Chương 9
Tìm kiếm đường ra

34. Người đầu tiên cải cách thuế phí
Năm 1999, nhân dịp thành lập nước trong bốn mươi năm, đài truyền hình tỉnh An Huy cho chiếu một bộ phim truyền hình chuyên đề có tên là “Đất đai - Con người - Thiên đường”, trong phim có đoạn như thế này:
“Thực hiện “khoán lớn” đã làm cho nông nghiệp thoát khỏi cảnh khó khăn làm người ta lo nghĩ, nhưng cũng đặt nông nghiệp vào một ngã tư sau: đất đai sau khoán sẽ đi về đâu, phát triển sức sản xuất hơn nữa như thế nào?”
Bộ phim đoạt giải nhất trong tiết mục chuyên đề văn nghệ truyền hình toàn quốc này đề xuất vấn đề nhưng lại không nói phương pháp giải quyết vấn đề. Lúc đó, thực hiện “khoán lớn” đã được hơn mười năm, nông thôn An Huy đúng là đang ở trước một ngã tư mới, và toàn bộ nông thôn Trung Quốc cũng đều đang đứng trước một ngã tư như vậy!
Người ta chờ đợi nông thôn Trung Quốc xuất hiện lần nhảy vọt thứ hai, nông dân Trung Quốc khát vọng được cười một lần nữa. Thế nhưng, các loại mâu thuẫn không ngừng sâu sắc thêm và những vấn đề mới xuất hiện trong thôn, đã làm cho người ta lo lắng không yên, con đường ra của bước cải cách thứ hai ở nông thôn, rốt cuộc ở chỗ nào?
Thực ra một năm trước khi chiếu bộ phim truyền hình này, ở An Huy, ở ban điều tra nghiên cứu thuộc văn phòng ủy ban tỉnh gần ngay cạnh đài truyền hình An Huy, đã có người trả lời vấn đề này rồi.
Người đó là kỹ sư nông nghiệp cao cấp, sau này được vinh dự gọi là “người đầu tiên cải cách thuế phí Trung Quốc”, tên là Hà Khai Ấm.
Đó là một người đàn ông đã trải qua những bước long đong. Dáng người ông có chút đặc biệt, rất gầy, trên bộ mặt bình thường chỉ có chiếc mũi cao là gây cho người ta ấn tượng sâu sắc, và đôi mắt hình như mỗi giờ mỗi phút đều chìm trong suy nghĩ. Đó là một phần tử tri thức tích cực, dám nói thật nhưng lại quan tâm việc lớn của nhà nước. Vì có tính cách đặc biệt đó nên năm 1957, khi còn là sinh viên trường đại học nông nghiệp Bắc Kinh, ông đã bị quy là “phái hữu”, phải xuống một nông trường thanh niên hoang vu ở gần Bắc Đại Hoang làm việc hai mươi năm. Sau này được sửa “phái hữu”, Hà Khai Ấm, 43 tuổi mới trở về quê hương - huyện Thiên Trường tỉnh An Huy. Lẽ ra ông hoàn toàn có thể sống yên ổn, thế nhưng cuộc cải cách vĩ đại của nông thôn Trung Quốc đến sau đó, lại một lần nữa làm bùng cháy lòng nhiệt tình của ông, lại thêm Vương Nghiệp Mỹ, bí thư huyện ủy Lai An vốn là lãnh đạo cũ của ông, cũng thích quan tâm việc lớn quốc gia, thích suy nghĩ những vấn đề nóng của xã hội. Khi Vương Nghiệp Mỹ, người đầu tiên trong cả nước đập bàn quyết định làm “khoán sản lượng tới hộ” ở huyện Lai An, ông đã theo sát Vương Nghiệp Mỹ, tiến vào tuyến đầu của cuộc cải cách nông thôn; sau đó ông lại theo Vương Úc Chiêu, bí thư địa ủy Trừ Huyện, tích cực ủng hộ thôn Tiểu Cương, huyện Phụng Dương làm “khoán lớn”, liều chết thực hiện rộng rãi chế độ khoán gắn sản lượng đến gia đình. “Khoán lớn” giành được thành công trong cả nước, với tư cách là công thần trong cuộc cải cách này, Vương Úc Chiêu được cử làm tỉnh trưởng tỉnh An Huy, và sau đó đã điều Hà Khai Ấm về văn phòng ủy ban tỉnh. Một cán bộ kỹ thuật chuyên nghiên cứu khoa học nông nghiệp, nay chạy đến cơ quan hành chính liệu có thể làm được gì? Thế là buộc ông phải bắt đầu công tác nghiên cứu chính sách nông nghiệp vĩ mô.
Nói ra kể cũng khéo. Tháng 10 năm 1988, Ban nghiên cứu chính sách nông thôn Trung ương và trung tâm nghiên cứu phát triển nông thôn của Quốc Vụ viện, liên hiệp cùng với mấy đơn vị như Viện khoa học xã hội Trung Quốc, Nhân dân nhật báo… khởi xướng một “Hội nghị nghiên cứu thảo luận về lý luận cải cách mười năm ở nông thôn Trung Quốc”. Lúc này Vương Úc Chiêu đã giữ chức phó chủ nhiệm Ban nghiên cứu chính sách nông thôn Trung ương và Trung tâm nghiên cứu phát triển nông thôn của Quốc Vụ viện, đơn vị của ông dẫn đầu tổ chức hội nghị nghiên cứu thảo luận lý luận này, nên tự nhiên ông không thể quên được Hà Khai Ấm, người mà ông rất tán thưởng. Vương Úc Chiêu cho thư ký của mình gửi riêng bản trưng cầu viết bài cho Hà Khai Ấm.
Sau khi nhận được bản trưng cầu viết bài, Hà Khai Ấm rất phấn khởi. Đúng vậy, nếu tính từ lúc thôn Tiểu Cương thực hiện “khoán lớn” đến nay, thì cải cách nông thôn Trung Quốc đã được mười năm, đúng là đã xuất hiện nhiều vấn đề mới chờ giải quyết, thế nhưng bước cải cách thứ hai của nông thôn Trung Quốc rốt cuộc là cải cái gì? Cải như thế nào? Từ Trung ương đến địa phương, trên dưới đều đang thăm dò. Và ông cũng đang suy nghĩ về các mặt đó. Sự tín nhiệm của lãnh đạo cũ khiến ông ngầm hạ quyết tâm: nhất định phải đưa ra được kiến giải thấu triệt.
Ông khẩn trương hành động.
Ông tìm đến Kim Tiến và Chu Văn Căn, phòng nghiên cứu kinh tế nông thôn của viện khoa học xã hội tỉnh, còn có thêm Cố Hàm Tín, vợ ông đang công tác ở viện nghiên cứu nông nghiệp, thế là 4 người, tiến hành một cuộc nghiên cứu điều tra sâu sắc.
Cũng bắt đầu từ mùa xuân năm đó, Trung Quốc xuất hiện “làn sóng dân công” cuồn cuộn dữ dội. Sự xuất hiện của “làn sóng dân công” đã làm cho Hà Khai Ấm nhạy cảm ý thức được, làm ruộng đã không đủ nữa, sự gia tăng thu nhập của nông dân có xu thế chậm lại, xuất hiện tăng trưởng âm, trong khi đóng góp của nông dân ngày một tăng, mâu thuẫn mới không ngừng sản sinh, lại thiếu biện pháp cải cách cần thiết, các hình các loại mâu thuẫn càng tích lại càng nhiều, đã cản trở một cách nghiêm trọng sự phát triển bền vững của kinh tế nông thôn Trung Quốc. Lại còn vì mười năm “khoán lớn” đã đến hạn, nông dân lo lắng đất canh tác sẽ không là của mình nữa, không còn tình cảm đất đai đời đời sống chết dựa vào nhau nữa, nên lũ lượt vào thành phố tìm con đường ra cho cuộc sống mới, không nói tới chuyện đã xuất hiện nhiều diện tích bị bỏ hoang, mà những người còn ở lại nông thôn phần lớn đều là người già, phụ nữ và trẻ con. Những điều này làm cho lương thực bị giảm sản lượng lớn, công tác nông thôn càng thêm nhiều khó khăn.
Hà Khai Ấm nghĩ, muốn tìm đúng đột phá khẩu cho cuộc cải cách bước hai tại nông thôn Trung Quốc, trước tiên phải làm rõ một số mâu thuẫn mới, mới xuất hiện.
Rốt cuộc là những mâu thuẫn mới nào?
Tổng hợp kết quả nghiên cứu điều tra của bốn người, Hà Khai Ấm cho rằng về đại thể có thể quy nạp thành:
Mâu thuẫn giữa quyền sở hữu đất đai nhận khoán, quyền sử dụng và quyền sản xuất;
Mâu thuẫn giữa sự tách rời giá cả và giá trị nông sản phẩm;
Mâu thuẫn giữa kết cấu nhị nguyên thành thị, nông thôn và nhất thể hóa kinh tế;
Mâu thuẫn giữa sản xuất nhỏ và thị trường lớn, tuần hoàn đan xen giữa việc mua lương thực khó và bán lương thực khó;
Mâu thuẫn giữa tăng trưởng thu nhập của nông dân chậm chạp với đóng góp không ngừng gia tăng;
Mâu thuẫn giữa kết cấu xã, vùng đóng cửa với lưu thông lớn, mở cửa lớn;
Mâu thuẫn giữa kết cấu ngành sản xuất nông thôn với kết cấu công ăn việc làm;
Mâu thuẫn giữa nghèo nàn tương đối với cùng giàu có;
Mâu thuẫn giữa sự không tương thích giữa trình độ sức sản xuất thấp và trình độ khoa học kỹ thuật;
Mâu thuẫn giữa sự xây dựng không đồng bộ văn minh vật chất và văn minh tinh thần.
Đương nhiên còn có thể kể ra một số mâu thuẫn khác và nêu nội dung cụ thể của chúng. Thế nhưng ông cho rằng, xét cho đến cùng, những mâu thuẫn đó là những hiện tượng tất nhiên xảy ra do sự cọ sát và va đập khó thể tránh khỏi trong thời kỳ từ thể chế cũng kinh tế kế hoạch chuyển quỹ đạo sang thể chế mới kinh tế thị trường.
Muốn giải quyết những mâu thuẫn trên, cần phải đưa ra các biện pháp cải cách tương ứng.
Lúc này do chịu ảnh hưởng của tinh thần “khoán lớn” của thôn Tiểu Cương, tư tưởng của giới học thuật An Huy còn tương đối sống động. Khi điều tra ở bên dưới, Hà Khai Ấm phát hiện, đảng ủy, chính quyền các cấp đều xuất hiện một số lớn cán bộ lãnh đạo muốn làm việc, có thể làm việc và dám làm việc, bọn họ đã nhằm thẳng vào các loại mâu thuẫn mới vừa xuất hiện ở nông thôn, lần lượt tiến hành những thí điểm cải cách với nội dung khác nhau. Ví dụ như, Trấn Thái Nam huyện Thiên Trường đã bắt tay làm thử “phiếu hộ tịch màu xanh”; “sáu trạm một công ty” huyện Trừ đang cải cách đồng bộ thể chế khoa học kỹ thuật nông thôn, huyện Túc tích cực phát triển quỹ hợp tác giúp đỡ lẫn nhau; thành phố Phụ Dương thành lập trường học hương trấn và trường trung học chuyên nghiệp bồi dưỡng kỹ thuật đầu tiên; ngoài ra, huyện Lâm Tuyền đã bắt đầu thăm dò công tác lưu chuyển quyền sử dụng ruộng đất, huyện Dĩnh Thượng ra sức thi hành rộng rãi hợp tác cổ phần xây dựng xí nghiệp nông nghiệp, huyện Thư Thành mạnh dạn thực hiện chế độ bảo hiểm lao động, nghỉ hưu, dưỡng lão với cán bộ thôn…
Phía Nam từ Hưu Ninh, phía Bắc đến Tiêu Đãng, phía Đông bắt đầu từ Thiên Trường, phía Tây đến Lâm Tuyền trên đất lớn Giang Hoài ngang dọc ngàn dặm, nơi nào cũng nở rộ hoa cải cách, chúng đúng là đã cung cấp những suy nghĩ cải cách vừa mới lạ lại vừa phong phú cho công tác nghiên cứu chính sách nông nghiệp vĩ mô.
Nhiệt tình nghiên cứu của Hà Khai Ấm được kích thích một cách chưa bao giờ có. Trong đoạn thời gian này, ông trở nên phấn khởi khác thường.
Tất nhiên ông cũng tỉnh táo thấy rằng, nhiều loại mâu thuẫn như vậy tồn tại trong nông thôn là đan xen khó gỡ, không nên và cũng không có khả năng đồng thời đưa ra nhiều biện pháp cải cách; biện pháp tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn đã được Mao Trạch Đông trình bầy tinh túy trong “Bàn về mâu thuẫn” từ lâu: mâu thuẫn của sự vật là tồn tại phổ biến, lại là nhiều mặt, không lúc nào không có, không chỗ nào không ở, chỉ có tìm ra mâu thuẫn chủ yếu và mặt chủ yếu của mâu thuẫn rồi tiến hành giải quyết, thì các mâu thuẫn thứ yếu khác có thể nhân đà mà giải quyết dễ dàng.
Sau khi nghiêm túc phân tích tình huống xuống dưới điều tra nghiên cứu của mấy đồng chí khác, Hà Khai Ấm hiểu được, vấn đề cần giải quyết trước mắt nhất, trước tiên là khoán vĩnh cửu ruộng đất, cho nông dân quyền sử dụng lâu dài; thứ hai là phải cải cách chế độ thuế phí nông thôn, giảm nhẹ về căn bản đóng góp của nông dân.
Khi ông đem mọi suy sâu nghĩ kỹ của mình biến thành chữ nghĩa, một bản luận văn rất có kiến giải đã hoàn thành. Ông đặt tên là: “Con đường ra của cuộc cải cách bước hai tại nông thôn ở đâu?”, sau đó gửi lên Bắc Kinh.
Vì bài viết đó mà Hà Khai Ấm bắt đầu đặt chân lên con đường nghiên cứu cuộc cải cách lần thứ hai của nông thôn, mặc dù trên con đường đó có đầy gai sắc và bùn lầy, lại thường ở vào hoàn cảnh bất lợi, nhưng ông không bao giờ quay đầu.
Thế nhưng, Hà Khai Ấm không hề nghĩ là, cách việc này không lâu, Bắc Kinh đã xảy ra cơn sóng gió chính trị vào lúc xuân hè giao nhau năm 1989 [2]. Theo gió mà lên là sự ngóc đầu lại của một số tư tưởng tả. Cũng chính vào thời gian này nhà nước ban hành chính sách vay vốn ngân hàng “chỉ thu không cho vay” thực hiện với xí nghiệp hương trấn, khiến xí nghiệp hương trấn nhanh chóng suy thoái, tình hình nông nghiệp trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong thời gian này, Hà Khai Ấm còn phát hiện, có một trào lưu tư tưởng phủ định “khoán lớn” trong nông nghiệp đang lan ra các nơi, phát hiện được điều này, ông cảm thấy quá ngạc nhiên.
Ông đang mang hết tâm trí nghiên cứu cải cách bước thứ hai của nông thôn, thế mà lại có người ngay thành quả của cuộc cải cách lần thứ nhất cũng muốn bôi sạch.
Thời gian này, trong xã hội xuất hiện không ít sự tình kỳ quặc: trước tiên là trong tỉnh có người đứng ra công khai phủ định “khoán lớn”, cho rằng dù khoán sản lượng đến hộ làm cho nông dân có được cơm ăn, nhưng phương hướng lớn xã hội chủ nghĩa phát triển nông thôn vẫn chưa giải quyết được. Tiếp đó “Bắc Kinh nhật báo” đã phát biểu một bài viết dài, cổ vũ xây dựng lại kinh tế tập thể, chỉ trích “khoán lớn” nông nghiệp: “đằng sau loại quan niệm cứng nhắc mới này thường thường che giấu cái hạt nhân bên trong như phản đối hợp tác sản xuất trong nông nghiệp, phản đối chế độ sở hữu tập thể về đất đai, ở trình độ nhất định đã trở thành sự trói buộc đi sâu cải cách nông thôn”, chỉ còn không nói tới thời đại công xã nhân dân “một là lớn hai là công” nữa thôi. Không chỉ có nói, mà còn đưa ra điển hình tiên tiến ngoại thành Bắc Kinh tổ chức lại cùng làm giàu.
Lòng Hà Khai Ấm nặng như chì.
Ông nghĩ, chế độ “khoán lớn” của kinh doanh khoán đến gia đình là sự lựa chọn và sáng tạo chế độ dưới thể chế kinh tế kế hoạch, cùng với sự phát triển của kinh tế hàng hóa và sức sản xuất nông thôn, tính hạn chế của nó đã từng bước bộc lộ ra, khó có thể thỏa mãn đòi hỏi đi ra thị trường của nông dân: muốn trồng cây trên diện tích lớn lại không thể thông qua thị trường để có được đất đai sử dụng; không muốn cấy trồng cũng lại không thể thông qua một trình tự nhất định hoặc trong phạm vi quy hoạch của thị trường để tự do nhường lại quyền sử dụng ruộng đất. Thực ra cái mà nông dân được trong “khoán lớn” chỉ là quyền sử dụng chưa hoàn toàn. Làm thế nào để hoàn thiện hơn nữa chế độ khoán gắn sản lượng, mới là cái trước mắt chúng ta rất cần làm. Tuyên truyền một cách không thích đáng quy mô kinh doanh, thực chất là muốn trở về tập thể hóa, mà điều này rõ ràng đã bị lịch sử chứng minh là đi không được. Hơn nữa, cùng với việc làm ruộng không kiếm được tiền, hiện tượng bỏ hoang ở các nơi trong nông thôn khiến người ta lo lắng đã ngày càng nghiêm trọng, vào giờ phút đó, làn gió phủ định “khoán lớn” muốn quay lại đường cũ được dấy lên, chỉ khiến lòng người hoảng hốt, nông dân càng thêm không muốn vụ nông.
Nghĩ đến những cái đó, mắt ông lại hiện lên bốn chữ lớn “căn bản muôn năm” đập vào mắt người ta trên bức tường loang lổ ở huyện Phụng Dương. Nó giống như ngôi sao sớm tuyên bố rõ ràng với người sau.
