Chương III

     ười sáu tháng Tám chị xã Bổng đã định đi cầu tự đền Kiếp với bọn ông khóa Vịnh. Nàng đã sắm được cái thúng con xinh xắn để đựng đồ lễ và nhuộm lại chiếc dây lưng thiên lý. Nàng đã sẵn sàng đủ cả, chỉ đợi ngày đi.
Nhưng ngày ấy càng gần, nàng càng thấy ngần ngại. Ý định nàng nhụt dần, rồi rút cục, nàng thoái thác bận, không đi nữa.
Đến khi chị em, bà con đi lễ về, kể chuyện lại. Nàng tiếc ngẩn tiếc ngơ, hối hận và tự an ủi: “Thôi được. Để đến hăm mốt tháng này ta trẩy hội Đồng Bằng”.
Năm hôm sau, chị em đến rủ, nàng lại thoái thác, lấy cớ rằng hội Đồng Bằng không phải hội để đi cầu tự, tuy mấy năm trước nàng vẫn gửi tiền ông khóa đi lễ ở đấy. Rồi nàng lại tiếc, lại hối hận như lần trước và tự hứa: nhất định tháng giêng sang năm đi trẩy hội chùa Hương.
Ngày tháng qua, hội chùa Hương đã đến. Bà con đi trẩy tấp nập. Bọn ông khóa còn đợi nàng. Nhưng nàng vẫn chùng chình, nấn ná hết ngày ấy sang ngày khác.
Tháng rộng ngày dài đi đâu mà vội! Hội chùa mai hết tháng hai mới vãn kia mà.
Rồi sau cùng, người ta không chờ nàng nữa, để nàng ở lại nhà mà tự trách:
“Chỉ có cắp thúng ra đi, cũng không sao đi được. Hay tại mình định trước mà ngài làm ngăn trở, không cho đi?”
Mẹ nàng không bằng lòng, mắng nàng không thiết gì đến việc sinh đẻ. Nàng chỉ cười, không đáp. Vì mẹ chồng đã mắng oan nàng. Nàng thiết lắm chứ. Mẹ chồng mong có cháu một phần thì nàng mong có con mười phần. Ấy cũng chỉ vì nàng mong ước quá mà đâm ra rụt rè để lỡ cơ hội. Nàng tưởng như ai cũng để ý đến việc nàng và cười thầm nên nàng tỏ ra vẻ sốt sắng.
Mùng hai tháng Ba, hội Phủ Giầy, nàng lại định thoái thác. Nhưng lần này mẹ chồng, mẹ đẻ và chú bác, cô dì giục giã, hết nói ngọt đến nói xẵng, nàng mới chịu cắp thúng ra đi, lòng không hết ngần ngại.
Nàng đi thẳng đến đằng ông khóa Vịnh. Các bà đi chợ thấy nàng ăn mặc như ngày Tết, liền hỏi: “Chị xã đi trẩy hội đấy à? Mang lộc thánh về cho chúng tôi với nhé!”
Nàng sượng sùng bẽn lẽn, trả lời nhu nhú trong mồm.
Đến cổng nhà ông khóa đã thấy vài chị em đứng đợi. Một chị kêu lên:
- Có thế chứ! Tưởng lại thoái thác lần nữa. Chúng tôi vừa đánh cuộc với nhau đấy. Đố biết ai được cuộc?... Ối chà! Thắt lưng mới nhuộm lại bao giờ mà như mới ấy nhì? Trông chị đẹp đẽ gọn gàng hơn tôi nhiều.
- Các chị cứ nói! Các chị son sẻ trông đẹp chứ tôi...
Một chị khác ngắt lời:
- Phải, son sẻ! Đẻ lắm nó thành ra sồ sề thì có.
Tuy nói thế mà trong lòng chị ta vẫn sung sướng, sung sướng vì đẻ nhiều. Chị ta đẻ từ mười sáu. Năm nay mới hăm bốn mà đã năm con rồi: bốn gái, một trai. Ý chừng chị ta đi cầu lấy một trai nữa. Vì nhiều gái mà mới có mỗi một trai cũng vẫn mang tiếng là hiếm hoi.
Chị em dắt díu nhau vào trong nhà, mỗi chị cắp một cái thúng con mới đẹp.
Các bà có tuổi ngồi cả trên phản kê ở gian cạnh. Bà cụ huyện cũng nhập bọn, ngồi ở phản bên kia. Cô cháu gái đứng cạnh bà vào chạc mười lăm, mười sáu, ăn vận lối tỉnh: khăn nhung, áo “sa tanh”, quần lĩnh “Sài Gòn”. Trong áo sa tanh lấp ló chiếc áo hàng “bom bay” màu hoa đào và chiếc ô cán sơn giả đồi mồi cầm nhăm nhăm trong tay. Trông cô có vẻ bẽn lẽn vì thấy mình khác hẳn bọn nhà quê tuy cô cũng quanh năm tháng ngày ở thôn quê.
Ông khóa Vịnh nằm bò trên chiếc phản ở gian giữa, ngay trước bàn thờ, đương cặm cụi viết cho xong mấy đạo sớ. Bên cạnh ông, một cái tráp sơn then ngỏ nắp, trong để bề bộn những lá sớ chưa kịp xếp gọn lại.
Thấy thêm chị xã, một bà làm ra vẻ ngạc nhiên:
- Ôi chào! Chị xã đấy à! Trốn tránh mãi, bấy giờ mới thấy mặt. Này, muốn có con mà không chịu đến cửa thánh thì đừng có hòng!
Các bà cười ồ làm nàng thẹn đỏ mặt. Một bà giục:
- Xong chưa, cụ khóa? Mau lên chứ, không có trưa mất rồi!
- Xong rồi đấy ạ. Gớm! Các cụ giục xồn xồn như giục đò thì còn ai biết đằng nào mà rờ.
Ông ngồi dậy, xếp các sớ vào đáy tráp, ngẩng lên thấy chị Bổng, ông nói trách:
- Sao không thoái thác ở nhà lần nữa! Mà chồng đâu? Người ta đã bảo: cầu tự thì phải có đôi kia mà!
-  Thưa cụ, - Nàng vừa nói vừa cười gượng - nhà cháu còn phải ở nhà trông nhà vì nhà cháu vắng lắm, cụ ạ. Bu cháu thì già lão lẩm cẩm.
Nàng nói thế chứ nàng cũng không muốn rủ chồng cùng đi, hòng khi việc cầu tự của nàng không có kết quả, nàng còn níu lấy cớ ấy mà đi cầu tự với chồng lần nữa.
Một bà giục:
- Ta xuất hành thôi chứ!
Ông khóa đứng dậy gọi:
- Ký Phát đâu?
- Dạ! - Một anh xanh xao, ẻo lả như đàn bà ở nhà dưới đi lên để nhận việc cắp tráp theo hầu ông khóa.
Một bà hỏi:
- Ô hay! Ký Phát cũng đi à?
Ông khóa vội trả lời:
- Vâng, hắn có số thờ. Mình cao số nặng làm hắn ốm lủng củng ròng rã ba bốn tháng trời nay. Hẳn bóng cô đấy, các bà ạ!
Bà cụ huyện từ nãy vẫn ngồi yên với cô cháu gái, bắt đầu nói:
- Thảo nào mà trông anh ấy như con gái.
Mọi người cùng cười. Ký Phát bẽn lẽn, cắp tráp đứng dựa cột.
Ông khóa cất tiếng gọi:
- Cu ơi! Đi ra cổng đứng đợi sẵn đấy nhé! Có đàn bà con gái thì bảo họ đi ngay nhé!
Một anh cao lênh khênh chạy qua sân ra cổng. Bà cụ huyện trách:
- Chú ấy lớn rồi mà ông cứ gọi chú ấy thế. Sao không đặt tên cho chú ấy.
Ông khóa cười, đáp:
- Chính tên nó là Phùng kia đấy. Nhưng thời còn mồ ma mẹ nó, mẹ nó cứ gọi là thằng cu, thành ra tôi cũng gọi quen mồm không sao đổi được.
Các bà, các cô đến từ sớm mà chùng chình mãi khi mặt trời lên khỏi ngọn tre mới khởi hành. Bà huyện đi đâu, rồi đến thầy trò ông khóa, các bà già, các bà có tuổi, sau cùng đến bọn trẻ phất phới những dây lưng màu lòe loẹt. Cô cháu gái bà cụ huyện cũng đi trong bọn ấy. Cô, ngày thường mặc áo nâu, yếm trắng, vẫn vào hạng đẹp có tiếng trong làng, nay đổi lốt, ăn vận tỉnh trông cứng nhắc.
