Chương 10
Dế Mèn

Hoài nhìn vào kết quả xét nghiệm không hiểu gì, cô nhân viên xét nghiệm nói với cô bằng giọng không cảm tình khi cô e dè hỏi mình bệnh gì.
- Chị qua lại bác sĩ khám bệnh đi, tìm vi trùng lao không có.
Đức chịu khó hơn lúc nào hết, nhưng viện bài lao trả lời, không thấy vi trùng lao thì không thể điều trị. Đức tức giận. Hoài mừng rỡ:
- Anh Đức! Vậy tôi đâu có bị ho lao phải không?
Đức cáu, lần đầu tiên với cô:
- Cô biết gì. Thằng bạn tôi nói, đợi tìm ra vi trùng lao là sắp chết rồi đó.
- Bộ bạn anh giỏi hơn bác sĩ đây sao?
- Nó cũng là bác sĩ, nó coi phim nói cô bị rồi.
Hoài không tin:
- Tôi thấy mình đâu có sao, chỉ cảm cúm thôi.
Vậy là mặc kệ Đức nói, Hoài bỏ về khoe với ba mình không có bệnh gì hết.
Cả ngày hôm đó, cô thấy mình khỏe hẳn, không sốt, cô làm đủ thứ việc, cười nói tíu tít cùng cha, ông Tài vui lắm. Đến tối cô đi làm, Đức đã được cô đe cấm nói chuyện cô bị nghi lao phổi, nên Đức chẳng dám hé răng. Đến nơi, khoác áo lao động vào, Hoài hỏi khi nhìn quanh không thấy Toàn.
- Dì Lành ơi! Toàn đâu?
- Nó xin phép nghỉ đi Nha Trang rồi, nghe nói đột xuất vì chuyện gì đó.
- Hèn gì nó không đến chơi với con.
Công việc hằng đêm chẳng có gì thay đổi. Hoài xúc rác đổ lên xe, tránh cái háy nguýt của Liên. Được nửa chừng, cô thấy chóng mặt, cố gắng làm vì sợ Đức nghi ngờ, Hoài chẳng biết mình đang làm một việc vô ích, chân cô muốn quỵ xuống, choáng váng, hoa mắt, ngực cô răm ran khó chịu, cổ họng ngứa ngáy muốn ho. Cô không gượng được, lảo đảo lại một gốc cây, cô muốn ngồi nghỉ, bỗng ho tràng dài đến xé cả lồng ngực, một dòng nước ấm, mặn trào lên cổ cô, tuôn ra ngoài. Máu! Máu! cô kinh hoàng, mọi người đi lại bên cô kinh hoàng. Cô vẫn ho, máu vẫn bắn ra, loang dưới nền đất. Đức chạy lại, tuôn vào, anh chết điếng, hét.
- Gọi xe, mau!
Hoài lả xuống, Đức bồng xốc cô lên tay chạy tuôn ra đường, một chiếc cúp trờ tới, mọi người chận lại. Đức ngồi nhanh vào xe.
- Cấp cứu!
Chiếc xe chạy hết tốc lực về Đa Khoa. Hoài đã mê man dù cô không ói ra máu nữa. Người ta lập tức chuyển cô về khu truyền nhiễm. Rồi lấy máu xét nghiệm đủ thứ.
Sang hôm sau, khi Thiếu Kỳ ra sân bay về Sài Gòn, khi Nam Hoa đến nhà bà Sang mẹ Toàn, thì Hoài, hai tay chuyền hai bình sérum, nằm trên cáng thương xe hồng thập tự có Đức, bà Lành, chở lao vút về viện bài lao Hội An. Ở đó Đức có một người quen là bạn học ngày trước.
oOo
Thủy Tiên đón anh ngay tiền sảnh khách sạn, chiếc áo dài màu vàng hoàng yến cô bận hôm nay khiến cô vừa dịu dàng, vừa lộng lẫy.
- Nam Hoa! Anh có tin nhắn, phải có quà Thủy Tiên mới đưa số điện thoại.
Nam Hoa hào hoa rất mực:
- Tôi mong có vinh hạnh đó, chỉ sợ cô Thủy Tiên không bằng lòng.
Thủy Tiên cười khoe răng khểnh duyên dáng.
- Vậy anh Nam Hoa phải giữ lời nhé.
Cô đưa số điện thoại, Nam Hoa nhấc máy quay số.
- Alô. Tôi, Bạch Nam Hoa.
