Chương X

     à Lý nhớ con. Bốn năm ngày liền, bà thờ thẫn, đến hết nhà này nhà nọ chuyện trò cho khuây khỏa dăn và bắt đầu đi các chợ buôn bán.
Thỉnh thoảng có ai nhắc lại chuyện Chút, bà chăm chú nghe và sung sướng được người ta khen con. Những lúc ấy bà trở nên dễ dãi, yêu hết thảy mọi người, yêu cả chồng là người đã sinh thành ra Chút.
Thời giờ trôi hết ngày này qua ngày khác, lâu lâu bà hầu như quên đi. Vả chăng, bà còn bận công việc, nhất là bận để tâm đến ngày mùng sáu tháng Giêng sang năm.
Mùng sáu tháng Giêng sang năm là ngày ông lý nhà bà lên lão sáu mươi, một ngày can hệ, to tát, long trọng nhất của một đời người chức dịch trong thôn ổ. Nói là ngày mùng sáu tháng Giêng, chứ thực thì ngày ấy kéo dài thành ba bốn ngày; có khi năm sáu ngày tùy theo cái lão to hay nhỏ của nhà chủ. Vậy bà không thể dửng dưng với ngày ấy được. Bà phải sắp sửa từ bây giờ để được sẵn sàng đầy đủ. Bà phải nuôi sẵn sáu con lợn, vụ cám cho béo quay. Bà phải tậu vài ba con trâu, tậu vào thời sau mùa gặt hái để được giá rẻ. Bà phải đong hàng cót thóc trữ sẵn... Ối chà! Cứ kể bà còn phải sắm sửa “này khác, các thứ”, nhiều lắm, mất có tới hàng bảy tám trăm, một nghìn. Bà không thể tùng tiện được, dẫu bà không ưa gì cái tính liều lĩnh, bạt mạng, thờ ơ, ích kỷ, lường lật của ông lý nhà bà. Ghét thì ghét, bà không khi nào chịu để mang tiếng là vợ một ông cựu có vai vế trong thôn mà lại kém người đủ mọi vẻ. Không, hết vốn này, bà gầy vốn khác, chứ kém người, thì nhất định bà không chịu kém. Bao giờ lo xong cái việc to tát ấy, bà sẽ thảnh thơi và ông lý nhà bà sẽ được tôn trọng lên bậc cụ; dù tư cách, tính hạnh ông không đáng bậc cụ chút nào, dù ông chẳng làm được trò trống gì cho làng cho nước.
Hiện thời bà đã mua được đủ sáu con lợn. Còn vài ba con trâu, bà đã nhờ ông trùm Súy đi các làng xem. Nếu được trâu tốt, giá rẻ thì tậu cho bà. Thóc bà cũng đã đong ngay từ dạo đầu mùa. Công việc của bà gần như hoàn thành cả rồi. Họ hàng khu xóm cho đến làng nước cũng tấm tắc khen bà đảm đang quán xuyến. Tiếng bà lý lo cái lão cho ông lý đã vang khắp độ rày. Và những bô lão, những chức dịch cho chí những nhiêu xã tép nhép đã được trông thấy trong tưởng tượng, những bữa chén no nê phè phỡn. Nhiều người gặp bà, đã nói đến ngày mùng sáu tháng Giêng, tuy ngày ấy còn xa đằng đẵng:
- Sang năm làng ta có cả thảy mười bốn ông lão. Nhưng làm to nhất có cụ cựu nhà rồi đến cụ cựu thôn trong.
Bà lý hả dạ và kiêu hãnh, tuy ngoài mặt, bà làm như thản nhiên và nói một cách nhún nhường:
- Thưa ông, người ta lo cho ông lão nhà người ta thế nào thì tôi cũng cố lo cho ông lão nhà tôi được thế, chứ ông tính, tiền của đâu mà làm to nhất làng.
- Hôm ấy thế nào chúng tôi cũng phải kiếm lấy đồng bạc với phong pháo đến mừng ông lão.
Bà lý vui vẻ:
- Vâng, được các ông đến mừng cho ông lão nhà tôi thì quý hóa nào bằng. Còn tiền nong xin các ông đừng ngại. Một phong pháo hay một lời mừng của các ông là quý lắm rồi.