Đúng thế, nước ta là nước lớn nông nghiệp, trong 1 tỷ dân số đã có 800 triệu nông dân, tình trạng nông nghiệp như thế nào quan hệ trọng đại đối với việc phát triển kinh tế và củng cố chính quyền nước ta, đoàn kết và dựa vào đông đảo nông dân phải là điểm xuất phát của chính sách của đảng ta, nhưng lâu nay, chúng ta đã nợ nông dân quá nhiều, mặc dù giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân liên quan đến vấn đề thể chế kinh tế chính trị ở tầng nấc sâu xa của Trung Quốc là một công trình hệ thống, không thể chỉ mong giải quyết một việc là xong, vì vậy nhìn kỹ lại, vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Trung Quốc đã tới mức cấp bách và không thể chậm trễ được nữa.
Lòng ham muốn báo đáp tổ quốc hiến thân cho nông nghiệp khiến ông trào dâng nhiệt huyết.
Thế là ông ngồi xuống, ngọn cờ rõ ràng viết bài: “Kiến nghị thực hiện khoán vĩnh cửu với đất canh tác, trao cho nông dân quyền sử dụng lâu dài “nhằm thẳng vào trao lưu tư tưởng phủ định “khoán lớn”.
Ông cảm thấy không phải mình đang viết mà là những tình cảm sôi sục đang tung bay trên trang giấy:
“Từ sau hội nghị Trung ương 3 khóa 11 của đảng, nền kinh tế quốc dân nước ta đã phát triển nhanh chóng chính là nhờ chúng ta đã bắt tay vào cải cách nông thôn trước, thực hiện chế độ trách nhiệm khoán gắn sản lượng. Cải cách nông thôn đã thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế thành thị và cải cách thể chế chính trị, làm cho các hạng mục xây dựng nước ta đều xuất hiện sự thay đổi to lớn, lớn mạnh vượt bậc. Thế nhưng cùng với sự phát triển của tình hình khách quan và việc triển khai cải cách bước hai nông thôn, cũng đã xuất hiện một loạt vấn đề đòi hỏi chỉnh đốn xử lý, đòi hỏi tiến hành điều chỉnh về chính sách. Những vấn đề này tập trung thể hiện ở tính tích cực của nông dân không cao, tổng sản lượng lương thực quanh quẩn một thời gian dài dưới mức cao nhất trong lịch sử của năm 1984, lực lượng dự trữ phát triển sau này của nông dân không đủ, đặc biệt là đã hình thành “chế độ hai giá lương thực”, điều này về căn bản đã kìm nén sản xuất lương thực.
Tiếp đó, ông đã kết hợp lý luận với thực tiễn, tiến hành trình bày rất đầy đủ:
“Đất canh tác nhiều năm nay quy vào sở hữu tập thể, nông dân ngoài việc nộp thuế nông nghiệp ra, còn phải nộp các khoản đóng góp và giữ lại cho tập thể. Mà tật bệnh của chế độ sở hữu rất nhiều, phần lớn các nơi không có người quản, chủ thể là giả dối, trên thực tế, đất canh tác giống như là tư hữu của nông dân, có thể tùy ý dùng đất làm nhà, đào ao,… gây tổn thất cho nhà nước; mặt khác, tập thể lại có quyền điều chỉnh đất khoán, nhiều tập thể, cán bộ vùng ngoại ô thành, trấn đã coi đất canh tác như “tài sản tư hữu”, dựa vào việc trưng thu đất để phát tài bất nghĩa, làm cho đất canh tác cả nước mỗi năm giảm bớt với tốc độ hơn 533.000 ha, trong khi dân số lại không ngừng gia tăng, trong hơn 40 năm thành lập nước, dân số của nước tăng hơn hai lần, diện tích đất canh tác bình quân đầu người giảm một nửa, trở thành nguy cơ lớn đe dọa toàn dân tộc. Truy tìm nguyên nhân, thì điều then chốt là quyền tài sản đất canh tác mơ hồ, cái chủ thể “tập thể” là trong thực có giả dối, trong giả dối có thực, khiến trong lòng người ta không chắc chắn, chẳng ai biết quý trọng đất đai”.
Viết đến đó, ông trình bày tiếp những ý tưởng mà mình đã suy nghĩ kỹ về khoán có tính vĩnh cửu ruộng đất và cải cách chế độ trưng thu thuế phí nông thôn:
“Từ bài học trên, chúng ta nên kịp thời áp dụng một động tác lớn, tức là tiến hành cải cách chế độ sở hữu với đất canh tác, nhất là loạt thu hồi đất đai về sở hữu nhà nước. Quốc thổ thuộc về quốc hữu là lý đương nhiên. Đồng thời triệt để tách rời quyền sở hữu (quyền đáy ruộng) và quyền sử dụng (quyền mặt ruộng) của đất canh tác, thực hiện chế độ khoán lâu dài, tức là ký hợp đồng trên cơ sở đất khoán hiện có, khoán lâu dài cho nông dân cấy trồng, đồng thời có ghép, đổi thích đáng những mảnh đất nhỏ, phân tán, khiến đất khoán của mỗi hộ tập trung vào một khoảng liền. Hơn nữa quyền sử dụng có thể kế thừa và được phép chuyển nhượng, nhưng chuyển nhượng quyết không phải là bán. Nếu đất canh tác vẫn quy về sở hữu tập thể, để cho nông dân sau khi nộp lên trên các loại thuế nông nghiệp, là có lý do để vi phạm pháp luật; còn nếu đất canh tác là của quốc gia, nông dân nhận khoán đất canh tác với nhà nước, thế thì, việc nông dân nộp lương thực cho nhà nước là việc không thể nghi ngờ gì”.
Ông cho rằng biện pháp cụ thể trưng thu thuế nông nghiệp nên là: “Lấy sản lượng trung bình một mẫu từ ba đến năm năm gần nhất để tính số phải nộp, thu 10% không thay đổi, tăng sản lượng cũng không tăng thuế, để kích thích tính tích cực tăng sản lượng của nông dân, từ nay trở đi cứ 10 năm ký hợp đồng một lần. Tính toán tới việc trợ cấp tiền lương do cán bộ nông thôn và các khoản giữ lại rất không quy phạm khiến nông dân phổ biến phản cảm, kêu gào đóng góp quá nặng, chúng ta đừng ngại hợp nhất các khoản đóng góp, giữ lại và lượng thực cộng vào làm một để trưng thu, tăng thêm 5% nữa, tức là trưng thu 15% sản lượng một mẫu canh tác, các khoản thuế nông nghiệp và đóng góp, giữ lại khác đều không còn nữa. Trợ cấp tiền lương cho cán bộ thôn và các khoản khác, dùng 1/3 lương thực công tính thành tiền theo giá định mua trả lại cho tài chính xã sử dụng thống nhất. Từ đó trở đi, bất kỳ ai, đều không có quyền phân bổ hoặc trưng thu một xu nào nữa của nông dân, quyền lợi của nông dân được pháp luật bảo hộ, có địa vị pháp nhân tương đối”.
Ông cho rằng đi tốt hai nước này, toàn bàn cờ sẽ sống động. Làm như vậy, không những làm sống kinh tế nông thôn mà cục diện nông dân đóng góp quá nặng cũng được kiềm chế về cơ bản.
Phương án cải cách thuế phí “trưng thu thực thuế nông nghiệp” do ông đề xuất sau khi đã điều tra nghiên cứu kỹ. Thậm chí ông còn bỏ ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu ba lần cải cách thuế phí quan trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc là đời Đường, đời Minh và đời Thanh…
Nhìn suốt lịch sử mấy ngàn năm thấy, nông dân làm ruộng nộp lương vua đều là việc thiên kinh địa nghĩa. Sau giải phóng, nông thôn Trung Quốc thực hiện cải cách ruộng đất, ruộng đất được phân chia không phải trả tiền cho nông dân cấy trồng, nhưng “lương vua” cũng vẫn phải nộp. Trong một thời gian dài sau ngày thành lập nước nguồn chủ yếu thu nhập tài chính quốc gia là thuế hiện vật công lương.
Hà Khai Ấm cho rằng, khôi phục thuế hiện vật nông nghiệp, nhà nước có thể dùng công lương không phải trả tiền, cung cấp khẩu phần lương thực với giá ổn định cho cư dân thành thị, cắt bỏ được ba lô nặng nề trợ cấp tài chính, đồng thời triệt để mở cửa thị trường lương thực, để cho nông dân thu được nhiều lợi ích thiết thực hơn trong việc phát triển sản xuất lương thực hàng hóa.
Ông đơn giản hóa những biện pháp cụ thể của ý tưởng của mình thành một câu: thống nhất nộp đủ cho nhà nước, cho tập thể, còn thừa đều là của mình.
Như vậy ông đã liên hệ hữu cơ cải cách bước hai và cải cách bước một ở nông thôn lại với nhau bằng một câu nói. Thậm chí ông còn gọi cải cách bước hai là “khoán lớn lần thứ hai”.
Để nói rõ hơn nữa tính có thể thi hành được của những ý tưởng trên, Hà Khai Ấm còn tính toán một số con tính sau.
“Lấy An Huy làm ví dụ. Sản lượng lương thực năm của tỉnh An Huy là 25 triệu tấn, nếu thu địa tô theo 15% tổng sản lượng lương thực thì được 3,75 triệu tấn lương thực không phải trả tiền; hiện nay nhiệm vụ định thu mua là 3,55 tấn, cộng thêm phần mua theo giá thỏa thuận nữa cũng được 3,75 triệu tấn; còn nếu theo diện tích canh tác trưng thu, toàn tỉnh với trên 4,3 triệu ha đất trồng trọt, trừ đi vùng nghèo tạm thời miễn thu, thì cũng còn chí ít trên 3,3 triệu ha đất trồng trọt phải thu địa tô, trung bình mỗi ha trong toàn tỉnh thu 1.125 kg thì trên 3,3 triệu ha cũng thu được lương thực địa tô là 3,75 triệu tấn, bảo đảm đủ nhu cầu bình thường. Làm như vậy không những tài chính tỉnh mỗi năm bỏ được bao phục trợ cấp bù giá lương thực 1,2 - 1,3 tỷ NDT mà vẫn cung cấp lương thực cho nhân khẩu phi nông nghiệp với giá hiện có, chính quyền được nhiều cái lợi”.
“Lại xem xét từ cả nước. Tổng sản lượng lương thực hàng năm của cả nước vào khoảng 400 triệu tấn, nếu thu công lương theo tỷ lệ 15%, nhà nước sẽ được 60 triệu tấn; còn nếu thu theo diện tích, cả nước có hơn 106 triệu ha canh tác, trừ đi hơn 26 triệu ha ở các vùng nghèo khó không thu, vẫn còn 80 triệu ha, nếu mỗi ha thu 750 kg, thì vẫn có thể thu được 60 triệu tấn công lương. Trước mắt nhà nước mỗi năm định thu mua khoảng 50 triệu tấn mà không dễ dàng. Nếu thực hiện chế độ tô trách này, nhà nước mỗi năm nắm chắc 60 triệu tấn lương thực mà không phải trả tiền, dùng để cung cấp cho nhân khẩu phi nông khẩu cả nước, rõ ràng là tốt hơn 50 triệu tấn hiện nay”.
Sau khi đã tính sổ cho tỉnh An Huy và cả nước, Hà Khai Ấm đã tính sổ tỉ mỉ cho nông dân về mấy khoản sau:
“Vậy thì, nếu nộp công lương bằng hiện vật cho quốc gia, liệu nông dân có giảm bớt thu nhập không? Kết luận là ngược lại. Lấy huyện Thiên Trường, nơi sản lượng lương thực bình quân đầu người nhiều nhất và nhiệm vụ định thu mua nặng nhất tỉnh An Huy làm ví dụ. Diện tích canh tác bình quân đầu người của huyện Thiên Trường là 1.286 m2, sản lượng bình quân lương thực là 1.250 kg, nhiệm vụ định thua mua bình quân đầu người là 305 kg, nếu tính giá thu mua thóc là 0,444 NDT, thì được 135,42 NDT; giả sử mỗi ha nộp cho nhà nước lượng địa tô (không lấy tiền) là 1.500 kg, đầu người phải nộp 193 kg lương không lấy tiền, thì trong số 305 kg định thu mua sẽ còn 112 kg được mua theo giá thỏa thuận, tính theo giá thị trường thì giá thỏa thuận là 1,1 NDT một kg (có lúc giá thị trường cao tới 1,4 NDT/kg) thì sẽ được 123,2 NDT, so với giá định thu mua sẽ ít hơn 12,22 NDT, nhưng trong số lượng lương thực bình quân đầu người là 1.250 kg, dù có bỏ đi 305 kg, trong tay mỗi nông dân vẫn còn 945 kg, chí ít cũng có thể bán 500 kg theo giá thỏa thuận được 550 NDT; nếu theo quy định, lương thực thừa phải bán theo giá giới hạn 0,70 NDT/kg cho ngành lương thực chỉ được 350 NDt thì lương thực thừa của nông dân bán theo giá thỏa thuận vẫn thu nhập nhiều hơn 200 NDT, trừ đi 12,22 NDT thu nhập ít hơn, mỗi nhân khẩu nông thôn trong bán lương thực theo giá thỏa thuận vẫn tăng 187,78 NDT thu nhập. Như vậy có thể n ói, thủ tiêu định mức thu mua lương thực, triệt để mở cửa thị trường và giá cả lương thực, sau khi nộp công lương không lấy tiền cho nhà nước, số lương thực còn lại được tự do đưa thị trường, nông dân sẽ được lợi lớn”.
Tất nhiên, huyện Thiên Trường sản lượng lương thực lớn, là điển hình đột xuất, nông dân các huyện khác có thể được như vậy không?
Hà Khai Ấm đã lấy huyện Định Viễn làm ví dụ, sau khi tính toán tỉ mỉ, thì tại vùng lạc hậu như huyện Định Viễn, vẫn có thể thu nhập nhiều hơn 35 triệu NDT.
Những cái trên là sổ sách công khai, có thể dùng con số tính ra. Ông chỉ ra, đặc biệt là thực hành phép “tính một thuế”, không thu thêm bất kỳ thuế phí ngoại ngạch nào khác của nông dân, và xác định rõ quyền sử dụng lâu dài đất canh tác, tự nhiên nông dân sẽ nâng cao tính tích cực trồng lương thực, vừa tăng thu nhập vừa nỗ lực nâng cao năng suất đất đai và tỷ suất hàng hóa, làm lương thực càng nhiều, nông dân càng có lợi.
Về tính ưu việt của việc thực hiện cải cách thuế phí và chế độ khoán vĩnh cửu ruộng đất, Hà Khai Ấm đã quy nạp thành 12 điều. Đó là: “Nhà nước thu hồi quyền sở hữu ruộng đất, quyền sử dụng lâu dài giao cho nông dân nhận khoán sở hữu, bất kỳ đơn vị và cá nhân nào đều không được lạm dụng chiếm ruộng đất, nếu có người trưng dụng lại ruộng đất, thì ngoài việc phải trải qua phê chuẩn ra, còn phải giải quyết con đường sinh sống cho hộ nhận khoán mảnh đất đó, đồng thời mỗi năm phải nộp thuế chiếm dụng đất canh tác tương đương với khoản công lương mà mảnh đất đó phải nộp, như thế, có thể khống chế có hiệu quả việc đất canh tác giảm bớt; nông dân tự dùng đất làm nhà, đào ao, dựng xưởng, đốt lò…, mỗi năm đều phải nộp số lượng công lương theo quy định, như thế, nông dân cũng tự mình phải biết quý ruộng đất”. Đó là: “Nộp đủ cho nhà nước, tập thể, còn thừa đều là của mình, bất kỳ ai cũng không có quyền trưng thu của nông dân một xu, điều này sẽ ngăn chặn có hiệu quả làn gió bất chính phân bổ bừa bãi, thu phí bừa bãi, giảm nhẹ đóng góp cho nông dân; cán bộ xã thôn không thể giơ tay đòi tiền nông dân nữa, các chi phí như trợ cấp tiền lương… được lấy từ công lương trả lại cho chính quyền xã, nhiệm vụ của cán bộ chỉ còn là toàn tâm toàn ý phục vụ nông dân. Chỉ phục vụ, cống hiến, không thò tay vòi vĩnh nông dân, tự nhiên sẽ cải thiện tốt quan hệ cán bộ, quần chúng, nâng cao uy tín của đảng và nhà nước”.
Đương nhiên, cuộc cải cách này có diện liên quan rộng, sẽ đụng chạm đến lợi ích của một số ngành, nên ở đoạn cuối bài viết, Hà Khai Ấm đã nói: “Điều này đòi hỏi Quốc Vụ viện đứng ra tiến hành điều hòa, điều chỉnh lợi ích của các mặt”. Đồng thời, “kiến nghị nhà nước lựa chọn trước một số huyện khác nhau về loại hình ở một tỉnh hoặc vài tỉnh làm thí điểm, tiến hành thăm dò”.
Sau khi viết xong bài viết, Hà Khai Ấm quyết định gửi nó lên Ban nghiên cứu chính sách nông thôn Trung ương và Trung tâm nghiên cứu phát triển nông thôn Quốc Vụ viện. Bởi vì những nơi này là bộ môn nghiên cứu cao nhất về công tác nông thôn của Trung ương và nhà nước, hơn nữa người kiêm nhiệm chức vụ quan trọng ở hai bộ môn này là Vương Úc Chiêu, vị lãnh đạo cũ mà ông hiểu biết nhất.
Ông gọi một cú điện thoại lên Bắc Kinh trước.
Không gọi thì thôi, vừa gọi, ông đã giật mình. Thì ra sau khi cơn sóng gió “ngày 6 tháng 4” [3] xảy ra không lâu, Ban nghiên cứu chính sách nông thôn Trung ương đã bị giải tán, Trung tâm nghiên cứu phát triển nông thôn Quốc Vụ viện cũng bị giáng cấp trở thành một bộ môn cấp dưới của Bộ Nông nghiệp. Như vậy có nghĩa là, cơ cấu nghiên cứu chính sách nông thôn và sự phát triển nông thôn quy cách cao và ở tầng nấc cao thuộc Trung ương đảng và Quốc Vụ viện, đã không còn tồn tại nữa.
Qua điện thoại, Vương Úc Chiêu còn bảo ông: có người ở Bắc Kinh đang tổ chức bài viết tiến hành phê phán luận văn ông được giải thưởng lần trước.