- Tôi! Thành ở Danamexco đây. Anh Nam Hoa, tôi lấy tư cách cá nhân mời anh bữa cơm thân mật tại nhà, anh có vui lòng?
Nam Hoa vui vẻ:
- Rất hân hạnh được ông mời.
- Vậy hẹn anh 17g30 phút chiều nay, tôi đến đón tại Hotel.
- Khỏi cần ông Thành, ông nói địa chỉ tôi đích thân đến, nói trước, có cả cô thư ký của tôi.
Ông Thành đọc địa chỉ, Nam Hoa chào tạm biệt rồi đặt máy xuống, Thủy Tiên mắt lúng liếng:
- Sáng chủ nhật, Thủy Tiên thường đi biển một mình.
Nam Hoa cười ý nhị:
- Nghĩa là sáng mai, nhưng trời không nắng mấy, đã sang cuối mùa thu rồi.
- Thủy Tiên sợ đen lắm, nắng thu không làm hư da con gái như nắng hạ.
- Rất hân hạnh! Cô Thủy Tiên, tôi chờ cô lúc 8 giờ được không ạ?
Cô gái cắn môi cúi mặt, cô là nhân viên khách sạn, việc quan hệ với khách không được phép.
- Anh Nam Hoa đón Thủy Tiên tại nhà nhé. Địa chỉ đây!
Nam Hoa cầm xong, Thủy Tiên đã biến mất, anh mỉm cười, con gái là vậy đó, gần rồi xa, làm đủ cách để người ta chú ý đến mình, nhưng chẳng dễ dàng cho tất cả, nếu chưa có gì tròng vào cổ gã con trai kéo đi. Thủy Tiên thích anh, chuyện đó hẳn nhiên rồi, nhưng con gái Việt Nam, chuyện yêu nhau không phóng túng như con gái các nước anh từng đi qua.
Với Diễm Quỳnh, lại càng không giống. Nghĩ đến Diễm Quỳnh, Nam Hoa không nén được tiếng thở dài, ít nhất trong bảy ngày tới, anh một mình với cô, đó là điều anh kkhông thích chút nào. Điều không thích hơn nữa, bây giờ 10g30, một giờ sau đó, anh cùng cô ăn trưa ở một nơi nào, cô sẽ săn sóc anh như một người vợ hiền, bằng cả sắc đẹp lộng lẫy và vẻ quí phái ít cô gái nào có được. Người ta sẽ nhìn anh mà ao ước, còn anh cố gắng chịu đựng, bởi anh là Nam Hoa, ông giám đốc trẻ tuổi, hào hoa, được giáo dục ngay từ tấm bé phải coi phụ nữ như một đóa hoa, phải biết nâng niu quý trọng.
Thang máy đứng lại, Nam Hoa chạm mặt Diễm Quỳnh ngay phòng khách. Cô đang cắm lại bình hoa lay-ơn trắng muốt, vừa kịp ngẩng lên thấy anh, cô thẳng người lên dịu dàng nói:
- Ông đã về. Hẳn ông đi thăm những người quen cũ. Diễm Quỳnh cứ sợ phăi ăn trưa một mình.
Nam Hoa không thể lạnh lùng:
- Một giờ nữa nhé Diễm Quỳnh. Chúng ta đi ăn cơm ở cái nhà hàng mới mở đường Bạch Đằng.
- Vâng, thưa ông Bạch.
Nam Hoa đi thẳng về phòng, còn thoáng thấy nụ cười tươi như hoa của cô thư ký. Anh bực tức nằm dài ra giường nguyền rủa mình. Nam Hoa! Biết đó là cái rọ còn đâm đầu vào, rõ chán! Đã nói với cô ta phải lạnh lùng, dễ ghét kia mà, còn gọi Diễm Quỳnh xưng chúng ta, khiếp thật! Cô ta cứ như được cả trái tim mình qua nụ cười.
Anh lăn mình, úp mặt vào gối, gương mặt đẹp tuyệt của Diễm Quỳnh được thay thế bằng gương mặt bé tẹo có tóc đuôi gà lúc lắc của Dế Mèn. Hôm ấy, mùng một tết, Dế Mèn còn xanh khướt dù bác sĩ bảo đã hoàn toàn bình phục cho về nhà ăn tết. Dế Mèn đón anh Nam Hoa ở cổng, áo đầm xòe trắng tinh, tất trắng, giầy trắng, hai bím tóc cài hoa cúc trắng.
