29. Bức điện hiếm thấy Tận mắt nhìn thấy đóng góp nặng nề của nông dân, đi hết thôn xóm này đến thôn xóm khác mà chưa thấy thôn nào đột phá khỏi cảnh nghèo nàn, lương tri chúng tôi thường bị dày vò. Một người bạn kể cho nghe một câu chuyện mà sau đó nó đã bám sâu vào lòng chúng tôi; khiến nội tâm vô cùng bất an. Người bạn này nói, có một lần anh tháp tùng một quan chức ở địa khu xuống huyện kiểm tra công tác, vì hai người là đồng học, nên đã cùng ở một phòng trong cùng một khách sạn. Sáng sớm ngày hôm đó, người phục vụ đưa đến một bức điện, bức điện này làm hai người giật mình hoảng sợ, nó dài như một chiếc khăn Hata [1], tới khoảng 1m. Xem tỉ mỉ mới biết đó là bức điện do một nông dân tại một xã nghèo hoang vắng gửi đến muốn xin gặp vị quan chức địa khu này. Người nông dân này mang theo hy vọng của toàn thôn, mang hết nỗi đau khổ chứa đầy bụng, muốn tìm “quan phụ mẫu” để nói ra, nhưng bảo vệ nhà khách không cho ông vào, sau khi tìm mọi cách để vào được khách, ông thư ký đã chặn lại, trong lúc cấp bách, người nông dân già này đã dùng mấy trăm NDT tiền bán lợn, đến trạm bưu điện ngay gần đó, mang những câu chữ trong thư phản ảnh, yêu cầu biến thành lời bức điện, và nhờ thế “mới đến được” nhà khách. Quan chức địa khu cầm bức điện nói rõ sự thực của vị lão nông, rồi rơi nước mắt, run tiếng nói: “Tôi cách bọn họ quá xa, quá xa…” Người bạn tràn đầy cảm khái nói: “Không biết Guiness có vui lòng tiếp nhận kỷ lục này không, nhưng tôi dám khẳng định, đây là một bức điện dài nhất, dài nhất mà lại được gửi từ khoảng cách gần nhất, gần nhất trên thế giới”. Một người nông dân bình thường, chỉ muốn gặp một lãnh đạo địa khu trình bày sự thực mà còn khó khăn như vậy, giả sử muốn gặp lãnh đạo tỉnh, thậm chí lãnh đạo cao hơn nữa, thì không biết sẽ như thế nào? Chúng tôi đã nhìn thấy, đã nghe thấy, người ở cơ quan lãnh đạo cấp trên đi xuống dưới, đã được cán bộ cấp dưới từng nấc, từng nấc tiền hô hậu ủng, rồi định trước địa điểm “thị sát” cho tốt, bố trí trước nhân viên đi tìm hiểu phỏng vấn, liệu như vậy có thể hiểu được bao nhiêu tình hình chân thực? Có thể chân thực hiểu được tình hình hay không là điều rất quan trọng. Bởi vì điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến quyết tâm của lãnh đạo, ảnh hưởng tới chính sách được đưa ra, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự thành bại của công tác đó. Chúng tôi đã nghĩ đến Mao Trạch Đông. Trong những năm tháng chiến tranh Mao Trạch Đông đã trù hoạch nơi màn trướng, quyết chiến ở nơi xa ngàn dặm, trong bụng có trăm vạn hùng binh, vô địch; nhưng sau giải phóng vì sao lại đưa ra lời kêu gọi “đến năm 1980 thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp?” Bây giờ quay đầu nhìn lại, thấy lời kêu gọi này thật đáng cười. Tìm hiểu nguyên nhân, bỏ đi không tính kinh nghiệm xây dựng kinh tế chưa đủ ra, hơn một nửa quyết tâm này là do đã đánh giá sai lầm tình trạng sản xuất chân thực của nông nghiệp Trung Quốc, thậm chí bao gồm cả công nghiệp Trung Quốc lúc đó, nó trái với thực tế xã hội, cái để lại chỉ là một việc đáng tiếc của một vĩ nhân. Chúng tôi cũng chú ý đến việc, vào cuối thế kỷ trước, chính phủ Trung Quốc đã từng đưa ra hai lời hứa: một là “phải làm cho nước sông Hoài đến năm 2000 trở nên trong”; một là “không thể nghèo nàn cho thế kỷ sau”. Để làm cho nước sông Hoài trở nên trong theo đúng thời hạn, với tinh thần Đại Ngu trị thủy, dũng khí của tráng sĩ chặt tay, trước sáng sớm ngày 1 tháng 7 năm 1996, chính phủ Trung Quốc đã cương quyết cho đóng cửa hơn một ngàn xưởng sản xuất giấy nhỏ ở ven sông Hoài, và vào ngày cuối cùng của thời hạn đã dấy lên “hành động không giờ” thay thế rất to lớn. Để tiêu diệt nghèo nàn, giải quyết cơ bản vấn đề no ấm cho 80 triệu nhân khẩu nghèo ở nông thôn, trong thời gian 7 năm, từ năm 1994 đến năm 2000, chính phủ Trung Quốc đã tập trung nhân lực, vật lực, tài lực, động viên lực lượng các giới trong xã hội, lại còn vì việc này chế định “kế hoạch công kiên giúp nghèo của nhà nước”, đồng thời tuyên bố với toàn thế giới: “đến năm 2000, mục tiêu xóa bỏ nghèo nàn, nhất định được thực hiện”. Thế nhưng kỳ tích và thành công, che giấu không nổi sự thực vẫn ngang nhiên tồn tại, đó là, nước sông Hoài không vì sự kết thúc của thế kỷ cũ mà về căn bản thay đổi bộ mặt, hiện trạng sông Hoài vẫn khiến chúng ta phải lo nghĩ; cũng như vậy, chúng ta chưa chặn đứng được sự nghèo nàn ở ngoài cửa thế kỷ mới, hiện nay nó vẫn còn bao vây và quẫy nhiễu anh em nông dân ở một số vùng. Quyết tâm đã hứa của chúng ta, rõ ràng là thiếu sự tính toán chuẩn xác, đáng tin cậy trước tính nghiêm khắc và tính phức tạp của tình trạng chân thực. Và điều này tự nhiên khiến chúng tôi nghĩ đến một lần nghiệm thu “đạt tiêu chuẩn” chế độ nghĩa vụ chín năm do ủy ban giáo dục tiến hành ở trấn Phùng Miếu huyện Linh Bích. Trước khi các quan viên lớn nghiệm thu còn chưa tới Phùng Miếu, ủy ban trấn đã ra lệnh gấp, các thôn phải đột kích đưa các thanh thiếu niên thất học ở nhà nhiều năm, ra sức “động viên” trở lại trường, đồng thời do các học sinh đang theo học thay họ làm các bài tập, ghi chép vở học, và còn cử người đến thành phố Từ Châu tỉnh Giang Tô xa xôi, mua về rượu ngon, thuốc lá ngon. Nghe nói các quan viên lớn nghiệm thu rất hài lòng về kết quả nghiệm thu, thế nhưng khi chân trước của đội ngũ nghiệm thu rời khỏi trấn, thì chân sau của đám thanh niên thất học đáng thương này đã bị “đuổi ra” khỏi trường. Nếu như chúng ta đều có sự phán đoán vừa lòng về tình trạng giáo dục nông thôn dựa vào kết quả của Phùng Miếu, đồng thời căn cứ vào đó để chế định kế hoạch phát triển, thì đó chính là sai một ly, đi ngàn dặm đó? 30. Vị lãnh đạo đáng kính Đối với những hiện tượng làm láo báo cáo thật của bên dưới, rõ ràng là Ôn Gia Bảo có nhận thức vô cùng tỉnh táo. Có thể nói, Ôn Gia Bảo là người lãnh đạo Trung ương mấy năm gần đây về nông thôn An Huy làm công tác điều tra nghiên cứu nhiều nhất, đồng thời cũng là người làm cho cán bộ địa phương bồi đồng ông, đau đầu nhất. Để nắm được tình hình chân thực của nông thôn và nông dân, ông không ngừng đột phá sự “phong tỏa” và không hề giữ thể diện cho các quan chức địa phương. Trước vụ thu hoạch lúa mì tháng 5 năm 1996, đồng chí Ôn Gia Bảo khi ấy còn là ủy viên dự khuyết Bộ chính trị, Bí thư ban Bí thư Trung ương đảng, đã đến kiểm tra công tác xóa nghèo ở tỉnh An Huy. Vừa đến đã giao hẹn: không đưa đón, không tiệc tùng, xuống với dân không tiền hô hậu ủng. Cùng với lãnh đạo tỉnh An Huy, đoàn chỉ ngồi hai chiếc xe chở khách loại nhỏ đi thẳng đến khu căn cứ cách mạng cũ Đại Biệt Sơn. Giữa đường, Ôn Gia Bảo đột ngột bảo lái xe: “Mình muốn xuống một tý”. Lái xe dừng xe lại. Những người ngồi trên ô tô đều nghĩ là Ôn Gia Bảo thực sự cần “giải quyết”, nhưng không ngờ, vừa xuống xe đồng chí đã rảo bước đi thẳng về hướng một thôn trang. Những người lãnh đạo tỉnh An Huy ngồi trên một chiếc xe khác, lúc đó mới giật mình: thôn đó không phải là nơi nằm trong kế hoạch đến thăm, hơn nữa xem ra còn là một thôn rất nghèo. Tất cả vội vàng xuống xe, bước vội theo. Thấy những nông dân gánh vỏ cây đi tới, Ôn Gia Bảo hỏi: “Các bạn làm gì vậy?” Một người phụ nữ thấy người hỏi có nét mặt hiền từ, giọng nói dịu dàng, mặc dù trông dáng vẻ đã biết là cán bộ, nhưng không ngờ đó lại là cán bộ Trung ương, nên đã trả lời tùy tiện: “Đang lúc giáp hạt, trên núi không có cái gì bán được, hợp tác xã đang thu mua vỏ cây, nghe nói là để làm giấy, nên đi bóc vỏ cây về bán lấy tiền mua lương thực”. Ôn Gia Bảo quay sang hỏi một thanh niên, khi biết đó là giáo viên dân lập, đã hỏi kỹ tình hình thu nhập của anh ta. Người này buồn bã nói: “một tháng xã trợ cấp cho 50 NDT (khoảng gần 100 VND), chỉ riêng mua lương thực cũng không đủ, đã thế còn nợ, vì vậy lúc bình thường ngay tiền mua lương thực cũng không có”… Sau khi đến huyện, bí thư huyện ủy không biết Ôn Gia Bảo đã phá “qui định” giữa đường xuống xe điều tra, nên cứ nghiễm nhiên báo cáo như thường lệ, không ngừng đưa ra những con số tốt đẹp chứng tỏ huyện đã bỏ được “cái mũ nghèo”, đang đội “cái mũ khá giả”. Ôn Gia Bảo đã ngắt lời, hỏi: “Huyện đồng chí có thành tích tốt như vậy, liệu có trả lương đúng thời hạn không?” Bí thư huyện ủy trả lời dứt khoát: “Chúng tôi không nợ cán bộ nhân viên huyện một xu” Ôn Gia Bảo nhắc đến tên cái thôn mà giữa đường đã tới. Bí thư huyện ủy giật mình, nhưng lập tức nói: “Đó là thôn nghèo của huyện chúng tôi”. Ôn Gia Bảo cười hóm hỉnh: “Tôi đã thấy cái thôn nghèo nhất của đồng chí rồi”. Bí thư huyện ủy lúc ấy mới giật mình, vội liếc nhìn mấy vị lãnh đạo tỉnh cùng đi với đoàn, khi thấy họ đều nhìn mình bằng bộ mặt không biểu thị gì cả, ông ta vã mồ hôi hột. Ôn Gia Bảo nghiêm túc nói: “Không phải là tôi không tin con số của các đồng chí nhưng tôi coi trọng việc đời sống của nông dân có được nâng cao hay không hơn. Tôi mong các đồng chí đến nhà quần chúng nông dân, thực sự xóa được nghèo không phải là việc dễ, huống hồ còn có một số nơi thoát nghèo rồi lại nghèo trở lại”. Cũng trong lần khảo sát này, Ôn Gia Bảo muốn tìm hiểu đời sống của nông dân ở vùng bị hồ chứa nước làm chìm thuộc một huyện khác. Huyện ủy bố trí một thôn tương đối khá, nhưng vừa nhìn, đồng chí đã phát hiện ra vấn đề, hỏi ngay: đây có phải là vùng bị nhấn chìm không? Bí thư huyện ủy biết là không giấu nổi, đành phải báo cáo: “Không phải là vùng bị ngập mà chỉ là vùng giáp ranh thôi”. “Tôi muốn xem vùng bị ngập, muốn xem thôn nghèo nhất”. Bí thư huyện ủy không có sự chuẩn bị về tư tưởng, bởi vì thông thường, cán bộ Trung ương hoặc tỉnh xuống kiểm tra công tác không có ai đề xuất yêu cầu như vậy. Sắp xếp để cán bộ lãnh đạo đi xem các “công trình hình tượng”, thị sát các “điểm sáng”, từ lâu đã trở thành một “qui định” không đổi đã được thể thức hóa. Thế là bí thư huyện ủy trả lời tắc trách: “Nơi đó đường không thông”. “Anh nói đường không thông có phải là ô tô không tới được không?” “Vâng ạ!” “Phải đi bộ bao xa?” Bí thư huyện ủy nghĩ một lát rồi nói: “Mười cây số”. Nghe xong, Ôn Gia Bảo cười to: “Không xa, chúng ta đi bộ thôi”. Nói rồi vén gấu quần lên, khi đó bí thư tỉnh ủy An Huy cùng đi thấy Ôn Gia Bảo đã định quyết tâm, liền nói: “Xin lên ô tô, đến chỗ nào ô tô không đi được nữa thì xuống đi bộ”. Bí thư huyện ủy nói “đường không thông” chẳng qua chỉ là muốn Ôn Gia Bảo không thấy được cái nơi nghèo hết mức ấy, chứ thực ra nơi đó ô tô đi tới được… Đúng là một làng rất nghèo, nhà cửa không ra nhà cửa, tối tăm ẩm ướt, trong nhà tối mù, ngay ban ngày vào nhà mà mãi vẫn không nhìn thấy đồ đạc gì cả. Thực ra nhìn thấy hay không nhìn thấy đều không quan trọng, bởi vì có đến nửa gia đình trong thôn đều trơ bốn vách, chẳng thấy có cái gì đáng đồng tiền cả. Tâm tình Ôn Gia Bảo sau khi thăm mấy nông hộ rất nặng nề… Lại một lần nữa, Ôn Gia Bảo đến kiểm tra công tác điều chỉnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh An Huy. Huyện ủy nơi đó, bố trí đến thăm một thôn mới xây dựng, hai bên đường là những ngôi nhà rất đẹp, con đường chạy thẳng giữa rất rộng, xem ra không chỉ giàu có mà còn khí thế nữa. Nhưng sau khi xuống xe, Ôn Gia Bảo đã từ chối không vào thăm. Có người khuyên: đã tới thì vào xem thử. Ôn Gia Bảo cương quyết: “Muốn tôi xem cái gì? chẳng lẽ là xem mấy người có tiền, xây mấy ngôi nhà mới à?” Khi thấy có hai người trông ra vẻ nông dân đi tới, Ôn Gia Bảo bước lên hỏi: “Các anh hoàn toàn tự nguyện dọn đến đây chứ?” Cả hai cao giọng trả lời: “Hoàn toàn tự nguyện”. Ôn Gia Bảo nhìn vào thôn, không thấy người dân nào, liền quan sát lại hai vị “nông dân” ấy. Rõ ràng là từ khẩu khí của đối phương, đồng chí đã ngờ ra điều gì, và chỉ vào một người hỏi: “Anh làm công tác gì trong thôn?” “Bí thư chi bộ!” Ôn Gia Bảo cười hóm hỉnh: “Vậy thì tôi hỏi anh, vì sao phải làm con đường rộng như vậy, chiếm mất bao nhiêu đất trồng trọt”. Bí thư chi bộ không biết nói sao. Trở về thành phố, thành ủy xắp xếp đoàn ở “Đại tửu điếm quốc tế”, vừa nghe thấy tên, Ôn Gia Bảo đã cương quyết không ở, yêu cầu đến nhà khách của thành ủy. Tối hôm đó, Ôn Gia Bảo không chịu nghỉ ngay mà yêu cầu hai bí thư huyện ủy khác đến làm việc. Khi báo cáo, một bí thư huyện ủy lấy ra bản viết được chuẩn bị từ trước, nhưng vừa đọc được đoạn mở đầu, đã bị Ôn Gia Bảo ra hiệu dừng lại: “Các anh đừng đọc theo bản viết có tốt hơn không?” Thế nhưng rời bản viết sẵn, vị bí thư huyện ủy đó không biết nói thế nào, cứ ấp a ấp úng không thôi. Ôn Gia Bảo thất vọng, lắc đầu nói: “Chiều hôm nay, tôi rất giận, đưa tôi đến một thôn không thấy quần chúng, không biết các anh muốn để tôi thấy cái gì?” Buổi tối hôm đó, Ôn Gia Bảo đã nói rất nhiều, nói rất chân thành cởi mở: “… So sánh trước sau, tôi thấy có phát triển rất lớn, đời sống nông dân cũng được cải thiện rất nhiều, thế nhưng so với yêu cầu khá giả, so với yêu cầu văn minh vật chất và văn minh tinh thần vẫn còn không ít khoảng cách, trong một vùng vẫn còn sự không cân bằng rất lớn. Có những thôn rất tốt, cũng có khá nhiều thôn bình thường và còn có nhiều thôn nghèo. Ngay trong một thôn mà nói, có hộ giàu, có số đông hộ bình thường và cũng còn tương đối hộ nghèo. Tôi cảm thấy nông dân chúng ta vô cùng biết thế nào là đủ, chỉ mấy bát cơm, chưa có thức ăn gì đáng kể, ở thì như vậy, nhưng với Đảng với chính phủ không hề có một lời oán thán. Tôi cảm thấy nông dân của chúng ta vô cùng giác ngộ, họ càng như thế, cán bộ chúng ta càng phải thấy trách nhiệm nặng nề của mình hơn. Làm thế nào giúp đỡ nông dân giàu lên nhanh là trách nhiệm chúng ta không thể thoái thác”. Ôn Gia Bảo lớn lên từ một ngõ hẻm bình thường tại khu thành cũ Thiên Tân, đã trải qua cuộc sống một nhà năm người ở trong một gian phòng chưa được 20 m2, vì vậy “tình cảm bình dân” đã bén gốc sâu trong lòng ông. Ông vô cùng ưa thích đi sâu vào cơ sở, trong hơn 2.000 huyện trong cả nước, ông đã đi tới hơn 1.800 huyện, có lẽ là người đi nhiều nhất trong những người lãnh đạo Trung ương. Tối hôm đó, ông xúc động nói: “Chính sách của Đảng chúng ta là mưu lợi ích cho tuyệt đại đa số người, tôi hy vọng còn được đi thăm tuyệt đại đa số quần chúng. Nếu như nông thôn đều tốt cả rồi, thì còn cần gì đến những người như chúng ta nữa?” Ở vùng bên núi ngoại thành Bắc Kinh, tôi thấy rất nhiều gia đình nông dân còn dùng loại ti-vi đen trắng 9 inch, chẳng lẽ các anh ở đây tốt hơn ngoại thành Bắc Kinh rồi à? Người cộng sản nhất định quan tâm đến “lợi ích của đại đa số người, không thể chỉ quan tâm đến lợi ích của số ít người”. Ông đặc biệt nhấn mạnh: “Tôi xin nhắc lại một lần nữa, tôi đến để điều tra nghiên cứu chứ không phải để tham quan, đề nghị các đồng chí đừng để tôi chỉ được xem ‘những điểm sáng’…”. Vương Hoài Trung, bí thư địa ủy Phụ Dương ngồi ở hội trường là người vô cùng thông minh, ông rời khỏi hội trường, vội bảo người thông báo cho huyện Dĩnh Thượng, thủ tiêu kế hoạch đã định là ngày hôm sau sẽ tới huyện này để tham quan mấy nơi, đồng thời yêu cầu, ngay trong đêm phải đưa các đầu bếp và các dụng cụ ăn cao cấp vừa mượn trả về nhà khách Phụ Dương! 