Người dịch: ĐẶNG VĂN VIỆT
- 9 -

11. Một sai lầm tất yếu…

 

Thưa ngài đô đốc, ngày hãy nhận hết quyền lực!
Mùa hè năm 1945, những diễn biến đến dồn dập. De Gaulle viết: “Từ 15-6, tôi đã quyết định sự hình thành đoàn quân viễn chinh. Tướng Leclerc sẽ là người chỉ huy. Tôi đã bỏ qua nguyện vọng của ông ta trong vấn đề này:
- Cho tôi qua Marốc, Leclerc đề nghị khẩn khoản.
- Ông qua Đông Dương, tôi nói, vì ở đây khó khăn hơn.
Sau đấy, Leclerc phải lo việc tổ chức các đơn vị của mình. Việc đặt các đơn vị bộ binh, hải quân ở tư thế sẵn sàng, trong khuôn khổ của một binh đoàn phục vụ chiến trường Viễn Đông, là một việc rất công phu. Những người tình nguyện vào 2eDB không đông lắm. Đơn vị bộ binh 2eDB dưới quyền chỉ huy của trung tá Massu theo D’Argenlieu, nay chỉ còn là một đơn vị nhỏ bé. Thêm nữa, đối với người Mỹ, viêc đưa một binh đoàn quân đội Pháp đi vòng quanh quả đất trong lúc này chưa có gì là vội vàng, vì người Pháp chưa cần nó để đánh Nhật, và việc quân đội Pháp đến Đông Dương không làm cho họ vui lòng lắm. Quả bom nguyên tử thả ngày 6-8 trên đảo Hiroshima chấm dứt những trù trừ tránh né: đã đến lúc chấm dứt những vận động khéo léo để đưa quân đội Pháp vào chiến trường Thái Bình Dương. Con đường ngắn nhất để trở lại đông Dương hình như là đã được vạch sẵn: đó là đường qua Ấn Độ Dương và qua Mountbatten.
Chiều ngày 7-8-1945, Gaston Palewski, chánh văn phòng thông tin cho phó đô đốc D’Argenlieu, lời mong muốn của người đứng đầu chính phủ là bổ nhiệm ông làm Toàn quyền Đông Dương. Vừa bất ngờ, vừa cảm thấy hạnh phúc, phó đô đốc tự cho mình một kỉ luật của nội tâm, đó là để một đêm suy nghĩ. Ngày hôm sau, ông gửi thư cho Palewski, trong thư có đoạn: “Tôi nhận thấy thật là lớn lao và khó khăn, vì lợi ích của tổ quốc, về nhiệm vụ sẽ được giao. Việc này buộc tôi không thể từ chối, nếu quốc trưởng tin cậy đến tôi”. Sau đấy ông đi nghỉ mấy ngày với các anh em họ ở Mans. Dạo chơi trên đồng ruộng, qua các rừng thông, ông mơ màng suy nghĩ: “Chính ở Viễn Đông, nơi tôi chưa bao giờ được ở. Trong những năm 1941, 1942, 1943, lúc ấy tôi là Cao uỷ của nước Pháp ở Thái Bình Dương, mà tổng hành dinh thì đóng ở Mouméa, tôi chỉ có thể thình thoảng liếc mắt về phía Đông Dương”. Đúng vậy, ngày 9-7-1941, D’Argenlieu được tấn phong nhưng đến 5-11, ông mới đến Numêa và ngày 23-9-1942, ông rời Numêa để không bao giờ trở lại, trong sự không luyến tiếc của mọi người.
Ngày 13-8-1945, de Gaulle tiếp D’Argenlieu, chấp nhận nguyện vọng và giao cho D’Argenlieu chức vụ Cao uỷ, một chức vụ trức thuộc thủ tướng chính phủ. Ông cũng chỉ định người chỉ huy quân sự: tướng Leclerc (binh đoàn trưởng, hơn D’Argenlieu một sao) và mong muốn cả hai cùng hợp tác vạch ra một chương trình hành động phối hợp được hai nhiệm vụ. Đô đốc viết:
“Chiều thứ tư 15-8, tướng de Gaulle hẹn gặp tôi để nói rõ trách nhiệm của Cao uỷ là thế nào. Mọi việc xong xuôi. Tôi lên đường qua Đông Dương, và bắt tay vào việc. Buổi chiều, tướng Leclerc đã gặp tôi. Chúng tôi đã quen nhau từ tháng 10-1940 ở Doula và chúng tôi đã gặp nhau nhiều lần. Mong muốn của ông ta là được giữ chức Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Pháp ở Viễn Đông. Tôi đề nghị ông lập một phương án để tôi xem xét”.