Hà Khai Ấm càng kinh ngạc.
Bài viết lần này, đã trình bày và luận chứng một cách đầy đủ hơn một số quan điểm của bài luận văn trước, ý tưởng của ông là mạnh dạn, rõ ràng đi xa hơn nữa. Đã có người muốn tổ chức phê phán luận văn đó, liệu bài viết này có nên gửi đi không?
Nếu cần gửi, thì gửi đến chỗ nào?
Ban nghiên cứu chính sách nông thôn không còn nữa, Trung tâm nghiên cứu phát triển nông thôn trực thuộc Quốc Vụ viện cũng đã đưa xuống Bộ Nông nghiệp, nhưng bài viết này của ông liên quan nhiều đến ý tưởng, gửi đến Bộ Nông nghiệp sao có thể giải quyết được?
Nhất thời, Hà Khai Ấm lúng túng.
35. Vào Trung Nam Hải
Sau khi nghĩ đi nghĩ lại, Hà Khai Ấm cuối cùng hạ quyết tâm: trực tiếp can ngăn Trung ương.
Đối với Hà Khai Ấm mà nói, việc can ngăn Trung ương không phải là lần đầu tiên.
Lần thứ nhất, là thời kỳ “cách mạng văn hóa”.
Đó là đoạn thời gian chẳng nên nhớ lại làm gì. Lúc này ngoài thân phận là “phái hữu” ra, ông lại có thêm cái mũ “phản cách mạng hiện hành”. Nói ra thật vô cùng tức cười, sở dĩ ông bị quy là phản cách mạng hiện hành chỉ vì ông đã lợi dụng thời gian rỗi rãi để học tiếng Nga, vì quan hệ Trung-Xô lúc đó rất căng thẳng, đã xảy ra “sự kiện đảo Trân Bảo” [4] mà Nông trường thanh niên, nơi ông đang ở lại gần Hắc Long Giang, anh học tiếng Nga là chuẩn bị làm gián điệp cho xét lại Liên Xô. Việc này vừa đặt ra, là Hà Khai Ấm với tư cách là phần tử “phái hữu” không thể ở lại nông trường bộ Bắc Đại Hoang làm một số công tác kỹ thuật nữa, mà bị đuổi xuống nông thôn, tiếp nhận sự cải tạo của nông dân, từ đó trải qua những ngày tháng còn khổ hơn nông dân. Do vất vả lâu ngày thành bệnh, ông bị bệnh gan rất nặng, may được nông dân địa phương hết lòng chiếu cố nên ông mới không bỏ mạng tại đó. Trong đoạn thời gian đặc biệt đó, ông đã sản sinh cảm tình đặc biệt đối với nông dân. Cuộc sống của nông dân lúc đó vô cùng khó khăn, suốt năm bận rộn mà ăn không đủ no, ông cảm thấy mình có nghĩa vụ phải giúp đỡ họ. Liên hệ với nông trường mình ở, vì có “mười sáu điều nông khẩn” do Vương Chấn, Bộ trưởng Bộ Nông khẩn chế định, thực hiện chế độ trách nhiệm trong sản xuất, nên sản lượng lương thực của nông trường nói chung cao hơn nông thôn, thế là bất chấp trên đầu mình còn hai cái mũ do người ta chụp cho, ông đã bạo gan viết một bức thư cho Trương Lâm Trì, bí thư tỉnh ủy Hắc Long Giang. Vì Trương Lâm Trì còn kiêm chức thứ trưởng thứ nhất Bộ Nông khẩn, nên ông hy vọng thông qua người, vừa là bí thư tỉnh ủy vừa là thứ trưởng thứ nhất Bộ Nông khẩn, có thể chuyển bức thư đó lên thủ tướng Chu Ân Lai, hy vọng nông thôn rộng lớn Trung Quốc cũng tham khảo, làm theo tinh thần “mười sáu điều nông khẩn”, thực hiện chế độ trách nhiệm trong nông nghiệp để kích thích nhiệt tình sản xuất của nông dân.
Trước cách làm của ông, nông dân xung quanh đều vì ông mà toát mồ hôi; thậm chí họ cho rằng Hà Khai Ấm không nên làm cái việc mạo hiểm đó, bức thư như thế này có gửi đi cũng bằng không, trừ việc mang lại họa cho mình ra, không thể có kết quả tốt đẹp. Nhưng Hà Khai Ấm vẫn ra bưu điện, khi bức thư vừa rơi xuống thùng thư, ông chợt nhớ tới một câu nói của Mác: “Tôi nói ra là đã cứu vớt linh hồn mình”.
Sự việc lại không đến nỗi đen đủi như đã tưởng tượng. Thư gửi đi không lâu, đã có người thông báo cho Hà Khai Ấm, lập tức đến ngay văn phòng tỉnh ủy. Hà Khai Ấm thấp thỏm không yên lên Cáp Nhĩ Tân. Đỗ Tái Hưng thư ký của Trương Lâm Trì tiếp ông. Đõ Tái Hưng nói: “Bí thư Trương rất coi trọng bức thư của anh, ông đã đọc mấy lần liền, rất cảm động. Nói, vẫn có một con người như vậy, dám viết một bức thư như thế này. Ông cảm thấy những vấn đề phản ánh trong thư là rất quan trọng, nhưng ông không tiện chuyển bức thư lên trên, bởi vì nếu ông chuyển, là đại biểu cho ý kiến của tỉnh ủy”. Đỗ Tái Hưng đề nghị Hà Khai Ấm “tìm một nhân sĩ dân chủ có uy tín chuyển bức thư lên trên”.
Mặc dù không giải quyết được vấn đề gì, nhưng những lời nói đó của Đỗ Tái Hưng đã làm Hà Khai Ấm cảm động mãi.
Trên đường về, ông chỉ suy nghĩ, ai là nhân sĩ dân chủ có uy tín?
Nhưng nghĩ mãi vẫn không có kết quả. Trong những người mà ông đã tiếp xúc, hiện ai có thể đưa bức thư này đến tận tay Thủ tướng Chu Ân Lai? Chẳng có nổi một người.
Bỗng mắt Hà Khai Ấm sáng lên.
Ông nghĩ tới Tôn Hiểu Thôn, phó chủ tịch Hội nghị chính trị hiệp thương toàn quốc. Bởi vì Tôn Hiểu Thôn là hiệu trưởng cũ trường đại học nông nghiệp Bắc Kinh - trường cũ của ông.
Và liệu hiệu trưởng cũ có vui lòng chuyển bức thư của một học sinh cũ mà ông không hề biết mặt lên Thủ tướng Chu Ân Lai không? Ông không hề có chút căn cứ nào, thế nhưng ngoài Tôn Hiểu Thôn ra, Hà Khai Ấm cũng chẳng tìm được người nào khác.
Ôm ấp trong lòng ý định thử xem sao, Hà Khai Ấm gửi bảo đảm bức thư đó cho Văn phòng chính hiệp, nhờ họ chuyển cho Tôn Hiểu Thôn.
Thư gửi đi rồi mà không hề có âm tín gì.
Phải đến năm năm sau, năm 1979, sau khi vấn đề lịch sử của Hà Khai Ấm được triệt để bình thản, ông mới lên Bắc Kinh gặp Tôn Hiểu Thôn. Tôn Hiểu Thôn nói, năm đó sau khi xem tài liệu nhận được, rất phấn khởi, và cảm thấy ý tưởng đề xuất của học trò mình, tuy có bạo gan, nhưng đã cho người ta gợi ý. Thời gian đó, trong một lần gặp Thủ tướng Chu Ân Lai, Tôn Hiểu Thôn đã nói riêng với Thủ tướng về việc này. Thế nhưng lúc đó phong trào “phê Lâm phê Khổng” đang diễn ra gay gắt, hoàn cảnh của Thủ tướng cũng rất khó khăn, sợ Thủ tướng thêm phiền phức và cũng là để bảo vệ Hà Khai Ấm, nên Tôn Hiểu Thôn không gửi bức thư đó đi. Ông nói, nếu Thủ tướng có lời phê, bị “lũ bốn người” biết được, hậu quả sẽ không thể tưởng tượng nổi.
Hiện nay tình hình đã không như xưa nữa, loại “đấu tranh giai cấp” không ngừng đó đã bị triệt để vứt bỏ, và xây dựng hiện đại hóa đã là chính trị lớn nhất của hôm nay. Thế nhưng Hà Khai Ấm vẫn sâu sắc cảm thấy rằng, trào lưu tư tưởng tả lại một lần nữa ngóc đầu dậy, viết những bài như thế này rõ ràng là có rủi ro nhất định. Tuy vậy, rốt cuộc mình vẫn là nhà nghiên cứu công tác nông thôn do đảng bồi dưỡng nên, vì sự nghiệp yêu quý trong lòng, vì 800 triệu nông dân, bằng bất cứ giá nào ông vẫn quyết tâm.
Cuối cùng ông đặt tên cho bài viết mới này là: “Một số ý tưởng về việc đi sâu cải cách nông thôn”, nộp cho Thẩm Tổ Nhuận, phóng viên phân xã An Huy của Tân Hoa Xã. Ông cho rằng loại bài viết này giao cho cơ quan tân văn như thế là tương đối thích hợp.
Quả nhiên, Tân Hoa Xã đã nhanh chóng đưa vào “bản tin tham khảo nội bộ”, còn “Nhân dân nhật báo” đã vì bài viết này đưa thêm “trang phụ” riêng, tiếp đó, ban nghiên cứu Quốc Vụ viện dùng một kỳ “tham khảo quyết sách” ra ngày 17/2/1990, tổng thuật tỉ mỉ nhất về những quan điểm và luận chứng trong bài viết của ông, và viết nổi bật như sau:
“Đồng chí Hà Khai Ấm cho rằng, nếu thực hiện biện pháp này, nhất định làm cho nông nghiệp ra khỏi cảnh khó quanh quẩn nhiều năm, nhưng đây là một động tác tương đối lớn, tình hình hiện nay đòi hỏi ổn định, chẳng ai dám manh động, việc đồng chí ấy yêu cầu phản ánh với lãnh đạo Quốc Vụ viện, nên được ủng hộ. Nếu có thể chọn một huyện làm thử, tin là sẽ được sự khẳng định và hoan nghênh của quần chúng như “khoán lớn”, chí ít là ở vùng sản xuất lương thực, có thể không cần thúc đẩy mà tự mở rộng”.
Đồng thời với việc Tân Hoa Xã và Nhân dân nhật báo đăng trên “Bản tin tham khảo nội bộ” và “Trang phụ”, Ban nghiên cứu Quốc Vụ viện ra “Tham khảo quyết sách”, Trương Học Đào, phó chủ nhiệm văn phòng ủy ban tỉnh An Huy cũng cho đăng bài của Hà Khai Ấm trên tờ “Tham khảo nội bộ chính vụ” do họ làm. Những bản tin tham khảo nội bộ chuyển, đăng cho tầng lớp quyết sách Trung ương, trong tỉnh không nhất định đều đọc, nhưng “ý tưởng” này được đăng trên “Tin nội bộ” của tỉnh, đã được lãnh đạo tỉnh ủy và chính quyền tỉnh An Huy coi trọng. Trương Vinh Cảnh, phó bí thư tỉnh ủy chỉ ra rõ ràng: “Bài viết của đồng chí Hà Khai Ấm rất tốt”, và cũng đề nghị ủy ban kinh tế nông nghiệp tỉnh mời các bộ môn có liên quan và chuyên gia nghiên cứu một lần. Phó tỉnh trưởng thường trực Chiêu Minh, phó tỉnh trưởng phụ trách nông nghiệp Vương Thiệp Vân đều mong mỏi tổ chức các chuyên gia lại bàn bạc và làm thử trong phạm vi nhỏ.
Trương Hà Nhuận, phó tỉnh trưởng phụ trách thương nghiệp mậu dịch, Đỗ Nghi Cẩn, phó tỉnh trưởng phụ trách văn hóa, giáo dục, y tế, một người chủ động gặp Hà Khai Ấm xin tài liệu, một người trực tiếp biểu thị ủng hộ, Long Niệm, phó tỉnh trưởng phụ trách công nghiệp đã ngọn cờ rõ ràng, trong thời gian một tuần lễ sau khi đọc được “ý tưởng” trên bài viết, đã trước sau hai lần có lời phê, khẳng định đầy đủ: “Đây là một kiến nghị quan trọng” và biểu thị thái độ rõ ràng: “Tôi tán thành làm thử ở vùng cá biệt”.
Tóm lại, không ít lãnh đạo tỉnh ủy, chính quyền tỉnh đều rất coi trọng. Điều đáng tiếc là, tình hình lúc đó, đúng như trên “Tham khảo quyết sách” do Ban nghiên cứu Quốc Vụ viện biên tập đã nói: “Đây là động tác tương đối lớn, tình hình trước mắt yêu cầu ổn định, chẳng ai dám manh động”. Hội nghị luận chứng do các chuyên gia của ban nông nghiệp tỉnh An Huy tuy có họp, nhưng tại hội nghị cái được luận chứng nhiều không phải là ý tưởng cải cách nào đó của Hà Khai Ấm có ý nghĩa thực tế với đi sâu cải cách nông thôn hay không, mà là nó có nhịp nhàng hay là đi ngược lại với công tác “chỉnh đốn trị lý” đang triển khai rầm rộ khắp nước lúc đó.
Kết luận là dễ thấy: trong thời gian chỉnh đốn trị lý, còn bàn luận “đi sâu cải cách” làm gì?
Thế là ban nông nghiệp tỉnh lấy danh nghĩa tổ chức, viết một báo cáo luận chứng lên tỉnh ủy, báo cáo cho rằng, một số ý tưởng nào đó của đồng chí Hà Khai Ấm về việc đi sâu cải cách nông thôn là không phù hợp với pháp quy, chính sách hiện hành.
Do sự phủ định của hội nghị luận chứng, lãnh đạo chủ yếu của tỉnh ủy không hỏi han nữa, những lãnh đạo tỉnh khác muốn hỏi han cũng không tiện hỏi han nữa. Thành quả nghiên cứu dốc hết tâm huyết của Hà Khai Ấm đã bị gác xó như vậy, coi như xong.
Hà Khai Ấm cảm thấy sự bất lực của việc muốn đền nợ nước mà không có cửa.
Tháng 1 năm 1991, bài viết trình bày “khoa học kỹ thuật là sức sản xuất thứ nhất” của Hà Khai Ấm được giải thưởng loại hai của Ủy ban khoa học nhà nước, trong thời gian về Bắc Kinh nhận giải thưởng, ông bất ngờ được mời đến báo cáo công tác tại Ban nghiên cứu Quốc Vụ viện.
Tin này làm ông phấn khởi mãi không thôi.
Hôm đó là ngày 2 tháng 2 năm 1991. Lần đầu tiên trong đời ông vào Trung Nam Hải thần thánh mà thần bí, đến gần lầu chữ Công, Tử Quang Các. Tiếp ông là Dư Quốc Huy, tổ trưởng tổ kinh tế nông thôn Ban nghiên cứu Quốc Vụ viện.
Hà Khai Ấm báo cáo ý tưởng và dòng suy nghĩ cụ thể về “khoán lớn” nông nghiệp đã được hoàn thiện và phát triển hơn nữa, từ kiến nghị thực hiện chế độ trách nhiệm khoán lâu dài đất canh tác, đến kiến nghị thực hiện cải cách thống nhất thuế phí nông nghiệp, đến kiến nghị thủ tiêu chế độ nhà nước định thu mua lương thực và chế độ hai giá lương thực, mở cửa thị trường và giá cả nông sản phẩm một cách triệt để, rồi đến trực tiếp bàn về việc xây dựng hệ thống dịch vụ xã hội hóa kiện toàn lấy khoa học kỹ thuật làm then chốt, phát triển kinh tế hàng hóa nông thôn quy mô khu vực, còn bàn đến cả việc tiến hành cải cách chế độ hộ tịch nông thôn, phá bỏ tảng băng kiên cố của kết cấu nhị nguyên thành thị - nông thôn.
Bàn đến những vấn đề mấy năm nay ông chuyên tâm nghiên cứu, Hà Khai Ấm đã ở vào tâm trạng nói không hết lời.
Dư Quốc Huy nghiêm túc lắng nghe. Khi nghe Hà Khai Ấm nói ông đã viết những suy nghĩ nhiều năm thành bài “Một vài ý tưởng về cải cách nông thôn” Dư Quốc Huy đã cho biết, Thủ tướng Lý Bằng đã đọc bài viết đó trên “Tham khảo quyết sách” và rất tán thành quan điểm của bài viết, khi cùng tổ nông thôn - Ban nghiên cứu tọa đàm, Thủ tướng Lý Bằng còn nói tới kiến nghị của Hà Khai Ấm về “tính một thuế”, nói: “Đổi việc thu mua lương thực theo hợp dồng thành nhà nước thu mua, vừa nhấn mạnh nghĩa vụ cống hiến hết mình của nông dân đối với nhà nước, số lượng không đổi, bảo đảm 50 triệu tấn. Có người kiến nghị bước sau nữa sẽ đổi thành trưng thu, thực hiện tính một thuế, khi sản lượng đạt 500 triệu tấn, trưng thu 10% thì cũng được 50 triệu tấn. Từ xưa Trung Quốc đã tính một thuế. Các chuyên gia đề nghị áp dụng biện pháp đó, để cố định quan hệ giữa nông dân và nhà nước. Cùng với việc phát triển kinh tế hàng hóa, rốt cuộc nên dùng phương pháp nào, phải từ kế lâu dài mà bàn”.
Nghe nói kiến nghị của mình được Thủ tướng coi trọng và tán thưởng, Hà Khai Ấm thực sự được cổ vũ gấp đôi, rất muốn tìm hiểu thêm các loại phản ứng của bên trên đối với bài viết của mình. Lúc này Dư Quốc Huy mới nói nguyên nhân mời ông đến báo cáo.