Cả bọn đi thành một dãy dài như đám cưới. Những tiếng “Nam vô a di đà Phật!” chào nhau làm náo động sự yên lặng ngày thường của thôn quê.
Một lát, ra khỏi làng, cả bọn rẽ xuống ruộng đi tắt đến đường đê cho gần.
Sáng hôm ấy, trời ấm và tạnh ráo. Chung quanh, đồng lúa bát ngát. Mùi lúa non phảng phất thơm như mùi cốm mới. Những con cò trắng muốt bay là là trên mặt lúa xanh.
Xa xa, dòng nước bạc. Rải rác vài cây đa cổ thụ trùm lên những miếu con, vài mô cỏ biếc với những con trâu, những trẻ mục đồng như để thay đổi cho phong cảnh đỡ bằng phẳng.
Chị xã trong lòng khoan khoái, và sự ngần ngại ban nãy đã đổi ra sự vui sướng bồng bột.
Cái quán nước ở trên đê trông mỗi lúc một gần và dần dần thấy lố nhố những xe tay đứng đón khách. Rồi những tiếng mặc cả, những tiếng cười đùa của những bọn trẻ khỏe mạnh.
Nàng đứng trên đê nhìn lại xem nhà nàng còn trông rõ không. Nàng chỉ thấy một dải xanh om, lũy tre làng, một dãy tường trắng vây bọc lấy mấy cái mái ngói cổ của Văn miếu. Một cây đa nhô lên khỏi những ngọn tre, cành lá rườm rà, đánh dấu nơi quán chợ. Nhà nàng ở gần đấy...
- Kìa! Chị xã, không lên xe, còn đứng thưỡn ra mãi. Hay lại nhớ chồng đấy?
Đó là câu nói của một chị ngồi đợi trên xe. Người phu xe còn ghé vào quán làm bát nước chè nóng.
Nàng vội cắp thúng bước lên ngồi cạnh. Anh xe nhấc đôi càng, thân xe trở nên bằng bặn; chứ không dốc như trước khiến người ngồi trên nệm phải víu chặt lấy thành xe cho khỏi tuột xuống.
Hai chị em thấy êm êm, dễ chịu.
- Mau lên! Gớm ghiếc! Các xe đã đi cả rồi kia kìa!
Nhất là chị xã, từ thuở bé mới đi xe lần này là lần đầu. Nàng khoan khoái, nhìn khắp chung quanh. Phong cảnh vẫn quen quen thân mật như phong cảnh quê hương, vẫn ruộng lúa xanh rì, bát ngát, vẫn những lũy tre làng, những miếu con ẩn dưới những cây đa cỗi, vẫn dòng nước bạc chảy ngoằn ngoèo, vẫn một mùi thơm như mùi cốm non.
Nhưng ngồi lâu thấy tê chân, mỏi lưng, mỏi gối, nàng phải đổi chiều luôn và chỉ muốn xuống xe đi bộ hay muốn chóng đến nơi để được ngồi hàng nước nghỉ ngơi.
Chốc chốc nàng lại hỏi: “Đến chưa chị?”
- Con ạ.
- Bu bảo gì cơ? - Chút nằm giường bên kia, chống tay ngóc đầu lên hỏi.
- Con có qua tỉnh Đông thì rẽ vào thăm cái Sồi một tí kẻo tội nghiệp. Nó lấy chồng ba bốn năm trời nay, chưa con cái gì cả, mà chồng nó làm ăn nghe chừng cũng chẳng ăn thua gì.
Chút đặt mình xuống, nhìn xà nhà nói:
- Từ đây lên tận tỉnh Lạng xa lắm, phải đi một mạch mới kịp. Thôi để lần sau con sẽ rẽ vào thăm anh chị ấy. - Tính Chút không hợp với tính Sồi, nên Chút không ân cần lắm... Giá phải Hĩm nhưng Hĩm lại ở tận Cẩm Phả. Có đi, ít ra cũng mất một ngày. Nó tự hứa: lần sau thế nào nó cũng đến thăm chị Hĩm đã rồi mới về nhà.
- À này, con ạ. Mới rồi bu đi lễ miếu Nhị, có xin cho con quẻ thẻ. Thánh dạy: con phải giữ gìn cái tháng Tư, tháng Sáu, chớ đi sông đi ngòi, trèo đèo trèo núi mà mắc nạn đấy.
