Chương 1
Kẻ tử vì đạo

1. Thôn Lộ Doanh xáo động
Sống và chết, khẳng định là hai khái niệm khác nhau, trừ các em bé chưa hiểu sự đời và người già lỡ lời, sợ rằng đó là một sự việc khó nhầm lẫn nhất trên thế giới. Thế nhưng có lúc nó lại rất mơ hồ, mơ hồ đến mức khiến người ta kinh ngạc: có người rõ ràng là còn sống mà giống như đã chết rồi; có người dù đã chết lại phảng phất như còn sống.
Rõ ràng Đinh Tác Minh là một ngoại lệ.
Đinh Tác Minh đã chết, cái chết của anh không thể nói là “nặng như Thái Sơn”, nhưng vào ngày 10 tháng 2 năm 2001, tám năm sau khi anh chết, khi chúng tôi đến huyện Lợi Tân, một huyện nghèo nổi tiếng ở đồng bằng Hoài Bắc, hỏi thăm nhiều người đường đi về thôn Lộ Doanh như thế nào, thì câu trả lời chúng tôi trước tiên không phải là đường về thôn Lộ Doanh nên đi như thế nào mà là những câu hỏi lại, nội dung câu hỏi lại dường như muôn miệng một lời:
“Có phải các người đến chỗ Đinh Tác Minh?”
Tình huống đó rất bất ngờ với chúng tôi.
Đinh Tác Minh chẳng qua là một nông dân bình thường, không có cái gì đặc biệt, nếu như nói có, thì có thể là do anh, so với những nông dân khác có đi học nhiều hơn mấy năm, từ tiểu học đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông, rất chăm chỉ học tập, nhà nghèo đến nỗi có lúc bếp không đỏ lửa, nhưng anh vẫn không hề nói một tiếng đi đến bên ang nước để trong sân, giống như con lạc đà Australia chổng mông lên vục đầu vào ang, sau khi uống no nước, lại hát, lại nhảy như thường đi học. Khi thi vào đại học, mọi người đều nói anh rất không may, chỉ cách điểm chuẩn có mấy điểm [2], nếu như anh không phải là con em nông dân nhà quê của huyện Lợi Tân, nếu như anh sinh ở Bắc Kinh, hoặc là Thượng Hải thì hoàn toàn có thể bước vào cửa trường đại học; mà nếu sinh ở một thành phố nào khác, anh cũng sẽ có một số phận khác. Nhưng anh chỉ là học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học tại trường trung học Lộ Tập, nên sau khi tốt nghiệp chỉ có thể trở về thôn Lộ Doanh. Do anh không khác biệt gì với một số chàng trai chân lấm bùn, một chữ không biết; giống như tất cả những nông dân Trung Quốc, anh phải làm ruộng, chăm sóc mùa màng kiếm sống. Nếu nói còn có điều gì nữa khác người thì Đinh Tác Minh có cái bụng đầy mực ấy thích đọc báo chí, thích nghe đài phát thanh, thích sửa sang câu chữ. Lúc bình thường ít nói, khiêm tốn với mọi người, nhưng khi đã cho là có lý, thì dám nói thật, dám bình đẳng nói chuyện với những người đứng đầu trong thôn, trong xã. Chính vì điểm này, anh đã phải phiền muộn nhiều hơn so với các chàng trai khác, và cuối cùng đến mức mang lại tai vạ bị giết sau này.
Rõ ràng là anh đã chết từ lâu, vì sao một số người ở thành phố huyện Lợi Tân vẫn có thể hỏi lại chúng tôi “Đến chỗ Đinh Tác Minh à?”
Chẳng lẽ còn có thể tìm được một con đường khác để đi đến chỗ Đinh Tác Minh ư?
Ngày 21 tháng 2 năm 1993 là một ngày khiến người ta vui mừng phấn khởi mà Đinh Tác Minh nóng bỏng kỳ vọng. Nhưng anh không hề nghĩ rằng, con đường sống của mình hôm đó đã đi tới chỗ cuối cùng.
Buổi sáng hôm đó, Đinh Tác Minh và bảy thôn dân phản ánh và yêu cầu giải quyết vấn đề lên trên, nhận được thông tri của xã, bảo họ đến xã họp. Trong cuộc họp, lãnh đạo xã nói, trên huyện rất coi trọng việc các anh kiện cáo, mong là trong tám người của các anh, chọn ra 2 người, lại chọn ra hai đảng viên, hai cán bộ trong số đảng viên cán bộ, để thành lập một tiểu tổ quyết toán sổ sách, thanh sát toàn diện sổ sách kinh tế của cán bộ thôn, thôn Lộ Doanh. Trưa ngày hôm đó, tiểu tổ quyết toán sổ sách chính thức thành lập và bắt đầu kiểm tra sổ sách. Tin đó làm cho tất cả thôn dân thôn Lộ Doanh vô cùng vui vẻ, đám mây sầu não hiện trên khuôn mặt mọi người như tan hết, có mấy nông dân kích động vượt qua ngòi đến cửa hàng đối diện mua pháo về, chuẩn bị đốt ở đầu thôn, để mọi người trút hết buồn bực khi nghe pháo kêu. Chỉ có điều là tết năm đó đến sớm hơn năm trước, ngày 22 tháng giêng đã là ngày 30 âm lịch, ngày 6 tháng hai đã là ngày rằm tháng giêng âm lịch, qua ngày rằm là tết đã hết, vì vậy hỏi mấy cửa hàng đều không có pháo, việc mua pháo không thành, nhưng tâm tình Đinh Tác Minh hôm đó rõ ràng là thoải mái hơn hồi đón tết, bước ra khỏi nhà có phần rắn rỏi.
Huyện Lợi Tân là huyện mới tách ra thành lập sau ngày giải phóng. Một vùng đất vốn thuộc về vùng biên của 6 huyện Oa Dương, Phụ Dương, Mông Thành, Thái Hòa, Phượng Đài và Dĩnh Thượng, là 6 vùng đất nghèo nàn không ai quản. Trong huyện phần lớn là đất bùn vàng, hễ trời mưa là có đường mà không có người đi; ngoài ra còn có không ít đất cát, đất kiềm ở khắp nơi. Thôn Lộ Doanh vốn đã đủ xa xôi, lạc hậu, lại thêm bị trận lụt cực lớn năm 1991 tập kích, nên nhà nhà đều nghèo. Năm đó, tết gần đến nơi rồi mà cả thôn không có gì để đón năm mới cả. Tính ra thu nhập đầu người trung bình của thôn không đến 400 NDT, thế nhưng các khoản đóng góp mà bên trên áp xuống vẫn lên tới mỗi người 107 đồng 1 hào 7 xu. Một năm bận bù đầu, dậy sớm thức khuya, chạy rức cả chân, mệt oằn cả lưng, lương thực làm ra, trừ lương ăn rồi, đều bị thôn dùng các loại danh nghĩa “giữ lại” hết, có mấy hộ thu không đủ nộp, thôn, xã và đồn công an bảo: “không nộp đủ sẽ bắt giam”.
“Có tiền hay không có tiền, vẫn về nhà đón tết”. Đó là một tập quán của người Trung Quốc từ xưa đến nay. Điều khiến Đinh Tác Minh không thông là, để trốn nợ mà không dám về nhà đón năm mới, cái việc chỉ xảy ra trước giải phóng ấy, hôm nay lại có thể xuất hiện ở thôn Lộ Doanh. Chẳng phải là nông dân Trung Quốc đã vươn mình làm chủ rồi ư? Vì sao lại khổ đến như vậy? Cán bộ nông thôn của đảng với tư cách là những người “triệt để làm việc vì lợi ích nhân dân”, vì sao lại hung dữ thế? Thế là anh lặng lẽ làm một việc mà những người dân khác ở Lộ Doanh không dám làm.
Trước đó, từ báo chí và đài phát thanh, anh biết được, Trung ương đảng đã triệu tập hội nghị công tác nông thôn toàn quốc tại Bắc Kinh, anh đã bỏ ra mấy tối chỉnh lý những chính sách mới của Trung ương mà mình thu tập được thành một tập tài liệu thông tục dễ hiểu, sau đó tới các nhà, các hộ “tuyên truyền giảng giải”. Ca ngợi tinh thần hội nghị đảng mà phải lén lút tiến hành, giống như những người làm công tác bí mật hoạt động bí mật ở vùng “thống trị của Quốc dân đảng” ngày nào, điều này làm anh cảm thấy vô cùng khó chịu và vô cùng kích động.
Ánh mắt anh như sáng lên dưới ánh đèn tù mù treo trên dầm nhà của nông dân. Anh khẳng định nói với bà con thôn xóm: “Cách làm trưng thu “giữ lại” của cán bộ thôn như thế này là làm trái tinh thần Trung ương!”
Cách làm việc nghiêm túc và có học thức của anh, đã làm cho các thôn dân quen ngồi trong nơi tối tăm lại quen nhẫn nhục chịu đựng phải tâm phục khẩu phục. Thế nhưng, lần này, sau một hồi im lặng, vẫn có người cẩn thận đưa ra câu hỏi ngờ vực: “Thôn xóm xung quanh, xã trấn bên cạnh, chẳng phải đều làm như vậy sao, trời cao hoàng đế ở xa, liệu anh làm gì được họ?”
“Tôi không tin là có lý mà không có chỗ nói”. Đinh Tác Minh không tin điều tà này.
Anh đọc từng chữ từng câu trong quy định mới nhất của Quốc Vụ viện cho thôn dân nghe: khoản giữ lại thu của nông dân không được vượt quá 5% thu nhập ròng của năm trước. Anh đặc biệt nhấn mạnh tỷ lệ phần trăm”. Rõ ràng là thôn đã thu khoản giữ lại của chúng ta vượt quá quy định này rất lớn, so với tỷ lệ 5% đã thu nhiều hơn 5 lần rồi! Hội nghị công tác nông thôn lần này, yêu cầu rõ ràng: “Các địa phương phải bảo vệ lợi ích của nông dân, giảm nhẹ đóng góp của nông dân”. Rõ ràng là bọn họ đang làm bừa, chúng ta phải lên xã đòi sự công bằng!”