31. Lừa ngài mà không thương lượng đấy Ở huyện Nam Lăng, tỉnh An Huy chúng tôi đã phỏng vấn nơi Chu Dung Cơ bị lừa. Lúc đó, Chu Dung Cơ vừa nhậm chức thủ tướng Quốc Vụ viện, mục đích đến An Huy khảo sát của ông rất rõ ràng, đó là muốn xem xét tình hình chấp hành chính sách thu mua lương thực mà trước đây ông đã chế định tại nông thôn An Huy rộng lớn. Ông không chỉ nói một lần: “trên vấn đề nông nghiệp, khi Trung ương cần đưa ra quyết sách trọng đại đối với nông nghiệp, tôi thường đến An Huy điều tra nghiên cứu”. Hạ tuần tháng 5 năm 1998, dưới sự bồi đồng của Vương Xuân Chính, phó chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch phát triển nhà nước, Mã Khải phó bí thư trưởng Quốc Vụ viện, phó chủ nhiệm Ban nghiên cứu Quốc Vụ viện, Chu Dung Cơ đến An Huy. Đây là lần thứ năm Chu Dung Cơ tới An Huy. Ông phấn khởi xòe các ngón tay của bàn tay phải ra, đếm và nói về tình hình năm lần đến An Huy: lần thứ nhất là năm 1987, lúc ông còn công tác ở Ủy ban kinh tế nhà nước, đến Vu Hồ dự một hội nghị lợi dụng tổng hợp tài nguyên tái sinh; lần thứ hai là năm 1991, đến thăm tình hình thiên tai sau khi An Huy bị lụt đặc biệt lớn; lần thứ ba là trung tuần tháng 12 năm 1992, khi lương thực tăng giá đến An Huy; lần thứ tư là cuối tháng 6 năm 1997, lương thực xuống giá, lại đến Hà Nam và An Huy; lần này là lần thứ năm. Một lần nữa ông biểu thị: “Tôi có duyên với An Huy”. Thế nhưng An Huy đã lừa Chu thủ tướng mà không thương lượng. Các đồng chí An Huy đương nhiên biết huyện Nam Lăng là quê cha đất tổ của Chu Dung Cơ, vì thế lần khảo sát này được sắp xếp ở huyện Nam Lăng, miền Nam An Huy. Nam Lăng là một huyện có sản lượng lương thực lớn thuộc thành phố Vu Hồ ven sông. Tục ngữ có câu: “Vu Hồ thành phố gạo, Nam Lăng kho lương”, Vu Hồ là một trong “bốn thành phố lớn về gạo” nổi tiếng của Trung Quốc, sự nổi tiếng của “Vu Hồ thành phố gạo” là nhờ sự chống đỡ của “Nam Lăng kho lương”. Trên thực tế, Nam Lăng không chỉ sản xuất lương thực mà còn sản xuất nhiều dầu ăn, bông, chè, dâu, từ xưa đã nổi tiếng là “quê hương gạo cá” giầu nhất thiên hạ. Nam Lăng là huyện sản xuất lương thực lớn quyết không phải là vì theo đuổi hư danh, nhưng khi biết được thủ thướng Chu Dung Cơ đến Nam Lăng để kiểm tra, quán triệt tình hình chính sách thu mua lương thực của nhà nước, lãnh đạo huyện Nam Lăng và thành phố Vu Hồ vẫn luống cuống chân tay. Bởi vì kho lương của Nam Lăng đúng là không có lương thực. Kho lương quốc hữu mà không có lương thực, nói là kỳ quái, nhưng thực ra lại không kỳ quái. Nhà nước chế định chính sách thu mua lương thực, địa phương thực ra khó chấp hành. Trung ương định giá luôn việc thu mua, xuất hiện thua lỗ, thì lại do tài chính địa phương trợ cấp. Mấy năm nay, lương thực càng ngày càng không được giá, lương của viên chức, cán bộ huyện có sản lượng lương thực lớn mà không có tiền phát thì còn lấy đâu ra tiền để trợ cấp cho lương thực? Không có trợ cấp, các trạm lương thực chịu trách nhiệm thu mua lương thực, chỉ còn cách thay đổi thủ đoạn, ép cấp ép giá, trừ cân, bớt lạng, hạn chế thu mua hoặc dứt khoát từ chối. Vì thế nhiều trạm lương thực thà chịu để kho trống không. Bây giờ Chu Dung Cơ đến thăm, bất kể là huyện Nam Lăng hay là thành phố Vu Hồ, đều không muốn ông nhìn thấy nơi này không chấp hành chính sách lương thực thực của nhà nước, mà chỉ muốn thủ tướng nhìn thấy quê cha đất tổ của ông có cục diện rất tốt: quản lý thông suốt, dân chúng yên vui, kinh tế phồn vinh. Muốn thế chỉ có làm giả. Lúc đó trạm lương thực Nga Lãnh, huyện Nga My đã là một xí nghiệp quốc hữu bị thua lỗ nghiêm trọng, ngoài kho số 6 có chứa một phần lương thực ra, các kho còn lại đều không có lương thực. Trạm lương thực Nga Lãnh làm giả bắt đầu từ ngày 18 tháng 5, có thể nói là huy động rất nhiều quần chúng, thanh thế hừng hực, đột kích điều động và vận chuyển 1.031 tấn lương thực từ ba huyện khác đến. Nếu kể cả lái xe, trước sau đã có hơn 200 người tham dự việc vận chuyển và đưa lương thực vào kho. Trong 4 ngày từ ngày 18 đến ngày 21, hầu như cán bộ nhân viên trạm lương thực Nga Lãnh không được ngủ đẫy giấc. Lưu Hồng trạm trưởng trạm lương thực, tối thứ nhất bận đến 2 giờ sáng, tối thứ hai đến 4 giờ, tiếp đó là hai đêm làm suốt. Trong bốn ngày đêm khó quên đó của người Nga Lãnh, mọi quán ăn và quán trà trong trấn nhỏ đều chứa đầy công nhân vận tải luân phiên nhau đến ăn cơm hoặc uống nước; ô tô của trạm lương và nơi khác nối nhau chạy không dứt, khiến cư dân quanh đó suốt đêm không yên. Được phân công quản lý công tác lương thực lúc đó là phó huyện trưởng Hồ Tích Bình, suy tính tới việc đó là một nữ đồng chí, khó làm được việc này, nên huyện ủy đã cử Thang Xuân Hòa phó huyện trưởng trẻ hơn đang quản lý công tác giáo dục đến phụ trách tuyến một vận chuyển lương thực. Trạm trưởng Lưu Hồng khi tiếp nhận phỏng vấn của chúng tôi nói, phó huyện trưởng Thang Xuân Hòa là người béo lùn, trước sau ngồi chỉ huy ở hiện trường. Trước khi Chu Dung Cơ đến một ngày, phó bí thư thành ủy thành phố Vu Hồ, Nghê Phát Khoa còn dẫn một đám đông cán bộ huyện, thành phố, tỉnh đến nghiệm thu. Vì Nghê Phát Khoa đã từng làm bí thư huyện ủy Nam Lăng, nên phần lớn dân chúng huyện Nam Lăng nhận ra ông, thế nhưng người trù hoạch cao nhất cuộc làm giả này là ai, chẳng ai nói rõ được. Vào ngày thủ tướng thị sát, mọi cán bộ nhân viên của trạm lương thực được thông tri là không được vào trạm làm việc. Trạm trưởng Lưu Hồng bị tạm thời giáng chức xuống làm nhân viên quản lý kho, trạm trưởng trạm lương thực Nga Lãnh do Du Thủy Hoa, trạm trưởng trạm trung tâm Tam Lý thay thế. Du Thủy Hoa người nhận trách nhiệm lớn này, từ mấy hôm nay đã bận rộn hơn ai hết, bận rộn vì học thuộc lòng các tài liệu và những quy định chính sách của Trung ương về chính sách lương thực yêu cầu phải thuộc như cháo chảy, để ứng đối mọi vấn đề mà thủ tướng Chu Dung Cơ có thể bất ngờ nêu ra. Phía cảnh sát Nam Lăng thậm chí không coi thường, trước khi thủ tướng đến trạm lương thực Nga Lãnh, đã “thực hiện giam lỏng” ba “điêu dân” bằng mọi cớ chỉ vì họ đã tung tin sẽ tố cáo với thủ tướng việc này. Thế là mọi việc được sắp xếp đâu vào đấy, đoàn của Chu Dung Cơ đã trọn vẹn đi vào một cục diện lừa người ngoạn mục mà không biết. 10 giờ sáng ngày 22 tháng 5 năm 1998, Chu Dung Cơ không thể nào tưởng tượng được là, vào lúc ông cùng những người có mặt tại hiện trường phấn khởi bắt tay hỏi thăm nhau, thì những người được bắt tay đó không có ai là công nhân viên chức của trạm lương thực này cả; trạm trưởng Lưu Hồng lúc đó bị đưa vào một xó để không thể nào hưởng thụ quyền lợi được thủ tướng bắt tay và hỏi thăm. Trả lời các câu hỏi của Chu Dung Cơ là Du Thủy Hoa, trạm trưởng giả trạm lương thực Nga Lãnh. Thực ra Du Thủy Hoa cũng chỉ là một đạo cụ sống trong vở kịch này, anh ta phải học thuộc lòng các đài từ đã viết từ trước cho anh ta, diễn kịch tại hiện trường theo đạo diễn của người khác. Tất cả những việc này đều được đài truyền hình Trung ương ghi lại hết và sau đó đưa tin công khai cả trong và ngoài nước. Chu Dung Cơ quan tâm hỏi: “Các đồng chí đã thu mua thoải mái chưa?” Đây là điều ông chưa yên tâm được. Do nông nghiệp được mùa nhiều năm liền, giá lương thực không ngừng giảm, các trạm lương thực ở các nơi không tích cực thu mua, không theo giá bảo hộ mà nhà nước qui định để thu mua lương thực của nông dân, nông dân bị thua thiệt, đồng thời làm tổn thương tính tích cực trồng lương thực của nông dân, và do đó khó có thể bảo đảm được việc tăng trưởng ổn định bền vững trong sản xuất lương thực. Chỉ thấy Du Thủy Hoa tròn miệng trả lời: “Đã thu mua thoải mái!” Chu Dung Cơ rất vừa lòng gật đầu hỏi: “Năm ngoái đồng chí thu mua bao nhiêu lương thực?” Du Thủy Hoa hùng hồn tung ra sự lừa dối ghê gớm: “Năm ngoái thu mua được 5.000 tấn, còn năm kia khoảng 1.700 tấn”. Chu Dung Cơ lại hỏi: “Trạm lương thực của đồng chí thu mua lương thực của một xã hay mấy xã?” “Dạ, một xã ạ!” Lúc này dường như Chu Dung Cơ có suy nghĩ khi đề xuất một loạt vấn đề: “Xã này có bao nhiêu ha ruộng? Sản lượng một ha nói chung là bao nhiêu? Tổng sản lượng là bao nhiêu? Du Thủy Hoa không hề suy nghĩ trả lời ngay: “Toàn xã có hơn 153 ha ruộng, sản lượng năm là 15.000 tấn”. Du Thủy Hoa chỉ biết đọc theo các con số đã chuẩn bị từ trước, nhưng đã coi thường những kẽ hở có thể xuất hiện đằng sau các con số đó. Quả nhiên, Chu Dung Cơ đã tính sổ tỉ mỉ cho Du Thủy Hoa: “Mặc dù anh đã thu mua không ít, nhưng trừ đi lương ăn và giống má của nông dân, anh vẫn chưa hoàn toàn tận thu lương thực! Như thế sao gọi là “thu mua thoải mái” được? lúa nước, hai vụ, lẽ nào sản lượng không được 5.250 kg một ha ư? Anh phải nói thật!” Du Thủy Hoa là người thông minh lanh lợi, trước đó đã có sự chuẩn bị đầy đủ nhất về các loại tình huống có thể xuất hiện, lúc này anh ta biết rõ là mình đã bị lộ tẩy, nhưng không hề hoảng loạn, ngược lại còn tỏ ra càng bình tĩnh hơn, giang hai tay ra một cách tự nhiên ra vẻ khó xử nói: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng các kho lương thực hiện có đều đã dùng cả, đã đầy hết rồi!” Chu Dung Cơ quay nhìn các kho lương thực ở bốn xung