Anh Nam Hoa cứ đứng ngẩn tò te nhìn, bởi Dế Mèn của nó lạ quá, xinh quá! Đến độ nó sợ mình mơ, nó dụi mắt, gọi:
- Dế Mèn!
- Anh Nam Hoa!
Con bé, nhỏ thua anh Nam Hoa một tuổi, mà đứng thua anh Nam Hoa cả cái đầu, chạy ào tới đánh đu lên cổ anh Nam Hoa.
- Anh Nam Hoa! Đẹp không? Má anh may cho đó.
Thằng Nam Hoa chặt lưỡi, hít hà:
- Đẹp hết biết, anh ưng lắm, từ rày bận đồ này hoài nghe.
Toàn gia ông Bạch Chấn Hưng năm ấy đi thăm cha con ông Tài trước hết, và từ nhỏ đến lớn đều lì xì cho Dế Mèn những bao đỏ đầy nhóc tiền, đến Ngọc Lan, chị kế Nam Hoa, tính hách dịch, nũng nịu vì là con gái một, cũng cho Dế Mèn phong bì to. Ngọc Lan mười sáu tuổi, tính hời hợt, bốc đồng thấy Dế Mèn đeo cứng cổ Nam Hoa, vọt mịêng nói:
- Má à! Lớn lên cho hai đứa ưng nhau, khỏi tốn tiền cưới, má ngó coi! Cái thằng đầu lừa này chỉ chiù chuộng mỗi Dế Mèn. Còn con nhỏ mới từng ấy đã dám chịu chết thế cho nó.
Bà Ngọc Mai trừng mắt ngó đứa con gái của mình, thằng Nam Hoa đỏ mặt, tuổi 13 nó đã hiểu lờ mờ chuyện gái trai, chỉ có Dế Mèn vẫn vô tư, quàng tay qua cổ anh Nam Hoa khanh khách cười.
- Chị Ngọc Lan! Anh Nam Hoa nói ưng em nhất đời, phải không anh Nam Hoa?
Thằng Nam Hoa đỏ mặt, nhưng không ngần ngại gật đầu ngay. Bởi trong lòng nó duy nhất mình Dế Mèn là nó ƯNG, nó thích ở bên Dế Mèn suốt đời. Dế Mèn lại khanh khách cười, nắm tay anh Nam Hoa chạy đi, người lớn nhìn theo lắc đầu. Ông Tài ngần ngại nói:
- Cậu chủ rất chiù con nhỏ, nên nó cứ vậy hoài!
Ông Chấn Hưng xua tay:
- Con nhỏ mới hơn mười tuổi đã biết hy sinh cứu con tôi, đừng nói là chiù, mai này Bạch gia coi con bé như con trong nhà, anh đừng có ngại.
- Thưa ông chủ, còn thằng ăn cướp đó - Ông Tài hỏi vì nơm nớp lo, chuyện ông đá bể quai hàm bằng cú đá độc.
- Cái lầy xong dzồi, té ra xằng đó, ló liên, chốn khu tâm thần dza, băng bột xong dzồi, lưa nó dề khu tâm thần chở lại, không sao lâu. (Cái này xong rồi, té ra thằng đó nó điên, bên khu tâm thần ra, băng bột xong rồi, đưa nó về khu tâm thần trở lại. Không sao đâu).
Bà Ngọc mai để một phong bì to xuống khay trà:
- Chú Tài à! Cái lầy (này) lể (để) tẩm bổ cho con dỏ (nhỏ), tội nghiệp ló (nó) ốm dom (nhom).
Dế Mèn từ đâu chạy tuôn vào, đưa cho cha cả đống phong bì.
- Đây nữa nè ba, con không thích giữ, thích được anh cõng thôi.
Con bé lại cười khanh khách, nhưng ra ngoài đã nắm tay Nam Hoa nói:
- Anh Nam Hoa! Em đau chỗ này, để em về nằm - Con bé để tay vào chỗ bị thương.
Nam Hoa tái mặt muốn gọi mẹ, nhưng con bé bịt miệng cậu:
- Đừng! Bữa nay ngày tết, đừng làm má anh lo. Đi! Anh dắt em vào kho, em muốn nằm.
Hồi đó cả hai đều không biết, bệnh mới lành, hoạt động quá sẽ gây mệt. Thằng Nam Hoa run rẩy đưa Dế Mèn vào nằm trong cái giường ở kho...