“Xã có chịu thua chúng ta không?” Có người cảm thấy việc này quá khó.
“Từ xưa đã có câu “quan buộc dân làm phản”, một thôn dân là bộ đội thoái ngũ, nhịn không nổi gào lên. Huống hồ chúng ta lên gặp trên là để phản ánh vấn đề theo yêu cầu của Trung ương, xã không chịu thua thì lên huyện!”
Dần dần không khí trong nhà nông dân bắt đầu náo nhiệt.
Có người tố cáo: Đổng Ứng Phúc, bí thư chi bộ thôn, tự mang kho lương thực do các thôn dân góp vốn xây dựng nên cho thôn khác thuê riêng sử dụng, từ đó vớ được hơn 9.000 NDT tiền thuê kho, rồi lại mang bán kho lương, nuốt chửng ba, bốn vạn NDT. Đặc biệt là vào năm có thiên tai lớn, Trung ương từng có lệnh riêng, tham ô vật tư cứu tế phải phạt tù, thậm chí đến tử hình, mà Đổng Ứng Phúc vẫn dám chiếm quần áo và thực phẩm cứu tế cho thôn Lộ Doanh làm của riêng. Hơn nữa, tiền phạt vi phạm sinh đẻ có kế hoạch và các loại tiền, vật “giữ lại”, đều không vào sổ, hoặc là cố ý làm thành sổ sách không rõ ràng.
Thế là, mọi người vạch từ cán bộ thôn đến cán bộ xã, anh một câu, tôi một câu, rất sôi nổi.
Có người vạch trần: Con trai chủ tịch Khang xã Kỷ Vương Trường, dựa vào quyền thế của cha, ngang ngược trong xã, nhiều lần mang dùi cui điện, cầm còng tay đến thôn Lộ Doanh đòi hỏi bừa bãi các khoản tiền. Năm 1991, có trận lụt đặc biệt lớn, bên trên quy định không cho phép thu của nông dân bị thiên tai bất kỳ khoản “giữ lại” nào, nhưng công tử họ Khang vẫn dẫn dân quân, giống như bọn giặc Nhật vào thôn, cưỡng bức cướp đoạt tiền của thôn dân. Phát hiện thấy ai trốn trong nhà không mở cửa, là sai người phá cửa vào, một xu cũng không cho thiếu, ngoài ra còn đòi công phá cửa cho các “công thần”. Sau khi cướp đoạt được tiền của, liền kéo nhau gào thét vào quán, tiền ăn nhậu lấy từ khoản đóng góp chung của thôn dân ra trả.
Mọi người càng nói càng tức, cuối cùng nhìn Đinh Tác Minh, nhờ anh đưa ra chủ định. “Khâu giầy phải có kim chỉ, tố cáo người ta phải có chứng cứ”. Đinh Tác Minh nói: “Chúng ta có thể đến đảng ủy xã phản ánh những ý kiến đó của mọi người, yêu cầu thanh sát tài khoản của thôn”.
Hôm đó Đinh Tác Minh cùng bảy vị thôn dân khác đến đảng ủy xã, trình bày với bí thư Lý Khôn Phú những phản ảnh của các thôn dân và yêu cầu kiểm tra sổ sách.
Lý Khôn Phú, bí thư đảng ủy xã nghiêm túc nhìn xem bản “giữ lại” do Đinh Tác Minh đưa, nói: “Giữ lại nhiều quá. Hãy để cho chúng tôi bàn một chút, sau hai ngày sẽ trả lời các anh”.
Hai ngày đã trôi qua mà xã không có động tĩnh gì; lại qua hai ngày nữa, lại qua hai, ba ngày nữa, trong một cuộc họp cán bộ có cán bộ và đảng viên thôn Lộ Doanh tham gia, Nhiệm Khai Tài, phó bí thư đảng ủy xã được phân công phụ trách về chính, pháp, đột ngột đòi bí thư chi bộ thôn Lộ Doanh phải “nói rõ” vấn đề thu nhiều khoản giữ lại tại hội nghị. Lập tức Đổng Ứng Phúc nổi giận đùng đùng, hắn ta cho rằng các thôn cũng giữ lại nhiều như thế cả, việc gì phải nói rõ trước mặt mọi người. Nghe nói thôn dân đã tố cáo hắn ta lên xã, đòi kiểm tra sổ sách, nên ngờ là trong thôn có người đố kỵ vì hắn ta vừa xây mấy căn phòng bằng gạch, ngói mới, hắn hung dữ nói ngay ở hội nghị: “Có người muốn tính sổ với tôi, còn có người điên cuồng đến mức muốn rỡ nhà của tôi, tôi xem ai dám? Trừ phi người đó muốn chết! Có người nói căn cứ vào thu nhập của tôi cũng mua không nổi một chiếc máy kéo bốn bánh nhỏ, xây làm sao nổi nhà to. Mua không nổi, xây không nổi, nhưng tôi vẫn mua vẫn xây, đó là bản lĩnh của tôi! Các người nghèo, cũng đáng kiếp thôi! Muốn chống lại tôi, sợ rằng các người không muốn sống nữa!”
Một bí thư chi bộ, dám ngông cuồng như vậy trong một hội nghị cán bộ toàn xã do phó bí thư đảng ủy phụ trách chính, pháp chủ trì, đúng là khiến người ta bất ngờ. Thế nhưng phó bí thư không chặn đứng. Sau hội nghị, tình hình cuộc họp vừa truyền đi, các thôn dân thôn Lộ Doanh như muốn nổ tung phổi vì tức giận: “Thiên hạ của đảng cộng sản chẳng lẽ không còn luật pháp gì nữa?”
Đinh Tác Minh cũng nén không nổi cơn tức này, đúng vào ba ngày trước tết đã viết thành tài liệu tình hình thu “khoản giữ lại” bừa bãi ở thôn Lộ Doanh, trực tiếp đưa lên Ủy ban kiểm tra kỷ luật huyện Lợi Tân.
Đồng chí tiếp đón thấy khó xử nói: “Tết đến nơi rồi, hãy để tài liệu ở đây vậy”.
Tết năm đó ở Lộ Doanh, lộ ra vẻ lạnh lẽo thê lương ít có, thậm chí không có được mấy hộ đốt pháo.
Chớp mắt đã đến ngày mười tám tháng giêng, nhiều thôn dân chịu không nổi cơn giận, lũ lượt chạy đến nhà Đinh Tác Minh, lúc đó mới phát hiện, suốt cả tết, Đinh Tác Minh đều bận rộn viết thư tố cáo, anh đem những quy định, chính sách của Trung ương đảng, Quốc Vụ viện và hàng loạt cách làm trái pháp luật, loạn kỷ cương của một số cán bộ thôn Lộ Doanh và xã Kỷ Vương Trường gây ra những đóng góp nặng nề cho nông dân, viết ra một cách lâm ly sâu sắc.
Mọi người đều cảm động vì việc làm của Đinh Tác Minh. Đúng thế, mỗi một người nên có một tinh thần, nói chung phải có một chút trách nhiệm xã hội, nếu như người người đều sợ lá cây rơi xuống làm vỡ đầu, thấy hiện tượng hủ bại mà không nghe không hỏi, gặp thế lực tà ác mà không dám đấu tranh thì dân tộc chúng ta sẽ không có hy vọng. Thế là vào đêm hôm mười tám tháng giêng, các thôn dân thôn Lộ Doanh ở vùng xa xôi hẻo lánh, đã anh tám hào, tôi một đồng góp đủ tiền đi đường, sau đó lặng lẽ tiễn tám đại biểu thôn dân trong đó có Đinh Tác Minh ra khỏi thôn trong đêm tối.
Chủ nhiệm văn phòng huyện ủy nhận được thư tố cáo của Đinh Tác Minh rất kinh ngạc, cảm thấy tình hình mà các thôn dân Lộ Doanh phản ánh có mức độ nghiêm trọng vượt xa sự tưởng tượng của họ. Vị chủ nhiệm này đã nhanh chóng báo cáo với Đái Văn Hổ, bí thư huyện ủy. Mặc dù Đái Văn Hổ mới đến không lâu, nhưng thái độ cực kỳ rõ ràng. Vì thế sự trả lời của huyện ủy làm cho nhóm Đinh Tác Minh vô cùng hài lòng: “Chúng tôi sẽ nhanh chóng để xã quán triệt việc tiểu tổ quyết toán sổ sách, tiến hành thanh sát các khoản trong sổ sách của cán bộ hành chính thôn Lộ Doanh; về tình hình chính quyền xã mà các bạn phản ánh, cũng sẽ nhanh chóng đối chiếu thẩm tra sự thực, xử lý!”
Thế là, Đinh Tác Minh không đón mừng năm mới, suy nghĩ tới việc mọi người góp tiền đi đường không dễ dàng, đã tiết kiệm từng hào từng xu, không dám lưu lại thành phố huyện nhiều mà vội dẫn các đại biểu thôn dân lên chuyến xe khách nông thôn về xã Kỷ Vương Trường. Trên chiếc ô tô lắc đi lắc lại khiến lục phủ ngũ tạng đảo điên, anh tràn đầy lòng tin và niềm vui nhớ lại câu nói của lãnh đạo huyện mà không biết rằng một tai họa đáng sợ đang chờ mình ở trước mặt, tử thần mang theo tiếng cười dữ tợn của một thế giới khác đã từ cửa địa ngục tập kích tới một cách lặng lẽ, còn anh thì hoàn toàn không biết gì.
