hông biết ai nói đến tai cụ huyện mà buổi việc làng hôm kia, cụ gọi bọn đương thứ ra quát mắng:- Các anh gớm thật! Chẳng còn biết nể nang gì các cụ. Ý chừng các anh thấy các cụ lập hội, các anh cũng giở giói lập hội phỏng? Nhưng phải hiểu, hội của các cụ nó có cái nghĩa thuần túy, nào hội văn khoa, nào hội tư văn, hội tư vũ, nào hội đồng khoa, đồng danh, chứ đồng hát của các anh còn có nghĩa lý gì? Hội họp nhau vào mà chơi bời phóng đãng hử? Mà phung phí đồng tiền mồ hôi nước mắt của bố của mẹ hử? Mà bán cửa bán nhà, bán vườn bán ruộng đi hử? - Cụ cười mãi - Hừ! Hội với hè! Thế mà cũng học đòi... Còn cái anh lý Bổng đâu?... Liệu hồn! Anh say mê con đầu Ngoạt, (mọi người nhìn ông lý, tủm tỉm cười) bỏ cả việc làng, việc thôn, bỏ cả việc tuần phòng. Liệu hồn! Từ giờ trở đi mà chứng nào cứ giữ tật ấy, tôi sẽ nói với làng truất ngôi trừ ngoại anh đi, nghe chưa?Ông lý xấu hổ cúi gằm mặt xuống, dạ sẽ một tiếng rồi lui xuống đằng sau dãy đương thứ.Cụ huyện quay ra bàn với làng:- Này các quan viên làng (một tràng dạ đều răm rắp). Tôi thiết nghĩ, bây giờ đã cuối tháng Ba, đình đám, hội hè qua đã lâu rồi mà ta cứ để lũ cô đầu chúng ở lỳ mãi nhà con mẹ Khoai rồi thì trai làng đến hư cả mất. Chi bằng cứ cấm cửa từ nay trở đi chúng nó không được lai vãng đến làng này nữa là xong, có phải không các quan viên làng?Lại một tràng dạ nữa đáp lại, đều răm rắp... Xong buổi việc làng ấy, ông lý lủi thủi về, trong lòng buồn rầu và uất ức. Lạ thật! Không biết kẻ nào lại dã tâm đến thế. Nó làm cho ông mất cả thể diện với chúng bạn, với làng nước. Nó còn làm cho ông... Ông nghĩ đến đầu Ngoạt, đến cặp mắt đa tình, đến cái miệng cười có duyên, đến những câu chuyện đằm thắm, ngọt ngào của nó. Nghĩ đến chốc nữa nó sẽ cuốn gói cùng con Sinh, con Luận, con Tửu từ biệt bà Khoai mà ông coi thân như mẹ đẻ, ông muốn đến ứa hai hàng lệ. Rồi ông ngờ hết người này người nọ, cho họ ghen ông, ghen ngấm ghen ngầm mà không sao được nên mới tìm kế ton hót với cụ huyện. Ông có biết đâu rằng chính bà lý nhà ông đã ngầm đem chè lá đến van lạy cụ huyện để “người” cứu lấy chồng bà ra thoát khỏi lưới tình.Về nhà, ông lý bỏ cả ăn cả uống, hết nằm vật ra giường thở dài thở vắn, lại đứng dậy đi ra đi vào, ngẩn ngơ như người mất hồn.Bà lý không nói với chồng nửa lời. Bà ngồi điềm nhiên, chốc chốc lại tủm tỉm cười bâng quơ. Không, bà không cười bâng quơ, vì tim bà lúc ấy đương bị rạn vỡ, bị tê buốt bởi những mũi tên độc của chồng bà. Bà vẫn còn ghen. Tuy cơn ghen không sôi nổi, không bồng bột như hôm mới rồi, nhưng nó âm thầm, nung nấu trong tâm can bà như than hồng phủ dưới tro tàn làm cho bà càng đau đớn thấm thía hơn trước. Bà