- Có, thế nào chúng tôi cũng phải có chút đỉnh mừng ông lão chứ.
Những lời hỏi han như thế, bảo bà lý không sung sướng sao được. Nhưng ở đời, mấy khi ý định của người ta thành đạt, mấy khi hạnh phúc đến được dễ dàng như ý muốn. Thường thường cái khổ vẫn lẽo đẽo theo sau như một vị hung thần, chỉ đợi cơ hội tốt để chộp lấy người ta mà xâu xé mà vò nát.
Trong khi bà lý đương phấn khởi dấn bước, trong khi đời sống của bà đương đầy dẫy hy vọng thì một hôm, một buổi chiều hây hầy gió Đông nam, một buổi chiều hồng triệu chứng của một ngày mai tốt đẹp, bà lý đương nhẹ bước trên con đường làng lát gạch, cùng với các bạn buôn đi chợ Hộ về. Câu chuyện vui của bà đương làm cho các bạn cười ròn như nắc nẻ. Bỗng một tin dữ dội! “Sồi chết!” vụt đến đập mạnh vào thần kinh bà như sét đánh. Bà tái mặt, rụng rời cả tứ chi. Cái thúng đựng tơ lụa, từ trên đầu bà đổ ụp xuống đường. Bà ngồi sệp xuống theo. Những tấm lụa bán còn lại bừa bãi chung quanh. Bà kêu thất thanh:
- Ôi con ơi là con ơi! Ối trời cao đất dầy! Ối trời ôi! Khổ sở thân tôi. Khổ sở... - Bà không kêu được nữa, nằm gục xuống, cả thân bà rủn ra như sứa.
Các bạn ngạc nhiên đứng ngây ra nhìn, tri giác rối loạn làm át cả lòng thương xót. Vót đặt thúng của mình xuống vệ đường, nhặt những tấm lụa rũ tung, nhét vào thúng bà lý rồi giao cả thúng của bà lẫn thúng mình cho Lài, người bạn, đặt chồng lên thúng của họ. Đoạn Vót xốc nách bà lý nâng dậy:
- Ô hay! Bác lý! Lạ chưa, đã biết thực hư thế nào. Dầu sao thì cũng là số nó, chứ mình làm gì được. - Vót nhìn những người chung quanh - Các bác vực bà lý hộ tôi tí. Chắc là họ đòn nhầm, có phải không, bác Chính? - Vót vừa nói vừa lấy mắt ra hiệu cho người kia nói dối.
Xã Chính gái hiểu ý, trả lời:
- Thưa cụ, họ đồn nhầm đấy chứ. Cháu ở đằng... ở đằng kia về có thấy gì đâu.
... Bà lý đã hơi tỉnh, kéo lê từng bước, hai cánh tay choàng lấy vai Vót và xã Chính xốc nách hai bên. Bà nói, giọng mệt lả:
- Thôi đi, các người đừng nói dối tôi. Tôi biết. Con tôi chết rồi. - Bà thổn thức lại kêu - Trời cao đất dầy ơi! Cực nhục cực nhục... - Bà đuối hơi, nhược sức, rủ đầu xuống như một cây héo rũ ngọn.
Hai người xốc nách lôi bà về nhà như lôi một cái xác không hồn. Cái Gái em chạy ra, mặt tái mét. Nó há mồm chực nói thì Vót đi ra hiệu im. Nó lẳng lặng theo sau, hai gò má ướt đẫm nước mắt. Gái yêu Chút, coi mẹ Chút như mẹ đẻ ra Gái vậy.
Bà lý nằm vật ra giường, ngất đi từng hồi. Mỗi lần, hết cơn ngất, bà vật mình vật mẩy, kêu thất thanh như mấy lần trước. Mọi người thương hại rơm rớm nước mắt. Họ không còn cách gì, đành đứng yên nghe những tiếng kêu gào thảm thiết. Một lần, bà lý ngồi dậy, cố nhấc người lên đi, xong chân không giữ nổi thân, bà ngồi phịch xuống giường, mắt thao láo, nhìn vơ nhìn vẩn. Bà hỏi rồi bà lại tự trả trả lời: “Phải, tôi biết, các người đừng dối tôi. Con tôi chết rồi mà. Ối con ôi là con ôi!” Bà nói lảm nhảm. Bà gần như người điên.