2. Vụ thảm án xảy ra ở đồn công an
Ngày 11 tháng 2 dương lịch năm đó là ngày mùng một tháng hai âm lịch, khoảng ba giờ chiều, hai thôn dân Từ Trại Tuấn, Đinh Đại Cương đang ng»“i đánh cờ vây. Bọn họ đang mải mê đánh, bởi vì có Đinh Tác Minh đứng bên xem và Đinh Ngôn Lạc, phó thôn trưởng hành chính thôn Lộ Doanh trên đường đi qua cũng nhân cơ hội ghé vào xem. Đinh Ngôn Lạc đã biết Đinh Tác Minh phản ánh lên huyện việc hắn và vợ hắn phụ trách vấn đề sinh đẻ có kế hoạch, tham ô tiền giữ lại và tiền phạt sinh đẻ vượt kế hoạch, nên mang căm hận trong lòng, cố tìm cớ để cãi nhau với Đinh Tác Minh.
Đinh Ngôn Lạc dọa Từ Trại Tuấn và Đinh Đại Cương: “Các người đánh bạc đấy à, tôi có thể bắt các người đấy!” Nói như thế nhưng mắt hắn lại nhìn vào Đinh Tác Minh.
Đinh Tác Minh không tránh khỏi kỳ lạ: “Bọn họ đang đánh cờ chơi, không hề phạm pháp; mà nếu có phạm pháp, thì bắt người là việc của đồn công an”.
Đinh Ngôn Lạc hung dữ nói: “Không nhất định như vậy!”
Đinh Tác Minh nghe không nổi khẩu khí đó, mà cũng nhìn không quen loại người vừa làm cán bộ là thay đổi bộ mặt. Thế nhưng, anh ý thức được rằng, người này không có thiện ý, rõ ràng là đang bới lông tìm vết, vì vậy không nói gì.
Ai ngờ, Đinh Ngôn Lạc được đằng chân lân đằng đầu, bắt đầu lấy vai hích Đinh Tác Minh. Vừa hích vừa gào giở trò vô lại: “Thế nào, mày muốn đánh người à? Tao cho mày đánh đây! Cho mày đánh đây!”
Đinh Tác Minh hoàn toàn không có sự chuẩn bị về tư tưởng, và càng không ngờ là Đinh Ngôn Lạc đường đường là phó trưởng thôn mà lại có thể bỉ ổi đến thế, anh lùi dần.
Nhưng Đinh Ngôn Lạc lại từng bước, từng bước tiến sát, càng hích càng mạnh, đã tới mức hung ác đến cùng cực.
Không biết làm thế nào, Đinh Tác Minh chỉ đành né tránh. Đúng vào lúc Đinh Tác Minh lùi nhanh như chớp thì Đinh Ngôn Lạc hung dữ hích tới, hích vào chỗ không, không chống chế nổi thân người nên lao đầu vào đám ruộng cạnh đó, mồm ngậm đầy bùn.
Cuối cùng, Đinh Ngôn Lạc cũng đã tìm được lý do để báo thù một cách “có lý có lẽ”.
Đinh Tác Minh đã dự tính từ trước, những kẻ bị anh vạch trần đều không phải tay vừa, họ sẽ tính mưu tìm kế chờ cơ hội báo thù, nên khi thấy Đinh Ngôn Lạc giờ trò bẩn thỉu không ra cái gì như vậy, anh không nói câu gì mà bỏ về nhà.
Ở cái thôn Lộ Doanh còn xa xôi với văn minh hiện đại, câu nói: “Đừng coi hạt đậu không phải là lương khô, đừng coi trưởng thôn không phải là cán bộ” quyết không phải là nói đùa, đừng nói ở xã, Đinh Tác Minh dám tố cáo cán bộ thôn với huyện, đó là “đi tìm cái chết”. Đinh Ngôn Lạc vốn chứa đầy căm tức trong bụng, lại bị ngã một cái làm miệng đầy bùn, đúng là lửa cháy đổ thêm dầu. Để mở rộng vụ việc, hắn làm ra bộ “bị Đinh Tác Minh đánh bị thương”, chỉ trong một buổi chiều đã trước sau sáu lần đến cửa đòi đánh Đinh Tác Minh. Chúc Đa Phương, vợ Đinh Tác Minh mặc dù không hiểu tình hình, nhưng vẫn nhận lỗi xin lỗi, nhưng Đinh Tác Ngôn vẫn không chịu thôi.
Rồi Đinh Kiệt, con trai Đinh Ngôn Lạc, tay cầm dao bầu đứng ngoài cửa hò hét, đòi Đinh Tác Minh phải “cút ra”.
Ngay tối hôm đó, các thôn dân đều khuyên Đinh Tác Minh mau chóng rời khỏi thôn Lộ Doanh, tìm một chỗ tránh đi. Lúc đầu, Đinh Tác Minh quyết không chịu, cảm thấy cán bộ thôn khinh người quá đáng, việc gì phải tránh? Nhưng sau đó, suy nghĩ tới việc, lãnh đạo huyện đã ủng hộ yêu cầu thanh sát sổ sách trong thôn của bọn họ, kiểm tra việc cán bộ thôn tham ô tiền của, xem ra chỉ là vấn đề thời gian, không nên vì việc bé để hỏng việc lớn, gây rối kế hoạch của huyện. Hơn nữa, cái mà bọn Đinh Ngôn Lạc sợ là anh trốn đi, bọn người đó không còn cớ để làm bừa bãi, gây sự. Thế là ngay trong đêm đó, Đinh Tác Minh nuốt giận rời khỏi thôn Lộ Doanh.
Sáng hôm sau trời vừa tờ mờ sáng, quả nhiên Đinh Ngôn Lạc đã dẫn cả nhà như một lũ hung thần ác quỷ kéo đến, đòi hỏi tội Đinh Tác Minh.
Chúc Đa Phương cẩn thận nói: “Đinh Tác Minh không có nhà”.
Đinh Ngôn Lạc đâu chịu tin, xông vào nhà, kéo toàn gia ra kiểm tra tỉ mỉ, khi không thấy Đinh Tác Minh, hắn căm tức nói: “Ngày hôm qua ta bị Đinh Tác Minh đánh bị thương, cần phải tới bệnh viện chữa trị!”
Lúc này bí thư chi bộ thôn Lộ Doanh là Đổng Ứng Phúc mới lộ mặt. Ông ta cùng với Tôn Á Trân, vợ Đinh Ngôn Lạc cùng đưa Đinh Ngôn Lạc lên trạm xá xã. Sau đó, Tôn Á Trân dùng thân phận phụ trách sinh đẻ có kế hoạch, nộp cho xã trưởng Khang Tử Xương, phó bí thư đảng ủy xã Nhiệm Kiến Tài tài liệu vạch trần viết từ tối hôm trước, rêu rao là “vì Đinh Ngôn Lạc nắm công tác sinh đẻ có kế hoạch rất nghiêm túc nên đã làm mếch lòng Đinh Tác Minh, bị Đinh Tác Minh chặn đường đánh bị thương”, yêu cầu xử lý nghiêm khắc Đinh Tác Minh.
Khang Tử Xương và Nhiệm Khai Tài về căn bản không có hứng thú đi tìm hiểu sự chân thực hay giả dối trong tố giác của Tôn Á Trân mà chỉ vui mừng trước tai họa của người khác. Bởi vì đến lúc đó, thông tri của văn phòng huyện ủy đã tới Kỷ Vương Trường. Chỉ thị của huyện ủy vô cùng rõ ràng, yêu cầu đảng ủy và ủy ban xã Kỷ Vương Trường nhanh chóng sắp xếp tiểu tổ quyết toán sổ sách có đại biểu đã lên cấp trên phản ánh và yêu cầu giải quyết tham gia, để tiến hành thanh sát toàn diện sổ sách của cán bộ hành chính thôn Lộ Doanh. Những nhân viên lên cấp trên phản ánh, yêu cầu là ai, hai người Khang, Nhiệm chẳng cần tìm hiểu, họ biết kẻ dẫn đầu gây chuyện là Đinh Tác Minh.
Tố cáo việc của cấp dưới lên cấp trên là điều Khang Tử Xương và Nhiệm Khai Tài đều không thể tiếp thu; huống hồ bọn họ cũng đoán ra, lần này Đinh Tác Minh lên huyện chắc chắn cũng “tiện thể mang theo” vấn đề của họ. Rõ ràng điều này đã làm tổn thương hình tượng đối ngoại của xã Kỷ Vương Trường, bôi nhọ danh dự của đảng ủy và ủy ban xã Kỷ Vương Trường. Đó là điều quyết không thể cho phép và cũng là điều bọn họ khó có thể tha thứ.
Vì vậy, Khang Tử Xương và Nhiệm Khai Tài sau khi nhận được tài liệu tố cáo của Tôn Á Trân, liền lập tức chỉ thị cho đồn công an xã tiến hành nghiêm túc xử lý vấn đề của Đinh Tác Minh.
Về một ý nghĩa nào đó mà nói, đồn công an xã Kỷ Vương Trường không còn là cơ cấu của công an, tuân theo quy định của hiến pháp và pháp luật bảo vệ nhân dân, đả kích kẻ thù nữa, mà đã hoàn toàn trở thành “công cụ ngự dụng” của các cán bộ lãnh đạo xã, trấn, vì thế sau khi nhận được chỉ thị của xã trưởng và phó bí thư đảng ủy xã, đã không cần rõ đầu cua tai nheo, gửi ngay giấy gọi riêng, bắt Đinh Tác Minh lập tức đến đồn.
Đinh Tác Minh tránh ở bên ngoài, nghe nói đồn công an đang tìm mình đã vô cùng kinh ngạc, anh cho là vợ chồng Đinh Ngôn Lạc đã bỏ “thuốc xấu” cho mình. Thế nhưng, anh không nghĩ là chuyện này quá phức tạp, mà cho rằng chỉ cần mình không phạm pháp, bất kỳ ai vu cáo, bôi bẩn đều chẳng ích gì, sự thực bao giờ cũng là sự thực.
Đinh Tác Minh bình thản đến đồn công an.