Dư Quốc Huy nói: “Vấn đề bây giờ là làm thế nào biến dòng suy nghĩ đó thành một phương án có thể thao tác. Tôi hiểu câu nói “phải từ kế lâu dài mà bàn” của Thủ tướng là, do trước mắt vẫn trong thời kỳ chỉnh đốn trị lý, không nên sử dụng động tác lớn; hơn nữa cũng còn một số cách nhìn khác nhau về dòng suy nghĩ đó. Vì vậy, tôi đề nghị, anh hãy đi sâu điều tra hơn nữa, luận chứng rõ ràng tỉ mỉ hơn, đưa ra được một phương án, biện pháp có thể thao tác, báo cáo với lãnh đạo tỉnh ủy và chính quyền tỉnh, làm thí điểm trước. Tốt nhất là làm thí điểm ở một huyện, hoặc làm trước ở một xã, trấn cũng được. Nếu thí điểm thành công, các việc ở bên dưới sẽ dễ làm”.
Lời nói của Dư Quốc Huy khiến Hà Khai Ấm vô cùng phấn chấn, nhưng suy nghĩ tới việc một mình mình lên Trung Nam Hải, rồi được nhận nhiệm vụ lớn đó, dường như là danh không chính ngôn không thuận, nên đã hỏi: “Liệu có thể xin Thủ tướng cho ý kiến bằng văn bản, như thế khi về địa phương tôi dễ ăn nói”.
“Không thích hợp”. Dư Quốc Khánh giải thích, “nếu lãnh đạo ký, thì đã biến thành ý đồ của Trung ương, không chỉ An Huy các anh có thể làm, mà địa phương khác cũng có thể làm như vậy, cùng làm cả sẽ loạn. Dùng suy nghĩ của anh, định phương án của anh, làm thí điểm của anh, hiệu quả sẽ tốt hơn một chút; người khác không có ý tưởng và suy nghĩ, sẽ không nhất định làm tốt”.
Suy nghĩ một lúc, Hà Khai Ấm thấy cũng phải lẽ, ông gật đầu nói: “Tôi rõ rồi!”
Dư Quốc Huy lại động viên: “Thôn Tiểu Cương, huyện Phụng Dương, tỉnh An Huy các anh đã thực hiện “khoán lớn” nông nghiệp đầu tiên, thí điểm ở thôn Tiểu Cương thành công đã nhanh chóng truyền đi cả nước. Từ điểm đó có thể thấy, chỉ cần phù hợp với lợi ích của nhà nước và đông đảo nông dân, thì dù chỉ là biện pháp tốt do một thôn làm thử, cũng có thể không thúc đẩy mà tự mở rộng”.
Nói đến “khoán lớn”, Hà Khai Ấm như có lời không nói hết. Ông luôn luôn cho rằng, cải cách bước thứ hai ở nông thôn Trung Quốc chỉ có thể là một loại hoàn thiện và phát triển “khoán lớn”. Nghĩ tới việc trong xã hội đang dấy lên trào lưu tư tưởng tả khuynh ý đồ phủ nhận “khoán lớn” ông đã thẳng thắn trình bày với Dư Quốc Huy cách nhìn của mình. Ông cho rằng cải cách cũng giống như thuyền ngược dòng nước chảy, không tiến là lùi, mà cải cách thì không có đường lùi, hậu quả của sự tụt lùi là không thể tưởng tượng nổi.
Dư Quốc Huy rất tán thành cách nhìn của Hà Khai Ấm. Trong câu chuyện về cải cách nông thôn, hai người có nhiều nhận thức chung. Vì thế tại một phòng làm việc ở lầu chữ Công trong Trung Nam Hải, vào một ngày lạnh nhất trong năm ở thủ đô, một người giữ chức vụ quan trọng, một người chẳng qua chỉ là kỹ sư cao cấp ở địa phương, cả hai đã nói chuyện ăn ý hơn hai giờ.
Khi tạm biệt, Dư Quốc Huy đã nắm tay Hà Khai Ấm, lắc đi lắc lại: “Mong rằng về mặt đi sâu cải cách nông thôn, An Huy lại dẫn đầu tốt!”
Hà Khai Ấm gật đầu, và không nhịn được tự cười giễu mình. Xem ra Dư Quốc Huy, tổ trưởng tổ nông thôn Ban nghiên cứu Quốc Vụ viện hẹn gặp ông báo cáo công tác, và đề xuất những suy nghĩ đó, đâu phải là hành động của cá nhân Dư Quốc Huy; còn ông - Hà Khai Ấm lại chỉ hoàn toàn đại biểu cho mình, bởi vì lúc đó, ông không thể đại biểu cho một “An Huy”, mà ngay một thôn, một xã cũng không đại biểu được.
Thế nhưng những mong mỏi mà Dư Quốc Huy đề xuất, đã làm cho Hà Khai Ấm ngầm hạ quyết tâm, ông chuẩn bị thông qua nỗ lực của mình, biến mong mỏi đó thành hiện thực.
Ông tin tưởng, trong cải cách bước một, An Huy đã có cống hiến vĩ đại, thì lịch sử của cải cách bước hai, cũng sẽ được viết trên đại địa An Huy.
Tháng 4 năm 1991, lại trải qua một lần điều tra tìm luận chứng, cuối cùng Hà Khai Ấm đã đưa ra được một phương án thực thi có thể thao tác: “Một vài ý tưởng về đi sâu cải cách nông thôn - biện pháp căn bản để phát triển kinh tế hàng hóa nông thôn”.
Trong “ý tưởng” này, ông đề xuất 10 biện pháp đi sâu cải cách nông thôn.
Đó là một phương án cải cách có tính tổng hợp. Ông cho rằng những mâu thuẫn mới, vấn đề mới đang tồn tại trong nông thôn là đan xen phức tạp, cải cách nông thôn bước tiếp theo phải thúc đẩy chỉnh thể. Vì vậy ông đã lần lượt chế định những biện pháp cải cách tương ứng về cải cách chế độ đất đai nông thôn, cải cách chế độ thuế phí nông thôn, cải cách chế độ hộ tịch nông thôn, cải cách chế độ quyền tài sản nông thôn, cũng như chế độ kinh doanh chế độ hùn vốn, chế độ di chuyển sức lao động, chế độ khoa học kỹ thuật, chế độ an sinh xã hội, xây dựng văn minh tinh thần và cải cách chế độ thu mua lương thực ở nông thôn.
Tất nhiên, thúc đẩy chỉnh thể, không phải là chen vai cùng tiến, càng không phải là nắm mọi thứ linh tinh. Ông chỉ rõ ràng, phải lấy cải cách chế độ đất đai và chế độ thuế phí làm đột phá khẩu.
Ông đã thiết kế vô cùng cụ thể những biện pháp cải cách đó. Ví dụ trên cơ sở ổn định chế độ trách nhiệm khoán gắn sản lượng lâu dài không thay đổi, ông kiến nghị để cho nông dân có quyền sử dụng đất canh tác từ 30 đến 50 năm, tăng người không tăng đất, giảm người không giảm đất, có thể chuyển nhượng có đền bù, có thể thế chấp để tham dự kinh doanh tập thể, khôi phục một phần thuộc tính hàng hóa của đất đai; ví dụ, cải cách biện pháp trưng thu thuế phí nông nghiệp, ông cho rằng nên thống nhất trù hoạch thuế phí, nộp công lương, xóa bỏ thu mua theo dự định, đã định là 3 năm, không tăng không giảm, thuế nộp nhà nước, phí về nông thôn, thu chi nghiêm túc, công khai sổ sách v.v…
Nhiều ý tưởng cải cách của ông, viết ít mà đủ ý, thông tục dễ hiểu. Điều đó phần lớn liên quan tới kinh nghiệm công tác nông thôn lâu dài của ông.
Tài liệu được in xong, ông liền thông qua thư ký riêng gửi cho Lư Vinh Cảnh, bí thư tỉnh ủy và Phó Tích Thọ, tỉnh trưởng tỉnh An Huy trước. Và tất nhiên, ông cũng đã kịp thời gửi đến các phó bí thư tỉnh ủy và phó tỉnh trưởng có liên quan.
Một loáng, ba, bốn tháng đã trôi qua. Những báo cáo ông gửi đi đó, vẫn không có bất kỳ động tĩnh nào, Hà Khai Ấm bắt đầu lo nghĩ không yên.
Ông nghĩ, việc này rõ ràng là có quan hệ tới “báo cáo luận chứng” mang ý kiến phủ định lần trước của ban nông nghiệp tỉnh. Nhưng trong báo cáo của mình ông đều có thuyết minh kiến nghị của người phụ trách tổ nông thôn Ban nghiên cứu Quốc Vụ viện và truyền đạt của ông về lời thủ tướng Lý Bằng!
Hà Khai Ấm như lạc trong đám mù sâu.
Tháng 7 năm đó, trung tâm nghiên cứu phát triển gọi điện thoại cho Hà Khai Ấm, mời ông đi Trường Xuân tham dự “Hội nghị nghiên cứu, thảo luận vấn đề nông thôn toàn quốc” do Ban biên bập “Nhật báo nông dân” và Ủy ban nhân dân tỉnh Cát Lâm cùng tổ chức. Hơn nữa, trước đó “Nhật báo nông dân” đã đăng trong “Tình hình nông thôn” một số ý tưởng của ông về đi sâu cải cách nông thôn, và đặc biệt ghi “Lời người biên tập” như sau:
“Làm thế nào đi sâu cải cách nông thôn, tiếp tục hoàn thiện và phát triển chế độ trách nhiệm sản xuất nông nghiệp là một đầu đề câu chuyện lâu dài mà phức tạp. Bài viết này đứng ở góc độ vĩ mô, nhìn lại và tổng kết lịch sử và bài học của sự phát triển nông nghiệp nước ta từ ngày thành lập nước đến nay, đặc biệt là phân tích và suy ngẫm một cách khách quan những cái được và cái mất trong phát triển sản xuất nông nghiệp, những cái hay và cái dở nào đó trong quyết sách từ hội nghị Trung ương 3 khóa 11 đến nay, tiến hành thăm dò tìm hiểu nguyên nhân khiến nông nghiệp nhiều năm quanh quẩn không tiến lên được. Trên những cơ sở đó đề xuất một số ý tưởng và kiến nghị, những ý tưởng này có ý mới nhất định, có một số là giản tiện, dễ làm, nên đặc biệt trích ra đây để các bộ môn lãnh đạo có liên quan tham khảo”.
Bắc Kinh gọi điện thoại tới, cũng như “Tình hình nông thôn” đăng một số ý tưởng về đi sâu cải cách nông thôn của ông, đã làm cho Hà Khai Ấm đang vô cùng buồn bã như được tiếp một liều thuốc hồi sinh. Chí ít có thể thấy rõ là: Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc Vụ viện đã chú ý đến công tác nghiên cứu của ông; “Nhật báo nông dân” với tư cách là báo cơ quan của Bộ Nông nghiệp, cũng ủng hộ ý tưởng của ông, hàng loạt ý tưởng của ông nhờ “Nhật báo nông dân” tán phát rộng rãi, đã đi ra toàn quốc. Đương nhiên, ông hy vọng càng nhiều người làm công tác nghiên cứu nông thôn cùng tham gia vào, càng hy vọng thông qua tham gia hội nghị nghiên cứu thảo luận ở Trường Xuân sẽ cùng các đồng nghiệp đến từ các nơi trong cả nước đi sâu thảo luận vấn đề nông thôn Trung Quốc.
Tràn đày tâm tình xúc động, ông đến gặp chủ nhiệm ban.
Vì phấn khởi nên ông không để ý đến sắc mặt cấp trên mà báo cáo ngay việc Bắc Kinh vừa thông tri qua điện thoại, hy vọng được sự ủng hộ.
Không ngờ, chủ nhiệm lạnh nhạt lắc đầu: “Không đồng ý đi”.
“Vì sao?” Hà Khai Ấm không hiểu ra sao. Bởi vì việc mà ban điều tra nghiên cứu làm là công tác điều tra nghiên cứu, Trung tâm phát triển Quốc Vụ viện mời nhân viên công tác của ban mình tham gia một hội nghị có tính chất toàn quốc như vậy, với tư cách là người đứng đầu ban, lẽ ra nên cảm thấy tự hào, phấn khởi mới phải.
Thế nhưng chủ nhiệm không nói gì nữa, vẫn không ngẩng đầu mà chăm chú vào công việc của mình.
Hà Khai Ấm đứng đờ ra nhìn chủ nhiệm hồi lâu không biết nói gì.
Ông nhịn không nổi vội chạy đến tìm Lưu Vĩnh Niên, phó bí thư trưởng ủy ban tỉnh.
Nghe nói Hà Khai Ấm được mời đi dự một hội nghị nghiên cứu có tính toàn quốc, thái độ của Lưu Vĩnh Niên rất rõ ràng, ông phấn khởi nói: “Nên đi, đó là vinh dự của An Huy!”
Có câu nói đó của phó bí thư trưởng, ngay sáng hôm đó, Hà Khai Ấm không để ý đến chủ nhiệm ban nữa mà đi ra ga xe lửa mua vé đi Trường Xuân.
Ai ngờ, buổi chiều vừa đi làm, chủ nhiệm đã hỏi ngay: “Anh đi mua vé?”
Hà Khai Ấm thẳng thắn trả lời: “Tôi mua rồi!”
“Đưa vé cho tôi”. Chủ nhiệm không chờ giải thích chìa tay ra trước mặt Hà Khai Ấm.
Hà Khai Ấm ngạc nhiên hỏi lại: “Vì sao phải đưa cho ông?”
“Anh không thể đi!”
Hà Khai Ấm nói: “Phó bí thư trưởng Lưu đã phê chuẩn cho tôi đi”.
“Lưu Vĩnh Niên, phó bí thư trưởng?” giọng nói của chủ nhiệm ban điều tra nghiên cứu càng cứng rắn,
“ông ta có to hơn tỉnh trưởng không?”
Hà Khai Ấm kinh ngạc: “Chẳng lẽ là tỉnh trưởng không đồng ý để tôi đi?”
Chủ nhiệm không nói gì, nhưng ông ta vẫn thẳng thắn đòi Hà Khai Ấm nộp vé xe lửa.
Trước sự việc này, Hà Khai Ấm vẫn nửa tin nửa ngờ, ông không tin là người đứng đầu một tỉnh đàng hoàng, có bao nhiêu công việc quan trọng phải làm mà sao lại có vẻ hứng thú với cái việc vặt này! Nếu thực sự đó là ý kiến của tỉnh trưởng, thì điều này nói lên cái gì? Có phải là do tỉnh trưởng đã nhiều năm làm công tác luyện kim ở Mã An Sơn, không quen thuộc công việc nông nghiệp, không coi trọng? Hay là vì nhạy cảm với tình hình “chỉnh đốn trị lý” hiện nay, sợ để ông, một thành viên của một bộ môn thuộc ủy ban, đến hội nghị có tính toàn quốc sẽ chuốc phiền phức cho An Huy?
Về đến nhà, Hà Khai Ấm vẫn còn suy nghĩ, không thiết ăn cơm, mãi tới lúc lên giường nằm mới hiểu ra, lần trước sau khi văn phòng ủy ban tỉnh biên soạn và cho phát hành bài viết của ông trong “Tham khảo nội bộ công việc chính quyền”, nhiều vị phó tỉnh trưởng phụ trách và không phụ trách công tác nông nghiệp đều có lời phê, biểu đạt rõ thái độ, duy chỉ có mỗi một tỉnh trưởng, đến nay vẫn chưa biết thế nào.
Bây giờ, có một điều rõ ràng là không thể đi hội nghị Trường Xuân nữa rồi. Một nhân viên điều tra nghiên cứu nói chung, thuộc văn phòng ủy ban tỉnh mà làm khó dễ cho trưởng quan hành chính cao nhất tỉnh, hậu quả thế nào không nói cũng rõ.
Hà Khai Ấm buộc phải bỏ không tham dự hội nghị Trường Xuân.
36. Hai hội nghị huyện ủy mở rộng
Khoảng thời gian đó, Hà Khai Ấm cảm thấy ngày dài như năm.
Một hôm, ông vừa vào văn phòng ủy ban tỉnh thì bị Long Niệm, phó tỉnh trưởng gọi lại: “Ông Hà ơi, lại đây một chút!”
Hà Khai Ấm thấy bồn chồn, Long Niệm phụ trách công nghiệp, ông tìm mình có việc gì đây? Đến phòng làm việc của Long Niệm, Hà Khai Ấm mới biết, Long Niệm rất hứng thú với sự kiện đó. Sau khi hỏi tỉ mỉ Hà Khai Ấm về một số ý tưởng cải cách, Long Niệm nói quả quyết:
“Ông Hà ơi, tôi không hiểu nông nghiệp, nhưng tôi có nhiệm vụ giúp nghèo, điểm giúp nghèo của tôi ở Lâm Tuyền, những ý tưởng của ông có thể làm thí điểm trước ở điểm giúp nghèo của tôi”.
Long Niệm là người làm việc mạnh mẽ dứt khoát, ông đã nói như vậy, coi như là đã xong. Sáng sớm hôm sau nữa, ông mời Hà Khai Ấm đến cơ quan, lên xe, tới Lâm Tuyền. Bọn họ đã lưu lại ở cái huyện nghèo cấp quốc gia ấy một tuần lễ. Ban ngày, nghiên cứu việc giúp nghèo, Hà Khai Ấm với tư cách là kỹ sư cao cấp, đã trở thành tham mưu cao cấp giúp nghèo cho Long Niệm; tối đến, Long Niệm lại mời trưởng phòng lương thực, từng người một, đến giúp Hà Khai Ấm tính toán sổ sách, để tìm ra phương án thống nhất trù liệu thuế phí khiến các mặt đều vừa ý.
Trước khi rời Lâm Tuyền, Long Niệm đã hẹn với Hà Khai Ấm, đến vụ thu, ông sẽ lại đưa Hà Khai Ấm về Lâm Tuyền, lấy việc khởi động thí điểm cải cách thuế phí làm bước ngoặt chuyển hóa, giảm thấp đóng góp của nông dân, đồng thời thúc đẩy công tác giúp nghèo triển khai toàn diện.
Thế nhưng, ông trời mưa gió khôn lường. Vào lúc hè thu giao nhau, một trận lụt lớn trăm năm không gặp đã làm nhỡ kế hoạch của bọn họ. Nhiều nơi bị chìm trong nước, nông dân ngay cơm cũng không có mà ăn thì còn nói gì đến việc làm thống nhất trù liệu thuế phí? Hơn nữa Trần Nghiệp Phu, bí thư huyện ủy, người tích cực ủng hộ công tác này đã bị điều đi, huyện trưởng Chu, nhiệt tình với công việc, bất ngờ không được bầu lại khi ủy ban huyện hết nhiệm kỳ.