quanh, mỉm cười. Lúc này Du Thủy Hoa như vừa thoát hiểm làm một thủ thế mời thủ tướng vào kho thị sát. Thế là, dưới sự hướng dẫn của Du Thủy Hoa, Chu Dung Cơ đi vào kho số 3. Nhìn các bao lương thực xếp hàng đống cao cao, chỉnh tề, Chu Dung Cơ không nhịn được muốn trèo lên chỗ cao của đống lương thực. Vì đống lương thực xếp gồ ghề không bằng phẳng, để bảo đảm an toàn, hai nhân viên bảo vệ đi theo phải vội vàng leo theo, mỗi người đưa một tay ra đỡ lưng Thủ tướng. Sau khi lên đến chỗ cao nhất của đống lương thực, nhìn thấy chính sách lương thực do mình chế định không những được quán triệt đến tận nơi mắt mình nhìn thấy, hơn nữa còn được hoàn thành rất tốt, tốt hơn điều ông dự liệu, vì vậy Chu Dung Cơ cười rất vui vẻ. Ngày hôm đó, tại hội nghị tọa đàm do thành phố Vu Hồ triệu tập, ông cảm động nói: “Trong thời gian tôi làm phó thủ tướng, cái mà tôi coi trọng nhất là nông nghiệp; cái mà tôi quan tâm nhất là lương thực. Có thể nói, tôi đã dùng nhiều tinh lực nhất vào nông nghiệp, vào lương thực, hơn cả mặt tài chính tiền tệ. Sau khi tôi giữ chức thủ tướng, lần xuống dưới khảo sát đầu tiên, cũng là nông nghiệp của An Huy”. Ông nói, dù là ở thành thị, bất kể là tỷ trọng công nghiệp hóa của thành thị đó lớn đến đâu, quan trọng nhất vẫn là nông nghiệp. Người đứng đầu Đảng, chính quyền các cấp, cái quen thuộc nhất phải là nông dân, nên hiểu thấu nỗi khổ trong dân gian, đặc biệt là nỗi khổ của nông dân. Nếu không làm sao anh có thể làm bí thư, làm thị trưởng được? Quần chúng đông nhất Trung Quốc là nông dân, cơ sở của nền kinh tế quốc dân là nông nghiệp! Ông chân thành nói tới việc vì sao mình lại nghiêm túc xuống dưới điều tra như vậy. Ông nói, làm như vậy vì Trung Quốc là một quốc gia rất lớn, chấp hành một chính sách cần phải một quá trình, sau khi thực thi, còn phải có một quá trình được thực tế kiểm nghiệm, sửa chữa và hoàn thiện, chứ không phải là không tin các đồng chí địa phương. Ông đặc biệt chỉ rằng: “An Huy là một trong những địa phương chấp hành kiên quyết nhất chính sách của Trung ương”. Chu Dung Cơ tuyệt nhiên không thể nghĩ tới việc “địa phương chấp hành kiên quyết nhất chính sách của Trung ương” mà ông ca ngợi cao độ, không những chỉ chiết khấu trong chấp hành hơn nữa còn chơi trò xảo quyệt. Sau một trận mưa lớn ở Giang Nam, chúng tôi đến nhà trạm trưởng Lưu Hồng đã thôi chức, nghe ông đau lòng buốt óc tính những tổn thất của lần làm giả ấy. Ông nói 1.000 tấn lương thực không phải là một con số nhỏ, chở đi chở lại, thanh lý vệ sinh, rỡ ra rồi lại đóng bao, làm sạch nhà kho, tiêu hao điện nước, hao tổn lương thực, chi tiêu cho các loại chiêu đãi… bên trong, bên ngoài là đã mất hơn 100.000 NDT, khiến trạm lương thực Nga Lãnh đã thua lỗ nghiêm trọng càng thêm khó khăn. Cái ông ta tính sổ mới chỉ là kinh tế. Nhìn những tấm ảnh hiện trường do phóng viên Tân Hoa Xã là Vu Kiệt chụp, nhìn dáng vẻ vốn luôn nghiêm túc của thủ tướng Chu Dung Cơ trên tấm ảnh đang lộ rõ sự vừa ý và phấn khởi khi nghe “trạm trưởng giả”, báo cáo công tác, chúng tôi cảm thấy một nỗi đau thương khó nói. Trước mặt thủ tướng Chu Dung Cơ, người căm ghét nhất việc làm sổ sách giả mà dám làm giả như vậy, liệu còn có cái gì chân thực để cho người ta tin nữa? Loại lừa gạt này, không những làm dơ bẩn tấm lòng vì tìm kiếm sự thực mà bôn ba khắp nơi của Chu Dung Cơ mà còn khinh nhờn tình yêu mến quan tâm chân thành của ông với 900 triệu nông dân Trung Quốc. Thủ tướng một nước lớn có 1.300 triệu dân, nếu không có cách gì biết được ý dân, tình hình xã hội chân thực đáng tin, thì làm thế nào bảo đảm được rằng mọi chính sách do Trung ương đưa ra tuyệt đối không thể sai sót? Càng không cần phải nói, giở trò lừa gạt sẽ làm cho công tác điều tra nghiên cứu sản sinh ra những hướng dẫn sai lầm đáng sợ, loại nguy hại này không ai có thể đánh giá được! Chúng tôi chú ý thấy, chuyến đi An Huy của Chu Dung Cơ đã trực tiếp làm kiên định thêm quyết tâm của ông tiếp tục thực hành việc nhà nước thống nhất thu mua, thống nhất tiêu thụ lương thực. Trên thực tế sau khi kết thúc lần điều tra nghiên cứu ở An Huy trở về Bắc Kinh, chỉ trong thời gian hơn mười ngày, ông đã dùng danh nghĩa thủ tướng ký và công bố lệnh của Quốc Vụ viện, “Điều lệ thu mua lương thực”. Ông đã đưa chính sách thu mua lương thực từ chỗ chỉ là “thông tri” trước đây, lên thành “Điều lệ” cứng rắn có hiệu lực pháp luật. Mà trong thời kỳ này, cả nước đã có 7 tỉnh, hơn 60 huyện đang tiến hành cải cách thuế phí nông thôn có ý giảm nhẹ đóng góp của nông dân. Nhưng việc chính thức thực thi điều lệ, đã làm cho cuộc cải cách thuế phí nông thôn của các nơi buộc phải chết yểu. Tất nhiên đó là chuyện sẽ nói sau. Có thể nói, trước khi Chu Dung Cơ ký và công bố lệnh đó của Quốc Vụ viện, ông đã đến riêng An Huy khảo sát là để xem xem chính sách thu mua lương thực được chế định trước đây, sau khi được sự kiểm nghiệm của thực tế, có cần phải “sửa chữa và hoàn thiện” nữa hay không, chính vì thế ông mới có sự giải thích riêng với các đồng chí An Huy “không phải là không tin các đồng chí địa phương”. Điều đáng tiếc là lần công tác điều tra quan trọng đầu tiên của Chu Dung Cơ sau khi làm Thủ tướng, cái thu được lại không phải là ý dân, tình hình xã hội chân thực, bất kể là Thủ tướng hay là “điều lệ thu mua lương thực” đều mất đi một cơ hội “sửa chữa và hoàn thiện” vô cùng quan trọng. 32. Ba tháng lửa cháy Một cơ hội ngẫu nhiên, chính tôi biết được câu chuyện “ba tháng lửa cháy” phát sinh tại thôn Tiểu Cương. Đối mặt với câu chuyện gần như hoang đường này, cái mà chúng tôi cảm thấy đã không còn là bi thương mà là kinh hoàng mất rồi. Thôn Tiểu Cương, huyện Phụng Dương, tỉnh An Huy, sợ rằng hiện nay không có ai không biết, bởi vì nó dẫn đầu thực hiện “khoán lớn” trong nông thôn toàn quốc, được các giới xã hội coi là nơi bắt nguồn của cuộc cải cách thể chế Trung Quốc mà mọi người đều thấy hồi cuối những năm 70 của thế kỷ trước; quyết tâm của mười tám hộ nông dân liều chết điểm chỉ chia ruộng đến hộ đã làm xúc động hàng vạn, hàng triệu người Trung Quốc. Nói đến nơi bắt nguồn của cải cách nông thôn Trung Quốc, phải nói thêm mấy câu ở đây. Nói một cách công bằng, nơi cải cách “khoán tới hộ” sớm nhất ở nông thôn Trung Quốc năm 1978 phải là khu Sơn Nam, huyện Phì Tây cách thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy không xa. Tám giờ tối ngày 15 tháng 5 năm đó, hai mươi mốt đảng viên cộng sản thuộc đại đội Hoàng Hoa, công xã Sơn Nam đã họp đại hội chi bộ, một đại hội làm tỉnh ủy kinh động, quan hệ đến số phận hàng trăm triệu nông dân. Chủ trì đại hội là Thang Mậu Lâm, bí thư khu Sơn Nam, được người ta gọi là “Thang to gan”, và quyết nghị của đại hội là “khoán sản lượng đến hộ”. So với “hợp đồng bí mật” sau này xuất hiện ở thôn Tiểu Cương làm Trung Quốc náo động, làm thế giới kinh ngạc thì điều nói trên đã diễn ra sớm hơn hai tháng. Chỉ năm ngày sau khi đại hội chi bộ đặc biệt do Thang Mậu Lâm chủ trì, khoán sản lượng ở khu Sơn Nam đã có thế như chẻ tre, thịnh hành ở 1.073 đội sản xuất giống như thôn Tiểu Cương, phát triển đến hơn 100.000 người! Tất nhiên, khu Sơn Nam huyện Phì Tây cũng không phải là nơi khoán sản lượng đến hộ sớm nhất. Làm sớm hơn là công xã Mười Hai Rặm Rưỡi thuộc huyện Lai An, địa khu Trừ Huyện. Cái tên công xã này nghe có chút kỳ bí, chỉ vì nó cách huyện thành mười hai dặm rưỡi mà được cái tên đó. Người mạnh dạn ủng hộ công xã Mười Hai Dặm Rưỡi khoán sản lượng đến hộ là Vương Nghiệp Mỹ, bí thư huyện ủy huyện Lai An. Thế nhưng, có lúc lịch sử lại trêu cợt người và tràn đầy kịch tính. Ngày nay mọi người đều biết, nơi bắt nguồn của cải cách nông thôn Trung Quốc lại là thôn Tiểu Cương, huyện Phụng Dương, còn khu Sơn Nam huyện Phì Tây và công xã Mười Hai Dặm Rưỡi huyện Lai An thì ít người biết. Truy tìm nguyên nhân, cũng chẳng phức tạp, đó là, mặc dù hội nghị Trung ương 3 khóa 11 của đảng là cột mốc vạch thời đại, nhưng trong bối cảnh lịch sử đặc định đó, một hội nghị Trung ương có vĩ đại nữa cũng không thể giải quyết toàn bộ mọi vấn đề lịch sử để lại, những