Có thể suy ra được là, bước đi của anh khi bước vào cửa đồn công an là tràn đầy tự tin, bởi vì đúng vào buổi sáng hôm đó, tiểu tổ quyết toán sổ sách mà huyện ủy yêu cầu thành lập, không những chính thức thành lập mà còn bắt đầu công tác, anh tin rằng không lâu nữa sẽ tìm ra chân tướng vấn đề kinh tế của cán bộ thôn.
Nhưng vừa đến đồn công an, Đinh Tác Minh đã phát hiện rất nhanh, mọi việc trên cái thế giới này đều điên đảo cả rồi, “chỉ hươu là ngựa” không chỉ còn là câu chuyện viết trong “Sử ký”, chỉ hươu là ngựa quyết không phải chỉ là hành vi độc ác của hoạn quan Triệu Cao.
Những sự việc phát sinh sau đó, đến nay giới truyền thông công khai vẫn chưa có sự công bố nào, điều may mắn là, sau khi phá vụ án này, các phương diện có liên quan đã chỉnh lý được một tài liệu nội bộ và trong lần điều tra này, chúng tôi đã thấy được bản “báo cáo” tràn đầy máu, nước mắt và khủng bố ấy.
Câu hỏi đầu tiên của Bành Chí Trung, phó đồn trưởng khi nhìn thấy Đinh Tác Minh là: “Vì sao anh đánh Đinh Ngôn Lạc?”
Đinh Tác Minh giải thích: “Tôi không đánh, xưa nay tôi không hề đánh ai!”
Bành Chí Trung vẫn hỏi lại câu hỏi trên, nhưng khẩu khí biến thành gay gắt hơn.
Một lần nữa Đinh Tác Minh biện bạch: “Xưa nay tôi không hề đánh ai, các anh có thể về thôn điều tra”.
Lúc này, Bành Chí Trung mất bình tĩnh nói: “Anh không đánh Đinh Ngôn Lạc, sao vợ Đinh Ngôn Lạc tố cáo anh lên xã?”
Đinh Tác Minh cảm thấy không cần trả lời, câu nói này đáng lẽ Bành Chí Trung nên hỏi Đinh Ngôn Lạc.
“Nói!” Phó trưởng đồn đã không còn kiên nhẫn, anh ta nghiêm giọng nói.
“Các anh nói khẳng định là tôi đánh Đinh Ngôn Lạc, có chứng cớ không?” Đinh Tác Minh không thể nhịn được nữa nói: “Nếu thôn dân ở hiện trường hôm đó, dù là một em bé, chỉ cần có người chứng minh là tôi đã đánh Đinh Ngôn Lạc, tôi xin chịu mọi trách nhiệm”.
Về căn bản, Bành Chí Trung không nghe những lời biện bạch của Đinh Tách Minh, anh ta đề xuất hai ý kiến xử lý:
“Một, anh, Đinh Tác Minh phải trả Đinh Ngôn Lạc 280,5 NDT tiền thuốc; hai, vào hôm Kỷ Vương Trường có phiên chợ, anh phải dùng xe ba gác đưa Đinh Ngôn Lạc từ bệnh viện về nhà”.
Ý kiến xử lý đảo lộn đúng sai, tràn đầy ức hiếp làm nhục đó, tất nhiên là Đinh Tác Minh không thể tiếp thu, anh phản đối ngay: “Tôi không đánh Đinh Ngôn Lạc, Đinh Ngôn Lạc không hề bị thương ở đó, vì sao anh ta đến bệnh viện, tôi không biết và cũng không cần biết”.
Bành Chí Trung đập bàn nói: “Chẳng lẽ lời của tôi không có hiệu quả? Bây giờ tôi hỏi anh, quyết định phán xử của tôi đã đưa ra rồi, anh có trả tiền hay không?”
Ngày thường, Đinh Tác Minh có để ý đến một số tri thức pháp luật, nên nói ngay: “Tôi không đánh Đinh Ngôn Lạc, ông quyết định phán xử như vậy, tôi sẽ tố cáo lên trên”.
Cuối cùng Bành Chí Trung đã bị chọc giận. Hắn chỉ vào Đinh Tác Minh nói lớn: “Bây giờ tôi có thể giam anh lại, anh có tin không?”
Đinh Tác Minh vẫn tỏ ra không hề yếu đuối như trước, nói: “Dù có theo ý kiến xử lý vừa nói của ông, tôi cũng chưa đủ là “tội phạm hình sự”; mà cho dù ông “giam giữ hình sự” tôi, thì cũng phải nội trong hai mươi bốn giờ, phải nói rõ nguyên nhân bắt tôi”.
Bành Chí Trung nói: “Được thôi, tôi bảo anh, tôi có thể giam anh hai mươi ba giờ rưỡi, sau khi thả ra vẫn không nộp tiền, tôi sẽ lại giam anh hai mươi ba giờ rưỡi nữa, cho tới khi anh nộp tiền mới thôi!” Hắn ta gọi Chúc Truyền Tế, Kỷ Hồng Lễ và Triệu Kim Hỷ, là đội viên liên phòng trị an tới, ra lệnh cho ba người lập tức giam ngay Đinh Tác Minh vào “phòng giam” đặc biệt mà đồn công an thiết lập phi pháp. Sở dĩ nói nó “phi pháp” là vì Bộ Công an nhà nước và Sở Công an tỉnh An Huy trong năm 1989 và 1992 đã lần lượt hai lần gửi công văn ra lệnh cấm các đồn công an không được thiết lập nơi giam giữ.
Sau khi bị giải vào phòng tối, Đinh Tác Minh lớn tiếng hỏi Bành Chí Trung: “Tôi không phạm pháp, vì sao ông giam tôi?”
Bành Chí Trung chỉ vào Đinh Tác Minh, nói với ba đội viên liên phòng trên: “Cậu bé này thú lắm, tăng nhiệt cho cậu ta ngay”.
Nói xong, Bành Chí Trung tránh đi.
Tất nhiên, Đinh Tác Minh nghe không hiểu những câu quen dùng ngày thường nói ra từ miệng Bành Chí Trung, nhưng ba người này biết rất rõ trong lòng. Nói Đinh Tác Minh “thú” là chỉ anh “không phục”, còn cái gọi là “tăng nhiệt” là phải cho Đinh Tác Minh biết tay, có thể dùng hình phạt về thể xác, đánh đập, khi cần thiết có thể dùng mọi thủ đoạn, tóm lại, phải làm cho đến khi người bị xử lý nhận trả tiền mới thôi.
Chúc Truyền Tế ngại mình đã từng là đồng học thời trung học của Đinh Tác Minh, lại là láng giềng gần, không tiện trực tiếp hạ độc thủ, nên đã nhanh chóng tìm cớ lảng đi. Thế nhưng, Chúc Truyền Tế, kẻ luôn luôn giỏi qua lời nói nét mặt mà hiểu được ý đồ của lãnh đạo, rất được Bành Chí Trung vừa ý, biết rõ Đinh Tác Minh là người thà chết chứ không chịu nhận lý sai, đồng thời cũng thấy “hạ được” hay “không hạ được” Đinh Tác Minh không phải là dễ, nên trước khi bỏ đi đã cố ý gọi Kỷ Hồng Lễ và Triệu Kim Hỷ ra ngoài cửa, bảo hai người đừng ngại cho Đinh Tác Minh “kéo chân ngựa”.
Chúc Truyền Tế khi nói mấy tiếng “kéo chân ngựa”, ngữ điệu vô cùng bình tĩnh, nhưng với hai người Kỷ Hồng Lễ và Triệu Kim Hỷ thì nghe thấy từ trong ngữ điệu bình tĩnh ấy ngầm chứa một sát khí. Bởi vì đó là một loại hình phạt tàn bạo nhất của đồn công an Kỷ Vương Trường.
Nhìn hai người Kỷ, Triệu quay về phòng tối, Chúc Truyền Tế vẫn chưa yên tâm lắm, hắn đến nhà ở của đội trị an truyền đạt lệnh của Bành Chí Trung cho Vương Tiến Quân, bảo người này tới giúp ngay, “hạ” cho được Đinh.
Theo gợi ý của Bành Chí Trung và Chúc Truyền Tế, Kỷ Hồng Lễ, Triệu Kim Hỷ giải Đinh Tác Minh từ “phòng giam” ra phòng trực ban, bảo Đinh Tác Minh phải “xoạc chân ra” nhưng Đinh Tác Minh không chịu, chúng liền xông tới xô đẩy buộc Đinh Tác Minh phải làm. Mặc dù Đinh Tác Minh đã học mười hai năm ở trường, nhưng không phải là một thư sinh yếu đuối, hơn nữa còn được việc canh lúa ở ruồng đồng nhào luyện, nên làm cho hai người mệt thở không ra hơi mà vẫn không sao bắt được Đinh Tác Minh làm theo lời.
Vào lúc đó Vương Tiến Quân tay cầm một chiếc gậy bằng gỗ dâu bước vào cửa.
Vừa thấy thằng cha Vương Tiến Quân đến tăng viện, Kỷ Hồng Lễ và Triệu Kim Hỷ vội nói bừa là Đinh Tác Minh đánh bọn chúng. Nghe xong, Vương Tiến Quân chỉ vào Đinh Tác Minh nghiêm giọng nói: “Ở đây cứng mồm mạnh miệng không hay ho gì đâu!” Nói xong lại bắt Đinh Tác Minh phải “xoạc chân ra”, Đinh Tác Minh vẫn khăng khăng không chịu làm.
Vương Tiến Quân chửi một câu rồi dùng cây gậy bằng gỗ dâu đánh vào đầu vào mặt, Đinh Tác Minh cố tránh, nhưng vài và lưng vẫn bị trúng mấy gậy, mặc dù phải lêu lên vì đau đớn, nhưng anh vẫn không chịu nghe theo.