Nam Hoa vùng dậy, nhắm mắt, lắc đầu mấy cái, xua đi hình ảnh vừa chợt đến trong anh, không phải gương mặt Dế Mèn mà là gương mặt cô gái tên Hoài, cô ngất xỉu trên tay anh, mặt trắng xanh không chút máu. Anh bồng cô chạy vào khách sạn, mùi nước hoa không có ở cô, nhưng mùi con gái tinh khiết cứ phảng phất trong hơi thở anh. Ta quên rồi sao? Cứ nhớ "người ta", Dế Mèn biết được chắc buồn ta lắm. Nam Hoa! Đừng quên lời hứa, nếu không gặp lại Dế Mèn, thề không yêu ai.
Có tiếng gõ cửa, Nam Hoa biết là Diễm Qùynh, anh nói, trước khi đi vào phòng tắm:
- Chờ mười lăm phút, cô Diễm Quỳnh.
Nam Hoa rất hài lòng vì giọng mình đã trở lại vẻ lạnh lùng cố hữu.
oOo
Nhà ông Nguyễn Thành, giám đốc Danamexco không phải lầu năm, tầng bẩy như Diễm Quỳnh đã tưởng tượng, nhưng có khoảng sân khá rộng để xe. Nhà hẹp, dài, chia nhiều phòng.
Vợ chồng ông Thành và Cương đón họ đưa lên tầng trên, gian phòng rất trang nhã, ấm cúng bởi màu sắc hài hòa giữa những sắc xanh trắng và màu gỗ quý của ghế bàn.
Họ nhanh chóng làm quen với nhau, bữa cơm kết thúc sau một giờ trong không khí thân mật. Diễm Quỳnh chinh phục được bà Hoa vợ ông Thành vì sắc đẹp cao sang, vì trình độ kiến thức, vì vẻ bặt thiệp, quý phái của người phụ nữ thượng lưu. Còn bà được Diễm Quỳnh thích, vì bà chân thật giản dị và vì đã hết lời ca ngợi cô.
Hai người phụ nữ về phòng riêng để đám đàn ông nói chuyện "làm ăn", đó là cách nói của Hoa.
Còn ở ba người đàn ông thì khác.
Thành hỏi Nam Hoa bằng cả nhiệt tình.
- Anh tìm người sao không nhờ chính quyền địa phương? Tôi có nghe trên đài, nếu anh cần, tôi sẽ giúp.
Nam Hoa rít một hơi thuốc, nỗi niềm thương nhớ lại trở về ray rứt trong anh.
- Tôi ngại sự làm phiền, vả lại nó thuộc vào chuyện tình cảm riêng tư.
Nếu không vì mấy lon bia chắc Nam Hoa chẳng nói vậy. Và câu nói làm ông Thành, ông Cương ngạc nhiên. Lê Cương điềm đạm nói:
- Anh muốn thanh toán với ông ta một ơn nghĩa cá nhân à? Nếu tôi không lầm, anh rời Việt Nam khi còn nhỏ?
Nam Hoa vụt đứng dậy, anh thấy trong lòng tràn ngập nỗi ưu tư, phiền muộn.
- Phải. Và mười sáu năm rồi, tôi chẳng thể quên, cô bé mười một tuổi đã nhận một lưỡi dao đâm lút ngực thay tôi. Đó là con nuôi của ông ấy.
Anh nín ngang câu nói:
- Có lẽ tôi phải về.
Cả Lê Cương và Thành đều đứng lên theo, câu nói của Nam Hoa khiến họ tò mò. Lê Cương là người sâu sắc, ông nói:
- Tôi muốn dạo phố giữa đêm, có lẽ ta đưa cô thư ký của anh về rồi mình đi chơi một vòng. Nam Hoa! Bây giờ chúng ta không phải là người của công việc, cứ coi như bạn bè nhé.
Đó là điều Nam Hoa muốn, anh nhận lời ngay. Mười lăm phút sau, Diễm Quỳnh đã về tới Hotel. Ba người đàn ông phóng xe dọc Trần Phủ, hướng về Cổ Viện Chàm. Ông Thành đề nghị uống cà phê ở nhà hàng Thanh Lịch, ngồi nhìn sông Hàn, Nam Hoa lắc đầu:
- Cho xe chạy chậm khắp thành phố hay hơn, tôi muốn được nhìn lại nơi mình sinh ra, lớn lên, nơi có cô bé tên gọi...
Nam Hoa nín ngang, gương mặt anh trở về mỗi ưu tư, vầng trán hằn nếp nhăn.