bóng đen của trào lưu tư tưởng “tả” ăn sâu, thâm căn cố đế không thể không tiếp tục ảnh hưởng tới chính sách mới công bố của đảng. Vì vậy, cho dù hội nghị Trung ương 3 khóa 11 tiêu chí cho thời kỳ mới của cải cách mở cửa, nhưng “Quyết định về mấy vấn đề tăng nhanh phát triển của Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc” mà hội nghị “thông qua về nguyên tắc” vẫn đề xuất một cách rõ ràng: “không cho phép khoán sản lượng đến hộ, không cho phép chia ruộng làm riêng”. Thế mà huyện Phì Tây và huyện Lai An lại “khoán sản lượng đến hộ” lại “chia ruộng làm riêng”, tức là làm trái với quyết nghị mà hội nghị Trung ương 3 khóa 11 đã thông qua, điều này ứng với câu tục ngữ: “mầm mọc đầu tiên thường hỏng trước”. Lúc đó, Vương Nghiệp Mỹ, bí thư huyện ủy Lai An đã trở thành cái bia để cả nước phê phán, xe lửa, ô tô khi đi qua vùng phụ cận Lai An, trên thân xe đều dán biểu ngữ lớn: “Kiên quyết chế tài làn gió làm riêng của tỉnh An Huy”. Do Vương Á Mỹ đã thành mục tiêu công kích của mọi người, nên Vạn Lý - chủ trì công tác của tỉnh An Huy không tiện tuyên truyền nữa. Còn khu Sơn Nam huyện Phì Tây mặc dù là địa điểm cải cách thử được Vạn Lý ngầm ủng hộ, nhưng có người cá biệt trong huyện ủy, sợ sệt trước tình hình đương thời, không dám kiên trì nữa, tự mình ra văn bản thu hồi việc chia ruộng đến hộ, kết quả là bỏ mất công lớn. So sánh thì, Trần Đình Nguyên, bí thư huyện ủy huyện Phụng Dương thông minh hơn, ông không nói thôn Tiểu Cương đang làm “khoán sản lượng đến hộ”, mà nói khoán đến tổ, nhưng ở tổ lại lặng lẽ phân đến hộ. Cách làm đó của huyện Phụng Dương được địa ủy Trừ Huyện ủng hộ, Vương Úc Chiêu, bí thư địa ủy là người có kinh nghiệm chính trị phong phú, ông không chỉ tự mình tham dự mà còn cùng Lục Tử Tu, chủ nhiệm ban nghiên cứu chính trị của địa ủy thôn đến Phụng Dương, cuối cùng quyết định gọi cách làm của thôn Tiểu Cương là “khoán lớn”, đó một chiêu rất cao về chiến lược, hơn nữa tổng kết cũng rất hay: “Khoán lớn, khoán lớn, đến thẳng, đi thẳng không rẽ quanh, nộp đủ cho nhà nước, giữ đủ cho tập thể, còn lại đều của mình”. Vừa tránh được con chữ “khoán sản lượng đến hộ”, lại thể hiện được một cách sinh động hình tượng lợi ích của nhà nước, tập thể, cá nhân. Kinh nghiệm của thôn Tiểu Cương mà các mặt trên trên dưới dưới đều tiếp nhận, một khi được tuyên truyền, tự nhiện được thịnh hành cả trong nước. Hơn nữa, huyện Phụng Dương còn là địa phương nghèo nhất của tỉnh An Huy, trong lịch sử đã có Chu Nguyên Chương, thêm vào đó là câu đồng dao Phụng Dương thê lương bi thảm làm sao: “Nói Phụng Dương, kể Phụng Dương, Phụng Dương vốn là một địa phương khá thơm, nhưng kể từ khi có Chu Nguyên Chương, mười năm có tới chín năm thiếu lương. Hộ lớn bán trâu ngựa, hộ nhỏ bán con, bán vợ, hộ nghèo không có vợ con mà bán, đành phải cầu thực tha phương”. Nghèo thì phải nghĩ đến biến, muốn làm, muốn cách mạng, vì vậy cái thôn nhỏ nghèo rớt Tiểu Cương mới dám dẫn đầu cải cách cũng là điều hợp lẽ, hơn nữa còn rất điển hình. Vấn đề là, thôn Tiểu Cương sau này, càng tuyên truyền càng làm được nhiều chuyện, và cũng trở nên càng truyền kỳ, trước tiên là câu chuyện mười tám hộ nông dân điểm chỉ, tiếp đó là bản “hợp đồng bí mật” đánh số 54563, được lưu giữ tại Viện Bảo tàng cách mạng Trung Quốc. Nhiều người trong cuộc mà chính sách tôi phỏng vấn, đều nêu ra sự nghi ngờ về “bản tài liệu lưu giữ quý báu” đó, nói giấy viết “bản lưu giữ” sao bằng phẳng nhẵn nhụi không có vết nhăn, bị nông dân bí mật cất giữ lâu như thế sao vẫn mới như vậy? Và cho đến nay vẫn chưa xác định được những tình tiết quan trọng là hội nghị bí mật họp ở nhà ai, hợp đồng do ai chấp bút, thậm chí có mười tám hộ hay hai mươi hộ tham gia hội nghị bí mật này, cũng có cách nói khác nhau, trong khi “bản lưu giữ” của bảo tàng lại viết tên hai mươi người, trong đó có hai lần xuất hiện tên “Nghiêm Hùng Xương”, vì vậy người tham gia hội nghị lại biến thành mười chín. Sáng ngày 14 tháng 6 năm 2001, khi chúng tôi đến phỏng vấn Lục Tử Tu, ông đã có câu trả lời phủ định: “Việc thôn Tiểu Cương điểm chỉ là giả, việc này sao tôi lại có thể không biết?” Ông sử dụng phương thức nêu vấn đề, mà kết luận thì không cho phép nghi ngờ. Lúc đó ông là chủ nhiệm ban nghiên cứu chính trị của địa ủy, sau đó còn làm bí thư địa ủy địa khu này, phán đoán của ông là có thể tin được. Thế nhưng dù có nói thế nào, cái bản “hợp đồng bí mật” đó là giả hay là thật, hiện nay đều không còn quan trọng nữa, cái quan trọng là “khoán lớn” lúc đó của thôn Tiểu Cương đúng là đã chống lại sức ép to lớn, bất chấp rủi ro ngồi tù, mất đầu để có sự lựa chọn vô cùng thử thách. Công lao của họ đối với sự nghiệp cải cách của Trung Quốc là không thể nào phai mờ. Sự việc phát sinh ở thôn Tiểu Cương ấy, đúng là một cuộc cách mạng tuyệt vời, thậm chí có thể nói, tính sâu sắc của nó so với lần giải phóng năm 1949 cũng không hề thua kém, bởi vì đối thủ của lần giải phóng này không phải là kẻ địch, mà là chính mình. Bắt đầu từ năm 1978, người thôn Tiểu Cương do giành được quyền tự chủ sản xuất trên mảnh đất khoán, nên lương thực nhiều năm liền được mùa, chí ít là năm năm sau đó, lúc nào Tiểu Cương cũng là đội sản xuất tương đối giàu có. Vừa qua năm mới 1980, Vạn Lý đã đến thăm riêng thôn Tiểu Cương, ông đến từng nhà từng hộ, thấy nhà nào, hộ nào ở Tiểu Cương cũng có lương ăn, cũng có áo mặc, trong lòng rất phấn khởi nói: các người có thể vứt rổ xin gạo, gậy xin cơm ra biển rồi! Ông nói với Nghiêm Tuấn Xương, người năm đó dẫn đầu “khoán lớn”: “Việc mà mấy chục triệu đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc không dám làm, các anh dám làm, bởi vì trên đầu các anh không có cái mũ cánh chuồn. Chỉ cầm dám nghĩ dám làm, thì không có việc nào là không thể làm được. Vấn đề no ấm của nông dân Trung Quốc, đã giải quyết ba mươi năm rồi mà chưa giải quyết được, các anh hãy bất chấp rủi ro, tự mình giải quyết!” Sau này do trọng tâm của cải cách nhà nước từ nông thôn chuyển vào thành thị, người Tiểu Cương dựa vào làm ruộng để sống đã một chốc biến thành không còn nổi tiếng nữa. Mặc dù mỗi nhà, mỗi hộ đều có lương ăn, đều có áo mặc, đã giải quyết được vấn đề no ấm, nhưng cải cách mở cửa đã hơn 20 năm rồi, nếu chỉ dừng lại ở mức “no ấm”, xây không nổi nhà lầu, sửa không nổi đường lớn, chưa có điện thoại, chưa có nước máy, chưa có trường học, chưa có xí nghiệp, thậm chí chưa có được nhà vệ sinh xứng với tên gọi, với tư cách là nơi bắt nguồn của một cuộc biến đổi lớn tại Trung Quốc, mà vẫn chưa xây nổi một phòng triển lãm để mọi người đến xem. “Cái điểm sáng” lớn nhất của cải cách mở cửa của Trung Quốc ấy, nhiều năm nay lại chẳng được ai có ý định “đánh bóng”; các nơi đều ra sức làm “công trình hình tượng” thế mà cái “công trình Tiểu Cương” đủ sức để nâng cao hình tượng An Huy ấy, cả ba cấp đảng ủy, chính quyền tỉnh, địa khu, huyện đều không có ai hỏi tới. Việc này dường như xem ra có chút kỳ lạ, rất khiến người ta không nắm được nội dung chủ yếu. Thế nhưng, nói đi thì phải nói lại, tình trạng “giang sơn vẫn như cũ, bộ mặt không thay đổi” tương tự như Tiểu Cương trong hơn hai mươi năm qua, cũng có tính đại biểu nhất định trong nông thôn rộng lớn của Trung Quốc. Không nói tới miền Tây - vùng kém phát triển, ngay ở vùng ven biển, bên các thành phố giàu lên trước mà cũng chỉ có một phần có hạn thôi, chứ tuyệt đại đa số nông thôn so với Tiểu Cương cũng không phải là tốt đẹp hơn. Xét từ điểm này thấy, nghiêm túc giải phẫu việc thôn Tiểu Cương, hơn hai mươi năm rồi mà “giang sơn vẫn như cũ” khẳng định là có ý nghĩa “kinh điển” đối với việc nhận thức nông nghiệp, nông thôn và nông dân Trung Quốc. Thế nhưng vào ngày thôn Tiểu Cương thực hiện “khoán lớn” được gần hai mươi năm, đột ngột có tin nói, nó đã có sự thay đổi mới lạ. Sự thay đổi lớn đến mức, ngay người Tiểu Cương cũng cảm thấy như nằm mơ, rõ ràng không phải là mơ, mà lại khéo kiểm chứng cho một câu nói thịnh hành lúc đó: mơ mà thành thật. Sự thay đổi bắt đầu từ tháng 6 năm đó. Trung tuần tháng 6, một vị lãnh đạo tỉnh ủy thân