Đinh Tác Minh không chịu làm theo, khiến cây gậy trong tay Vương Tiến Quân càng vụt càng dữ dội.
Vương Tiến Quân cũng là đội viên liên phòng của nông dân vì sao lại làm những việc tàn nhẫn như vậy với anh em nông dân của mình? Một giải thích phù hợp với logic chỉ có thể là, con người từ động vật bò tiến hóa đến ngày nay, dù cho có sáng tạo ra khoa học kỹ thuật huy hoàng nhất và văn minh hiện đại sáng lạn nhất, nhưng một số tính gốc rễ xấu, tàn bạo nhất, nguyên thủy nhất trong tính nết của con người vẫn có thể xuất hiện hiện tượng “quay trở về với cội nguồn” ở một số người, điều đó cho thấy rõ sự tiến hóa của nhân tính là chậm chạp. Vương Tiến Quân lúc này đã hoàn toàn mất hết lý tính biến thành loài khác, trút ra thú tính.
Nghe nói, không phải đây là lần đầu tiên Vương Tiến Quân phát tác thú tính, từ khi đến đồn công an xã Kỷ Vương Trường, làm “đội viên liên phòng” trị an, đánh người đã trở thành công tác hàng ngày của hắn, không có ai nhắc nhở hắn không được làm như vậy, mà ngược là vì hắn dám hạ thủ, nên được lãnh đạo trọng dụng.
Hôm nay, chiếc gậy bằng gỗ dâu trong tay hắn chẳng mấy chốc đã gẫy, thế nhưng hắn vẫn không thôi, dùng chân đã ngã Đinh Tác Minh, sau đó chuyển sang dùng dùi cui cảnh sát đánh mạnh vào hai chân Đinh Tác Minh, buộc Đinh Tác Minh phải quỳ xuống đất.
Vào lúc Đinh Tác Minh không còn sức chống đỡ, Vương Tiến Quân cũng đánh đã mệt, thì thú tính của Kỷ Hồng Lễ bắt đầu phát tác, hắn nhặt một nửa chiếc đòn gánh nhào tới, rồi như điên đánh mạnh vào lưng, vào vai Đinh Tác Minh.
Vì vậy chỉ sau một lúc là Đinh Tác Minh không sao rên rỉ được nữa, mọi việc xảy ra trước mắt đều làm anh kinh ngạc, đều làm anh sợ hãi. Anh đã thấy rõ rằng, chỉ cần anh không mở miệng, thì mấy thằng cha này có thể chỉnh anh đến chết. Thế nhưng anh không nghĩ tới việc cúi đầu trước bất kỳ kẻ nào, càng không thể nhận thua. Và anh đã mở to mắt, vô cùng phẫn nộ kêu lớn:
“Tôi tố cáo cán bộ thôn xã tăng nặng đóng góp của nông dân, vi phạm chính sách của đảng mà bị đánh đập tàn ác thế này, tôi không sợ đâu! Dù các người có đánh chết tôi, tôi cũng không phục; có thành ma, tôi cũng vẫn tố cáo, tố cáo luôn cả bọn các người!”
Bắt gặp cặp mắt ngầu đỏ của Đinh Tác Minh, Kỷ Hồng Lễ đang vung nửa chiếc đòn gánh sợ quá đánh rơi xuống đất.
Nhìn thấy Kỷ Hồng Lễ mềm tay, Vương Tiến Quân như bị bệnh thần kinh cất tiếng chửi: “Con mẹ mày, nhút nhát, việc gì phải sợ nó. Có phải cái mồm nó là chỗ cứng nhất không?” Thế là Kỷ Hồng Lễ nhặt một chiếc gậy khác hung dữ xông tới. Triệu Kim Hỷ dứt khoát lấy một chiếc khăn tay bẩn nhét vào mồm Đinh Tác Minh.
Rồi cứ như vậy, ba đội viên liên phòng trị an Vương Tiến Quân, Triệu Kim Hỷ, Kỷ Hồng Lễ mất hết tính người lại thay nhau đánh đập Đinh Tác Minh lúc đó không còn cựa quậy và không còn nói năng được, thêm hai mươi phút nữa. Mãi tới lúc kinh động đến Triệu Tây Ấn, chính trị viên đồn vì có bệnh đang nghỉ tại nhà, hành động tàn bạo phát sinh tại đồn công an xã Kỷ Vương Trường mới chấm dứt.
3. Vụ án kinh động đến Trung ương
Khi mấy thôn dân trong tiểu tổ kiểm tra sổ sách tìm thấy Đinh Tác Minh ở đồn công an, anh chỉ còn thoi thóp thở. Có người trong bọn họ gục đầu vào người Đinh Tác Minh khóc thảm thiết, biết là vì Đinh Tác Minh thay mặt mọi người cất tiếng nói nên mới bị đánh đập tàn ác đến thế; có người vội đến nhà Đinh Tác Minh báo tin; có người chỉ vào nhân viên đồn công an căm giận nói: “Công an các người không làm án, trị an xã hội tốt hơn hẳn!”
Đinh Kế Doanh, bố đẻ Đinh Tác Minh đã bẩy mươi bẩy tuổi loạng choạng chạy đến đồn công an, nhìn thấy sắc mặt con trai trắng bệch đã vã mồ hôi hột ra, mồm miệng run lẩy bẩy chưa gọi rõ tiếng “con” đã gục ngã xuống chân con.
Lúc này Bành Chí Trung quay trở lại đồn, hắn quay lại để xem Đinh Tác Minh có chịu nộp tiền hay không. Nghe nói Bành Chí Trung là người lãnh đạo đồn, lại nghe nói là con trai vì không chịu nộp hơn hai trăm NDT tiền “chi phí thuốc men” cho phó trưởng thôn Đinh Ngôn Lạc nên mới bị đánh đập như vậy, nên Đinh Kế Doanh đã đau khổ xin Bành Chí Trung: “Tôi xin bồi thường, xin lỗi Đinh Ngôn Lạc, chi phí thuốc men của Đinh Ngôn Lạc tôi nhận trả, ngày mai nhặt đủ tiền sẽ nộp cho ông, xin ông thả con tôi về!”
Bành Chí Trung không ngờ lần này đội viên liên phòng ra tay mạnh như vậy, Đinh Tác Minh bị đánh thậm tệ đến thế, nên thấy Đinh Kế Doanh cầu xin, hắn liền tiện thể huơ huơ tay, rồi nhanh như cắt nâng Đinh Tác Minh dậy. Thế nhưng hắn vẫn không quên quyết định xử lý, do mình đưa ra: “Tôi xin nói rõ, ngày mai nhất định phải đưa tiền chi phí thuốc men đến đồn!”
Đinh Kế Doanh và mấy thôn dân trong tổ kiểm tra sổ sách vội vàng đưa Đinh Tác Minh đến chạy chữa ở trạm xá xã, sau đó vì bụng Đinh Tác Minh đau rất dữ dội, nhân viên y tế ở trạm xá xã không biết làm thế nào, nên ngay trong đêm đã phải chuyển anh lên cấp cứu ở bệnh viện huyện.
Tám giờ sáng hôm sau, Đinh Tác Minh được chẩn đoán là lá lách bị vỡ, ra máu nhiều, bệnh viện cấp tốc truyền máu cho anh, nhưng đã không còn phép để xoay chuyển tình hình, tất cả đều quá muộn.
Cuối cùng Đinh Tác Minh đã ngừng thở trên bàn mổ trong khi cấp cứu tại bệnh viện huyện.
Nghe nói con mình đã chết trên bàn mổ, ông già Đinh Kế Doanh khóc đến mức chết đi sống lại. Ông đập tay vào tường như không muốn sống nữa: “Con ơi, sao con lại ngốc đến thế, con có lý, bọn họ có quyền!”
Chúc Đa Phương, vợ Đinh Tác Minh càng khó tiếp nhận được sự thực tàn khốc này, cả người như biến thành nước mắt. Chị vừa khóc vừa kêu: “Tác Minh ơi, bọn họ đánh anh đến chết, sao anh không nhận trả hai trăm NDT ấy đi! Tiền quý hơn sinh mệnh à? Anh vung tay ra đi như vậy, để lại hai cha mẹ già lắm bệnh, ba đứa con đang tuổi thơ ngây, đứa lớn nhất vừa sáu tuổi, đứa bé nhất mới được hai tuần, cuộc sống sau này em biết làm sao qua nổi?”
Mấy thôn dân trong tiểu tổ kiểm tra sổ sách đứng bên, lựa lời khuyên Đinh Kế Doanh và Chúc Đa Phương không nên quá đau lòng, nhưng rồi cũng không nén nổi rơi lệ, đau thương kêu lên: “Tác Minh ơi Tác Minh, ngày thường anh thông minh như vậy, sao hôm qua lại hồ đồ đến thế? Bọn họ đánh anh tàn nhẫn như vậy, sao anh không kêu lên một tiếng?”
Tin Đinh Tác Minh dẫn đầu phản ánh đóng góp của nông dân quá nặng lên huyện, bị người đánh chết tươi như tiếng sét nổ giữa trời xanh, khiến các bậc phụ lão bà con trong xã Kỷ Vương Trường nghe thấy mà rùng mình!
Thôn dân thôn Lộ Doanh đã phẫn nộ. Ngọn lửa phẫn nộ khiến họ kéo đến trước nhà Đinh Ngôn Lạc, đòi hắn và vợ phải chui ra. Thế nhưng, mãi đến lúc đó, người ta mới biết, sau khi nghe được phong thanh, lớn, bé, già cả nhà Đinh Ngôn Lạc đã trốn ngay khỏi thôn Lộ Doanh, lúc này chỉ còn ngôi nhà trống không, người đi hết rồi.