Vót dặn dò mọi người trông nom bà lý rồi tất tả đi ra cổng. Vót còn hy vọng, mong cái chết của Sồi chỉ là một cơn ngất dài. Vót nghĩ: “Biết đâu, người ta có thể ngất đi hồi lâu. Cơn ngất ấy có thể nhầm là chết được”. Nhưng hy vọng của Vót mỏng manh như sợi tóc, lập lòe như một tia sáng rất yếu ớt. Vót đi được một quãng đã gặp nhiều người quen và cái chết của Sồi không còn có thể mập mờ được nữa. Còn vì cớ gì Sồi chết thì mỗi người nói một phách. Người thì bảo: Sồi chết vì cơn uất quá mạnh, làm xúc động đến cái thai, người ta bảo vì Sồi ngã, cái thai xổ ra ngoài. Người bảo thế này, người bảo thế nọ, Vót không sao biết đích xác được. Vót nóng ruột cắm đầu rảo bước mong cho chóng tới nơi nên càng thấy đường dài và bước chân đi chậm quá. Khi thấy trước cửa quán Đất, người đứng xúm quanh, Vót rụt rè, bước chậm lại. Vót thấy chồn chân. Nhưng đằng nào rồi Vót cũng phải tới đích. Vót không dừng lại hỏi han ai, rẽ đám đông, lách vào trong quán. Quy đương đôi co, lời ra tiếng vào với người anh cả Mẫn, chồng Sồi. Một người đàn bà đứng ôm đứa bé mới đẻ còn đỏ hỏn trong cái tã cũ rích. Chắc người ấy cũng đon đả, hay bỏ việc nhà, giúp việc người như Vót khi xưa. Không cần hỏi, Vót cũng biết là con Sồi. Giọt lệ thương tâm đọng trên gò má, Vót sẽ lật cái chiếu phủ trên mình người bất hạnh. Vót kêu sẽ như rên: “Chao ôi!... Khốn nạn!... Tội nghiệp!...”. Rồi hết giọt nọ đến giọt kia, theo nhau từ từ rơi xuống áo, xuống yếm. Vót lấy vạt áo lau mặt và sẽ buông manh chiếu che kín lấy thân Sồi. Mọi người cảm động, ứa nước mắt. Những tiếng: “Tội nghiệp nhà chị ta” lầm rầm khắp chung quanh. Không khí như nhiễm đầy tình thương xót và lạnh lẽo, rùng rợn.
Vót lẳng lặng bước ra, chợt thấy Mẫn ngồi ủ rũ ở góc quán, quán áo lam lũ, đầu tóc bơ phờ. Vót đi lại, cầm tay Mẫn kéo dậy:
- Ra bác bảo.
Hai người lững lững ra khỏi đám đông, đến một chỗ vắng. Vót, trước khi hỏi đầu đuôi việc xảy ra, khuyên Mẫn:
- Này Mẫn, bác bảo... Việc đã rồi, dẫu tài thánh cũng không sao kéo lại được... Nhưng còn đứa bé. (Vót bối rối không kịp hỏi là trai hay gái) cháu phải săn sóc chăm nom đến nó. Thế là trời thương hại còn để lại cho cháu chút con, tức là hình ảnh của vợ cháu. Cháu thương vợ cháu bao nhiêu thì cháu càng nên trông nom, săn sóc lấy đứa con. - Mẫn đứng ngây ra như khúc gỗ. Nó khổ sở quá, mệt nhọc quá. Nó đã khóc nhiều, không còn nước mắt đâu mà khóc nữa. Tim gan khô héo. Nó không còn tí máu mặt.
Vót ngừng một lát rồi hỏi:
- Sự thể làm sao mà lại đến thế, cháu kể qua lại cho bác nghe. - Sự tò mò muốn biết của Vót đã làm cho Vót không nghĩ gì đến nỗi khổ tâm của Mẫn, đã làm cho Vót quên rằng Mẫn càng kể càng thêm đau lòng, chua xót.