dẫn những người phụ trách cấp sở, cục của tỉnh gồm: sở giao thông, sở xây dựng, sở thủy lợi, sở giáo dục, sở y tế, cục xuất bản báo chí v.v… đến thôn Tiểu Cương. Lúc đó, người Tiểu Cương không rõ bao nhiêu lãnh đạo như vậy về, không biết có mang lại cho Tiểu Cương được cái gì tốt đẹp hay không, bởi vì đã nhiều năm nay, các lãnh đạo đến Tiểu Cương tham quan, phỏng vấn, thị sát, chỉ đạo công tác, quá nhiều rồi. Họ đến đây một hồi, xem xem, hỏi hỏi, đi đi, lại lại, người Tiểu Cương chẳng coi là chuyện gì cả. Thế nhưng, lần này rất không giống như vậy. Một công trình đổi trời thay đất đã nhanh chóng kéo lên màn mở đầu ở thôn Tiểu Cương. Người đến đầu tiên là Từ Bưu, chủ nhiệm phòng giáo dục huyện Phụng Dương, ông ta mang lại cho Tiểu Cương một tin vui: một ngôi trường có thể chứa 160 thầy trò, trường tiểu học hoàn chỉnh của thôn Tiểu Cương có đủ năm lớp từ lớp một đến lớp năm, sẽ khởi công vào tháng 6, tháng 8 hoàn thành, bảo đảm chắc chắn công trình bắt đầu được sử dụng chính thức từ ngày 1 tháng 9. Tiếp đó, ba sở xây dựng, thủy lợi và y tế cùng bắt tay xây dựng cho Tiểu Cương một tháp nước, nói là làm ngay, đến cuối tháng 7 thì làm xong, khiến người Tiểu Cương giống như người thành thị được dùng nước máy. Nghe nói, lúc đầu vốn định cả ba đơn vị đó cùng góp đủ 500.000 NDT, nhưng chỉ có sở xây dựng góp được 100.000 NDT, còn lời hứa của sở thủy lợi và sở y tế đã thành bong bóng, công trình thiếu mất 400.000 NDT, cuối cùng đành do phòng thủy nông huyện Phụng Dương ứng trước. Tiếp ngay sau đó, do phòng xây dựng huyện Phụng Dương trù liệu thống nhất, sáu bộ môn thuộc huyện ủy, ủy ban huyện cùng liên hiệp bỏ tiền, để quét vôi một lượt cho các mặt tường nhà ở mỗi nhà, mỗi hộ, sau khi quét xong, cả thôn như lắc mình biến hóa, sáng sủa lên nhiều; để nâng cao trình độ văn minh, còn xây cho mỗi hộ một nhà vệ sinh; nhà triển lãm “khoán lớn” cũng theo đó được mọc lên; nhà làm việc của chi bộ thôn cũng được sửa chữa làm đẹp. Rồi phòng xây dựng huyện còn theo yêu cầu của sở xây dựng thành phố, thiết kế quy hoạch cho 40 căn hộ của thôn dân. Sau khi công trình kết thúc, tổng số tiền sử dụng là 230.000 NDT, vốn do các đơn vị tuyên truyền, sinh đẻ có kế hoạch, y tế, hợp tác xã cung tiêu, vũ trang, xây dựng thuộc huyện “đóng góp”, ai ngờ năm đơn vị đó giở quẻ, phòng xây dựng chịu không nổi, nghiến răng ứng trước được 212.312 NDT, còn thiếu hơn 17.000 NDT, không muốn bỏ ra nữa, chỉ khổ đơn vị thi công nhiều lần đến gõ cửa đòi nợ, cho đến khi chúng tôi kết thúc phỏng vấn, “món nợ đầu chó” đó vẫn chưa trả xong. Cần phải nói là, phòng bưu điện huyện Phụng Dương đã làm nhanh như chớp, vừa nhận nhiệm vụ là lập tức lắp ngay cho mỗi nhà, mỗi hộ ở thôn Tiểu Cương một điện thoại khống chế bằng số, hơn nữa sự việc được làm rất đẹp, dù nói rõ là phải trả tiền, nhưng trên thực tế không có người Tiểu Cương nào phải móc túi cả, phòng bưu điện giải quyết bằng cách đi vay, vay từ ngân hàng 1.000.000 NDT, và cho đến nay cả vốn lẫn lãi khoản tiền đó do ai phải trả, vẫn là một việc chưa rõ. Có một việc cần phải thuyết minh là, trước khi có các sự việc trên, mặc dù người Tiểu Cương chưa sửa nổi đường, không phải là người Tiểu Cương không có nổi một con đường. Trước đó, thôn Trường Giang thuộc thành phố Trương Gia Cảng, tỉnh Giang Tô đã đầu tư 1.200.000 NDT đắp không lấy tiền cho thôn Tiểu Cương một con đường xi măng lấy tên là “Đường Hữu nghị”. Chỉ có điều trong cái đẹp có chỗ chưa hoàn thiện là hai bên đoạn đường dài 4 km cứ trống trơ nhẵn nhụi, trông khó coi, bây giờ phòng lâm nghiệp huyện Phụng Dương tiến vào thôn Tiểu Cương, mặc dù lúc đó đang là tháng năm, tháng sáu, nắng bức oi ả, bọn họ đã có cách riêng, không những tự lo liệu vốn, bỏ tiền ra mua 83 cây bàng Tứ Xuyên tại lâm trường huyện Phụng Đài, cách xa hàng trăm dặm, mỗi cây cao trên 2 mét, hơn nữa còn làm thí nghiệm khoa học, bọc đất có chứa chất dinh dưỡng vào gốc cây, di chuyển suốt ngày đêm, để trồng cây ngay trong ngày, lại còn thuê hai vị công nhân tinh thông nghiệp vụ, ăn ở tại thôn Tiểu Cương, chăm lo tưới nước, xới đất, bảo vệ. Trồng cây vào lúc nhiệt độ cao mà cây nào cũng sống, đã trở thành một kỳ tích, kỹ thuật viên phòng lâm nghiệp huyện Phụng Dương căn cứ vào đó viết luận văn, sau đó còn được giải thưởng tiến bộ khoa học kỹ thuật của tỉnh An Huy. Tổng cộng các công trình nói trên dùng hết 2.701.400 NDT, tiền công không phải trả cũng như vật liệu do các đơn vị tự lo (tất nhiên không tính vào đó và cũng không thể thống kê được). Hết công trình này đến công trình khác, như vở kịch xuất hiện trước mắt người Tiểu Cương, đối với họ mà nói, như cái bánh từ trên trời rơi xuống. Mãi cho đến ngày 22 tháng 9 năm 1998, khi Tổng bí thư Giang Trạch Dân đến thôn Tiểu Cương, người Tiểu Cương lúc bấy giờ mới hiểu rõ. Vì sao cuộc sống của chúng ta lại cứ phát sinh những câu chuyện khiến người ta dở cười dở khóc đó? Có người nói, sự thay đổi đó của thôn Tiểu Cương là chuyện khác với việc huyện Nam Lăng giở trò lừa gạt. Thôn Tiểu Cương là một ngọn cờ hồng của cuộc cải cách nông thôn Trung Quốc, có nhận một chút ủng hộ và ân huệ, cũng không có gì là quá mức, hơn nữa cũng không phải xấu hổ vì nhận. Có người nói, thôn Tiểu Cương có công lao lịch sử đối với toàn bộ công cuộc cải cách của Trung Quốc, các ngành, các nghề, các bộ môn cố gắng một chút, cởi túi tương trợ là lý đương nhiên, không cần phải dị nghị. Có người nói để chào đón hai mươi năm “khoán lớn”, chào đón Tổng bí thư Giang đến thị sát, tiến hành “trù hoạch” một lần thôn Tiểu Cương và những người cần thiết, chẳng có gì là không đúng, chẳng qua là công vụ phải làm. Thế nhưng dường như người Tiểu Cương không tiếp nhận tình cảm của việc “thay trời đổi đất” đó. Lúc vừa xây dựng xong tháp nước, anh em công nhân muốn uống nước, thôn Tiểu Cương lập tức có người đứng ra ngăn lại, nói, đâu thế được, rồi mang bia ra thay. Sửa đường, trồng cây phải dùng đất, xin lỗi, khi phải dùng đất Tiểu Cương, mỗi xe phải trả 10 NDT, thiếu một xu cũng không được, giá này so với giá đất ở thị trấn Phụng Dương đắt gấp đôi! Hình như những công trình này không có quan hệ gì với thôn Tiểu Cương. Tất nhiên, đây chỉ là cá biệt người Tiểu Cương làm mấy việc không giữ thể diện, nhưng người uống nước không nhất định nhớ nguồn, điều này làm những người bỏ tiền giúp Tiểu Cương có chút tổn thương. Điều này sợ rằng là một loại báo ứng cho những người chỉ giúp đỡ vật chất chứ không giúp chí khí. Rõ ràng là người Tiểu Cương không cảm thấy tủi thân, họ nói, anh không giúp từ trước, mà cũng không giúp sau, mà đợi đúng đến lúc Tổng bí thư Giang đến thăm Tiểu Cương, thì trường tiểu học thôn Tiểu Cương mới khai trường, tường mới quét vôi, đường mới sửa bằng, nhà triển lãm “khoán lớn” mới mọc lên, hai hàng bàng Tứ Xuyên cao ngất mới từ đất bằng đứng thẳng, nhà nhà, hộ hộ đều thông điện thoại, nhà vệ sinh cũng thay đổi và mọi người đều được dùng nước máy. Chỉ có thằng ngốc mới không nhìn thấy, thôn Tiểu Cương đã từ “no ấm” biến ngay thành “khá giả”, nhưng rõ ràng là không biến để người Tiểu Cương thấy. Lúc đầu khi nghe câu chuyện này của thôn Tiểu Cương, đúng là chúng tôi cảm thấy quá kinh ngạc. Bình tĩnh suy nghĩ lại thấy, sự việc này phát sinh ở An Huy, nhưng những chuyện tương tự như vậy xảy ra ở tỉnh, khu tự trị khác, liệu có bao nhiêu người cảm thấy kinh ngạc. Vì sao cán bộ chúng ta lại chịu vui vì “việc này không mệt, ngược lại đáng để chúng ta nghiêm túc suy nghĩ”. Chúng tôi thậm chí nghĩ như thế này: giả sử thôn Tiểu Cương không có câu chuyện “ba tháng lửa cháy”, tại nơi khởi đầu của cải cách nông thôn Trung Quốc, Giang Trạch Dân nhìn thấy thôn Tiểu Cương “giang sơn vẫn như cũ” sau hơn hai mươi năm cải cách mở cửa, chưa biết chừng sẽ làm cho Tổng bí thư càng suy nghĩ sâu sắc hơn về vấn đề “tam nông” của Trung Quốc, như vậy, tất sẽ mang lại cho 900 triệu nông dân Trung Quốc nhiều lợi ích thiết thực và nhiều cái tốt đẹp hơn nữa, và sẽ mang lại cho nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc một ngày mai càng khiến người ta thích thú hơn. Sự thực là không có giả như. Cái mà Tổng bí thư và chúng tôi nhìn thấy đều là thôn Tiểu Cương đã cơ bản đạt được “khá giả”! 33. Thành tích con số Giở trò lừa gạt, hại nước hại dân là điều dân chúng vô cùng căm ghét, thậm chí còn cho rằng những người làm quan đều như vậy. Thực ra, xung quanh chúng ta vẫn còn rất nhiều cán bộ lãnh đạo nói lời nói thực, làm việc thực, vẫn giữ vững nguyên tắc thực sự cầu thị. Trong phỏng vấn này, tôi gặp được Hoàng Đồng Văn là một người như vậy. Hoàng Đồng Văn sinh ra tại thôn Hoàng Vu, trấn Dương Công, huyện Trường Phong, tỉnh An Huy, đời ông, đời cha đều là nông dân. Huyện Trường Phong mặc dù thuộc về Hợp Phì - thủ phủ của tỉnh, nhưng nó là đất kết hợp vùng giáp ranh của bốn thành phố và địa khu: thành phố Hợp Phì, thành phố Hoài Nam, địa khu Trừ Huyện và địa khu Lục An, trước kia là nơi cả bốn không quản. Trường Phong thuộc vùng xa, lại ở trên “nóc nhà Giang Hoài”, cần đất không có đất, cần nước không có nước, thiên tai năm nào cũng chiếu cố đến thăm, quấy nhiễu, giầy vò, lại thêm mãi đến năm 1965 mới cắt ra từ bốn đơn vị nói trên để thành lập huyện riêng, tất cả đều còn đợi xử lý sắp xếp thì năm thứ hai đã bùng nổ “đại cách mạng văn hóa” kéo dài 10 năm, đã tiên thiên bất túc, lại hậu thiên mất cân bằng, nên mặc dù xuất phát từ mong ước tốt đẹp, người ta đã đặt cho nó một cái tên dễ nghe: huyện Trường Phong, thế nhưng bắt đầu từ ngày ra đời, nó chưa bao giờ xuất hiện kỳ tích “Trường Phong” [2]. Gia đình Hoàng Đồng Văn mãi đến trận lụt lớn năm 1954 mới dời đến thôn mới, mà trình độ nghèo nàn đứng hàng đầu trong huyện Trường Phong nghèo nàn, quê hương lạc hậu đã để lại ấn tượng không thể phai mờ trong ông. Năm 1972 sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, ông được vào học tại trường đại học sư phạm An Huy. Vào lúc rời khỏi thôn, ông đã ngầm hạ quyết tâm, học xong sẽ trở về, nhất định mang hết sức mình để thay đổi bộ mặt lạc hậu của quê nhà. Năm 1988, huyện Trường Phong xuất hiện đại hạn hiếm thấy trong lịch sử, trong làn sóng nhiệt, cây cối, hoa màu bị xấy khô hết thủy phần, mắt nhìn thấy cảnh không còn hy vọng thu hoạch gì, nông dân muốn khóc mà không còn nước mắt. Lúc này Hoàng Đồng Văn đã giữ chức bí thư huyện ủy huyện Trường Phong, lòng ông như bốc lửa. Trước hạn lớn, không thể chần chừ chậm trễ giây phút, ông chỉ thị cho lãnh đạo các cấp phải nhanh chóng đi sâu vào tuyến một, còn đối với các nơi bị hạn đã yêu cầu rõ ràng: không cho phép báo cáo chậm, báo cáo giấu, báo cáo sót. Ông tự mình gương mẫu đi đầu, xuống bên dưới, nắm tình hình kịp thời, chỉ đạo công tác tại hiện trường, tìm mọi phương cách để giảm thiểu đến mức thấp nhất những tổn thất do thiên tai gây ra. Hôm đó, một vị lãnh đạo tỉnh, dưới sự bồi đồng của bí thư và thị trưởng Hợp Phì đến huyện Trường Phong thị sát, sau khi xem xét tình hình thiên tai, muốn nghe báo cáo của huyện, Hoàng Đồng Văn đã nói thẳng là: “Nhiệm vụ năm nay, chúng tôi rất khó hoàn thành”. Hoàng Đồng Văn nói rất bình tĩnh và cũng rất khẳng định, khiến những người có mặt không ai là không đưa mắt nhìn nhau, ngờ rằng có phải là nghe nhầm không. Bởi vì ngày nay, khi khẩu hiệu “nhân định thắng thiên” đã trở thành một niềm tin quan trọng của dân tộc chúng ta từ lâu, thì có rất nhiều người đã quen nghe những lời nói hùng hồn mạnh mẽ “vẫn được mùa lớn năm thiên tai lớn”; lại nữa, hai năm rồi, văn kiện Trung ương đã quy định có tính cứng rắn, rõ ràng, không có tình hình đặc biệt, nhiệm vụ định thu mua lương thực do nhà nước giao, nhất định phải hoàn thành, loại thiên tai xuất hiện lúc này, nói chung chưa được coi là “tình huống đặc biệt”. Câu trả lời của Hoàng Đồng Văn rõ ràng là nằm ngoài ý nghĩ của vị lãnh đạo tỉnh, không ít cái nhìn dị nghị vào vị bí thư huyện ủy trẻ tuổi ngồi trước mặt, lộ vẻ không vừa lòng. Thực ra, lúc bình thường, Hoàng Đồng Văn là người tuyệt đối phục tùng tổ chức, hơn nữa còn là một người thông minh, tự mình biết rõ những cái thịnh hành trong quan trường. Hơn nữa, năm đại hạn mới là lúc dễ dàng có “thành tích cầm quyền”, điều này không phải là ông không biết. Trước khi từ cơ quan trực thuộc thành phố về huyện, ông đã là cán bộ cấp trưởng phòng, lại là một trong những cán bộ trẻ nhất ở cấp này của toàn tỉnh, nên càng là lúc đòi hỏi có “thành tích cầm quyền”. Thế nhưng ông là người có lương tri, có chủ kiến, dám chịu trách nhiệm. Ông cho rằng, trong toàn địa phận huyện Trường Phong đã xuất hiện đại hạn hiếm thấy trong lịch sử, mấy chục vạn nông dân sẽ phải chịu những tổn thất trầm trọng, ông không có bất kỳ lý do nào, càng không có quyền lực gì để che giấu tình hình không báo cáo. Ông phải nói thật. Ông nói: “Tôi hoàn toàn có thể nói hoàn thành được nhiệm vụ. Thực ra, điều này rất dễ, trở về họp một cái, một tuần lễ là có thể hoàn thành, nhưng tôi không thể làm như vậy. Làm như vậy là làm khổ nông dân, sang năm không còn cách sản xuất nữa”. Ông nói rất thản nhiên. Những ký ức của ông về thời nông dân “ra sức làm” và làn gió bốc phét trong lịch sử tạo nên tai họa cho nông dân, đến nay như vẫn còn mới. Sau khi lãnh đạo đi rồi, không ít người bảo Hoàng Đồng Văn là đồ ngốc. Bởi vì năm đó diện tích bị hạn hán của tỉnh An Huy rất rộng, nhưng chỉ có mình ông - bí thư huyện ủy Trường Phong nói câu: “Nhiệm vụ rất khó hoàn thành”. Lúc này đang bắt đầu thịnh hành “quan đưa ra con số, con số lại làm ra quan”, bao nhiêu cán bộ đang chờ mà không được cái cơ hội như vậy để tự thể hiện mình, anh ta thật may, thế nhưng lại ngang nhiên vứt cái cơ hội đưa đến tận cửa ấy. Các địa phương khác đều ở mức độ khác nhau giấu không báo cáo tình hình thiên tai thực, còn ông thì, trong hội nghị lớn, hội nghị nhỏ đều lên tiếng, có thiên tai nhất định phải báo cáo, không chỉ yêu cầu bên dưới báo cáo, ông còn cử người báo cáo lên trên, tranh thủ lương thực và tiền cứu tế của bên trên, đảm bảo chắc chắn cho các bậc phụ lão hương thôn huyện Trường Phong có thể bình yên trải qua năm mất mùa. “Tôi là một đứa trẻ trưởng thành từ nông thôn, làm được bí thư huyện ủy là đã thỏa mãn rồi, tôi cũng không có ước muốn xa vời, chỉ mong sao thực sự làm được nhiều việc hơn cho nông dân”. Năm đó, theo tình hình bị thiên tai, ông chia nông thôn toàn huyện thành ba loại: một là vùng được mùa, động viên nông dân nơi này sau khi hoàn thành nhiệm vụ cố bán thêm lương thực, để có cống hiến nhiều; hai là vùng bị thiên tai nhẹ, thì cố tìm cách hoàn thành nhiệm vụ bán lương thực; ba là vùng được coi là thiên tai nặng, thì kiên quyết cấm cán bộ xã thôn mua quá đáng. Vương Gia Bồi, chủ nhiệm ban cứu tế, sở dân chính tỉnh, làm công tác cứu tế vùng bị thiên tai, nên nắm chắc quy luật của công tác này. Khi tai họa rơi xuống, nhiều địa phương đã giấu không báo cáo thực tình hình thiên tai mà chỉ báo cáo láo một lô sự tích chống thiên tai tự cứu như thế này, thế nọ cũng như một loạt con số về thành tựu thu được; đợi cho sự việc qua rồi, lại bắt đầu kêu khổ kêu nghèo, không ngại khuếch đại khó khăn để tranh thủ được bán lại lương thực sau thiên tai. Có thể nói, trên vấn đề cứu tế, cách làm dối trá lừa gạt tranh cái mã vinh quang trước, sau đó lại tranh cái mũ khó khăn, đã trở thành đạo làm quan của không ít cán bộ, từ đó mà tôn thờ niềm tin “không nói dối, không làm được việc lớn”. Thế nhưng, Vương Gia Bồi phát hiện, tài liệu do huyện Trường Phong báo cáo lên khác với những nơi khác, bọn họ chủ động báo cáo lên trên tình hình thiên tai, tranh thủ cứu tế, từ những con số báo cáo lên trên thấy, tình hình thiên tai vô cùng nghiêm trọng. Để làm rõ sự thật, giả, Vương Gia Bồi giấu huyện ủy và ủy ban huyện Trường Phong, đã đến thăm Trường Phong nhiều ngày, và còn đến Chu Cảng, nơi thiên tai nặng nhất. Sau khi tận mắt thấy tình hình chân thực, lòng ông vô cùng nặng nề. Thế nhưng khi hiểu được, ngay Chu Cảng là nơi thiên tai nặng nhất, cuộc sống của nông dân tương đối khó khăn, nhưng do huyện ủy quả đoán áp dụng biện pháp “chỉ đạo phân loại”, vùng bị thiên tai không bán lương thực quá mức, vì thế, xã hội ổn định, khí thế