Từ đó trở đi, cho đến khi chúng tôi đến thôn Lộ Doanh, tám năm đã trôi qua, thôn dân Lộ Doanh vẫn không thấy người của gia đình Đinh Ngôn Lạc. Có người nói, bọn họ đi Thượng Hải hoặc Nam Kinh, có người nói bọn họ đi Hải Nam hoặc Thâm Quyến, tóm lại là rời bỏ quê hương, làm thuê kiếm sống ở ngoại tỉnh, từ một phó thôn trưởng nghênh ngang ở thôn Lộ Doanh, trở thành kẻ bỏ quê hương đáng thương phiêu bạt khắp nơi.
Các thôn dân vồ trượt tại nhà Đinh Ngôn Lạc đã không ngăn nổi cơn giận quay đầu về đồn công an. Kết quả phát hiện: phó đồn trưởng Bành Chí Trung, ngày thường tự cho là không ai bằng mình và bọn Kỷ Hồng Lễ, Triệu Kim Hỷ, Vương Tiến Quân mất hết lương tâm, đã từng đứa, từng đứa trốn hết cả rồi.
Hai lần vồ trượt, thôn dân càng thêm giận dữ, cuối cùng thống nhất quyết định trực tiếp lên huyện.
Vào lúc thôn dân thôn Lộ Doanh chuẩn bị lên đường, thôn dân các vùng xung quanh nghe tin cũng kéo đến, giận dữ gia nhập đội ngũ lên trên phản ánh yêu cầu của thôn Lộ Doanh.
Rõ ràng là, cuộc sống nặng nề khó có thể tiếp tục không chỉ có ở thôn Lộ Doanh. Những vấn đề phản ảnh lên huyện, những yêu cầu thanh sát sổ sách cán bộ thôn, của Đinh Tác Minh cũng đại biểu cho lợi ích và nguyện vọng của họ, vì vậy, trước cái chết của Đinh Tác Minh, bọn họ không thể chắp tay đứng nhìn. Trong lòng họ đều biết rằng, nếu không đồng lòng hiệp lực vùng lên đấu tranh, ngày mai bọn họ cũng sẽ gặp cảnh ngộ như Đinh Tác Minh!
Thế là một đội ngũ lên trên phản ảnh, yêu cầu xuất phát từ thôn Lộ Doanh, trong chốc lát đã giống như một quả bóng tuyết được một bàn tay vô hình khổng lồ đẩy đi, thế trận của nó nhanh chóng mở rộng, chưa đến thành phố huyện đã hội tập được hơn ba ngàn người. Đội ngũ cuồn cuộn kéo đi, cuốn theo đầy trời bụi vàng. Trong đám bụi vàng cuồn cuộn đó, ầm vang tiếng còi, tiếng chuông của máy kéo, mô tô ba bánh, ô tô dùng cho nông nghiệp, xe bò, xe kéo.
Nông dân Trung Quốc có thể nói là một quần thể đặc biệt, thiện lương nhất, biết nghe lời nhất lại có thể nhẫn nhịn nhất trên thế giới, thế nhưng một khi bị làm cho tức giận, thì lại có thể biến thành một đội ngũ to lớn nhất, không sợ gì nhất, có sức phá hoại nhất trên thế giới!
Ngày 21 tháng 2 năm 1993, “sự kiện Đinh Tác Minh” phát sinh tại đồn công an xã Kỷ Vương Trường, huyện Lợi Tân, tỉnh An Huy chắc chắn sẽ không bị các chuyên gia học giả không chú ý tới hoặc lảng tránh khi viết “Lịch sử phát triển nông nghiệp Trung Quốc” sau này, bởi vì Đinh Tác Minh là người đầu tiên trong 900 triệu nông dân Trung Quốc vì phản ảnh vấn đề đóng góp của nông dân mà bị đánh chết, anh dùng cuộc sống trẻ trung của mình làm cái giá phải trả, thức tỉnh mọi người không nên coi nhẹ hoặc lảng tránh một cách lạc quan hiện thực nông dân Trung Quốc đang trở nên vô cùng nghiêm trọng.
Huyện ủy và Ủy ban huyện Lợi Tân lúc đó không dám xem thường, vội vàng ra đường ngăn lại, sợ rằng sự thái mở rộng hơn nữa sẽ dẫn đến mất khống chế, bị kẻ xấu lợi dụng. Họ không lảng tránh sự việc này, và xử lý cũng tích cực nghiêm túc, nhưng chỉ không hy vọng là toàn vùng đều biết, nên đã phong tỏa nghiêm mật tin tức. Bọn họ cho là, sự việc này một khi được truyền lan, đều không có lợi cho bất kỳ lãnh đạo nào của huyện ủy và ủy ban huyện Lợi Tân.
Báo tin mừng chứ không báo tin lo, thực ra để trở thành một hiện tượng có từ lâu mà Trung Quốc ngày nay quen cho là thường, không kỳ lạ gì.
Thế nhưng việc đó vẫn được truyền đi. Thậm chí vào lúc Bí thư tỉnh ủy và Tỉnh trưởng An Huy còn đều chưa biết tình hình, thì vụ án đã làm kinh động Trung ương. Nhiều vị lãnh đạo Trung ương đảng và Quốc Vụ viện, không chỉ biết tỉ mỉ chân tướng của sự việc này, mà còn sau khi kinh ngạc đã nhanh chóng đưa ra chỉ thị rõ ràng.
Mang cái việc đó đưa lên trời là Khổng Tường Nghinh, phóng viên Tân Hoa Xã tại phân xã An Huy.
Vì một nhiệm vụ phỏng vấn khác, Khổng Tường Nghinh đã đến huyện Lợi Tân, sau khi biết “sự kiện Đinh Tác Minh” anh vô cùng kinh ngạc và đau lòng. Lúc đó anh phụ trách việc đưa tin nông thôn của phân xã An Huy, nên đã tự nhiên có sự nhạy cảm đặc biệt đối với mọi tin tức nông nghiệp xảy ra ở nông thôn, hơn nữa phóng viên của một cơ quan tân văn nổi tiếng Trung Quốc, khi xử lý tin tức, bài viết không bị ràng buộc và cấm đoán như các phóng viên địa phương. Dựa vào cảm giác trách nhiệm xã hội và cảm giác sứ mệnh thời đại, anh hiểu được “sự kiện Đinh Tác Minh” đã chiết xạ ra quá nhiều “tin tức xã hội” trong nông thôn Trung Quốc hiện nay. Hơn nữa, giảm nhẹ đóng góp của nông dân đã trở thành một việc lớn được Trung ương đảng và Quốc Vụ viện quan tâm chặt chẽ và đã có quy định rõ ràng, thế mà một thanh niên nông dân có văn hóa hiểu chính sách, dựa vào quyết định của đảng, đề xuất yêu cầu chính đáng với tổ chức đảng, và được sự ủng hộ của huyện ủy đã bị đánh chết tươi giữa thanh thiên bạch nhật, hơn nữa sự việc đó còn xảy ra tại cơ quan chấp pháp của nông dân. Sự ác liệt của tính chất, sự nghiêm trọng của vấn đề, không có cái nào là không khiến anh nhìn thấy mà giật mình! Thế là anh đã nhanh chóng thay đổi kế hoạch phỏng vấn, chống đỡ hàng loạt áp lực và quấy rối, đi sâu vào xã Kỷ Vương Trường điều tra nghiên cứu, và đã nhanh chóng viết chân tướng sự kiện đó thành một bài “tham khảo nội bộ dành cho cấp cao” gửi về tổng xã. Và tổng xã đã nhanh chóng đăng toàn văn báo cáo điều tra đó gửi lên tầng lớp quyết sách tối cao.
Khi đồng chí ở văn phòng ủy ban tỉnh An Huy, nhận được điện thoại của Trần Tuấn Sinh, bí thư trưởng [3] Quốc Vụ viện gọi tới, ông đã đờ cả người ra. Trước đó, bất kể là cơ quan hành chính Phụ Dương hay là chính quyền Lợi Tân, đều không có nơi nào báo cáo việc đó, hơn nữa cú điện thoại khẩn như vậy do trên gọi xuống, trong lịch sử văn phòng ủy ban tỉnh An Huy xưa nay chưa hề gặp.
Vừa mở đầu, Trần Tuấn Sinh đã hỏi: “Đinh Tác Minh, thanh niên nông dân thôn Lộ Doanh xã Kỷ Vương Trường, huyện Lợi Tân, vì phản ảnh việc nông dân đóng góp mà bị bức hại đến chết, tình hình các anh xử lý việc này thế nào?”
Vì căn bản không biết việc đó, tự nhiên không thể trả lời. Đầu dây kia, Trần Tuấn Sinh lại nói: “Báo cáo kịp thời tình hình xử lý cho tôi. Mấy đồng chí lãnh đạo Trung ương đều đã có lời phê về việc này, rất coi trọng, tôi ở đây sẵn sàng chờ điện thoại của các anh”.
Tiếp đó, Trần Tuấn Sinh không chỉ để lại số điện thoại văn phòng và nhà riêng của mình mà còn cung cấp cả “số điện thoại nóng” của mình trong Trung Nam Hải; vì lúc đó ông đang dự một hội nghị, nên ngay cả phương pháp liên hệ cụ thể trong thời gian hội nghị họp cũng nói rõ.
Một cú điện thoại như vậy là chưa bao giờ có!
Qua một loạt điện thoại, đồng chí ở văn phòng ủy ban tỉnh An Huy biết một cách sâu sắc rằng đây là một vụ án trọng đại, sau khi liên hệ với lãnh đạo có liên quan, đã gửi điện cho địa ủy và cơ quan chính quyền Phụ Dương.