Kết quả, một sự vui mừng hụt.
Tuy vậy cái việc âm ỉ trong lòng Hà Khai Ấm như một cái u, cuối cùng được cắt bỏ. Trong một cơ hội ngẫu nhiên, ông biết được lý do tỉnh không cho ông đi dự hội nghị Trường Xuân. Thì ra, thời gian đó, có người nói với cấp trên là ông “giả danh lừa bịp”, vì thế ủy ban tỉnh còn cử người lên Quốc Vụ viện để thẩm tra xem Thủ tướng Lý Bằng có nói những lời nói đó hay không, Ban nghiên cứu Quốc Vụ viện có hẹn ông đến Trung Nam Hải báo cáo công tác hay không.
Việc điều tra ở bên ngoài đó không cho ông biết. Chỉ khi điều tra chứng thực là có những việc đó, đồng chí trực tiếp đi điều tra cảm thấy đã làm một việc không hay, khi về mới nói hết sự thực với ông.
Đông đi, xuân lại, năm 1992 lặng lẽ tới, nhưng tháng ba, tháng tư năm đó, bài nói trong chuyến tuần du phương Nam của đồng chí Tiểu Bình như gió xuân mang lại cho đất lớn Hoa Hạ sức sống hừng hực. Nói hay biết bao!
“Phải mạnh dạn cải cách mở cửa hơn chút nữa, dám làm thử, đừng giống như người đàn bà bó chân. Nhìn chuẩn rồi thì phải mạnh dạn làm thử, mạnh dạn xông vào. Không có một chút tinh thần xông vào, không có một chút “liều”, không hăng hái, mạnh bạo, không thể tìm được con đường tốt, không tìm được con đường mới, không làm được sự nghiệp mới.
Trong cải cách ở nông thôn và cải cách ở thành thị, không nên tranh luận, mà phải mạnh dạn làm thử, mạnh dạn xông vào; chính sách của chúng ta là cho phép nhìn, cho phép nhìn tốt hơn nhiều so với cưỡng chế.
Phải nắm chắc cơ hội, hiện nay là cơ hội tốt đó. Tôi lo để mất cơ hội, không nắm lấy, cơ hội sẽ mất đi, loáng một cái là thời gian đi mất!”
Đọc những lời nói kích động lòng người của đồng chí Tiểu Bình, Hà Khai Ấm cảm thấy máu nóng trào dâng.
Theo bài nói trong lần đi thăm miền Nam của Tiểu Bình, Chiêu Minh, phó tỉnh trưởng thường trực tỉnh An Huy đã đứng ra, một lần nữa ông phê vào báo cáo của Hà Khai Ấm và đưa cho Uông Thiệp Vân, phó tỉnh trưởng, phụ trách công tác nông nghiệp: “Đồng chí Thiệp Vân, kiến nghị này của đồng chí Hà Khai Ấm đã đề xuất được mấy năm, tôi cũng đã xem mấy lần và suy nghĩ. Hiện nay Trung ương đề xướng mạnh dạn làm thử, đồng chí xem, liệu chúng ta có thể chọn một huyện hoặc một xã tiến hành làm thử, nếu đồng ý, một lần nữa chúng ta lại trao đổi với lãnh đạo tỉnh ủy, tìm bộ môn liên quan cùng nghiên cứu, đồng chí thấy thế nào?”
Ngày thứ hai sau khi Chiêu Minh có lời phê, Uông Thiệp Vân đã biểu thị thái độ: “Đồng ý với ý kiến của phó tỉnh trưởng thường trực Chiêu Minh”.
Thật đúng là: “Giữa lúc sơn cùng, thủy tận tưởng không còn đường đi nữa, lại thấy một thôn hoa nở, liễu rủ”.
Cuối cùng cơ hội đã đến.
Trong thời gian này, hội nghị nghiên cứu quốc thổ học toàn quốc họp ở Hoài Bắc, Đỗ Nhuận Sinh, chuyên gia kinh tế nông thôn nổi tiếng đã đến dự hội nghị; Hà Khai Ấm cũng được mời dự và phát biểu tại hội nghị. Bởi vì đây là hội nghị quốc thổ, nên trong hội nghị Hà Khai Ấm cũng chỉ có thể nói về vấn đề quốc thổ, nhưng tâm tư của ông vẫn để vào cải cách nông thôn. Do vậy, ông đã mang bài “Biện pháp căn bản để phát triển kinh tế hàng hóa nông thôn - một số ý tưởng về đi sâu cải cách nông thôn” đến hội nghị và đưa cho Đỗ Nhuận Sinh.
Sau khi đọc xong, Đỗ Nhuận Sinh rất tán thưởng. Ông nói với Hà Khai Ấm: “Anh Hà này, vùng ven biển tôi không dám nói, chúng ta phải có cuộc điều tra khác, nhưng tôi có thể nói chắc cái biện pháp này của anh, là thực dụng đối với nông thôn rộng lớn miền Trung và miền Tây Trung Quốc”.
Đánh giá cao của Đỗ Nhuận Sinh, khiến Hà Khai Ấm được cổ vũ sâu sắc.
Hội nghị sắp kết thúc, thì Vương Hoài Trung, phó chuyên viên thường trực địa khu Phụ Dương mang ô tô đến đón Đỗ Nhuận Sinh đến Phụ Dương chỉ đạo công tác. Vương Hoài Trung sở dĩ đến mời riêng Đỗ Nhuận Sinh đến Phụ Dương, một là, khi Đỗ Nhuận Sinh còn giữ chức chủ nhiệm Ban nghiên cứu chính sách nông thôn Trung ương và Trung tâm nghiên cứu phát triển nông thôn Quốc Vụ viện, đã chủ trì khởi thảo năm “Văn kiện số một của Trung ương” có tác dụng to lớn đối với cải cách nông thôn Trung Quốc, là chuyên gia lớn về vấn đề nông nghiệp trong đảng; hai là vào thời gian chiến dịch Hoài Hải, Đỗ Nhuận Sinh đã làm bí thư địa ủy Phụ Dương, ông có cảm tình với mảnh đất này. Năm 1987, khi nhà nước quyết định mở một cách có lựa chọn một số vùng làm thí điểm cải cách, do bí thư cũ Đỗ Nhuận Sinh hết lòng giới thiệu, Phụ Dương vinh dự trở thành vùng làm thí điểm cải cách nông thôn đầu tiên trong hồ sơ của Quốc Vụ viện. Vì vậy lần này, khi Đỗ Nhuận Sinh đến An Huy, nhân dân Phụ Dương mời bí thư cũ và lão chuyên gia đến vùng thí điểm chỉ đạo công tác cũng là điều hợp tình hợp lý.
Thế nhưng Đỗ Nhuận Sinh trong lúc bận rộn, tranh thủ thời gian đến dự hội nghị, trước khi đến đã mua sẵn vé xe về Bắc Kinh rồi, nên ông nói với Vương Hoài Trung: “Mùa thu tới, tôi sẽ tới một chuyến, bây giờ mời tôi không bằng gọi đồng chí Hà Khai Ấm ở tỉnh anh cùng đi. Đồng chí ấy là người có biện pháp, và đã đưa ra được một biện pháp rất tốt”.
Do giới thiệu của Đỗ Nhuận Sinh, Hà Khai Ấm cùng đi xe với Vương Hoài Trung về huyện Hào, quê hương của Tào Tháo và Hoa Đà.
Lúc đó Phụ Dương còn chưa bỏ địa khu thành lập thành phố và huyện Hào cũng chưa đổi thành Hào Châu, mấy ban lãnh đạo địa khu đang tập trung họp ở Phụ Dương. Việc Hà Khai Ấm đến dự đã làm cho hội nghị tăng thêm không khí cải cách. Vương Chiêu Diệu, bí thư địa ủy nhiệt tình mời Hà Khai Ấm nói với mọi người về ý tưởng cải cách bước hai nông thôn của mình. Bị kìm nén rất lâu mà nay lại được nơi có thể nói những điều muốn nói như thế này, Hà Khai Ấm đã không khiêm tốn nữa mà rủ rỉ nói hết những ý tưởng mà mình đã suy nghĩ sâu sắc kỹ càng trong nhiều năm.
Sau khi nói xong, ông nhắc nhở mọi người: “Phương án này trước mắt liên quan đến không ít khu cấm, liệu có thể thực sự làm được hay không, tự tôi cũng chưa có cơ sở”. Thành viên các ban lãnh đạo sau đó triển khai thảo luận sôi nổi. Cuối cùng Vương Chiêu Diệu nói với Hà Khai Ấm: “Chúng tôi quyết định làm, đồng chí đến giúp chúng tôi cùng làm nhé!”
Cuối cùng Hà Khai Ấm cũng đã thấy được ý tưởng của mình được mang ra làm, trong lòng rất phấn khởi, nhưng ông vẫn lo lắng: “Có rủi ro nhất định đấy!”
Vương Chiêu Diệu nói thẳng: “Chúng tôi là vùng thí điểm cải cách đã được nhà nước phê chuẩn, cho phép làm một số cái mới và đột phá. Cho dù có rủi ro, thì địa ủy chúng tôi chịu trách nhiệm, do Vương Chiêu Diệu tôi chịu trách nhiệm, đồng chí không liên quan gì”.
Vương Chiêu Diệu nói rất từ tốn, nhưng lời nói vô cùng kiên định.
Nghe xong, Hà Khai Ấm nắm chặt lấy tay Vương Chiêu Diệu. Đúng vậy, có câu nói đó của bí thư Vương, ông thấy không cần phải nói gì nữa.
Sau hội nghị, Vương Chiêu Diệu đích thân bồi đồng Hà Khai Ấm xuống bên dưới xác định địa phương làm thử.
Bọn họ đến huyện Dĩnh Thượng trước.
Vì năm đó, Trung tâm nghiên cứu phát triển nông thôn Quốc Vụ viện đã từng tiến hành thí nghiêm cải cách về mặt chế độ đất đai ở địa khu này, Đỗ Ưng và một số người ở trung tâm nghiên cứu còn đi sâu vào khu này, trước sau ở tới hơn một năm. Hà Khai Ấm cho rằng hai hạng mục cải cách chế độ đất đai và chế độ thuế phí là điều quan trọng nhất trong cải cách nông thôn, và cải cách chế độ đất đai đã đang được thăm dò, vì thế, vấn đề quan trọng đợi giải quyết, tự nhiên phải là cải cách về chế độ thuế phí nông nghiệp.
Vì vậy, ông và Vương Chiêu Diệu xuống dưới là để xác định nơi làm thử cải cách thuế phí.
Huyện Dĩnh Thượng vì việc này đã triệu tập một hội nghị huyện ủy mở rộng, hội nghị mở rộng, mở rộng đến tất cả thành viên của năm ban lãnh đạo. Bí thư địa ủy Vương Chiêu Diệu mặc dù dự hội nghị, nhưng ông đã đặc biệt nói rõ, huyện Dĩnh Thượng đồng ý hay không đồng ý làm thí điểm cải cách thuế phí nông thôn hay không, địa ủy không bao biện làm thay, hy vọng mọi người phát biểu đầy đủ ý kiến của mình.
Hà Khai Ấm giới thiệu tỉ mỉ tình hình có liên quan trước, sau đó là tự do phát biểu, hội nghị họp rất sôi nổi. Chẳng được bao lâu, hội trường đã xuất hiện cục diện trận tuyến rõ ràng khó dung hòa: huyện ủy, ủy ban huyện rất muốn làm, chính hiệp có chỗ nói không rõ, hội đồng nhân dân giữ ý kiến phản đối.
Người ủng hộ, người phản đối, người chiết trung đều nói rất khẳng khái hùng hồn, có lý có lẽ, cuối cùng không thống nhất tư tưởng được.
Lãnh đạo hội đồng nhân dân phủ định tiến hành làm thử cải cách thuế phí là có đầy đủ lý do, có thể đặt trên bàn: “Phương án này rõ ràng là không nhất trí với pháp quy, chính sách hiện có”.
Hà Khai Ấm nghiêm túc lắng nghe, càng nghe càng cảm thấy lời nói trong lần tuần du phương Nam của đồng chí Tiểu Bình là nhìn xa trông rộng, nhằm trúng vào tật bệnh đương thời, rất sâu sắc và cũng rất kịp thời. Từ trong lý do của những người phản đối và những người chiết trung, ông tìm ra được câu nói điển hình nhất: “Các nơi khác không làm như vậy, nếu chúng ta làm, sợ rằng sau này cán bộ xã, trấn sẽ có ý kiến”.
Không cầu có công, nhưng mong không có lỗi; mong ổn định sợ loạn, hoàn toàn yên tâm. Loại trạng thái tinh thần “không có một chút tinh thần xông vào, không có một chút tinh thần liều, không hăng hái, mạnh bạo”, “giống như người đàn bà bó chân” đã là trở ngại tư tưởng đột xuất nhất trong việc đi sâu cải cách nông thôn hiện nay.
Tất nhiên từ đằng sau những lý do áo mũ đường hoàng của những người phản đối, Hà Khai Ấm còn nhìn thấy nguyên nhân thầm kín. Thực ra sợ đi sợ lại, nói trắng ra là sợ sau khi thực hiện biện pháp thống nhất trù liệu thuế phí, cán bộ xã thôn không thể giống như trước đây tha hồ tùy ý thu tiền của nông dân nữa. Mà không hề nghi ngờ gì rất nhiều thành tích chính trị của cán bộ xã thôn và bao gồm cả cán bộ huyện nữa đều do việc đạt tiêu chuẩn, lên cấp mang lại, nếu không cho phép thu phí bừa bãi, không cho phép phân bổ bừa bãi, không cho phép tập trung tiền bừa bãi, thì một số “sự nghiệp công ích” cần tiền thì lấy đâu ra?
Đồng ý cải cách thuế phí, về một ý nghĩa nào mà nói, chẳng khác gì tự chặt đứt con đường tiền của của mình.
Rõ ràng là, thực hành cải cách, trước tiên phải có tinh thần cải cách, dám “cách” cái “mạng” của mình trước.
Vương Chiếu Diệu thấy rõ tình hình đó, ông không có ép. Bởi vì bất cứ cuộc cải cách nông nghiệp nào có thành công hay không, trước tiên phụ thuộc vào việc nông dân có hiểu biết, đồng thuận và ủng hộ hay không, cán bộ lãnh đạo cấp huyện còn như thế, thì làm sao có thể hy vọng bọn họ tổ chức, động viên đông đảo nông dân giành được thành công trong hạng mục cải cách này!
Ông nói với Hà Khai Ấm: “Chúng ta đến huyện Oa Dương vậy!”
Đến Oa Dương, quê hương của Lão Tử, Vương Chiêu Diệu giới thiệu Hà Khai Ấm với người lãnh đạo chủ yếu huyện ủy và ủy ban huyện Oa Dương, vì địa ủy có việc cần ông trở về xử lý, nên ông ra về trước. Trước khi đi, ông thành khẩn nói với Hà Khai Ấm: “Việc này vội không được. Có một điểm ông có thể yên tâm là, tôi ủng hộ ông làm cải cách thuế phí ở địa khu Phụ Dương”.
Huyện Oa Dương cũng vì việc này mà triệu tập một hội nghị huyện ủy mở rộng, cũng có thể là vì không có mặt bí thư Vương Chiêu Diệu nên hội nghị họp còn sôi nổi hơn ở huyện Dĩnh Thượng. Nghe nói nguyên tắc cơ bản của cải cách thuế phí là: “Nộp đủ cho nhà nước, tập thể, còn lại đều là của nông dân; bất kỳ bộ môn và bất kỳ cá nhân nào đều không có quyền thu của nông dân một xu nào nữa”, nên vừa bắt đầu, hội nghị đã không xuôi chèo mát mái.
Cục diện xuất hiện trong hội nghị không khác gì ở huyện Dĩnh Thượng, Vương Bảo Dân, bí thư huyện ủy kiên quyết ủng hộ, ông cũng chủ yếu coi cải cách chế độ thuế phí là một nhiệm vụ chính trị quan trọng; thái độ của huyện trưởng Uông Bỉnh Du cũng vô cùng kiên quyết, ông cho rằng nông dân hiện nay rất khổ, đóng góp quá nặng, mà phương án này lại có thể chặn đứng một cách có hiệu quả làn gió bất chính “ba bừa bãi” trong nông thôn. Ý kiến của chính hiệp là vừa phải, còn hội đồng nhân dân thì kiên quyết phản đối.
Vào lúc các phía tranh luận chưa ngã ngũ, huyện trưởng Uông Bỉnh Du đã đứng dậy, quẳng cuốn sổ tay lên mặt bàn, nói: “Mọi rủi ro, huyện ủy và ủy ban huyện chúng tôi chịu hết. Những ý kiến như vậy, chúng tôi nghe rồi, biết rồi, nhưng chúng tôi vẫn phải làm!”
Nói đến mức, những người tham dự hội nghị nhất thời im bặt.
Khi tan họp, Hà Khai Ấm tìm đến Uông Bỉnh Du, ông rất cảm kích vị huyện trưởng dám vỗ bàn nhận trách nhiệm, nhưng ông cũng thành khẩn khuyên: “Các đồng chí sắp bầu khóa mới, nên đợi một chút. Không thể vì việc này mà để đồng chí không trúng cử chức huyện trưởng, vì sau đó làm việc gì cũng không thành”.
Uông Bỉnh Du suy nghĩ, thấy cũng có lý. Dù nói năm ban lãnh đạo trong huyện không thể hoàn toàn thống nhất, nhưng nói chung làm việc phải có nguyên tắc, khi nhận thức mọi người không nhất trí, đúng là không nên nóng vội. Ông cười đau khổ: “Đành vậy, hãy buông trước đã”.
Khi rời huyện Oa Dương, Hà Khai Ấm không muốn kinh động bất kỳ vị lãnh đạo nào trong huyện, một mình ông xách túi hành lý lặng lẽ ra bến ô tô đường dài.
Hội nghị huyện ủy mở rộng của hai huyện họp náo nhiệt đến như vậy, ông dự cảm là, con đường cải cách thuế phí nông thôn ắt phải lâu dài, quanh co mà lại đầy khó khăn hiểm trở.
Trên đường về ông suy nghĩ rất nhiều, và dường như ủ rũ đến cùng cực. Ông cảm thấy rất mệt, cũng rất thảm hại, và cứ như vậy ông u mê trở về Hợp Phì.
