Ông lão Phúc đúng là người dở tính mất rồi. Đứa con đẻ đứt ruột thì không thương, lại cứ đi chi chút cho cái thằng cha vơ chú váo ở đẩu đâu ấy? Nói thằng cha vơ chú váo là nói theo ngôn ngữ thằng con đẻ của lão. Chứ thực tình, thằng cha vơ chú váo ấy đâu phải dân mèo mả gà đồng, mà chính là ông chủ tịch xã, một người có vai vế trong làng. Ngay cứ nhìn bề ngoài cũng đủ thấy ông thuộc hạng sang trọng. To béo. Bệ vệ. Da dẻ đỏ au. Trông chẳng khác gì quan huyện thời đế quốc phong kiến. Người đàn ông đường bệ ấy ai ngờ lại có số vất vả. Cứ như lời ông nói thì ông phải nương cửa người mới thoát mệnh yểu. Thế là ông xin làm con nuôi lão Phúc. Tất nhiên, cũng theo lời ông ta thì đó chỉ là cái phép để lừa ông giời thôi. Mặc dù thế, lão Phúc cũng sướng lắm. Tự dưng, chẳng mất công sinh nở, nuôi dưỡng, lão có thêm một thằng con, mà đâu phải hạng tầm thường, buôn lông gà lông vịt nhếch nhác như thằng con đẻ của lão. Thằng con này, lại đường đường một ông chủ tịch xã. Thế là thoắt cái, lão thành bố chủ tịch. Điều trước đây, có nằm mơ lão cũng chẳng dám nghĩ tới.Chỉ có thằng con đẻ lão là khó chịu.- Bố chớ vội mừng? Con thấy hắn chẳng tử tế gì đâu. Cái thằng chuyên đục khoét dân mà lại gọi là đầy tớ của dân...- Nhưng tao thì có gì mà nó đục khoét?- Bố không có gì, sao hắn lại xin làm con nuôi bố? Tại sao hắn không làm con nuôi bao ông bà già vất vưởng không có ai nương tựa, đang phải sống nhờ chính sách xã hội ở trong làng kia?- Mày nói đến chó cũng không thể nghe được. Người ta có cái số phải nương cửa người thì cũng phải chọn người hợp số mà nương chứ?Chẳng biết lão Phúc có hợp số ông chủ tịch không nhưng xem ra lão quý con nuôi lắm. Hầu như ngày nào, hai bố con cũng ngồi gật gù với nhau bên ấm nước vối đặc.- Trông bố dạo này vượng lắm. - ông con nuôi chăm chú ngắm lão Phúc. - Bố phải sống đến trên trăm tuổi chứ chẳng ít đâu.Lão Phúc nghe nở gan ruột:- Thế mà thằng em anh nó lại bao da tôi dạo này xấu lắm. Trông cứ bạc phếch như da thằng chết trôi?- Chết, sao chú ấy nói gở thế?- Thì nó rủa cho tôi chết mà? - Giọng lão Phúc hổn hển. - Tôi là Phúc mà hoá vô phúc. Có mỗi thằng con trai thì lại chẳng ra gì. Mà nó nói khó nghe lắm. Toàn dùi đục chấm mắm cáy. Chưa mở mồm ra đã cạn lời rồi. May mà còn có anh...Đúng là không có thằng con nuôi thì lão Phúc buồn lắm. Mà xem ra, bố con hợp chuyện nhau. Người tung, kẻ hứng, nghe nhịp nhàng, uyển chuyển lắm. Chẳng bù cho thằng con đẻ mất dạy của lão. Càng ngày, lão càng thấy khó chịu với thằng con đẻ. Cứ gặp nhau là bố con lại cãi nhau. Đấy, con đã bảo bố phải chịu khó ăn mà bố không chịu ăn uống gì cả. Chẳng thuốc thang nào bằng ăn. Cứ ăn nhiều khắc khoẻ. Bố tích cóp làm gì. Làm sao bố cứ sợ khi chết không được chu tất. Bố khỏi lo. Nếu chẳng may, bố có phải nằm xuống thì con khắc lo liệu đầy đủ, không để vong linh bố phải hổ thẹn với dân làng.Đấy, cứ mở mồm là nó lại rủa mình chết. Trước đây, lão Phúc đã thấy khó chịu. Còn bây giờ thì lão bực. Mà bực lắm, hầu như lần nào gặp bố cái thằng sắng cá ấy cũng chỉ nói độc một giọng càn quấy như thế.- Dạo này bố không được khoẻ lắm đâu. Miệng bố hôi lắm. Miệng hôi là dấu hiệu của bệnh tật đấy. Bố phải đi viện khám ngay đi. Mà con dặn này, khi nói chuyện với người ngoài, bố đừng ghé sát vào mặt người ta. Kinh lắm. Do lịch sự mà người ta không nói. Nhưng bố phải biết rằng, người ta rất sợ hôi miệng. Nhiều cặp vợ chồng bỏ nhau cũng chỉ vì chuyện ấy. Con mua cho bố nước súc miệng đây này? Ngày nào bố cũng nhớ là phải súc miệng.- Mày nói thế, hoá ra tao là cái thằng thối mồm à? Đồ mất dạy?Lão Phúc phủi đít, đứng dậy. Mặt tái ngắt.