Dich thuật: Vũ Mạnh Hồng & Nguyễn Hiền Chi
Chương 9
CÁC VƯƠNG QUỐC DÂN SỰ

Bây giờ tôi xin bàn về cách thứ hai. Theo cách này, một người dân thường trở thành đấng quân vương do được những đồng bào của mình suy tôn chứ không phải bằng thủ đoạn độc ác hay sự tàn bạo không thể dung thứ.
Đây có thể gọi là vương quốc dân sự. Vương quốc này giành được không hoàn toàn nhờ tài trí hay vận may mà nhờ vào sự khôn khéo gặp thời. Tôi xin lưu ý là những quân vương như vậy có thể được đưa lên ngôi báu bởi dân chúng hoặc giới quý tộc. Có hai khuynh hướng đan xen trong mọi thể chế chính trị. Dân chúng không muốn bị giới quý tộc cai trị và hà hiếp trong khi giới quý tộc thì lại muốn cai trị và đè nén dân chúng. Từ hai khuynh hướng đối lập đó, ba trường hợp có thể xảy ra: chế độ quân chủ, thể chế tự do hoặc tình trạng vô chính phủ.
Một vương quốc ra đời có thể do dân chúng hoặc do giới quý tộc, tùy thuộc vào bên nào có thời cơ. Khi tự lượng sức không thể đối chọi với dân chúng, giới quý tộc sẽ ủng hộ việc đưa một người trong bọn họ lên ngôi vua, mong núp bóng quân vương này để thỏa mãn những tham vọng riêng của mình. Cũng như vậy, khi nhận thấy không thể đương đầu với giới quý tộc, những người dân thường sẽ ủng hộ việc đưa một cá nhân lên làm vua với hy vọng người đó sẽ hàm ơn và dùng quyền lực để che chở cho họ.
Quân vương nào có được vương quốc nhờ giới quý tộc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì ngôi báu so với quân vương lên ngôi nhờ sự hậu thuẫn của dân chúng. Bởi vì xung quanh vị quân vương này là những kẻ tự cho rằng bọn chúng ngang hàng với ông  nên ông sẽ không thể cai trị hay đưa bọn chúng vào khuôn phép theo ý muốn được. Trong khi đó, quân vương nào được dân chúng tôn lên ngôi vua sẽ có địa vị độc tôn và hầu như chẳng có kẻ nào dám chống lệnh ông.
Hơn nữa, đối với giới quý tộc, quân vương không thể đồng thời làm hài lòng kẻ này mà lại không khiến kẻ khác thiệt thòi. Thế nhưng dân chúng chắc chắn sẽ cảm thấy hài lòng vì nguyện vọng của họ chính đáng hơn so với giới quý tộc. Dân chúng mong muốn không bị đè nén, áp bức còn giới quý tộc thì muốn hà hiếp dân chúng. Hơn nữa, một quân vương không bao giờ an toàn khi bị dân chúng căm thù bởi vì đây là một lực lượng vô cùng đông đảo.
Thế nhưng quân vương có thể tự bảo vệ khi đối đầu với giới quý tộc vì chúng chỉ gồm một số ít người. Điều tồi tệ nhất mà một quân vương có thể gặp ở đám dân chúng thù địch là bị bỏ rơi. Trong khi đó, giới quý tộc thù địch thì không chỉ bỏ rơi ông mà chúng còn liên kết chống lại ông. Do khôn ngoan và hiểu biết hơn, giới quý tộc luôn kịp cứu bản thân mình, cầu cạnh phe cánh có khả năng chiến thắng. Quân vương luôn phải sống giữa một đám dân chúng gần như không có sự thay đổi nào nhưng lại có thể dễ dàng thay đổi giới quý tộc bằng quyền năng dựng lên và triệt hạ bọn chúng bất kỳ lúc nào. Quân vương có thể tước bỏ hay ban phát chức tước cho giới quý tộc bất cứ khi nào ông muốn.
Để làm rõ điểm này, theo tôi, có thể nhìn nhận giới quý tộc theo hai loại chính sau đây. Loại quý tộc đầu tiên hành động hoàn toàn nhằm cống hiến cho sự nghiệp của ngài, còn loại thứ hai thì không có sự tận tâm như vậy. Những nhà quý tộc có sự tận tâm lớn nhưng không tham lam thì đáng được kính trọng và yêu quý. Đối với những nhà quý tộc không tận tâm, ngài có thể đánh giá theo hai khả năng. Nếu như bọn họ hành xử do sợ hãi và bản tính hèn nhát thì ngài nên khai thác, đặc biệt khi đó là những quân sư tài giỏi.
Lúc thịnh, bọn họ có thể đem lại cho ngài danh tiếng, còn tới lúc suy bọn họ không đáng sợ. Nhưng nếu là những kẻ xảo quyệt và bị tham vọng chi phối, chúng sẽ không tận tâm với ngài. Đây là dấu hiệu cho thấy chúng nghĩ đến bản thân nhiều hơn là đến ngài. Bậc quân vương phải để mắt đến loại quý tộc này như những kẻ thù trực diện bởi vì khi khó khăn, đây luôn là nguyên nhân góp phần dẫn tới sự sụp đổ của ông.
Tuy nhiên, quân vương nào lên được ngôi báu nhờ sự hậu thuẫn của dân chúng sẽ luôn phải duy trì sự thân thiện với dân chúng. Đây là một điều dễ dàng đối với quân vương vì nguyện vọng duy nhất mà người dân muốn được quân vương đáp ứng là không bị áp bức. Người nào được giới quý tộc đưa lên làm vua trái với ý nguyện của dân chúng thì điều trước tiên phải làm là tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng. Đây là một điều rất dễ dàng nếu quân vương biết đặt dân chúng dưới sự che chở của mình. Con người thường cảm kích hơn khi nhận được ân sủng từ những kẻ mà họ cho rằng lẽ ra đã xử ác với họ.