Chẳng hiểu sao Lê Cương thấy thương gã thương gã Tàu này, anh ta 16 năm vẫn không quên được cô bé cứu sống mình, có phải vì vậy, 29 tuổi, anh chưa một lần yêu và chưa lập gia đình?
Giữa anh và mình, đều có nỗi niềm đau, nhưng mình đã già. Anh ta còn trẻ, anh ta là người có một tấm lòng. Bây giờ mình chắc chắn điều đó, nếu giúp được anh ta, với mình là một niềm vui.
- Nam Hoa nè! Anh yên chí đi, chúng tôi sẽ nhờ người tìm dùm anh. Đừng buồn như vậy, anh còn hy vọng tìm kiếm được, chớ tôi chết dần mòn cả trái tim vì chẳng còn chi để kiếm tìm.
Ông Thành yên lặng lái xe, Nam Hoa nhìn sững Lê Cương.
- Ông cũng tìm kiếm à? Đây là đất nước của ông, chuyện ấy có chi là khó?
- Vậy mà tìm vẫn không được, anh biết tại sao không? Vì họ đã không còn.
- Tại sao?
- Để tôi kể anh nghe...
Ngày ấy Lê Cương mới cưới vợ. Anh, một anh giáo nghèo ở thôn quê, không cha mẹ, cưới cô gái đẹp nhất ở thôn xóm bên dòng sông Thu Bồn. Cưới vợ rồi, anh nhận quê vợ là quê mình, cất mái nhà tranh nhỏ làm tổ hạnh phúc. Anh dạy học, vợ anh lo chuyện ruộng đồng. Năm sau, hai vợ chồng mừng vui chờ đứa con ra đời, cũng năm ấy Lê Cương tham gia hoạt động.
Đứa con chào đời, không ở trong nhà hộ sinh như hai vợ chồng chuẩn bị,, nó khóc oa oa ngoài sông khi mẹ nó giặt đồ xong, xuống sông tắm.
Hai vợ chồng đặt tên con là Thu Thủy, nghĩa là nước sông Thu. Con bé lớn mau như thổi, dân làng đùa, gọi nó là bà Thủy, bởi nó biết đi là đã biết bơi rồi.
Năm Thu Thủy lên ba, Lê Cương hoạt động bị lộ phải nhảy núi. Ngày đi, vợ anh có mang. Anh đi rồi, người vợ bị bọn Hội đồng xã hành chế đủ điều, chị vẫn cắn răng chịu đựng.
Lê Cương không ngờ ngày ra đi cũng là ngày vĩnh biệt. Đứa con trong bụng mẹ chưa kịp chào đời, chết theo mẹ nó trong trận can, ngôi nhà cháy tan, Thu Thủy mất tích. Tin gởi lên núi báo cho Lê Cương biết, quanh nhà gần cây dông đồng, có nhiều mảnh thịt xương chắc pháo đập trúng con nhỏ rồi, họ lượm từng mảnh thịt bỏ vào hủ sành chôn cất và dựng lên bia mộ. Lê Cương từ ngày ấy như chết cả cõi lòng. Giải phóng anh về, khóc ròng bên hai ngôi mộ trên bờ sông Thu. Anh cố níu kéo hy vọng mong manh Thu Thủy còn sống, anh tìm kiếm nhưng vô vọng. Từ đó, Lê Cương để cả linh hồn chết theo vợ con và dù đường công danh anh ngày càng thênh thang rộng mở, anh đi nhiều nước, quen biết nhiều người, nhưng không nghĩ chuyện xây dựng lại một gia đình dù chẳng thiếu người xứng đáng muốn làm vợ anh.
Lúc Lê Cương vắn tắt kể xong chuyện mình, ông Thành đã dừng xe ở vườn hoa gần công viên Chàm. Cả ba bước ra ngồi trên ghế đá. Trời mùa thu se lạnh, đường phố vắng người. Lê Cương châm thuốc hút, trầm ngâm một lúc mới nói:
- Tôi chẳng thích kể chuyện mình cho ai nghe, bởi tôi nghĩ trong chiến tranh có hàng triệu gia đình chịu đau khổ gấp vạn lần tôi. Hôm nay nói anh nghe, bởi anh có gì làm tôi cảm động. Anh, một người Trung Hoa, lớn lên trên đất nước này, mười sáu năm giàu sang sung sướng, vẫn không quên câu chuyện thời thơ ấu, có con bé chết thay mình. Nam Hoa! Chúng tôi hứa sẽ giúp anh. Cô bé ấy năm nay bao nhiêu tuổi, tên gì?