Mẫn thở dài rồi bắt đầu kể:
- Thưa bác, cháu nghĩ đến anh cháu lúc nào, cháu lại thâm gan tím ruột. Anh cháu tệ bạc quá, ác nghiệt quá, không còn có chút lương tâm nào. Rồi cũng có trời! Trời sẽ quả báo cho mà xem... - Nói đến đây Mẫn như nghẹn ngào vì lòng thù oán, căm tức. Mấy ngón chân bấm mạnh xuống đường như muốn dí bẹp một vật gì. Nghĩ một lúc Mẫn kể tiếp -... Nói ra càng đau lòng, chẳng qua chỉ tại nhà cháu hiền lành, đần độn quá... Khi chúng cháu còn ở tỉnh, thì mới hôm kia chứ lâu la gì, cháu đã giục nhà cháu vào nhà thương mà đẻ. Ở đấy có bà đỡ, có sẵn sàng đồ dùng, thuốc men. Mà nhà cháu lại sinh lần này là một. Cháu đã biết, việc đẻ con đầu lòng vẫn khó khăn, nguy hiểm lắm. Nhà cháu không nghe, cứ nằng nặc đòi về đẻ ở nhà quê cho được.. Không biết đứa khốn nạn nào đã dọa nhà cháu rằng đẻ ở nhà thương có khi người ta mổ xẻ ghê gớm lắm, làm cho nhà cháu khiếp sợ, coi nhà thương như một nơi hành hình.
Những người đến hỏi thăm tản dần. Trước cửa quán đã thấy vắng. Không nghe thấy tiếng phó Quy nữa. Hắn đã trở về, ý chừng để báo tin cho mẹ biết. Mọi người qua lại bàn tán, không ai để ý đến Vót và Mẫn.
Mẫn thở dài, kể tiếp:
- Cháu bắt đắc dĩ phải chiều ý nhà cháu. Cái lúc nhà cháu ngồi trên ô-tô hàng, cháu mới lo làm sao! Hai ba lần nhà cháu quằn quại đau bụng. Nhà cháu thì thầm vào tai cháu: “Không khéo đẻ ra đây mất, anh ạ”. Cháu run sợ, mặt tái mét như gà cắt tiết. Cháu phải vội nói sẽ: “Không, không việc gì”. Cháu chỉ sợ người tài xế hay người làm công nghe rõ, đỗ xe lại bắt xuống thì nguy quá.
Hai người đứng mỏi chân, cùng ngồi xổm xuống vệ đường. Mẫn tẩn mẩn nhổ những cây cỏ mọc ở khe gạch, Vót yên lặng nghe, tâm trí để cả vào câu chuyện. Mẫn lại kể:
- Thưa bác, một giờ ngồi trên ô-tô, cháu coi lâu bằng một thế kỷ... Lúc nhà cháu xuống, cháu sung sướng như người vừa thoát nạn. Cháu đinh ninh là nhà cháu sẽ được mẹ tròn con lành. Bác tính bước nguy hiểm trên xe như thế còn thoát được thì ai nào không tin một cách chắc chắn như cháu. Thế mà không ngờ!
Mẫn thở dài đưa mắt về phía quán mà rùng mình, tưởng cái quán như một nhà táng úp trên chiếc quan tài. Mẫn thốt ra mấy tiếng đau đớn:
- Trời ơi! Sao mà tôi khổ sở quá thế này.
Đoạn Mẫn lại kể:
- Cháu tưởng như thế là xong. Còn ai không tưởng như cháu. Khốn nạn, bác ạ, hai vợ chồng cả mừng. Hớn hở về nhà... anh cháu. Chúng cháu mua một chục bánh tây làm quà. Cháu đã biết, anh cháu, nhất là người chị dâu cháu (Mẫn dùng tiếng người cho giọng nói bớt thân) thích bánh tây lắm, coi như một của lạ. Vợ chồng họ thấy chúng cháu về chào hỏi mừng rỡ. Chả biết mừng thật hay mừng ngoài mặt. Cháu mở gói bánh ra. Chị ta rú lên: “Ối chà! Quý hóa quá”. Lũ trẻ xúm lại, tranh nhau cầm ngửi sung sướng lắm. Cháu thấy thế cũng mừng, mừng cho nhà cháu. Chuyện vãn hồi lâu, cháu nói đến việc nhà cháu về nhà quê đẻ để cho anh em, chị em, họ đương nâng đỡ. Cháu tưởng nói là nói chứ việc sinh đẻ là việc thường, nhất ở thôn quê lại càng coi thường lắm. Nào ngờ anh chị cháu sầm ngay nét mặt lại. Anh cháu vội kêu: “Ấy chết! Chú để thím đẻ ở đâu chứ chớ đẻ ở nhà tôi”.