- Bố đừng trách chú ấy. Dẫu sao, chú ấy cũng còn trẻ người non dạ. - ông con nuôi lão lại thẽ thọt. - Chỉ có trẻ con mới ăn nói bậy bạ, mất lập trường quan điểm như thế. Chứ bố đâu có hôi mồm. Nếu miệng bố hôi thì con phải biết chứ... Thế là lão Phúc lại thấy bình tâm, trong bụng lại sướng âm ỉ. Đấy, con cái cứ phải tử tế như vậy chứ? Thế là bao nỗi căm ghét, bực bội, lão lại trút xuống đầu thằng con đẻ. Cho đến một hôm, thằng ôn vật ấy cho người chở về nhà một đống gỗ lim. Thoạt đầu, lão tưởng nó đóng bàn, đóng tủ. Hoá không phải.- Gỗ tốt đấy, bố ạ. - Anh con trai tỏ vẻ thông thạo. - Nó thuộc hàng tứ thiết. Hiếm lắm. Con sắm cho bốc hậu sự...- Mày định chôn sống bố mày à? Cút - Lão Phúc gầm lên. - Mày cút ngay khỏi nhà tao. Thằng ôn dịch! Cút!Anh con trai bấy giờ mới ngớ người ra. Anh cứ nghĩ may vớ được gỗ tốt thì tậu trước cho bố cỗ hậu sự ở nhà quê, người ta thường sắm trước cỗ hậu sự cho bố mẹ già, ngay từ lúc các cụ vẫn còn đang khoẻ. Khi chưa dùng đến thì cỗ hậu sự làm hòm đựng ngô khoai, thóc lúa. Trong làng, có bao nhà như thế. Chính lão Phúc có lần đã từng khen thằng con trai lão Hợi tậu cho bố cỗ hậu sự tốt quá. Trông cứ sướng cả mắt. Bây giờ, cũng vì lão ghét con nên sự việc mới thành to chuyện. Cứ tưởng lão Phúc chỉ giận con nhì nhằng như mọi lần thôi, nào ngờ ba ngày sau, lão đệ đơn ra Uỷ ban. Đơn xin ly con. Tất nhiên, ủy ban không thể giải quyết được. Lão đành chuyển đơn lên luật định, chỉ có vợ chồng bỏ nhau, chứ không có chuyện bố bỏ con. Toà không quyết thì lão tự quyết. Lão cấm cửa thằng con, không cho đến nhà. Cả khi lão chết, nó cũng không được đến. Hơn tháng sau, lão Phúc đổ bệnh. Lão nằm liệt giường. Anh con trai tất tả lo thuốc thang, rồi lại phải nhờ qua cửa bác cả: - Tôi biết ông cụ rất giận tôi. Tôi tới, sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ cụ, nên trăm sự phải cậy nhờ bác. Bác chuyển thuốc thang và đồ ăn cho cụ giúp tôi. Cứ coi như bác chăm nuôi cụ. Tôi biết ông cụ rất quý bác. Thôi thì tôi góp của, còn bác góp công... Để cứu bố, người con đẻ đã bán dần mọi thứ trong gia đình. Khi tài sản không còn gì nữa, thì anh bán nốt căn nhà mái bằng. Chị vợ run rẩy: - Bán mất nhà rồi thì ở đâu?- Trước mắt, ta nương nhờ ông bà ngoại. Chờ bố nguôi ngoai rồi thì về. Khi ông cụ quy tiên thì ta ở đó luôn, rồi còn hương khói cụ nữa chứ. Cả một cơ ngơi rộng ngan ngát thế, ai trông nom cho.Lão Phúc tắt thở vào nửa đêm. Chính căn bệnh viêm phổi và chảy máu dạ dày đã giết chết lão. Nếu lão nghe lời con trai sớm phòng bệnh và trị bệnh thì đâu đến nỗi đổ nhanh đến thế. Đám tang lão Phúc tổ chức khá linh đình. Chưa bao giờ, làng Quyết Thắng có đám ma to như thế. Cờ phướn rợp đường. Khách khứa nườm nượp đến viếng bố ông chủ tịch. Dân làng xì xào bàn tán. Người khen lão Phúc về già tốt số, tự dưng giời lại cho thằng con nuôi sang đến thế. Mà xem ra, thằng con nuôi lại tử tế hơn thằng con đẻ. Người thì bảo lão chủ tịch thật cáo già. Lão không mất gì mà lại được tiếng thơm. Cũng chẳng phải tống ông bố thật mà vẫn tổ chức được một đám tang linh đình, hót đến mấy chục triệu tiền phúng. Khi rạp vừa dỡ xong, ông chủ tịch đã cho thằng con cả dọn đến ở để trông nom hương khói ông. Thằng bé vừa cưới vợ, vẫn còn đang ở tạm nhà bố mẹ. Lúc bấy giờ anh cơn đẻ mới ngã bật ngửa khi thấy bác cả xỉa ra cái giấy chuyển giao quyền thừa kế nhà cửa cho con nuôi của ông cụ thân sinh anh, có cả dấu xác nhận của ủy ban xã. Ai ngờ ông cụ ghét anh ghê gớm đến thế. Bây giờ, ngay cả khi đã chết rồi, ông cụ vẫn còn đuổi anh ra đứng đường. Tất cả cũng chỉ vì anh quá lo cho bố, đã nói toàn những điều thật lòng mà quên mất rằng, con người ta vốn không chịu được những lời nói thẳng, nói thật, cho dù là một ông lão ở cái xó. Thôi, ý cụ đã quyết thế rồi thì tôi cũng đành phải tuân theo thôi. Chỉ cầu xin bác cho một ơn huệ...- Chú muốn gì? - Bác xắn lại cho tôi xin một mét đất...- Để chú làm gì?- Tôi xây một cái miếu thờ bố tôi..