Chương 7
Đạt tiêu chuẩn, công trình hình tượng và cái khác

26. Chỗ này đạt tiêu chuẩn, chỗ kia đạt tiêu chuẩn, bên trên không hề bỏ tiền
Dưới chân núi Bát Công Sơn, nơi sản sinh ra điển cố “cỏ cây đều là lính”, có một thành phố lịch sử văn hóa nổi tiếng cấp quốc gia - huyện Thọ; chúng tôi kinh ngạc trước việc ở đây đã tập trung được nhiều di tích văn hóa sán lại đến thế, ghi chép được nhiều di tích lịch sử lâu dài, dầy nặng đến thế: vừa là nơi nước Sở, nước Sái thời Xuân Thu viễn cổ đóng đô, lại là nơi ra đời của tổ chức đảng đầu tiên của tỉnh An Huy trong lịch sử hiện đại - chi bộ đặc biệt Tiểu Điện, đảng cộng sản Trung Quốc vừa là cố hương của văn hóa Sở Trung Quốc, lại vừa có tường thành cổ thời Tống duy nhất được bảo tồn tốt đến nay trên đại địa Hoa Hạ, cũng như chùa Thanh Châu lớn nhất vùng Hoa Đông; vừa có mộ Hoài Nam Vương Lưu An một lòng luyện đan để trường sinh bất lão nhưng cuối cùng phát minh ra đậu phụ, lại vừa có mộ Liêm Pha, đại tướng quân nước Triệu với những lời tốt đẹp ngàn năm trong diễn nghĩa “mang roi chịu tội”.
Thế nhưng, không nghĩ là, ở huyện Thọ, nơi cuối cùng để lại ấn tượng sâu sắc cho chúng tôi lại là một đoạn lịch trình mưu trí bên bờ đê An Phong Đường nổi tiếng là “con đê thứ nhất trong thiên hạ”.
Đê An Phong Đường thời cổ được gọi là Thược Bì, do nước Sở thời Xuân Thu đắp, do tể tướng Tôn Thúc Ngao khởi xướng, đê dài 52 dặm (26 km) ôm lấy hơn 3.300 ha mặt nước có 36 cửa và 72 đập, công trình to lớn, mặc dù là công trình thủy lợi lớn từ cổ đại còn lại đến ngày nay, nhưng đến bây giờ nó vẫn tạo phúc cho nhân dân huyện Thọ.
Hôm đó, chúng tôi đi qua chiến trường cổ - Phì thủy chi chiến, đến gần đê An Phong Đường. Nhìn mặt “ao” nước trời một màu, khói sóng mịt mù, trong lòng tự nhiên bồn chồn: một mặt nước rộng lớn đến thế vì sao lại gọi nhún là “ao?” Mắt thấy tận nơi, chúng tôi không thể không khâm phục suy nghĩ kỳ diệu của vị cổ nhân khéo hơn cả trời. Với lòng phấn khởi cao độ, chúng tôi tới Ủy ban trấn An Phong Đường, muốn tìm hiểu hơn nữa về công trình đầu mối thủy lợi do con người làm vĩ đại trong thời xưa, mà làm sao vẫn có thể thong dong thoải mái vượt qua hơn hai ngàn năm để đến nay còn tạo phúc cho nhân dân? Thế nhưng ở đây chúng tôi đã bất ngờ nghe được câu chuyện “tiêu diệt thôn trắng” phát sinh tại đó. Câu chuyện này đã làm cho lòng chúng tôi nặng như chì, dường như chìm xuống đáy “ao” An Phong Đường.
Một số công trình, cái nọ tiếp cái kia “đạt tiêu chuẩn, lên cấp” mới xây dựng mấy năm trước, không biết từ lúc nào đã tiêu tan như mây khói, mất dần đi trên đường chân trời vùng gần đê An Phong Đường, không để lại vết tích gì khiến người ta nghi ngờ về việc chúng đã từng tồn tại. Một bên là công trình viễn cổ, đến nay còn mang lại phúc cho dân; còn một bên là công trình đoản mệnh, để lại cho hậu duệ của Tôn Thúc Ngao là tai họa vô cùng!
Tại “con đê thứ nhất trong thiên hạ” nghe câu chuyện công trình đẻ nhanh chết nhanh, chúng tôi càng cảm thấy sự giễu cợt và hoang đường cùng cực của lịch sử.
Tôn Kiến Quân là phó trấn trưởng được phân công phụ trách tài mậu của trấn An Phong, đối với rất nhiều con số về tài vụ của toàn trấn, ông nắm chắc như đếm của báu trong nhà. Thế nhưng, hôm đó ông đọc tỉ mỉ những con số cho chúng tôi nghe, rõ ràng không phải là “của báu” của ủy ban trấn, mà là những con số mà hễ nói đến lại làm ông đau lòng.
Ông nói: “tiêu diệt thôn trắng” bắt đầu từ năm 1996. Sao lại gọi là tiêu diệt “thôn trắng”.
Nội dung ban đầu là các thôn đều phải xây dựng xí nghiệp. Dùng hai chữ “tiêu diệt” đã nói rõ quyết tâm của lãnh đạo, và cũng nói rõ sức mạnh của công tác. Nhiệm vụ từ trên vừa truyền xuống, đã giống như trở lại năm 1958 “nhảy vọt lớn”, nhà nhà đốt lửa, thôn thôn khói bay, đừng nói không làm, chỉ cần động tác chậm trễ là bị phê bình rồi. Thế nhưng, từ xưa đến nay, nông dân chỉ biết “mặt trời mọc thì đi làm, mặt trời lặn thì về nghỉ”, xí nghiệp là cái gì còn chưa biết, nên bảo làm là làm ngay, điều đó chẳng khác gì bảo đàn ông đẻ con. Tuy nhiên, mấy năm nay, nông dân vào thành phố làm thuê đã có sự trải đời, đúng là cũng có người biết muốn xây dựng xí nghiệp mà phải làm cho có lãi, nhưng rốt cuộc đó chỉ là số ít. Hơn nữa, nếu muốn làm, thì nói chung phải có một quá trình, chí ít là phải điều tra nghiên cứu nắm vững tình hình thị trường trước, sau khi đã chọn lựa đúng sản phẩm, hiểu chắc công nghệ sản xuất, nắm được quản lý xí nghiệp. Ngay ở thành phố, còn có bao nhiêu xí nghiệp quốc hữu chưa thoát khỏi khó khăn, nay lại đánh trống khua chiêng đòi nông thôn xây dựng xí nghiệp chẳng phải là lấy nông dân ra làm trò đùa như con khỉ, vứt máu, mồ hôi, tiền nong của nông dân xuống “ao” à?
Ông nói hai chữ “nhiện vụ” mà chúng tôi nghe giống như là một cuộc vận động, một cuộc “đảo đi đảo lại mù quáng”. Sau này khi chúng tôi đã đi được nhiều nơi, mới biết chuyện này không chỉ có ở trấn An Phong Đường, huyện Thọ, mà các nơi khác ở An Huy đều có, các tỉnh khác cũng đều làm như vậy.
Tôn Kiến Quân nói, đầu tiên trấn An Phong Đường làm một xưởng cao xu, đầu tư vào đó 4.850.000 NDT, bởi vì không biết làm thế nào, nên phải lên tỉnh mời người. Hiện nay xưởng đóng cửa nghỉ hoạt động từ lâu, nhà xưởng hư hỏng, thiết bị bán không được, trấn đã làm một con tính, nếu bán được hết thiết bị, thì khoản nợ cả vốn lẫn lãi của xưởng này đã lên tới hơn 6 triệu NDT.
“Nghĩ lại mới thấy buồn cười, xung quanh trấn An Phong Đường vừa không sản xuất kẽm, lại không có nhà máy luyện than cốc, cần gì đều không có, thế mà vẫn làm một xưởng luyện sản phẩm kẽm “nét mặt Tôn Kiến Quân tỏ ra bất lực”, “ngay một lúc đưa vào 1,55 triệu NDT, chưa được hai năm, nhà máy đã vỡ ổ”.