Thật không ngờ, cháu không ngờ anh cháu lại có cái ý tưởng lạ lùng ấy. Anh cháu tiếp luôn: “Chú phải nghĩ đến tôi, đến gia đình nhà tôi, đến cả một ngành nhà ta”. Anh cháu nói thế là nghĩa thế nào, cháu không hiểu.
Mẫn vừa nói vừa ngắt vụn những lá cỏ rắc lên gạch. Vót chăm chú nghe. Bỗng có tiếng oe oe trẻ khóc từ trong quán vẳng tới. Mẫn nức nỏm khen cái người lạ nào đã bế ẵm đứa bé, cho nó bú, chăm nom đứa bé như một người mẹ hiền. Rồi Mẫn lại kể:
- Cháu không hiểu, nhưng rồi anh cháu bắt cháu phải hiểu, phải hiểu rằng: Từ thượng cổ không có cái gì xúi quẩy, lụn bại bằng trong nhà chứa một người đàn bà ở đâu đến đẻ. Táo bạo, liều lĩnh đến bực nào cũng không dám để một việc xảy ra như thế. Anh cháu nói như thế này, cháu còn nhớ lắm: “Chú ơi! Tôi chắp tay tôi lạy cả chú thím. Chú thím thương tôi, thương đến vợ chồng con cái nhà tôi. Chú mà để thím ấy đẻ ở đây thì bằng chú giết tôi, giết cả vợ chồng con cái nhà tôi. Sao chú lại nỡ tâm thế. Nhà anh chú mà lụn bại, tan nát thì chú có ngồi yên hưởng sung sướng được không? Thật tôi tưởng chú chả nên có cái tâm địa ấy. Thà chú cứ đạp đổ ngay cái nhà thờ này còn hơn”. Nói rồi hai vợ chồng họ ẩy nhà cháu ra sân, vừa ẩy vừa nói một cách tàn nhẫn: “Thôi thôi, chúng tôi xin, thím đi đâu đẻ thì đi, đừng đẻ ở nhà tôi”. Khốn nạn! Cháu trông thấy nhà cháu khóc khóc mếu mếu mà cháu thương hại... Dã tâm quá! - Mẫn vừa nói vừa lắc đầu, trề môi dưới ra để khinh bỉ cái hạng người quá tàn nhẫn, dã tâm đến thế là cùng.
Hai người ngồi đã chồn chân, đứng dậy thủng thỉnh trở lại quán, lúc ấy chỉ còn lẻ tẻ một vài người mới đến. Hai người cùng vào trong quán. Người đàn bà ẵm đứa bé lại gần, tủm tỉm cười nói:
- Nói dại đổ xuống sông xuống biển, thằng bé này hồng hào khỏe mạnh, dễ nuôi đấy cụ ạ.
- Thằng bé à, chị? - Vừa nói, Vót vừa cúi xuống ngắm đứa bé. - Chị tử tế quá. Không có chị thì thật bối rối không còn biết làm thế nào mà cứu được thằng bé. Thế nào Trời Phật cũng phù hộ cho chị.
Thằng bé oe oe khóc. Người đàn bà vội nhét đầu vú vào mồm thằng bé và sẽ nựng:
- À đây đây. Tôi đền, tôi đền.
Người ấy làm như thằng bé đã hiểu biết vậy. Mẫn khuyên người ấy nên để thằng bé khóc cho hả hơi. Người ấy không nghe, nói:
- Ai lại thế.
