu trang là phương tiện chống lây nhưng không tuyệt đối.
Cô bác sĩ đứng lại ở phòng làm việc, ngó anh khẽ cười:
- Lạ thật, tôi thấy anh dành trọn tình yêu cho vợ, anh rất chu đáo và hết lòng, nhưng tại sao chị lại có vẻ bạc nhược yếu ốm, tinh thần thì như mang một nỗi buồn sâu nặng nào?
Đức ngạc nhiên, định đính chính Hoài không phải vợ anh, nhưng chẳng hiểu sao anh chỉ ấp úng với cô bác sĩ trẻ mấy lời rồi chào từ giã, trở lại nơi Hoài nằm. Cô như ngủ, mắt nhắm nghiền, xanh khướt giữa drap, gối trắng, sérum chuyển vào tay chậm chạp, nhỏ từng giọt, hình ảnh ấy khiến Đức quặn thắt lòng. Có lẽ Nhân nói Hoài là vợ mình! Vả lại, ai nhìn vào lại không nói vậy. Ôi! Giá phải chi đúng như người ta đã hiểu lầm, Đức sung sướng biết bao nhiêu.
Qua đôi mắt khép hờ, Hoài thấy vẻ lo lắng lẫn buồn bã của Đức, cô muốn ứa nước mắt, tại sao trên đời có người con trai, mà cả thể xác và tâm hồn cao đẹp đến thế? Tại sao cô không quên đi chú bé thời thơ ấu để đáp lại tình yêu này? Chỉ cần nhận lời làm vợ Đức, cô có tất cả, không giàu sang, nhưng đầy đủ, êm đềm.
Chia xẻ vui, niềm vui là liều thuốc đẩy lùi mọi bệnh tật.
Tại sao?
Mười sáu năm, một sự đợi chờ phi lý, yêu qua thời thơ dại, để chôn đời mình trong đau khổ, thiếu thốn triền miên. Ai bắt ta? Có phải trái tim ghi khắc mãi chú bé ấy, đôi mắt có đuôi dài, nắm chặt bàn tay la hét lên câu nói như lời thề gắn bó. Đôi mắt có đuôi, mở to... Bóng dáng người đàn ông ấy hiện ra, đôi mắt anh ta cũng có đuôi, to như mắt Nam Hoa. Anh ta nhìn, ánh mắt khiến ta ấm lại cả lòng. Nam Hoa! Em chẳng hề quên anh để gật đầu lấy Đức, nhưng dường như nỗi nhớ dành cho anh đã sang xẻ làm đôi, một cho anh, một cho người con trai ấy.
Hoài không nhịn được tiếng ho khẽ... Rồi tiếng thở dài đến não lòng.
Đức biết Hoài đã tỉnh táo, anh cố lấy can đảm đặt tay mình lên tay cô. Cô gái không lấy bàn tay lại, bởi tay đang chuyền dịch.
- Hoài! Em đừng lo nghĩ gì, anh lo tất cả để em được lành lại.
Hoài không trốn nổi ánh mắt Đức, cô mở mắt ra, đôi mắt đen buồn đến làm chết cả lòng người.
- Tại sao? Tôi sắp chết rồi mà?
Đức lấy tay che miệng Hoài lại, lạ thật! Bờ môi héo khô nhợt nhạt ấy, khiến anh xao xuyến.
- Em đừng nói bậy! Em không chết đâu. Bác sĩ nói, ít lâu sẽ lành.
- Tôi ói ra rất nhiều máu, tôi biết. Vì dường như thân thể tôi cạn hết máu rồi. - Hoài đã thấy khỏe để nói rõ ràng, dù nhỏ.
Đức siết chặt tay Hoài, mắt nhìn thẳng cô.
- Hoài! Em phải tin anh, xưa nay anh không nói láo ai bao giờ. Em bị nhẹ thôi, tự tin, không lo nghĩ sẽ giúp bệnh mau lành, bác sĩ nói vậy..
- Đức! Cả hai điều đó tôi không còn có, cả những điều khác. Đức! Tôi không thể là gánh nặng cho anh.
Đức lắc đầu:
- Không! Em, thuốc men nhà nước cho hết, anh chỉ có việc chăm sóc em. Hoài! Em hẳn biết anh rất sung sướng để làm việc này.
Hoài nghẹn ngào, lời Đức bày tỏ sự yêu thương rất giản dị chân thành.
Cô căm ghét bản thân mình đã khiến Đức đau khổ. Cô ngoảnh mặt đi.
- Đức! Tôi muốn ngủ, anh ra ngoài đừng để lây bệnh của tôi.
Câu nói của cô nhỏ dần. Cô thấy mệt, Đức không buồn, với anh hôm nay đã đủ rồi, anh nắm được tay cô, mà cô không phản đối.