chống thiên tai tự cứu rất mạnh, và điều này đã làm cho ông vô cùng bất ngờ. Cuối cùng ông quyết định về thị trấn huyện, tìm gặp vị bí thư huyện ủy dám thực sự cầu thị này. Câu nói đầu tiên mà ông nói với Hoàng Đồng Văn là: “Đồng chí giỏi vô cùng!” Đúng thế, trong cái bối cảnh lớn trên trên, dưới dưới đều một màu “năm gặp thiên tai lớn vẫn được mùa to” mà huyện ủy Trường Phong dám kiên trì chính sách địa phương “một huyện ba chế độ” phải nói lòng can đảm và sự hiểu biết lớn biết bao nhiêu! “Không sợ gây cho mình phiền phức à?” Vương Gia Bồi hiếu kỳ hỏi Hoàng Đồng Văn. “Quả thực tôi không hề nghĩ xa như vậy”. Hoàng Đồng Văn rất bình tĩnh trả lời: “Đời cha, đời ông tôi là nông dân, họ hàng hai bên vợ chồng tôi cũng đều là nông dân, lại cùng ở một địa phương nghèo, chúng tôi biết nông dân không dễ dàng đâu. Nếu nông dân bán quá mức lương thực, rồi họ sẽ sống thế nào? Sang năm có định sản xuất nữa hay không?” Làm quan mà không làm chủ cho trăm họ, quên nỗi đau khổ của quần chúng, đối với Hoàng Đồng Văn mà nói, là sự mất gốc! Vương Gia Bồi rất cảm động, sau khi về sở dân chính, đã viết một báo cáo về những điều tai nghe mắt thấy của mình trình lên ủy ban tỉnh, báo cáo đúng sự thực tình hình thiên tai nghiêm trọng xuất hiện vào năm hạn lớn tại huyện Trường Phong, mái nhà Giang Hoài. Sau này, Uông Bộ Vân, phó tỉnh trưởng phụ trách công tác nông nghiệp, thân mang theo tiền cứu tế đến Trường Phong, khiến nông dân huyện này đang dường như khó mà tiếp tục được nữa đã thuận lợi qua được năm bị thiên tai. Năm 1991, khi trận lũ lụt lớn một trăm năm không gặp lan khắp vùng Hoa Đông, để giảm nhẹ sự tàn phá chết chóc của trận lụt sẽ gây ra cho vùng thượng, hạ du sông Hoài, nhiều vùng sản xuất lương thực của huyện Trường Phong trở thành khu xả lũ; chỉ mỗi một xã Trang Mộ đã có 640 ha ruộng bị chìm 116 thôn bị nước bao vây, 3.693 hộ nhà đổ, tường xiêu, vô số nông dân Trường Phong không còn nhà để ở. Đối mặt với những tai họa do lũ lụt đột nhiên ùa tới gây ra, sau một chút kinh ngạc, Hoàng Đồng Văn đã khẩn trương động viên lãnh đạo các cấp phải có thái độ phụ trách cao với nhân dân, lập tức chạy lên tuyến đầu, chỉ huy tại chỗ, ổn định lòng người, cổ vũ sĩ khí, chống lũ cứu nạn, đồng thời ông còn kiên quyết yêu cầu nhanh chóng sửa đổi ngay những con số trước đây từng khoác lác. Lúc này trong huyện ủy có người lo lắng, nếu xóa bỏ hết những phần thêm bớt trong các con số đó, theo tình hình thực báo cáo lên trên thì với các hạng mục chỉ tiêu kinh tế hiện có, huyện Trường Phong sẽ trở thành huyện nghèo cấp nhà nước đúng với tên gọi. Bây giờ, có một số huyện trong tỉnh, dám nói dối nói trá để vứt bỏ cái mũ “nghèo nàn” đi, vì sao bí thư Hoàng lại muốn đội cái mũ đó lên đầu mình vậy? Hơn nữa, dẫu sao thì huyện Trường Phong cũng trực thuộc thành phố Hợp Phì, người ta đang liều mạng để thoát nghèo trở nên giàu, với tư cách là thủ phủ của tỉnh, nay thành phố Hợp Phì đột nhiên mọc ra một huyện nghèo cấp quốc gia, người ta làm sao trình bày được với trên đây? Những điều đó không phải là Hoàng Đồng Văn không suy nghĩ tới. Thế nhưng điều ông nghĩ nhiều là làm thế nào để các “thành tích cầm quyền bằng con số” tạo ra sự giảm nhẹ đóng góp cho nông dân, tạo cho nông dân huyện Trường Phong một cơ hội khôi phục nguyên khí. Tất nhiên, làm như vậy có thể ảnh hưởng đến việc thăng tiến của mình, nhưng ông cho rằng, nếu để cho lãnh đạo tỉnh, để cho cả xã hội biết được một huyện Trường Phong chân thực thì điều này càng tốt cho việc phát triển huyện Trường Phong từ nay trở đi. Vì có một số tài liệu do huyện Trường Phong báo cáo lên trên, sau khi được nhiều phía thẩm tra, Trường Phong được đưa vào huyện nghèo cấp quốc gia. Có cái mũ huyện nghèo đó mỗi năm tài chính nhà nước phát xuống không ít tiền giúp nghèo, nên cuộc sống ở Trường Phong tốt hơn rất nhiều. Nhưng sự kiện này đã ảnh hưởng đến sĩ đồ của Hoàng Đồng Văn. Lúc này, Vương Thái Hoa được điều từ khu căn cứ cách mạng cũ Giang Tây đến làm ủy viên thường vụ tỉnh ủy An Huy, bí thư thành ủy Hợp Phì. Vương Thái Hoa cũng là người thực sự cầu thị như vậy, trong thời gian hơn một tháng sau khi giữ chức, ông đã đi hết một lượt bốn quận ba huyện của thành phố Hợp Phì. Ông rất coi trọng những cán bộ nói lời nói thực, làm việc thực. Ông phát hiện Hoàng Đồng Văn trước khi xuống huyện đã là cấp trưởng phòng, đã làm việc ở huyện nghèo Trường Phong lâu đến 5 năm, lại thêm đã hai, ba năm nắm chức ở huyện Phì Đông, thời gian đi xuống đã tới 8 năm, nên đã tìm Hoàng Đồng Văn đến nói chuyện, quyết định điều ông về Hợp Phì, giữ chức phó chủ tịch hội nghị chính trị hiệp thương kiêm trưởng ban mặt trận thành phố. Trước khi xuống huyện, Hoàng Đồng Văn đã là phó trưởng ban mặt trận, 8 năm đã trôi qua, mình cũng mới hơn 40 tuổi, vẫn còn trẻ trung mạnh khỏe, sao lại không làm các công tác khác mà làm công tác mặt trận vậy? Ông nghĩ như vậy, và cũng nói thực ra như vậy. Vương Thái Hoa biểu thị thông cảm, và nói thẳng: “Đừng nói gì nữa, và bất cứ cách nghĩ nào khác cũng đừng nói ra”. Thế nhưng, đó là sự sắp xếp không lý tưởng, nên hội nghị thường vụ tỉnh ủy không thông qua. Nguyên nhân rất đơn giản, Hoàng Đồng Văn không những không đưa kinh tế Trường Phong đi lên mà ngược lại còn “đẻ” ra được một huyện nghèo cấp quốc gia, “thành tích cầm quyền” ở đâu? Thành ủy Hợp Phì đành sắp xếp cho Hoàng Đồng văn một vị trí cân bằng, để anh làm bí thư ban chính pháp của thành phố, vẫn hưởng chức trưởng phòng mà từ hơn 10 năm trước anh đã hưởng. Sau việc này, Vương Thái Hoa lại tiến hành một cuộc khảo sát nghiêm túc hơn nữa ở huyện Trường Phong, ông phát hiện, một huyện nông nghiệp môi trường sinh thái hiểm ác đáng sợ đến như vậy, hạ tầng cơ sở yếu ớt đến như vậy, muốn thay đổi bộ mặt của nó quyết không phải là công sức của một ngày mà cũng không phải lực lượng của một huyện là có thể giải quyết được. Thế là ông đưa ra một quyết định phi thường, lấy ngày 23 tháng 4 hàng năm làm “ngày giúp nghèo Trường Phong”. Mỗi năm cứ đến ngày đó là Vương Thái Hoa đều gác bỏ mọi công việc, dẫn một đoàn cán bộ của thường vụ thành ủy cũng như người đứng đầu các bộ môn của ủy ban thành phố, đến trấn Thủy Hồ nơi huyện Trường Phong đóng ở đó, mở một hội nghị hiện trường, tại chỗ. Hội nghị nghe báo cáo công tác của huyện ủy, ủy ban huyện, đề xuất yêu cầu, để chấn hưng kinh tế huyện Trường Phong, không chỉ tiếp thu những ý kiến hữu ích mà còn động viên các bộ môn có liên quan, có tiền bỏ tiền, có sức bỏ sức. Để cho đông đảo nông dân huyện Trường Phong một cơ hội khôi phục nguyên khí, thành ủy còn đưa một quyết định phi thường, đó là, số tiền mỗi năm huyện Trường Phong phải nộp thuế nông nghiệp lên tài chính tỉnh, do tài chính thành phố nộp thay, nhằm tăng cường lực lượng dự trữ phát triển kinh tế cho huyện nông nghiệp này. Sau này, Vương Thái Hoa rời Hợp Phì, trước tiên làm phó bí thư tỉnh ủy An Huy phụ trách công tác tổ chức, không lâu sau, giữ chức bí thư tỉnh ủy An Huy. Con đường hoạn lộ của Hoàng Đồng Văn, người dám nói thật làm việc thật cũng có bước chuyển, sau khi được đề bạt làm ủy viên thường vụ thành ủy kiêm bí thư ban chính pháp thành phố Hợp Phì, năm 2001, được lên chức làm phó bí thư thành ủy Hợp Phì kiêm bí thư ban kiểm tra kỷ luật thành phố. Hoàng Đồng Văn sau khi vào cương vị lãnh đạo thành phố vẫn nói lời nói thật, vùi đầu làm việc thật, ông chẳng có gì thay đổi nhiều, nhưng số phận ông lại bị triệt để thay đổi. Thay đổi số phận của ông rõ ràng không phải toàn do thể chế của chúng ta hôm nay. Ngày nay, khi chúng ta hô to khẩu hiệu “khoa học kỹ thuật là sức sản xuất thứ nhất” nhanh chóng tiến về phía trước, xin đừng quên, toàn dân tộc cần phải xây dựng được một tinh thần khoa học chân chính, tinh thần thực sự cầu thị, điều đó so với bất kỳ sức sản xuất nào là cái còn quan trọng hơn!
[1]Một loạt khăn mà người Mông cổ, người Tạng dùng để tặng khách.[2]Trường Phong có nghĩa là phong phú lâu dài.
[1]Một loạt khăn mà người Mông cổ, người Tạng dùng để tặng khách.[2]Trường Phong có nghĩa là phong phú lâu dài.