Hai người ngồi trên sàn gỗ. Sàn bên kia, cách một gian giữa, để trong là chỗ Sồi nằm đẻ rồi chết ngay đấy. Vót hỏi:
- Thế rồi sao nữa, hở cháu?
Mẫn kể tiếp:
- Cháu van lạy, xin cho nhà cháu đẻ ở dưới nhà ngang hay bất cứ xó nào cũng được, miễn nhà cháu đẻ được là nhất. Nói mãi, vật nài van lạy chán họ cũng chẳng nghe, cáu tiết, cháu bảo nhà cháu cứ xuống nhà ngang mà đẻ. Cháu vừa nói dứt câu, thì họ xúm vào lôi tuột nhà cháu ra cổng. Họ lôi mạnh quá nhà cháu ngã xoài nằm lăn ra đường. Cháu vội chạy đến nâng dậy. Vợ chồng họ được dịp vội đóng sập cổng, cài then chặt.
Nhà cháu vừa khóc thảm thiết vừa bảo cháu: “Thôi, họ đã dã tâm thế thì để tôi về nhà mẹ tôi, tôi đẻ vậy”. Cháu xốc nách, nâng đỡ nhà cháu đi. Những người gần đấy trông thấy cháu làm thế tủm tỉm cười, coi như một sự lạ, chướng mắt. Có người nào bảo nhỏ cháu: “Để chị ấy đi. Đừng làm thế họ cười cho đấy”. Cháu không nghe, cứ xốc nách, nâng đỡ nhà cháu đi.
Về đến quán, bỗng nhà cháu kêu đau, nhăn nhó, mặt tái mét: “Chết chửa, không khéo tôi đẻ ở đây mất!” Cháu vội đỡ nhà cháu vào trong quán. Nhà cháu nằm vật xuống sàn ngất đi. Một bà qua đây. Bà ta giục cháu chạy vội đi tìm bà Vị. Khốn nạn! Trời tạnh ráo hẳn hoi, đường thì lát gạch mà cháu ngã đến ba, bốn lần, hai đầu gối sứt bét.
Lúc trở về thì nhà cháu đã đẻ rồi và huyết ra nhiều quá. Cháu đoán là nhà cháu vì uất quá, sinh ra băng huyết. Nhà cháu lịm dần. Cháu lại gần. Nhà cháu nói được mấy tiếng: “Tôi chết mất, anh ạ!” Rồi lịm hẳn.
Nói đến đây, Mẫn nghẹn ngào, một tay ôm ngực thở.
Vót thương hại, khuyên:
- Thôi, cháu cũng đừng nên nghĩ ngợi quá thêm bận. Số kiếp nhà cháu có thế thôi. Cháu nên tĩnh dưỡng mà trông nom, nuôi nấng thằng bé, để cho nhà cháu chết đi cũng được ngậm cười chín suối... Này chị, chị gì nhỉ... à chị Mít, bây giờ tôi mới nhớ ra, chị bế cháu về nhà tôi nhé. Thương đến cháu, thật là một cái phúc to đấy. Cả cháu nữa, cháu cũng về nghỉ nhà bác. Đừng sang nhà bà nhạc cháu vội. Cháu mà sang thì bà ấy lại nghĩ đến con mà thêm khổ ra thôi. Nhớ đấy, đừng có sang bên ấy vội. Việc sắm sửa đồ khâm liệm, chôn cắt để mặc bác - Vót đứng dậy đi về phía khu ngoài, và nhà phó mộc thửa một áo quan mộc mạc nhưng gỗ tốt, rồi trở ra, đến hiệu khách mua vàng hương, nẽn, vải về khâm liệm.
Lúc trở về, Vót đi thẳng đến nhà bà lý, thấy bà đương ngồi khóc con. Bà kể lể thảm thiết, ai nghe cũng không thể cầm lòng đưạc. Ông lý đi ra đi vào, hết nhăn nhó lại thở dài. Vợ chồng phó Quy ngồi thừ trên phản nghe bà lý kể lể. Vót trở ra, biết lúc này không phải lúc an ủi.