Sau đó còn xây dựng xưởng hóa chất. Nghe nói cũng làm ra sản phẩm, nhưng không có người mua, kết quả vứt vào 200.000 NDT, mà ngay tiếng nước chảy cũng không nghe thấy. Tiếp đó lại làm xưởng cán thép, nhà xưởng còn chưa xây lợp xong, thị trường đã không chấp nhận, lại bỏ vào 300.000 NDT, như dùng bánh bao ném chó, có đi mà không có về. Trong thời gian này, huyện còn buộc người trong trấn mua cổ phiếu nghe nói là sẽ hợp tác làm một xưởng cơ khí thông dụng gì đó, mặc dù đeo nhãn hiệu là của huyện, nhưng sau này sụp đổ, khoản tiền cả vốn lẫn lãi là hơn 300.000 NDT đều ghi là khoản nợ của ủy ban trấn An Phong Đường.
Ngoài ra, không chỉ làm xưởng sản xuất chất xốp làm đệm ô tô, mà còn làm xưởng gạch lát nền, đầu tư cho hai xưởng này là 340.000 NDT, do chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu, nên một xu cũng chẳng thấy.
Còn làm xưởng dệt chiếu cỏ. Vì cho rằng các loại xí nghiệp khác làm không tốt là có nguyên nhân kỹ thuật, nay dệt chiếu chắc là không có vấn đề, chỉ cần phát động nông dân xung quanh “ao” An Phong trồng lau, thêm mấy cái máy dệt nữa, đã có lau lại có máy dệt, thì thành công chắc đạt chín phần. Nhưng kết quả lại là gà bay, trứng vỡ không được gì, thì ra trồng lau không dễ như là tưởng tượng, mà ngay chiếu cỏ cũng chẳng biết bán ở chỗ nào. Bỏ ra hơn 400.000 NDT mua máy dệt cỏ từ Hồ Bắc, cuối cùng chỉ bán rẻ được mấy vạn NDT, cộng thêm tổn thất trong sản xuất, chẳng thấy hình bóng 500.000 NDT đâu nữa.
Trong thời gian trước sau hơn hai năm, 8 xưởng đã tổn thất hơn 10 triệu NDT.
Hơn 10 triệu NDT đấy!
Tiêu diệt “thôn trắng” đã làm hại trấn An Phong Đường thành “trấn không có vỏ!”
Ngần ấy tiền bỏ vào, không ít là do lãnh đạo huyện đứng ra điều hòa, là vay từ ngân hàng, ngân hàng nông nghiệp cho vay nhiều nhất. Hiện nay số lãnh đạo huyện đứng ra điều hòa từng người, từng người do “thành tích lãnh đạo đột xuất” đều được đề bạt lên trên cả, khoản nợ rối mù đó đều buộc vào cổ ủy ban trấn. Mà ủy ban trấn không có biện pháp giải quyết, sớm muộn thì cũng phải móc túi nông dân thôi!
Tôn Kiến Quân nói, đây chỉ là một hoạt động “lên cấp, đạt tiêu chuẩn” trong “tiêu diệt thôn trắng”, những hạng mục “lên cấp, đạt tiêu chuẩn” như thế, thực ra còn rất nhiều.
Từ huyện Thọ trở về Hợp Phì, chúng tôi đã tìm đọc “thông tri khẩn cấp về việc thiết thực giảm nhẹ đóng góp của nông dân” do Văn phòng Trung ương đảng và Văn phòng Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố ngày 29 tháng 1 năm 1993, thông tri đã chỉ ra một cách chính xác minh bạch: “vấn đề nông dân đóng góp nặng, thể hiện ở nông thôn, nhưng gốc rễ ở các bộ môn bên trên”, và nhấn mạnh, giảm nhẹ đóng góp của nông dân “phải nắm từ đầu nguồn, trước tiên phải nắm từ cơ quan nhà nước Trung ương”.
Điều này cho thấy, Trung ương rất hiểu tình hình bên dưới, biết là một nguyên nhân rất lớn của việc đóng góp nặng nề của nông dân là đến từ “cơ quan nhà nước Trung ương”, đến từ các hoạt động đạt tiêu chuẩn, lên cấp, thu phí, dịch vụ, phạt tiền… theo “các lệnh”, để từ đó dẫn tới việc chính quyền địa phương, tiến hành tập trung vốn, phân bổ lớn với nông dân.
Những nông thôn mà chúng tôi đã tới, thường chỉ cần đưa mắt là đã nhìn thấy một số khẩu hiệu, bởi vì chúng được viết bằng vôi trên tường gạch, rất rõ:
x.x nhân dân, nhân dân làm, làm tốt x.x vì nhân dân!
Lúc đầu khi nhìn thấy mấy chữ “nhân dân” làm khẩu hiệu đập vào mắt, thấm vào đầu, thực lòng mà nói cũng thấy được cổ vũ sâu sắc, để lại ấn tượng tốt đẹp. Nhưng sau này nhìn thấy nhiều, thậm chí thấy quá mức, trong lòng phát sinh ngờ vực, vì sao việc gì cũng đều do nhân dân tự làm cả, ba chữ “vì nhân dân” mũ áo đường hoàng đã bị trừ hao lớn quá rồi, chỉ có thể cho thấy rõ vấn đề “thiếu chỗ” và “nhầm chỗ” trong công tác tài chính của chúng ta.
Thực chất, đẩy chỉ là sự đùn đẩy trách nhiệm và nghĩa vụ, là nguồn gốc của các luồng gió bất chính phân bổ bừa bãi, tập trung vốn bừa bãi, phạt tiền bừa bãi mà chỗ nào bây giờ cũng thấy!
Công dân Trung Quốc, đương nhiên bao gồm cả đông đảo nông dân, có nghĩa vụ tự giác nộp thuế, đồng thời cũng có quyền lợi được hưởng dịch vụ công cộng, không có khả năng và cũng không xuất tiền làm thay chính phủ một cách không ngừng.
“Có nghèo không để trẻ con nghèo, có khổ không để giáo dục khổ”.
“Muốn giàu sang, hãy làm đường”.
“Người giàu đều được bảo vệ sức khỏe chữa bệnh ban đầu”.
“Thôn thôn đều có điện thoại”.
“Nâng cao tố chất thể dục toàn dân”.
Thủ đoạn phá án không thể lạc hậu hơn thủ đoạn gây án của phần tử phạm tội”.
Những biểu ngữ, khẩu hiệu đó được viết đầy rẫy ở đầu thôn cuối chợ, viết vào “văn kiện đóng dấu đỏ”, chúng tôi đã nghe mãi thuộc lòng. Những khẩu hiệu đó đúng là đều chính xác, hơn nữa đều là việc tốt, đều nên làm, thế nhưng ai cho tiền? Từ Trung ương đến địa phương, chính quyền các cấp chỉ quản lý việc định chỉ tiêu, phát văn kiện, tiền đều do nông dân bỏ ra.
Đương nhiên, trên không ít văn kiện cũng thường đề cập: “Nhà nước đầu tư một ít, tập thể trù liệu một ít, nông dân nộp một ít”, câu nói đó nghe ra hợp tình hợp lý, thậm chí tràn đầy lòng quan tâm yêu mến. Thế nhưng “Nhà nước đầu tư một ít” phần lớn chẳng qua là viết trên giấy; “tập thể trù liệu một ít” thì điểm nguy hại nhất lại ở chữ “trù liệu”, trù liệu ở đâu? Nói trắng ra là, hai điểm đầu nghe rất kêu, nhưng cuối cùng đều biến thành đóng góp của nông dân.
Kết quả là, chỗ này một ít, chỗ kia một ít, bao nhiêu cái “một ít” đó hội tập lại khiến đóng góp thành núi!
Nông dân gọi cái đó là “bộ môn bày cách làm, lãnh đạo thì vỗ bàn, nông dân đành móc tiền”.