Đái Văn Hổ, bí thư huyện ủy Lợi Tân lúc này mới biết, sự kiện ở xã Kỷ Vương Trường đã “chạm tới thiên đình rồi”. Ông ta biết rất rõ, nếu cái chết của Đinh Tác Minh có quan hệ nhân quả với “đóng góp của nông dân” thì vấn đề này sẽ to đây, các cán bộ lãnh đạo của đảng ủy và ủy ban xã Kỷ Vương Trường sẽ bị truy cứu trách nhiệm, huyện ủy cũng khó thoát can hệ. mặc dù ông mới điều về công tác ở Lợi Tân được một tháng, chưa hiểu biết được nhiều tình hình, lẽ ra việc phải chịu trách nhiệm của ông trong sự kiện này nhiều nhất cũng chỉ là “trách nhiệm lãnh đạo”, nhưng sau khi nhận được điện khẩn của tỉnh, ông cảm thấy sự việc là nghiêm trọng và tư tưởng trở nên phức tạp ngay. Trước tiên, ông không mong sự kiện này mang lại cho mình phiền phức gì, hoặc là nói, không mong vì sự kiện này của Lợi Tân mà ảnh hưởng đến hình tượng An Huy. Từ vụ nước lớn năm 1991 đến nay, người ngoại tỉnh đều nhìn người An Huy như là “dân bị nạn”, chân tướng của vụ án Đinh Tác Minh nếu lại truyền đi, thì nông thôn An Huy còn ra cái thá gì nữa? Mà nếu sự việc giật mình động lòng này phát sinh ở Lợi Tân, với tư cách là bí thư huyện ủy, ông còn mặt mũi nào nữa.
Tất nhiên Đái Văn Hổ cũng không biết, trước khi vụ án Đinh Tác Minh xảy ra không lâu, ở huyện Nhân Thọ dưới chân núi Nga My, tỉnh Tứ Xuyên cũng là do nông dân đóng góp quá nặng mà đã nổ ra một cuộc lên trên phản ảnh yêu cầu qui mô lớn tới hơn vạn người, nông dân và cảnh sát đã xảy ra xung đột dữ dội, nông dân phẫn nộ đã đốt ô tô của cảnh sát. Sự kiện này đã làm cho lãnh đạo Trung ương lo nghĩ; tiếp ngay sau đó, ở An Huy lại có chuyện người chết, nên đã tự nhiên quan tâm đặc biệt đến tình hình xử lý sự việc ở An huy, không mong vì việc này mà dẫn tới những việc lớn hơn.
Đái Văn Hổ, bí thư huyện ủy Lợi Tân suy nghĩ rất lâu, nhưng cuối cùng ông vẫn áp dụng biện pháp mà mọi người ngày nay đã quen thuộc từ lâu: báo tin vui chứ không báo tin buồn, gác chuyện cho khỏe người. Ông ta cho rằng chỉ cần không gắn cái chết của Đinh Tác Minh với sự “đóng góp của nông dân” lại với nhau, mọi việc còn lại sẽ dễ làm.
Trong thời gian chưa đến 24 giờ, huyện ủy và ủy ban huyện Lợi Tân đã viết xong báo cáo gửi lên tỉnh ủy và ủy ban tỉnh An Huy: cái chết của Đinh Tác Minh hoàn toàn là do việc tranh chấp dân sự nói chung gây ra, không liên quan gì đến việc đóng góp của nông dân.
Đái Văn Hổ không bao giờ nghĩ là, việc trả lời cầu may đó của ông, đã làm đứt tiến trình gấm vóc mà lẽ ra ông được hưởng.
Cái mà tỉnh ủy, ủy ban tỉnh An Huy hy vọng nhìn thấy đương nhiên cũng là kết luận “không can hệ gì đến việc đóng góp của nông dân”. Điện thoại trả lời lập tức được gọi lên cho Trần Tuấn Sinh.
Ai ngờ, Trần Tuấn Sinh là người làm việc không chút cẩu thả, hơn nữa, việc này đã có nhiều lãnh đạo Trung ương có lời phê nên không thể buông. Nhận được kết luận của tỉnh An Huy, ông đặt câu hỏi ngay: rốt cuộc là phóng viên Tân Hoa Xã “báo sai tình hình”, hay là tỉnh An huy “lừa dối Trung ương” đây? Dường như điều đáng quan tâm bây giờ đã không phải là tình hình xử lý sự việc, ngược lại là tính chất vụ án Đinh Tác Minh.
Trần Tuấn Sinh đưa vấn đề cho Tân Hoa Xã trả lời.
Sau khi nhận được điện thoại của Trần Tuấn Sinh, Bí thư trưởng Quốc Vụ viện, Tân Hoa Xã cảm thấy có sự kỳ quặc. Bởi vì phóng sự điều tra của Khổng Tường Nghinh, phóng viên phân xã An Huy đã viết rất cụ thể rồi, nhưng sự thực đó không thể ngồi không trong văn phòng nặn ra. Nhưng để thận trọng hơn, vẫn thông tri nội dung cú điện thoại của Trần Tuấn Sinh và ý kiến báo cáo lên của tỉnh An Huy cho phân xã An Huy.
Khổng Tường Nghinh, người luôn luôn thận trọng nghiêm túc trong phỏng vấn thực địa và xử lý bài viết, rất bất ngờ khi nhìn thấy kết luận điều tra “vụ án Đinh Tác Minh” mà tỉnh An Huy đưa ra, vì đó rõ ràng là một loại phủ định triệt để sự thực mà anh đã tìm hiểu được. Tất nhiên anh không thể chấp nhận.
Vì thế thái độ trả lời của phân xã An Huy với Tổng xã là vô cùng kiên định: để làm rõ sự thực, đề nghị Trung ương trực tiếp cử người điều tra.
Một tổ điều tra liên hợp do Ban giám sát chấp pháp của Ủy ban kỷ luật Trung ương, Cục Pháp chế Quốc Vụ viện, Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nhanh chóng được thành lập, họ không báo cho lãnh đạo các cấp của An Huy, từ Bắc Kinh xuất phát, trực tiếp tới thôn Lộ Doanh xã Kỷ Vương Trường.
Tổ điều tra liên hợp của Trung ương xuống thẳng hiện trường nơi xảy ra vụ án, đã làm cho ba cấp lãnh đạo tỉnh An Huy, địa khu Phụ Dương và huyện Lợi Tân vô cùng bất ngờ.
Trước tiên tổ điều tra đến thăm hỏi, an ủi người nhà Đinh Tác Minh, sau đó gặp gỡ trực tiếp thôn dân thôn Lộ Doanh, mở một cuộc tọa đàm. Phạm vi điều tra của tổ điều tra cũng không giới hạn ở thôn Lộ Doanh mà mở rộng ra hai thôn cạnh đó. Khi đi điều tra không cho cán bộ địa phương tháp tùng, đồng thời thực thi bảo hộ về chính trị với những người được điều tra, các thôn dân vùng xung quanh cũng lũ lượt kéo đến phản ánh tình hình thực với tổ điều tra.
Thế là tin thủ đô cử tới “Bao Thanh Thiên”, “vi hành phỏng vấn riêng”, lập tức truyền lan khắp huyện Lợi Tân.
4. Những giọt nước mắt của đặc phái viên Trung ương
Chiều ngày 30 tháng 10 năm 2000, trong một phòng khách của tỉnh ủy An Huy, Ngô Chiêu Nhân, người đã làm phó chủ nhiệm ủy ban kinh tế nông nghiệp của tỉnh trong 17 năm, đã nhận lời phỏng vấn của chúng tôi.
Ngô Chiêu Nhân đã lùi về tuyến hai, đã từng là “Tư vấn của ủy ban nhân dân tỉnh An Huy” và “Chủ tịch hội kinh tế nông nghiệp tỉnh An Huy”, khi nói đến câu chuyện cũ, tổ điều tra liên hợp năm đó đến An Huy mà dường như tất cả đều như mới xảy ra hôm qua. Ông nói, chính ông là người đưa tổ điều tra liên hợp lên tận Bắc Kinh. Ông nhấn mạnh, ông cùng các đồng chí trong tổ điều tra cùng lên một đoàn tàu đi Bắc Kinh vì ông cũng đang có việc phải lên thủ đô, là “thuận tiện”; nhưng ông không hề lảng tránh, lãnh đạo tỉnh lúc đó đúng là cũng rất muốn biết, những đồng chí này đến được Lợi Tân rốt cuộc đã điều tra tình hình gì và đã hình thành những cách nhìn gì. Ông nói, do quan hệ công tác, đến nay ông vẫn còn nói được họ tên của hai thành viên thuộc Bộ Nông nghiệp tham gia tổ điều tra, đó là Lý Hiển Cương trưởng phòng và Hoàng Vĩ phó trưởng phòng, phòng quản lý giám sát đóng góp của nông dân, Vụ chỉ đạo hợp tác kinh tế, Hoàng Vĩ là một nữ đồng chí có tài, Lý Hiển Cương đã từng là thư ký cho Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện Khương Xuân Vân. Trưởng và phó phòng “Quản lý giám sát đóng góp của nông dân” thuộc Bộ Nông nghiệp cùng ra trận, đã nói lên việc này được coi trọng.
Người phụ trách tổ điều tra liên hợp là Tăng Hiểu Đông, chủ nhiệm Ban giám sát chấp pháp của Ủy ban kỷ luật Trung ương.
Ngô Chiêu Nhân nói với chúng tôi, khi nói đến tình trạng sinh tồn của nông dân huyện Lợi Tân, Tăng Hiểu Đông đã không ngăn được nước mắt đầm đìa. Tình tiết này đã gây cho Ngô Chiêu Nhân ấn tượng có thể nói là ghi lòng tạc dạ. Một cán bộ lãnh đạo ở vị trí cao, đã thấy như vậy ở trường hợp nào chưa? Trong tưởng tượng của mọi người, cán bộ giám sát chấp pháp thường là lòng gang dạ sắt, nhưng khi Tăng Hiểu Đông nói tới những điều nghe, thấy trong điều tra, tình cảm ông đã trở nên yếu đuối như vậy. Ông đỏ mắt nói: “Thật không ngờ là, giải phóng ngần ấy năm rồi mà nông dân vẫn còn khổ như vậy, đóng góp còn nặng đến thế, thái độ một số cán bộ đảng đối với nông dân còn xấu xa đến như vậy…”. Ông vừa chảy nước mắt, vừa lắc đầu.