Chiẽu, Vót sang vẫn thấy mẹ Sồi y ỷ khóc và kể lể như người điên. Vót thở dài, lắc đầu, nhếch mép cười ái ngại rồi lại trở ra. Mấy lần như thế. Vót nghĩ thầm: “Thế nào rối cũng có lúc bác ấy bớt khổ. Lúc ấy ta sẽ tìm lời an ủi”.
Sáng hôm sau, Vót lại sang. Bà lý nằm lả trên giường, suốt đêm hôm qua, bà không chợp mắt, nằm nói lảm nhảm. Bát cháo để cạnh dĩa muối trên ghế đẩu đã nguội lạnh. Ba bốn bà thím dỗ mãi chả được. Bà lý chỉ chốc lại uống một ngụm nước chứ nhất định không ăn. Bà kêu lắm, nói lắm đâm ra khản cổ, mất cả tiếng.
- Thôi, bác ấy không chịu ăn thì cháu chịu khó bưng xuống. Các bà ạ, chúng ta ra cả phản này ngồi, để bác ấy nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. - Các bà thím nể lời Vót, ra ngồi nói chuyện thì thầm trên phản, thỉnh thoảng đứng dậy, ghé đầu ra ngoài nhổ quết trầu. Bà lý mệt lả, nằm thiu thiu ngủ.
- Ta hãy về để bác ấy yên ngủ. Chốc nữa ta lại sang. - Vót nói giọng nhẹ nhàng, nhưng không biết Vót có sức mạnh gì mà, độc nói một tiếng là các bà kia nghe răm rắp.
Trưa, Vót lại sang, thấy các bà đã ngồi, uống nước ăn trầu, nói chuyện tự nhiên trên phản. Bà lý thấy Vót, sẽ đưa cặp mắt lờ đờ và chào bằng một giọng khàn đặc:
- Bác đã sang. - Bà không kể lể nữa, ngồi bó gối, thỉnh thoảng thở dài não nuột. Nét mặt bà buồn thiu, tóc bà rối bù trông rất thiểu não.
Vót không đá động gì đến cái chết của Sồi, không nhắc lại những việc khâm liệm, chôn cất mà Vót đã thân hành đảm đang, xốc vác hết. Vót nói những chuyện đâu đâu, nhất là chuyện buôn chuyện bán cốt để đưa trí nghĩ bà lý đến việc khác. Vót chẳng khác một ông thầy thuốc chuyên chữa bệnh thần kinh.
Tối mịt, Vót lại sang thấy trong nhà, ba gian vắng tanh, trơ trọi một mình bà lý nằm thở ngắn thở dài trên giường. Bà vẫn giữ nét mặt buồn thiu. Vót ngồi ghé xuống cạnh giường. Một lát Vót nói nhỏ nhẻ:
- Để tôi bảo cái Gái nó nấu cho bác tí cháo nhé?
- Thôi, cám ơn bác, tôi mệt lắm, chẳng muốn ăn gì cả.
- Ô hay! Mệt mỏi phải ăn cho nó tỉnh táo ra chứ, Gái ơi! - Cái Gái em cũng theo mẹ sang, đứng ngấp nghé ngoài cửa, thấy mẹ gọi, nó dạ một tiếng rồi bước qua ngưỡng cửa đi vào.
- Con lấy gạo tám nấu cho bác con tí cháo nhé.
Bà lý cảm động, nể lời Vót, để mặc cho Vót sai bảo. Vót ngồi kể đến chuyện vào lão sang năm; ông này sẽ làm to, ông kia sẽ làm nhỏ, ông này xin khoán chay với làng, ông nọ không đồng xu dính túi, phải bỏ làng trốn đi từ tháng trước. Bà lý tò mò nằm chú ý nghe. Nét mặt bà dịu dần. Một lúc lâu Gái bưng bát cháo nóng hôi hổi đặt trên cái khay, cạnh đĩa đường cát với cái thìa sứ. Vót giục ba bốn lần. Bà lý nể lời, ngồi dậy ăn. Vót đi lại, đứng trên phản lấy đóm tiếp ngọn đèn Hoa Kỳ sang ngọn đèn hai dây. Trong nhà đương mờ tối, bỗng bật sáng trưng. Không khí lạnh lẽo, buồn tẻ đã nhường cho không khí vui vẻ thân mật. Bà lý vẫn yên lặng và thỉnh thoảng thở dài. Vót thấy cơ hội đã đến, bèn cất tiếng dịu dàng như một người chị khuyên em, tuy Vót kém bà lý những bốn tuổi:
- Bác lý ạ... Đứa con nó trông kháu đáo để. Sau này trời cho nó ra người, bác sẽ có một thằng cháu ngoại khá giả.