Ngày 26 tháng 10 năm 1994, “Nhân dân nhật báo” đăng bài nói của Lưu Giang, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp lúc đó. Lưu Giang nói: “Có một số đồng chí cho rằng, việc chúng ta làm không đòi hỏi nông dân bỏ ra rất nhiều tiền, chỉ là tiền bán một, hai quả trứng gà. Trên thực tế người này yêu cầu nông dân một hai quả, người khác yêu cầu nông dân một hai quả, thì tập hợp tất cả vào người nông dân sẽ là một rổ, thậm chí hai rổ trứng”.
Điều khiến chúng tôi chú ý là, ở một số huyện, thị mà chúng tôi đến phỏng vấn, tuyệt đại đa số lời nói của lãnh đạo sử dụng hầu như toàn là “bàn về hai điểm”. Tại hội nghị giảm nhẹ, bọn họ có thể ra sức nói về sự quan trọng của việc giảm nhẹ đóng góp của nông dân, ra sức nói “đóng góp của nông dân” là đường cao áp, không ai chạm vào được; đến hội nghị khác, lại lập tức biểu dương tiến độ “đạt tiêu chuẩn” nhanh, phê bình động tác chậm chạp, thậm chí còn gay gắt trách hỏi: “Người ta đều có thể làm được, vì sao các anh lại không làm được?” Thế là đường xá làm cho rộng, khí thế thị trấn làm cho to, nhà làm việc làm cho đẹp, chỗ nào cũng được hưởng, rồi được đề bạt, được nêu là cán bộ “kiểu mở đường”, còn như những khoản tiền đó lấy ở dâu ra thì không quan tâm. Bất kể là anh ta bóc lột nông dân, hay là vay tiền một cách ác ý, liệu có phải là “ăn cơm của tổ tiên” hay là “chặt đứt đường của con cháu”, đều không ngăn cản nó trở thành điển hình và gương mẫu.
Hình như có người đã nói, tốc độ và sự quên lãng tỷ lệ thuận với nhau. Khi chúng tôi xem xét những hoạt động “đạt tiêu chuẩn, lên cấp” đã từng kích động lòng người được làm một cách sục sôi khí thế ngất trời tại nông thôn trong mấy năm qua, đã phát hiện được rằng dân tộc chúng ta nói chung rất chung tình với những “việc lớn, công to”, coi trọng hình thức, dường như chúng tôi luôn luôn ở trong sự bùng nổ thông tin, nhưng lại luôn luôn lâm vào cảnh vô cùng mệt nhọc tê liệt, sau bùng nổ và trong tai họa. Đi con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã trở thành quốc sách của chúng ta, thế nhưng “con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” của nông thôn Trung Quốc rốt cuộc là cái gì? Cải cách mở cửa hơn hai mươi năm rồi, nông dân Trung Quốc đến nay vẫn không hiểu.
Theo điều tra, thống kê của Bộ nông nghiệp và Ủy ban kế hoạch nhà nước, từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, trong những “văn kiện đóng dấu đỏ” do cơ quan Trung ương qui định các hoạt động yêu cầu nông dân xuất tiền xuất vật ra để “đạt tiêu chuẩn” và thực ra không “đạt tiêu chuẩn” nhưng thực chất vẫn được coi là “đạt tiêu chuẩn” đã có 43 mục, cộng thêm các hạng mục “đạt tiêu chuẩn” do đảng ủy, chính quyền địa phương truyền xuống dưới thì nhiều tới 70 - 80 mục. Trong đó bao gồm giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao thể dục, sinh đẻ có kế hoạch, phát thanh truyền hình, điện thoại, giáo dục quốc phòng, huấn luyện dân quân, bảo hiểm lao động, dân chính, hệ thống dịch vụ xã hội hóa nông thôn, xã hội tổ chức cơ sở, hạ tầng cơ sở giao thông, xây dựng thôn trấn văn minh, công trình xanh hóa, trị lý tổng hợp trị an xã hội v.v… dường như bao trùm lên mọi lĩnh vực của công tác nông thôn. Lớn thì là nghiệm thu huyện đạt mức sống khá giả, giáo dục “đạt tiêu chuẩn”, y tế “đạt tiêu chuẩn”, phục vụ sinh đẻ có kế hoạch “đạt tiêu chuẩn”, xây dựng được thôn, trấn, huyện y tế văn minh v.v…, nhỏ thì là đặt mua báo, diệt chuột, cải tạo nguồn nước, cải tạo hố xí v.v… đạt tiêu chuẩn.
Mỗi một mục đều đòi nông dân bỏ tiền, cộng lại đâu chỉ là tiền của “một rổ thậm chí hai rổ” trứng gà!
Bộ môn cấp trên đóng cửa nặn ra phương án, đề xuất chú ý, áp đặt nhiệm vụ, nhưng một xu không cấp, mà nếu có cho một ít thì cũng là “để cho có tiếng”, sau khi đạt tiêu chuẩn thì cấp cho một ít tiền thưởng có tính tượng trưng, còn gọi đẹp là “lấy thưởng thay cấp phát”.
Nội dung “đạt tiêu chuẩn” của mỗi mục rất cụ thể. Ví dụ “đạt tiêu chuẩn” về giáo dục là: Nhà hai tầng, tường gạch, cửa sắt, có vườn hoa, yêu cầu các thôn xây trường tiểu học, tường đất đổi thành tường gạch, kết cấu gạch gỗ đổi thành xi măng cốt thép, còn yêu cầu thiết bị đồ dùng giảng dạy phải tiểu chuẩn hóa… chỉ riêng mục này đã ép cho nông dân ngóc đầu không nổi. Ví dụ nữa là, đồn công an xã, trấn “đạt tiêu chuẩn” là “công trình 3511” tức là cứ 3 người, có 5 phòng, 1 mô tô, 1 máy liên lạc. Thực ra khi “công trình 3511” này truyền xuống dưới thì 13 người cũng không đủ, 5 phòng biến thành một ngôi nhà; 1 mô tô 1 máy liên lạc đã biến thành 1 ô tô cảnh sát và người người đều có điện thoại di động. Lại ví dụ như “thôn thôn đường xá thông”, tiêu chuẩn của công lộ là “hai hóa”; “nhựa đường hóa” và “màu đen hóa”, không tính sỏi, đá, cát, đất. Lại ví dụ nữa, bộ môn điện và phát thanh công bố “tỷ lệ đưa loa nhỏ vào nhà” rất cụ thể, ai chả biết ngày nay ở nông thôn đều đã phổ biến có máy thu thanh và máy truyền hình, thế thì vì sao còn ra lệnh buộc phải có “tỷ lệ loa nhỏ vào nhà” làm gì, thật khiến người ta dở cười dở khóc.
Chẳng cần phải nói, chỉ tiêu đạt tiêu chuẩn nghiệm thu huyện khá giả có tới mấy chục mục, từng điều nghe ra đều quan trọng, thiếu một điều cũng không thông qua, mà mỗi điều đều buộc nông dân bỏ tiền ra.
Tiếng oán trách của nông dân đầy đường, cán bộ huyện xã cũng kêu khổ không ngừng.
Các “quan xã” vì vậy đã soạn câu vè:
“Chỗ này nghiệm thu, chỗ kia nghiệm thu, đều bắt cán bộ huyện, xã lo”.
“Chỗ này đạt tiêu chuẩn, chỗ kia đạt tiêu chuẩn, cấp trên chẳng bao giờ móc túi”.
“Chỗ này làm lớn, chỗ kia làm lớn, đều là máu và mồ hôi của dân làm ruộng”.