Chút không tin, nói giãn ra:
- À sào! Bu cứ hay tin nhảm... Với lại con làm lính, phải đi “Man-nớp” luôn, qua sông qua ngòi, trèo đèo trèo núi, kiêng thế nào được!
- Ấy chết! Có kiêng có lành, con ạ. Con nghe bu, nếu gặp phải những tháng ấy, con cứ nói thực với quan trên, xin phép nghỉ ở trại làm việc khác.
Chút chau mày:
- Việc nhà binh, bu làm như việc nhà không bằng... Vâng, thì đến những tháng ấy con sẽ xin phép quan trên ở lỳ trong trại. - Nói rồi Chít choàng tay ra sau gáy cười thầm.
Bà lý chốc chốc lại nói. Mà câu chuyện của bà có gì? Quanh quẩn lại những lời khuyên mà bà đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Và nói xong bà lại tự trách thầm: “Mình phải để cho nó ngủ chớ, mai nó còn ngược sớm kia mà”. Xong bà vẫn lải nhải khuyên con cho đến khi nghe tiếng con ngáy bà mới chịu nằm yên ngủ.
Sáng sớm tinh sương bà đã trỗi dậy, xuống bếp thổi nấu làm cơm cho con ăn. Bà không dành cho đầy tớ công việc ấy, cũng như khi xưa, bà không muốn ai săn sóc đến con nít của bà.
Chút vừa thức dậy, đã thấy mâm cơm bày giữa phản. Hai chiếc tỏi gà nùng nục những thịt dưới làn da mỏng, vàng như lụa đặt trên cái đĩa Tàu cổ.
- Con đi súc miệng, rửa mặt rồi ăn cơm, kẻo chốc nữa họ đến đông. Nhà còn vài cút rượu, có nhắm với tỏi gà thì nhắm.
- Vâng, uống một tí cho nóng bụng. - Vừa nói Chút vừa cam thau ra rửa mặt.
Bà lý xem xét mâm cơm:
- Tẹo ơi! (Tẹo là tên con đầy tớ). Thiếu đĩa muối đây này! Ra vại lấy dăm quả cà nén nữa để anh ấy ăn với nước suýt gà. - Bà chợt nhớ tới Quy - À chào! Kệ xác nó. - Nghĩ không nỡ, bà lại gọi Quy lên ăn với em.
Hai anh em đương ăn thì Vót sang. Một lát Gái cũng sang, nhưng thẹn không dám vào, đứng ngoài sân nói chuyện với vợ Quy.
Chút xỉa răng uống nước vừa xong thì mấy chú thím cùng vài người họ đến tiễn chân. Ông lý cũng vừa về. Ông nói dăm ba câu chuyện phiếm với Chút. Ông đổi với con cái bao giờ cũng lãnh đạm, thờ ơ, trái ngược hẳn bà lý. Ông chỉ thiết tổ tôm với xóc đĩa.
Từ lúc ăn uống xong cho tới lúc đi, Gái và Chút chẳng nói với nhau được câu nào. Có lẽ vì đông người, anh chị ngượng ngập xấu hổ.
Bà lý nhắc lại lời khuyên:
- Con chớ có đua đòi anh em chơi bời, chớ có đi cô đầu, nhà thổ nhỡ mắc bệnh vào thì khốn đấy.
Bà nhắc nhiều lần quá đến nỗi bà chưa nói hết câu, Chút đã biết hết rồi. Chút chỉ cười như nhắc mẹ: “Con biết rồi, bu nói đi nói lại mãi”. Bà thêm một ý mới: “Con nhớ gửi ‘tờ’ về cho bu luôn nhé. Đừng để bu nóng ruột”.
Chút cất mũ chào mọi người một cách niềm nở. Đi được vài bước, Chút quay lại chào Gái:
- Chị Gái ở nhà nhé. Lần sau về, tôi sẽ làm quà chị phong bánh khảo nhân chè lam. - Chút biết Gái thích thứ bánh ấy lắm.
Gái đỏ mặt, nói nhu nhú trong mồm:
- Em cám ơn anh. - Tiếng em, Gái nói sẽ quá, chỉ đủ cho Gái nghe thôi. Gái cảm động, thổn thức. Cặp mắt Gái trong, ướt, chỉ chực tuôn những giọt lệ nhớ nhung, thương mến xuống hai gò má hồng hồng.