Dân chúng sẽ nhanh chóng bày tỏ thiện cảm với vị quân vương này và sự ủng hộ còn nhiều hơn so với trường hợp quân vương được dân chúng đưa lên ngôi báu. Quân vương có thể tranh thủ tình cảm của dân chúng bằng nhiều cách. Vì cách nào được dùng tới còn tùy theo hoàn cảnh nên không có một quy tắc cố định nào. Do vậy, tôi không bàn về những quy tắc đó. Chỉ xin kết luận rằng, quân vương cần phải tranh thủ được cảm tình và sự ủng hộ  của dân chúng. Nếu không được lòng dân, quân vương sẽ bị bỏ rơi khi hoạn nạn.
Nabis40, vua xứ Sparta, đã chống trả được các cuộc tấn công của tất cả các thành bang của Hy Lạp cũng như của một trong những đội quân La Mã thiện chiến nhất. Ông đã bảo vệ thành phố và vương triều của mình trước các cuộc tấn công của kẻ thù. Khi nguy hiểm đến gần, ông chỉ cần dựa vào một lực lượng nhỏ là đã đủ để tự bảo vệ. Lực lượng này chắc chắn sẽ không đủ nếu như dân chúng thù địch với ông.
[40 Nabis: Làm vua xứ Sparta sau năm 207 TCN, bị La mã và người Hy Lạp tấn công năm 195 TCN trong suốt thời kỳ Chiến tranh Macedonian lần thứ hai]
Có thể có ai đó sẽ phản bác ý kiến này của tôi bằng cách trích dẫn câu tục ngữ quen thuộc: “Người nào gây dựng sự nghiệp nhờ dân chúng thì giống như xây lâu đài trên cát”. Tôi xin được nói rằng câu tục ngữ này chỉ đúng trong trường hợp một quân vương xây dựng nền móng  của mình dựa vào dân chúng nhưng lại nghĩ rằng dân chúng sẽ buông tha ông ta khi ông ta chịu để kẻ thù hoặc bọn quan lại lấn át (khi ấy ông ta sẽ phải thất vọng, như anh em nhà Gracchus thành Rome41 hay Giorgio Scali42 thành Florence).
[41 Anh em nhà Gracchus thành Rome: Tiberius Sempronius Gracchus (chết năm 133 TCN), nhà cải cách và quan bảo dân nổi tiếng người La Mã, và anh trai là Gaius Sempronius Gracchus (chết năm 121 TCN). Cả hai đã chết khi đấu tranh bênh vực cho tầng lớp dân nghèo thành Rome.
42 Giorgio Scali: Một người Florence giàu có trở thành lãnh tụ của phong trào bình dân sau cuộc nổi loạn Ciompi năm 1378. Scali bị chặt đầu năm 1382 sau khi khởi xướng cuộc tấn công vào lâu đài của một vị quan tòa Florence.]
Nhưng nếu vị quân vương đó là một người có tài lãnh đạo, giàu nghị lực, không run sợ trước nguy nan, và có đầy đủ các phẩm chất cần thiết khác, thì ông sẽ giữ vững được ý chí của dân chúng bằng lòng dũng cảm và các thiết chế của mình. Một bậc quân vương như vậy sẽ không bao giờ phải thất vọng vì người dân của mình. Ông sẽ thấy rằng ông đã gây dựng được một nền móng vững vàng.
Các vương quốc loại này thường bị hiểm nguy khi chuyển từ hình thức dân sự thuần túy sang hình thức chính quyền chuyên chế. Với chính quyền chuyên chế, quân vương thường tự mình cai trị hoặc cai trị thông qua tầng lớp quan lại.
Khi cai trị thông qua tầng lớp quan lại, vị thế của quân vương sẽ yếu hơn và dễ bị đe dọa hơn bởi quân vương hoàn toàn phụ thuộc vào ý nguyện của những kẻ được bổ nhiệm nắm giữ các chức quan. Bọn quan lại này, đặc biệt là trong lúc khó khăn, có thể dễ dàng chiếm giữ vương quốc bằng cách chống đối ra mặt hoặc bằng cách không tuân lệnh. Trong những thời điểm hiểm nguy này, quân vương sẽ không có đủ thời gian thâu tóm lại quyền lực tối cao. Do đã quen với việc thi hành mệnh lệnh của bọn quan lại nên trong cơn hoảng loạn, dân chúng sẽ không sẵn lòng tuân lệnh quân vương.
Trong những hoàn cảnh rối ren, quân vương khó lòng tìm được người thân tín. Một vị quân vương như vậy không thể dựa vào những gì ông vẫn thấy trong yên bình khi người ta cần tới quyền lực của ông. Khi yên bình, mọi người vây quanh, hứa hẹn và sẵn lòng xả thân cho quân vương bởi vào lúc đó chẳng cần tới sự hy sinh nào.
Nhưng vào thời điểm khó khăn khi quốc gia cần những công dân thực sự, sẽ chỉ có rất ít kẻ sẵn lòng. Phép thử này là vô cùng nguy hiểm vì không có cơ hội thực hiện lần thứ hai. Một quân vương khôn ngoan cần tìm ra cách để trong mọi hoàn cảnh và vào mọi lúc, thần dân của ông đều cần đến uy quyền của chính ông và của quốc gia. Khi đó, các thần dân sẽ luôn trung thành với ông.