Ngày nay từ trên xuống dưới đều thực hiện chế độ bổ nhiệm hoặc chế độ bổ nhiệm biến tướng, cán bộ được lựa chọn, đề bạt chỉ chịu trách nhiệm nói cấp trên, chứ không cần chịu trách nhiệm với cấp dưới. Cho nên không sợ “thượng đế” chỉ sợ thượng cấp; chỉ sợ lãnh đạo phê bình, không sợ quần chúng phản đối, điều này đã làm cho quan hệ máu thịt giữa đảng ủy và chính quyền các cấp biến thành quan hệ dầu - nước, đầy tớ của dân biến thành ông chủ của dân. Đồng thời chế độ tổ chức của chúng ta lại hình thành cục diện quản lý nhiều mục tiêu do bộ môn chia nhau quản lý, do chính quyền và bộ môn, cũng như các bộ môn trong cùng một chính quyền, đã hình thành một hệ thống sát hạch thành tích chính trị từ trên xuống dưới rất khổng lồ. Vì thế danh mục “nghiệm thu đạt tiêu chuẩn” nhiều loại, không những làm cho nông dân khổ hết chỗ nói mà còn vượt quá rất nhiều khả năng chịu đựng của tài chính huyện, xã, để được nghiệm thu “đạt tiêu chuẩn”, và càng vì sự “thăng quan tiến chức”, nhiều cán bộ huyện, xã đã đen tối cả ruột gan.
Những sự việc kỳ quái rất nhiều. Trong sự đạt tiêu chuẩn của hệ thống dịch vụ xã hội hóa nông thôn, các bộ môn chủ quản cấp trên đều yêu cầu khi xây dựng trạm dân số phải làm được “năm có”, tức có nhà, có nhãn hiệu, có nhân viên, có căn cứ, có kinh phí. Vấn đề của “năm có” là nhiều bộ môn chủ quản mượn việc “đạt tiêu chuẩn, lên cấp” để làm nhiều chuyện trong vấn đề con người. Trước đây nhân viên ở “bảy trạm tám sở” ở cấp xã, trấn phần lớn là thuê ở nông thôn, bọn họ vừa là công vừa là nông, chỉ được lĩnh tiền lương của nhân viên phụ động, dù cương vị tương đối cố định, nhưng khi họ không xứng với chức vụ hoặc tài chính không thể gánh vác, thì ủy ban xã, trấn có quyền không mời nữa. Nhưng hiện nay, bộ môn chủ quản cấp trên về tài chính, thuế vụ, công an, tòa án, công thương, giao thông, y tế, lương thực, kỹ thuật nông nghiệp, máy móc nông nghiệp, thủy lợi, giống má, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thực phẩm, nghề cá v.v…, không những yêu cầu bên dưới tăng người, tăng tiền mà còn lạm dụng việc đó để làm người tốt, ngay một lúc đưa những người mới dùng đó thành công nhân, cán bộ, chính thức đưa vào “ăn lương vua”, và tăng lương hàng loạt. Những chi phí, tiền lương tăng thêm đó, cấp trên chỉ hứa suông, mà yêu cầu tài chính xã, trấn phải “hóa duyên”. “Hóa duyên” từ nơi nào? Vẫn là buộc cán bộ xã, trấn phải làm cán bộ “ba đòi”, tháng tháng, ngày ngày đòi tiền, đòi lương thực, đòi mạng sống của nông dân. Đòi mạng sống ở đây, thông thường là chỉ “nạo thai” có tính cưỡng chế đối với những phụ nữ muốn đẻ ngoài kế hoạch, nhưng cùng với việc quan hệ cán bộ quần chúng, ngày một xấu đi, làm không tốt thì quả là gây ra chết người.
Mang quyền lực có hạn ra gánh vác trách nhiệm vô hạn, chính quyền xã, trấn hữu danh vô thực đã làm cho nhiều “quan xã” khi đối mặt với công tác nông thôn trăm đầu ngàn mối đã thể hiện bằng bộ mặt khó khăn và không biết làm gì: “bên trên làm đạt tiêu chuẩn, vì sao lại bắt bên dưới ôm bao phục?”
Trong phỏng vấn, chúng tôi được biết, trấn Nguyên Tường, huyện Thái Hòa, tỉnh An Huy trong hoạt động “đạt tiêu chuẩn, lên cấp”, đã xây phòng học mới hết 2,28 triệu NDT, sửa đường hết 1,16 triệu NDT, lắp truyền hình cáp, hết 440.000 NDT, tổng đầu tư cho các công trình nông, lâm, thủy lợi đạt tiêu chuẩn là 4,48 triệu NDT. Người mới đến trấn Nguyên Tường, chỉ cần nhìn bộ mặt của trấn Nguyên Tường một cái là sáng mắt lên, thế nhưng những công trình này, một là không thể ăn, hai là không thể uống, ủy ban trấn trước sau nợ hơn 13 triệu NDT, tiền lãi ngân hàng mỗi năm không phải là ít.
Liệu cả đời các phụ lão hương thôn trấn Nguyên Tường có thể trả hết không?
Nợ có chủ, nhưng phần trách nhiệm của hành vi tội lỗi này nên do ai chịu?
Khi biết được tình hình nợ nần của xã Bát Công Sơn, chúng tôi thực sự cảm thấy kinh ngạc bất ngờ. Có thể nói, xã Bát Công Sơn là một xã, trấn nhỏ nhất của tỉnh An Huy, tổng cộng chỉ có 4 thôn, một xã nhỏ bằng cái móng tay mà trong hoạt động “đạt tiêu chuẩn” đã nợ tổng cộng hơn 10 triệu NDT, đến nỗi khi Bào Quảng Hỷ được cử làm bí thư đảng ủy xã, ngay kinh phí bình thường cũng khó duy trì nổi, trong lúc tình hình cấp bách, đã phải chạy đến vay tiền ở nhà hóa thân hoàn vũ.
Mượn tiền trên đầu người chết để phát lương cho người sống, sợ rằng đó là tin tức chưa bao giờ nghe thấy! Chi tiết khiến người ta khóc cười cũng dở đó như một chén rượu đắng, khiến người ta khó nhận.
Từ ngày 5 đến ngày 18 tháng 10 năm 1999, Hội kinh tế nông nghiệp Trung Quốc triệu tập “Hội nghị nghiên cứu học thuật về điều chỉnh kết cấu kinh tế nông thôn và thu nhập nông dân toàn quốc” tại Thành Đô, đại biểu các nơi hăng hái phát biểu, phổ biến cho rằng, ngày mà phong khí xã hội đoan chính thì mới là lúc đóng góp của nông dân được triệt để giảm nhẹ”.
Tại hội nghị, mọi người công khai đề xuất ý kiến với cơ quan Trung ương: hoạt động đạt tiêu chuẩn, lên cấp không phù hợp với thực tế chủ yếu đến từ các Bộ, Ban Trung ương, không nắm từ đầu nguồn, thì rất khó làm được việc giảm đóng góp cho bên dưới.
“Dựa vào pháp luật, quản lý đất nước, trước tiên phải dựa vào pháp luật thi hành chính sự”. Điều này đã trở thành nhận thức chung của các đại biểu trong lần hội nghị này. “Dựa vào pháp luật thi hành chính sự, phải dựa vào pháp luật quản lý quyền hạn, dựa vào pháp luật quản lý các quan!”
Các cơ quan Trung ương không dẫn đầu, gương mẫu, vẫn cứ đùn đẩy những việc mà nhà nước không có sức làm xuống đầu nông dân, cứ nghĩ chỉ một buổi sáng là có thể làm xong việc tốt, chẳng cần chúng ta ba hoa khoác lác về việc giảm nhẹ đóng góp cho nông dân, ngay việc gia tăng thu nhập cho nông dân cũng là chuyện một ngàn lẻ một đêm ở chân trời.
27. Hình tượng của ai?
Hiện nay không ít cơ quan chính quyền hoặc là đơn vị sự nghiệp, đều nói theo mốt những câu: “Trong thì tập hợp sức mọi người, ngoài thì dựng hình tượng”. Tất nhiên, nếu thật được như thế, thì là lợi dân lợi nước, chỗ tốt rất nhiều, chả cần đợi nói nữa, thế nhưng nhiều cái thấy không bình thường là, huyện, xã ba bốn năm bầu một khóa, cán bộ thay đổi cương vị quá nhiều, có nhiều cán bộ khó có thể suy tính kế hoạch lâu dài, nên vừa nhận nhiệm vụ là vội vội vàng vàng làm “công trình hình tượng”.