37. Mọc lên một trấn Tân Hưng
Thế giới quả thật rất lớn, mọi việc đều có thể phát sinh.
Đúng vào lúc hội nghị huyện ủy mở rộng của huyện Oa Dương họp vô cùng sôi nổi rồi không vui giải tán, có một trấn nhỏ ở vùng xa của huyện này có tên gọi là “Tân Hưng” lại đang ấp ủ làm một việc lớn sẽ được ghi vào lịch sử cải cách của nước cộng hòa.
Chúng ta không có lý do để coi tố chất cán bộ thôn xã ngày nay quá kém, tuyệt đại đa số người trong bọn họ đều muốn làm tốt kinh tế nông thôn, chính vì xuất phát từ nguyện vọng mãnh liệt ấy, Lưu Hưng Kiệt, bí thư đảng ủy, Lý Bồi Kiệt, trấn trưởng trấn Tân Hưng, đã có hứng thú lớn đến như vậy đối với bài viết rất dễ bị coi thường đăng trên “Nhật báo nông thôn”, và sau đó triển khai thảo luận nhiệt tình.
Đó là bài viết “Cởi trói cho nông dân, đưa lương thực ra thị trường” của Dương Văn Lương. Bọn họ rất hứng thú vấn đề cải cách thuế phí mà bài bào đề xuất, đồng thời nảy ra ý nghĩ phải làm thử việc “thuế phí một tay nắm, dùng tiền thì chia nhà”.
Nói đến việc trưng thu thuế phí, cả hai người không ai là không cảm thấy đau đầu nhức óc. Nhiệm vụ trưng thu năm nào cũng tăng thêm. Năm này, toàn trấn phải hoàn thành 310.000 NDT thuế nông nghiệp, 249.000 NDT thuế đặc sản nông nghiệp, 24.000 NDT thuế chiếm dụng ruộng đất, 815.000 NDT thuế sản phẩm thuốc lá, 1.620.000 NDT tiền giữ lại, thống nhất trù liệu, cộng thêm chi phí sửa đường, trị thủy, tổng cộng là 3.200.000 NDT, đóng góp bình quân đầu người cao tới 100 NDT, đóng góp bình quân một ha là trên 750 NDT. Để hoàn thành các nhiệm vụ trưng thu trên, bọn họ phải tổ chức nhân viên đến đốc thuế tận nhà, chi phí cho số nhân viên này nói chung chiếm tới 10% tổng mức trưng thu, có khi cao tới 20 - 30%, khoản chi tiêu ngoại ngạch này lại phải trút vào đầu nông dân. Đặc biệt là thuế thuốc lá, bên trên năm nào cũng phân bổ nhiệm vụ, trấn chỉ việc phân bổ đến từng nông hộ, mỗi ha phải nộp hơn 1.200 NDT; trong khi nông dân phải chi cho việc sản xuất như mua màng nilon, phân bón, than để xấy, tưới nước v.v… giá thành mỗi ha lên tới gần 3.000 NDT, một năm làm việc vất vả còn phải mất thêm tiền. Tiếng oán thán của nông dân đầy trời, cán bộ trấn, thôn mỗi năm phải dùng thời gian 10 tháng, trong tiếng chửi cưỡng bức gieo trồng, trong tiếng chửi đôn đốc thu mua, làm cho cán bộ trên dưới, của thôn trấn không còn là người nữa.
Lưu Hưng Kiệt vừa qua tuổi nhi lập, tuổi trẻ giàu sức sống, nhìn thấy năm này lại khó có thể hoàn thành nhiệm vụ thu phí, thu mua, nên vô cùng cảm khái nói với Lý Bồi Kiệt:
“Mấy lần Quốc Vụ viện hạ lệnh, đóng góp của nông dân không thể vượt quá 5% thu nhập ròng của năm trước, kết quả ra sao? Tiêu chuẩn “giới hạn trên” vốn dùng để hạn chế thu phí bừa bãi, nay đã trở thành “giới hạn dưới” để tăng thêm thu phí. Làn gió báo cáo láo, nói phét vẫn thịnh hành, thu nhập bình quân của nông dân theo đầu người chỉ có 1.000 NDT, mà phải báo cáo là 1.500 NDT, thậm chí 2.000 NDT, cuối cùng phải theo 5% con số báo cáo giả dối ấy để trưng thu, như thế sao được”.
Lý Bồi Kiệt lớn tuổi hơn Lưu Hưng Kiệt nhiều, sự đời cũng từng trải nhiều hơn, nghe vị bí thư trẻ bàn luận một hồi, ông đã làm một con tính về giá lương thực năm đó: “Giá lương thực nhà nước định thu mua và giá thị trường chênh lệch quá lớn, nói ngay đỗ tương, nhà nước chỉ thu mua từ 0,76 NDT đến 0,8 NDT/kg, còn giá thì trường bây giờ đã bán tới 1,8 - 2 NDT/kg, nông dân rất bất mãn về chuyện này. Nói chung, biện pháp phải thay đổi một chút!”
“Đúng vậy, làm thế nào định ra được một biện pháp hợp lý, mới có thể thực sự giảm nhẹ được đóng góp của nông dân”, Lưu Hưng Kiệt thở dài, nói: “Thu phí phải làm cho nông dân thấy rõ ràng, đồng thời cũng phải làm sao giải phóng cho cán bộ thôn xã thoát khỏi cảnh suốt năm bận bù đầu mà vẫn không hoàn thành nhiệm vụ trưng thu”.
Từ khi làm bí thư đảng ủy trấn Tân Hưng đến nay, Lưu Hưng Kiệt luôn luôn tìm kiếm biện pháp giải quyết. Anh phát hiện do trưng thuế, thu phí mà hai cấp cán bộ xã, thôn với nông dân đã tích oán rất sâu, quan hệ đảng và quần chúng đã xấu đi nghiêm trọng từ lâu, anh rất muốn làm được việc gì đó về mặt này.
Lý Bồi Kiệt nói: “Chúng ta thử làm biện pháp mà trên báo nói!”
Lưu Hưng Kiệt nói: “Tôi mời anh lại cũng là để cùng tính việc này”.
Thế là, Lưu Hưng Kiệt và Lý Bồi Kiệt, sau này được mọi người gọi là “Nhị Kiệt Tân Hưng” vừa nói đã hợp ý nhau, cùng ngồi xuống, theo biện pháp mà bài viết của Dương Văn Lương cung cấp, tiến hành một cuộc hạch toán nghiêm túc: trấn Tân Hưng mỗi tháng phải trả tiền lương khoảng 70.000 NDT, cả năm là hơn 850.000 NDT; kinh phí văn phòng tính tỉ mỉ một năm cần 200.000 NDT; thuế nông nghiệp nói chung một năm cần 500.000 NDT; cộng thêm phí xây dựng 400.000 NDT, thủy lợi đồng ruộng, trồng cây gây rừng cần 200.000 NDT; chi cho “năm bảo, bốn giúp” [5] 200.000 NDT. Sau khi khấu trừ hết mọi cái, cả năm cả trấn cần chí ít khoảng 2.600.000 NDT. Diện tích đất canh tác cả trấn là 5.800 ha, tính ra mỗi ha đất mỗi năm nộp một lần 450 NDT là cơ bản thỏa mãn được nhu cầu tài chính của toàn trấn.
Và như thế là ý tưởng mạnh bạo “một ha đất canh tác một lần nộp 450 NDT, không ai có quyền thu thêm phí nữa” đã ra đời như vậy.
Liệu quần chúng có tiếp nhận biện pháp này không? Lưu Hưng Kiệt và Lý Bồi Kiệt động viên cán bộ xã thôn đi vào từng nhà, từng hộ trưng cầu rộng rãi ý kiến nông dân. Nông dân nghe nói, sau một lần nộp thuế, phí sẽ không có ai đến nhà thu thuế phí nữa, đều vui vẻ vỗ tay tán thành.
Lưu Hưng Kiệt, bí thư đảng ủy trấn Tân Hưng là người sinh trưởng ở địa phương, sau khi nghe báo cáo của các nhóm đến trưng cầu ý kiến tận nhà nông dân, trong hội nghị liên tịch giữa đảng ủy và ủy ban trấn, đã chân thành cởi mở nói với mọi người:
“Chúng ta là con em nông dân, nhiều việc của nông thôn đều tự mình đã trải qua, tự mình nhìn thấy, chúng ta làm việc trên mảnh đất quê hương này, nếu không làm được việc gì thiết thực mà chỉ biết thu tiền, sẽ bị các bậc cha mẹ, hương thân chửi cho đấy!”
Ý kiến đã định, tiếp sau đó, bọn họ liền tìm cách có được sự ủng hộ của cấp trên. Tháng 10 năm đó, Lưu Hưng Kiệt và Lý Bồi Kiệt lên huyện thành Oa Dương, bọn họ hết sức thận trọng báo cáo công tác với huyện ủy và chính quyền huyện.
Vương Bảo Dân, bí thư huyện ủy, Uông Bỉnh Du, huyện trưởng rất nghiêm túc lắng nghe hai người báo cáo, đặc biệt cảm thấy rất phấn khởi khi biết được bọn họ đã trưng cầu rộng rãi ý kiến của nông dân, đảng ủy và ủy ban trấn đã họp và ra quyết nghị riêng về việc này, quyết tâm rất lớn. Hai vị lãnh đạo huyện không chỉ biểu thị thái độ rõ ràng có thể làm thử, mà còn giới thiệu với họ phương án cụ thể của Hà Khai Ấm về cải cách thuế phí nông nghiệp.
Nghe xong, Lưu Hưng Kiệt và Lý Bồi Kiệt rất phấn khởi. Điều càng làm cho hai người vui mừng ra mặt là, bí thư, huyện trưởng không những cổ vũ họ làm tốt thí điểm này mà còn quyết định tại chỗ, ủy ban huyện quyết định triệu tập một hội nghị hiện trường tại Tân Hưng của bọn họ vào ngày 3 tháng 1 sang năm.
Bí thư và huyện trưởng đưa ra quyết định phi thường ấy khiến Lưu Hưng Kiệt và Lý Bồi Kiệt phấn khởi đến mức có chút “được chiều mà giật mình”.
Có lãnh đạo huyện đỡ lưng, Nhị Kiệt Tân Hưng” càng thêm sức mạnh.
Thế nhưng chẳng bao lâu sau đó, hai người trước sau nghe được cuộc tranh luận phát sinh tại hội nghị huyện mở rộng, cũng như chuyện Uông Bỉnh Du quẳng sổ tay xuống bàn, nên đã thầm cảm thấy việc này nếu làm thật sự, khẳng định sẽ không đơn giản, bởi vì gộp trưng thu thuế phí vào làm một là vi phạm chính sách, pháp quy đương thời.
Hội nghị huyện ủy mở rộng còn họp gian nan như vậy, liệu cái xã, trấn nhỏ của bọn họ sẽ thế nào? Lưu Hưng Kiệt và Lý Bồi Kiệt không thể không cảm thấy nghĩ lại mà sợ. Nhưng sợ thì sợ, việc muốn làm, phải làm.
“Nhìn chuẩn rồi thì mạnh dạn thử, mạnh dạn xông vào” Lưu Hưng Kiệt nói, “Ai truy hỏi kiểm tra, chúng ta còn có câu nói đó của đồng chí Tiểu Bình!”
Lý Bồi Kiệt nói: “Tôi thấy cải cách này đều có lợi cho các bộ môn, chỉ có mỗi cán bộ xã, trấn, cán bộ thôn không có lợi, bởi vì bọn họ không lấy được “mỡ” từ trên thân người nông dân nữa. Như vậy là vừa có lợi cho nhà nước, có lợi cho tập thể, làm giảm thấp đóng góp của nông dân thì dù cá nhân có chịu chút thiệt thòi, thậm chí “xúi quẩy” chúng ta cũng nên nhận!”
Lưu Hưng Kiệt ngẫm nghĩ rồi nói: “Để giảm nhỏ rủi ro, liệu chúng ta có thể tìm một biện pháp tốt hơn nữa không?”
Sau này, cái “biện pháp tốt hơn nữa” cuối cùng đã tìm ra. Bọn họ dứt khoát giao phương án cải cách thuế phí cho hội nghị hội đồng nhân dân trấn Tân Hưng xem xét bàn bạc, làm như vậy có thể tranh thủ sự tham dự của hội đồng nhân dân trấn và sự ủng hộ của các đại biểu nhân dân.
Ngày 23 tháng 11 năm 1992, hội nghị đại biểu hội đồng nhân dân trấn Tân Hưng long trọng họp. 110 đại biểu hội đồng nhân dân trấn, hôm đó trừ hai người vì ốm xin nghỉ ra, 108 người còn lại đều tham dự đầy đủ.
Tại hội nghị, Lý Bồi Kiệt thay mặt ủy ban trấn đọc báo cáo công tác “Thiết thực giảm nhẹ đóng góp của nông dân, thành lập chế độ khoán thuế (phí) đất đai”. Trải qua thảo luận đầy đủ và nghiêm túc của các đại biểu, 108 đại biểu tham dự hội nghị đều bỏ phiếu tán thành.
Đại biểu nhân dân trấn Tân Hưng trong việc xem xét thông qua đề án, chưa bao giờ có sự đồng lòng như vậy.
Có thể nói, dựa vào hội đồng nhân dân của một xã, trấn để xem xét thông qua một công tác cải cách quan trọng như vậy, cũng là điều chưa từng có trong lịch sử hội đồng nhân dân của Trung Quốc mới.
Sau hội nghị, trong lịch sử nước cộng hòa, lại sản sinh một bản Thông báo cải cách do ủy ban nhân dân xã trấn công bố, không bao giờ có nữa. Bản thông báo đó do Lý Bồi Kiệt, trấn trưởng ký tên, chỉ trong một buổi sáng được dán khắp thôn xóm, chợ búa trong toàn trấn Tân Hưng, quảng cáo rằng: “Bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 1993, toàn trấn sẽ làm thử chế độ thuế (phí) khoán đất đai”.
Nội dung Thông báo như sau:
Thực hiện để lại thuế phí khoán toàn mức, nông dân chỉ đóng góp công nghĩa vụ theo quy định của chính sách, không phải đóng góp bất kỳ phí dụng nào khác, không cho phép bất kỳ đơn vị nào và cá nhân nào phân bổ hoặc tăng thêm khoản để lại với nông dân;
5.933 ha đất đai của toàn trấn, phí khoán mỗi ha cả năm nộp lên trên là 450 NDT, thực hiện để lại thuế phí một lần là xong, nông dân theo quy định của nhà nước nộp bán lương thực, người nào bán người nấy được tiền;
Tổ tài vụ trấn trực tiếp ký hợp đồng với nông dân, trong thời gian thu tiền, cán bộ thôn phụ trách quán triệt, đồng thời yêu cầu cán bộ toàn trấn, cán bộ công nhân viên nhà nước, giáo viên, đảng, đoàn viên dẫn đầu nộp tiền.
Đây là một thông báo rất ít có, mặc dù nó được dán với danh nghĩa chính quyền cơ sở nhưng đã thể hiện rõ một cách giản dị nhất khát vọng thoát khỏi đóng góp nặng nề của trăm triệu nông dân Trung Quốc và quyết tâm dũng cảm đi vào thị trường của họ.
Nhiều nội dung trong đó, đối với nông thôn rộng lớn của Trung Quốc ngày nay rõ ràng là vẫn còn có ý nghĩa điển hình, lý tưởng hóa. Đương nhiên nó cũng được chúng ta ghi nhớ như là một sự kiện trọng đại trong lịch sử nước công hòa nhân dân.
Trấn Tân Hưng dấy lên cải cách thuế phí, tin đó giống như một tia chớp sáng chói rạch ngang những cánh đồng vắng lặng của bình nguyên Hoài Bắc, làm kinh động cán bộ thôn xã và nông dân toàn huyện Oa Dương. Các cán bộ đều bị việc trưng thu thuế phí làm cho sứt đầu mẻ trán, nông dân thì bị “ba bừa bãi” làm cho phát sợ, nghe nói trấn Tân Hưng làm thử “phí đổi thành thuế”, “nộp một lần là xong”, cán bộ quần chúng đều hoan nghênh hết lòng.
Một thời gian, người đến Tân Hưng tham quan, học hỏi kinh nghiệm, đông như nước chảy.
Mọi người đều sống rất mệt, đều bị những loại ràng buộc nói rõ được và không nói rõ được trói lại rất lâu, rất chặt, khát vọng được giải thoát, tìm ra một thay đổi. Bây giờ trấn Tân Hưng dẫn đầu, tìm ra được một con đường mới, nên các xã, trấn khác, tự nhiên cũng sôi nổi muốn thử.
Nghe gió mà chuyển động trước tiên là xã Đan Thành, bọn họ hầu như theo sát, bắt chước cách làm của trấn Tân Hưng, triệu tập hội nghị đại biểu hội đồng nhân dân xã, và trong hội nghị đã xem xét, thông qua phương án cải cách thuế phí giống như vậy.
Xã Mã Điếm cũng không chịu lạc hậu, cũng chiêng trống rùm beng bắt đầu các việc trù bị.
Nguyên đán mỗi năm, Hoài Bắc vẫn còn là thế giới băng tuyết, những làn gió Tây Bắc rét buốt ghê người như muốn cuốn đi mọi sức sống trên bình nguyên rộng lớn này, thế nhưng vào nguyên đán năm 1993, huyện Oa Dương và các huyện Mông Thành, Lợi Tân, Thái Hòa, Tuy Khê và huyện Hào ở xung quanh Oa Dương, ở đâu cũng đều sôi nổi bàn bạc về câu chuyện cải cách thuế phí ở trấn Tân Hưng trong mấy ngày tết.
Ngày thứ ba của năm mới, lãnh đạo huyện ủy, ủy ban huyện, chính hiệp huyện, hội đồng nhân dân huyện, huyện Oa Dương và người phụ trách đảng ủy và chính quyền các xã, trấn trong toàn huyện đã tập trung tại trấn Tân hưng, họp hội nghị liên tịch bốn ban lãnh đạo lớn theo đúng thời hạn. Theo kế hoạch đã định trước của Vương Bảo Dân, bí thư huyện ủy và Uông Bỉnh Du, huyện trưởng là phải thông qua hội nghị hiện trường này, để coi công việc cải cách của trấn Tân Hưng như là một điển hình, thị phạm, mở rộng ra toàn huyện.