Một cảm giác chua xót lại ngập tràn trong lòng Nam Hoa, mắt anh cay xè.
- Năm nay cô ấy hai mươi tám tuổi rồi, có tên... Tôi không biết cô ấy tên gì, thuở xưa cô ấy được gọi là Dế Mèn.
Thành tặc lưỡi:
- Chiến tranh gây nên nhiều hậu quả thật kỳ quặc. Con người mà không có họ tên. Có phải cô ta làm con nuôi ông Tài vì nó mồ côi không?
- Đúng vậy!
Lê Cương thẫn thờ:
- Hai mươi tám tuổi, nó bằng con Thu Thủy nhà tôi.
Nỗi đau xưa trở về khiến mặt Lê Cương u ám, ông nhìn mãi về khu di tích Chàm im vắng thả hồn xa rời thực tại. Ông Thành lo ngại, choàng tay qua vai ông nói:
- Ở đây trời lạnh, ta tìm chỗ nào uống tách cà phê anh Cương, Nam Hoa! Đi nhé!
Nam Hoa gật đầu, cả ba trở ra xe, ông Thành lái đến thẳng nhà hàng Quê Hương. Đó là nhà hàng nổi nấu đặc sản Á Âu trên sông Hàn, ban đêm là một dancing thanh lịch. Ông Thành tự gọi ba ly cà phê sữa, cả ba nhìn những giọt cà phê đen nhánh nhỏ xuống cùng yên lặng, tận phía trong, giàn nhạc chơi một bản nhạc êm đềm, nhiều người dìu nhau ra sàn nhảy, bất giác Nam Hoa nhớ lại cô gái tên Hoài, cô ta nghèo, điều ấy chắc chắn, cô ta không tiền chữa bệnh, trong lúc đó cũng những con người như cô ta, lại vung tiền ở các nhà hàng, các dancing vì tiền quá dư thừa, trời bất công đến vậy. Gương mặt xanh xao của cô gái hiện ra trong mắt anh, gợi anh nỗi nhớ mông lung, mơ hồ, dường như họ đã biết nhau từ lâu lắm. Không nén được, Nam Hoa thốt nhiên thở dài.
Ông Thành ngó anh:
- Anh nhớ Dế Mèn à? Yên chí! Chúng tôi sẽ tìm cho anh.
Nam Hoa buột miệng:
- Không. Một cô gái tên Hoài.
Lê Cương nhấc ly cà phê đặt ra bàn, ngó anh cười nhẹ:
- Té ra ở Việt Nam, anh có đến hai người để nhớ.
Nam Hoa để mặc ông Thành pha nước sôi vào cà phê cho mình, anh nhìn ra sàn nhảy, giọng đều đặn nói:
- Tôi nhớ mỗi Dế Mèn của tôi, còn cô gái ấy khiến tôi thương xót nhiều.
- Cô ta làm sao?
Nam Hoa ngắn gọn kể chuyện Hoài, tay cầm muỗng quậy đều tách cà phê nói tiếp:
- Tôi đến nhờ dì Sang người quen biết cũ định hỏi Toàn, con dì có đúng cô Hoài ấy không, nhưng Toàn đã đi Nha Trang rồi, tôi muốn giúp cô ấy, nay đành chịu chẳng biết có dịp gặp lại không?
Nam Hoa thốt lên tiếng than và nỗi uất ức trong lòng.
- Đời sao lắm bất công, cũng con người như nhau, tôi, anh, nhưng cô gái ngoài kia (Nam Hoa chỉ tay ra sàn nhảy) sống quá đầy đủ vật chất, còn cô gái đó vì nghèo nên mang bệnh, làm sao có tiền chữa bệnh, cô ta sẽ chết mòn mỏi mất thôi.
Lê Cương, ông Thành nhìn nhau. Người thanh niên Trung Hoa này, càng lúc càng tạo cho cả hai cái nhìn nhiều thiện cảm, anh ta quả có một tấm lòng.
Ông Thành bưng tách cà phê:
- Nam Hoa! Uống đi rồi về nghỉ, tôi chẳng những tìm Dế Mèn cho anh, có thể tìm luôn cả cô Hoài nào đó, thật ra bây giờ chẳng thiếu kẻ khốn khổ đâu, nếu cô Hoài đó gặp chúng ta, coi như cô ta có nhiều may mắn.
Tiếng chúng ta của ông Thành, khiến Nam Hoa ngạc nhiên.
Lê Cương nhẹ cười, ông biết người em kết nghĩa tính vẫn nhân từ.