Nói cho dễ nghe một chút, cái này gọi là làm việc thực, nhưng trong lòng lại là chủ nghĩa hình thức, thậm chí chỉ là để tấn thăng, kiếm vốn cho mình, vì thế, hôm nay một tư tưởng mới, ngày mai một chiến lược mới, ngày kia lại một hành động mới.
Muốn lên hạng mục, phải trù liệu vốn, tập trung vốn, phân bổ xong, cuối cùng đều rơi xuống đầu nông dân.
Ở đây, xin dẫn ra một vấn đề rất đáng suy nghĩ: “chăm chỉ làm chính sự” có nhất định tốt không? Nếu như chỉ làm ra những tiếng ồn, những bong bóng về công việc quản lý chính quyền, thì chẳng những không là chăm chỉ làm chính sự vì dân mà là quấy nhiễu nông dân thậm chí còn làm hại dân.
Thực ra một chính quyền có hiệu suất cao, làm việc thiết thực không nhất định ngày nào cũng phải xử lý hàng đống việc quan trọng, không nhất định phải bận rộn đến bù đầu rối tóc, mà là trong khuôn khổ pháp luật và chế độ, chẳng cần khoe khoang mà hãy làm tốt chức trách của mình, đặt mình vào thực tế mà làm tốt công việc nên làm. Xử lý chính sự không cần sự huyên náo, yên tĩnh mới là phẩm cách của tầng nấc cao hơn.
Loại thủ pháp dùng “điệu bộ” hoặc việc “dựng hình tượng” để xin công lĩnh thưởng, chẳng có gì mới, thời xưa đã có. Anh chẳng thấy, trong “Ký sự hiện hình quan trường” đã miêu tả một vị Hồ thống lãnh, giả làm thổ phỉ, ông ta muốn nhanh chóng có thành tích chính trị để cấp trên chú ý, nên đã bắt quan, lính coi thôn dân là thổ phỉ làm loạn một hồi, sau đó lại bỏ ra trên 30.000 lạng bạc để mua “ô vạn dân” báo cáo lên trên. Sau ngày thành lập nước, trong thời kỳ “nhảy vọt lớn” cũng có người làm ra “vệ tinh đặc biệt lớn”, sản lượng lương thực “75.000” tấn một ha.
“Ô vạn dân” và “lương thực 75.000 tấn”, nói cho cùng chỉ có thể lừa bịp được một số lãnh đạo cấp trên nào đó có tác phong quan liêu nghiêm trọng, hoặc là những lãnh đạo cấp trên cũng thích lừa gạt giả dối như họ.
Cho đến hôm nay, loại “lãnh đạo cấp trên” như vậy có thể nói là như tơ không dứt, vì thế những công trình quấy nhiễu nông dân làm hại dân cũng nối tiếp nhau ra đời không dứt.
Tại trấn Hoa Câu, huyện Oa Dương, tỉnh An Huy, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy một “công trình bốn vạn”, một chữ “vạn” đã gay go rồi, “công trình bốn vạn” này càng gay go hơn!
Nội dung cụ thể của “công trình bốn vạn” là công trình trồng một vạn mẫu [1] hoa cúc, công trình hành lang dài một vạn mét nho, công trình một vạn mẫu rau và công trình một vạn hộ nuôi chim bồ câu. Thử nghĩ xem, tại quê hương Lão tử, tại một trấn ở bình nguyên Hoài Bắc, khí thế hào hùng trồng được một cạn mẫu rau, một vạn mẫu hoa cúc, thì “thành tích chính sự” của quan xã này chẳng đột xuất ư? Có thể động viên được một vạn hộ nông dân nuôi chim bồ câu, trồng được hành lang cây xanh (là cây nho) dài một vạn mét, liệu người đứng đầu trấn có thể nhàn rỗi được không?
Thực ra, “công trình bốn vạn” lúc đầu nghe cũng rất kêu. Bày mưu xúi giục công trình này là Trần Hiểu Minh, bí thư đảng ủy trấn, không những vì thế mà được ngưỡng mộ, hơn nữa còn nổi tiếng một phen. Bí thư huyện ủy hết sức ca ngợi tại hội nghị: “Oa Dương cần phải có mấy Trần Hiểu Minh, chức bí thư huyện ủy này tôi càng làm tốt!”
Để thực thi “công trình bốn vạn” của mình, Trần Hiểu Minh đã mang cái khí thế nói một là một, mạnh mẽ vang dội của những năm còn làm đồn trưởng đồn công an Hoa Câu. Để bảo đảm hành lang cây xanh dài một vạn mét do trồng nho làm xong, một vạn mét cây đang có trên hai bên đường chỉ một lệnh đưa xuống đã bị chặt hết không còn một cây, nhà cửa của 78 hộ ở ven đường cũng buộc phải dỡ bỏ, không sót một gian.
Khi chúng tôi tới Hoa Lan, mắt chỉ nhìn thấy những cảnh thê lương. Trong các hộ bị cưỡng bức dỡ nhà, có người phải bỏ ra 20.000 NDT để làm nhà mới trong hai năm, tước đoạt đi những tích lũy mà nửa đời người vất vả mới để dành được! Nhưng còn nhiều nông dân không có nhà ở, còn phải trú trong những căn lều cỏ bốn bề gió thổi.
Nông dân đã làm bài vè để trút sự bất mãn của mình: “Trần Hiểu Minh, tay che trời, làm “hình tượng”, muốn lộ diện, khiến thôn dân phải ở lều, một đêm quay trở về trước giải phóng”.
Ở hiện trường “hành lang cây xanh dài vạn mét”, chúng tôi phát hiện, cái công trình này làm hại bao nhiêu nông dân không có nhà để ở, trước đó đã bỏ ra năm, sáu vạn NDT để mua hơn một vạn gốc mầm nho, đã không còn mấy gốc sống được, trong khi một vạn mét cây trồng có từ trước đó đã bị chặt sạch. Hiện nay “hành lang dài” không thấy, cũng không thấy “màu xanh” chỉ thấy hơn một vạn cột xi măng đỡ “cây nho” đứng trơ cùng năm tháng, không lời nói lên sự hoang đường của “công trình”.
“Công trình một vạn mẫu hoa cúc” được trồng ở chỗ đối diện với đê sông, nay đã thành chỗ thôn dân thả cừu, trăm họ không thấy một xu hiệu quả, nhưng khi mua giống, ủy ban trấn đã tiêu hơn 200.000 NDT.
Trên khoảng đất đã từng là “công trình một vạn mẫu rau”, ngoài mấy khoảng đất trồng linh tinh ớt rau ra, những khoảng đất còn lại đã được nông dân trồng lúa mì. Gần đó là “công trình một vạn hộ nuôi chim bồ câu”, khi bắt đầu, trấn buộc nông dân bỏ ra mười mấy NDT để mua một đôi chim về nuôi, nay thì chim chết, chuồng không, nông dân mất hết.
Khi chúng tôi tới, “công trình bốn vạn” đã bị “Nhật báo pháp chế” và đài truyền hình Trung ương đưa ra ánh sáng, Trần Hiểu Minh đã bị cách chức, cách làm sai lầm của “công trình bốn vạn” đã được uốn nắn. Tiếp đón chúng tôi là Đặng Hoa, trấn trưởng mới được điều về nhận chức, anh vốn là phó phòng tư pháp huyện, đã tốt nghiệp Viện đại học sư phạm, là người xã Tiên Lý, huyện này. Ông cho chúng tôi biết, tài chính huyện vay 880.000 NDT, trấn cũng bỏ ra 200.000 NDT, lãnh đạo đảng, chính quyền mới, đang bận rộn giải quyết “công trình bốn vạn” tạo ra cho nông dân.
Chúng tôi không hề nghe nhầm, anh nói tài chính huyện vay 880.000 NDT, là “vay” chứ không phải là viện trợ không phải hoàn lại, khoản tiền đó không phải huyện cho không, vay là phải trả. Tương lai khoản tiền đó, sẽ do ai trả? Chẳng phải là vẫn do nhân dân Hoa Câu đóng góp ư?