Hội nghị sắp xếp để Lưu Hưng Kiệt đại biểu trấn Tân Hưng phát biểu ý kiến đầu tiên, anh đã có sự chuẩn bị nghiêm túc. Lưu Hưng Kiệt tràn đầy phấn khởi, tự hào báo cáo cách làm và những tâm đắc của bọn họ trong việc tiến hành cải cách “chế độ thuế (phí) khoán đất đai” nhằm giảm nhẹ đóng góp của nông dân. Dường như toàn thể những người dự hội nghị đều chăm chú lắng nghe, toàn bộ hội nghị chìm ngập trong bầu không khí rất phấn khởi.
Thế nhưng, chính lúc này lại xuất hiện tình hình ngay cả bí thư huyện ủy, huyện trưởng đều cảm thấy bất ngờ, chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện bỗng nhiên đưa ra ý kiến khác, và nói nghiêm túc: phương án cải cách của trấn Tân Hưng tuy hợp lý, nhưng không hợp pháp!
Khẩu khí của chủ tịch hội đồng rõ ràng dứt khoát, lời lẽ bình tĩnh, biểu lộ thái độ phủ định kiên quyết và lập trường nguyên tắc không chút dao động.
Những ai am hiểu hoạn lộ chính trường, vừa nghe biết ngay rất có bối cảnh.
Ai cũng biết, hội nghị liên tịch lần này là do hai người bí thư huyện ủy và huyện trưởng đề xướng nhằm biểu dương tinh thần cải cách của trấn Tân Hưng và phổ biến phương án cải cách của họ, có thể nói, bí thư, huyện trưởng nói dốc hết tâm sức, “ra trận tay không”. Cũng như, không ai không biết, dám công khai ý kiến hoàn toàn trái ngược với bí thư, huyện trưởng đó trước các ban lãnh đạo toàn huyện và tất cả những người phụ trách đảng bộ, chính quyền xã trấn, chẳng phải có hội đồng nhân dân tỉnh, chí ít cũng phải có hội đồng nhân dân địa khu ủng hộ sau lưng.
Điều đó làm cho tuyệt đại đa số những người tham dự hội nghị đều cảm thấy bất ngờ.
Điều đó rõ ràng là đánh đòn cảnh cáo đối với cải cách của trấn Tân Hưng, đối với hội nghị liên tịch lần này do huyện ủy, chính quyền huyện quyết định triệu tập!
Chính vì mọi người đều hiểu rõ ý kiến của Chủ tịch hội đồng nhân dân không hề xen lẫn ân oán cá nhân, dù rằng ở trường hợp này tỏ rõ quan điểm trái ngược không chỉ hợp lý hợp pháp, danh chính ngôn thuận, mà còn ở sử dụng quyền lực của Hội đồng nhân dân theo luật định, là nhằm bảo vệ tính nghiêm túc của pháp qui chính sách nhà nước, vì vậy không cần chủ tịch hội đồng nói rõ, ai cũng biết: tuyên truyền rùm beng quyết sách phi pháp có hàm ý gì đối với huyện ủy, chính quyền huyện.
Trong hội trường, bỗng im phăng phắc đến ngạt thở.
Bầu không khí hết sức phấn khởi của cả hội nghị trước đó nhanh chóng tan biến trong sự im lặng xuất hiện đột ngột đó, tan biến đến nỗi không tìm thấy một chút dấu vết.
Tôn chỉ của hội nghị cũng thay đổi trong nháy mắt. Dù là bí thư huyện ủy Vương Bảo Dân hay là huyện trưởng Uông Bính Dụ đều không tiện nói gì nữa trong tình thế đó.
Chủ tịch hội đồng nhân dân huyện là người giám sát luật pháp nhà nước đã nêu lên phương án phi pháp, bí thư huyện ủy và huyện trưởng lại lặng thinh như thế, phương hướng suy nghĩ của mọi người tự nhiên rất nhanh nhảy ra khỏi tư duy của cải cách, phát biểu tiếp theo bắt đầu trở nên nửa vời, lập lờ, thế nào cũng được.
Rất nhiều người dự hội nghị lần này đến nay vẫn còn ấn tượng sâu sắc về tình cảnh tổng kết cuối cùng của hội nghị, mặc dù trong lòng bí thư huyện ủy hướng về cải cách công tác trấn Tân Hưng, nhưng tiếng nói đã không rõ ràng rành mạch như trước nữa, thậm chí còn nói, nếu thực tế không được thì quay đầu lại cũng kịp.
Tóm lại, sau hội nghị tại chỗ, tất cả những người lãnh đạo ủng hộ đã không còn cương quyết như trước nữa.
Cải cách thuế phí của trấn Tân Hưng rơi vào lúng túng khó xử vô cùng.
Đúng thế, cuộc cải cách như thế còn có thể làm lại được sao?
Lưu Hưng Kiệt và Lý Bồi Kiệt do dự, nhưng họ không cam chịu vì thế mà buông xuôi. Ban lãnh đạo đảng chính quyền trấn bàn bạc kỹ lưỡng, quyết định không thay đổi ý nguyện ban đầu, dù sao cũng phải tiếp tục cải cách thuế phí!
Lưu Hưng Kiệt và Lý Bồi Kiệt đã nhận ra một lý lẽ: cuộc cải cách này có lợi cho nông dân, một cán bộ sơ sở nông thôn không mưu cầu phúc lợi cho nông dân tức là vô trách nhiệm lớn nhất.
Tất nhiên họ biết tầm quan trọng của nguyên tắc tổ chức, cũng biết “làm thử chế độ thuế (phí) khoán ruộng đất” là trái với pháp qui chính sách hiện hành, những điều đó, họ đều biết cả; song họ càng rõ hơn, Tổng bí thư Giang Trạch Dân nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu mọi người “dương cao ngọn cờ vĩ đại lý luận Đặng Tiểu Bình”, các phát biểu khi đi thị sát miền Nam của Đặng Tiểu bình, rõ ràng là một bộ phận hợp thành quan trọng của “lý luận Đặng Tiểu Bình”, đối với các phát biểu khi đi thị sát miền Nam của Đặng Tiểu Bình nói một đằng nghĩ một nẻo, hay là làm theo trọn vẹn, rõ ràng đó là một vấn đề lớn đúng sai có giương cao ngọn cờ vĩ đại lý luận Đặng Tiểu Bình hay không, có chấp hành chỉ thị quan trọng của Tổng bí thư Giang Trạch Dân hay không, có đảng tính hay không!
“Chứng khoán”, “cổ phiếu” vẫn bị cho là cái của chủ nghĩa tư bản, nhưng Đặng Tiểu Bình lại chỉ ra một cách chân thành thắm thiết: “Những cái đó cuối cùng có tốt hay không, có nguy hiểm hay không, có phải là cái có riêng của ch»§ nghĩa tư bản hay không, chủ nghĩa xã hội có thể vận dụng được không? cho phép xem, nhưng phải kiên quyết thử”. Và nói, “xem đúng rồi, làm một hai năm thấy đúng thì mở cửa; sai thì sửa chữa, đóng cửa lại là được”. Thậm chí còn nói “đóng cửa có thể đóng nhanh, cũng có thể đóng chậm, cũng có thể để lại chút ít cái đuôi. Sợ cái gì, kiên trì thái độ chẳng có sao, sẽ không mắc sai lầm lớn”.
Đọc những lời phát biểu đầy khí thế hào hùng đó của Đặng Tiểu Bình, Lưu Hưng Kiệt và Lý Bội Kiệt không chỉ cảm thấy thân thiết, cảm thấy rung động tâm hồn, càng cảm nhận được vỡ lẽ ra nhiều điều. Họ theo kế hoạch đã định, đem “qui tắc chi tiết làm thử” của cải cách thuế phí và “biện pháp thanh toán thu nộp” sau khi sáp nhập thuế phí phát tận tay cho mỗi hộ nông dân toàn trấn, và ký thỏa thuận với từng hộ gia đình theo quy định.
Thế là, trấn Tân Hưng không thể thoái thác kéo màn cải cách thuế phí Trung Quốc.
Xã Mã Điếm đã từng sẵn sàng cùng với trấn Tân Hưng tiến hành cải cách, cuối cùng vì bí thư đảng ủy thấy thế khó xử, chủ động rút lui; còn như xã Đơn Thành do Hội đồng nhân dân cơ sở họp thông qua phương án cải cách, lại được trấn Tân Hưng cổ vũ, vẫn quyết định cùng với trấn Tân Hưng kiên trì tiếp tục làm.
Thế nhưng, ngày vui chóng tàn.
Ngày 1 tháng 3, Ban tư pháp hội đồng nhân dân huyện và Phòng tài chính huyện bỗng nhiên đưa người xuống trấn Tân Hưng điều tra; ngày 3 tháng 3, Bí thư đảng ủy trấn Lưu Hưng Kiệt bị điều đi nơi khác.
Có người nói, điều Lưu Hưng Kiệt đi, đó là “rút bớt lửa dưới nồi” đối với cải cách thuế phí của trấn Tân Hưng; cũng có người nói để Lưu Hưng Kiệt nhận chức trấn trưởng trấn Thanh Quan cấp huyện phó, Lý Bội Kiệt thay Lưu Hưng Kiệt làm bí thư đảng ủy trấn Tân Hưng, đó là huyện ủy, chính quyền huyện trọng dụng họ. Nhưng dù nói thế nào chăng nữa, cải cách thuế phí đang ở giai đoạn khởi đầu rất gian nan, điều Lưu Hưng Kiệt đi rốt cuộc là một tổn thất đối với trấn Tân Hưng.
Trấn trưởng Lý Bội Kiệt sang làm bí thư đảng ủy, Phó trấn trưởng Cung Bảo Kiệt lên làm Trấn trưởng. Cung Bảo Kiệt cũng là phái kiên định cải cách thuế phí, vì trong tên ông cũng có chữ “Kiệt”, về sau người ta đổi cách gọi “Tân Hưng nhị Kiệt” thành “Tân Hưng tam Kiệt”.
Vì vậy cải cách của trấn Tân Hưng không dừng lại, ngược lại, do cải cách được lòng dân, thuận ý dân, rất nhanh phát triển mạnh mẽ thế như chẻ tre.
Nhưng đến ngày 27 tháng 4, tình hình thay đổi đột ngột. Hôm đó Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân huyện Oa Dương chính thức thông qua một quyết định: hủy bỏ quyết định thực hành cải cách thuế phí mà hội đồng nhân dân trấn Tân Hưng và xã Đơn Thành đã thông qua.
Đứng trước quyết định của Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân huyện, xã Đơn Thành không chống đỡ nổi, đành co lại. Lý Bội Kiệt cũng đứng trước sự lựa chọn đau khổ. Khi nhận được quyết định chính thức gửi xuống, người ta thấy ông đóng cửa một mình ngồi trong văn phòng, đờ đẫn nhìn lên bức tường, suy nghĩ suốt một buổi sáng.
Ngày hôm sau, Lý Bội Kiệt đi lên huyện, gặp riêng chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện. Anh định thông qua nỗ lực của mình kiếm được ý tứ gì dù chỉ là một chút nới lỏng ở ông chủ tịch. Nhưng mong muốn đó cuối cùng vẫn tan mây khói. Chỉ được câu trả lời không có chút đất trống xoay xở: “không nên làm nữa, đó là phi pháp!”
Nhưng anh vẫn không cam chịu, lại chạy lên huyện ủy, nêu ra yêu cầu tiếp tục cải cách. Bí thư huyện ủy Vương Bảo Dân tất nhiên biết rõ, quyết định của ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân huyện là được cấp trên ủng hộ, đến bước này rõ ràng ông bí thư cũng không tiện bày tỏ thái độ rõ ràng, nên nói: “tiếp tục làm, thì rút anh đi!” Nói xong câu này lại thêm một câu ý tứ thâm thúy”: “Rút anh đi, cũng vẫn có thể sử dụng trở lại!”
Lý Bội Kiệt tự nhiên vỡ lẽ.
Trên đường trở về Tân Hưng, trong lòng Lý Bội Kiệt rất phức tạp, ông thực sự cảm nhận được cảnh bi tráng “chân lý đôi khi ở trong tay một số ít người”.
Ông nghĩ, nếu có việc gì trái với chính sách và pháp qui hiện hành đều không cần phân tích là cứ phản đối ngay, đều phải kiên quyết ngăn chặn, bóp chết hết, thế thì nông thôn Trung Quốc còn có kinh nghiệm “khoán lớn” của thôn Tiểu Cương huyện Phụng Dương nữa không? Không có dũng khí, không sợ người tù chém đầu xông vào “mạo hiểm”, thì làm thế nào có được tình hình cải cách mở cửa rất tốt như ngày nay?
Ông nghĩ, bí thư đảng ủy trấn tính ra là quan hạng gì nhỉ? Suy cho cùng, quá lắm là mất cái mũ cánh chuồn, chỉ cần có thể làm tốt một việc cho nhân dân vừa lòng hả dạ thì dù cho có đuổi về nhà làm ruộng cũng đáng!
Vì thế Lý Bội Kiệt hạ quyết tâm, “con đường này phải đi chui!”
Sau đó, dù ở hội nghị lớn nhỏ, hễ cấp trên có hỏi, Lý Bội Kiệt đều lên tiếng không làm cải cách nữa, có làm vẫn như lối cũ. Ông quyết định phải “giấu trời qua biển”, “ta làm theo cách của ta”
Theo qui định trong thỏa thuận đã ký giữa trấn Tân Hưng với nông dân, mỗi mẫu đất canh tác sau khi nộp đủ 30 NDT thì không gánh vác nghĩa vụ nào nữa trừ công lao động nghĩa vụ của chính sách quy định, tính tích cực làm ruộng của nông dân lên cao chưa từng thấy, không ít nông dân chủ động làm nông nghiệp hiệu quả cao, riêng cây thuốc và rêu khô đặc sản của Oa Dương một lúc đều mở rộng đến một vạn mẫu, lần lượt tăng lên gấp đôi và gấp 9 lần so với năm trước; Ngó sen cũng mở rộng đến năm nghìn mẫu, tăng gấp năm lần năm trước. Bởi vì mọi người không tiếc sức, chăm lo làm ruộng, ông trời cũng giúp đỡ, vụ hè năm đó được mùa lớn ít có. Kết quả trưng thu thuế phí vụ hè năm đó không cần dân quân, không cần tự vệ, càng không có cán bộ xã thôn đến nhà dắt trâu, xúc lương thực, toàn trấn chỉ mất mươi ngày, hoàn thành nhiệm vụ một cách suôn sẻ.
Đó là điều bao nhiêu năm qua chưa từng thấy. Bởi vì có “quy tắc chi tiết làm thử” cải cách ràng buộc, nên hiện tượng loạn ngửa tay được ngăn chặn ở trấn Tân Hưng; đóng góp bình quân đầu người nông dân và đóng góp bình quân mỗi mẫu ruộng đất trong toàn huyện so với cùng thời kỳ năm 1992 trước cải cách đều lần lượt giảm bớt 37% và 20,6%.
Đó là điều trước đây đều không dám nghĩ tới. Điều làm Lý Bội Kiệt bất ngờ nhất là sau khi làm thử “thuế phí hợp nhất” của khoán ruộng đất, thì việc lưu chuyển hợp lý ruộng đất “nổi lên mặt nước”, ruộng đất bắt đầu di chuyển vào tay người giỏi làm ruộng. Lý Bội Kiệt cử người đi tìm hiểu, phát hiện toàn trấn có hơn 100 hộ tự phát chuyển đất khoán, trong đó có một hộ chuyển hơn 60 mẫu đất, thu nhập ròng một vụ đỗ tương chất lượng tốt hơn 2 vạn NDT. Vả lại, vì không cần tổ chức những người đến từng nhà đòi tiền đòi lương thực, rất nhiều biên chế không cần giữ lại, chỉ riêng khoản này, toàn trấn đã tinh giản thuyên chuyển hơn 300 cán bộ cấp thôn, giảm nhẹ rất nhiều đóng góp của nông dân.
Mặc dù Lý Bội Kiệt và Cung Bảo Kiệt giữ kín như bưng đối với bên ngoài, không nhắc đến một chữ của hai chữ “cải cách”, nhưng tất cả điều đó không dấu nổi phòng thông tin chính quyền huyện. Trưởng phòng Vương Vỹ cho rằng, ông có trách nhiệm phản ánh lên tỉnh những biến đổi mới này xuất hiện trong cải cách thuế phí ở trấn Tân Hưng. Hôm đó, Vương Vũ tóm tắt những tình hình chính mà ông tìm hiểu được, viết thành một tài liệu mấy trăm chữ, báo cáo lên phòng thông tin tỉnh.
Một phóng viên của Tân Hoa Xã ở phân xã An Huy nhận được tài liệu của Vương Vũ, cảm thấy rất có giá trị thời sự, bèn biên tập lại đưa vào số tham khảo nội bộ, đăng trên bản tin nội bộ tạp chí “Bán nguyệt đàm”.
Ai ngờ, mẩu tin chỉ bằng miếng đậu phù nhự đó lại chọc tức một số đồng chí lãnh đạo Hội đồng nhân dân huyện Oa Dương, biết được tin này do Vương Vũ lộ ra, bèn tìm Vương Vỹ hỏi tội: “Anh làm thế nào có thể báo cáo lên tin tức như thế?”
Họ cho rằng, tin này gây “rắc rối” cho huyện Oa Dương, bôi tro trát trấu lên mặt nhân dân huyện Oa Dương.
Tại hội nghị báo cáo tình hình hoàn thành nhiệm vụ trưng thu do chính quyền huyện triệu tập, Lý Bội Kiệt phát hiện nhiều người nhìn anh với ánh mắt khác thường, dự đoán tiếng đồn cải cách có thể tung ra. Để không gây phiền phức cho lãnh đạo huyện ủy, chính quyền huyện, khi đến lượt báo cáo, ông đã nói dối như cuội. Ông nói, “trấn Tân Hưng hoàn toàn tuân theo quyết định của ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân huyện, không thực hành biện pháp cải cách thuế phí trước đây nữa”.
Ông nói như thật. Ông không thể không học biết nói láo một cách nghiêm chỉnh.