muốn khóc mà không khóc lên được, bà muốn kêu gào mà không kêu gào lên được. Cái mưu kế khôn ngoan của bà càng làm cho bà thêm tủi nhục.Bà vừa căm giận chồng tệ bạc vừa thương hại mẹ chồng. Mẹ chồng bà ốm đau, nằm rên trong xó buồng, chỉ còn có mình bà chạy ra chạy vào nâng đỡ thuốc thang. Họa hoằn mới được Vót sang giúp đỡ bà đôi chút, vì thế nên bà vẫn cảm cái lòng quý hóa của Vót. Ngờ đâu một người đàn bà chua ngoa đanh đá mà lại tử tế đến thẽ.Nay mẹ chồng bà đã khỏi, song người còn yếu ớt lắm lại sinh ra chứng đau xương đau mình, đi ra đi vào phải chống gậy. Bà cụ trông gầy sọm và già hơn trước nhiều. Tóc đã bạc gần hết. Má hóp, da mặt nhăn nheo. Bà cụ mới ngoài sáu mươi mà trông hom hem bằng bà lão bảy tám mươi vậy.Cụ vẫn tưởng ăn uống, tẩm bổ rồi da thịt sẽ lại dần, rồi chứng đau xương đau mình tự nhiên khỏi hẳn, rồi cái gậy của cụ sẽ bỏ xó, không phải dùng đến nữa. Nào ngờ người cụ cứ thế mãi, như cái cây đã cằn cỗi, dầu chăm nom vun xới hết sức cũng vô ích. Cụ biết mình sắp đến cõi nên mỗi khi ngồi với các bà già, cụ thường nói ra miệng: “Các cụ ạ, tôi chả còn sống được mấy nữa”.Thế nào cũng có bà vội cãi lại:- Ẩy chết! Cụ chớ nói gở. Rồi da thịt nó lại dần chứ, nhữ bà cụ...- Không, tôi biết mình tôi lắm. May ra thì được qua cái năm nay. Tôi cũng chả tiếc... Kể thì cũng dâu, cũng rể, cũng cháu chắt cả rồi. Duy còn chút cháu nội. - Nói đến đấy, trông bà cụ có dáng ngậm ngùi.- Chả nên buồn cụ ạ. Nhờ Trời, nhờ Phật, nhờ Thánh tổ, tất thế nào rồi cụ cũng có. Tôi trông bà lý còn đẻ chán.- Vâng, thì cũng còn nhờ Trời... nhờ Phật... nhờ Thánh tổ. - Và cặp mắt mờ lòa của cụ đăm đăm nhìn xa.Bà lý xem ra cũng chu đáo. Thấy mẹ chồng gần đến cõi, bà đi đặt cỗ hậu sự bằng vàng tâm dầy dặn ván sơn son, hai đầu thiếp bạc, mất cả thảy hơn ba chục, đem về kê ngay gầm bàn thờ. Bà cụ mừng quá, đi đâu cũng khoe nàng dâu hiếu thảo.Mà chẳng cứ gì một mình bà cụ, cả xóm, cả họ ai cũng tấm tắc khen bà lý và nhân tiện chê ông lý một thể. Họ cho ông lý đã tu từ kiếp trước nên kiếp này mới vớ được bà lý đảm đang hiếu thảo như thế. Những như ông thì cứ như là tan cửa nát nhà, manh áo cũng chẳng giữ được mà mặc.Một hôm bà cụ đi chùa về, lom khom một tay chống gậy trúc, một tay cầm phẩm oản với quả chuối.Cái cháu lớn chạy ra cổng, reo mừng: “A a, bà đã về”. Rồi cầm lấy oản chuối chạy nhảy khắp sân. Bà cụ đứng nheo đôi mắt nhìn và nghĩ thầm: “Giá nó là thằng cu cháu”.Cụ đi tới thềm nhà trên, sắp bước lên. Bà lý đương dệt vải, chạy vội ra, cầm tay: “Cụ để con đỡ”.Từ ngày bỏ chức chị xã lên chức bà lý, bà thường gọi mẹ chồng là “cụ” và mẹ chồng, từ ngày ấy, cũng đổi cái xã nhà tôi ra “nhà lý” hay “bà lý nhà tôi”.Cụ vừa giơ tay cho bà lý nắm lấy vừa nói:- Này nhà lý ạ, hôm nay tao ra chùa An thấy các bà đến quy đông lắm. Cả vợ chồng cụ Hương, vợ chồng cụ hội cũng quy. Thế mà tao chẳng biết gì cả.Cụ bước lên thềm nói tiếp:- Nhà lý ạ, cứ lời các bà ấy kể thì quy cũng không tốn kém mấy. Mất có năm hào nộp sư cụ để đèn nhang, một hào giấy sớ, ba hào vuông lụa để sư cụ người viết tên tuổi lẫn tên hèm nhà Phật người đặt cho và thư phù vào đây. Người gọi nó là cái gì nảy... ừ ừ, hải hội, phải, hải hội để lúc chết đặt trong quan tài. Với lại tiền bỏ ra lập đàn quy hết độ ba bốn hào hay năm sáu hào tùy theo số người quy gom góp. Tất cả độ một đồng thôi, nhà lý ạ.Cụ nói một thôi dài. Nói xong cụ thở hổn hển. Bà lý hiểu ý mẹ chồng, liền hỏi:- Cụ có muốn quy thì con quy cho cụ.Bà cụ tủm tỉm cười, mặt tươi tỉnh:- Có, tao cũng quy một tí kẻo rồi lúc chết lại hối hận sao không quy.Bà lý thấy mẹ chồng lộ vẻ sung sướng, cũng hả dạ hỏi tiếp:- Cụ có vào hội Phật giáo, con đóng cho cụ nhân thể.- Úi chào! Được thế thì còn quý hóa gì bằng... Nhưng mà tao nghe thấy nói đắt lắm, những hai ba chục, năm sáu chục một vị kia, lý ạ. Tiền đâu!Bà lý cười, đáp:- Đấy là những chức sáng lập, vĩnh viễn, trụ trì, chứ thiện tín hội viên như cụ Rêu, cụ Mộc chẳng hạn thì đóng có ba đồng thôi.- Ò! Thế thì tao cũng vào hội Phật giáo nữa để lúc chết được các bà vãi đội cầu tụng niệm nam vô và chết được thất thất lai tuần...- Muốn được thất thất lai tuần thì phải đóng thêm chục bạc nữa kia, cụ ạ. Nhưng rồi con cũng đóng cả cho cụ.- Ồ! Thế thì còn gì bằng! Thật là nhất con. Chả bù cho thằng chồng con nó chẳng nhìn nhỏ gì đến mẹ cả.Bà cụ sung sướng chảy cả nước mắt. Từ đấy cụ nóng lòng nóng ruột mong cho đến ngày rằm để được cùng bọn các bà tân quy đến chùa học vỡ lòng.Sư cụ hôm ấy, y phục khác hẳn ngày thường, một chiếc cà sa bằng vóc vàng chói khoác ra ngoài chiếc áo lụa nâu thẫm, chiếc mũ thất phật bằng nỉ đỏ thêu toàn chỉ kim tuyến xòe ra như bảy cánh sen.Sư cụ ngồi xếp bằng, miệng tụng kinh, tay gõ cũng đều đều. Một chấm câu, cụ rời củng, cầm cái dùi con gõ vào cái “đẩu” đặt ngửa. Sư bác và đạo tràng ngồi hai bên sư cụ để giúp đỡ cụ trong lúc đọc kinh kệ. Một lúc lâu, sư cụ tụng xong, đứng dậy chắp hai bàn tay vào nhau lễ Phật. Trước mỗi lễ cụ đọc một tên ông Phật.Các bà vãi ngôi xếp tè he la liệt cả mấy hàng chiếu sau và đọc theo. Có lắm tên dài và khó đọc quá, mẹ chồng bà lý không sao nhắc lại được. Thoạt đầu bà còn đọc liều lĩnh, sau sợ tội, bà không dám đọc theo như mọi bà mà chỉ đọc “nam-vô-a-di-đà-Phật” thế vào.Sau một tuần lễ khá dài, cụ quản, một ông cụ đầu râu bạc phơ, quần áo lụa nâu non, ra lễ rồi nằm phủ phục xuống như con bò thui. Sư cụ cầm tấm vải ta rỡ ra, chằng xuống dọc lưng cụ quản đến bàn thờ Phật. Một mâm sớ màu đỏ để trên lưng. Sư cụ cầm vài nén hương với cành lá đi chung quanh múa may thư phù. Sư cụ múa mềm dẻo quá khiến mọi người đứng xem phải tấm tắc khen thầm. Các bà vãi lễ nghi nga nghi ngóp, khấn khứa rì rầm. Mẹ chồng bà lý được dịp, khấn cho trong nhà làm ăn thịnh vượng và cho con dâu bà sinh cháu trai để bà được trông thấy trước khi nhắm mắt.Đàn quy họp từ chập tối, mãi già nửa đêm mới tan. Bà cụ trở về, chân tay mỏi rừ, nhưng lòng rất hoan hỉ.Còn ông lý dạo này xem ra chăm việc tuần phòng và ở nhà luôn. Ông hối hận chăng? Dù sao ông cũng đã mang tiếng với họ hàng khu xóm là người đàn ông hư thân mất nết đi rồi. Và bà lý nhà ông cũng khó lòng tin ông được, tuy bà đã sẵn lòng tha thứ hết mọi lỗi.Gia đình nhà ông trở lại êm ấm như xưa, nhưng trong cái êm ấm không khỏi có nhiễm chút vẻ lãnh đạm, buồn tẻ. Bà lý ít nói cười hơn và không bao giờ vồ vập, hỏi han chồng như trước. Họa chăng có những lúc bà ngồi cùng với hai đứa trẻ xinh xắn. Chúng nó đùa, làm lắm trò ngộ nghĩnh, buồn cười, khiến bà cũng vui lây đôi chút.Bà cụ từ ngày quy thường năng đi lễ đi bái. Đêm nào có đàn chay hay lễ vào hè ra hè, lễ dâng sao chẳng hạn, bà cụ ở lại chùa mãi gần sáng mới về. Trong trí bà không mấy lúc là không nghĩ đến Phật, đến những ông bụt ốc vàng chói lọi ngồi phệ bụng trên tòa sen, đến bà Thị Kính ẵm con, đến ông “Châu Xương” gầy nhòm, đến ông “Di Lặc”, đến những Nam Tào, Bắc Đẩu ngồi chầu hai bên đức Ngọc Hoàng, rồi đến đức Thích Ca nhỏ xíu, một tay chỉ thiên, một tay chỉ địa. Mỗi lần nghĩ tới, cụ không quên cầu nguyện cho con cụ sớm sinh cháu trai để cụ được thấy trước khi về cõi Phật.Nhưng không bao lâu, gân cốt cụ mềm yếu quá, chân cụ không mang vững thân, tay cụ không chống vững gậy, cụ vừa bước lập cập vừa thở hổn hển. Thỉnh thoảng lại phải dừng chân nghỉ để lấy sức.Sư cụ thấy bà cụ yếu quá đã cho phép cụ tu tại gia, chỉ đến chùa vào những ngày đại hội như ngày Giảng đàn, ngày Phát họa, ngày Tam phát, ngày nhượng kinh giải nạn. Sư cụ lại tặng một bức tranh Phật và sai các sư bác, sư chú, các vãi rước đến tận nhà. Bà cụ cảm động, liền bảo con dâu mang thúng gạo nếp với tiền dầu nhang ra cúng chùa.Thế là từ hôm ấy, cái khung cửi của con dâu đã phải đem kê xuống nhà ngang, nhường chỗ cho bàn thờ Phật.Từ đấy, sáng chiều nào bà cụ cũng ngồi tụng kinh gõ mõ. Bà cụ vừa niệm vừa lấy ngón tay cái lần tràng hạt, cái tràng hạt mà bà lý đã gửi mua tận Thanh Hóa toàn bằng sừng đen như hạt huyền. Cứ chín hạt lại có một hạt to hơn bằng long não già. Hạt cuối cùng to gần