Chỉ một mình Trần Hiểu Minh đã làm cho trăm họ một phương hao tiền tốn sức, gà chó không yên, nếu theo ý kiến của bí thư huyện ủy, cần có thêm mấy Trần Hiểu Minh nữa, thì huyện này còn tăm tối cực kỳ!
Rốt cuộc “công trình bốn vạn” lập hình tượng của ai?
Câu trả lời không nói cũng rõ.
Thế nhưng tại nông thôn Trung Quốc rộng lớn, đâu chỉ có một Trần Hiểu Minh.
Nhiều địa phương, nhiều cán bộ, vẫn còn nhiệt tình với “thành tích chính trị bên đường” và “công trình chậu hoa”. Hai bên đường công lộ, nhưng trong phạm vi ngồi ô tô con có thể nhìn thấy, không cho phép nhà cũ nát, loại nhà tranh, thôn dân tập trung đến cái gọi là “thôn khá giỏi” loại vào khu “qui hoạch”, cây cối hai bên đường, mùa màng hai bên đường cũng được sắp xếp vô cùng đẹp. Dường như “lý do” làm như thế rất đầy đủ: Phấn, son phải bôi lên mặt, người phải mặc áo đẹp, ngựa cần yên cương mới.
Quan viên bên dưới nhiệt tình nói dối, chỉ có thể thuyết minh bên trên một số quan thích nghe lời nói dối, chí ít thì nói dối cũng không có hại, nếu không thế thì làm sao giải thích được?
Những “công trình hình tượng” các loại, các vẻ được quần chúng gọi là “bề ngoài cục phân lừa bóng” ấy, rốt cuộc đã tạo thành tổn thất lớn bao nhiêu cho nông dân Trung Quốc, chúng tôi không có cách gì để biết được con số chính xác, nhưng tin chắc nó sẽ lớn kinh người!
28. Cách mạng không phải là mời khách thì là ăn cơm
Tạp chí “Tham khảo chữ viết to” của An Huy ngày 20 tháng 11 năm 1997, đăng bài viết “Nợ nần ở thôn xã khiến người ta lo nghĩ”. Tác giả viết: “gần đây tôi cùng đồng chí ở văn phòng giảm nhẹ đóng góp của tỉnh, tiến hành một lần điều tra tình hình nợ nần ở hai cấp thôn, xã, kết quả khiến người ta rất kinh ngạc. Chúng tôi điều tra ba xã, trấn, một cái nợ 13,10 triệu NDT, một cái nợ 8,5 triệu, một cái nữa nợ 7,31 triệu; một số thôn tương đối cũng nợ tới ba, bốn mươi vạn. Phân bố vào đầu nông dân, bình quân mỗi người nợ 380 NDT, bình quân mỗi hộ nợ 2.000 NDT. Sau khi điều tra, chúng tôi đã trao đổi với một số huyện trưởng, bí thư huyện ủy, họ đều cho rằng tình hình trên không phải là cá biệt mà mang tính phổ biến. Thật là làm cho chúng tôi không lạnh mà run.
Tác giả bài viết đó là Ngô Chiêu Nhân, phó chủ nhiệm ủy ban kinh tế nông nghiệp tỉnh An Huy, lúc đầu tiên khi đọc bài báo của ông, chúng tôi cũng không thể không kinh ngạc. Bởi vì việc ông làm là công tác “kinh tế nông nghiệp”, không thể quan liêu đến mức không biết tý gì tình hình bên dưới, đến nỗi gần đây xuống dưới, mới điều tra có ba xã, trấn, nói chuyện với mấy lãnh đạo huyện mà đã “vô cùng kinh ngạc” và cảm thấy “không lạnh mà run”. Sau khi đã tiếp xúc với Ngô Chiêu Nhân mới biết, ông là người rất thích chạy xuống dưới, thường điều tra nghiên cứu nông thôn các nơi, hơn nửa đời người toàn là làm chuyện cầm bút, từ thư ký công xã nhân dân lên tới thư ký cho bí thư tỉnh ủy, những chữ cả đời viết ra phải dùng trăm triệu để tính, đã được in sợ rằng cũng không ít hơn một triệu, thế nhưng, đúng là về cơ bản, ông không hề nghĩ là vấn đề công nợ của hai cấp thôn, xã lại trở nên nghiêm trọng đến như thế.
Sau này, cùng với việc không ngừng đi sâu điều tra, chúng tôi mới biết là vấn đề công nợ của xã trấn, mấy năm trước đã bộc lộ rõ, chẳng qua là bị các loại biện pháp “chuyển khống tài chính” và “năm nay ăn lương thực năm sau” của xã, trấn che giấu đi. Mãi đến năm 1998, khi Trung ương tại hội nghị công tác nông thôn quy định, trong ba năm bắt đầu từ năm này, các địa phương thu các loại phí của nông dân không được vượt quá mức tuyệt đối của năm 1997, mới về thực tế buộc phải đưa vấn đề công nợ của xã trấn Trung Quốc ra trước sân khấu, không còn chỗ che giấu nữa, từ đó mâu thuẫn được công khai hóa. Thế nhưng đợi đến khi phát hiện vấn đề thì vấn đề đã tương đối nghiêm trọng, tương đối phổ biến.
Điều đó có nghĩa là, Ngô Chiêu Nhân với tư cách là người phụ trách ủy ban kinh tế nông nghiệp tỉnh, mà ngay từ năm 1997 đã đề xuất được vấn đề “công nợ của thon, xã khiến người ta phải lo nghĩ”, không những là tương đối sớm hơn nữa còn là khó có, rất đáng quí vậy.
Ba xã, trấn mà Ngô Chiêu Nhân nói đến lần lượt là Trấn Nguyên Tường, huyện Thái Hòa, trấn Kiến Thiết huyện Thọ và trấn An Phong Đường, huyện Thọ tỉnh An Huy. Thời gian ông xuống dưới điều tra là tháng 10 năm 1997, đã được mấy năm rồi, công nợ mà ông nắm được lúc đó của trấn Kiến Thiết và trấn An Phong Đường giờ đã tăng lên hơn 10 triệu NDT rồi. Ở huyện Thọ, chúng tôi gặp Mao Đức Bảo, bí thư đảng ủy trấn Lưu Cương, Mao Đức Bảo nói, năm 1998, ông ta đến nhận chức ở Lưu Cương, lúc đó Lưu Cương đã nợ hơn 14 triệu NDT. Con số này rõ ràng là lớn hơn nhiều số nợ của trấn Nguyên Tường, huyện Thái Hòa, nơi được coi là có số nợ lớn nhất trong bài viết của Ngô Chiêu Nhân!
Từ Bộ nông nghiệp, trong kết quả điều tra nông thôn của mười mấy tỉnh, khu tự trị, chúng tôi đã biết trước: nợ bình quân của cấp xã là 4 triệu NDT, bình quân của cấp thôn là 200.000 NDT.
Chúng tôi không tìm được những con số về mặt này từ năm 1998 trở về sau, thế nhưng có thể khẳng định, con số đó ở các địa phương còn tăng thêm nữa.
Kết luận đã rất rõ ràng: công nợ của xã, thôn đã trở thành một vấn đề lớn có tính toàn quốc.
Những món nợ lớn như vậy đã được dùng vào việc gì? Ngoài tuyệt đại bộ phận là sự chiếm dụng của các việc “đạt tiêu chuẩn lên cấp”, “công trình hình tượng” mà chúng tôi đã nói trên ra, còn có một số việc không rõ ra sao.
“Đó là kết quả xấu của thói ba hoa”. Ngô Chiêu Nhân viết: “Báo cáo láo hiệu quả xí nghiệp, báo cáo giả thu nhập tài chính, nói phét cũng phải nộp thuế, sau khi nộp, tự mình không phát nổi lương, đành phải dựa vào vay nợ để có cơm ăn”.
“Còn điều nữa là, dùng vào những việc chi tiêu không chính đáng”. Ông nói, điều này sổ sách không phản ánh được, tên là “các chi tiêu khác”, một chữ “khác” đã che giấu được những trò những mục đủ loại. Trong đó có chuyện ăn uống đã nhiều lần cấm mà không được.