- Nó sinh con trai à, bác? - Từ trước, họ đã báo tin cho bà biết nhưng bà chẳng để ý.
- Vâng, đứa con trai khỏe mạnh, tròn trĩnh, sáng sủa... Chị Mít tử tế quá, bác ạ. Chị ta bỏ cả việc nhà để bế ẵm cháu. Cả thằng con nhà chị ta, chị ta cũng ẵm sang nhà tôi. Tự nhiên một mình nuôi hai đứa trẻ. Ở đời lắm sự hay thật. - Vót ngừng nói, đi đến phản lấy hai miếng trầu đựng trong chiếc thau đồng con đưa cho bà lý một miếng, còn một miếng Vót bỏ mồm nhai nhỏ nhẻ và cười nói:
- Trời cho cánh mình cũng khá đấy chứ. Ngót sáu mươi tuổi đầu mà chưa rụng cái răng nào.
Bà lý hơi có vẻ tự đắc:
- Có bác, chứ tôi đã ngoài sáu mươi... Sáu mươi mốt, hơn nhà tôi hai tuổi. - Giọng bà nói khàn đặc.
- Tôi năm mươi bảy, chẳng kém gì bác mấy... Bác ạ, bác lo nghĩ có một hôm mà trông người bác sút hẳn đi. Tôi sợ bác lo nghĩ quá thành ốm thì hỏng bét... Cố mà ăn uống, tẩm bổ cho lại người đi, bác ạ. Ta còn buôn còn bán, còn phải lo bao nhiêu công việc như bác, bắt đầu từ tháng Giêng sang năm đã phải lo cho bác trai cái lão, lại không mất hàng bảy tám trăm, một nghìn ấy à... Rồi thằng Chút, bác còn phải làm nhà làm cửa, lấy vợ, gây dựng cho nó được vẻ vang... Ôi chà! Công việc cánh mình còn nhiều lắm.
Gái ngồi trên phản quay mặt vào nghe chuyện mẹ. Thấy mẹ nhắc đến Chút lòng Gái nao nao, cặp mắt Gái mơ mộng. Gái tưởng như Gái đã là vợ yêu của Chút rồi vậy.
Chuyện trò thân mật mãi đến khuya, hai mẹ con mới về.
Bà lý nằm nghĩ lại những lời khuyên chân thật của bạn. Bà càng suy nghĩ, càng thấy lời bạn là phải. Chồng bà dẫu chẳng ra gì cũng mang tiếng là chồng bà. Bà mà để chồng không mở mày mở mặt ra được với người ta, bà mà để cho chồng mất danh mất giá thì thanh danh “bà lý” của bà cũng mờ đi. Cái lão sang năm này mà không thành, chẳng nói gì không thành, chỉ luộm thuộm, khuyết điểm một chút là nhục nhã, khổ sở, điêu đứng với người ta... Lại còn thằng Chút, phải, thằng Chút, đứa con cưng của bà. Hiện giờ nó chưa có nhà cửa, chưa có vợ con. Bà còn phải gầy dựng cho nó. Rồi nhờ trời, nó lên cai lên đội, lên ông nọ ông kia. Lúc ấy bà sẽ bỏ tiền ra khao vọng cho nó. Thế mà bao nhiêu công kia việc nọ đều nhờ ở cái tay quán xuyến, đảm đang của bà, nhờ ở cái đời quý hóa của bà. Nói dại, bây giờ mà bà ốm nặng... nhắm mắt đi, thì cả một đời danh giá của chồng bà, cả một tương lai tốt đẹp của con bà sẽ đổ ụp. Không, bà không thể chán nản được, bà chưa thể nhắm mắt được. Bà còn phải trả cho hết cái nợ chồng con.

HẾT


Xem Tiếp: ----