bằng đầu ngón tay cái, có tua đỏ để trang điểm cho đẹp. Bà cụ quý lắm. Mỗi khi tụng xong, cụ gói ghém cẩn thận vào chiếc khăn vuông nhiễu đỏ, để một cách kính cẩn lên bàn thờ, cạnh bức tranh Phật.Họa hoằn người ta mới thấy cụ ra ngoài và mỗi lần trông cụ hom hem, yếu đuối thêm. Họ thương hại thì thầm với nhau: “Bà cụ muốn sắp về cõi Phật đến nơi rồi”.Bà cụ sắp về cõi Phật đến nơi thật. Vì cứ ba bốn tháng cụ lại ốm một trận thập tử nhất sinh, làm cho ông lý, bà lý hốt hoảng. Ông lý bỏ cả việc tuần phòng, bà lý bỏ cả việc khung cửi. Nhưng, lần nào cũng vậy, hễ gượng dậy được là cụ đã cố lần ra phản ngồi tụng kinh, niệm Phật. Nhất là từ ngày cụ biết tin con dâu cụ có mang. Cụ cho được thế là nhờ ở tấm lòng sùng bái của cụ thấu đến Phật, Trời.Một hôm, vào lúc cụ đương ốm nguy kịch ở nhà trên thì ở nhà ngang bà lý cũng đương giở dạ đẻ. Bao nhiêu họ hàng khu xóm đến thăm đều xúm xít cả nhà trên! Ở nhà dưới chỉ có bà đỡ Vị với Vót.Mỗi khi có người ở nhà trên đi ra, Vót gọi với lại hỏi:- Này bác, bà cụ liệu có qua khỏi được không?Người kia lắc đầu, thất vọng:- Khó lòng lắm, các thầy bỏ qua.Người ấy đi rồi, Vót đứng trong bực cửa nhìn lên thỉnh thoảng lại thở dài thương hại bà cụ.Bỗng có tiếng bà Vị ở trong buồng đẻ ra nói:- Chị Vót còn đấy chứ?... Dê-su-ma, lạy Chúa tôi. Bà lý sinh con trai, chị ạ.Vót mừng cuống quít, chạy vào giục rối lên:- Cụ tắm nhanh để cháu ẵm lên khoe bà cụ; chắc bà cụ trông thấy cháu trai là khỏi hết bệnh, chẳng thuốc nào bằng... Thôi cụ ạ, tắm qua loa thôi mà, rồi chốc nữa sẽ tắm kỹ. Nhanh lên cụ!Bà Vị thản nhiên, - cái thản nhiên của các bà đỡ sành nghề - đáp lại:- Vội đến đâu thì vội, việc đỡ đẻ bao giờ cũng phải cẩn thận. - Bà vừa nói vừa chăm chú vào công việc. Thằng bé khóc oe oe từng hồi, còn bà lý đã ngủ thiếp trên giường đẻ. Vót đứng đợi sốt cả ruột, giục luôn:- Thôi cụ, kỹ lắm rồi. Cháu thấy vạn người đẻ rơi, chỉ lau qua loa cũng chẳng sao.Bà Vị phát gắt:- Gớm cái nhà chị này mới nóng nảy làm sao chứ. Được rồi đây, đem tã ra mà ẵm lấy nó.Bà Vị lau chùi thằng bé, lấy tã quấn cẩn thận như cái tổ sâu rồi đưa cho Vót. Vót ôm đứa trẻ vào lòng, chạy tất tả lên nhà, rẽ đám đông, đi thẳng vào trong buồng: “Cụ ơi! Cụ! Cụ có cháu trai đây rồi!”Một vài người thân thích theo Vót vào. Bà cụ nghe thấy tiếng “cháu trai” ngồi nhổm ngay dậy, cặp mắt gần tỉnh táo như mắt người thường. Cu nói rất sẽ nhưng rõ ràng: “Cháu tôi đâu? Bế vào đây cho xem nào!” Vót tháo hết lót, nâng thằng bé trần truồng ngay trước mắt bà cụ. Cụ nhìn chòng chọc vào đứa bé mồm lầm bầm: “Nam-vô-a-di-đà-Phật!”Mắt cụ bỗng sáng lên rồi phút chốc cụ nằm vật xuống, lịm hẳn đi. Cụ đã thở hơi cuối cùng.