Trước đây, Mao Trạch Đông đã nói một câu danh ngôn: “Cách mạng không phải là mời khách ăn cơm”, câu này nay đã biến thành: “Cách mạng không phải là mời khách mà là ăn cơm”; ngay cả câu thơ nổi tiếng: “Hồng quân không sợ viễn chinh khó, trăm núi ngàn sông vẫn coi thường” ngày nay cũng bị sửa thành: “Làm quan không sợ uống rượu khó, cạn cốc cạn chén cũng coi thường”.
Người Trung Quốc xưa nay không sợ cái gì, nay đã biến thành cái gì cũng dám ăn. Cái gì bò trên mặt đất, bay trên trời, bơi trong biển, ngoài thịt người ra, những thứ có thể ăn được, đều ăn hết; gà vịt cá thịt ăn đủ chán, ba ba rùa cũng chẳng hiếm, cầm thú dã sinh đều đã nếm. Rượu nhẹ, rượu mạnh; rượu trắng, bia, rượu hoa quả; rượu trong nước, rượu ngoại; từ một ly phát triển đến ba ly, bốn ly, năm ly, ngoài cồn công nghiệp ra, cái gì có thể uống được đều uống tất.
Nông dân đã làm vè, vạch trần một số cán bộ nông thôn đã làm nguy hại đến đảng phong, đến hình tượng của chính quyền, của quốc gia:
Rượu cách mạng ngày ngày say,
Uống hỏng đảng phong, hỏng dạ dày,
Loại cán bộ chỉ biết uống bia, uống nước quả đây không cần;
Loại cán bộ chỉ uống được một phần ba chai uống nửa chai rất yên tâm.
Ai bảo chúng ta nghèo? Thử xem mặt nào cũng đỏ bừng.
Ai bảo chúng ta kém? Ra cửa là đi tắm hơi.
Rốt cuộc những cán bộ suốt ngày mặt đỏ, “được rượu thử thách” [2] cán bộ “nhờn tay áo” đó đã uống mất bao nhiêu tiền mồ hôi xương máu của nông dân, sợ rằng chẳng ai tính nổi. Theo tính toán của Cục thống kê quốc gia, mỗi năm dùng tiền công chi phí cho các cuộc ăn uống ở thành thị và nông thôn trong cả nước nhiều tới 80 tỷ - 100 tỷ NDT, khoản tiền này đủ làm bốn thế vận hội, xây dựng một, hai công trình Tam Hiệp, và đủ để xóa đi nỗi xỉ nhục Trung Quốc vẫn còn hiện tượng thất học.
Ngày 28 tháng 6 năm 1998, Tô Đa Tín, chủ “tửu gia Hoài Thượng” tại trấn Bình Vu, thành phố Hoài Nam, tỉnh An Huy do ủy ban trấn nợ quá lâu tiền cơm rượu của ông ta, đã kiện ủy ban trấn ra tòa án.
Tô Đa Tín cầm một tập hóa đơn dầy, đến ủy ban trấn, nhưng lần nào cũng bị lãnh đạo trấn lấy lý do tài chính chưa có tiền để không tiếp. Lúc này Tô Đa Tín đang bị chủ nợ bức bách đến mức không có lối thoát, nên đành phải liều mạng trực tiếp kiện lên tòa án thành phố. Sự việc vốn không phức tạp, hơn nữa lại có đầy đủ chứng cớ, nên ngày 19 tháng 1 năm 1991, tòa án trung cấp thành phố Hoài Nam, trước việc thu nhập tài chính của ủy ban trấn Vu Bình nhiều năm liền bị thâm hụt, không còn khả năng để trả món nợ trong 10 năm: 383.470 NDT, tiền lãi là 31.377 NDT, tổng cộng là 414.851 NDT, nên đã ra bản án dân sự, bồi thường cho Tô Đa Tín ngôi nhà số 1 của ủy ban trấn Vu Bình có tổng diện tích là 411m2 với 10 căn phòng. Sự kiện này, nhất thời đã là tin tức có tính bùng nổ.
Nông dân trấn Vu Bình đã mang chuyện này thành câu hát: “Cán bộ Vu Bình thật không xoàng, nghiện ăn xơi hết nhà mười gian”.
Việc này đã tạo ra ảnh hưởng vô cùng xấu trong xã hội. Ủy ban kỷ luật thành phố Hoài Nam qua nghiên cứu cho rằng, Dương Bằng Thắng bí thư đảng ủy trấn, Đái Kiến Sơn trấn trưởng, Trần Hòa Bình phó trấn trưởng đều chịu trách nhiệm của người lãnh đạo trực tiếp, cả ba đều bị xử lý cảnh cáo trong đảng, và thông báo việc này trong toàn thành phố.
Theo lý mà nói, những “đầy tớ” lớn, nhỏ của trấn Vu Bình, nên rút ra được bài học từ trong đó để có thể chấm dứt cái việc “uống hỏng đảng phong, hỏng dạ dầy” này, ai ngờ, chỉ sau đó hai năm, tháng 6 năm 2000, Vương Quí Tùng, chủ quán rượu “Quí Cao” ở trấn Vu Bình lại lấy lý do nợ kéo dài 250.000 NDT tiền ăn uống, kiện ủy ban trấn ra tòa án.
Điều kỳ quặc là, trấn trưởng trong thời gian đó chính là Trần Hòa Bình, người đã bị xử lý cảnh cáo trong đảng lần trước.
Điều càng kỳ quặc hơn là trong phỏng vấn chúng tôi phát hiện, hầu như đảng ủy, ủy ban khóa nào của trấn Bình Vu đều rất coi trọng việc ăn uống bằng tiền công, những qui định mà họ đặt ra gần như là hà khắc vậy, như tháng giêng năm 1990, trấn đã ra một vài “qui định về việc cơ quan đảng, chính quyền của trấn chiêu đãi khách và bữa ăn công tác” trong đó có một qui định là: khách đến nhất loạt sắp xếp ăn cơm tại nhà ăn cơ quan, không cho phép mời thuốc lá, rượu và các món ăn sang, không được tới khách sạn. Thế nhưng, ngay trong năm đó, ủy ban trấn nợ “Tửu gia Hoài Thượng” 7.783 NDT tiền ăn, và đến năm 1993, khoản nợ đã lên tới hơn 16.000 NDT. Lại như, năm 1994, trấn Bình Vu qui định một bước nữa; nghiêm khắc khống chế số người cùng ăn với khách, thực hiện chế độ 3 khách 1 chủ; chế độ chiêu đãi mỗi người mỗi bữa 10 NDT, không được chiêu đãi khách thuốc lá, rượu; kinh phí chiêu đãi của đơn vị nào, đơn vị nấy tự lo, ủy ban trấn không trả. Thế nhưng, ngay năm ấy, trấn lại nợ “Tửu gia Hoài Thượng” tiền ăn lên tới hơn 120.000 NDT. Lại nữa, năm 1995, ủy ban trấn Bình Vu lại đưa ra chiêu mới: khách đến, nhất luật dùng phiếu ăn chiêu đãi do ủy ban cấp đến nhà ăn hoặc khách sạn ăn cơm, các nhà ăn không được ghi sổ, không ký tên, nếu không ủy ban trấn nhất loạt không thanh toán. Điều khiến người ta dở cười dở khóc là năm đó lại nợ “Tửu gia Hoài Thượng” hơn 180.000 NDT. Từ sau năm 1996, đảng ủy trấn nhiều lần quyết định phát huy tác phong tốt đẹp cần kiệm, không ngừng đưa ra biện pháp mới, nhưng sự thực lại là, chỉ từ tháng 5 năm 1996 đến tháng 4 năm 1997, trong thời gian một năm, lại nợ “Tửu gia Hoài Thượng” hơn 400.000 NDT tiền ăn, còn những chứng cứ do “Tửu gia Quí Cao” đưa ra cũng cao tới 120.000 NDT.