Lý Bội Kiệt một khi nếm thấy vị ngọt của cải cách thì hạ quyết tâm phải tiếp tục kiên trì cuộc cải cách này, đồng thời lại không thể không tiếp tục thêu dệt chuyện dối trá trái lòng.
Đảng tính và lương tri, thực ra điều này không mâu thuẫn, lẽ ra phải là một, nhưng vì “cải cách chế độ thuế (phí) ruộng đất” của trấn Tân Hưng, Lý Bội Kiệt và cả Cung Bảo Kiệt, hàng ngày hầu như đều
sống trong sự lựa chọn đau khổ giữa “tính kỷ luật tổ chức” và lương tri.
38. Tiếng lành đồn xa
Ý tưởng liên quan đến cải cách thuế phí nông thôn của Hà Khai Ấm sau khi bị trục trặc ở hội nghị mở rộng của hai huyện ủy Oa Dương và Dĩnh Thượng không vì thế mà chịu thôi, sau khi về Hợp Phì, ông vẫn tìm kiếm người ủng hộ khác.
Vào thời gian này, ở thành phố Đồng Lăng, thủ đô đồng nổi tiếng của Trung Quốc kề sát Trường Giang, thị trưởng Uông Dương phát động một cuộc đại thảo luận khí thế sục sôi giải phóng tư tưởng, tìm ra khoảng cách, tự vạch cái xấu của nhà mình trong toàn thành phố, cuộc đại thảo luận này đã gây giếng vang không nhỏ trong cả nước. Hà Khai Ấm chợt nảy ra một ý nghĩ mới: vì sao không gửi phương án cải cách của mình cho Uông Dương xem? Ông nghĩ như vậy, lập tức ra tay hành động, viết một bức thư cho vị thị trưởng trẻ quyết chí cải cách và gửi kèm theo tài liệu liên quan.
Uông Dương xem thư và tài liệu của Hà Khai Ấm cảm thấy rất hay, liền phê gửi cho huyện Đồng Lăng, yêu cầu huyện nghiên cứu tính khả thi. Lúc này, bí thư huyện ủy Đồng Lăng Trần Tùng Lâm tuy đang học tập ở trường đảng của tỉnh ủy, nhưng nghe nói việc này lập tức bày tỏ ủng hộ rõ ràng, phó bí thư huyện ủy, huyện trưởng Đường Thế Định chủ trì công việc ở nhà nhiệt tình càng cao, sau khi nhận được lời phê của thị trưởng Uông Dương, lập tức viết thư cho Hà Khai Ấm, mời ông đích thân đến Đồng Lăng.
Thế là Hà Khai Ấm dạt dào niềm vui, vội vàng đi xuống phía Nam.
Ông không ngờ lá thư của mình có tác dụng nhanh như thế, nhưng cũng không ngờ ở hội nghị của mấy ban lãnh đạo huyện Đồng Lăng, sau khi ông giới thiệu tỉ mỉ ý tưởng về tính toán tổng thể thuế phí, xuất hiện tình cảnh giống như ở huyện Dĩnh Thượng và Oa Dương, người ủng hộ lý lẽ cương quyết, người phản đối cũng đôi co bốp chát, chẳng ai chịu ai.
Điều đó làm cho huyện trưởng Đường Thế Định chỉ trì hội nghị rất khó xử.
Cuối cùng Đường Thế Định khi tiễn Hà Khai Ấm ra về đã biểu thị: Ông rất hy vọng tiến hành thí nghiệm tính toán tổng thể thuế phí nông thôn ở huyện Đồng Lăng, nhưng cải cách thuế phí là việc vô cùng quan trọng, không có sự lãnh đạo rõ ràng của lãnh đạo tỉnh, các ý kiến của cấp dưới rất khó thống nhất. Hơn nữa, chính phủ sắp bầu lại, nếu có thái độ rõ ràng của đảng bộ, chính quyền tỉnh thì cũng dễ giữ được tính liên tục của thí điểm.
Hà Khai Ấm lại một lần nữa thất vọng trở về Hợp Phì, lòng ông ngổn ngang trăm nỗi. Bởi vì, lúc này ông bỗng nhiên nhận được thư của phòng nghiên cứu tỉnh Hà Bắc, và hầu như cùng một lúc, còn rất bất ngờ nhận được thư của Hình Lục Trân, thư ký của Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc gửi cho ông. Hai bức thư đều cho biết, những ý tưởng đi sâu cải cách nông thôn của ông đã làm cho lãnh đạo chủ chốt của đảng bộ và chính quyền tỉnh Hà Bắc coi trọng cao độ, và cho rằng: “suy nghĩ và biện pháp mà ông nêu ra không chỉ thích hợp với sự phát triển kinh tế hàng hóa nông thôn Hà Bắc, mà cũng có ý nghĩa nhất định đối với sự phát triển kinh tế nông thôn toàn quốc”
Đọc những tin này từ vùng đất Yên Triệu, Hà Khai Ấm cảm kích vô ngần. Trong khi được cổ vũ, ông lại cũng cảm thấy đau buồn và bất lực.
“Chẳng lẽ việc này cũng nghiệm chứng lời dạy xưa “Tiếng lành đồn xa” ư?”
Ông biết bao hy vọng có thể nhìn thấy ước mơ và phấn đấu của mình được thu hoạch trên mảnh đất nóng bỏng An Huy này, nơi sinh ra và nuôi dưỡng ông!
Ông nhớ mãi lòng mong đợi của Dư Quốc Diệu ở Tổ nông thôn phòng nghiên cứu Quốc Vụ viện: “Khoán lớn” nông nghiệp là từ thôn Tiểu Cương, huyện Phụng Dương tỉnh An Huy dẫn đầu làm nên, càng hy vọng An Huy co thể dẫn đầu một lần nữa về mặt đi sâu cải cách nông thôn!
Tuy ý tưởng của ông trước mắt đã thành ảo vọng ở An Huy, lần lượt bị húc vào tường ở ba huyện của Hoài Bắc và Giang Nam, nhưng ông vẫn một lần nữa cầm bút viết thư cho lãnh đạo chính quyền tỉnh, nơi ông làm việc, trong thư, ông khẩn thiết mong muốn “lãnh đạo tỉnh bày tỏ ủng hộ rõ ràng để có lợi cho thống nhất nhận thức”.
Sau đó không lâu, phó bí thư trưởng ủy ban tỉnh Trần Giả Hương, phó tỉnh trưởng phụ trách nông nghiệp Uông Thiệp Vân và phó tỉnh trưởng thường trực Thiệu Minh, lần lượt có lời phê rất khẳng định vào lá thư của Hà Khai Ấm. Nhất là lời phê của Thiệu Minh, sau khi xem Hà Khai Ấm vô cùng cảm động: Kiến nghị này của đồng chí Hà Khai Ấm, đã nêu ra nhiều năm, tôi cũng đã nhiều lần xem, suy nghĩ. Hiện giờ Trung ương đề xướng mạnh dạn làm thử, nên chăng chọn một huyện, hoặc một xã tiến hành thí điểm, nếu đồng ý, chúng ta trao đổi lại với lãnh đạo tỉnh, tìm ngành hữu quan cùng nghiên cứu có được không?”
Vì thái độ của Thiệu Minh kiên quyết như vậy nên Hà Khai Ấm đầy lòng tin chờ đợi ông “trao đổi lại với lãnh đạo tỉnh”. Nhưng, ngày một trôi qua, cho đến cuối năm đó, báo cáo của ông như con trâu đất bơi qua biển cả, việc đó lại biệt vô âm tín. Sắp một năm nữa trôi qua, tiễn đưa Tết dương lịch, sắp đón Tết âm lịch, nhìn thấy mọi người rộn ràng hớn hở bận rộn mua sắm hàng Tết, Hà Khai Ấm trong lòng cảm thấy mệt mỏi và ngao ngán, không lòng nào nghĩ tới ăn Tết.
Ông là người làm việc quá ư cẩn thận, từ khi đưa ra một số ý tưởng đi sâu cải cách nông nghiệp, đến bây giờ đã năm năm, nhưng những ý tưởng đó vẫn chỉ có thể là ý tưởng, vẫn chỉ là bàn binh trên giấy. Ông biết bao khát khao có một thí điểm, để cho mơ ước của mình thành hiện thực!
Nghe tiếng pháo mừng vui của các em trẻ trên phố thỉnh thoảng nổ vang, ông nghĩ, “thiên hạ còn rộng lắm, nếu được tỉnh ngoài áp dụng cũng tốt!”
Cuối cùng Hà Khai Ấm mất đi lòng kiên nhẫn có thể làm nên việc này ở An Huy, ông bắt đầu để tầm mắt ra tỉnh ngoài. Mặc dù điều đó làm cho ông ít nhiều chán nản, thất vọng.
Ông nghĩ, Hà Bắc đã coi trọng như thế và chuẩn bị ra tay, ông có lý do tin tưởng, tuyệt đại đa số tỉnh khu của Trung Quốc đều cảm thấy hứng thú đối với biện pháp cải cách đó của ông.
Ông nghĩ ngay đến tỉnh trưởng tỉnh lân cận Lý Trường Xuân.
Vì trước hết, tỉnh Hà Nam cũng như tỉnh An Huy đều là tỉnh lớn nông nghiệp, vấn đề lớn nhất đứng trước tỉnh lớn nông nghiệp cũng đều là đóng góp của nông dân. Tất nhiên, sở dĩ ông nghĩ đến Lý Trường Xuân còn vì cái tên Lý Trường Xuân, đối với ông và với nhiều người Trung Quốc đã sớm có tiếng tăm rất lớn. Người đời đều biết câu chuyện Lý Trường Xuân dám xông tới, dám mạo hiểm, dám ra tay thực sự làm cải cách khi ông làm thị trưởng Thẩm Dương, tỉnh trưởng Liêu Ninh; xưởng khí tài phòng cháy nổ Thẩm Dương đi đầu toàn quốc tuyên bố phá sản, chính là tác phẩm hay nhất của ông.
“Kính gửi Tỉnh trưởng Lý Trưởng Xuân!
Chào năm mới! Xin thứ lỗi cho tôi mạo muội quấy rầy. Tôi muốn nêu với đồng chí một kiến nghị đi sâu cải cách”.
Hà Khai Ấm viết thư cho Lý Trường Xuân như báo cáo công tác gửi cho một lãnh đạo mình rất quen biết, lại rất tin cậy. Ông nói rõ hết mọi tình hình đầu đuôi ngọn ngành, ý tưởng của ông về cải cách nông thôn; phương án cải cách cụ thể; và cả việc Phòng nghiên cứu Quốc Vụ viện đã biên tập riêng một số “Tham khảo quyết sách” gửi cho Bộ Chính trị Trung ương và lãnh đạo Quốc Vụ viện, được Thủ tướng Lý Bằng coi trọng v.v… Đồng thời, ông còn gửi kèm theo thư bài viết gần đây nhất của ông “Biện pháp căn bản phát triển kinh tế hàng hóa nông thôn”.
Sau khi gửi thư đi, Hà Khai Ấm không ôm mấy hy vọng. Ông biết, người đứng đầu một tỉnh trăm công nghìn việc, những việc cần lo toan quá nhiều, huống hồ, mình với ông ấy chưa từng quen biết, mạo muội gửi thư, không biết Lý Trường Xuân có đọc hay không đều là ẩn số. Chỉ có điều sau khi nói ra hết những điều đó, Hà Khai Ấm hình như trút được bầu tâm sự, thư gửi đi rồi, ông bỗng chốc cảm thấy trong người nhẹ nhõm rất nhiều. Ông nghĩ, con người cần phải có ước mơ, theo cách nói của Freud, ước mơ có thể làm cho con người được cân bằng về mặt tâm lý.
Thế nhưng câu chuyện xảy ra sau đó lại làm cho Hà Khai Ấm cảm kích vô ngần. Những việc ông nêu ra trong thư gửi cho Lý Trường Xuân, trước đây, ông đã từng báo cáo với Tỉnh trưởng tỉnh An Huy nơi ông công tác bằng văn bản, nhưng ông không những không nhìn thấy một chữ lời phê của tỉnh trưởng mình, ngược lại còn bị điều tra đủ điều, thậm chí ngay cả tự do tham gia hội thảo công tác nông thôn toàn quốc cũng bị tước đoạt; nhưng ông không phải là bà con quen biết Tỉnh trưởng tỉnh Hà Nam, ông cũng chỉ vẻn vẹn viết một lá thư, song Lý Trường Xuân không những coi trọng cao độ, mà Ủy ban cải cách thể chế kinh tế tỉnh Hà Nam còn rất nhanh gửi cho ông một bức thư tràn đầy nhiệt tình.
Xem thư, Hà Khai Ấm mới biết bức thư của ông vừa gửi đi thì Lý Trường Xuân không phải là Tỉnh trưởng, mà là giữ chức Bí thư tỉnh ủy Hà Nam. Bức thư viết:
Đã nhận được thư và tài liệu của đồng chí gửi cho Bí thư Lý Trường Xuân. Bí thư Lý Trường Xuân và Phó tỉnh trưởng Lý Thành Ngọc lần lượt có lời phê, giao trách nhiệm cho chúng tôi nghiên cứu ý kiến của đồng chí và liên hệ với đồng chí. Chúng tôi cho rằng, trong bài viết “Biện pháp căn bản phát triển kinh tế hàng hóa nông thôn”, đồng chí nêu ra rất nhiều kiến nghị và ý kiến hay, có ý nghĩa và tác dụng nhất định đối với đi sâu hơn nữa cải cách nông thôn. Hy vọng từ nay về sau tiếp tục gửi cho chúng tôi những thành quả mới, kiến giải mới của đồng chí để tiện trao đổi, thảo luận với nhau”.
Họ còn gửi kèm theo thư bản phô tô lời phê của Lý Trường Xuân, Lý Thành Ngọc. Từ bản phô tô lời phê đó có thể biết, tỉnh ủy Hà Nam đã quyết định “thuế nông nghiệp thực hành thực thu”, và xác định trước tiên thí điểm ở địa khu Thương Khâu.
Ngày 20 tháng 3, nhận được công văn của Ủy ban cải cách thể chế kinh tế tỉnh Hà Nam gửi đến, ngày 14 tháng 4, lại nhận được thư của Phó tỉnh trưởng Lý Thành Ngọc thay mặt chính quyền nhân dân tỉnh Hà Nam bày tỏ cám ơn chân thành đối với mình, Hà Khai Ấm cảm thấy rất an ủi, nhìn thấy cảnh cần cù cày sâu cuốc bẫm, cuối cùng đã có thu hoạch.
Thế nhưng so sánh với việc này, điều làm cho Hà Khai Ấm cảm thấy thất vọng bội phần là báo cáo gửi chính quyền tỉnh An Huy sau một năm đằng đẵng lại cũng không được một tin gì. Tất nhiên vào thời gian này, An Huy cũng có tin loan đi làm ông phấn khởi. Đó là cải cách chế độ ruộng đất mà ông ao ước từ lâu đã có hé mở đáng mừng: Hội nghị công tác nông thôn toàn quốc đã truyền đạt quyết định của Trung ương, kéo dài quyền sử dụng đất khoán của nông dân 30 năm không thay đổi, và cho phép chuyển nhượng có hoàn lại, làm thế chấp, hoặc làm cổ phần tham gia kinh doanh tập thể. Giải quyết khoán lâu dài ruộng đất, cho nông dân, quyền sử dụng lâu dài, đó là điều Hà Khai Ấm tích cực hô hào từ năm năm trước. Quyết định mới vừa truyền đạt, địa ủy và chính quyền Phụ Dương dưới sự chỉ đạo cụ thể của Đỗ Ưng, Chủ nhiệm văn phòng khu thí nghiệm cải cách nông thôn nhà nước, đi đầu tiến hành mạnh dạn thăm dò. Họ đo đạc lại đất canh tác trong phạm vi toàn địa khu, lấy thôn hành chính làm đơn vị, theo nhân khẩu thực tế nông thôn hiện có, với nguyên tắc “tăng cường quyền sở hữu, xác định rõ quyền giao khoán, ổn định quyền nhận khoán, nới lỏng quyền sử dụng”, tiến hành vòng phân phối khoán ruộng đất mới khí thế ngút trời, thực hành đất nhận khoán, sống không tăng chết không giảm, có thể kế thừa, cũng có thể do nông dân chuyển nhượng có hoàn lại, cho thuê, thế chấp, nộp cổ phần. Một cải cách như vậy sẽ làm cho nông hộ chuyển nhượng ruộng đất được yên tâm đi ra ngoài làm thuê, kinh doanh, cũng có lợi cho những người giỏi làm ruộng mở rộng qui mô kinh doanh, vì thế rất nhiều người có khoa học kỹ thuật nông nghiệp và xí nghiệp hương trấn tới tấp thuê đất để sản xuất chuyên ngành. Hành động đó không những nâng cao năng suất của ruộng đất; mà còn thúc đẩy mạnh mẽ việc phân công phân ngành của nông thôn Trung Quốc từ nay về sau.
Mặc dù điều đó không hoàn toàn giống như ý tưởng của Hà Khai Ấm gửi lên Trung ương “kiến nghị thực hành khoán vĩnh cửu ruộng đất, cho nông dân quyền sử dụng lâu dài”, thuộc tính của hàng hóa chỉ có khôi phục một phần, việc lưu chuyển yếu tố tài nguyên ruộng đất cũng chỉ tiến hành mức độ vừa phải, nhưng Hà Khai Ấm lại rất phấn chấn, bởi vì nới lỏng quyền sử dụng đất không còn là chuyện nghìn lẻ một đêm.
Ông tin chắc vào câu nói của Mao Trạch Đông: “Việc của Trung Quốc đừng sốt ruột, từ từ sẽ đến”. “Sau khi vấn đề chế độ khoán ruộng đất ám ảnh 900 triệu nông dân được giải quyết bước đầu, vấn đề nổi bật nhất trong nhiều mâu thuẫn nông thôn là cải cách chế độ thuế phí”. Ông nghĩ, “việc này tuy không vội được, nhưng tóc trên đầu ta đều chờ bạc hết rồi!”

[1]Trường Phong có nghĩa là phong phú lâu dài.
[2]Chỉ sự kiện Thiên an Môn, tháng 4/1989.
[3]Chỉ sự kiện Thiên An Môn ngày 6/4/1989.
[4]Xung đột quân sự biên giới Trung-Xô hồi tháng 3/1969.
[5]Các loại người thuộc diện hưởng chính sách.