Leclerc giấu sự ngạc nhiên của mình và bắt tay vào làm việc, với sự thoả thuận của D’Argenlieu, ông tự dành cho mình những quyền hành của một Tổng tư lệnh. Ông nghĩ là những phương tiện quân sự ít ỏi hiện có, nên đặt dưới quyền của một người chỉ huy mà thôi. Ngày 14, Langlade, Tổng Thư kí của Hội đồng Đông Dương, trình bày phương án trên với tướng de Gaulle. De Gaulle bác bỏ phương án đó. Ông không muốn cho Leclerc cái danh nghĩa ấy và quyền hành ấy.
Ngày hôm sau (15-8), ngày mà Nhật đầu hành, bản phương án được D’Argenlieu trực tiếp trình bày với De Gaulle. Đô đốc viết:
“De Gaulle đứng trong phòng làm viêc của mình, theo dõi bản báo cáo. Ông đến ngồi ghế của bàn làm việc, tay cầm bút, ông nói:
- Ngài Đô đốc D’Argenlieu, tôi muốn rằng ông là Tổng chỉ huy, là người viết các thông tư chỉ thị.
- Thưa ông, sứ mệnh làm Cao uỷ đối với riêng tôi nó đã quá nặng.
- Không cần, tôi đề phòng những tranh chấp vè quyền lực bằng cách tập trung tất cả quyền hành vào tay Cao uỷ.
Trên những văn bản trình lên ông, ông phải tự tay sửa chữa, bỏ chữ này thêm chứ kia. Có thể làm thay đổi cả bản gốc. Tôi tránh gây chuyên và suy nghĩ. Tôi được nghe đọc lại biên bản. Tôi đành chấp nhận ý của De Gaulle và hỏi qua chuyện khác.
- Tôi phải chấp hành lệnh của ngài về Đô đốc Decoux như thế nào.
Tôi được trả lời tức khắc và ngắn gọn:
- Ông có trách nhiệm, bằng máy bay và không chậm trễ, đưa ông ta về Paris, các đô đốc Decoux, Bérenger, tướng Aymé. Tướng Mordant cũng phải đưa về Pháp bằng đường không. Chú ý đến vai trò của các ông này trong kháng chiến”.
Tiếp theo là thống kê các lực lượng mỏng manh đặt dưới quyền chỉ huy của hai ông. Một quyết định ngoài sức tưởng tượng! Phó đô đốc Cao uỷ vừa là Tổng chỉ huy nắm trong tay mọi quyền lực. Để tỏ ra có sự phân biệt, de Gaulle không tiếp Leclerc, mà cũng từ ngày 18-7, ông không có dịp gặp. Ông phong cho D’Argenlieu lên chức đô đốc 4 sao, nghĩa là tương đương với Leclerc.
D’Argenlieu chỉ còn việc là xin phép nhà thờ(1), ông viết tiếp: “Để đạt được mục đích trên, thứ hai ngày 20-8, đức cha Roncalli đã tiếp tôi rất lịch sự và nhận từ tay tôi lá đơn có tờ trình. Ông tỏ sự thông cảm và duyệt y dễ dàng”.
Ngày 16-9, de Gaulle bổ sung vào thông tư gửi cho D’Argenlieu bằng một bức thư, ông nhấn mạnh: “Nếu phía Đồng minh có cho ông những công việc tốt, ông phải cương quyết từ chối. Chúng ta không có giải quyết việc cho người của chúng ta qua sự gợi ý của người ngoại quốc…”.
Người của chúng ta: đó là cách nhìn cũ kĩ của con người “của thời đại đế chế”, một cách nhìn tối nguy hiểm và không thích ứng.
Để kết thúc, ngày 27-9, sứ thần toà thánh cho phép đức cha R. P. Louis de la Trinité nhờ ơn đặc biệt cảu thánh thần, được ra khỏi bức tường của sine die(2)”.
Chú thích:
(1) Georges, Luxiơ, Mari, Tiơry D’Argenlieu (1889-1964) gia nhập Trường Hàng hải năm 1907. Trung uý hải quân năm 1919, ông theo đạo năm 1920, theo dòng Carmes dé Chaux. Năm 1939, ông được phong Đức cha, cùng lúc ông bị huy động vào quân đội… Ông sang Anh vào tháng 7-1940. Đến 23-9-1940, ông thất bại trong nhiệm vụ là đại biểu quốc hội ở Đaca trong việc liên kết AOF với nước Pháp. Đến tháng 11-1940, ông được đặt dưới quyền của tướng De Gaulle trong chiến dịch Gabon. Trừ thời gian ở Novell Caledoni, thời gian còn lại ông ở bên cạnh tướng De Gaulle.
(2) Sine die: không thời hạn.