Ở đây dường như có một điều khiến người ta không thể tưởng tượng và hiểu nổi. Sau khi phỏng vấn nhiều xã, trấn, chúng tôi mới phát hiện được những sự việc xảy ra ở trấn Vu Bình, các nơi khác cũng đều có, chỉ là chưa phát triển đến mức phải kiện ra tòa án. Ăn uống bằng tiền công, không chỉ nông thôn có mà thành thị cũng có, nhưng nông thôn chịu ảnh hưởng của thành thị. Trung ương năm lần bảy lượt ra lệnh cũng không giải quyết được vấn đề, trong đó nguyên nhân ở tầng nấc sâu xa, sợ rằng nếu chỉ nói là tại “nghiện ăn uống” thì chưa giải thích rõ được. Ngày nay dùng tiền công ăn uống, không đơn thuần là việc “không ăn không không ăn, đã ăn là ăn không, ăn không ai không ăn”, ăn uống không phải trả tiền dường như đã trở thành sự khoe khoang của một loại thân phận, trở thành sự tượng trưng của một loại địa vị, thậm chí ăn ngon hay ăn không ngon có thể trực tiếp ảnh hưởng đến những trình tự và nội dung không thể thiếu được trong việc “đạt tiêu chuẩn”, có thể “lên cấp” hay không, “công tác” có thể nghiệm thu hay không; “quan hệ” với nhau có thể thông suốt hay không, “sĩ đồ” có thể thuận lợi hay không v.v…
Rõ ràng tất cả những cái đó là do đảng ủy, ủy ban trấn Bình Vu không kìm nén được. Bọn họ hết lần này đến lượt khác chế định chế độ, qui định này khác, nhưng chẳng qua chỉ là một trò “tình nguyện” mà thôi.
Ngày 25 tháng 7 năm 2000, tòa án nhân dân trung cấp thành phố Hoài Nam đã mở phiên xét xử, tuyên bố ủy ban trấn Vũ Bình phải trả món nợ tiền ăn và tiền lãi là 232.412 NDT cho Vương Quý Tùng chủ quán ăn “Tửu gia Quí Cao”, mười ngày sau khi bản án có hiệu lực phải trả hết nợ trong một lần. Ủy ban trấn Vu Bình không chịu sự phán quyết đó, đã chống án lên tòa án nhân dân cao cấp tỉnh An Huy, cho rằng bên nguyên biết rõ ăn uống thuộc vào phong khí không lành mạnh của xã hội, mà để mãi không chịu đòi tiền khiến người ta càng ra sức ăn uống, trên thực tế đã giúp thêm cho sự phát triển và lan tràn tác phong đó; bên nguyên không đòi được nợ, vì bản thân cũng có sai lần; trong tình hình đó, bắt ủy ban trấn phải trả cả tiền lãi khoản nợ, không chỉ làm cho tài sản quốc hữu mất đi mà còn không có lợi cho việc cải thiện phong khí xã hội và xây dựng văn minh tinh thần!
Loại giải thích này của ủy ban trấn khiến người ta kinh ngạc không hiểu ra sao.
Xưa nay dân kiện quan là điều trăm họ tránh né, nhưng hai cấp tòa án trong vụ kiện này đều theo pháp luật không theo quan, xử án vì cái chung, tòa án nhân dân cấp cao tỉnh An Huy qua nghiêm túc thẩm tra lại, cuối cùng đã quyết định: “bác bỏ chống án, duy trì phán quyết cũ”.
Trong một gian phòng phổ thông ở trấn Bình Vu, cuối cùng chúng tôi đã thấy Vương Quý Tùng thắng kiện. Ông vừa nhận được bản phán quyết của tòa án tối cao tỉnh, những mảnh xác pháo ăn mừng mầu đỏ còn vương đầy trước cổng chưa kịp quét. Ông nói, ông cảm kích vì chánh án của nhân dân đã mang lại công bằng cho ông, ông rất phấn khởi và chạy lên phố mua mười bánh pháo và hai trăm quả pháo thăng thiên, để tự chúc mừng mình.
Thế nhưng, chúng tôi không thể phấn khởi được.
Trong ngày hôm đó, chúng tôi lại biết được, cái việc mang cầm bán nhà để ăn uống ấy, trong lịch sử ủy ban trấn Vu Bình không chỉ xảy ra một lần. Trước khi Trần Hòa Bình được điều làm trấn trưởng, ủy ban trấn đã từng vì ăn uống mà nợ một khách sạn mười mấy vạn tiền ăn, thông qua hiệp thương của hai bên, đã phải sang cho người ta ngôi nhà hai tầng có vị trí ở trên chợ. Còn thăm dò được, mấy năm này, ủy ban trấn nợ tiền ăn không chỉ có hai “Tửu gia Hòa Thượng” và “Tửu gia Quý Cao”, mà còn nợ “Tửu gia Hoài Hà” hơn 100.000 NDT tiền rượu thịt, đến nay vẫn chưa trả được một xu, lúc đó ủy ban trấn, và chủ “Tửu gia Hoài Hà” đang đàm phán riêng với nhau, xem ra ủy ban trấn đã hoảng sợ vì kiện tụng, nên việc này làm rất bí mật.
Có thể tưởng tượng được là, với tư cách là tài sản chủ yếu của ủy ban trấn ngôi nhà tổng hợp của ủy ban trấn, đã phải đối mặt với số phận bị cắt xén và xâu xé chia nhau lần thứ hai, thậm chí lần thứ ba.
Tất nhiên, nếu vấn đề chỉ xuất hiện ở trấn Vu Bình, chúng tôi bất tất phải lo lắng lắm, vấn đề là, nông thôn rộng lớn Trung Quốc, không nơi nào không có những “mỹ thực gia” với các “thiên đường nấu nướng” nhiều như rận đói. Để ăn uống mà khéo lập danh mục, người ta đã đi đến chỗ không có cái gì là không dùng cả, nào là ăn “kiểm tra”, ăn “hội nghị”, ăn “giúp nghèo”, ăn “cứu tế”, có tiền ăn, không có tiền cũng ăn, vay tiền ăn, ăn chịu, năm năm, tháng tháng ăn, nhiệm kỳ nọ tiếp nhiệm kỳ kia ăn, phong cảnh ăn uống đã đạt đến mức hung dữ cùng cực.
Ngô Chiêu Nhân nói cho chúng tôi một việc thương tâm.
Ông nói, ở huyện Trường Phong có một nông dân phản ánh với ủy ban kinh tế nông nghiệp tỉnh, nói ở chỗ ông ta, vấn đề ăn uống của cán bộ thôn nghiêm trọng, vì chuyện này Ngô Chiêu Nhân đề nghị huyện Trường Phong cử người đến kiểm tra. Ai ngờ, sau đó không lâu, người nông dân đã phản ánh vấn đề vội vội vàng vàng tới nhà, xin ông đừng bảo người đi kiểm tra nữa. Ông vô cùng ngạc nhiên. Hỏi ra mới biết, thì ra những cái bị cán bộ thôn đã ăn vào bụng không thể nào nôn ra được nữa, bây giờ người được cử đi kiểm tra lại đang ăn uống.
Vừa nghe xong, Ngô Chiêu Nhân nói không ra lời.
Thế nhưng, nếu chỉ như vậy, chúng ta cũng bất tất phải lo lắng lắm, vấn đề là, trừ đi cái chuyện ăn uống cực kỳ dữ dội ác liệt đó, còn có những quyên góp hà khắc, những tạp thuế không bao giờ hết, những “phân ra thành thị, nông thôn để quản lý” không bao giờ hết, những “chênh lệch cánh kéo” không bao giờ hết, những “hiến tặng”, “không bao giờ hết cũng như những kỳ thị những chèn ép, và
những áp bức lăng nhục không bao giờ hết…
Đóng góp nặng nề của nông dân Trung Quốc không chỉ đè lên người mà còn đè cả vào con tim!

[1]15 mẫu Trung Quốc bằng 1 ha.
[2]Câu chơi chữ đồng âm của “thử thách lâu dài” và “cán bộ ưu tú”.