Ông cho Ngô Chiêu Nhân biết: “Trong điều tra thực tế, thực ra chúng tôi còn thấy tình hình còn nghiêm trọng hơn là phản ảnh của phóng viên Tân Hoa Xã! Toàn bộ thôn Lộ Doanh đều rất khó khăn, chỉ có bí thư chi bộ thôn và mấy cán bộ thôn ở nhà ngói, vừa nhìn đã thấy vấn đề rất rõ. Thôn Lộ Doanh có hai đội sản xuất, mấy năm liền chỉ nhờ vào bán máu để sống, khổ đến như thế mà các loại đóng góp vẫn không hết, vượt xa quy định của Trung ương, đã khiến người ta không chịu được nữa. Về căn bản, Đinh Tác Minh không phải là “vấn đề sinh đẻ có kế hoạch” như bọn họ nói, mà chỉ là do anh đã phản ảnh việc nông dân đóng góp quá nặng, nên bị đánh chết tươi!”
Nói đến đó vì quá xúc động, môi ông run lên, nước mắt lại trào ra.
Ông nói, những nông dân đến phản ánh vấn đề, khi gặp các ông đều quỳ mọp dưới đất, trong đó có cả cụ già bước đi loạng choạng, đầu bạc trắng. Tim ông như run lên vì thấy cái cảnh chưa bao giờ thấy đó. Thử nghĩ xem, nếu không phải là đau khổ quá lớn, bị áp chế quá lâu, thì làm sao một ông già sắp kết thúc cuộc sống trần gian lại có thể bất chấp mọi lăng nhục, áp bức, xấu hổ để hai đầu gối chạm đất làm một cái lễ lớn như thế đối với nhân viên tổ điều tra chỉ đáng tuổi con cháu mình?
Điều đó có phải là nông dân Trung Quốc đã vươn mình làm chủ đất nước như chúng ta vẫn thường treo trên mép không? Bọn họ đã bị đè nén cong cả lưng và uốn gập cả linh hồn, mỗi người trong tổ điều tra liên hợp không ai là không kinh ngạc, nặng nề suy ngẫm.
Cái chết của Đinh Tác Minh khiến Trung ương coi trọng, rõ ràng là chưa từng có. Hai mươi sáu ngày sau khi Đinh Tác Minh chết thảm, tức ngày 19 tháng 3 năm 1993, Văn phòng Trung ương đảng, Văn phòng Quốc Vụ viện Trung Quốc đã liên hợp ra “Thông tri khẩn cấp về việc giảm nhẹ đóng góp của nông dân”; tiếp đó, ngày 26 tháng 6 cùng năm, Quốc Vụ viện đã triệu tập hội nghị công tác giảm nhẹ đóng góp của nông dân tại Bắc Kinh. Sau đó, chỉ một tháng sau ngày 22 tháng 7, Văn phòng Trung ương đảng và Văn phòng Quốc Vụ viện lại một lần nữa ra “Thông tri về ý kiến xét duyệt, xử lý những hạng mục liên quan đến việc đóng góp của nông dân”, đã hủy bỏ, tạm hoãn chấp hành, cần phải sửa đổi, hoặc kiên quyết uốn nắn nhiều tới 120 mục mà trước đó nông dân bị phân bổ, cưỡng bức đóng góp.
Trong một thời gian ngắn như vậy, nhằm thẳng vào vấn đề đóng góp của nông dân, không chỉ ra thông tri cẩn cấp mà còn đưa ra một loạt biện pháp tương ứng nhanh đến như vậy, đồng thời còn triệu tập hội nghị có tính chất toàn quốc…, tất cả những cái đó đều chưa bao giờ thấy trong lịch sử bốn mươi tư năm nhân dân Trung Quốc xây dựng nước.
Để giữ gìn sự tôn nghiêm của pháp luật, bảo vệ quyền lợi nhân thân của công dân không bị xâm phạm, trừng trị nghiêm khắc phần tử phạm tội nguy hại tới trị an xã hội, tòa án nhân dân trung cấp địa khu Phụ Dương, tỉnh An Huy, vào ngày 2 tháng 7 cùng năm đã mở phiên tòa công khai xét xử sáu tên tội phạm chịu trách nhiệm pháp luật trong “sự kiện Đinh Tác Minh”. Đã theo pháp luật xử Vương Tiến Quân tử hình, tước đoạt quyền lợi chính trị suốt đời; xử Triệu Kim Hỷ tù chung thân, Kỷ Hồng Lễ 15 năm tù giam, Bành Chí Trung 12 năm tù giam, Chúc Truyền Tế 7 năm tù giam.
Đồng thời để làm nghiêm kỷ luật đảng và chính quyền, địa ủy và chính quyền Phụ Dương trước đó đã lần lượt đưa ra các quyết định sau: kỷ luật cảnh cáo trong đảng Đái Văn Hổ, bí thư huyện ủy Lợi Tân; giáng chức hành chính Từ Hoài Đường, phó huyện trưởng; cảnh cáo nghiêm khắc trong đảng Lý Khôn Phú, bí thư đảng ủy xã Kỷ Vương Trường; khai trừ lưu đảng xem xét cách mọi chức vụ trong ngoài đảng của Khang Tử Xương, phó bí thư đảng ủy, kiêm chủ tịch xã; cách chức Nhiệm Khai Tài, phó bí thư đảng ủy xã. Đồng thời yêu cầu nhân dân toàn địa khu giám sát tốt hơn nữa việc cán bộ nghiêm túc chấp hành chính sách của đảng; ra lệnh cho các huyện (thị) phải áp dụng biện pháp hơn nữa, thiết thực giảm nhẹ đóng góp của nông dân.
Lòng người vui sướng!
Tháng hai, xuân sớm năm 2001, chúng tôi đến nhà Đinh Tác Minh. Chúng tôi phát hiện, một nhà sáu miệng ăn, do mất đi sức lao động chủ yếu là Đinh Tác Minh, giống như nhà lớn gẫy xà, dù chính quyền địa phương miễn không thu thuế nông nghiệp cho cái gia đình bất hạnh đó nhưng cuộc sống của họ vẫn vô cùng khó khăn. Chúng tôi chú ý đến đôi câu đối viếng dán ở cổng, rõ ràng là viết trên giấy đỏ, nhưng giờ đây đã ngả màu, qua đó có thể thấy, gia đình này đến nay vẫn chưa thoát khỏi nỗi đau khổ to lớn.
Ông già Đinh Kế Doanh, già yếu lắm bệnh, hầu như không còn sức, nhớ lại tình cảnh năm xưa vẫn rơi nước mắt ngậm ngùi. Ông lấy ra “bản án” năm xưa và giấy biên nhận của tòa án địa khu rồi nói với chúng tôi: giấy trắng mực đen trên “bản án” phán xử là phải bồi thường dân sự, nhưng đến nay vẫn không thực hiện, họ đã nhiều lần tìm đến tòa án chấp hành án địa khu Phụ Dương và trong cảnh túng quẫn nghèo rớt mùng tơi vẫn nộp đủ phí chấp hành án đối với họ là lớn vô cùng, thế nhưng đã bảy năm rồi, khoản bồi thường xét xử năm ấy, đến nay vẫn bặt vô âm tín.
Đinh Lộ Thị, mẹ Đinh Tác Minh hiện nay nằm liệt giường, ăn, uống, đại, tiểu tiện đều ở trên giường, khổ không sao nói được. Chúc Đa Phương, vợ Đinh Tác Minh, một lần đi lấy phân hóa học ở ngoài, bị ngã gẫy tay phải, về cơ bản không làm được việc nặng. Ba đứa con tuy được trường học chiếu cố, miễn nộp học phí và các phí lặt vặt, nhưng hai đứa Đinh Diễm 14 tuổi và Đinh Vệ 12 tuổi, vẫn phải nửa đường bỏ học, để ở nhà giúp mẹ làm một số việc nhà nông có thể làm được, chúng phải gánh vác cuộc sống quá sớm.
Trước khi rời thôn Lộ Doanh, chúng tôi đã đến thăm mộ Đinh Tác Minh. Hiện thực âm, dương cách biệt, khiến chúng tôi không thể nói chuyện với anh, nhưng chúng tôi vẫn lặng lẽ cầu khấn: đừng bao giờ bi kịch này xảy ra nữa.
Đinh Tác Minh đã đổi cuộc sống trẻ trung của mình làm kinh động Trung ương, từ đó làm cho 900 triệu nông dân Trung Quốc cuối cùng cũng có được thanh thượng phương bảo kiếm để che chở mình.
Ban đầu chúng tôi cho rằng anh là người tuẫn nạn đầu tiên và cũng là người cuối cùng. Thế nhưng, sau đó, khi chúng tôi đi tiếp tới xóm Tiểu Trương, thôn Trương Kiều, xã Đường Nam gần huyện Cá Trấn, mới biết là bi kịch của Đinh Tác Minh vẫn chưa kết thúc. Nó không những vẫn đang tiếp diễn như trước mà tai nạn bị giết xảy ra ở xóm Tiểu Trương còn ác liệt hơn về tính chất, càng khiến người ta kinh sợ; cái cảnh tanh mùi máu ấy đến mức làm cho người ta không thể tin. Nó xảy ra vào năm thứ năm, sau “sự kiện Đinh Tác Minh”, hơn nữa vào lúc Trung ương đã năm lần bảy lượt ra lệnh.

[1]1 nhân dân tệ (NDT) ≈ 1.950 VNĐ, một vạn NDT ≈ 19,5 triệu VNĐ.
[2]Trung Quốc cho điểm bằng hệ thống 100, vì vậy kém mấy điểm là rất nhỏ.
[3]Bí thư trưởng Quốc Vụ viện là một chức vụ ở Việt Nam không có, cao hơn Bộ trưởng, nhưng thấp hơn Phó Thủ tướng.